Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 18 - Phần 1

Chương 18: Hạ đỏ

“Mưa xuân lác đác vườn đào

Công anh đắp đất ngăn rào vườn hoa.

Ai làm gió táp mưa sa

Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn.”[1]

[1] Ca dao.

Sử chép rằng:

Ất Sửu [Thuận Thiên] năm thứ 16 [1025], thời Lý Thái Tổ. Mùa thu, tháng tám, định binh làm giáp, mỗi giáp mười lăm người, dùng một người làm quản giáp. […] Khi ấy có con hát là Đào thị giỏi nghề hát xướng, thường được ban thưởng. Người thời bấy giờ hâm mộ tiếng của Đào thị, phàm các con hát đều gọi là đào nương[2].

[2] Theo Đại Việt sử ký toàn thư.

***

- Các cô đi chợ, nghỉ chân ăn quà!

Phe phẩy quạt mo trong tay, bà cụ có mái tóc bạc phơ vấn trong khăn lượt màu trắng nhìn mấy cô đào líu ríu đi qua, đôi môi đỏ màu trầu thuốc tươi cười phô ra hàm răng nhuộm đen nhánh. Các cô đưa tay áo lên thấm những giọt mồ hôi, rủ nhau ngồi cả xuống mấy chiếc ghế gỗ dưới quán hàng lợp mái rạ. Tiếng mỡ sôi trong chảo khi những bìa đậu phụ Mơ[3] nức tiếng đất kinh đô được thả vào, rán vàng ruộm; tiếng cây kéo sắt lách cách cắt những miếng bún lá trắng tinh ra cái nong con con lót lá chuối xanh làm mấy chị em nhìn nhau háo hức.

[3] Đậu Mơ: đặt theo tên gọi nơi làm ra là Kẻ Mơ (gồm Mai Động, Hoàng Mai… ngày nay), là món ăn nổi tiếng ở Thăng Long – Hà Nội.

- Các cô ăn thứ mắm của già xem có ngon không nhá. Mắm tôm đất Thanh Hoa là nhất rồi đấy! – Bà cụ nhanh tay đổ thứ chất lỏng sền sệt màu tím hồng ra mấy cái bát sứ, thêm mỡ nóng từ chảo rán đậu, cùng chút đường, chút quất đánh sủi lên, rồi bày cạnh đậu, bún, rau thơm trên cái nong tròn.

- U cho con thêm ít kinh giới nữa. – Một cô cười cười, so mấy đôi đũa tre cho chúng bạn – Ăn bún đậu mà thiếu kinh giới thì còn ra gì.

Phe phẩy cái quạt trong tay, nhìn mặt trời tỏa ánh gay gắt trên nền trời xanh trong không có lấy gợn mây, một nàng chẹp miệng:

- Thế cơm nhà tính sao?

- Úi giời, quá trưa rồi, tôi chả còn sức mà lết nữa đâu. Ăn hàng thì về nhà đỡ cơm!… Ơ, Huyên, em đi đâu đấy?

Đội nón quai thao lên, tay xách cây đàn đáy, nàng nhìn xuống mấy cô gái trong đội nữ nhạc, đáp:

- Các chị cứ ăn đi. Em phải về, chiều còn có khách.

Tuy nói là người của đội nữ nhạc cung vua nhưng cả tháng cũng chẳng có mấy việc. Các quan trong Thái Thường tự lắm lúc còn ngồi không huống hồ là đám ca nương. Thế nên ngoài những lúc bị gọi vào cung, Hải Triều vẫn sống tại giáo phường và đi hát hầu các quan như lúc trước. Đặt tay lên ruột tượng, thấy xâu tiền nằng nặng nằm ngoan bên trong, nàng cũng thấy yên tâm hơn một chút. Tiền cơm gạo, mắm muối dưa cà, áo xống, son phấn… chẳng phải từ trên trời rơi xuống. Ngày trước là các chị lớn đi làm nuôi đám trẻ con trong giáo phường, giờ đến nàng lãnh trách nhiệm ấy. Nghĩ đến thế, lòng thiếu nữ hơi trùng xuống khi nhớ lại lúc mắt mình lướt qua đôi mắt sắc lẻm, long lanh của Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Dung mạo đẹp đẽ, cao sang từng ấy, đường hoàng từng ấy của bậc mẫu nghi thiên hạ nhìn thế nào cũng không giống hạng đàn bà nhỏ nhen vì tư thù hậu cung mà xuống tay cả với trung lương.

Thế mà đó lại là sự thật.

Cắn môi dưới, Hải Triều đưa tay giữ vành nón chòng chành trên đầu, mắt hướng xuồng con đường đất khô rang dưới chân. Những sợi dây thao Triều Khúc nhuộm tán sắc rất khéo, chuyển từ nhạt như hoa đào sang đậm dần thành màu cánh sen, đập khẽ vào vạt áo tứ thân theo mỗi bước chân thiếu nữ. Trong miệng, hậu vị ngọt thanh của nước đường, hương thơm mỏng nhẹ của hoa nhài trở nên đắng chát. Ngay khi Hoàng thái hậu giữ nàng lại, sai cung nữ bưng đến một bát chè hạt sen long nhãn, nàng đã biết có sự không hay. Không ngờ rằng Lê Tuấn kín kẽ từng ấy, cẩn thận từng ấy cũng không thể giấu được những chuyện xảy ra ở giáo phường Khán Xuân. Hoặc có khi thực ra, ngài ấy chưa từng giấu được, chỉ là xưa nay Nguyễn Thị Anh vờ như không biết mà thôi. Nói cũng phải, Lê Tuấn là cửu ngũ chí tôn, là con trai quý của Hoàng thái hậu, sao có chuyện ngài giao du bên ngoài với hạng con gái tầm thường mà trong cung lại không người hay biết.

Lúc chiếc thìa sứ chạm vào miếng cùi nhãn trắng đục tách rất khéo để thay hạt bên trong bằng hạt sen, Thị Anh nhẹ giọng bảo:

“Ta không phải bỗng dưng gọi ngươi đến cung Diên Khánh này tấu nhạc. Bao lâu nay quan gia qua lại giáo phường Khán Xuân, ngươi hầu hạ ngài rất chu đáo. Ta nghĩ công trạng ấy đáng được ban thưởng!”.

Nhẹ như không, ôn hòa, vui vẻ lại rất ngọt ngào, thế nhưng lời lẽ thốt ra đủ để khiến bàn tay Hải Triều run lên. Đảo mắt một vòng, đầu cúi xuống, nàng vội quỳ lạy mà thưa:

“Lệnh bà, đó là phúc phận của dân nữ, con không dám nhận hai chữ ‘công trạng’!”

Ngắm nghía nàng thật lâu, thật lâu, đến mức gió thổi tới làm tấm lưng ướt mồ hôi kia trở nên mát lạnh, người đàn bà ấy cũng không cho Hải Triều ngẩng đầu lên chứ đừng nói là đứng dậy. Truyền tới là tiếng chiếc thìa sứ chạm vào thành bát lanh canh, là tiếng những chuỗi hạt châu, kim thoa trang sức va vào nhau mỗi khi Hoàng thái hậu khoát tay, xoay đầu.

“Ngươi cũng có lá gan không nhỏ. Cuối cùng cũng tìm được cách để bước vào Cung thành này!” – Vừa thấy đứa con gái đang quỳ sụp trên nền đất định thanh minh, Nguyễn Thị Anh đã nói rõ ràng, rành mạch từng chữ. – “Khỏi cần nói lý do, ta không muốn nghe. Thân phận ngươi tuy thấp kém nhưng xem ra ông trùm cũng là kẻ khéo dạy bảo. Có một cô đào biết lễ nghĩa như vậy nhập cung coi như nhà các ngươi có phúc. Còn phúc dài hay ngắn, phải xem ngươi là người thế nào!”.

“Dân nữ ngu muội, xin Hoàng thái hậu nhón tay chỉ dạy!” – Nàng nói, ra vẻ khúm núm sợ sệt còn trong lòng, những lo lắng dần nhạt đi như lòng sông mùa cạn nước.

“Quan gia đối xử với ngươi thật lòng, ngươi nên biết cho rõ để đền đáp tương xứng. Ta xuất thân không cao, nên nếu có ngày quan gia thấy ngươi vừa mắt, muốn nạp ngươi làm tần thiếp hay làm người hầu kẻ hạ, ta cũng không phản đối. Có điều, ở đời có một lẽ: Trèo cao thì ngã đau, làm bạn với vua như chơi với hổ. Chim sẻ muốn hóa phượng hoàng cũng phải xem căn cơ, vận mệnh, nhắm xem mình là ai. Ngươi không phải hạng nữ nhân ngu ngốc, ta nói thế, ngươi hiểu chứ?”.

Những lời lẽ mềm mỏng nhưng sắc nhọn, ẩn trong sự vỗ về, bao dung là những lưỡi dao bén, lạnh lùng. Quả nhiên là đàn bà hậu cung, không thể tầm thường, càng không thể lương thiện. Hải Triều chỉ chưa dò ra được Nguyễn Thái hậu đã biết những gì, liệu có phải chỉ dừng lại ở chuyện đàn hát, chuyện trò giữa nàng và Hoàng đế hay không. Liệu người đàn ấy đã biết đứa con gái đối diện mình là hậu duệ của người đàn ông bà ta đã giết hay chưa. Ẩn giữa lý trí và cảm giác, Hải Triều biết tạm thời lúc này, trong mắt Tuyên Từ Hoàng thái hậu, nàng vẫn là cô ả đang mon men muốn trở thành phi tần của Hoàng đế để một bước đổi đời. Nếu với người khác, nàng không phải là mối nguy để đến mức phải truy cứu đến tổ tông ba đời cùng trăm vạn những dây mơ rễ má xung quanh. Nhưng với Nguyễn Thị Anh, chuyện bà ta điều tra rõ ràng, tách bạch thân phận của nàng chỉ là chuyện vào một ngày nào đó gần đây thôi.

Thở mạnh ra một cái, thiếu nữ hơi vươn cổ lên một chút, hướng ánh mắt về phía trước để tự trấn tĩnh bản thân mình. Gió thổi qua làm những rễ lòng thòng của cây đa già đu đưa. Thầy Nguyễn bảo cái cây này già lắm rồi. Hồi thấy còn nhỏ, lần đầu lên kinh sư khi ấy vẫn gọi là Thăng Long, đã thấy nó đứng chếch bên mé trái cửa giáo phường. Cả một trời thanh âm xào xạc, cả một trời bị chia cắt bởi những chiếc lá dày, xanh bóng mỡ màng. Ở đâu đó từng có một đứa bé trai nằm vắt vẻo trên chạc cây ngủ ngon lành, móc sợi dây buộc con diều vào ngón chân. Ở đâu đó, từng có đứa bé gái ậm ừ trong họng khúc nhạc sửa lại thanh điệu diều sáo bị lệch một âm…

Quãng đời đó giờ chẳng thể nào quay lại được nữa.

Những sắc màu thanh nhẹ, miên man kia cả đời cũng không thể trông thấy bằng đôi mắt của ngày thơ bé. Tuy không sánh được với sự rực rỡ lẫn thâm trầm, tôn nghiêm của những canh hát, nhưng hồi ức lại bình yên khó tả. Tuổi thơ của nàng giờ lặng lẽ lại nhìn mới thấy hết vẻ tròn đầy, mĩ mãn. Tựa người vào thân cây, Hải Triều bần thần nhìn con Lê, con Mận ngồi chơi chuyền với nhau cạnh gốc đa, lấm tấm trên nền đất những đốm nắng như đom đóm. Chúng cười phô ra hàm răng thiếu mất mấy cái trông đến ngộ. Không thể đẹp bằng nụ cười rạng rỡ như ánh sáng rơi đáy nước của Lam Ninh, nhưng vẻ hồn nhiên trong vắt ấy của đám trẻ con tự nhiên làm Hải Triều mỉm cười.

- Đôi nồi xôi… Đôi nồi chè… Đôi hoa hòe… Đôi hoa sói…

Con Lê tròn miệng đọc từng câu đồng dao, mỗi lần tay vừa tung quả chanh lên là vội nhặt lấy hai cái que được rải ra, gác lên một cẳng chân. Làm thế nào phải thật khéo để nhặt que ứng với số trong câu thơ, rồi bắt cho được quả rơi xuống. Con bé toan xòe tay thì ngãng ra, nhìn những ngón thon thon khác đã tóm lấy quả chanh.

- Cô đã về!

Hai đứa con gái tóc buộc hai bên thành chỏm ngắn tủn ngủn vội đứng dậy, khoanh tay trước ngực, bỏ dở cuộc chơi. Nhìn vào trong nhà, Hải Triều cười, bảo:

- Vào trong đi, giờ này thò mặt ra để ốm phỏng. Đi ăn cơm với chị, mau, đói lắm rồi!

- Vậy cô để em đi dọn cơm! – Lê nhanh miệng, dúi đống que chuyền vào tay con Mận rồi chạy ù đi. Nhìn nó hấp tấp chạy đến ngưỡng cửa, toan nhảy vào thì dừng lại, đầu chút nữa đập vào khung gỗ mà Hải Triều muốn bò ra cười. Ông trùm Tuân thấy đứa nào dám chạy nhảy trong giáo phường, không đoan trang, thùy mị là ông mắng cho té tát. Con Lê tháng nào chả bị vài ba trận vì những lý do như thế.

- Con lạy ông con mới về!

Hải Triều cúi đầu xuống chào, lén đưa mắt nhìn ông Tuân gà gật ngủ trên cái sập gỗ kê dưới mái hiên, cạnh cái áo vuông. Thấy không có phản ứng gì, nàng mới lẳng lặng lên gác. Ngày hè dài nóng bức làm giáo phường Khán Xuân ồn ào từng ấy cũng có lúc lặng đi, mệt nhoài. Cánh cửa gỗ vừa mở hé đã phô bày khung cảnh lộn xộn như thể mới có giặc cướp tràn qua. Hải Triều nhón gót bước qua đống đồ đạc lăn lông lốc, bừa bãi khắp nơi, nghiêng đầu:

- Chị… làm gì vậy?

- Em làm chị lo chết đi được! – Kim Oanh đặt tay lên ngực, thở hắt ra rồi ngồi bệt xuống sàn gỗ. Chị ném phịch bọc đồ trong tay xuống rồi kéo thiếu nữ lại gần mình, chăm chú nhìn từ sợi tóc đến ngón tay.

- Em chỉ vào cung tấu nhạc hầu Hoàng thái hậu thôi, có gì đâu mà chị…

- Chính thế nên chị mới lo! – Kim Oanh cau mày, ánh nhìn hàm ý “chị biết tỏng những gì em nghĩ trong đầu rồi, khỏi giấu”.

- Chỉ ngồi ngoài hiên chơi dăm ba khúc với người của đội nữ nhạc ấy mà! – Hải Triều cười xòa, nói như thể nàng vừa đi hầu chuyện văn nhân nào đó chứ không phải nhập cung, đối diện với Nguyễn Thị Anh. Khó khăn lắm mới cởi được chiếc áo dính trên da mình nhơm nhớp, vắt lên cây sào, nàng ngoái lại, bâng quơ một câu nhẹ bẫng. – Thứ chị tìm… ở dưới giường kia.

Khom người áp sát xuống sàn gỗ, bàn tay sờ soạng một hồi, cuối cùng Kim Oanh cũng thấy những đầu ngón tay mình chạm phải vật thon dài, lạnh ngắt được gá vào ngay dưới cái sập đêm đêm nàng và Hải Triều vẫn ngủ. Đoản kiếm sắc bén Nguyễn Kiệt cho cô tiểu thư của nàng, chỉ cần chạm vào Kim Oanh đã có thể thấy hình dáng nó hiện ra ngay trước mắt. Hải Triều ngồi xuống, trên đôi má là lúm đồng tiền mờ mờ:

- Điều chị đang nghĩ… em không ngu ngốc đến nỗi nhắm mắt mà làm. Còn chị, còn cô Thịnh, còn mọi người ở giáo phường nữa mà.

Những lời ấy thốt ra rất nhỏ, êm êm như tiếng vải lụa mà thôi.

- Khiếp, trên người đứa nào có mùi mắm tôm đấy? Để cho ông trùm ngửi thấy rồi ông lại mắng cho!

Cái giọng chua ngoa nhưng không ác ý này còn ai ngoài cô Phượng. Nàng đẩy cửa, tựa lưng trần với dải yếm hờ hững trên cổ vào bức vách, tay phe phẩy quạt nan, vành môi cong lên một nụ cười tinh quái.

- Tìm được rồi! – Vớ bừa đôi khuyên trên sàn đặt vào tay Kim Oanh như thể hai chị em vừa mới lật tung gian phòng để tìm, Hải Triều đứng dậy, hít hít ngửi ngửi một hồi – Mùi rõ thế hả chị? Em chỉ có đi qua gánh bún thôi đấy, có dám ăn miếng nào đâu. Lê dọn mâm bát lên rồi, chị ăn luôn đi kẻo quá bữa.

- Nực thế này, chỉ có sống bằng rau muống luộc với canh sấu dầm thôi. – Phượng chẹp miệng, miễn cưỡng ngồi xuống phản – Lê, mày múc cho cô bát canh. Kể cũng thèm bún đậu mắm tôm thật, cũng thèm cả tí ớt cay cay nữa. Tiếc là vì cái nghề này nên mấy cái đó có muốn cũng chẳng dám ăn![4]

[4] Đào nương muốn giữ giọng hát thì không được ăn cay, không được uống rượu.

Cũng có ngày chị nhẫn nhịn mà nói ra những lời ấy. Cô Phượng phong lưu thế nào cả giáo phường Khán Xuân này biết, cả Đông kinh này hay. Miệng lưỡi trào lộng của chị làm lắm kẻ không ưa, đến cả ông trùm cũng thấy đau đầu nên mắng mỏ suốt. Là vì thương nên cho roi cho vọt. Ông Tuân bảo đánh đau thì cũng là đau, chửi ác cũng là chửi ác. Nhưng nói thế nào ông vẫn nhân nhượng với cô Phượng. Dù gì nàng cũng là cháu gọi ông trùm bằng cậu ruột, là con nhà nòi. Ba chữ ấy trong cái nghề này là một thứ bậc hoàn toàn khác biệt, danh giá đến nhường nào khi đem so với những đào nương xuất thân từ chỗ lang thang, hay nhà có gia biến như Kim Oanh với Hải Triều. Vì ba chữ ấy mà người ta nhìn vào xem tài, kén đức, xét nét đủ đường. Thế nên cái ngông của Phượng làm nhiều người không vừa mắt nhưng ở một góc khác, ít nhất, chị lại có thể sống thật với mình.

Sống thật… với mình…

Hàng mi rủ xuống khi Hải Triều cặm cụi ăn, thỉnh thoảng lại lấy đầu đũa gẩy gẩy mấy hạt cơm trắng. Đúng như thầy Nguyễn nói, bình tĩnh, trung thực mà tự nhìn bản thân, nàng biết thừa cái hận trong lòng chẳng hề sâu như nàng vẫn cố tự thuyết phục suốt mấy năm qua. Nàng tin chỉ cần còn thù oán thì nàng còn thấy chút liên quan giữa mình và người đã nằm xuống.

Nhưng đều sai cả.

Hận không đủ sâu, đến mức có thể khiến Hải Triều rồ dại, điên cuồng liều một phen cái thân lá lúa èo uột của mình, đâm lưỡi kiếm kia vào tim Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Nàng cũng đã gạt sang bên cái ý định phanh phui mọi việc, để cả thiên hạ này biết triều đình đối xử với công thần bạc bẽo ra sao, chỉ vì cái nhỏ nhen đàn bà mà thẳng tay vung đao xuống cho đầu rơi máu chảy. Bóng thiếu nữ mờ nhạt trong bát canh đặt trên chiếc mâm son, khóe miệng nàng hơi nhếch lên cười cợt. Nguyễn Hải Triều chỉ là một cô đào thôi, có kêu rát cổ bỏng họng như con ve, con cuốc thì sẽ có bao nhiêu người tin điều nàng nói, tin và lên tiếng cùng với nàng? Chẳng ai ngu dại gì đi dây với hủi, có nghĩ cha nàng trong sạch thì họ cũng để trong lòng, hay nhỏ to nơi đầu môi, thế thôi. Nàng chỉ có một mình, một mình thì đừng ngu xuẩn mong dời non lấp biển, thay đổi càn khôn.

Nếu đã thế, chỉ cần một lần đối diện với người đàn bà ấy không phải với thân phận con hát Ngọc Huyên, mà là thân phận con gái của quan Hành khiển Nguyễn Trãi, Nguyễn Hải Triều là đủ rồi. Xem ra, thực sự nàng chỉ có thể tự làm được đến thế. Cái giá đổi lại, thiếu nữ đã biết chắc sẽ là gì.

- Nhìn cái Huyên tự nhiên em nghĩ mình chơi chán, ngang ngược chán rồi cũng đến lúc nghiêm chỉnh lại. Già rồi… đến lúc lấy chồng thì nên thôi đi. – Phượng lẳng lặng cất lời, không quên điểm trên môi một nụ cười kiêu kì, lớt phớt tựa như chẳng bận lòng. Chị thế nào, chẳng mấy người nhìn ra được. Cũng như nàng, nào có mấy ai có thể trông cho tỏ.

- Ăn đi rồi còn tắm giặt nữa. – Kim Oanh im lặng từ đầu bữa giờ mới cất lời – Tối nay có khách bên Ngô[5] đến, chớ có làm thầy Nguyễn với ông trùm mất mặt.

- Khách bên Ngô? – Hải Triều cau mày hỏi lại.

[5] Ý chỉ khách bên nước Minh (người Trung Quốc).

***

“Em là con gái nhà giàu

Mẹ cha thách cưới ra màu thanh cao

Cưới em trăm tấm lụa đào

Một trăm hòn ngọc, nghìn sao trên trời

Tráp trầu đủ cả trăm đôi

Ống vôi bằng bạc, chìa vôi bằng vàng

Sắm xe tứ mã đem sang

Để quan viên họ nhà chàng đón dâu[6].”

[6] Lời hát loại hình dân ca trống quân – Hưng Yên.

Đêm hè quang đãng, hơi nóng tản dần theo cơn gió nồm nam mát lành làm lòng người lâng lâng, tự nhiên dễ say theo tiếng hát như ẩn ý cười, dễ chết đuối trong đôi mắt sóng sánh sóng nước mênh mang của các cô đào xinh đẹp. Khúc dân ca này trong tiếng trống thì thùng làm người ta chẳng ngồi yên được.

- Em ơi, thách cao thế anh không lo được đâu!

Những lời bông đùa ấy vọng lên làm nụ cười trên môi các cô còn tươi hơn nữa. Khịt mũi một cái, Tư Thành tựa người ra sau ghế, lười nhác phe phẩy cây quạt trong tay. Tiểu thư nhà thế gia nói một câu nghĩ một câu, tuy rằng có giáo dục nhưng lại dễ khiến người ta thấy nhàm. Con gái dân gian vui tươi, thích cười là cười, thích khóc là khóc nhưng lại quá bình dân, đơn giản. Loại người nào cũng có điểm đáng thích và đáng chán như thế. Chỉ duy có những cô gái trước mặt chàng thì không biết phải nhìn ra sao, nói thế nào mới đúng. Con gái gì suốt ngày gặp gỡ hết người này đến người kia, cười cợt đến vậy. Lắm nho sinh còn coi những cô đào là bạn thơ, thậm trí thành tri âm tri kỷ, xét lẽ nào cũng thấy xốn mắt. Như cô gái tên Ngọc Huyên nọ chẳng hạn, dáng vẻ hôm nay tự nhiên biến những ấn tượng trầm lặng trước giờ thành một lời nói dối trắng trợn. Thái độ nói đổi là đổi như lật bàn tay, Tư Thành vì lẽ ấy thật bụng không thích đến những nơi con hát tụ tập chút nào. Chẳng qua vì…

- Ta trã. Ta trã được sính lế thì các nàng phãi theo ta! Ta nhất định sẽ cới cả ba nàng về làm vợnhọ. Còn chẵng đáng bằng một con tuấn mã! Đàn bà An Nam sao đắt giá bằng đàn bà Đại Minh chứ!

Gã khách buôn người Ngô ban nãy ồn ào xuất hiện, sổ ra một tràng tiếng Tàu làm buổi hát bị gián đoạn. Nay hắn lại dùng từng xâu tiền, từng túi bạc trắng dằn mạnh xuống bàn, cùng cái giọng lơ lớ, nặng nề của mình cắt giữa khúc ca. Xem chừng hôm nay gã trúng mánh lớn, đang cao hứng vô cùng. Chầm chậm phe phẩy chiếc quạt, Tư Thành liếc nhìn rồi ngầm tán đồng với Nguyễn Đức Trung và Lê Đắc Ninh rằng, chưa cần phải ra tay tóm gã vội. Nói thế nào phường hội buôn bán của người Minh tại Đông Kinh cũng không ít, không nên tự nhiên, vô cớ làm đám người đó nhảy lên chồm chồm như đỉa phải vôi.

Thấy đây không đơn giản là những lời trêu đùa vô hại, Thuận ra hiệu bảo mấy chị em lui xuống. Bàn tay anh đưa ra định kéo Hải Triều lại nhưng không kịp. Nàng nghiêng đầu, đôi mắt đa tình long lanh nhìn vị khách, nụ cười hờ hững trên môi. Đào nương không được bỏ dở canh hát, ấy là lẽ bất di bất dịch, là cái tôn nghiêm của chốn hát xướng này.

Tư Thành nhướn chân mày nhìn thiếu nữ nọ cợt nhả, hát đáp rằng:

- Lá đa mặt nguyệt hôm rằm. Răng nanh chú Cuội, râu cằm Thiên Lôi. Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi. Xin chàng chín chục con dơi… góa chồng…Thách thế mới thỏa tấm lòng. Chàng mà lo được, thiếp cùng xin theo.

Khách trong đình ven hồ không hẹn mà cùng vỗ tay tán thưởng, ra chiều đắc ý lắm. Thái độ ấy hẳn làm gã khách kia không lấy gì làm vui vẻ. Liếc trông thấy bàn tay nắm lại của hắn, Kim Oanh lảng ngay sang chuyện khác:

- Chúng em mất công chuẩn bị rượu Mơ[7] ngon nhất kinh thành, mời các vị quan viên dùng thử.

[7] Rượu làng Hoàng Mai (cũng thuộc Kẻ Mơ xưa).