Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 03 - Phần 3

“Sao vậy? Em mới đến mà đã định đi đâu? Về nhà rồi phải ăn cơm, uống trà. Huống hồ phu quân đã muốn lấy em làm thiếp, sính lễ tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng chị cũng thu xếp cả rồi. Em cũng phải để cho chị chút thể diện chứ?” – Người phụ nữ nền nã kéo tay cô gái trẻ lại vào chiều hôm ấy.

“Phu nhân, thực tình… Mai Loan không dám.”

Những lời chân tình ấy của người phụ nữ làm cô gái hai mươi ngày ấy thấy quặn lòng, không dám ngẩng lên nhìn thẳng.

“Là em chọn theo chàng đúng không?” – Đích phu nhân cười, ngón tay đặt nhẹ lên sợi tơ khi tay kia quay guồng. – “Nếu em không yêu người, không đời nào em chọn việc ngốc nghếch ấy. Xưa nay yểu điểu thục nữ, quân tử hảo cầu là lẽ thường tình. Phu xướng phụ tùy cũng là đức hạnh của đàn bà. Có em về làm bạn, thêm người nâng khăn sửa túi cho chàng, đó là chuyện vui.”

Rất nhiều năm sau cái ngày ấy, qua những cơn dâu bể trầm luân, cuối cùng cũng đợi được đến ngày Nguyễn Trãi thỏa trí vẫy vùng, được trọng dụng hết mức trong triều đình của Thái Tông Văn hoàng đế[9]. Cũng vẫn hiên nhà, cũng vẫn bên guồng quay sợi, cũng vẫn những người ấy nhưng câu chuyện đã đổi thay.

[9] Tức Lê Nguyên Long, con trai thứ của Lê Lợi.

“Phu nhân, áo của cậu cả em may xong rồi. Chút nữa người nói cậu mặc thử để có gì em còn sửa.”

“Mai Loan, em cũng thật buồn cười. Bao nhiêu năm rồi mấy đứa trẻ đều thành tâm gọi em là ‘mẹ’, còn em thì… Chị không nghĩ em quá bận tâm đến chuyện thân phận. Con cái trong nhà cũng không đứa nào vì em xuất thân là đào hát mà dám một hai cợt nhả, coi thường. Hôm bữa phu quân có nói với chị, chàng nhận ra em giờ chỉ còn gọi chàng là ‘đại nhân’ thay vì… Hay là em hối hận rồi?” – Đích phu nhân đặt tấm áo xuống, quay sang. Đôi mắt hằn vết chân chim đau đáu nhìn gương mặt như hoa trong sương của người phụ nữ trẻ.

Phùng khi ấy chỉ mỉm cười, đáp:

“Em nào dám. Chỉ là… có khi em không được rộng lượng như phu nhân, cũng không buông tay nổi với những mơ tưởng lúc còn son trẻ. Đúng là tiên trách kỷ, hậu trách nhân, là tại bản thân mình ra cả.”

“Rộng lượng?” – Bà cười buồn, thở dài. – “Em thực nghĩ chị là người như thế? Trên đời chỉ có người không yêu chồng mới vui vẻ cười cười, nói nói khi thấy phu quân mình đấu gối tay ấp với người con gái khác. Những năm tháng đã qua, nếu có chuyện gì chị hối hận nhất thì chính là ngày hôm đó không nói lời chúc phúc cho em”.

“Phu nhân, người… Em tin từng kí ức bản thân mình có đều là tình cảm chân thật của đại nhân. Thế là đủ cho cả quãng đời còn lại rồi”.

“Lời hát mà em hay ngâm nga là gì ấy nhỉ? Đêm trăng đẹp thế này được nghe lại thì thật hợp khung cảnh”.

“Là… Người về em vẫn trông theo. Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi. Người về em nhắn mấy hồi. Yêu em anh chớ… đứng ngồi với ai”.

Sớm hôm sau, ông cụ quay trở lại căn nhà đơn sơ từ sớm nhưng chẳng thấy ai. Bốn bề vắng vẻ, tấm liếp vẫn vỗ đều đều theo mỗi cơn gió thổi từ bờ sông bên kia lại. Hương đã tàn, cảnh vật lạnh ngắt như bao năm nay không có hơi người. Chợt người ta nảy ra trong đầu ý nghĩ kì quái, phải chăng chuyện lúc hoàng hôn ấy thực ra chỉ là một giấc mơ hay vì người cũ chưa yên lòng nên hiện về báo mộng? Ông cụ bất giác chắp tay lầm rầm khấn vái rồi khép cửa, chống gậy đi ngược lại con đường vàng nắng.

Chỉ là một giấc mơ…

Nhưng trên đời có những giấc mơ khiến người ta cả đời day dứt, cả đời muốn chìm trong cảnh mộng mà thôi.

Gió theo lối gió…

Người đàn bà dẫn theo đứa bé con thả bộ trên con đường vắng, xếp lại những kí ức đêm qua mình trót lôi ra về lại chỗ cũ trong tận đáy lòng. Tần ngần mãi khi người khẽ nhắm mắt để thấy thoáng qua kí ức tuổi thanh xuân lần cuối.

***

[Thành Đông Quan, những năm Minh thuộc]

- Đại nhân! Mới sáng sớm ra người quá bộ đến giáo phường[10] chẳng hay có chuyện gì? – Cô đào từ trong nhà bước ra, dáng điệu lả lướt làm vạt áo lụa đủ màu bay bay theo mỗi bước chân.

[10] Nơi tập trung những người làm nghề hát xướng mà ở đây nói đến nghệ thuật ca trù (hát ả đào, hát nhà trò, hát cô đầu)

- Hôm nay bản quan không rảnh nói chuyện với ngươi! – Gã đàn ông gằn giọng bằng tiếng Trung, thẳng tay gạt cô gái sang bên. Theo sau hắn là một toán binh sĩ ráo mác rợp trời, dáng điệu bặm trợn khác hẳn dáng vẻ phong lưu hôm qua. – Lục soát cho ta. Không bỏ sót thứ gì. Còn các ngươi, lôi hết đám con hát, kép đàn ra đây.

- Đại nhân… Người có gì từ từ nói, sao lại nỡ làm thế với chúng em? – Cô đào dằn sự sợ hãi xuống, đưa đôi mắt lúng liếng liếc nhìn, giọng vẫn ngọt ngào nũng nịu.

Hắn không đợi tên tay sai dịch lại, thẳng thừng bước qua, đứng sừng sững trước cửa ngôi nhà, quét ánh mắt đen sắc, hẹp như mắt lươn nhìn khắp lượt đám đông hiếu kì cùng mấy cô gái mới bị dẫn ra.

- Tiên sư bố chúng mày. Hôm qua chén tạc chén thù, tay ôm tay níu các bà thì sao không ra oai đi! Đứa nào hôm qua bắt các bà hát hết khúc này đến khúc khác mà giờ… – Cô đào lầm bầm, kéo tay con bé người làm đứng gần đấy, nhỏ giọng: – Mày đi gọi ngay ông trùm[11] về đây. Cái điệu này là chúng lại sắp làm loạn rồi đấy!

[11] Người quản lý giáo phường.

Đám quan quân Trung Quốc xộc vào từng nhà, lục tung đồ đạc. Những cuốn sách, từng tờ giấy thẳng thừng bị quẳng ra ngoài cửa sổ, bay trắng trời, chất thành một đống.

- Này thì văn tự này! Này thì sách vở này!– Chúng mỉa mai khi mạnh tay giật tung từng tờ giấy dó.

- Sách Nho, Phật, Đạo thì giữ lại. Còn không, mang ra hết đây cho ta! Đứa nào dám giấu giếm, đứa nào dám chống cự, giết! – Một tên khác thong dong đi lại, chắp tay sau lưng ra lệnh cho đám tùy tùng.

- Văn bia của Tiên đế mấy đời trước cho lập cũng bị chúng hủy sạch. Đầu phố đá gạch ngổn ngang. Thời thế này thì còn nước non gì nữa?

- Tiên sư chúng nó. Giờ ai đào mồ đào mả nhà chúng nó lên, đập phá như thế thì phỏng chúng để yên cho đấy!

- Quân thất đức, rồi giời sẽ hành cho các con ạ! Giời có mắt cả đấy!

Đám người tụ tập ngày một đông, họ không dám chỉ chỏ, không dám to tiếng nhưng mỗi người mỗi câu rì rầm như một bầy ong. Chen vào không khi ấy là mấy tiếng thút thít não nề của mấy con hát đến mức làm cô đào ban nãy gắt lên:

- Mấy con này, khóc khóc cái gì? Có cái gì mà phải khóc? Nín ngay! Không còn ra thể thống gì nữa!

Đôi hia đen dẫm mạnh lên những tờ giấy mỏng, di một cái làm chúng rách toác. Tên cầm đầu liếc nhìn ánh mắt cô đào, cười khẩy rồi sẵng giọng:

- Đốt hết, đốt hết cho ta! Một tờ cũng không được giữ, một chữ cũng không được lưu!

- Lũ chó chết các ngươi, buông ra, buông ta ra! Các ngươi là cái thá gì mà dám đốt?

Một cô gái gân cổ gào lên giữa những tiếng rì rầm, trên tay ôm khư khư một cây đàn mà đám người Trung Hoa nhìn thấy ngồ ngộ. Nàng ra sức quẫy đạp để thoát khỏi hai cánh tay đang kẹp chặt lấy mình. Nụ cười trên môi gã càng mỉa mai hơn khi thong dong bước từng bước đến, tự tay đón lấy ngọn đuốc cháy sáng rực giữa ban ngày tỏa khói đen bay thẳng lên trời xanh. Đuốc châm xuống, lửa bén lên những trang sách, uốn lượn như một đóa hoa lớn thiêu đốt từng con chữ.

- Không! – Nàng hét lên, đôi mắt nhòe nước khi nhìn tâm huyết của mấy đời ca nương, kép đàn ghi chép lại giờ đang dần hóa thành một nắm tro tàn.

- Ông truyền đời báo danh cho lũ các ngươi biết! – Hắn xoay người, chỉ tay vào mặt mấy con hát rồi đám đông xung quanh. – Nhìn vào đây, từ nay cấm các ngươi hát dù chỉ một câu nghe chưa? Để ông nghe thấy thời ông cắt lưỡi, ông bỏ tù chúng mày!

- Lũ chó! Các người tưởng đốt được sách vở của giáo phường thì chúng bà không dám hát nữa đấy chắc? Bà thách cả họ cả hàng, cả tổ tông nhà chúng mày!

- Đừng thấy được ưu ái mà làm càn, cô em! – Bàn tay thô ráp giật mạnh mái tóc đen của cô gái ra phía sau, buộc cô phải ngửa cổ lên nhìn gã. Trên nước da trắng là vệt nước mắt đã khô, là nụ cười trên đôi môi hồng hồng ngạo nghễ.

- Bà nhổ vào!

Đưa tay chùi bãi nước bọt giữa mặt, gã đàn ông bẻ đốt ngón tay răng rắc rồi vung tay giáng xuống cái tát nổ đom đóm mắt khiến cô gái ngã rạp xuống đất, quát:

- Con chó cái này! Đàn bà nước Nam chúng mày là một lũ cứng đầu, rồi có ngày chuốc họa vào thân thôi con ạ! Hôm nay ông sẽ dạy mày biết thế nào là giời cao đất dày.

- Đại nhân, xin người nương tay! – Cô đào ban nãy, người có vẻ như là chị cả chạy lại, đứng án trước mặt cô gái trẻ nhưng rồi nhanh chóng bị đẩy sang bên.

Hắn thô bao giằng cây đàn bầu khỏi tay nàng, hả hê nhìn xuống đôi mắt trợn trừng phẫn uất ấy:

- Muốn giữ đúng không? Để ông xem mày giữ thế nào?

Hai cánh tay gầy guộc chống xuống đất thành điểm tựa để cô gái trẻ đứng vụt dậy. Giữ cánh tay tên đội trưởng, nàng không thèm nhìn, đưa tay rút cây trâm hoa bằng bạc dắt trên mái tóc đâm mạnh xuống. Mấy tên lính không nghĩ cô gái mảnh dẻ ấy dám làm vậy nên chỉ đứng như trời trồng, đến giờ mới hướng mũi giáo tua tủa về phía ấy.

- Con tiện nhân này, mày dám thách ông phỏng? Được rồi, ông cho mày toại nguyện đi theo đám sách vở nước Nam.

Ánh sắt lạnh khi lưỡi kiếm được rút ra khỏi vỏ, vung tới.

- Đại nhân! – Mấy cô đào thống thiết van xin.

- Đại nhân, việc người muốn làm, người đã làm xong. Hà tất phải xuống tay với một cô gái tay không tấc sắt? Thiên triều Trung Hoa lấy đạo Nho của đức Khổng Tử làm trọng, đâu khuyên dùng cường quyền để trấn áp thiên hạ. Con dân không nghe thì bậc đại quan nên từ từ giáo hóa, xét thế nào thì cũng không nên bức bách như vậy.

Người đàn ông tầm tứ tuần lặng lẽ đứng quan sát mọi việc từ đầu cuối cùng cũng lên tiếng, ngữ điệu ôn hòa, kính trọng nhưng từng từ đều đã cân nhắc kĩ. Ông cũng không đứng lẫn vào đám đông mà thẳng thắn bước ra phía trước, sát cạnh cô gái đang quỳ trên mặt đất, hai tay ghì chặt cây đàn bầu vào lòng. Lắng tai nghe lời dịch, nghe cả những tiếng rì rầm bàn tán chỉ chỏ, tên cầm đầu hừ mạnh một cái rồi quay lưng bỏ đi, không quên ném lại một câu đe dọa: “Để ông nhìn thấy mày lần nữa thì liệu hồn con ạ!”.

Người đàn ông nho nhã đột nhiên xuất hiện ấy thu xếp mọi chuyện ổn thỏa rồi dẫn cô gái theo đến bờ sông Hồng thì dừng lại, quay sang đưa cho nàng chiếc khăn lụa:

- Nàng không sợ?... À, quên mất không tự giới thiệu, tên tôi là Nguyễn Trãi.

Một bên má sưng lên, khóe miệng rỉ máu trông đáng sợ nhưng gương mặt xinh đẹp lại lộ vẻ thản nhiên. Nàng đón lấy chiếc khăn bằng cả hai tay, lắc đầu nhưng khi nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của người đàn ông dáng dấp là người đọc sách bên cạnh liền xua xua tay, nói thêm vào:

- Ngài chớ hiểu lầm. Không phải như nam nhân đầu đội trời chân đạp đất đâu. Tôi không sợ vì tôi không có người thân thích, chẳng có ai phải bận lòng vì tôi hết. Hơn nữa tôi là đào nương, sống bằng tiếng đàn, tiếng hát, nếu không được làm những việc ấy nữa thì chết đi còn hơn.

- Là vậy? – Nguyễn Trãi trầm giọng hỏi lại.

- Hơn nữa… tôi tin chỉ cần còn được đàn, chỉ cần còn một câu hát thì sẽ không quên, không ai có thể bắt người ta quên gốc gác, ông bà được. Cái gọi là giang sơn trong mắt người đọc sách, với đám đàn bà con gái chúng tôi mà nói thực ra quá trừu tượng. Non sông của đào nương vốn nằm cả trên sợi dây đàn.

Cô gái nhìn con sông rộng mênh mông trước mắt, nhìn những bãi bồi xanh mơn mởn màu ngô đồng bằng ánh mắt phiêu đãng, nghệ sĩ như thâu cả trời đất vào một khúc ca. Nhìn cây đàn bầu trên tay nàng, người đàn ông đề nghị:

- Nàng có thể hát hay chơi một khúc nhạc được không? Nhưng, tôi không có tiền…

- Lúc nãy ngài giúp tôi, giờ tôi trả ơn cũng là hợp lẽ. – Nàng mỉm cười, nghiêng đầu đưa tay vấn lại mái tóc. – Ừm, ca trù thì không được rồi… Ở đây không có kép đàn, không có trống chầu, cỗ phách tôi cũng không đem theo. Hay là thế này đi, giờ đang mùa xuân, hôm nay lại đúng mười ba chính hội Lim, tôi hát cho ngài nghe một điệu quan họ nhé?

- Quê nàng ở Kinh Bắc? – Nguyễn Trãi ngạc nhiên hỏi.

- Có thể nói vậy! – Nàng nhún vai. – Nhưng hôm nay không có trầu têm cánh phượng rồi, ngài bỏ quá cho. Tôi xin hát thế này… Khách đến í đến chơi hự nhà là chơi hự nhà. Đốt than ớ ơ dầu mà quạt nước mấy pha trà mời người xơi là, chén có à trà này. Quý vậy ơ quý vậy đôi người ơi. Mỗi người là người xơi mỗi chén mấy cho em í i vui lòng là…[12]

[12] Mời nước mời trầu (lời cổ) – dân ca quan họ Bắc Ninh.

Một lời hát dệt trăm mối dây tơ, không phải khúc nhạc trên thượng giới mà là khúc quyến luyến chốn nhân gian. Một lời hát vẽ lại những ngày xuân năm cũ, những ngày hội khi hoa đào thắm sắc, áo khăn rộn ràng. Những ngày ấy xuân đẹp vì ngọn gió không lạnh lùng nghiệt ngã. Những tưởng những sắc màu ấy chỉ còn trong hoài niệm, trong chí hướng của bậc nam nhi, hóa ra vẫn còn đây trong một lời hát của người thiếu nữ.

- Giờ nàng định đi đâu? – Nguyễn Trãi ngẩn ra khi khúc ca đã hết, thấy lòng vương vấn mới hiểu nỗi buồn giã bạn của liền anh, liền chị lúc hội xuân tàn.

- Tôi chưa biết. Chắc chắn không thể quay lại giáo phường hay ở lại Đông Quan được nữa rồi. Nhưng ngài không cần lo lắng cho tôi như thế. – Nàng đứng dậy, khoác tay nải và chiếc nón quai thao lên vai, cười tươi. – Nghề của tôi, đi đâu cũng có thể sống được. Ây da, còn cái khăn này, phải làm sao đây?

- Nàng cứ giữ lấy nó cũng được. – Nguyễn Trãi nhìn lên, thoáng chần chừ rồi mới tiếp lời. – Nếu… nàng không chê, có thể đi cùng tôi.

- Đi cùng ngài? Người như tôi không xứng với ngài đâu! – Cô gái lịch sự đáp nhưng trong giọng nói ẩn tiếng cười lanh lảnh như trêu đùa.

- Sao lại không xứng?

Xốc lại cây đàn trong tay, thiếu nữ cân nhắc rồi mới từ tốn nói, ánh mắt nhìn thẳng không chút bẽn lẽn:

- Vì ngài sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ công thành danh toại. Người như vậy nên chọn nữ nhân tương xứng thì hơn. Đừng có nhìn tôi như thế, tôi không phải thầy bói nhưng người lui đến giáo phường có dăm bảy hạng, nhìn nhiều là có thể biết được tiền đồ. Nam nhi các ngài nên nhanh nhanh chóng chóng mà đuổi lũ chó điên ấy ra khỏi bờ cõi đi. Tuổi xuân của con gái chẳng được bao lâu đâu, tôi còn phải đi hội, còn phải kén chồng.

Vành nón tròn chao qua khi cô gái đội chiếc nón quai thao lên, nở thêm nụ cười nền nã rồi nàng khẽ cúi đầu xin lui trước.

- Đúng là hôm nay trầu không có, đến nước lã cũng không, nhưng lại là chính hội Lim, hát giao duyên nàng đã hát rồi, cũng đã có ta làm người nghe. Nàng không nghĩ đây là một cuộc tương phùng thú vị sao? – Người đàn ông cười nhẹ, bước về phía trước nhẹ kéo tay cô gái lại.

Đôi gò má thiếu nữ ửng hồng, đôi mắt long lanh bối rồi nhìn ra ngoài bãi sông rồi mới đáp:

- Thiếp ít chữ, ngài nhất định không được chê thiếp.

- Nào dám!

- Mà khoan đã, đến tên thiếp ngài còn chưa biết mà đã muốn dẫn thiếp theo sao?

Nguyễn Trãi bật cười, lúng túng buông tay cô gái ra, nhỏ giọng:

- Ta xin lỗi. Vậy nàng là…

Đôi môi nhoẻn cười tươi tắn, đuôi mắt cong xuống làm cả gương mặt xinh đẹp ánh lên nét tươi giòn phơi phới của đóa hoa chớm nở:

- Thiếp họ Phùng, tên Mai Loan. Là Phùng Thị Mai Loan[13].

[13] Trong tài liệu isis đọc được chỉ nhắc đến người vợ thứ hai của Nguyễn Trãi là Phùng Thị. Cái tên và những chi tiết liên quan đến thân thế đều là hư cấu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3