Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 10 - Phần 3

Đang mải lắng nghe câu chuyện lạ lẫm trước giờ bản thân chưa từng hỏi, Ngọc Dao cũng chưa một lần nhắc đến, giờ đang được kể bằng giọng vui vẻ, thân thiết và hào hứng, Tư Thành hơi giật mình khi Bang Cơ đưa tay vần vò gương mặt chàng, bảo:

-… Em đừng trưng bộ dạng ông cụ non đó ra nữa.

- Dạ?

- Sống thoải mái một chút, muốn cười thì cười, muốn nghịch ngợm thì nghịch ngợm. – Hoàng đế nhún vai, mắt nheo lại. – Em hãy còn bé mà. Với cả, anh rất ghen tị với em đấy!

Vừa nhìn thấy vẻ mặt kia rõ rành rành là không hiểu hết ý tứ của mình, chàng nói tiếp:

- Vì em rất giống phụ hoàng, trong số mấy anh em, Tư Thành là giống người nhất. Hồi phụ hoàng còn tại thế, nói thật là anh cũng không rõ. Nhưng trong tưởng tượng, anh luôn nghĩ về người bằng cách liên tưởng đến em.

- Vậy sao?

Âm thanh thoát ra nơi đầu môi rất nhỏ, rất mỏng, nửa có nửa không khi ánh mắt đen rơi lại xuống những trang giấy. Sắc đen thẳm sâu, trầm ổn đến mức ngỡ như tất cả những lời ban nãy của Hoàng đế trôi từ tai trái qua tai phải chẳng hề lưu lại dù chỉ là một dấu vết nhỏ. Nhấp môi vào chén trà, hướng ánh nhìn về phía trước, chàng đề nghị:

- Hoàng huynh, chúng ta tiếp tục chứ?

Đêm đó, ánh đèn trong Bí thư các không hề tắt.

Trong gió đông, những phiến lá xanh sớm trở nên héo quắt dù vẫn còn giữ nguyên màu xanh lục. Không nằm ngoài dự đoán của Tư Thành, sự kiện tại Bí thư các đưa lại một vài điều phiền phức. Dư địa chí một lần nữa xuất hiện công khai ngay giữa Cung thành, tuy chỉ là mấy trang giấy mỏng nhưng lại thổi bùng lên những lời bàn tán râm ran. Người ta từ ngày Hoàng đế đăng cơ đã không ai dám hé răng mở mồm nhắc lại cái tên Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ vì sợ vạ miệng. Thế nhưng giờ không những cuốn sách của người ấy đột nhiên xuất hiện, lại còn được đích thân Hoàng đế chọn làm chính thư để tại ngự tẩm của người, điều ấy làm lắm kẻ không ngồi yên được.

- Khởi bẩm quan gia, chuyện người chọn Dư địa chí làm chính thư e rằng không ổn bởi tác giả của cuốn sách đó là nghịch thần tặc tử, cấu kết với nữ nhân mưu hại Tiên đế, tội không thể dung thứ, theo lẽ phải hủy hết sách vở.

Rời mắt khỏi bản tấu, Bang Cơ chậm rãi đáp:

- Người chết cũng đã chết rồi, không nên quá so đo. Trần Phong, khanh vừa là thần tử của trẫm, vừa là thầy học của trẫm, trẫm nhớ khanh từng dạy học trò tại Kinh Diên phải biết trân quý những cuốn sách hay còn hơn cả vàng ngọc, đất đai. Hôm nay khanh lại nói với trẫm những lời này, trẫm phải nghĩ thế nào cho phải?

Lặng lẽ quan sát vẻ mặt chỉ thoáng qua chút sững sờ của Trần Phong khi những lời lẽ vừa rồi được vị hoàng đế hãy còn nhỏ tuổi nói ra, Tư Thành đoán chứng ông ta cùng mấy vị học sĩ khác đến đây là kết quả của vài cuộc gặp kín nào đó từ trước với quan lại trong triều, mượn thế là thầy dạy của đương kim thánh thượng mà gây sức ép. Vì lẽ gì thì giờ chàng mới chỉ có thể đoán chắc đến năm phần là liên quan đến chuyện đấu đá hậu cung năm xưa giữa mẹ mình với Nguyễn Thị Anh. Nhưng hẳn nhiên đó mới chỉ là một khía cạnh rất nhỏ. So với chuyện chính trị, tranh đấu chốn hậu cung lại là điều quá tầm thường nhạt nhẽo. Nguyễn Trãi, con người này dù chẳng còn ở đây nữa nhưng sức ảnh hưởng lên hậu thế chỉ có hơn chứ nhất quyết không hề kém đi.

Đứng dậy khỏi chiếc ghế sau án thư, Bang Cơ cầm cuốn sách giơ lên cho mấy viên quan đang đứng trong thư phòng mình nhìn cho rõ, cất giọng cứng cỏi:

- Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi các danh tướng của bản triều ta không ai sánh bằng. Cuốn sách này là báu vật, là thứ ta muốn các đời hoàng đế tiếp sau đều phải đọc qua.

- Quan gia, chuyện này… Nhưng Nguyễn Trãi là kẻ đã dám mưu sát Tiên đế! – Trần Phong quỳ rạp xuống, thảng thốt nói như trời sập đến nơi.

Tư Thành khẽ nhắm mắt lại, môi nhếch lên kín đáo tạo thành một nụ cười mỉa mai. Thành tựu cả đời của cố đại nhân Nguyễn Trãi là thứ lắm kẻ vừa thèm muốn, vừa đố kị, kiểu lòng dạ đó ngoài dân gian hay chốn quan trường đều đầy rẫy. Những kẻ tiểu nhân mượn vào huyết án Lệ Chi Viên để hả hê khi thấy cả tòa sự nghiệp cao vòi vọi kia sụp đổ, còn người nằm xuống mang tiếng nhơ dễ gì gột sạch. Giờ những lời Hoàng đế ban xuống chẳng hóa phủ định đi tất cả?

- Trần Phong, người từng tận mắt thấy Nguyễn Trãi cấu kết với ái thiếp của mình mưu sát phụ hoàng ta? – Bang Cơ cau mày, hỏi lại: – Thế sự vô thường. Không may người đàn bà ấy gây ra tai biến, để người lương thiện mắc tội, rất đáng thương.

- Quan gia…

- Quan gia anh minh! – Tư Thành cất tiếng, quỳ xuống hành lễ làm đám người kia nhất thời lúng túng.

- Hoàng thái hậu giá đáo!

Lời truyền ấy vọng vào thư phòng tại cung Khánh Ngọc đột nhiên làm thế trận có nguy cơ bị đảo lộn. Đặt cuốn sách xuống bàn, Bang Cơ nhanh chóng bước xuống cung nghênh mẫu hậu của mình. Đám quan lại xoay ra mừng rỡ ra mặt, hận không thể bẩm tấu ngay. Trái ngược với những cung bậc cảm xúc đa dạng đó, quỳ xuống hành lễ, lòng Tư Thành ngầm đoán định những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo khi Nguyễn Thị Anh biết quyết định của Hoàng đế. Cá nhân chàng sẽ không hoan hỉ được như đám người kia.

- Ta nghe hết tất cả mọi chuyện rồi. – Tuyên Từ phẩy tay ngầm ra hiện cho Trần Phong không cần thưa bẩm gì thêm. – Ta tán đồng với điều quan gia lựa chọn.

Những lời ấy khác gì sét đánh ngang tai những kẻ đang định xun xoe quanh gấu váy người đàn bà đó. Tư Thành không nghĩ Nguyễn Thị Anh sẽ bác bỏ ý kiến của con trai mình nhưng đồng tình đến thế lại là chuyện khác. Hoàng thái hậu tiếp lời:

- Quan gia là vua một nước, người đã có thể tự mình quyết định những việc hệ trọng đúng đắn như vậy làm mẫu hậu rất an lòng. Từ nay, người không còn cần đến mẹ già này giúp người trông coi chính sự nữa rồi.

Gió đã đổi chiều đúng như những gì Tư Thành đoán định. Cuộc chuyển giao này quả nhiên êm ấm, vẹn toàn. Cán cân quyền lực hơn mười năm nay nghiêng về phía Hoàng thái hậu khiến lắm kẻ quên mất người ngồi trên ngai vàng kia thực là ai. Hôm nay Nguyễn Thị Anh đã khéo nhắc cho quan lại trên dưới trật tự vốn có của nó, khéo chỉ ra rằng Hoàng đế quần thần phải phụng sự giờ đã trưởng thành, không còn là một đứa bé con để cho mẫu hậu buông rèm nhiếp chính ngày xưa. Tất cả những gì có thể làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Hoàng đế cuối cùng đã được dẹp sạch, kể cả đó là cái bóng của chính mẹ đẻ mình. Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Thị Anh, người đúng là không phải hạng đàn bà tầm thường.

Tháng mười một năm Thái Hòa thứ 11 (1453), Hoàng đế lên mười hai tuổi, có thể tự coi chính sự, Thái hậu trả lại quyền chính cho nhà vua rồi lui về ở cung riêng. Khi tự mình chấp chính, quan gia xuống lệnh đại xá, đổi niên hiệu là Diên Ninh. Năm 1454 trở thành năm Diên Ninh thứ nhất.

Trên đời không thiếu kẻ mơ mộng muốn một lần gặp tiên nữ, gặp được tiên nữ ngay giữa cõi trần càng hay. Chuyện ấy nghe thì có vẻ hoang đường nhưng lại hoàn toàn có thực. Chẳng qua đó là cách nói hoa mỹ về cuộc hát xướng bên bờ hồ Dâm Đàm[4] mà các đào nương được ví như những tiên tử hạ phàm. Chỉ là hát múa, tấu nhạc nhưng lại được ưu ái, đồn thổi như vậy bởi một năm chỉ có một lần lúc xuân sang, các giáo phường trong kinh thành cử đến những cô đào, kép đàn giỏi nhất, người ta không cần trả tiền mà vẫn có thể được nghe hát, xem múa mãn nhãn thì thôi. Tuy không trình diễn ca trù hay những màn hát thờ độc đáo nhưng cũng đủ để các ông trùm vừa là phô trương thanh thế, vừa truyền bá văn hóa dân gian theo sắp xếp của Ty giáo phường[5]. Những người từng vọng tưởng đào nương xinh đẹp coi đây là cơ hội để ngắm nhìn, để cầm tay các nàng nói đôi câu tình ý mà những lúc bình thường khó có khả năng làm được. Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa, càng làm cho nhiều người vì hiếu kì mà tìm đến. Bang Cơ cũng vậy. Rời cung vi hành gặp lúc tối trời trăng sáng, lại nghe danh đồn đại đã lâu, Hoàng đế đâu thể không dừng bước. Tư Thành quan sát đám đông, thấy yên tâm một chút khi lẫn giữa những người bình thường là những cấm quân tinh nhuệ nhất, mình mặc thường phục đứng lẫn vào rải rác, mắt kín đào không rời khỏi bóng áo trắng của chủ nhân.

[4] Tức Hồ Tây.

[5] Theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ: Ty giáo phường là cơ quan làm nhiệm vụ sưu tầm, chỉnh lý, biểu diễn, truyền bá… âm nhạc dân gian.

- Công tử của tôi ơi, cái mạng già này của lão sống được mấy năm mà người lại hành hạ nó đến thế? – Đào Biểu phe phẩy cái quạt trong tay, não nề nói.

- Anh ấy không mấy khi ra ngoài, vui vẻ một lần cũng tốt. Chúng ta thận trọng là được! – Chàng ngước lên, cười trấn an – Đào Biểu, ông có thấy dạo này anh ấy đã thay đổi không?

- Ý công tử là… – Viên nội thị nhìn xuống, rõ ràng hiểu ẩn ý trong lời của Bình Nguyên vương nhưng vẫn cố tình nói lảng sang chuyện khác – … công việc bận rộn không lúc nào ngơi nên chủ nhân thay đổi cũng là điều bình thường.

- Nói cũng phải!

Tư Thành cười nhẹ, chắp hai tay ra sau lưng, thong thả bước về phía trước. Từ hồi đầu năm, khi Bang Cơ triệu chàng nhập cung cùng học võ thuật, rồi chuyện tại Bí thư các hay đến cả lần xuất cung này, tất cả bề ngoài chỉ là những sự kiện rời rạc nhưng dường như lại có quan hệ mật thiết với nhau. Hoàng đế là người cần cù chịu khó, chuyên tâm học hành, càng chuyên tâm hơn nữa với việc quốc gia đại sự, nhưng sự tỉ mỉ ban nãy trong lúc đi thăm thú dân tình làm Tư Thành có chút băn khoăn. Bang Cơ là người lương thiện, thật thà nhưng dù sao cũng là Hoàng đế, lòng dạ đế vương chẳng sớm thì muộn cũng sẽ thành chốn chẳng ai dò xét cho hết nông sâu. Chàng nhận ra thế, Đào Biểu càng nhận ra thế vì ngày ngày kề cận cạnh đức vua nhưng sự thể thế nào thì ông tạm thời chưa thể đoán ra, đành cất mối tơ vò ấy vào tận sâu trong lòng.

- Nói điều này thì hơi thừa thãi… – Tư Thành nhìn lên – … bên trong những người có thể tin tưởng được không nhiều, mong ông tận tâm tận sức giúp đỡ anh ấy. Chuyện gì tránh được thì nên tránh đến cùng.

“Bên trong” mà Bình Nguyên vương nhắc đến chính là Cung thành. Đào Biểu cúi mình nhận lời dặn dò, trong lòng thầm nể phục đứa bé trước mặt. Đúng là huyết thống của gia đình đế vương, ý tứ thâm sâu khiến kẻ làm nô bộc nhất thời khó hiểu hết.

- Xem ra mấy anh học trò kia hát không được hay lắm nhỉ? – Bang Cơ cười cười huých tay vào hông Tư Thành.

Chàng nén tiếng cười trong cổ họng, gật đầu tán đồng. Chen chen lách lách một hồi, cuối cùng hai đứa trẻ và mấy người tùy tùng cũng có thể đứng ở hàng đầu, nhìn thật rõ những cô đào xinh đẹp không ai giống ai, mười phân vẹn mười. Dung nhan đẹp đẽ như hoa như ngọc đến vậy bảo người khác bình tĩnh mà hát đối đáp với các cô kể cũng khó. Mấy anh học trò nhất thời nổi hứng, tuy bụng đầy kinh sử nhưng lại không hát cho trọn lời một khúc dân ca để đáp lại các cô đào. Tư Thành thầm phục mấy cô gái ấy khi có thể kiên nhẫn tiếp những vị khách này mà nụ cười trên môi không hề nhạt đi dù chỉ một chút.

- Đắc Ninh, anh với cậu Khiết chẳng phải hát rất hay sao, đối đáp các cô ấy cho ta! – Bang Cơ thấy mấy người kia vì thẹn mà dần tách đám đông rời đi liền ra lệnh cho hai người đàn ông trẻ đứng sau lưng mình tiếp tục cuộc hát xướng đang đến hồi hấp dẫn.

- Chuyện này… – Lê Đắc Ninh thân là Đô chỉ huy giữ cấm binh trong cung chưa hề quên năm xưa, khi xa giá của vua về Lam Kinh, Trịnh Khả từng tâu lên quan gia xin dẹp không cho trai gái Thanh Hoa hát rí ren vì coi đó là thói dâm tục xấu. Nay Hoàng đế lại ra lệnh này làm anh ta thực sự khó nghĩ.

- Ta biết anh cũng là khách quen của chốn nhà trò con hát! – Bang Cơ nhẹ giọng nói nhưng lại khiến những người xung quanh len lén quay đi – Chuyện ấy chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Nào, giờ anh có làm không đây?

- Anh thật là… – Tư Thành cười khùng khục trong họng khi thấy dáng người lực lưỡng của Đắc Ninh và người thanh niên còn lại tên Khiết lục đục tiến về phía trước, ngoái sang Hoàng đế của mình.

- Em chẳng bảo không nên làm những cô gái đẹp buồn đấy thôi! – Chàng vươn người thoải mái, ánh mắt háo hức nhìn về phía trước – Các nàng ấy hát hay như vậy, để cuộc vui đứt gánh giữa chừng thì không hay cho lắm!

Bên lầu hóng gió sát mép nước hồ, bóng lá xào xạc trên nền gạch nung được soi tỏ bởi ánh trăng, bởi những ánh đèn lồng rực rỡ. Gió động những tà áo lụa đủ màu, đùa nghịch những lọn tóc mây óng ả làm bao người hồn xiêu phách lạc. Các ca nương của giáo phường Khán Xuân nhìn nhau, nhìn quan khách, chưa biết hát tiếp thế nào bởi khúc dân ca này là đối đáp giao duyên, nếu chỉ có nữ thì không thể nào kết thúc được, mà bỏ ngang đấy thì quá mất mặt. Mấy anh kép đặt cây đàn đáy xuống định ra ứng cứu thì giữa đám đông đã vang lên tiếng hát khiến những gương mặt kia rạng rỡ hẳn ra.

- Trên trời… có đám mây xanh, có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời.

- Ô mấy dậu tình rằng, ô mấy dậu tình ơi… – Các cô ngoảnh lại, trên môi điểm một nụ cười tươi tắn mà hòa tiếng vào.

Đắc Ninh chầm chậm tách khỏi đám đông, đứng về một phía trên khoảng sân rộng, dáng điệu đường hoàng tiếp lời:

- Đôi ta… muốn lấy nhau chơi… nhưng cái duyên chưa định vì trời chưa se. Những đôi… bến nước bờ tre… nhưng cái duyên đã định, trời se cứ thành…

Những ánh mắt liếc ngang lúng liếng, những mái đầu xanh chụm vào nhau như đang định giá người vừa xuất hiện, vành nón quai thao che lấp nụ cười trên những đôi môi ấy càng làm người ta tò mò, phấn khích.

- Ba đồng… – Anh Khiết hát tiếp ngay, nghiêng người về phía những cô gái đang đứng túm năm tụm ba, tay vờ vò vò tà áo tứ thân màu hoa đào.

- Ba đồng… - Các cô nhại lại bằng giọng trong vắt, cao vút, trong tiếng gió vẳng đưa tiếng cười khúc khích vui tươi.

-… một sợi chỉ đào. Áo vóc không vá vào áo tơi…

Bóng hai người đàn ông in trên nền đất thoáng động khi cô đào đẹp nhất bị đám chị em đẩy ra ngoài, chạm bờ vai thon lên cánh tay Lê Đắc Ninh nhẹ như một cành hoa lướt qua nhưng lại khiến viên Đô chỉ huy bối rối ra mặt, làm đám đông xung quanh ồ lên thích thú. Ánh mắt đen khẽ liếc vờ như thẹn rồi quay đi nhưng thực ra lại sóng sánh xuân tình, gò má kia ửng hồng bẽn lẽn. Là Đắc Ninh may mắn khi được mục sở thị đào nương đệ nhất kinh thành – cô đào Kim Oanh của giáo phường Khán Xuân, Hoàng đế xem ra đúng là người tốt.

- Tủi lòng… thiếp lắm chàng ơi… dẫu rằng lên ngược, xuống xuôi lỡ làng… – Nàng chuyển giọng từ hát qua nói, lần tìm trong dải thắt lưng ra miếng trầu têm cánh phượng, ngước mắt trông sang. – Gặp chàng dưới ánh trăng thanh. Xin mời ăn miếng trầu xanh thắm nồng. Trầu xanh, cau trắng, chay hồng. Đẹp duyên phải phận tơ hồng trời se.

Những cơi trầu sơn son trên tay những cô đào đang tuổi trăng rằm lần lượt tỏa ra vào đám đông. Ai cũng phấn khích đến độ cố giành cho được một miếng để nhìn cho kĩ những gương mặt ấy. Đắc Ninh chần chừ mãi, ái ngại liếc nhìn về phía Hoàng đế trong khi bàn tay mình đã bị Kim Oanh mở ra, nhẹ nhàng đặt miếng trầu têm rất khéo vào đó.

- Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy… Không ăn cầm lấy… cho nhau bằng lòng. Trầu này… trầu tính trầu tình…

Lời hát ấy, ánh mắt êm êm như sóng nước vỗ bờ mà chan chứa ý tình, nàng mới thấy vị khách có ý định không nhận liền nhẹ nhàng dùng những ngón tay thon mà cản, khép bàn tay Đắc Ninh lại. Bàn tay mềm mại chỉ khẽ lướt qua tựa hồ như cánh hoa mỏng rơi xuống nhưng lại có sức mạnh hơn cả những cú ra đòn uy vũ nơi thao trường. Nhìn vẻ mặt đỏ rần rần của viên Đô chỉ huy cấm binh của mình, Bang Cơ thích chí vỗ tay vào đùi cười sảng khoái. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, anh hùng đúng là khó qua ải mỹ nhân.

- Bé con… đi theo anh nhé?

Tư Thành đang mải nhìn nam thanh nữ tú trao nhau những ánh mắt nồng nhiệt vào một đêm trăng thanh gió nhẹ, cảnh đẹp, người còn đẹp hơn nữa thì chợt nghe thấy bên tai tiếng bông đùa không được đứng đắn cho lắm. Kẻ buông lời cũng là một thanh niên ăn mặc quần là áo lượt, trông không có vẻ là thất học nhưng lại tay giữ tay níu một cô bé con tóc còn chưa cài trâm[6]. Bàn tay cầm cây quạt trúc giơ lên định cản hành vi thất thố đó chợt khựng lại. Cổ tay thon kia ban đầu còn cố dùng lực để giằng ra, ánh mắt đen thẫm vừa thoảng qua chút sững sờ rồi trầm sâu trở lại. Đôi môi phơn phớt màu son của Hải Triều nhoẻn cười, thoắt cái làm Tư Thành nhận ra đứa bé đó giờ mang một vẻ mặt không hề khác những đào nương trưởng thành.

[6] Con gái đến tuổi trưởng thành (có thể gả đi được) thì mới được cài trâm, coi như dấu hiệu để người ngoài có thể biết. Người ta gọi đó là tuổi cập kê. Ở đây ý nói cô bé này còn nhỏ.

Chạm nhẹ hai đầu ngón tay lên bàn tay gã thanh niên kia, nàng hát:

- Đứng ở đằng xa… yêu nhau… đứng ở đằng xa. Con mắt liếc lại… con mắt liếc lại… bằng ba đứng gần.

Những người xung quanh nhìn thấy hết cảnh tượng đó, nghe đến thế liền râm ran bật cười. Gã trai kia cũng biết thẹn mà buông vội tay cô bé ra, định lủi đi ngay nhưng khi thấy nàng khẽ cúi đầu chào đáp lễ như chẳng có việc gì thì đâm ra lúng túng, chân dẫm phải tà áo, loạng choạng mà ngã nhào. Dáng điệu che miệng khi cười đó, cái cách cô bé quay đầu bước đi đàng hoàng, đúng mực, nom chẳng khác dáng vẻ của các tiểu thư là mấy. Ấm áp thế, xinh đẹp thế, ấy vậy mà khi đuôi mắt liếc ngang chạm phải gương mặt Tư Thành, ấn tượng đọng lại trong lòng chàng không phải là một nhành hoa xuân hãy còn phong nhụy mà là một vẻ băng lạnh xa cách.

Bang Cơ lúc hồi cung, trên xe ngựa có ý trêu Lê Đắc Ninh, nói rằng tình nồng ý đượm như thế với cô đào Oanh thì nên nhanh nhanh chóng chóng mà cưới nàng về làm thiếp. Đắc Ninh một mặt không dám, mặt khác nói thẳng đại ý rằng: Đào nương chỉ là người nên gặp để vui vẻ, tuyệt đối không nên lấy về nhà. Đẹp quá cũng là một chuyện nguy hiểm. Các tiểu thư khuê các ít khi lộ mặt ra chốn phố chợ, còn các cô đào lại công khai làm chuyện ngược lại, cười cười nói nói với đủ dạng người. Hơn nữa, lòng dạ đàn bà đã khó dò, lòng dạ các ả đào còn khó dò hơn nữa. Đâu là thật, đâu là giả thực sự quá mong manh.

Là khách phong lưu gặp kẻ phong trần giữa chốn hương phấn. Tình duyên nồng đượm, mĩ mãn kia chỉ thoảng qua trong một canh hát rồi như bướm vờn hoa đậu rồi lại bay. Hoa vẫn đẹp vẫn tươi để đợi chờ những con bướm khác, chẳng nhung nhớ, cũng chẳng đợi chờ. Không khí mùa xuân vấn vương hương hoa mộc thơm ngọt đến nao lòng, rải sắc trắng tinh khôi trong những chùm hoa bé xíu, níu áo người từ chốn đàn hát ấy suốt cả một quãng đường xa.

Lòng dạ đàn bà khó dò hay lòng người thực ra vốn đã khó dò?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3