Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 18 - Phần 3

Mùa đông năm Diên Ninh thứ ba (1456).

Mưa phùn lất phất làm cái lạnh thêm buốt sắc, hít vào một hơi cũng thấy lồng ngực nhoi nhói lên. Trước sân, hai tháp lợp sứ trắng nổi bật trên nền trời xám mờ, tầng tầng mây nặng trĩu như tạc ra từ đá. Nước láng lên mặt sân gạch nâu cam, phản chiếu hình bóng khẳng khiu của những cây hoa đại mùa trụi lá, điểm vào không gian những đường nét cứng nhắc, bạc phếch. Trên cây cột mọc vượt lên giữa hồ Linh Chiểu vuông vắn là đài Liên Hoa chỉ có một gian, bên trong thờ duy nhất bức tượng Phật bà Quan Âm. Ngói xếp nghiêng nghiêng vảy cá, đầu đao cá chép cong cong mềm mại, màu nhuốm những xưa cũ của thăng trầm dâu bể. Rừng bao lấy chùa Diên Hựu[10] ngỡ có thể khiến thời gian lắng lại từ thuở Lý, Trần, khiến người nay vãn cảnh trong lòng không khỏi nhớ chuyện cũ.

[10] Tức chùa Một Cột.

- Thiếu mất sen hồng nở rộ trên hồ Linh Chiểu để tôn lên vẻ đẹp của đài Liên Hoa, thật đáng tiếc.

Những lời ấy từ miệng Bình Nguyên vương làm Hoàng đế vô cùng ngạc nhiên. Xoa xoa những khớp ngón tay đã trắng bệch vì rét, Bang Cơ nhìn sang, hỏi:

- Em không hứng thú với Phật pháp kia mà, sao quan đến chuyện hoa nở hoa tàn ảnh hưởng đến cảnh trí vậy?

- Thần đệ chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa này thôi. Kiến trúc của Diên Hựu tự vốn rất đặc sắc mà! – Tư Thành thoải mái cười đáp lại, đưa tay phủi đi những hạt mưa li ti vương trên vai áo mình.

Tiếng gõ mõ tụng kinh của các thầy chùa càng làm sự thâm nghiêm, u tịch thêm sánh đặc, nhàn tĩnh đến mức thứ lay động duy nhất dường như chỉ là làn khói mờ từ những nén hương, tan ra trong mưa bay bay. Một tiếng chuông ngân trầm vang làm người bất giác nhắm mắt, trong đầu chỉ có thinh không trắng tinh, sạch sẽ.

- Phò mã đô úy, chuyện cắt đặt quân lính canh giữ Hoàng thành khanh làm đến đâu rồi? – Hoàng đế quay sang nhìn người đàn ông trẻ đi cạnh mình, nhẹ giọng hỏi.

Lê Quát vì những lời ngự sử trung thừa Phạm Du tâu lên quanh vụ đóng thuyền riêng tưởng như đứt đường công danh. Thế nhưng anh ta vẫn yên vị ở vị trí Kim ngô vệ đồng tổng tri, bổng lộc thì nguyên vẹn, duy chỉ không được Hoàng đế triệu gặp như trước. Ai cũng bảo quan gia không nói đến nữa, có ý mắt nhắm mắt mở lờ đi thì sự việc từ to hóa nhỏ, từ nhỏ hóa không có gì. Nhưng trong thâm tâm, người đàn ông thấy thắc thỏm không yên, tựa như có lưỡi đao vô hình treo trên đầu. Vậy nên khi Bang Cơ đột ngột lên tiếng, Lê Quát không khỏi giật mình, vội thưa bẩm đã lo liệu chu toàn. Hoàng đế chỉ hỏi vậy rồi quay sang đàm đạo chuyện tại Quốc tử giám với Trần Phong, Nguyễn Mộng Tuân, mãi sau mới nhẹ nhàng nói:

- Là bề tôi phải làm hết chức trách của mình: Đại thần thì giúp đỡ vua điều hòa âm dương, tiến cử hiền tài, gạt bỏ kẻ xấu, để lo trị nước cho yên. Quan coi quân các vệ thì phải yêu thương quân lính, luyện tập võ nghệ, không được sai lính làm việc riêng cho mình, không được bòn vét, nhiễu hại, bớt xen quân nhu để làm ơn riêng. Các quan hành khiển năm đạo phải hiểu rõ việc lợi việc hại, phân biệt kẻ dở người hay. Có như vậy xã tắc của tổ tiên mới có thể vững bền được.

Những lời ấy chủ ý nhắm đến ai, đến người ngốc nhất cũng hiểu. Tư Thành nhìn hai bàn tay thoáng run lên của Lê Quát lúc cúi mình cùng với những quan lại khác nhận lời dụ của Hoàng đế, tự nhiên mỉm cười. Chàng cất giọng vui vẻ:

- Phò mã đô úy, công chúa Vệ Quốc dạo này vẫn khỏe chứ? Ta bận việc sách vở ở Kinh Diên nên lâu nay không qua thăm chị ấy với các cháu được.

- Thưa… công chúa vẫn khỏe ạ! – Lê Quát mở lớn mắt nhìn Bình Nguyên vương xưa nay rất ít qua lại với quan văn võ trong triều, đột nhiên hôm nay lại chủ động mở lời trước.

- Công chúa từ nhỏ bị câm, quan gia biết gả chị ấy cho ngài là khiến ngài thiệt thòi. Nay công chúa có thể sống vui vẻ, công của phò mã là lớn nhất. Tương lai của chị ấy về sau, mong được phò mã chiếu cố. – Chàng cất lời, ung dung tự tại, thân tình như thể người nhà.

Nuốt nước bọt xuống cổ họng khô khốc, người đàn ông vội chắp tay lạy, thưa:

- Công chúa là lá ngọc cành vàng, gia đình thần được quan gia ưu ai mà gả công chúa cho, vinh dự chưa nói hết, sao dám nghĩ là thiệt thòi. Những lời điện hạ dạy bảo, thần xin ghi tạc trong lòng.

- Không dám nhận là ‘dạy bảo’. Chúng ta nói thế nào cũng là người nhà, xét vai vế ngài còn là anh rể ta, là hàng trên đấy chứ. – Tư Thành khoát tay, vỗ nhẹ lên bờ vai người đối diện – Nên làm sao, phò mã đô úy ắt hiểu rõ rồi!

Không gian tĩnh mịch chợt lặng đi rồi xôn xao hốt hoảng bởi một tiếng gầm trầm đục, dữ tợn. Vịn tay vào thân cây xù xì, người lính giữ bả vai có năm vết thương sâu hoắm ứa máu tươi. Anh loạng choạng bước lại, ngẩng gương mặt hoảng hốt đến trắng bệch lên, mấp máy môi:

- Quan gia… xin người… nhanh di giá. Đại nhân Lê Quát… có hổ… có hổ!

Lời vừa dứt, sau lưng anh ta đã là con vật to lớn với đôi mắt vàng, bộ lông màu cam vằn vện loang những vệt máu hãy còn tươi. Con hổ lắc đầu, gầm lớn một tiếng. Một vệt đỏ sậm phun lên trên lan can gạch sành tráng men xanh sẫm bao quanh bờ hồ vuông.

- Hoàng huynh, xin người lùi lại! – Tư Thành nói nhanh, thanh kiếm đeo bên hông đã xuất khỏi bao, hướng về phía trước sẵn sàng.

- Quan gia, xin người theo thần! – Điện tiền ty đô Nguyễn Đức Trung lập tức hộ giá, sai người đưa Bang Cơ cùng các quan văn rời khỏi chùa Diên Hựu.

- Lê Quát, đại nhân điều được đội cung thủ đến chứ? – Có người hỏi dồn.

- Đến nước này thì chỉ tin vào thanh đao của mình thôi! – Người đàn ông liếm bờ môi khô rang, cầm thanh đao sáng loáng của mình bước xuống thềm. – Điện hạ, việc ở đây xin giao cho thần, đại nhân Đắc Ninh và Thiếu úy Lê Lăng.

Tư Thành gật đầu, chầm chậm bước lùi từng bước. Tiếng gầm gừ của con mãnh thú vang lên giữa vòng vây của quân ngự tiền giáo gươm sáng loáng. Con hổ đi lại nhởn nhơ, không hề quan tâm đến những người bao vây xung quanh rồi đột ngột quay bước, xô ngã một đám quân để lao tới chỗ Bình Nguyên vương.

- ĐIỆN HẠ!

Lê Đắc Ninh hét lớn khiến chàng quay lại, thanh kiếm vung lên theo phản xạ nhưng chẳng còn cần thiết nữa. Lưỡi kiếm của mấy người đàn ông cùng những ngọn giáo của quân ngự tiền đâm ngập vào thân hình to lớn kia, khiến con mãnh hổ gầm lên một tiếng rúng động rồi gục xuống. Nó thoi thóp một hồi rồi nằm yên giữa vũng máu đỏ thẫm loang trên nền gạch ướt mưa.

Lặng yên cả.

Đâu đây nghe thấy tiếng “A di đà Phật, thiện tai, thiện tai” của những bậc tu hành.

Tư Thành nhìn thân xác con hổ im lìm trong màn mưa ngày một dày, trắng cả trời đất, chợt không biết bàn tay mình ướt nước mưa hay ướt mồ hôi. Điều chỉnh lại nhịp thở, chàng cất lời:

- Đa tạ các vị đã ra tay bảo vệ.

- Điện hạ, đó là nghĩa vụ của chúng thần.

Lê Lăng cúi mình, rút thanh kiếm cắm bên cổ con hổ ra khiến một dòng máu tanh tuôn xối xả. Nghe những lời ấy, Tư Thành chỉ mỉm cười. Nói cũng phải, người như Thiếu úy đây tưởng không màng danh lợi, ngay thẳng cương quyết một đời cuối cùng lại dâng lễ vật lên quan gia, để con trai không danh không tiếng của mình trở thành phò mã của công chúa Đà Quốc, một bước tiến phong lên đến tước hầu, trở thành hoàng thân quốc thích. Ân trọng từng ấy, không quản sinh mệnh bảo vệ một thân vương cũng là hợp lẽ. Những chấm máu li ti bắn lên mũi giày, lên tà áo trắng của Tư Thành. Cả một bên vạt áo chạm xuống nền gạch liền nhuộm sắc hồng khi chàng khom lưng xuống, định xem xét con vật. Thứ súc sinh này chỉ khi đối mặt thực sự mới có thể hình dung hết sự điên cuồng, man dại, khiến người ta từ tận sâu trong lòng thấy sợ hãi mà chết đứng. Một cảm giác thực. Như Nguyễn Xí vẫn nói phải biết sợ thì mới có thể vung kiếm mà bảo vệ tính mạng của mình bằng bất kì giá nào.

Ai cũng thấy trên người dã thú cắm nào kiếm, giáo. Ai cũng thấy một nhát kiếm chí mạng của Lê Lăng đã khiến con hổ khuất phục. Chỉ không ngờ giữa đám lông kia, tại nơi cách chỗ mũi kiếm Thiếu úy đâm xuyên qua có găm sâu một vật màu bạc khá giống một cây đinh. Tư Thành hơi khum bàn tay vờ như xem xét rồi nhẹ dùng hai ngón tay mình kéo vật đó ra. Trên lớp lông vằn vện, máu rỉ ra không mang sắc đỏ mà thẫm lại, gần như hóa đen.

- Thần phật có mắt, thần phật có mắt! – Đào Biểu cuống quýt chạy lại, chắp tay khấn vái rồi quỳ xuống cạnh Bình Nguyên vương, thất sắc khi thấy vạt áo nhuốm máu của chàng – Điện hạ… người…

- Ta không sao. Các tướng lĩnh đã ra tay rất gọn ghẽ. Quan nội thị có khăn ở đó không, tay ta bẩn hết rồi! – Tư Thành mỉm cười nhìn lên, đón lấy chiếc khăn lụa từ tay viên hoạn quan. – Các vị đại nhân biến hổ thành nhím mất rồi. Tấm da này tuy rất tốt nhưng khó dùng lại. Thật tiếc! Mà thôi, chùa chiền là nơi thanh tịnh, thứ này nên cho người dọn dẹp sạch sẽ đi.

Ống tay áo rũ xuống khi chàng đứng dậy rời đi, còn vật giống cây đinh kia đã nằm gọn trong chiếc khăn. Ánh mắt đen thẫm lại, phảng phất sự vững vàng cũng như hài lòng.

- Điện hạ, người bị một phen kinh sợ rồi! – Đào Biểu lấy tay thấm mồ hôi rịn trên trán, thở hắt ra nói.

- Việc hổ xuất hiện trong kinh thành không phải là hiếm – Chàng ôn tồn nói – Ta chỉ không biết tất cả chuyện này thuần túy là ngẫu nhiên… hay là trò nghịch phá không biết trời cao thấp của ai đó!

***

Sự việc hổ vào chùa Diên Hựu năm ấy bị cấm đồn ra ngoài, thiên hạ vẫn yên vui thái bình. Đến cả Tân Bình vương, Hoàng đế cũng không hề kể cho biết, thực sự biến việc từ có thành không.

Qua năm, mùa hè năm Diên Ninh thứ tư (1457), ngoài thành Đại La.

- Điện hạ, những tin tức thần thu thập thêm về Bình Nguyên vương hữu dụng chứ ạ? – Phan Bang mở bầu nước, dùng hai tay đưa cho người thanh niêm áo chàm ngồi trên triền cỏ cạnh mình.

- Tin tức rất tốt nhưng ta vẫn giữ nguyên quan điểm: đúng là phải thực sự gặp mới có thể đoán định được! – Nghi Dân ngửa cổ uống nước rồi đưa mắt nhìn người đàn ông – Ban đầu, ta cũng nghĩ như ngươi, cho rằng Tân Bình vương và Bình Nguyên vương là hai kẻ giống nhau. Cùng mang dáng vẻ thư sinh trầm mặc, khiêm nhường, thu mình nhưng thực ra lại là hai thái cực hoàn toàn khác biệt.

- Thần ngu muội không hiểu ý điện hạ. Thần thấy trong hai vị phiên vương ấy, xét ra thì Bình Nguyên vương còn ít đáng chú ý hơn là…

- Đông Kinh nức tiếng tài thơ phú và hội họa của Tân Bình vương. Còn Bình Nguyên vương thì ngược lại. Đó chính là điều thằng bé ấy muốn người ta tin. – Nghi Dân nói nhỏ, hít vào một hơi, nhếch mép lên. – Khắc Xương không phải là người có mưu kế. Cách giữ thân của hắn chung quy chỉ để mong hưởng thái bình. Hắn không đáng sợ, thằng nhãi kia càng không đáng lo, kẻ ta cần để mắt đến chính là Lê Tư Thành. Hổ con trông rất giống mèo nhưng sao có thể làm mèo cả đời được?

Thời gian lưu lại kinh thành hồi năm ngoái không dài nên nhiều chuyện chỉ dừng lại ở phỏng đoán thiều căn cứ. Giờ việc nào cần, việc nào có thể tạm thời chưa xét đến, Nghi Dân đã có định liệu trong lòng. Những lần đi săn đã dạy cho chàng rằng, chỉ cần thấy con mồi mình săn đuổi, lập tức phải giương cung, nếu không trong khoảnh khắc, tất cả đều lỡ dở. Nếu có điểm nào đáng tin nhất thì chính là nụ cười, ánh mắt thoảng qua như có như không giữa Hoàng đế và cô đào, xác thực những tin tức Phan Bang mang về đều là chuẩn xác. Trước khi rời khỏi Kinh thành, Nghi Dân có ướm lời hỏi chuyện trăm năm, Bang Cơ đều tìm cớ nói tránh đi. Thân phận người trong lòng thấp như vậy, xem ra cũng là một trở ngại không nhỏ.

Bứt đôi ngọn cỏ trong tay, Phan Bang quay sang, tỏ vẻ sốt ruột, bồn chồn:

- Điện hạ, con bé này liệu có dùng được không? Tiểu Kiều chẳng sớm thì muộn sẽ trở thành đào hát nổi tiếng nhất kinh thành, những vương tôn quý tộc, quan lại biết mặt nghe danh không ít, sợ rằng con bé ấy sẽ không hợp tác với người.

- Chim sẻ có bao giờ không muốn hóa phượng hoàng? Đàn bà xưa nay tóc dài nhưng óc ngắn, chúng đâu có thấy gì ngoài mối lợi trước mắt. Con gái buôn phấn bán hương càng không nhìn quá cái cơi đựng trầu. Những kẻ ong bướm nói lời đường mật vây quanh cô ả sao có thể bằng một lời hứa chắc chắn của ta. Ngươi cứ thử xem điều ta nói có đúng hay không?

Mặt trời chính ngọ nung nóng con đường đất bụi tung mù mịt. Chút gió mát thổi từ bờ sông vào mang theo hương phù sa của một vùng đồng bằng màu mỡ được ông trời quá đỗi ưu ái, trồng lúa được lúa, trồng khoai được khoai, khác xa mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi chàng trấn giữ. Trước khi Nghi Dân rời Lạng Sơn, Dương Thị Bí còn đay đi nghiến lại vụ bổng lộc rồi quan quân. Nào là: “Đối đãi công bằng? Công bằng mà đến chút tiền ban cho thân vương cũng cắt xén? Con tiện nhân ấy định tuyệt được sống của mẹ con ta chắc?”. Nào là: “Con đàn bà đó không muốn con tiến công lập nghiệp, có tiếng vang với dân chúng, quần thần nên cố tình không điều quân lên giúp sức. Ta còn lạ gì lòng dạ rắn rết của ả!”. Cuộc sống ở vùng phiên trấn tuy không phải sắm sửa gì nhiều nhưng để mẫu thân sống nghèo túng quá, chàng cũng tự thấy khó chịu trong lòng.

Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Phạm Đồn nhảy xuống khỏi con ngựa ô, bước nhanh lại bẩm báo:

- Điện hạ, thần đã thám thính cẩn thận, trong kinh không có điều gì bất lợi cho chúng ta.

- Đi thôi! – Nghi Dân đứng dậy, tháo dây buộc ngựa.

Bụi tung lên quấn vào vó ngựa. Chẳng mấy chốc bức tường thành Đại La đã hiện ra trước mắt với cửa ô mở rộng tấp nập người lại qua. Ở đất xứ Lạng có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy ở đâu một cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền sánh được với Đông Kinh. Những núi, những rừng trùng điệp làm nản lòng người, còn ở đây chỉ thấy đất đai mênh mông, sông xanh lấp lánh, ồn ào, náo nhiệt. Những lái buôn phương xa đậu những con thuyền lớn trên bến sông Tô, chuyển xuống từng sọt sản vật lạ mắt. Những thiếu nữ chèo thuyền chở hoa, chở những gánh vải thiều đầu mùa vào thành, quả nào quả nấy đỏ hồng nằm giữa lớp lá xanh hãy còn tươi rói. Má thiếu nữ ửng màu đẹp như chính thức quả đem bán, làm lòng ngươi say như say hương rượu nếp của mấy cô hàng vào tết Đoan Dương[11].

[11] Tết Đoan Ngọ, tết diệt sâu bọ.

Mất vài ngày chuẩn bị, nghe ngóng tình hình và làm vài việc quan trọng khác, cuối cùng, Lạng Sơn vương cũng đến giáo phường Khán Xuân.

Mỗi nhạc cụ mỗi âm sắc, trong gió vẳng đến những thanh âm êm mượt càng làm cho cảnh tượng vườn cây xanh lá, điểm những đốm nắng vàng đẹp đẽ đến mê người. Nhưng đôi mắt đen lạnh băng nhìn chiếc lá non mỏng mảnh rơi trên thềm gỗ cất mình bay là là lại hoàn toàn vô cảm. Áp bàn tay mình lên thành chén nước, người thanh niên kiên nhẫn chờ đợi, chờ đợi sự tính toán của mình thành hiện thực.

Tứ bề vắng lặng khác hẳn sự nhộn nhịp thường thấy ở giáo phường làm thiếu nữ thấy lạ. Khung cảnh này chỉ xảy ra vào tháng cô hồn hay khi có đại gia nào mở hầu bao bao trọn cả giáo phường Khán Xuân. Bàn tay thon đưa lên gạt tấm mành mành làm chùm chuông gió bị động, vang những tiếng lanh canh. Bước chân nàng chậm lại, lúng túng. Hải Triều có chút sững người vì khí chất vương giả, đường bệ tỏa ra từ vị khách trước mặt, nhưng phần nhiều là bởi dung mạo người ấy có nét nhang nhác, hao hao Lê Tuấn và Tư Thành. Có điều, nhìn kĩ đường nét rắn rỏi, cương nghị trên gương mặt kia không thấy vẻ thuần nhất, chân thật như ở Hoàng đế, cũng không thấy cái bình lặng, lạnh nhạt như ở Bình Nguyên Vương. Khí thế ép người với bàn cờ thế sự đã xếp sẵn, sự hiện diện của nàng đơn thuần chỉ là làm cho cục diện trở nên trọn vẹn. Ý nghĩ ấy khiến trong lòng Hải Triều thấy không thoải mái.

Sau khi cúi đầu chào, nàng từ từ ngồi xuống sàn gỗ, đặt cây đàn tranh lên đùi. Những ngón tay mới lướt qua mấy sợi dây tơ dạo nốt đã ngưng lại khi vị khách lên tiếng:

- Ta đến đây không phải nghe ngươi đàn hát.

Ngước mắt tỏ ý không hiểu, Hải Triều che đậy việc mình đã lờ mờ đoán ra thân phận người thanh niên bằng một cái chau mày. Chậm rãi đặt cây đàn gỗ xuống, từ từ tháo những móng gảy, cô đào đặt tay trên hai đầu gối, lễ phép thưa:

- Công tử có gì dạy bảo ạ?

- Chủ nhân nhà ta là Lạng Sơn vương. Người hạ cố đến đây là vinh hạnh lớn cho ngươi đấy! – Người đàn ông đứng tuổi ngồi kế chàng lên tiếng, khinh khỉnh nhìn đứa con gái nhỏ bé trước mặt, đoán chừng trong bụng dạ cô nàng đang vừa lo lắng, vừa mừng rỡ.

- Ta không có nhiều thời gian. – Nghi Dân liếc mắt ra hiệu cho Phan Bang tạm thời tránh mặt, lo việc canh chừng, giọng điệu dịu đi đôi chút nhưng từng lời vẫn đủ sắc bén, gọn ghẽ. – Ta biết bí mật của ngươi nên… muốn cùng người thương thảo một việc.

Gió thổi tới khiến cho âm thanh leng keng của chiếc chuông gió bằng đồng trở nên lạnh buốt. Hai chữ “bí mật” làm Hải Triều nghĩ ngay đến thân thế của mình có khi nào đã bại lộ, bại lộ rồi thì vị thân vương trước mặt muốn gì. Bờ môi nàng run run, cất lời:

- Điện hạ… người nói gì… dân nữ… không hiểu?

- Ta không phải người cứng nhắc theo môn đăng hộ đối. Tình cảm của ngươi với… quan gia có gì xấu xa đâu mà phải giấu giếm? Ánh mắt gì vậy? Ta chỉ muốn tác thành cho ngươi và em trai mình, thế thôi.

Danh xưng “quan gia” gọi Lê Tuấn phát ra rất khẽ khi Nghi Dân bước tới, cúi xuống gần đến mức gần như nửa gương mặt chàng chạm vào má Hải Triều. Nàng giật mình nhìn lên rồi vội lùi lại, đầu cúi gằm. Sự ngạc nhiên của thiếu nữ tuy lý do thực sự hoàn toàn khác với những gì Nghi Dân dự liệu, nhưng thái độ bên ngoài lại đúng với điều chàng mong muốn đón nhận. Vì thế trong đầu mặc nhiên tin điều mình nói ra đã trúng vào tâm tư cô đào.

- Ngươi là Tiểu Kiều đúng không? Nhan sắc quả nhiên không tầm thường, tài năng cũng chẳng hề thấp kém. Người ấy đã có chút rung động trong lòng, ta sẵn lòng giúp sức để vun vén cho ngươi. Ngươi thực sự muốn sống kiếp con hát cả đời sao?… Lầu son gác tía cũng rất hiu quạnh, có được người thực lòng yêu thương kề cận là phúc phận cả đời. Vời người ấy cũng thế, với người cũng thế.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3