Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 18 - Phần 4

Cách nói nhẩn nha khi xa khi gần của Nghi Dân vỗ yên sự thắc mắc nổi lên trong lòng Hải Triều. Chàng chỉ thấy một vẻ băn khoăn, bối rối khi cô đào đưa tay vần vò tà áo tứ thân màu lam nhạt, chẳng thể ngờ trong lòng, thiếu nữ đang tự cười lớn, lạnh toát, mỉa mai. Những lời ấy đem nói với kẻ có ý muốn một bước chim sẻ hóa phượng hóa chắc bùi tai lắm. Có điều, vị thân vương này sai rồi. Không những sai một mà là hai. Sai vì lựa chọn nhầm người để nghe. Sai vì chính những lời đường mật thốt ra. Đến mẹ nàng, người nàng yêu thương nhất còn để lại cho nàng cả một sự dối trá về cái gọi là tình mẫu tử. Cả đời bà liệu có lúc nào thực yêu chính bản thân nàng mà không bị hình bóng của phụ thân ám ảnh? Thứ tình cảm thuần khiết nhất trong nhân gian, cho đi không cần hoàn trả với Hải Triều lại là một lời giả dối vĩ đại. Thử hỏi trên đời, nàng có thể gửi số mệnh mình cho ai nữa hay không?

- Điện hạ, dân nữ thân phận thấp hèn, không dám trèo cao! – Hải Triều cúi mình, làm ra cái giọng run run khiêm nhường đến tội nghiệp.

- Trong lòng ngươi hiểu rõ quan gia là người thế nào. Người vốn đâu quan tâm đến thân phận. Ta nói cho ngươi biết, không xuất thân danh giá, không qua hôn nhân chính trị, tình yêu nhận được mới thực là chân tình.

- Điện hạ, dân nữ cảm tạ người chiếu cố gia ơn nhưng quả tình không dám đũa mốc chòi mâm son, vượt quá thân phận như vậy!

Tà áo phất lên mạnh mẽ khi người thanh niên quay mình. Bàn tay mạnh mẽ, thô ráp siết mạnh lấy cái cằm thon của thiếu nữ, kéo mạnh, buộc nàng ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt chàng. Nghi Dân nheo mắt, khinh khỉnh cười:

- Chúng ta có thể thôi đóng kịch ở đây được rồi đấy. Loại người như ngươi, ta còn không nhìn ra sao? Đừng trưng ra bộ dạng vô hại, thuần khiết ấy, chướng mắt lắm! Ngươi làm tất cả, bày ra bao nhiêu chuyện ngẫu nhiên chẳng phải là để dùng dung mạo này tiếp cận quan gia, để một bước lên bà sao?

Sự im lặng của cô đào như một sự quy phục khiến Nghi Dân tiếp lời:

- Ta có thể sắp xếp để hai người gặp gỡ, từ từ vun đắp tình cảm. Chỉ cần nắm chắc được trái tim của người ấy, cái gì ngươi muốn cũng có thể có: tước vị, tài sản, danh phận cao quý…

Nàng lặng thinh lắng nghe, tự thấy thân phận con hát thực sự chỉ là cánh bèo mặt nước, không đáng để người ta nghĩ thử xem có khi nào không dùng được hay không. Lòng bàn tay hơi mở để đón cánh hoa bay nghiêng, nhẹ đáp xuống. Hải Triều đợi, đợi cái giá Lạng Sơn vương đưa ra để đổi lấy sự cấu kết ấy.

- Đương nhiên ta muốn cả hai bên cùng có lợi. Ngươi có thể trở thành cung tần của quan gia, được quan gia ưu ái thì cũng nên nhớ đến người đã hậu thuẫn mình, nói vài điều tốt đẹp giúp ta trở về Đông Kinh, không còn phải ở lại đất Lạng Sơn nữa. Cuộc trao đổi này ta thấy rất ổn thỏa, đôi bên đều có thứ mình muốn.

Dùng đứa con gái trước mặt để tách Bang Cơ khỏi Cung thành, khỏi tầm mắt của Nguyễn Thị Anh. Nếu như trước đây khi nào có hứng, Hoàng đế mới xuất cung thì giờ người có quyền thu xếp việc đó chính là Nghi Dân, bởi trong tay chàng có người con gái được kẻ đó để mắt đến. Những cấm binh đi theo hộ giá như lời Phan Bang điều tra được đều chẳng là gì so với những võ sĩ lâu này chàng thu nhận bên mình, chỉ cần một mũi tên là có thể đoạt mạng kẻ không xứng ngự trên ngai vàng ấy. Nữ nhân tầm thường, mấy cô ả chỉ giỏi đàn, ca, sáo, nhị còn tầm thường hơn nữa, vinh hiển ngần ấy bày ra, có lẽ nào lại không mờ mắt?

Đánh nhanh, thắng nhanh. Yếu tố bất ngờ chính là chìa khóa làm nên chiến thắng trên chiến trường.

Nhìn vạt áo gấm đen lướt qua trước mắt, Hải Triều đưa tay xoa nhẹ cái cằm thon đã ửng đỏ của mình. Vừa hay lúc ấy người đàn ông theo hầu cạnh vị thân vương bước vào, thưa:

- Bẩm điện hạ, bên ngoài có con bé người ở muốn gặp cô đây.

- Cho vào! – Nghi Dân cười, thoải mái ngồi xuống vị trí bên kia chiếc bàn gỗ với ấm trà đã nguội lạnh, từ từ nhấm nháp vẻ suy tính của thiếu nữ. Những ngày lặng lẽ quan sát Hải Triều làm chàng muốn thẳng tay lột trần sự giả dối, ra vẻ thanh cao của cô đào trước mặt, bởi tự nhiên dáng vẻ ấy làm người thanh niên thấy bức bối, như thể được trông thấy bộ dạng giả dối năm xưa Nguyễn Thị Anh từng trưng ra để hãm hại mẹ chàng. Một lý do cá nhân, một sự tức giận cá nhân, một kí ức của quá khứ giờ đem in lên một người xa lạ.

- Bẩm cô. – Con Lê vòng tay trước ngực, thưa: – Tiểu thư Tô Mộc nói muốn gặp cô nói chuyện gì ấy ạ!

- Bảo cô ấy lên phòng uống nước với cô Kim Oanh – Nàng mỉm cười nhẹ tênh nhìn sang, lời nói vang lên nghe không nhanh, không chậm, nhưng phản ứng khi nghe đến cái tên “Tô Mộc” lại nhanh nhạy hơn mọi ngày.

Nhìn cái lưng con Lê đi khuất, Hải Triều lầm rầm khấn trời hôm nay bà cô trẻ kia chớ có trườn mặt ra cho ai trông thấy, mọi sự rắc rối lắm rồi. Rút cây quạt giắt bên thắt lưng, nàng đưa tay vuốt sợi xà tích, cố ý để người đối diện nhìn rõ những hình chạm nổi tinh tế trên hộp trầu, cố khoe ra sự giàu sang nàng có được. Không ai nghĩ đó là một món quà mẹ cho con gái. Đào hát có được vật như thế chỉ bằng một con đường: sự ưu ái của quan viên. Chiếc quạt vừa xòe rộng, cái người ta nhìn thấy là một ánh mắt đong đưa, khôn ngoan chứ chẳng hề mơ hồ, lãng đãng. Khóe môi nàng cong lên thành nụ cười hoa mĩ, nói:

- Điện hạ đã nhìn ra con người dân nữ rồi nên dân nữ không có gan giấu nữa. Kì thực… sự quan tâm của điện hạ làm con rất khó nghĩ. Ai chẳng muốn có thể hóa thành phượng hoàng đậu cành cao, có điều con tự thấy thân phận mình không xứng. Dù cho bây giờ được quan gia yêu thích đến mấy cũng chỉ là nhất thời, là “của lạ” khác với những tiểu thư cành vàng lá ngọc người vẫn thường tiếp xúc. Sau này nhan sắc tàn phai, con không đủ can đảm để sống trong hoàng cung cô độc.

- Ngươi nhất định không muốn hợp tác với ta? – Nghi Dân hỏi lại, bàn tay đã siết thành nắm đấm.

Ánh mắt liếc ngang lẳng lơ, nàng phe phẩy cây quạt, đáp:

- Trở thành phi tần, cả đời chỉ biết một người đàn ông. Làm một ca nương mua vui cho quan viên, tuy chẳng cao quý gì nhưng với con lại thú vị hơn hẳn. Hôm nay gặp người này, ngày mai gặp người khác, chẳng bao giờ chán hết.

- Vô liêm sỉ!

Đập mạnh chén trà xuống bàn, Nghi Dân đứng dậy, tự nhiên thấy ghê tởm hạng đàn bà trước mặt. Chiếc quạt che nửa mặt nhưng đuôi mắt sắc cong xuống lộ ra ý cười châm biếm. Chiếc trâm với những chùm trang trí bằng bạc trên mái tóc, lá nào cũng dát mỏng như giấy đung đưa, hợp với ánh sáng nơi đáy mắt thành những tia lấp lánh khôn ranh. Hàng lông mày cong cong nhướn lên khi cô ả cất lời:

- Điện hạ, người quên con là ả đào sao? Quen cách sống phong lưu rồi, đào hát đâu có thuộc về một người nào kia chứ. Lời đề nghị của điện hạ, con không dám, cũng không thể nhận lời được. Xin người chiếu cố!

Nghi Dân đã tưởng mình nắm chắc phần thắng, tưởng chỉ cần vạch trần bản chất cô nàng kia mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Hóa ra ả đã có những tính toán của riêng mình. Cũng thức thời lắm! Cũng biết mình biết người lắm! Trong một khoảnh khắc mơ hồ, chàng thực tình đã chợt nảy ra ý nghĩ: Đến cả ném một hòn sỏi nhỏ xuống mặt hồ phẳng lặng còn để lại vân nước đồng tâm nối tiếp nhau, vậy mà cô gái kia dường như lại muôn phần bình thản. Bình thản tỏ ra chẳng hiểu Nghi Dân đang nói cái gì; bình thản từ chối hệt như một người bình thường sẽ cư xử thế. Bình thản để mọi việc hợp lý đến mức khiến người đối diện phải tự hoài nghi. Lắc nhẹ đầu, Nghi Dân đứng dậy, quẳng xâu tiền xuống mặt bàn rồi quay lưng bỏ đi. Một đứa con gái tầm thường, nửa chữ còn không biết, sống bằng nhan sắc với ngón nghề, đời nào lại thâm sâu đến vậy. Mà cứ cho là suy nghĩ sâu xa, một cô đào có thể mong muốn điều gì?

Khách vừa đi khỏi, Hải Triều liền duỗi chân thoải mái, tựa nửa người lên cái bàn gồ, lười nhác dùng ngón trỏ đếm từng đồng tiền. Đếm chán, nàng quay ra nhặt cánh hoa vàng, vun thành một nắm trên sàn gỗ.

- Lê, lại chị nhờ đây! – Nàng vẫy vẫy tay gọi con bé đang quét sân lại gần, dúi vào tay nó chỗ tiền Lạng Sơn vương ném xuống. – Em nhìn thấy vị khách vừa nãy rồi đúng không? Em với đám bạn làm sao theo dõi người ấy cho chị. Khi nào anh ta rời khỏi kinh thành thì về báo ngay. Chị chỉ cần biết thế thôi. Chỗ tiền này, cho cả mấy đứa.

- Cô cứ giao cho em. Gì chứ việc ấy em làm tốt! – Con Lê vỗ ngực rồi chạy biến đi.

Cây quạt xoay tròn giữa những ngón tay, khi mở, khi gập linh hoạt theo ý muốn của chủ nhân. Cách đây hai năm, chính nàng đưa Lê về giáo phường Khán Xuân. Con bé từng là ăn mày, bạn bè “cùng nghề” bên ngoài không hiếm. Những chuyện lê la nghe ngóng không muốn người ta phát hiện ra, dùng những đứa bé này là chuẩn xác nhất.

“Mình sợ đằng ấy thật đấy. Nhìn thì tưởng bẩm sinh sinh ra là để đóng đào thương nhưng cuối cùng toàn nhận vai nữ lệch. Đằng ấy… thực sự là người như thế hay do đóng kịch quá tài?”

Những lời ấy của Lương Thế Vinh giờ nghĩ lại chỉ làm Hải Triều thấy buồn cười. Buồn cười bởi bản thân nàng cũng không biết. Liếc mắt nhìn ra cổng, nhìn khoảng sân vắng, chiếc quạt trên tay phe phẩy chậm lại, thiếu nữ thở dài một cái. Chọn một chỗ thị phi như giáo phường để nói chuyện vì không muốn người ta có thể rình rập. Với thân phận ấy, Lạng Sơn vương chẳng có nhẽ chỉ mong muốn rời khỏi nơi chó ăn đá gà ăn sỏi ấy thôi sao? Người ấy có mưu đồ. Nàng cũng có âm mưu. Nhưng đi chung một đường thì không thể.

Những cánh hoa mỏng tang theo gió rụng rơi lả tả thành một trận mưa những sắc vàng tươi mơ màng. Thiếu nữ chống tay lên mặt bàn, nghiêng đầu nhìn ngắm những cánh hoa bay bằng đôi mắt đen tĩnh như mặt hồ mờ sương. Hoa đẹp nhất là lúc đang nở rộ, chỉ cần lưu lại khoảnh khắc đó rồi chết đi là được. Vậy đã đủ vui rồi!

***

- Là như vậy, Lạng Sơn vương muốn nhờ một đào hát để giúp mình quay lại Đông Kinh? – Tư Thành đặt chén nước xuống, hơi cao giọng hỏi lại. Trong giọng nói không thiếu sự châm biếm. – Ta thật không ngờ cũng có ngày này. Càng không ngờ Đình thượng hầu giao du thật rộng, đến chốn giáo phường cũng có tay chân trung thành đến vậy.

Xua xua tay, người đàn ông vuốt râu, cười đáp:

- Điện hạ, chuyện này là công của phu nhân thần. Do Minh Nguyệt có ơn với Tiểu Kiểu của giáo phường Khán Xuân nên con bé làm vậy để đáp lễ thôi.

- Điện hạ, chuyện của Lạng Sơn vương người nghĩ thế nào? – Nguyễn Xí cất lời.

- Ta không tin Lạng Sơn vương mất công bày trò như vậy chỉ vì muốn quay lại kinh thành. Càng không tin anh ta vui vẻ với tước vị một thân vương. Mục đích… ám sát không phải không có lý. Chuyện này ta sẽ lựa lời nói với quan gia, tạm thời sẽ không tùy tiện xuất cung nữa! – Tư Thành đan hai tay vào nhau, nói gọn.

- Sau vụ xử bọn phản nghịch hồi cuối năm kia, trong kinh có tin đồn thất thiệt về… – Nguyễn Xí ngập ngừng rồi mới nói – … huyết thống của quan gia. Chuyện đồn đại đấu đá hậu cung của Tuyên Từ hoàng thái hậu dẫn đến cái chết của ba họ nhà Ức Trai tiên sinh không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng lời đồn kia thì quả thực…

- Những người cứ tạm cho là biết việc ấy có Đình thượng hầu, các hạ, – Chàng nhìn Nguyễn Xí, chau mày ngầm xác định những kẻ liên quan, – ta, nội thị, cung nữ nào đó trong Cung thành. Không thể không kể đến cả phi tần của Tiên đế. Việc tin đồn này loang ra, ai có lợi, hai vị đều hiểu cả mà!

Đinh Liệt chắp tay sau lưng, chầm chậm đi tới đi lui rồi thở dài:

- Giờ ngoài mấy chữ đề cao cảnh giác ra, chúng ta khó có thể làm gì hơn được. Chuyện huyết thống ấy so với chính biến khiến trong nước rối loạn, lòng người ly tán, nặng nhẹ thế nào quá rõ rồi! Việc hổ vào chùa Diên Hựu, việc tin đồn, chắc không phải đều là ngẫu nhiên cả chứ?

Hôm ấy, Tư Thành rời phủ Đình thượng hầu khi trời đã ngả về chiều. Cơn mưa rào chớp nhoáng vừa tạnh, nắng lại lên trên vòm trời sạch sẽ làm không khí ngột ngạt, bức bối.

Xếp đặt những cây đàn đã được lau sáng bóng vào đúng chỗ sau khi được so chỉnh lại những dây tơ, thiếu nữ ngồi xuống, tựa lưng vào bức vách, co cả hai chân lên. Cảm giác sợ cứng người, đến nhúc nhích ngón chân cũng không nổi khi đối diện với con chó săn đen trùi trũi ở nhà Đình thượng hầu Đinh Liệt làm nàng nhớ lại chuyện từng bị con chó to thật to ở quê rượt một trận hồi còn nhỏ. Lúc trước nhìn thấy con vật hung thần ấy, Hải Triều đến tìm cớ đi đường vòng hoặc lỉnh cho nhanh, nếu không thì đã có nô tì của phu nhân Minh Nguyệt giải quyết. Lần này vì dáng vẻ nàng lén lút nên con vật đó mới dựng lông, nhe hàm răng trắng ởn, sắc nhọn, nhớt dãi lòng thòng ra gầm gừ dọa dẫm? Ngày trước là người đàn ông muốn theo đuổi Mai Loan cứu nàng. Còn lần này, vị thân vương đó vốn không cần phải làm thêm một bước kéo tay Hải Triều, để nàng đừng sau lưng ngài ấy, trong khi chỉ cần quát lớn tên con chó kia là đủ để nó cụp đuôi, ngoan ngoan quay về nằm dưới hiên nhà. Nhìn chỗ cổ tay nơi Tư Thành nắm vào, thiếu nữ nhún vai:

- Rõ thừa thãi!

Lời vừa dứt, ngoài ngõ chợt váng lên tiếng trẻ con khóc nhè làm nàng vội sấp ngửa chạy ra. Trên nền đất lăn lông lốc những quả sấu tròn trong bóng lá đầy những đốm nắng. Thằng bé con rời khỏi vòng tay người thanh niên, miệng vẫn không ngớt bù lu bù loa làm chàng trai đó lâm vào cảnh khó xử.

- Điện hạ? – Hải Triều trợn mắt thốt ra lời ấy khi thấy Tư Thành nhăn nhó quay lại, gõ gõ cây quạt lên cổ mình ra vẻ lúng túng. Nàng xoay tới xoay lui thằng bé, xem xét tay chân nó rồi hỏi: – Trèo sấu ngã hả? Không khóc nữa, Sứt, nói chị nghe xem em đau ở đâu?

- Thằng bé không ngã đâu, ta đảm bảo với cô! – Tư Thành khoanh tay trước ngực, nói rõ ràng.

Nước mắt lã chã, thằng Sứt vén áo lên xì mũi một cái rồi lại khóc tiếp, được nàng hỏi han càng khiến nó khóc to hơn. Nức nở một hồi, nó ngước đôi mắt sưng bụp, đỏ hoe lên, sụt sùi:

- Sấu… em mất công hái được bao nhiêu cho cô… giờ… giờ… hức… hức… rơi hết xuống sông rồi.

Nàng vươn tay nhặt những quả sấu tròn nhét vào hai túi áo cánh của thằng Sứt đến khi căng phồng, còn bắt nó xòe tay ra nữa. Lấy vạt áo mình lau nước mắt cho nó, Hải Triều chẹp miệng, cười nhẹ:

- Được rồi, không sao đâu. Mùa sấu chưa hết, sau này lại trèo cây hái cho chị nữa, được không? À mà đã cảm ơn… ngài đây chưa? – Nàng nói tránh đi khi Tư Thành lắc đầu, hàm ý nói đừng rình ràng chuyện thân phận, ơn huệ làm gì. – Vào nhà đi, rồi chị ngâm sấu đường với gừng cho, được chưa?

Nhìn vết bẩn trên nền vải trắng của chiếc áo khoác ngoài, nàng đoán chừng đấy là những chỗ ban nãy thằng Sứt nắm phải lúc được Bình Nguyên vương đỡ xuống, liền lựa lời:

- Trẻ con không hiểu chuyện, chưa cảm ơn đến nơi đến chốn, xin điện hạ thứ cho. Hôm nay người hai lần giúp dân nữ, dân nữ vô cùng cảm kích, không biết lấy gì báo đáp.

- Chuyện nhỏ như vậy cũng nhất định phải tính toán chi li sao? – Chàng chăm chú nhìn gương mặt kính cẩn, khách sáo của thiếu nữ, suy nghĩ một hồi rồi gập chiếc quạt lại. – Là cô muốn sòng phẳng, không nợ nần gì ta? Thế cũng tốt. Chiếc áo này phiền cô gột sạch giúp, thế thôi!

Xoa nhẹ lên vết đất nâu bám trên nền lụa, nàng hơi mím môi. Cơn mưa ban chiều làm đất tơi ra, dính lên vải áo lem nhem hơn lúc trời khô ráo.

- Điện hạ, nếu gột bây giờ thì phải mất thời gian đợi áo khô. Hay là…

- Ta đợi được.

- Người có phiền vào giáo phường ngồi đợi không ạ? – Nàng ngập ngừng, không nghĩ người trước mặt sẽ bằng lòng mà bước vào chốn đàn hát ấy.

- Không phiền. Mà như vậy có thể coi ta là khách của cô Ngọc Huyên? – Tư Thành cười nhẹ, nhấm nháp sự ngỡ ngàng của cô gái chỉ đứng đến vai mình.

Ra hiệu cho mấy đứa con gái đang chơi nhảy dây trong sân lui cả, nàng cẩn thận đưa chiếc áo cho cái Mận, dặn dò một hồi rồi nhẹ bước đến sau lưng Bình Nguyên vương, thưa:

- Điện hạ, dưới hiên đã có bày bàn trà, mời người quá bộ đến đó.

- Không cần cầu kì như vậy. Chúng ta có thể ra đó chứ?

Chàng nhìn sang, dùng quạt chỉ về cái hồ nhỏ nằm sau lưng dãy nhà chính, nơi có cây lộc vừng già mọc nghiêng, tỏa bóng xuống mặt nước. Coi như hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, cái cây đỏng đảnh, chậm chạp đó hôm qua cuối cùng cũng đã nở hoa. Nhiều người mê vẻ đẹp của những chùm lộc vừng đỏ rực ấy nhưng ghé qua bao nhiêu lần lại đều vào lúc hoa chưa nở. Xếp đặt thế nào cuối cùng cũng không bằng được một chữ “duyên”. Nàng rót nước chè xanh ra bát sứ trắng, dùng cả hai tay dâng mời vị khách điềm nhiên vén tà áo, ngồi xuồng tảng đá dưới bóng cây.

- Điện hạ là khách nhưng lại không nói muốn dân nữ phải làm gì. Vậy con mạo muội tấu thử một khúc nhạc được không ạ?

- Cứ làm những gì cô thích. – Chàng đáp, phóng tầm mắt ra mặt hồ phẳng lặng phản chiếu hoàng hôn huy hoàng dâng lên sau những rặng tre xanh.

Những đầu móng gảy chạm khẽ xuống sợi dây đàn tranh, thanh âm tựa như nước sông lưu chuyển cuốn theo một dải mây trời được dệt nên. Không phải nhã nhạc cung đình trang nghiêm, quy củ; cũng chẳng phải tục nhạc dân gian tùy hứng vui tươi. Cái Tư Thành nghe được là hương sắc, là thanh âm của ngày hè khi rộn ràng, náo nhiệt, lúc lại mát lành như cơn mưa rào, có đoạn lại chậm chạp chảy trôi như một đêm hè quang đãng. Chỉ tiếc trong bức tranh ấy không có bóng người.

Chiều tà diễm lệ mênh mông trong ánh vàng cam rực rỡ chuyển sắc hồng khi mặt trời ngả về tây. Cả mặt hồ loang màu xanh của cây cối bị thiêu đốt trong lửa của ngày hè lộng lẫy. Điểm xuyết vào đó là sắc đỏ đằm thắm của thảm hoa lộc vừng rải trên nền đất, là những đóa hoa rơi xuống mặt nước trong veo. Hoa rơi cài trên mái tóc đen buộc trễ, rơi trên những sợi dây đàn. Cái mãnh liệt, kiêu hãnh lúc tà dương chạng vạng cuối cùng không địch lại vẻ nhàn hạ, thong dong của người thiếu nữ. Tư Thành nhìn những ngón tay Hải Triều nhấn những sợi dây đàn, khẽ mỉm cười, ngâm mấy câu thơ:

”Không thúy phù yên sắc

Xuân lam phát thủy văn

Tường ô đề lạc chiếu

Dã nhạn tống quy vân…”

Những thanh âm cuối cùng của bản nhạc tan vào không gian tĩnh mịch vừa kịp hòa với bốn câu thơ. Phải lắng tai nghe mới thấy khu chợ Đông bên ngoài đã vào buổi xế chiều. Hải Triều ngước mắt nhìn trời, nhất thời không hiểu dụng ý của Tư Thành khi dùng đến một tứ thơ ngày xuân giữa mùa hè. Chàng gác tay lên đầu gối, nửa cười nửa không nhìn nàng:

- Cô biết bài thơ này không?

Ngẫm nghĩ một hồi, nàng đáp:

- Nếu dân nữ không nhầm thì đây là bài Vãn cảnh của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

- Cô thuộc bốn câu thơ cuối chứ?

Những chùm hoa lộc vừng đung đưa trong gió, nhuộm ánh tà dương mà thành sắc đỏ thẫm như mực son đọng lại trong nghiên sầu. Kết lại bài ngũ ngôn bát cú, trạng nguyên viết:

“…Ngư hỏa tiền loan kiến

Tiều ca cách ngạn văn

Lữ nhan sầu lãnh lạc

Tá tửu tác vi huân.” [12]

[12] Dịch thơ của Huệ Chi

“Khói bồng bềnh trời biếc

Sóng gợn nước xuân xanh

Quạ xế chiều kêu rộn

Nhạn theo mây về nhanh

Lửa chài leo trước vũng

Tiều hát vẳng bên ghềnh

Mặt khách buồn tê tái

Mượn chén giải u tình.”

Những chữ cuối cùng thốt ra nơi đầu môi khiến Hải Triều bất giác nhìn chàng trai mình vận áo lụa trắng ngồi trên tảng đá. Lần đầu tiên nhìn thẳng vào gương mặt người ấy. Lần đầu tiên đối diện với đáy mắt đen thẫm mênh mang, không dò được sâu xa, không nhìn thấy bền bờ. Chàng phì cười nhìn vẻ mặt thiếu nữ, chỉ khẽ lắc đầu.

Tùy hứng dừng chân, tùy hứng mở lời.

Người đến kẻ đi trong một đời bận rộn.

Chữ sầu của tuổi mười lăm, mười sáu liệu có thể là gì?