Để yên cho bác sĩ "Hiền" - Chương II

Để yên cho bác sĩ "Hiền"
CHƯƠNG II: NGHỀ. Để gió cuốn đi (2)
gacsach.com

Chuyện xảy ra vào ngày mùng 6 tết, nó cũng giống rất nhiều câu chuyện khác mà mình gặp, đến mức nó trở thành chuyện thường ngày ở huyện, thường đến mức xót xa, đến mức đôi khi mình tự hỏi, mình làm có đúng hay không!? Hôm nào stress quá, mình chỉ lên chùa, nơi mẹ đ koược gửi lên đó 10 năm trước, để ngồi nói chuyện với bác sư trụ trì. Lần nào cũng như lần nào, sư đều cười bảo : "con cứ tích phúc cho con cháu mình, con ạ"và mình lại về tiếp tục vòng quay của cuộc sống.

Dịp Tết nào cũng vậy, bệnh nhân vào cấp cứu đông đến mức có hôm không còn cáng để nằm và bệnh nhân được phân loại nhẹ phải ngồi ghế chờ khám, ưu tiên cáng cho bệnh nhân nặng hơn. Ngày mình trực cũng vậy, một mình cùng mấy bạn nội trú làm đến không có thời gian ăn trưa. Bệnh nhân già khuôn mặt khắc khổ được con đưa đến khám trong tình trạng gầy sút cân và khàn tiếng trong 2 tháng. Thông thường, bệnh nhân không có tình trạng cấp cứu sẽ được chuyển ra phòng khám hoặc cho về để đi khám chuyên khoa ngày hôm sau (hôm đó vẫn là nghỉ Tết). Con bệnh nhân bảo đi bốn viện rồi và làm rất nhiều xét nghiệm vẫn chưa tìm ra bệnh cho bố nên đưa đến đây nhờ các bác sĩ giúp đỡ. Mình tặc lưỡi giữ bệnh nhân lại làm chẩn đoán, liệt dây thanh quản bên trái, chụp cắt lớp cổ và ngực tại viện khác chưa phát hiện bất thường. Khi khám lâm sàng, mình để ý thấy bệnh nhân có tiền sử bệnh gút nhưng biểu hiện đau khớp không điển hình, ngón tay dùi trống và ông khẳng định bản thân không bị bệnh phổi mãn tính. Mình nghi ngờ bởi nếu ông bị hội chứng Pierre Marrie không điển hình, kèm Liệt dây thanh trái, thì tổn thương phải chèn ép vị trí thần kinh quặt ngược trái và vị trí khó thấy trên CT, nhất là vị trí quai động mạch chủ nơi dây quặt ngược luồn qua, đồng thời phải loại trừ phình tách động mạch chủ. Mình bèn cho bệnh nhân chụp lại CT ngực và ghi rõ chú ý.

Có kết quả chụp, mình đọc là bình thường. Lúc ấy, bệnh nhân bắt đầu khó chịu và cho rằng : "chúng nó làm tốn tiền mình" mình không tin lắm vào kết quả và cho bác sĩ nội trú cầm phim đi hội chẩn hai bác sĩ chuyên khoa sâu hơn. Sau vài tiếng đồng hồ, anh bạn bên khoa chẩn đoán hình ảnh xem lại phim và nghi ngờ của khối u bất thường nhỏ, sát quai động mạch chủ rất khó đọc và đề nghị cho bệnh nhân sang chụp lại cắt lớp lát mỏng hơn bằng máy độ phân giải cao hơn để khẳng định chẩn đoán. Chưa kịp giải thích xong, bệnh nhân nổi đoá lên và chửi, con cái cũng chửi : "Tại sao các anh chị làm ăn tắc trách bắt người nhà tôi đi đi lại lại nhiều thế? Sao không chụp một lần cho xong đi, để người ta nằm mấy tiếng trời ở đây?" Và không đồng ý chụp lại. Rồi những thứ đáng ra nó phải theo con đường tự nhiên khác ra ngoài thì chúng từ miệng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tuôn ra như suối chảy. Mình sững sờ, các bạn nội trú sững sờ. Rồi mọi việc cũng xong, mình quyết định dừng chẩn đoán và chuyển bệnh nhân đi. Rồi nơi khác gọi điện cho mình bảo : "Sao em không làm nốt chẩn đoán cho bệnh nhân đi? Trên này không có máy độ phân giải cao, bệnh nhân đông thế thì còn lâu nữa mới gửi sang chụp lại được." Rồi anh bạn nổi đoá với mình mắng : "tại sao ngày Tết mày giở rói làm chẩn đoán làm gì? Bệnh nhân đông chết cha đi! Tao nghe người ta chửi điếc hết cả tai. Lần sau đừng có gọi cho tao nữa nhé!" Cô bé nội trú ngồi ấm ức chảy nước mắt. Mình cười he he bảo,: "có gì mà khóc? Người ta chửi anh chứ có chửi cô đâu?" Em nội trú quệt tay bảo : "nhưng mà em ức lắm. Hai tháng đổi lấy có mấy giờ đồng hồ..." Mình bảo : "có gì mà buồn? Cái lớn nhất chúng ta học được chính là lâm sàng. Nếu lần sau anh gặp bệnh nhân tương tự thì anh vẫn sẽ làm vậy bởi chúng ta là những con người tử tế".

Thực ra, những bệnh nhân gọi là "củ chuối" không nhiều, số lượng cũng ít như các nhân viên y tế xấu tính mà báo chí thỉnh thoảng gặp lại lu loa lên. Bản chất của họ cũng không xấu, chỉ bởi người ta ghét sẵn ngành y, đọc báo toàn tin động trời, thành ra bị đóng đinh định kiến trong đầu nên nếu có thời cơ là bùng nổ. Họ luôn luôn nhìn mọi việc bác sĩ làm là không có mục đích tốt đẹp. Tất cả bỏ chung vào một cái rọ mang tên y đức. Một nửa đời vì nó rồi, giải pháp an toàn là sống chung với lũ, mình chỉ giúp được những ai tử tế với mình. Niềm tin phải đến từ hai phía và sự hài lòng cũng phải xuất phát từ hai phía chứ không phải thứ y đức giả cầy mà báo chí đang rêu rao. Mình đã từng cố tìm điểm gì đó khác dù chỉ một chút nhưng thông thấy. Cuối cùng, mình đành kết luận, bác sĩ vẫn là người chứ không phải con gì đó sống bằng không khí như nhân dân thường nghĩ.

Ngành y học cả đời không hết, mỗi lần tìm hiểu vấn đề nào đó,lên mạng tra cả ngày như bị lạc trong khu rừng nguyên sinh đầy khủng long và cá sấu. Con đường an toàn mỏng như sợi chỉ, người bác sĩ đi trên con đường đó như kẻ làm xiếc đi trên dây, không có phương tiện bảo hiểm, sẵn sàng rơi xuống những hàm răng há ngoác bất cứ lúc nào. Bộ phận giúp cân bằng chính là kiến thức trong đầu. Cái gì cũng vậy, chứa nhiều thứ quá nó sẽ căng ra, đến lúc nào đó sẽ nổ tung. Bùm một cái đi tong. Thế nên, phải thành thực rằng, những bệnh nhân này không ai muốn dây vào, nên thay vì làm tắt một số thủ tục hành chính cho đỡ rườm rà như bệnh nhân khác, họ được làm đúng quy trình để tránh chuyện thưa gửi lằng nhằng. Mà thủ tục hành chính nói chung ở xứ mình chao ôi là khủng khiếp, chứ chẳng phải riêng gì ngành y. Có một lần, mình phải đi làm bản sao giấy khai sinh. Làm xong, mình tởn cả đời.

Dù thế nào đi nữa, mình và đồng nghiệp vẫn cố gắng là những người tốt, nhưng chúng tôi chỉ chữa được cho những ai tin tưởng mình.