Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 04 - Phần 1

Chương 4: Cung thành[1]

“Ngựa xe vắng khách bụi hồng

Một tòa cổ miếu, đôi dòng thanh lưu

Trăng soi nước, nước in cầu

Bức tranh thiên cổ đượm màu tang thương.”[2]

[1] Thành Thăng Long – Hà Nội xưa có ba vòng (kiến trúc tam trùng thành quách).

Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm Thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Phần thành này có nhiều tên gọi qua các triều đại. Thời Lý: Cấm Thành, Cung Cấm, Cấm Nội, Đại Nội. Thời Trần: tương tự. Thời Lê sơ: Cung thành. (Theo cuốn Lịch sử và văn hóa việt nam – tiếp cận bộ phận của Phan Huy Lê – 2012)

[2] Ca dao.

Rèm châu khẽ động.

Cung nữ sắp làm hai hàng, mỗi người mỗi việc, nhất mực cung kính, một ánh mắt vô ý đưa ngang cũng chẳng ai dám. Tổng quản cung Diên Khánh là một cung nữ tầm ba mươi tuổi, tên Hạ Liên. Người này vừa cẩn trọng, kiệm lời lại nghiêm khắc, chừng mực nên rất được Tuyên Từ Hoàng thái hậu tin dùng. Mọi chuyện trong cung không lọt khỏi con mắt hẹp sắc ấy của Hạ Liên thì chắc chắn không thể giấu Hoàng thái hậu. Cô ngoảnh đầu nhìn bầu trời qua cửa sổ mở rộng rồi nhẹ nhàng quỳ xuống, cúi đầu lễ phép thưa:

- Bẩm Hoàng thái hậu, trời sáng rồi ạ!

- Đến giờ nào rồi? – Từ sau những tấm rèm sa màu vàng cam ánh kim truyền ra một giọng nói thong thả, tỉnh táo, nghe qua cũng đủ biết người bên trong hãy còn rất trẻ nhưng trong âm sắc lại nhuốm vẻ lạnh lùng đầy uy quyền.

- Bẩm Hoàng thái hậu, mới đầu giờ Mão[3] ạ!

- Quan gia dậy chưa? – Từ bên trong vọng ra tiếng người trở mình, lật chiếc chăn mỏng bước xuống giường, xỏ chân vào đôi hài thêu.

- Dạ bẩm… – Hạ Liên lúng túng rồi đành miễn cưỡng thưa – Ban nãy hoạn quan bên điện Trường Xuân qua bẩm báo… quan gia… không chịu thức dậy để thay đồ, dùng bữa rồi chuẩn bị cho buổi chầu sớm ạ!

[3] Giờ Mão: Từ 5 – 7 giờ sáng.

Lời nói của cô cung nữ chưa dứt, tấm rèm đã bay tung khi người phụ nữ bí ẩn, uy quyền từ nãy chỉ thấy tiếng không thấy hình đột ngột xuất hiện. Tuy được tất cả con dân trong thiên hạ kính cẩn quỳ rạp xuống tung hô “Hoàng thái hậu thiên tuế thiên tuế, thiên thiên tuế” nhưng kì thực đó vẫn chỉ là một cô gái trẻ mới ngoài hai mươi. Không còn ai là Thần phi Nguyễn Thị Anh nữa. Đó chỉ còn là một quãng đời, một kí ức của Tuyên Từ Hoàng thái hậu – người đang thống lĩnh hậu cung, thực sự nắm quyền sinh sát trong thiên hạ. Nguyễn Thị Anh đẹp. Cái ngày nàng còn là thiếu nữ, chỉ bằng một ánh nhìn đã khiến Thái Tông Văn hoàng đế quyến luyến, si mê thế nào thì giờ nàng còn đẹp hơn thế nhiều lần. Nước da trắng như trứng gà bóc; đôi gò má hồng hồng của cô gái còn đang phơi phới xuân xanh; hàng lông mày thanh nhã hơi xếch lên một chút càng khiến vẻ đẹp thêm mặn mà. Nhất là đôi mắt lóng lánh lúc thì yêu thương, khi lại sắc sảo đong đưa làm Nguyễn Thị Anh trở thành sắc hoa diễm lệ nhất, nổi bật nhất trong vườn hoa vây quanh Tiên đế thuở trước. Giờ những nét mềm mại ấy chẳng còn, chỉ để lại vẻ đẹp lộng lẫy nhưng khiến người ta sợ hãi ngay cả trong một tiếng thở, một cái khoát tay của nàng.

- Để nô tì thay áo giúp người!

Hạ Liên mới nhác nhìn thấy nét mặt không chỉ đơn giản được miêu tả bằng một từ ‘tức giận’ của Tuyên Từ Hoàng thái hậu liền nhanh miệng nói, liếc mắt ra hiệu cho đám cung nữ xung quanh ai vào việc nấy. Người hầu hạ Hoàng thái hậu chải đầu vấn tóc, kẻ dâng nước rửa mặt, nước trà đặc để súc miệng… Trong một thoáng, trừ tiếng chim hót líu lo vọng lại từ ngoài vườn hoa, bên trong cung Diên Khánh chỉ có những tiếng bước đi rất nhẹ nhưng gấp gáp, tiếng xiêm áo cọ vào nhau. Hạ Liên không dám thở mạnh, căng thẳng theo dõi đám cung nữ làm việc. Cô theo hầu Hoàng thái hậu từ lúc người mới nhập cung, chưa được phong Thần phi cho đến lúc này, chuyện nào cũng đã từng trải qua nhưng trước những cơn giận của chủ nhân, trái tim không lúc nào không đập thình thịch trong lồng ngực. Liếc nhìn con bé cung nữ lần đầu phục dịch Hoàng thái hậu, tuy chỉ đứng một chỗ bưng hộp khảm trai đựng ngọc bội mà cũng run cầm cập, Hạ Liên ái ngại thở ra rồi lừ mắt hàm ý bảo nó lui ra ngoài rồi giao cái hộp đó cho một người khác. Cẩn thận chỉnh lại bộ y phục với những hình thêu nổi chim phượng hoàng và hoa cúc bằng chỉ màu vàng kim trên người Nguyễn Thị Anh xong xuôi, cô quỳ xuống, hai tay cầm một sợi dây tết treo miếng ngọc trắng vô cùng tinh xảo vào thắt lưng cho chủ nhân rồi khom người bước giật lùi lại. Không cần đến một cái liếc nhìn tấm gương được dâng lên, Hoàng thái hậu ra lệnh:

- Di giá đến điện Trường Xuân!

Mới đầu hè, bình minh vừa ló rạng nên khí trời chưa oi nóng, vẫn vương lại chút không khí mát lành từ đêm hôm trước. Sen trong những đầm nước rộng bắt đầu hé nở, thả vào không khí mùi hương thanh nhã mà đằm thắm, thư thái. Sương trên mặt hồ như tấm vải mong manh hư hư thực thực tan ngay trong ánh mặt trời. Yên tĩnh thế, đẹp đẽ thế bên cạnh cái lộng lẫy, bề thế của tầng tầng mái ngói cung điện nối tiếp nhau nhưng người phụ nữ hoàn toàn chẳng đoái hoài. Tuyên Từ khép hai tay phía trước, lưng giữ thẳng, bước những bước thật nhanh nhưng không làm mất đi phong thái đoan trang, uyển chuyển của mình. Ánh mắt đen sắc sảo giờ bình ổn trở lại, không vui không buồn, không cảm xúc trừ một vẻ nghiêm nghị tôn quý, ban xuống ánh nhìn bao quát tất cả khiến không ai biết chủ tâm Hoàng thái hậu nhắm vào điều gì. Cái cách nàng hơi đưa chiếc cằm thon ra phía trước, cái cách mím đôi môi thoa son đỏ làm người ta gật gù tán thưởng thầm lặng rằng: “Quả nhiên là bậc quốc mẫu!”.

- Nhi thần bái kiến mẫu hậu!

- Chúng thần bái kiến Hoàng thái hậu!

Tà áo lụa vàng mới lướt qua bậu cửa sơn son của điện Trường Xuân, đám người bên trong đã quỳ rạp xuống. Bóng Tuyên Từ đổ trên sàn nhàn nhạt, kéo dài đến chỗ một cậu bé tầm bốn tuổi, mình mặc long bào đang quỳ. Ánh mắt nghiêm nghị nhìn kĩ dáng vẻ của đứa bé một hồi, cuối cùng đôi môi đỏ màu son mới khẽ cử động:

- Quan gia mau đứng dậy đi! Cũng coi như đám cung nữ, hoạn quan ở điện Trường Xuân nhanh tay nhanh mắt, sớm đã hầu hạ hoàng thượng chu đáo.

Đứa bé ngước lên, miệng định cười bẽn lẽn nhưng mới trông thấy dáng vẻ không vui của mẹ lại thôi. Kẻ dưới trong điện Trường Xuân len lén nhìn nhau, tay ai cũng ướt mồ hôi. Họ sợ ông giời con hàng ngày mình phải hầu hạ một thì sợ Hoàng thái hậu mười. Lần nào Hoàng đế làm mình làm mẩy lăn lộn trên giường không chịu thiết triều, chắc chắn mẫu hậu của ngài sẽ lôi một hoạn quan hoặc một cung nữ ra ngoài sân phạt đánh mười hèo vì tội không chăm sóc Hoàng đế chu đáo, không biết khuyên can người làm điều đúng mực. Từ đó về sau, những người theo hầu Hoàng đế một mặt cắt cử một kẻ ra ngoài canh chừng xem lúc nào Hoàng thái hậu đến, một mặt dùng đủ mọi cách từ làm trò mua vui, nịnh bợ, khóc lóc đến dập đầu van xin để ông vua trẻ con này đoái thương. Hôm nay cũng là một ngày như vậy, may lúc Hoàng thái hậu đến, mọi việc đã tạm xong xuôi.

- Quan gia dùng bữa sáng chưa? – Tuyên Từ ngồi xuống, cẩn thận chỉnh lại long bào, thắt lưng cẩn ngọc của con trai, dịu dàng hơn một chút.

- Con đợi mẫu hậu! – Đứa bé cười, trên đôi má bầu bĩnh thoáng hiện lên một lúm đồng tiền mờ mờ.

- Bang Cơ, con đâu còn nhỏ nữa. Mẫu hậu đã nói rồi, giờ con là Hoàng đế, chuyện gì cũng phải thật nghiêm túc, đàng hoàng, không thể tùy tiện như lúc trước.

- Lúc trước bao giờ cũng có mẫu hậu ở cùng. Điện Trường Xuân rộng lắm, đám người này nói thế nào cũng không chịu ăn cùng con. Con không thích!

Đứa bé tên Bang Cơ vùng vằng giẫy ra, ngúng nguẩy định quay đi thì bị Tuyên Từ giữ lại. Gương mặt đẹp đẽ ấy thoáng nghiêm nghị như định quát mắng nhưng rồi lại thôi. Hàng lông mày xuôi xuôi, ánh mắt như có gì xa vắng, buồn bã.

- Không nói nữa. Ta với quan gia cùng dùng bữa rồi còn phải thiết triều.

- Dạ! – Thằng bé ngoái lại, cười tươi ngay rồi kéo mẹ theo mình.

Ống tay áo lụa hơi trượt xuống để lộ cánh tay nõn nà đeo chiếc vòng ngọc trắng khi nàng đút cháo cho con. Trên đôi môi đỏ thoáng một nét cười của những ngày xưa cũ. Bang Cơ vẻ như vui lắm, hai chân dưới vạt áo thêu rồng đung đưa không ngớt trên chiếc ghế cao. Tuyên Từ lựa lời nói, nhìn thẳng vào đôi mắt đen lay láy của cậu con trai:

- Ban nãy ta nghe nói quan gia không muốn thượng triều?

- Chuyện này… – Hai tay thằng bé bấu chặt lấy mép ghế gỗ, đầu cúi xuống ậm ừ như gà mắc tóc. Mắt liếc nhìn viên hoạn quan tên Đào Biểu hầu cận mình, đoán chứng chính ông ta đã đi thưa bẩm với mẫu hậu, miệng Bang Cơ hơi dẩu ra, thầm nghĩ trong bụng: “Ông cứ nhớ đấy! Từ bây giờ ta không chơi với ông nữa!”.

- Ta đã dạy người như thế nào? – Nàng đan hai tay lại, ngồi thẳng lưng trên ghế nhìn xuống, nghiêm giọng.

- Mẫu hậu dạy… giang sơn này là của phụ hoàng truyền cho con, là công lao khó nhọc của tổ tiên gây dựng nên người làm hoàng đế phải dốc sức giữ gìn, phải lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ, lấy trăm dân làm trọng, phải biết nghe trung thần, xa lánh kẻ tiểu nhân bụng dạ hẹp hòi…

Nhìn cái đầu thằng bé lắc lắc khi đọc lại những lời ấy, lòng người phụ nữ thầm thở dài. Những lời gan ruột ấy nàng không biết Bang Cơ hiểu được bao nhiêu, cũng biết rõ với một đứa trẻ lên bốn chuyện ăn, chuyện chơi quan trọng hơn nhiều chuyện ngồi trên ngai vàng tại đại điện nghe hết người này đến người kia nói những điều nó chẳng hiểu lấy một chữ. Nhưng đã sinh ra mang mệnh đế vương thì không thể sống như một đứa trẻ bình thường, Tuyên Từ không thể sống mãi, không thể thay Bang Cơ dẹp đi hết những chông gai, nói thế nào trên con đường này sẽ có lúc thằng bé chỉ còn lại một mình.

- Quan gia… – Nàng nhẹ kéo tay đứa bé để nó ngả vào lòng mình – Mẫu hậu biết con không thích, cũng chưa hiểu hết những điều mẫu hậu và các thầy tại Kinh Diên dạy con. Nhưng mỗi ngày một chút, từ từ con sẽ quen.

- Con không thích! Con không chịu! Tại sao con không được như mấy đứa khác mà ngày nào cũng phải làm cái này, cái kia? Mệt chết đi được! Chán chết đi được! – Bang Cơ hẩy tay người đang vỗ về mình, mắt ngân ngấn nước như sắp khóc, nói sẵng. – Mẫu hậu thích thì đi mà làm!

- Con… – Nàng run giọng, đôi mắt mở lớn đầy phẫn nộ. Cánh tay đã vung lên, nếu như không phải vì Hạ Liên to gan mạo phạm níu lại, chắc chắn đã giáng xuống một cái tát nổ đom đóm mắt.

Viên hoạn quan Đào Biểu sợ đến hai đầu gối va vào nhau lập cập, khom khom mình chạy lại gần, lạy như tế sao:

- Xin Hoàng thái hậu bớt giận! Xin Hoàng thái hậu bớt giận! Quan gia còn ít tuổi… nên nói ra những điều chưa suy nghĩ kĩ. Quan gia… xin người… xin người nói vài lời với Hoàng thái hậu…

- Ta không nói sai. Ta không xin lỗi! – Đứa bé vênh mặt lên cãi bướng, cái tay khó khăn lắm mới giơ lên quẹt được nước mắt vì tay áo khá rộng lại thêu đủ họa tiết nặng trịch. Nhảy xuống khỏi cái ghế, Bang Cơ cố ngẩng cao đầu bước về phía trước. – Thiết triều thì thiết triều.

- Lệnh bà, xin người… – Hạ Liên nhìn theo bóng hoàng đế trẻ con khuất sau cánh cửa rộng mở, nhẹ giọng nhắc rồi nhận ra vẻ sững sờ ban nãy đã không còn lưu lại chút dấu vết nào trên gương mặt tuyệt mỹ của Tuyên Từ Hoàng thái hậu.

- Đến giờ thiết triều rồi! – Người bình thản cất lời.

Sau khi Thái Tông hoàng đế đột ngột băng hà, Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng Đinh Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Vua đăng cơ lúc hãy còn ít tuổi nên theo lệ cũ, Thái hậu buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước. Chớp mắt cũng đã ba năm trôi qua từ cái ngày ấy. Ba năm thực không dài với một người bình thường nhưng với Nguyễn Thị Anh, dường như con số ấy phải gấp lên nhiều, nhiều lần nữa. Nỗi sợ hãi toan tính của một cung phi năm xưa giờ đổi ra nỗi lo lắng của người giữ an nguy thiên hạ, giữ ngai vàng sao cho đứng vững để đứa trẻ hãy còn ngây thơ có thể sống tiếp, có thể trưởng thành. Lòng người lúc nào cũng như lửa đốt, trăm mối trăm bề nên một chút nhõng nhẽo, một chút ương bướng của con trẻ thật không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Nước cờ đến thế này chưa lúc nào nằm trong tính toán của Nguyễn Thị Anh. Nhưng thói đời là thế, cờ đến tay ai thì người ấy phất, huống hồ địa vị này ngồi vào không dễ, ngồi vào rồi muốn đứng lên càng không dễ bởi cái giá thực rất đắt, nhất định phải đổi lại bằng sinh mệnh, bằng máu người.

Qua tấm rèm mỏng màu vàng kim buông ngay sau ngai vàng của Hoàng đế, Tuyên Từ Hoàng thái hậu chầm chậm thở ra, hai tay vẫn đặt yên trên đùi, xiêm y không một nếp nhăn, cất giọng:

- Xưa cổ nhân có câu dĩ nông vi bản[4], muốn làm nghề nông nhất định không thể lơ là thủy lợi. Hồi đầu năm, quan gia đã sai văn thần đốc suất quân lính các xứ đào các kênh ở lộ Thanh Hóa, nay lệnh xuống yêu cầu chú trọng hơn nữa chuyện tưới tiêu ở các địa phương khác. Dân không no đủ tất làm loạn. Còn chuyện Chiêm Thành dám vào cướp thành An Dung, tuy trời giúp Đại Việt làm ra trận lũ lớn khiến chúng thua to nhưng mưu đồ bất chính của Chiêm Thành đã rõ. Quan quân trên dưới nhất nhất một lòng, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được để chúng dám khinh nhờn bản triều ta thêm lần nào nữa.

[4] Nghĩa là: Lấy nghề nông làm gốc.

Lời nói sang sảng vang lên sau lưng Bang Cơ làm cậu bé lẫn bá quan văn võ đều phải kính cẩn lắng tai nghe, không ai dám lơ đãng, càng không ai coi người ngồi sau tấm rèm chỉ là một cô gái được tiếng xinh đẹp hơn người. Tiếng tăm của Nguyễn Thị Anh từ thời Tiên đế còn sống đã đồn ra khắp kinh thành chứ không chỉ bó hẹp trong cấm cung, nhưng lúc đó người ta chỉ nói nàng đẹp ra sao, Tiên đế yêu nàng đến thế nào mà thôi. Sau cái chết đột ngột của ngài, tuy cái án Lệ Chi Viên làm rung chuyển trời đất nhưng vẫn không hiếm người bàn ra tán vào, lời ong tiếng ve về việc hậu cung vì tranh sủng mà làm ra chuyện phế lập ngôi Hoàng thái tử liên tiếp, đến mức đẩy một vị tiệp dư đang mang long thai phải lưu lạc chốn dân gian. Thậm chí người ta còn đồn đại ngấm ngầm những chuyện thâm cung bí sử nghe qua không biết thật giả đến đâu nhưng cũng rợn người. Rành rành là phe Thần phi thắng thế nên người đó mới đàng hoàng trở thành Hoàng thái hậu, trở thành người đàn bà quyền lực nhất trời Nam, lẽ đời thì thường uốn theo kẻ mạnh, thường nương theo hướng gió đang lên nhưng không phải ai trong thiên hạ cũng đều nghĩ thế. Tuyên Từ không phải một thiếu nữ ngây thơ, càng không phải một phụ nữ thiếu thực tế nên những điều tiếng ấy hẳn nhiên biết rõ. Nhưng cách tốt nhất để đối đầu với những luồng ý kiến không thuận không phải là công khai trừng phạt, chẳng phải là thị uy mà chính là tỏ rõ cho thiên hạ thấy tấm lòng ngay thẳng của mình, tài trí của mình. Điều này dù người ta có phục hay không phục địa vị hiện thời Nguyễn Thị Anh cũng phải thừa nhận người đàn bà này làm rất tốt.

***

- MẪU HẬU ĐÁNH NHI THẦN! MẪU HẬU ĐÁNH NHI THẦN! CON KHÔNG NHÌN MẶT MẪU HẬU NỮA! CON GHÉT MẪU HẬU!

Đứa bé mình vẫn còn mặc nguyên long bào dậm chân tức giận, trên mi vẫn còn đọng những giọt nước mắt trong veo, đưa tay dùng hết sức lực đóng sầm cánh cửa gỗ của điện Trường Xuân lại. Mấy cậu hoạn quan đứng gần đó mặt mày tái mét, hết nhìn ra cửa lại nhìn chủ nhân rồi vội sụp xuống van xin:

- Quan gia, xin người nguôi giận!

- TA CẤM! – Bang Cơ xỉa ngón tay ngắn ngủn của mình về phía trước, gào lên. – Ai dám để mẫu hậu bước vào… ta… ta chém đầu kẻ đó!

Tiện tay, tiện chân xô đổ những bình phong, những món đồ trang trí, bộ nghi trượng, cậu bé chạy vào trong tẩm cung mặc cho cung nữ, hoạn quan hớt hải đuổi theo. Đào Biểu thở không ra hơi, khẽ lắc đầu rồi bảo đám người dưới thu dọn những đồ đạc vương vãi, còn bản thân ông cúi mình đi nhặt nào hia, nào thắt lưng, nào ngọc bội ông vua nhỏ vứt ra sàn. Ra hiệu cho đám cung nữ đang hết lời cầu xin ra ngoài, ông chỉnh lại chiếc áo trên người rồi gõ lên cánh cửa gỗ đóng kín mấy tiếng.

- Cút cho ta! – Bang Cơ quát.

- Quan gia, là thần. Đến cả Đào Biểu, quan gia cũng không muốn nhìn nữa sao? – Vị hoạn quan ôn tồn cất lời, hết sức mềm mỏng, trong giọng nói còn chứa quá tám phần trìu mến. – Quan gia không vui thì để thần là con ngựa cho ngài cưỡi nhong nhong nhé?

- Nói thế còn nghe được!

Cánh cửa từ từ mở ra. Đứa bé hai mắt sưng húp đứng nép một bên, vừa trông thấy gương mặt hiền lành của vị hoạn quan đột nhiên lại khóc lớn, nhào vào lòng ông. Mỉm cười thật nhẹ, Đào Biểu vỗ vỗ lên lưng Bang Cơ, an ủi:

- Quan gia, sao người lại khóc chứ? Người là đế vương một nước, không nên như vậy!

- Mẫu hậu đánh con, lần đầu tiên mẫu hậu đánh con! – Cậu bé nắm chặt ngực áo người trước mặt thút thít, oan ức kể. Đến lúc này Bang Cơ vẫn không hiểu tại sao Tuyên Từ Hoàng thái hậu lại đóng chặt cửa cung rồi lôi cậu ra đánh đòn. Vì cậu nói không muốn mặc long bào, vì cậu không muốn ngồi im như tượng trên long ngai, giả vờ như hiểu hết điều người ta nói hay vì lẽ gì khác?

Người đàn ông định mở miệng sửa lại lời Bang Cơ nói, Hoàng đế ai lại xưng với một viên nội quan nhỏ nhoi là ‘con’ bao giờ nhưng nhìn đứa bé trong lòng mình, ông lại thôi, gác chuyện ấy sang lúc khác. Bàn tay đưa lên kéo tuột chiếc mũ xung thiên đội lúc thiết triều trên đầu xuống, đứa bé dùng sức định ném đi thật xa nhưng may có người bắt được. Gương mặt này hẳn nhiên cậu chẳng xa lạ gì.

- Quan gia nguôi giận! – Hạ Liên ôm chiếc mũ với những họa tiết hình rồng bằng vàng vào lòng, thẩm thở ra rồi kính cẩn trao lại cho đứa bé, cúi đầu. – Xin người về sau đừng nhẹ nhàng liệng vật này đi như vậy.

Cái miệng xinh xinh định cãi lại nhưng thấy dáng vẻ bình ổn, khiêm nhường của cô cung nữ, Bang Cơ đành thôi, ra hiệu cho Đào Biểu nhận lấy, cất đi.

- Quan gia không vui, Hoàng thái hậu cũng không vui. – Hạ Liên nhẹ nhàng nói, mặt không nhìn lên, tỉ mỉ giúp cậu bé thay đồ, rửa chân tay. – Người xem, như vậy đâu tốt lành, đúng không?

Phất tay áo rồi lẳng lặng bước nhanh về phía trước, đứa bé không nói gì nhưng cũng không tỏ vẻ ương bướng nữa. Đào Biểu cúi đầu cười cười, nhỏ giọng:

- Đúng là chỉ có Hạ Liên là có thể dỗ yên vị chủ nhân này!

Nằm bẹp xuống giường, áp cái má bầu bầu xuống mặt chiếc sập gỗ màu nâu đen mát rượi, đứa bé vỗ vỗ tay xuống như có ý gọi. Ra hiệu cho đám cung nữ, hoạn quan lui hết, Đào Biểu và Hạ Liên lại gần. Phe phảy chiếc quạt làm mái tóc tơ của Hoàng đế bay bay, cô cung nữ ngọt ngào nói:

- Quan gia có gì sai bảo ạ?

- Trẫm làm vậy là… không đúng? – Bang Cơ lí nhí cất tiếng, rồi như cảm thấy những lời mình vừa thú nhận làm bản thân thấy thẹn khi nhớ lại cơn giận vừa nãy liền lăn một vòng trên giường, nói lại. – Là mẫu hậu sai, là mẫu hậu đánh trẫm trước.

Dâng đĩa đưa hấu đỏ ngọt mát đã bổ sẵn lên, viên hoạn quan dỗ dành chủ nhân dùng một chút rồi mới nói:

- Hoàng thái hậu đánh quan gia, quan gia đau nhưng lòng Hoàng thái hậu còn đau hơn nữa!

- Thật à? Ta không tin! – Đứa bé lắc lắc đầu, khoanh hai chân lại, cần mẫn xiên xiên chọc chọc từng miếng miếng dưa, gẩy gẩy từng cái hạt đen ra.

Quạt mạnh tay hơn một chút, cô cung nữ nhìn từng cử chỉ của Hoàng đế chợt mỉm cười. Xưa nay cứ đến mùa hè, khi các lộ tiến cống dưa hấu vào cung, bao giờ Bang Cơ cũng nằng nặc bắt Hạ Liên chọn quả ngon nhất bổ ra rồi tự tay bỏ hạt để dâng lên Hoàng thái hậu. Nghiêng đầu, cô thủ thỉ:

- Thật ạ, nô tì dám mang tính mạng mình ra đảm bảo với người. Những lúc bệ hạ không khỏe, có lúc nào Hoàng thái hậu không ở bên, không lo lắng đâu, huống hồ lần này lại chính lệnh bà đánh người đau như vậy. Nhưng Hoàng thái hậu cũng có nỗi khổ tâm của người.

- Khổ tâm? – Đứa bé ngước lên, ánh mắt trong veo, nhất thời không hiểu nghĩa của từ này.

Đào Biểu ngồi xuống dưới sàn, suy nghĩ một lúc xem nên giải thích ra sao rồi nói:

- Người có nhớ lần thần bị Hoàng thái hậu trách phạt, bị lôi ra đánh năm hèo ở ngoài sân điện Trường Xuân không? Lần đó quan gia nói người rất buồn, rất không muốn thấy thần bị phạt. Quan gia thương xót cái thân già của thần nhưng luật lệ là luật lệ, không thể không làm theo, nếu không vì một chút nuông chiều ấy mọi chuyện sẽ lộn xộn hết cả. Cảm giác trong lòng người lúc đó chính là khổ tâm.

- Nhưng ta không thích làm Hoàng đế, chán chết đi được! – Bang Cơ thở dài thượt một cái làm mấy sợi tóc rủ xuống trước trán bay bay. – Ai thích làm thì đi mà làm, ta chỉ muốn đi thả diều, câu cá, chèo th…

Bàn tay Hạ Liên đưa ra che trước miệng cậu, cô lắc đầu, ánh mắt đăm đăm:

- Quan gia, ngàn lần vạn lần về sau xin người đừng bao giờ nhắc lại những điều này trước mặt lệnh bà, cũng tuyệt đối không được nói cho ai hay.