Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 11 - Phần 1

Chương 11: Sen non

***

…Phi đào lý chi thô tục; phi mai trúc chi cô hàn

Phi tăng phòng chi câu kỷ; phi Lạc thổ chi mẫu đơn

Phi Đào Lệnh đông ly chi cúc; phi Linh Quân cửu uyển chi lan

Nãi Thái Hoa sơn đầu Ngọc tỉnh chi liên…[1]

[Ngọc tỉnh liên phú – Mạc Đĩnh Chi]

[1] Ngọc tỉnh liên phú (Bài phú sen trong giếng ngọc).

Dịch nghĩa:

Chẳng phải như đào trần, lý tục; chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy

Câu kỷ phòng tăng khó tránh; mẫu đơn đất Lạc nào bì

Giậu đào lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan sá kể gì

Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa vậy!…

(Bản dịch khuyết danh)

Nhang khói vấn vít trong cơn gió cuối xuân ẩn chứa mùi nắng hạ. Trời xanh, mây trắng êm đềm quả thực rất nên thơ.

Kim Oanh lặng lẽ thắp hương bên nấm mộ, đưa tay nhổ đi vài bụi cây đã mọc cao. Lẩm nhẩm đọc hàng chữ trên bia đá, nàng đưa mắt nhìn cô gái đang quỳ cạnh mình, cần mẫn nhổ cỏ, đắp thêm mấy nắm đất lên ngôi mộ mà chẳng dám lên tiếng. Nàng quá hiểu tính khí Hải Triều, đứa em gái này thích nói sẽ nói, thích cười sẽ cười, còn không thì trời long đất lở cũng là chuyện của người ta, chẳng mảy may lay động dù chỉ là một chút. Gương mặt ấy dần dần tan đi hết những vẻ ngây thơ, chút trong sáng của tuổi thiếu thời còn vương lại vào ngày Kim Oanh gặp cô bé giờ cũng chẳng còn, đến mức lắm lúc khiến nàng thấy sợ. Dung mạo ấy khiến trong lòng cô đào chợt dấy lên những lo lắng không đâu. Hồng nhan bạc phận xưa nay đã là cái lệ, đám đàn bà con gái chốn giáo phường càng không thể không hay cái sự đời ngang trái ấy.

- Phu nhân, người xem tiểu thư đã trưởng thành, xinh đẹp như thế nào kìa. – Kim Oanh nhỏ giọng tâm tình, lờ đi ánh mắt đen lạnh của Hải Triều đương ngước lên nhìn mình – Con phải làm sao đây phu nhân, sao con dám để tiểu thư trở thành đào nương chứ?

- Chị nói gì vậy? – Đôi môi hồng nhếch khẽ lên thành nụ cười nhàn nhạt, đôi tròng mắt vốn đã tối thẫm nay còn sẫm màu hơn nữa, hun hút không thấy đáy – Em đã làm lễ mở xiêm áo, đã đi hát vài năm nay. Thân phận đào nương này sao nói bỏ là bỏ được?

- Tiểu thư… sang năm cô mười lăm tuổi rồi, đã đến tuổi gài trâm, đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện lấy chồng. Làm đào hát thì sao có thể… – Kim Oanh ngoảnh sang, thảng thốt nói – Được rồi, người không thích làm tiểu thư cũng được, xét tuổi đời, xét tuổi nghề thì chị vẫn là chị em. Chị nói em không nghe sao?

- Làm đào nương có gì không tốt? Bỏ qua tất cả những lời người đời gièm pha, Kim Oanh, trả lời cho em biết, thực sự làm nghề này có điểm nào không tốt?

Giọng nói mềm mỏng, êm êm, nửa như chú tâm nửa lại hờ hững đó vang lên trong tiếng gió vi vút làm cô gái từng trải im lặng. Xưa nay vẫn là nghe người ngoài bình phẩm, còn thực trong lòng, đến tận lúc này chính cô đào Oanh mới tự hỏi mình điều Hải Triều vừa nói: “Làm đào nương có gì không tốt?”. Mùi cỏ xanh ngai ngái vương lên tay áo. Thiếu nữ lặng thinh nhìn nấm mồ của mẹ, suy nghĩ hồi lâu rồi mới tiếp lời:

- Em chỉ có một niềm vui duy nhất khi chơi đàn thôi. Em vẫn nghĩ đó là cách mình có thể tìm được mẹ. Thế nên… chị đừng bao giờ nói với em chuyện từ bỏ cây đàn của mình.

Đôi mắt vốn long lanh của Kim Oanh đột nhiên sững lại. Nàng ngạc nhiên. Cũng phải thôi, ở giáo phường Khán Xuân bốn năm nay, người ta luôn nói Nguyễn Thị Ngọc Huyên là một cô gái ngoan, chuyện gì cũng rất chỉn chu, khuôn phép, tác phong chừng mực, đoan chính, tiếng đàn lẫn tiếng hát đều khiến lắm khách quan mê mẩn. Nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi. Đứa bé này thích gì, ghét gì không ai biết, nghĩ gì trong đầu càng chẳng ai hay. Người ta cứ cho Hải Triều kiệm lời, đinh ninh người thân thiết với con bé như Đào Thịnh hay Kim Oanh chắc cũng sẽ biết thêm được đôi điều. Có ai hay đâu rằng chẳng phải thế.

Bàn tay vuốt nhẹ lên những chữ khắc, Hải Triều chạm nhẹ trán mình vào lớp đá lạnh ngắt, thì thầm:

- U, con đi đây.

Nấm mộ của người phụ nữ nào đó tên Phùng Thị Mai Loan nằm trên một khu đất nhô lên vắng vẻ, một mặt nhìn ra sông, một mặt quay lưng vào ruộng lúa, nằm xa bãi tha ma của làng. Không gian tứ bề vắng lặng, trong tiết Thanh Minh chợt ngoảnh lại nhìn thấy cũng có chút lẻ loi.

- Chúng ta về giáo phường thôi. – Mãi một lúc lâu sau Kim Oanh mới lên tiếng.

Tựa mái đầu lên thành xe ngựa lắc lư, thiếu nữ đưa tay nâng tấm rèm mỏng lên, trông ra ngoài, ngập ngừng một chút rồi mới nói:

- Chị, khi về đến Đông Kinh, em còn muốn đến một nơi… Là… Tràng Thi.

Cái tên ấy vừa nghe đã khiến Kim Oanh lặng người. Nàng còn nhớ rõ vào đêm Hải Triều mới chân ướt chân ráo lên kinh thành, con bé im lặng mãi nhưng đến khi mở lời, câu đầu tiên lại là: “Thân phụ em và tam phu nhân bị xử trảm ở đâu?”. Nghĩ lại, nơi ấy cũng thật nhiều duyên nợ.

Chiếc xe ngựa dừng bên vệ đường lúc đã tà dương. Ràng chiều nhuộm đỏ cả một chân trời thẳng tắp sau những rặng cây. Đôi lông mày của thiếu nữ cau lại vì ánh mặt trời gay gắt trước lúc sắp tàn nhưng ánh nhìn vẫn thẳng về phía trước. Năm xưa, tại chính nơi này đã diễn ra kì thi hội đầu tiên[2] của triều đình kể từ khi Thái Tổ lấy lại được giang sơn từ tay giặc Ngô. Thái Tông hoàng đế giao cho Nguyễn Trãi, khi ấy đang giữ cương vị Hàn lâm viện Thừa chỉ, làm quan Độc quyển kỳ thi ấy. Những quan lại tiếng tăm trong triều bây giờ như Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc[3]… đều là do một tay Nguyễn Trãi năm xưa lấy đỗ. Người ta đến giáo phường nghe hát, cao hứng thì rượu vào lời ra, những chuyện lúc tỉnh không dám nói thì giờ theo hơi men mà tuôn ra hết, không nén nổi trong lời lẽ sự tiếc nuối. Hải Triều nhờ vậy mà biết chức tước năm xưa của cha mình không hề nhỏ[4], xem chừng còn rất có ảnh hưởng đến vị Hoàng đế đã băng hà. Ai cũng bảo những thời Thái Tông là khoảng thời gian cha nàng đắc trí nhất, tự do tung hoành nhất. Những lời ấy như vén tấm rèm mờ mờ ảo ảo suốt những năm tháng tuổi thơ trùm lên kí ức của Hải Triều, để nàng thực sự tin cha đã từng sống, đã từng làm những việc để đời như thế. Và trớ trêu thay, cũng chính tại nơi này, cuộc đời của người đã chấm dứt trong sự oan uổng mà Mai Loan buộc đứa con gái phải khắc cốt ghi tâm.

[2] Tức khoa thi năm Nhâm Tuất (1442).

[3] Tam khôi (ba người đỗ đầu) khoa thi năm Nhâm Tuất.

[4] Năm 1439, Thái Tông Lê Nguyên Long mời Nguyễn Trãi tham dự triều chính, giữ chức cũ (tức chức vụ từ thời Lê Thái Tổ Lê Lợi, có một thời gian Nguyễn Trãi không được trọng dụng, lui về ở ẩn, nay phục vị) là Nhập nội hành khiển coi việc Môn hạ sảnh và Tam quán sự, kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ, giao coi sổ sách, từ tụng quân dân hai đạo Đông, Bắc (thời đó chia nước làm 4 đạo Đông, Tây, Nam, Bắc).

Quai nón bằng vải thao nhuộm màu hồng đào tung bay trong gió. Cô gái đứng lặng trong ánh hoàng hôn, chiếc bóng nhỏ đổ dài trên nền đất. Trong đáy mắt đen không có buồn bã, càng chẳng có xót xa, nàng chỉ đăm đăm nhìn khoảng đất rộng vuông vắn phía trước, mường tượng ra cảnh sĩ tử lều chõng đi thi, rồi lại mường tượng ra ngày ấy, tấc đất nào dưới chân đã thấm đẫm máu tươi tanh nồng. Mây trôi gió cuốn, sự đời chìm nổi, nơi này ngày ấy, nơi này bây giờ, cỏ đã lại lên xanh, chuyện cũ tựa hồ đã khuất lấp dưới tầng tầng gạch đá, muốn lần tìm ra sự thật cũng chẳng dễ dàng gì. Ậm ừ trong cổ họng khúc nhạc ngày xuân năm cũ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ứng tác, đó là lần cuối cùng người ta còn được nghe Nguyễn Hãi Triều nhắc lại những thanh âm ấy, những thanh âm không biết từ lúc nào lại khiến nàng sinh ra chán ghét. Những người đàn bà lưu danh sử sách nước Nam mỗi người mỗi vẻ, nhưng chắc hiếm có được cảnh cả vợ lẫn chồng vẻ vang như chuyện của cố đại nhân Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi và bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Sau cái chết đột ngột của Thái Tông, dân gian có người nói bà Lộ hàm oan; cũng có người vì tiếc thương Ức Trai tiên sinh, hay hùa vào với triều đình mà bảo bà vợ lẽ ấy là hóa thân của con rắn ma quỷ mang lại họa sát thân cho tam tộc nhà họ Nguyễn[5]. Cúi mình xuống nhặt chiếc lá vàng chẳng hiểu từ đâu rơi chạm mũi dép cong, Hải Triều cười nhẹ. Nàng luôn cho Nguyễn Thị Lộ là một người đàn bà hạnh phúc, chắc chắn hạnh phúc hơn Mai Loan, bởi đến lúc chết đi rồi, bà vẫn có thể cùng cha nàng trở thành đôi phu thê nơi âm tào địa phủ, tiếp tục những cuộc bình thơ luận sách như những gì đến giờ, người còn đang sống vẫn hay kể lại. Oan uổng hay không giờ là chuyện của hậu thế, đâu còn đến tai tiền nhân được nữa…

[5] Thuyết rắn báo oán. Đại ý như sau: Một hôm, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ “tộc” (“họ”) qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông sẽ bị hại đến ba họ. Có người nói Nguyễn Thị Lộ chính là hóa thân của con rắn mẹ.

- Chị, chúng ta về thôi!

Vành nón quai thao chao qua, đổ bóng xuống gương mặt thiếu nữ. Kim Oanh im lặng đi theo, mơ hồ thấy như trong một thoáng, Hải Triều đã mỉm cười. Nàng sợ, thực sự sợ những nụ cười như thế trên môi người đối diện.

Hôm nay, như mọi ngày, viên ngự y họ Dương theo cung nữ tên Hạ Liên đến cung Diên Khánh bắt mạch cho Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Lệnh bà hẵng còn trẻ, sức khỏe dồi dào nên chuyện thăm khám này cũng chỉ là thủ tục cho có. Mấy ngón tay mới rời khỏi cổ tay trắng như ngọc ấy, ông liền khẽ thưa:

- Bẩm lệnh bà, sức khỏe người rất tốt, không có vấn đề gì ạ. Trời đã sang hạ, thời tiết cũng nóng bức hơn nên thần xin kê dâng người vài thang thuốc thanh nhiệt giải độc. Xong xuôi sẽ cho người ở ngự dược phòng chuẩn bị.

Chưa kịp đóng nắp hòm đồ lại, viên ngự y được phen sững người khi Tuyên Từ ban ghế, ban trà, lệnh ông ngồi lại nói thêm đôi câu chuyện. Ngày trước, lúc còn bận lo chuyện chính sự, hiếm hoi lắm Hoàng thái hậu mới nổi nhã hứng như thế. Giờ ngày rộng tháng dài, người càng có cớ để làm chuyện này. So với những ngự y khác, ông họ Dương được Tuyên Từ ưu ái hơn cả phần vì tài năng, phần vì ông là người ít lời, kín tiếng. Năm xưa, bệnh của Bang Cơ đều do một tay ông chữa trị nhưng ai hỏi đến, chưa cần Hoàng thái hậu căn dặn, người đàn ông cũng hiểu chuyện nội cung, chuyện quan trường mà tự nói nhẹ đi sáu, bảy phần. Còn về tình riêng, ông với Nguyễn Thị Anh là đồng hương, những lần gặp gỡ ngoài nói chuyện y thư, chuyện sức khỏe của quan gia lại quay về cảnh nước non ở Bố Vệ, Đông Sơn[6]. Viên ngự y ngầm đoán chắc lần này Hoàng thái hậu lại hỏi mình những chuyện trong lần về thăm quê tháng trước nên đã sắp sẵn những ý để trả lời, ai ngờ được những điều ông đoán đều sai cả.

[6] Thuộc lộ Thanh Hoa.

- Ta nghe nói khanh có một cô con gái tuổi sàn sàn quan gia?

- Dạ… con gái thứ ba của thần… kém quan gia hai tuổi.

Ra hiệu cho Hạ Liên rót trà, Tuyên Từ thoải mái tựa người lên chiếc gối gấm đỏ hoa vàng kê tay, nghiêng nghiêng đôi mắt long lanh nhìn người đàn ông đang bối rối trước mặt, vui vẻ tiếp lời:

- Ta nghe nhiều người nói Đông Kinh có Dương gia nữ tử, là bốn cô con gái nhà họ Dương có nghề y gia truyền nổi danh ở kinh thành. Nghe đầu hai cô lớn y thuật cũng rất cao minh, đúng là có phúc. Hôm nào dẫn con gái thứ ba của khanh vào cung cho ta gặp mặt. Quan gia giờ lớn rồi, bận bịu trăm công nghìn việc, ta cũng rảnh rỗi quá, muốn có tiếng con trẻ cho khuây khỏa.

Những lời ấy làm nước trong chiếc chén người đàn ông đang cầm trên tay sánh cả ra ngoài. Run run đặt chén lên bàn, viên ngự y chắp tay thưa ngay:

- Lệnh bà, mấy lời đồn đại đó là người trong thành nói quá lên thôi. Nhà thần năm đời làm nghề thuốc, con thần chỉ theo truyền thống đó mà học lấy đôi chút để phòng thân, không dám nhận lời khen ngợi của người. Hơn nữa con gái thần không phải cành vàng lá ngọc, khuôn phép lễ nghi đều kém những thiên kim tiểu thư khác, thần thật sự không dám dẫn con bé vào cung ra mắt Hoàng thái hậu.

- Dương Đán. – Tuyên Từ gọi thẳng tên người trước mặt, giọng nói mềm mỏng ẩn tiếng cười vỗ về, nhẹ tênh nhưng lại khiến người đàn ông không dám thốt ra thêm một lời nào nữa. – Ân điển của ta ban xuống, khanh nên từ chối sao? Ngự y trong cung đều là nam giới, ra vào nội cung cũng không tiện. Chưa kể cả ta và khanh đều biết có những chuyện nữ giới dù là chủ nhân cũng không thể mở lời nói ra với các thầy thuốc. Nội quan, cung nữ trong cung cũng rất nhiều, bạc đãi họ quá cũng không nên. Ta đang nghĩ xem có nên đào tạo vài nữ thầy thuốc để phụ giúp các quan ngự y hay không. Ý này khanh cứ lui về Thái y viện bàn bạc với mọi người xem sao.

Xốc lại quai hòm thuốc trên vai, bước chân người đàn ông nặng nề chậm lại. Dương Đán chỉ là một thầy thuốc, không quyền, không thế, nay Hoàng thái hậu nhắm đến cả ông lẫn đứa con gái, là ý gì thì ông chịu, chỉ dám chắc đây không phải một câu nói vui miệng nhất thời. Ngự y xưa nay im hơi lặng tiếng, là cái nghề tuy ra vào Cung thành nhưng vì chẳng đụng chạm đến chính trị, phe phái nên vừa có tiếng lại có thể toàn mạng mà sống yên ổn đến già. Ngày còn trẻ, ông Dương Đán cũng từng nghĩ thế, giờ ngẫm lại mới thấy mình quá ngây thơ. Cái lần xa giá của Thái Tông Hoàng đế đến Lệ Chi Viên… Ngoài miệng đã không dám nói ra, ngay cả trong ý nghĩ người đàn ông cũng cấm mình không được hồi tưởng đến chuyện đó, chỉ biết nhìn bầu trời xanh ngắt, thở hắt ra.

Cuối cùng ngự y Dương Đán cũng không thể lần lữa mãi, đành đưa con gái nhập cung theo lời triệu của Hoàng thái hậu. Ngoài mặt, lệnh bà rất ưa con gái ông, thôi thì cũng đành. Trong số bao nhiêu dự liệu, viên ngự y không hề lường được điều xấu nhất đã xảy ra: Hoàng đế nhìn trúng đứa con gái này của ông. Dương Đán run run lấy tay áo lau mồ hôi hạt mẹ hạt con chảy dài xuống gương mặt đang cố đè nén sự lo sợ trong lòng. Làm thần tử điều đáng sợ nhất là, trước các vị chủ nhân mỗi người mỗi ý, lắm lúc trái ngược nhau đã không dám cãi lời thì thôi lại còn phải vâng mệnh.

- Ta có bảo ông đi vào chỗ chết đâu mà phải mang vẻ mặt đưa đám như vậy? Cứ coi đây là một cuộc vi hành đi. – Bang Cơ chắp tay sau lưng, nheo nheo mắt nhìn quan ngự y. – Chỉ cần ông giữ lời hứa với ta là được. Nếu để con gái ông biết ta là ai, Dương Đán à, ta phải nói cuộc sống sau này của ông sẽ vô cùng thê thảm.

Giọng điệu nửa đùa nửa thật này là chàng học Tư Thành. Điệu bộ có thể không giống lắm, không khiến người ta chột dạ như bị đẩy vào một màn sương mù dày đặc nhưng may do ngôi cửu ngũ chí tôn gỡ gạc lại được vài phần, cũng khiến người trước mặt hoảng hốt mà gật đầu như bổ củi.

“Thê thảm?” – Ngự Y Dương Đán thầm than trong đầu – “Quan gia ơi là quan gia, tình cảnh của thần lúc này còn chưa đủ thê thảm sao? Người sao không yên vị ở điện Trường Xuân hay điện Cần Chính phê duyệt tấu chương cho thiên hạ được nhờ. Sao cứ phải ra ngoài, sao cứ phải tìm con bé ngỗ ngược nhà thần cơ chứ?”

Hoàng đế lén xuất cung, nếu bị phát hiện chắc chắn Hoàng thái hậu sẽ cho Dương Đán chính là kẻ tiếp tay với quan gia làm ra trò nghịch phá này. Giả như có chuyện gì không hay xảy ra, cả nhà ông cũng không có mạng để trả. Nhưng lệnh vua ban xuống, ông có mấy cái đầu để dám nói “không”? May mà Dương Đán không biết rằng, lần trước dẫn con gái vào cung, để nó lại trong cung Diên Khánh của Hoàng thái hậu, con bé trời không sợ đất không sợ ấy đã từng cùng Hoàng đế và Bình Nguyên vương trốn ra ngoài một lần. Nếu biết chuyện này, viên ngự y sẽ ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự mất. Đưa mắt nhìn vẻ mặt cam chịu của Đào Biểu đi ngay sau lưng Hoàng đế cùng những cấm quân tinh nhuệ cải trang dân thường, Dương Đán mới ngộ ra một sự thật: cái sự thê thảm hơn hoàn cảnh bây giờ hoàn toàn có thể xảy ra. Giờ chỉ còn biết trông chờ vào phúc đức mấy đời tổ tông, trông chờ vào việc bà xã tháng tháng ăn chay niệm Phật mong sống qua cái đận này mà thôi!

- Ta đi tìm Tô Mộc đây! – Bang Cơ gõ nhẹ cây quạt trúc lên vai Dương Đan rồi chạy biến đi mất.

- Chuỗi ngày cực khổ, tim treo trên mành của chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi – Đào Biểu lấy khăn tay ra chấm mồ hôi mà như chấm nước mắt.

“Là Hoàng đế, bước đi phải khoan thai, đĩnh đạc!”

“Là Hoàng đế, vui không được lộ ra mặt, buồn càng phải che đậy, nếu không sao có thể tỉnh táo mà trị nước?”

“Là Hoàng đế, lẽ đã định mãi là lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.

“Là Hoàng đế thì phải nhớ: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh[7]”.

[7] Quan điểm của Mạnh Tử, nghĩa là: Dân là quan trọng nhất, thứ đến là xã tắc, cuối cùng mới là hoàng đế.