Đi Xuyên Hà Nội - Chương 10 - Quý Sửu, Tết Trở Về

Đi Xuyên Hà Nội
Chương 10 - Quý Sửu, Tết Trở Về
gacsach.com

Ngày 29-12-1972, Hà Nội im ắng, không có tiếng còi báo động nhưng không khí tang tóc bao trùm thành phố. Hố bom sâu hoắm vẫn khét lẹt mùi thuốc bom ở Giáp Bát, Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, Uy Nỗ... Những vành khăn tang sụp xuống bất động trong tiết trời lạnh, khói hương tỏa ra từ những túp lều tạm bên miệng hố bom. Những trận bom B-52 rải thảm xuống thành phố từ đêm 18-12 đã cướp sinh mạng của nhiều dân thường. Người chết ở Khâm Thiên và An Dương quá nhiều, quan tài cả thành phố chuyển về không đủ, nhiều gia đình đành bó chiếu xác người thân chờ đợi.

Ngày 15-1-1973, chính quyền Mỹ tuyến bố không ném bom, không bắn trọng pháo, không thả thủy lôi ở miền Bắc Việt Nam. Hôm đó đã là ngày 12 tháng Chạp, chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết. Đó là dấu hiệu hòa bình tạm thời ở miền Bắc. Lác đác có gia đình gồng gánh đồ đạc trở về thành phố, song nhiều gia đình nghi ngờ Mỹ lật lọng vẫn nấn ná chờ lệnh thành phố. Ăn thêm cái Tết nữa nơi sơ tán cũng chẳng sao vì từ khi Mỹ ném bom Hà Nội, họ đã ăn nhiều cái Tết không phải ở nhà mình. Dấu hiệu bán hàng Tết đầu tiên là ngày 13-1-1973, ngành thương nghiệp Hà Nội thông báo trên báo Hà Nội mới bán nước mắm loại I: “Ô số 16 bìa mua hàng gia đình nội thành quý I”. Một tuần sau, ngày 20-1 mới có thông báo tiếp: “Bán thêm thịt ô số 1, nếp bánh chưng (trừ vào tiêu chuẩn tháng 3) với giá 0,49 đồng một kilôgam, bột mì (để làm bánh qui gai, qui xốp) túi 2 kilôgam giá 0,75 đồng trừ vào tiêu chuẩn tháng 3”. Nhiều gia đình bị bom trong 12 ngày đêm không còn tem phiếu nên ngành thương nghiệp nhận kê khai và cấp phát luôn cho dân để các gia đình có phiếu, bìa mua tiêu chuẩn hàng Tết. Còn củi hay than luộc bánh chưng thì ngành thương nghiệp thông báo: “Ô số 4 tháng 2-1973, hộ A, B, C (cán bộ trung và cao cấp) được mua 10kg củi, cán bộ thường và nhân dân mỗi bìa mua thêm 5kg, không mua củi thì được mua 20kg than”. Những thông báo này được đăng trên báo Hà Nội mới và viết trên giấy dán trước các cửa hàng.

Ngày 23-1-1973, đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Hiệp định Paris đã được các bên ký tắt thì nhiều gia đình trước còn nghi ngờ nay mừng rỡ, hòa bình thật rồi. Đầu tháng 12-1972, khi đưa hơn 50 vạn dân đi sơ tán, thành phố đã tăng chuyến xe khách, huy động cả xe tải kéo thêm rơmoóc quây cót xung quanh chở dân đi, các hợp tác xã xích lô cũng phải vào cuộc... Nhưng khi trở về, dân phải tự lo, dù xe khách tăng chuyến song dân trở về quá đông, đồ đạc lại cồng kềnh nên không đáp ứng nổi. Vốn quen chẳng trông chờ vào ai, những gia đình có xe đạp đi lại nhiều chuyến chở con cái đồ đạc. Ngày 27-1, Hiệp định Paris được ký chính thức thì dân chúng bằng mọi cách ào về Hà Nội. Từ sáng sớm, các ngả đường về Hà Nội đông đúc xe cộ, nóc xe khách hiệu Ba Đình ngất ngưởng đồ đạc, xe đạp thì treo móc đủ thứ và nhiều gia đình không mua được vé ô-tô, lại không có xe đạp đành tay xách, nách mang lếch thếch hành quân bộ trong cái rét tê tái và mưa phùn cuối năm. Nhưng ai ai cũng hồ hởi. Sang ngày 28-1, các xí nghiệp xe khách được lệnh chạy ngày chạy đêm và phải chở cho đến gia đình cuối cùng. Công ty xe điện cũng được lệnh leng keng cả đêm để đưa đón khách từ các bến xe ở cửa ô vào nội thành.

Cũng trong những ngày cận tết này, các lão nông ở tỉnh Hòa Bình, Hà Tây gấp rút hoàn thành những gian nhà lá tình nghĩa cuối cùng cho các gia đình mất nhà ở Phương Liệt, Khâm Thiên, An Dương... Hòa Bình giúp 20 vạn cây tre, 50 vạn cây nứa và 500m3 khối gỗ, Hà Tây giúp xi măng, gạch, 500 gian nhà với tổng diện tích là 10.000m2. Trong lúc chờ gian nhà mới, các hộ mất nhà đã được bà con khối phố đùm bọc, cảm động trước tình đồng bào có người đang ở nhờ đã sáng tác những câu thơ mộc mạc, chân chất:

Nó bom nhà bác đổ rồi

Xin mời sang tạm nhà tôi ở cùng

Thủy chung, gian khổ cũng chung

Khéo kê thì rộng bác đừng phân vân

Dù tất bật bao nhiêu việc phải lo toan cho dân ăn Tết nhưng Hà Nội vẫn không quên thế hệ tương lai, ngày 26-1, Sở Giáo dục thông báo: “Bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 5 Tết, học sinh học ở nơi sơ tán đăng ký vào các trường trong nội thành để ăn Tết xong là có thể đi học ngay”.

“Tin xuân đến ngọn cây đào” rồi và từ ngày 27-1, dân xếp hàng dài dằng dặc trước các cửa hàng bách hóa Yên Phụ, Quan Thánh, Kim Liên, số 5 Nam Bộ, phố Huế... và đông nhất là Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền mua túi hàng Tết. Các cửa hàng thực phẩm, lương thực cũng nghẹt người sốt ruột khi lâu lâu mới nhích lên một tí. Mua được là mừng, gạo đen hay trắng, nếp ngon hay có hạt chấm vàng cũng tốt. Trước đó, chưa bao giờ các cửa hàng bách hóa, thực phẩm bán qua giao thừa nhưng Tết Quý Sửu là lần đầu tiên.

Mọi năm chợ hoa Tết Hàng Lược bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp, do dân từ nơi sơ tán về muộn nên chợ họp vào sáng ngày 25. Ông Lê Duẩn khi đó đang là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đi thăm chợ, tuy nhiên rất ít người biết mặt vì ngày đó truyền hình dù đã có nhưng tuần phát có ba tối và mỗi tối chỉ có một tiếng. Thời tiết không thuận, hoa đào không đẹp, người ta quay ra mua layơn (còn gọi là dơn), thược dược, cúc, hoa bướm... Mới 9 giờ đêm 30 chợ không còn một cành hoa, nhiều gia đình chưa kịp mua đành bấm bụng mua đồng tiền kép, layơn bằng nhựa. Đêm 30 Tết trên hè phố vẫn còn nhà đun bánh chưng, ánh lửa còn sáng hơn cả đèn đường.

Dù thiếu thốn vật chất nhưng Tết Quý Sửu lại vô cùng phong phú các hoạt động nghệ thuật: thi hoa ở công viên Thống Nhất, biểu diễn ca nhạc ngoài trời; đêm 30 tại Câu lạc bộ Thanh Niên hồ Thuyền Quang, đoàn cải lương Thăng Long diễn vở Mẫu đơn tiên; Câu lạc bộ Lao Động (nay là Công đoàn thành phố Hà Nội) chiếu phim, tối mùng 2 Tết tại rạp Công Nhân, Đoàn kịch nói Hà Nội diễn vở Con tôi cả của tác giả Arthur Miller (Mỹ). Nhưng hồ Gươm mới là trung tâm của Tết, các bóng đèn tròn được sơn màu xanh, đỏ, vàng treo lên cây, thành phố cho đặt ba chiếc vô tuyến truyền hình (thời đó gọi như vậy), một tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), đền Bà Kiệu và trước cửa Nhà văn hóa 16 Lê Thái Tổ. Máy vô tuyến truyền hình đen trắng nhãn hiệu Starfurt của Cộng hòa dân chủ Đức nhưng chỉ phát đến đến 9 giờ là hết chương trình. Vì truyền hình khi đó là quá mới lạ nên công an và dân phòng gác xung quanh sợ dân chen nhau xem làm vỡ. Trong màu xanh của áo bông, áo đại cán, vẫn có những người đàn ông mặc comlê, đầu chải bigiăngtin bóng mượt. Vẫn có các bà các cô bên trong áo dài, bên ngoài khoác áo len hay áo vét cổ vuông theo mốt của Cộng hòa dân chủ Đức. Đâu đó có mùi nước hoa nhè nhẹ. Ra cái nếp sinh hoạt “tư sản” bị lên án xem ra không dễ bỏ.

Bờ Hồ đông vui, nhộn nhịp thêm khi mấy chục công nhân Cuba đang làm đường 21 ở Xuân Mai về Hà Nội chung vui giao thừa hòa bình. Họ nắm tay nhau nhảy quanh hồ và hát “Oăn ta na mê ra” ầm cả đền Bà Kiệu. Pháo hoa sáng góc trời và trong khi nhiều người đang mừng cái Tết hòa bình ở miền Bắc thì không ít người mẹ, người vợ Hà Nội âm thầm nhớ và lo cho chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận...