Dám Bị Ghét - Chương 11

Làm thế nào thấy mình có giá trị

Chàng thanh niên: Vậy, cụ thể phải tiếp cận như thế nào? Không khen ngợi cũng không mắng mỏ thì còn lựa chọn nào khác nữa?

Triết gia: Cứ hình dung một đối tác ngang hàng giúp đỡ cậu làm việc, cậu sẽ có câu trả lời ngay. Chẳng hạn, khi một người bạn giúp cậu dọn dẹp phòng, cậu sẽ nói gì?

Chàng thanh niên: Thì, tôi nói "cảm ơn".

Triết gia: Đúng vậy, chúng ta nói lời "cảm ơn" với người đã giúp đỡ mình. Hoặc bày tỏ niềm vui chân thành "tôi vui lắm". Nói những lời lẽ thể hiện lòng biết ơn như "may là có cậu giúp". Đây là phương pháp khích lệ lòng can đảm dựa trên mối quan hệ hàng ngang.

Chàng thanh niên: Chỉ như vậy thôi sao?

Triết gia: Đúng. Quan trọng nhất : là không "đánh giá" người khác. Những lời lẽ đánh giá đều xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc. Nếu có thể xây dựng mối quan hệ hàng ngang thì sẽ nói ra nhiều câu thể hiện sự biết ơn, sự tôn trọng, niềm vui chân thành hơn.

Chàng thanh niên: Hừm. Có thể quả thực đánh giá là những lời lẽ xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc. Nhưng liệu từ "cảm ơn" có sức mạnh lớn đến mức giúp người khác lấy lại được lòng can đảm không? Cho dù là lời lẽ xuất phát từ mối quan hệ hàng dọc thì tôi vẫn cho rằng được khen sẽ vui hơn.

Triết gia: Được khen nghĩa là nhận đánh giá "tốt" của người khác. Và đánh giá hành vi đó là "tốt" hay "xấu" lại dựa trên tiêu chí của người khác. Nếu mong muốn được khen, chỉ còn cách làm theo tiêu chí đánh giá của người khác, kìm hãm tự do của chính mình. Trong khi đó, "cảm ơn" không phải đánh giá mà là lòng biết ơn thuần túy. Khi nghe lời cảm ơn, con người biết được rằng mình đã cống hiến cho người khác.

Chàng thanh niên: Dù được người khác khen là "tốt" cũng không cảm thấy đã cống hiến được sao?

Triết gia: Đúng vậy. Tâm lý học Adler rất coi trọng từ "cống hiến" này, điều này cũng liên quan tới những vấn đề ta sẽ bàn sau đây.

Chàng thanh niên: Thầy nói vậy nghĩa là sao?

Triết gia: Chẳng hạn, làm thế nào để con người có được lòng can đảm. Adler cho rằng "Chỉ khi có thể nghĩ rằng mình có giá trị thì con người mới có được lòng can đảm".

Chàng thanh niên: Khi có thể nghĩ rằng mình có giá trị?

Triết gia: Khi bàn về tự ti, chúng ta đã nói đây là vấn đề giá trị mang tính chủ quan nhỉ? Có thể nghĩ rằng "mình có giá trị" hay cho rằng "mình là một tồn tại vô giá trị"? Nếu nghĩ được "mình có giá trị", người đó có thể chấp nhận bản thân như vốn có, đồng thời xây dựng được lòng can đảm đối diện với các nhiệm vụ cuộc đời. Vấn đề ở đây là "làm thế nào để có thể thấy mình có giá trị"?

Chàng thanh niên: Đúng đấy! Thầy phải làm rõ điều đó!

Triết gia: Đơn giản lắm. Khi có thể nghĩ rằng "mình có ích cho cộng đồng" thì con người sẽ cảm nhận được giá trị của mình. Đây là câu trả lời của tâm lý học Adler.

Chàng thanh niên: Mình có ích cho cộng đồng?

Triết gia: Có thể nghĩ rằng mình có tác động đến cộng đồng, nghĩa là tác động đến người khác, nghĩ rằng "mình có ích cho ai đó". Có thể nghĩ rằng "mình đang cống hiến cho người khác" bằng chính cảm nhận chủ quan của mình chứ không phải vì được người khác đánh giá là "tốt". Nghĩ được như thế, chúng ta mới có thể cảm nhận được giá trị của mình. Cả "cảm thức cộng đồng" và "khích lệ lòng can đảm" mà chúng ta đã bàn luận từ đầu đến giờ đều liên quan mật thiết đến điều này.

Chàng thanh niên: Hừm. Đầu tôi lại rối tung cả lên rồi.

Triết gia: Bây giờ chúng ta đang đi vào trọng tâm của vấn đề đang bàn luận. Cậu hãy cố gắng theo kịp. Quan tâm đến người khác, xây dựng mối quan hệ hàng ngang, khích lệ lòng can đảm - tất cả đều gắn kết với cảm giác thấm thía về cuộc đời "mình đang có ích cho ai đó", từ đó có thể gia tăng lòng can đảm để sống.

Chàng thanh niên: Có ích cho ai đó. Chính vì thế mà mình có giá trị để sống... à...

Triết gia: ... Chúng ta nghỉ một chút nhé. Cậu uống cà phê không?

Chàng thanh niên: Vâng, cho tôi xin một tách.

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Những bàn luận về cảm thức cộng đồng lại càng khiến chàn thanh niên thêm hoang mang. Không được khen ngợi, cũng không được mắng mỏ. Những lời lẽ đánh giá người khác đều xuất phát từ "mối quan hệ hàng dọc", chúng ta phải xây dựng mối quan hệ hàng ngay. Và chỉ khi có thể nghĩ rằng mình có ích cho người khác, chúng ta mới cảm nhận được giá trị của mình... Lập luận này có một lỗ hổng lớn ở đâu đó. Chàng thanh niên cảm thấy như vậy. Vừa uống cà phê, anh vừa nhớ đến ông mình.

Chỉ có mặt ở đây là đã có giá trị

Triết gia: Thế nào, cậu đã sắp xếp lại các : ý chưa?

Chàng thanh niên: ... Tôi đang từ từ sắp xếp, đã có manh mối rồi. Nhưng hình như thầy không nhận ra vừa rồi mình đã nói một điều vô cùng hoang đường. Một quan điểm nguy hiểm có thể phủ nhận mọi thứ trên thế giới.

Triết gia: Chà chà, đó là gì vậy?

Chàng thanh niên: Chỉ khi có ích cho ai đó mới có thể cảm nhận được giá trị của mình. Nếu nói ngược lại thì người không có ích cho người khác sẽ không có giá trị. Thầy nói như vậy nhỉ? Nếu nghĩ như thế thì những đứa trẻ sơ sinh, những người già và người bệnh nằm liệt giường sẽ không có đến cả giá trị để sống.

Tại sao à? Để tôi kể cho thầy về ông của tôi. Hiện giờ ông tôi đang ở trong viện dưỡng lão, phải nằm một chỗ. Do bị suy giảm trí nhớ nên ông không nhận ra con cháu, chưa kể lúc nào cũng cần có người chăm sóc. Dù có ưu ái đến mấy cũng không thể nghĩ rằng ông có ích cho ai đó. Thầy hiểu phải không, thưa thầy? Quan điểm của thầy giống như là nói với ông tôi "người như ông chẳng có tư cách để sống"!

Triết gia: Tôi tuyệt đối phủ nhận điểm này.

Chàng thanh niên: Thầy định phủ nhận thế nào?

Triết gia: Khi tôi nói về khích lệ lòng can đảm, có bậc cha mẹ đã phản đối rằng "con tôi từ sáng đến tối chỉ nghịch ngợm, chẳng có tình huống nào để tôi nói 'cảm ơn' hay 'may mà có con giúp' cả". Có lẽ câu chuyện cậu vừa kể cũng giống vậy.

Chàng thanh niên: Đúng vậy. Giờ hãy cho tôi nghe thầy định biện minh như thế nào!

Triết gia: Hiện tại cậu đang đánh giá người khác ở cấp độ "hành vi", nghĩa là theo chiều hướng "người đó đã làm được gì?" Đúng là nếu suy nghĩ theo quan điểm đó thì có lẽ người già nằm liệt giường, phải nhờ mọi người xung quanh chăm sóc sẽ chẳng có ích gì cả.

Vì vậy, đừng đánh giá người khác ở cấp độ "hành vi" mà ở cấp độ "tồn tại". Đừng đánh giá người khác "đã làm được gì" mà hãy bày tỏ niềm vui, nói lời cảm ơn đối với chính việc họ tồn tại.

Chàng thanh niên: Cảm ơn việc tồn tại? Thầy đang nói gì vậy?

Triết gia: Nếu suy nghĩ trên cấp độ tồn tại thì chỉ cần chúng ta "có mặt ở đây" đã là có ích cho người khác, đã là có giá trị. Đó là sự thật không có gì phải nghi ngờ.

Chàng thanh niên: Không, không. Thầy đùa thì cũng nên có mức độ thôi! Chỉ "có mặt ở đây" cũng có ích cho ai đó, đó là quan điểm của tôn giáo mới nào vậy?

Triết gia: Giả sử mẹ cậu gặp tai nạn giao thông. Bà ấy ở trong tình trạng hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, cậu không hề nghĩ xem mẹ mình "đã làm được gì" nữa, Chỉ cần bà còn sống là hạnh phúc rồi, chỉ cần hôm nay tính mạng của bà vẫn còn là hạnh phúc rồi.

Chàng thanh niên: Tất... tất nhiên là vậy rồi!

Triết gia: Cảm ơn sự tồn tại là như vậy đó. Người mẹ dù đang ở trong tình trạng nguy, kịch, không "làm được gì" nhưng chỉ riêng việc bà còn sống đã an ủi được cậu và gia đình, đã là "có ích".

Tôi có thể nói về chính cậu điều tương tự như vậy. Nếu tính mạng cậu gặp nguy hiểm, thì khi cậu vừa được cứu sống, những người xung quanh hẳn sẽ cảm thấy rất vui mừng vì "cậu đang tồn tại". Họ không đòi hỏi hành vi trực tiếp gì từ cậu cả, chỉ riêng việc cậu bình an vô sự, cậu tồn tại ở đây, lúc này đã khiến họ biết ơn lắm rồi. Ít ra thì không có lý do gì để không nghĩ như thế. Đừng nghĩ đến bản thân ở cấp độ "hành vi" mà trước hết hãy chấp nhận ở cấp độ "tồn tại".

Chàng thanh niên: Tình huống thầy đưa ra là những tình huống rất hiếm hoi. Cuộc sống thường nhật lại khác!

Triết gia: Không. Giống nhau thôi.

Chàng thanh niên: Giống ở chỗ nào cơ chứ? Thầy hãy lấy một ví dụ đời thường hơn xem nào! Nếu không tôi sẽ không bị thuyết phục đâu!

Triết gia: Được rồi. Khi đánh giá người khác chúng ta thường xây dựng "hình tượng lý tưởng đối với mình" rồi đánh giá bằng cách làm phép trừ từ hình tượng đó. Chẳng hạn, cha mẹ luôn hy vọng con cái mình vâng lời, học hành và chơi thể thao đều giỏi, sau đó đậu trường đại học tốt, vào làm ở một công ty lớn. So sánh với hình tượng đứa con lý tưởng - chẳng hề có thật - đó rồi cảm thấy vô số điểm bất bình với con mình. Từ 100 điểm của hình tượng lý tưởng dần dần hạ điểm xuống. Bản chất của "đánh giá" chính là như thế.

Đừng làm thế, đừng so sánh con mình với bất kỳ ai, nhìn nhận con mình như bản thân nó vốn có, và vui mừng, biết ơn vì con đang ở đây. Đừng trừ điểm dần từ hình tượng lý tưởng mà xuất phát từ điểm 0. Làm như vậy chắc chắn sẽ biết ơn chính "sự tồn tại" của con."

Chàng thanh niên: Hừm, suy nghĩ kiểu lý tưởng nhỉ. Vậy ý thầy bảo hãy nói "cảm ơn" với cả những đứa con không đi học, chẳng chịu đi làm, cứ giam mình trong nhà sao?

Triết gia: Tất nhiên rồi. Giả sử đứa con cứ giam mình trong nhà có ý giúp đỡ rửa chén bát sau khi ăn xong. Lúc này, những người thốt ra câu "không cần làm mấy chuyện này đâu, con hãy đi học đi" là những cha mẹ đang làm phép tính trừ từ hình tượng đứa con lý tưởng. Cứ làm thế sẽ dẫn đến kết quả là lấy mất dần lòng can đảm của con mình. Nhưng, nếu có thể thốt ra lời "cảm ơn" chân thành, có thể đứa trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của mình, dám bước thêm một bước nữa.

Chàng thanh niên: Chà, đãi bôi quá! Đó chỉ là những lời lẽ lố bịch của một kẻ đạo đức giả! Chả khác nào điều răn Thiên Chúa giáo "hãy yêu người thân cận" cả. Những lời thầy nói nào là cảm thức cộng đồng, nào là quan hệ hàng ngang, nào là biết ơn sự tồn tại. Ai có thể làm được điều đó cơ chứ?

Triết gia: Đúng là đã có người đặt ra câu hỏi như vậy cho Adler về vấn đề cảm thức cộng đồng. Khi đó, câu trả lời của Adler là thế này. "Phải có ai đó đi bước đầu tiên. Dù những người khác không hợp tác cũng chẳng liên quan đến ngài. Lời khuyên của tôi thế này. Ngài cần phải đi bước trước. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không " Tôi cũng có lời khuyên như vậy dành cho cậu.

Con người không thể tùy cơ ứng biến thay đổi "mình"

Chàng thanh niên: ... Cho tôi sao?

Triết gia: Đúng vậy. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không.

Chàng thanh niên: Vậy, tôi xin hỏi lại lần nữa. Thầy nói rằng "Con người chỉ cần sống là đã có ích cho ai đó, chỉ cần sống là có thể cảm nhận được giá trị của mình", phải không?

Triết gia: Đúng.

Chàng thanh niên: Nhưng, nói thế nào nhỉ. Tôi đang sống đây. "Tôi" chứ không phải ai khác đang sống đây. Nhưng tôi lại chẳng thể cho rằng mình có giá trị.

Triết gia: Cậu có thể giải thích thành lời tại sao cậu không thể cho rằng mình có giá trị không?

Chàng thanh niên: Chính là vì mối quan hệ giữa người với người mà thầy nói đấy. Từ nhỏ đến giờ, những người xung quanh tôi, nhất là bố mẹ tôi đều coi tôi là đứa em chẳng làm được gì cho ra hồn. Họ chẳng hề công nhận tôi. Thầy nói rằng giá trị là thứ bản thân tự mang lại cho mình. Nhưng đó chỉ là lý thuyết suông thôi.

Chẳng hạn, công việc tôi đang làm hằng ngày tại thư viện, nghĩa là phân loại sách trả rồi đặt lại vào giá sách, là một nhiệm vụ mà nếu quen thì ai cũng có thể làm được. Giả sử tôi không đi làm nữa thì cũng có nhiều người có thể thay thế. Tôi chẳng qua chỉ cung cấp sức lao động chân tay mà thôi, nên làm việc ở đó có là "tôi" hay ai đó khác hoặc là máy móc thì cũng chẳng sao. Chẳng một ai cần "tôi như thế này". Trong tình trạng như thế, tôi có thể tin vào bản thân mình không? Tôi có thể cảm nhận giá trị của mình không?

Triết gia: Câu trả lời theo quan điểm tâm lý học Adler đơn giản lắm. Đầu tiên là xây dựng mối quan hệ hàng ngang với người khác, chỉ một người thôi cũng được. Rồi bắt đầu từ đó.

Chàng thanh niên: Thầy đừng coi thường tôi! Tôi cũng có bạn đấy! Tôi đang có mối quan hệ hàng ngang rất tốt đẹp với họ.

Triết gia: Tuy vậy, cậu lại đang xây dựng mối quan hệ hàng dọc với cha mẹ, cấp trên với đàn em và những người khác.

Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi có phân biệt giữa mọi người. Ai chẳng thế cơ chứ.

Triết gia: Đây là một điểm rất quan trọng. Xây dựng mối quan hệ hàng dọc hay xây dựng mối quan hệ hàng ngang. Đây là vấn đề lối sống, con người không phải là một tồn tại khéo léo đến mức có thể tùy cơ ứng biến thay đổi lối sống của mình. Không thể "với người này thì quan hệ hàng ngang, với người kia thì là quan hệ trên dưới".

Chàng thanh niên: Thầy bảo là chỉ có thể chọn một trong hai, quan hệ hàng dọc hay quan hệ hàng ngang thôi?

Triết gia: Đúng. Nếu cậu có xây dựng mối quan hệ hàng dọc với ai đó, thì trong lúc còn chưa nhận ra, cậu đã coi mọi mối quan hệ là "quan hệ hàng dọc" mất rồi.

Chàng thanh niên: Ý thầy là tôi đang coi mối quan hệ bạn bè cũng là quan hệ hàng dọc?

Triết gia: Không sai. Cho dù không hẳn theo quan hệ cấp trên và cấp dưới nhưng vẫn sẽ nảy sinh những suy nghĩ "Cậu A hơn mình nhưng cậu B kém mình", "Mình nên nghe lời A nhưng không nghe B", hoặc "Với C thì lỡ hẹn cũng chẳng sao".

Chàng thanh niên: Hừm!

Triết gia: Mặt khác, nếu có thể xây dựng mối quan hệ hàng ngang với một ai đó, một mối quan hệ bình đẳng thực sự, thì đó sẽ là bước ngoặt lớn về lối sống. Hãy coi đó là bước đột phá để tất cả các mối quan hệ trở thành "hàng ngang".

Chàng thanh niên: Ái chà... tôi có thể phản bác lại tất cả những lời nói đùa này dễ thôi! Ví như, thầy thử nghĩ đến công ty chẳng hạn. Xây dựng mối quan hệ hàng ngang giữa giám đốc và nhân viên mới trong công ty là điều không thể đúng không? Trong xã hội của chúng ta, mối quan hệ trên dưới là một thiết chế, bỏ qua điều đó nghĩa là bỏ qua trật tự xã hội. Bởi vì một nhân viên mới ở độ tuổi 20 làm sao có thể nói năng với giám đốc ở độ tuổi 60 như bạn bè được phải không?

Triết gia: Quả thực kính trọng người lớn tuổi là điều quan trọng. Nếu là tổ chức công ty thì hiển nhiên có sự khác nhau về chức vụ và nhiệm vụ. Tôi không nói là hãy quan hệ như bạn bè, hãy đối xử như với bạn thân với bất kỳ ai. Mà điều quan trọng là bình đẳng về mặt ý thức và giữ vững chủ kiến.

Chàng thanh niên: Tôi không thể đưa ra những ý kiến ngạo mạn với cấp trên, cũng không định làm vậy. Nếu tôi làm thế sẽ bị nghi ngờ là thiếu thường thức xã hội.

Triết gia: Cấp trên là gì vậy? Cái gì mà ý kiến ngạo mạn chứ? Nhìn mặt đoán ý, tuân theo quan hệ hàng dọc, đó mới là hành vi vô trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm của bản thân.

Chàng thanh niên: Vô trách nhiệm ở chỗ nào cơ chứ?

Triết gia: Giả sử cậu nghe theo lệnh của cấp trên mà công việc thất bại thì đấy là trách nhiệm của ai?

Chàng thanh niên: Thì là trách nhiệm của cấp trên rồi. Là mệnh lệnh nên tôi chỉ tuân theo thôi, đưa ra quyết định là cấp trên mà.

Triết gia: Cậu không có trách nhiệm gì?

Chàng thanh niên: Không hề. Trách nhiệm là của cấp trên đã ra lệnh. Cái đó gọi là trách nhiệm ra lệnh trong tổ chức.

Triết gia: Không phải. Đó là lời nói dối cuộc đời. Chắc chắn cậu có thể từ chối, có thể đưa ra cách tốt hơn. Chính là để tránh mâu thuẫn trong quan hệ, để trốn tránh trách nhiệm, mà cậu đã nghĩ rằng "không thể từ chối" và bị động tuân theo mối quan hệ hàng dọc.

Chàng thanh niên: Vậy thầy bảo tôi cứ cãi lại lời cấp trên? Ôi chao, lý thuyết thì là thế. Về mặt lý thuyết thì hoàn toàn đúng như thầy nói. Tuy nhiên, làm sao có thể làm được! Không thể xây dựng một mối quan hệ như thế!

Triết gia: Liệu có đúng thế không? Hiện giờ cậu đang xây dựng mối quan hệ hàng ngang với tôi, thẳng thắn thể hiện suy nghĩ của mình. Đừng có nghĩ này nghĩ kia cho phức tạp, cứ bắt đầu từ đây là được.

Chàng thanh niên: Từ đây?

Triết gia: Đúng vậy, từ thư phòng nhỏ này. Tôi đã nói đối với tôi, cậu là người bạn không thể thay thế rồi nhỉ?

Chàng thanh niên: ...

Triết gia: Không phải sao?

Chàng thanh niên: ... Tôi thật sự biết ơn điều đó. Nhưng tôi sợ lắm! Tôi sợ đón nhận đề xuất đó của thầy!

Triết gia: Cậu sợ gì?

Chàng thanh niên: Là nhiệm vụ bạn bè đây! Tôi chưa từng là bạn của người lớn tuổi nào giống như thầy. Tôi không biết có thể có tình bạn với người hơn mình nhiều tuổi như thế không, hay phải coi đó là mối quan hệ thầy trò!

Triết gia: Trong cả tình yêu lẫn tình bạn, tuổi tác chẳng ảnh hưởng gì. Đúng là cần có lòng can đảm nhất định trong nhiệm vụ tình bạn. về mối quan hệ giữa tôi và cậu, chúng ta cứ từng bước rút ngắn khoảng cách là được. Không gần gũi quá mức, nhưng hãy giữ khoảng cách giơ tay ra là chạm đến.

Chàng thanh niên: Xin hãy cho tôi thời gian. Xin hãy cho tôi thời gian để suy nghĩ một mình thêm một lần nữa, một lần nữa thôi. Buổi tranh luận hôm nay có nhiều điều cần suy nghĩ quá. Tôi sẽ về nhà, một mình ngẫm nghĩ.

Triết gia: Cần có thời gian mới hiểu được cảm thức cộng đồng. Hiểu được tất cả vào lúc này, ngay tại đây là điều không thể. Cậu hãy về nhà, đối chiếu với những điều ta đã tranh luận từ đầu đến giờ rồi suy nghĩ cho kỹ.

Chàng thanh niên: Cho phép tôi làm như thế... Dù sao thì thầy đã giáng cho tôi một đòn mạnh khi bảo tôi không chú ý đến người khác, chỉ quan tâm đến mình đấy! Thầy quả là một người đáng sợ!

Triết gia: Ha ha ha. Xem ra cậu nói câu đó rất vui vẻ nhỉ.

Chàng thanh niên: Vâng, tôi thấy rất thoải mái. Tất nhiên tôi cũng có lúc đau nữa, đau nhức toàn cơ thể, như nuốt phải kim vậy. Nhưng quả nhiên là thấy thoải mái vô cùng.

Hình như tôi nghiện tranh luận với thầy rồi. Lúc nãy tôi mới nhận ra, có những vấn đề mà tôi không chỉ muốn phản bác lại thầy mà còn muốn bị thầy phản bác nữa.

Triết gia: Chà, phân tích thú vị lắm.

Chàng thanh niên: Nhưng thầy đừng quên! Tôi chưa chịu từ bỏ hẳn ý định phản bác lại thầy cũng như bắt thầy quỳ gối đâu!

Triết gia: Tôi cũng đã thảo luận rất hào hứng, cảm ơn cậu! Khi nào suy nghĩ xong xuôi hãy tới gặp tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3