Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 17 - Phần 5

________ [Chú thích] Độc huyền cầm Entry này vừa mang tính chú thích, lý giải thêm những vấn đề xoay quanh cách xưng hô trong Độc huyền cầm; vừa mang tính chất thông báo một số chỉnh sửa trong câu chuyện: Vào một ngày không rảnh lắm, vừa chuẩn bị tài liệu đi thi môn Triết học chính trị, vừa đọc ĐVSKTT (thật liên quan), Xịt đã gặp phải một cú sốc tương đối to. Trích: ĐVSKTT, NXB KHXH (2007) – tập 2, tr.532 viết: Ngày 28 [Vua Thánh Tông] nhắc lại (Tức là từ trước đã có quy định rồi, nhưng quan lại, dân chúng chưa thực hiện triệt để, chính xác. Sau khi than vãn với Bí, Bí đã lạnh lùng như con thạch sùng bẩu: “Ờ, đúng rồi, mình nhớ từ thời Lê Lợi, qua đời Nguyên Long mấy cái này có rồi, isis vừa khóc vừa sửa đi”) lệnh xưng hô danh hiệu: - Thân vương: người dưới gọi là “điện hạ” - Tự thân vương là “phủ hạ” - Công, hầu, bá, phò mã và nhất phẩm là “các hạ” - Nhị phẩm, tam phẩm là “môn hạ” - Tứ đến lục phẩm là “đại nhân” - Bát đến cửu phẩm là “quan trưởng” Kẻ nào còn dám xưng hô tiếm vượt như trước thì người gọi là người nhận đều phải đánh 5 roi, phạt 10 quan tiền. Việc gọi các thân vương – hoàng tử con vua – là “Điện hạ” thì hồi viết Quân cờ mình đọc thấy trong cả ĐVSKTT và Đại Việt thông sử rồi nhưng mà sao viết sang Độc huyền cầm mình lại tư duy theo kiểu: cái đó chỉ áp dụng với Quận vương Lê Tư Tề và Lương quận công Lê Nguyên Long. *khóc không ra tiếng*. Nghiêm túc mà nói thì: Isis đã sửa lại hết cách xưng hô/gọi các thân vương từ “vương gia” sang “điện hạ” theo đúng chính sử. Cách xưng hô giữa các quan với nhau, giữa các thân vương với quan lại đã được đối chiểu phẩm trật của từng vị quan để có cách xưng hô tương ứng, chính xác nhất có thể. Sự đối chiếu này căn cứ vào chức tước được ghi trong ĐVSKTT và mục “Quan chế thời Hồng Đức” trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Quan chức chí. Hết phần 1 của ĐHC mình cũng sẽ up link download file word, nếu bạn nào cần thì có thể đợi bản word chính thức, chỉnh sửa và trình bày chuẩn này. Việc chỉnh sửa này không ảnh hưởng gì đến cốt truyện. Nhưng để mọi người dễ theo dõi những chương sau đến hết, isis xin nêu ra đây một số chỉnh sửa chính, liên quan mật thiết đến các xưng hô trong ĐHC: - Các thân vương (phiên vương) đều được gọi là “điện hạ”. - Đình thượng hầu Đinh Liệt giữ chức Thái bảo, trong võ giai thuộc vào hàng chính nhất phẩm, lại có tước hầu nên được gọi là “các hạ” - Nguyễn Xí được phong chức Thiếu bảo, trong võ giai thuộc vào hàng tòng nhất phẩm nên được gọi là “các hạ” - Nguyễn Trãi giữ chức Nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ, trong văn giai thuộc vào hàng chính tứ phẩm nên được gọi là đại nhân Việc nhắc lại của Lê Thánh Tông như trong ĐVSKTT isis trích ở trên diễn ra vào thời Hồng Đức nhằm chỉnh đổn lại cách xưng hô trong triều cũng như trong dân gian sao cho đúng nguyên tắc chính danh của Nho giáo, giữ đúng phận vị, tôn ti trên dưới. Có sự việc này xảy ra tức là trước thời điểm đó việc xưng hô khá bừa bãi. Thế nên trong ĐHC, isis quyết định sẽ xưng hô như thế này: - Với quan lại trong triều, hoàng thân quốc thích, isis sẽ cố gắng hết sức để đối chiếu phẩm trật mà có cách xưng hô chuẩn nhất có thể theo đúng quy định của triều đình lúc đó. - Nhưng vì bối cảnh của ĐHC có dân gian bên cạnh hoàng cung; nhân vật của ĐHC có người hoàn toàn là tầng lớp bình dân, hoặc có thời gian sống như người bình dân (ví dụ như Hải Triều) nên việc biết trật tự để xưng hô chuẩn xác là không thể. Chưa kể trong dân gian phân biệt rõ đại nhân tức là quan lại nói chung, tiểu nhân là dân đen. Cho nên isis sẽ vẫn để những nhân vật dân gian của mình gọi tất cả người làm quan trên là “đại nhân”, là “ngài”, “ông lớn”, “cụ lớn”… Chỉnh sửa này đã làm từ trước nhưng sợ mọi người quên mất nên isis xin nhắc lại: Trong xã hội xưa, khi nói chuyện, người ta (nếu không phải cha mẹ, bậc bề trên) không gọi thẳng tên húy (tên cúng cơm) của người đàn ông mà thường gọi bằng tên hiệu hoặc tên tự (tên chữ). Ví dụ “Nguyễn Trãi” là tên cúng cơm của cụ Nguyễn, người khác gọi cụ là “Ức Trai tiên sinh”. Ức Trai là tên hiệu. Hay như “Lương Thế Vinh” là tên cúng cơm, tự là Cảnh Nghị, người ta cũng gọi cụ là Cảnh Nghị. Với nữ nhân trong cung cũng vậy, không gọi thẳng tên mà gọi là Nguyễn Thái hậu (tức bà Thái hậu họ Nguyễn), Ngô Tiệp dư (bà Tiệp dư họ Ngô)… Phân biệt tên húy, tên tự, tên hiệu… có thể xem thêm trên wikipedia. Tất cả những điều trên isis sẽ cố gắng hết sức để diễn tả một cách chân thực, chuẩn xác nhất đến các bạn, để đảm bảo không khí xưa của ĐHC. Tuy nhiên trong lúc viết, để tiện trong cách hành văn, hoặc để cho hay, gần gũi hơn thì có lẽ đôi chỗ sẽ không nhất nhất theo những quy định như ở trên. Mọi người vẫn thấy nhiều nhân vật gọi thẳng tên cụ Nguyễn Trãi, gọi thẳng Hải Triều là Ngọc Huyên, hay Hải Triều vẫn gọi Lương Thế Vinh là Thế Vinh…