Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 21 - Phần 2

Người đàn ông nghe giọng nói thong dong như bàn chuyện mưa nắng vang lên bên tai mà không khỏi giật mình. Bình Nguyên vương không những không hận Nguyễn Thái hậu mà giờ còn đang công khai biện bạch bảo vệ cho bà ta. Chưa kể, lập luận của người thanh niên này vô cùng sắc bén.

- Ý điện hạ là… – Nguyễn Xí ngập ngừng lên tiếng, càng nói càng thấy suy nghĩ trong đầu sáng rõ, đơn giản đến không ngờ nhưng không phải không có lý. – Một bên muốn mượn cái chết của Tiên đế để trả tư thù. Một bên quan lại muốn mượn oai thân mẫu của Hoàng thái tử đang có địa vị nhất hậu cung, dựa vào sự hậu thuẫn này mà trừ khử trung thần làm họ lâu nay ngứa mắt. Động cơ, nguyên do thì khác nhau nhưng mục đích thì chỉ có một: Nhắm vào Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Nên… hai bên hợp sức, không có chuyện kéo bè?

Đuôi mắt chàng trai cong xuống theo nụ cười trên môi. Chỉnh lại vạt áo, Tư Thành đứng dậy, kính cẩn nói:

- Ta quấy quả các hạ lâu rồi, xin cáo lui. Ngài là đại thần kinh qua nhiều thăng trầm, nên cư xử thế nào, nên nghĩ ra sao, ắt đã có dự liệu. À, lại quên… Mục đích ta đến đây là muốn nhờ con cưng của đại nhân chút việc.

- Điện hạ cứ nói! – Nguyễn Xí đứng dậy, hàng lông mày rậm, dữ dằn chau lại, nhất thời không hiểu ý của Tư Thành.

Chàng xoay xoay cây quạt trúc trong tay, đôi mắt đen lấp lánh vẻ vui thích, trìu mến:

- Ta muốn nhờ cậy Đông Phong và Đại Vệ một thời gian.

***

Chiếc lược sừng trượt đi trên suối tóc đen mượt mà. Ngô Thị Ngọc Dao nhìn vào tấm gương đồng mà dường như chẳng trông thấy hình bóng của mình. Nàng còn mải suy nghĩ những việc ở đâu. Cái chết đột ngột của Hoàng đế và Tuyên Từ Hoàng thái hậu thật không khác gì sấm giữa trời quang làm lòng người hoảng hốt. Chầm chậm đưa tay tháo đôi xuyến vàng trên tai xuống, Ngọc Dao sai Thụy An giúp mình trang điểm, chọn lấy một bộ y phục trang trọng nhưng không phô trương.

- Tiệp dư, hôm nay chúng ta nhập cung gặp Hoàng thái hậu họ Dương, sửa soạn như vậy e có đạm bạc quá không. Ngày trước gặp Tuyên Từ Hoàng thái hậu, lệnh bà cũng không… – Người cung nữ ngập ngừng lên tiếng, vẻ như ái ngại lắm. Cái chết của Nguyễn Thị Anh làm nô bộc như Thụy An mở cờ trong bụng, đúng là gieo nhân nào gặt quả ấy. Nhưng trước thái độ trầm lặng nghĩ ngợi của cả Ngô Tiệp dư lẫn Bình Nguyên vương, người phụ nữ trẻ cũng không dám tỏ thái độ gì rõ rệt.

- Chính vì người đợi ta là Dương thị nên càng không thể phô trương. Trước đây, Tuyên Từ hoàng thái hậu yêu Bình Nguyên vương như con, đó là phúc phận của điện hạ. Người ấy nói thế nào cũng rất khoan dung. – Nàng chậm rãi cất lời, trong giọng nói dường như có nhuốm chút buồn bã, không rõ buồn vì Nguyễn Thị Anh nhiều hơn hay buồn vì cái chết của Bang Cơ nhiều hơn.

Thụy An quỳ xuống giúp chỉnh lại lượt áo gấm bên ngoài, nhỏ giọng nói:

- Nô tì thấy là do Tiệp dư độ lượng nên mới nghĩ về Nguyễn Thái hậu như vậy.

- Ta cũng từng nghĩ mình sẽ hận Hoàng thái hậu đến tận lúc lìa đời. Nhưng khi người ấy chết trước ta, mọi thứ trở nên… vô nghĩa! – Nàng nhạt giọng nói, ánh mắt êm êm như một dòng nước chảy chậm – Người chết rồi thì thôi. Hận cũng có để làm gì. Không phải ta quảng đại, bao dung. Là vì người ấy thật lòng đối đãi với Bình Nguyên vương trước. Nói cho cùng, thế giới của Hoàng thái hậu cũng chỉ xoay quanh Đại hành hoàng đế mà thôi. Ai đối xử tốt với người ấy, Hoàng thái hậu nhất định sẽ không đụng vào.

Đôi bàn tay đặt trên đùi Thụy An khẽ nắm lại. Người cung nữ cắn môi dưới, vẻ mặt bí bách dường như không phục, đánh liều cất lời:

- Lệnh bà, nhưng chuyện của cố Thái úy Trịnh Khả thì sao? Đại nhân ấy một lòng phò tá con trai của Nguyễn Thái hậu, cuối cùng cả mình lẫn con trai vẫn mất mạng đấy thôi.

Hàng mi rủ xuống khi Ngọc Dao nhắm mắt, lòng dâng lên sự chua xót lẫn ăn năn của một kẻ hàm ơn mà không thể báo đáp. Nàng lẩm nhẩm mấy câu kinh Phật rồi mới nói:

- Vì Thái úy từng cứu ta, trở thành cái gai trong mắt Nguyễn Thái hậu. Chưa kể, ngài ấy còn là con rể của phụ thân ta, biết rõ việc Tiên đế băng hoàn toàn do bạo bệnh, chẳng liên quan gì đến bà Lễ nghi học sĩ. Im lặng giữ mình, tận tâm tận lực như thế nhưng vẫn để lại trong lòng Tuyên Từ Hoàng thái hậu sự nghi ngờ. Bà ấy sợ Thái úy lại một lần nữa chọn đứng về phía người nhà họ Ngô, đứng về phía điện hạ. Là Thái hậu quá đề phòng!

Rời bước từ phòng riêng, theo con đường quen thuộc băng qua khu vườn nhỏ xanh rì các loại cây, Ngọc Dao ghé qua thư phòng của con trai. Hương trầm vương vấn lẫn trong mùi lá rụng ngai ngái đầy sân, lan dài theo tiếng gõ mõ tụng kinh quen thuộc. Thời gian phong kín sau cánh cửa chùa, muôn đời tĩnh lặng đến mức biến thành một dòng chảy nào đấy bên lề những phong ba cuồn cuộn bên ngoài. Ngọc Dao ngần ngừ mãi chưa bước chân vào. In lại nơi đáy mắt, qua song cửa gỗ là cậu con trai mình mặc chiếc áo sồi đã cũ nhưng tề chỉnh, đang nghiêng đầu bên trang sách, chuyên chú vào từng con chữ. Sự bình lặng, an nhiên ấy làm nàng vừa thấy yên lòng, lại vừa bồn chồn, thấp thỏm. Từ sâu tận trong tim, người mẹ nửa tin đứa con trai cứng cỏi và già dặn của mình; nửa lại buồn lòng như sợ chàng không nói hết những dự liệu cho nàng hay. Đứa trẻ này từ xưa đã cô độc như vậy, vì sợ nàng khổ tâm mà luôn mỉm cười bảo: “Con không sao cả, mẫu thân đừng lo!”.

- Sao mẹ cứ đứng ngoài đó vậy? – Tư Thành nói dứt lời mới quay mặt sang, thoải mái mỉm cười. Nụ cười ấm áp, thật lòng như thế Thụy An biết chỉ dành cho duy nhất một người phụ nữ trên đời mà thôi.

Khác xa những mối tơ vò trong lòng người mẹ xinh đẹp, dịu dàng, chàng trai chẳng tỏ ra nửa phần lo lắng, cần mẫn ăn hết bát xôi trắng với muối vừng đạm bạc của mình. Thấy Ngọc Dao chỉ lách cách động đũa lấy lệ, Tư Thành ngẩng lên, chau mày:

- Mẹ mệt sao? Con cho người mời thầy thuốc đến!

- Thành. – Nàng buột miệng gọi, bàn tay đưa ra níu vội lấy ống tay áo của cậu con trai. Ngọc Dao muốn hỏi nhiều nhưng khi nhìn sâu vào đôi mắt đen lạnh của con, nàng lại im lặng. Đôi môi hồng nhoẻn cười, trấn an – Mẹ không sao.

Quỳ xuống sàn, bao bàn tay mình quanh những ngón tay mảnh khảnh mỗi khi đông sang lại lạnh ngắt của mẹ, Tư Thành nói khẽ, đương nhiên cũng cười đáp lại:

- Mẹ còn nhớ lần đầu tiên chúng ta từ Đô Kỳ quay lại kinh thành, rồi nhập cung yết kiến quan gia và Tuyên Từ Hoàng thái hậu không? Hồi ấy mẹ có dặn: “Chuyện gì cũng phải để ý trước sau, cẩn trọng như bước trên băng mỏng”. Mẹ xem, con trai mẹ rất thông minh mà, sao có thể quên được chứ.

- Con ấy! – Nàng thở ra một hơi, dí ngón tay trỏ lên trán Tư Thành, mắng yêu: – Mẹ tin con!

Ba từ ấy làm nụ cười trên môi chàng trai còn tươi hơn nữa. Nụ cười chỉ dần tuột xuống nhường chỗ cho vẻ lạnh lùng, sắc như lưỡi đao bén khi bóng áo của Ngọc Dao khuất khỏi tầm mắt. Để yên cho Ngọc Hồ hầu hạ mình thay y phục, Tư Thành không thể chối trong lòng thấy có chút nặng nề. Bao năm trước, mỗi lần mặc lên mình y phục của một thân vương, hình như trong lòng chàng thường có chút hân hoan. Nhìn ống tay áo gấm màu tía rũ xuống, khóe miệng vô thức nhếch lên.

- Điện hạ, người không tính chuyện Nguyễn Thái hậu có thể là hung thủ hạ sát phụ hoàng người sao?

Giọng nói trầm lạnh vang lên sau lưng không hề làm thái độ trên mặt người thanh niên thay đổi. Nhìn ra ngoài khung trời xám trắng nặng nề, chàng hơi cau mày:

- Ngô Quân, từ lúc nào ngươi lại tỏ ra có hứng thú với những chuyện li kì, phù phiếm như thế?

- Thần chỉ nhắc lại lời của Đình thượng hầu và Thái bảo Ngô Từ thôi ạ!

Chiếc chén rời khỏi tay, đặt xuống mặt bàn gỗ nghe “cạch” một tiếng khô khốc. Tư Thành hơi ngoái lại, thong thả nói nhưng ngữ điệu vô cùng lạnh nhạt:

- Ta không quên. Nhưng, ta không nghĩ thế. Cả Đình thượng hầu và ông ngoại đều vì mẹ mà hận Nguyễn Thái hậu đến tận xương tủy, nhiều khi cả nghĩ quá rồi. Giả như Thị Anh định giết vua, bà ấy nên chọn lúc khác, ở nơi khác như… hoàng cung chẳng hạn. Bởi đó là nơi khép kín, quen thuộc, dễ dàng sắp xếp, khống chế. Vậy có phải khôn ngoan hơn không? Hoàng cung chỉ có nội thị, cung nữ, muốn nói sao chẳng được. Như năm xưa Dương thị với Lê Hoàn[6]… có ai biết được thực hư. Lần đi duyệt binh đó có quá nhiều người ngoài, quá nhiều sơ hở. Lễ nghi học sĩ là người nhanh nhạy, thông minh, nhỡ may ra để bà ấy nắm được đằng chuôi thì có phải hỏng cả không?

[6] Ám chỉ cái chết mờ ám của Đinh Tiên Hoàng, sau là việc Thái hậu họ Dương trao áo long cổn cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành), tôn ông lên ngôi Hoàng đế. Bản thân Dương thái hậu sau đó trở thành Đại Thắng Minh hoàng hậu của Lê Hoàn. Một số luồng ý kiến cho rằng cái chết của Đinh Tiên Hoàng tiếng là do Đỗ Thích gây ra nhưng có thể là do Dương thị cấu kết với Lê Hoàn – vốn là người đang giữ toàn bộ binh lực của nhà Đinh.

Ngọc Hồ đang giúp chàng đeo chiếc đai lưng bằng bạc chạm khắc tinh tế, tự nhiên cất lời:

- Chuyện nói Tuyên Từ giết vua, rồi Đại hành hoàng đế không phải con của Thái Tông cũng vô lý như chuyện nói Thị Lộ và Nguyễn Trãi là hung thủ trong vụ án Lệ Chi Viên vậy. Nguyễn Thái hậu chẳng phải người tốt đẹp gì, nhưng mà… Thật buồn cười khi lúc nào cũng phải đổ hết mọi tội lỗi cho đàn bà.

Mím chặt miệng, Ngô Quân lừ mắt lườm em gái một cái nhưng cũng không nói gì thêm. Phẩy tay ra hiệu cho chàng rót trà vào chén, Tư Thành ngồi xuống cạnh bàn nước, chống ta, nghiêng đầu:

- Ngô tiểu thư là người ngoài cuộc, nói cho ta nghe ý kiến của em đi!

Cất bộ dạng đanh đá của mình đi, cô gái ngồi xếp bằng trên nền đất, suy nghĩ kĩ càng rồi mới điềm đạm cất lời:

- Như nô tì thấy, Nguyễn Thái hậu xuất thân không cao như Tiệp dư nhà ta, trong hậu cung thuộc vào hàng thấp cổ bé họng. Nếu không nhờ sự sủng ái của tiên đế thì chẳng thể nào có được địa vị cao đến vậy. Nhưng sủng ái của đế vương mơ hồ lắm, chỉ có địa vị thực sự của gia tộc mới đảm bảo được cuộc sống sau này có chỗ bấu víu. Thế nên… nô tì nghĩ đám người chạy theo Nguyễn Thái hậu chỉ vì cái lợi nhất thời. Dựa vào những kẻ ấy mà lập mưu hạ sát hoàng đế thì ngu ngốc quá.

Chớp mắt nhìn chén nước được đưa tới trước mặt, nàng ngẩng lên bắt gặp nụ cười khích lệ của Tư Thành:

- Em nói tiếp đi. Rất thú vị!

Uống ực một ngụm nước, Ngọc Hồ chẹp chẹp miệng rồi thưa:

- Khi ấy Nguyễn Thái hậu còn rất trẻ, lại xuất thân dân gian. Bảo bà ấy bày ra được cả một âm mưu ghê gớm như vậy thì không hợp lý. Mà cứ tạm cho Đại hành hoàng đế không phải con của Thái Tông đi nữa, nếu là nô tì, nô tì sẽ giết kẻ khác chứ chẳng đi giết vua làm gì cho dại dột. Dương thị bị phế, Bùi Thái phi chẳng được đoái hoài, Ngô Tiệp dư bị đuổi ra chùa Huy Văn, nào có ai đe dọa được Nguyễn Thái hậu nữa? Nhiều người thích nghĩ âm mưu này nọ quá. Nô tì chỉ thấy đơn giản, ngẫu nhiên thế thôi.

Liếc mắt nhìn gương mặt xầm xì của Ngô Quân, Tư Thanh cất tiềng cười lớn, vui vẻ đến mức làm cô gái đang ngồi trên nền gạch ngạc nhiên.

- Đúng là không uổng công đi theo ta ngần ấy năm. Ngọc Hồ, hay ta tiến cử em vào hậu cung của tân đế nhỉ? Ta thấy em cũng có tố chất làm phi tần đấy.

- Điện hạ, xin người đừng đùa như vậy. – Cô gái vội níu lấy vạt áo người thanh niên trước mặt, liến thoắng – Nô tì với điện hạ có huyết thống tình thân, xin điện hạ giơ cao đánh khẽ.

Phất tà áo, Tư Thành dứt khoát đứng dậy, lạnh giọng nói:

- Đùa vậy đủ rồi. Ngọc Hồ, chuyện ở chùa Huy Văn giao cả cho em và cô Thụy An. Tốt nhất đừng để mẹ ta dời chùa một mình, tránh những phiền phức về sau. Chuyện gì nên nói, chuyện gì không, em hiểu cả rồi chứ?

Đáp lại chàng là một cái gật đầu chắc nịch. Gương mặt Ngọc Hồ tuyệt nhiên trong khoảnh khắc không còn dù chỉ là một chút cười cợt, bông đùa.

- Ta nhập cung yết kiến tân hoàng đế. Hoàng huynh, hoàng huynh, cuối cùng chúng ta cũng gặp nhau rồi!

***

Cảnh tượng Cung thành trải ra trước mắt đột nhiên gợi nhắc lại kí ức xa xôi ngày còn thơ bé. Những nóc cung điện cao thấp lợp ngói mũi hài đều nhau tăm tắp, những cây cột gỗ sơn son, những hình điêu khắc tiên nữ dâng hoa tinh xảo, màu sáng lóa phú quý của vàng bạc nơi cấm cung bao đời vẫn thế. Chỉ có Lê Tư Thành là lớn lên, chỉ có người đợi chàng là thay đổi. Gió đông lạnh thổi thốc tới làm ống tay áo rộng căng phồng. Lòng dường như lặng đi khi chợt nghĩ về đêm biến loạn ấy. Một chút xao động như lá khô xơ xác rơi động mặt hồ, chớp đến, chớp tan chẳng hề để lại dấu vết. Đàng hoàng nâng vạt áo, bước chân qua bậu cửa cao, chàng ngẩng đầu đi qua mấy vị đại quan rồi quỳ xuống kính cẩn:

- Thần đệ Lê Tư Thành xin bái kiến quan gia. Quan gia vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Tiếng nói rõ ràng, rành mạch vang vọng trong điện Cần Chính nghe thì bình thản nhưng lại khiến không khí xung quanh im lặng rất lâu. Quan lại chỉ dám len lén nhìn nhau, len lén quan sát biểu cảm trên gương mặt vị thân vương trẻ tuổi. Tước hiệu Bình Nguyên vương kia cơ hồ chưa từng tồn tại. Chỉ cần nhìn thái độ của Tư Thành, ai cũng ngầm hiểu chàng đã phủ nhận tất cả. Ngự trên ngai vàng, Hoàng đế khoát tay, đặt bản tấu sang bên, nhìn kĩ chàng thanh niên đang quỳ bên dưới. Xem chừng đứa em này có ý ngầm bảo với Nghi Dân rằng, nó đã đoạn tuyệt hoàn toàn với những ràng buộc mà vị vua trước trao cho. Mỉm cười ôn hòa, chàng cất lời:

- Hoàng đệ là thân vương, không cần đa lễ. Ban tọa!

Tên hoạn quan nghe thấy lệnh ấy mà giật thót, vội khúm núm thi hành. Từ đầu tới cuối, hắn cảm thấy ánh mắt vị thân vương kia dõi theo mình, càng biết chắc người ấy nhớ hắn là ai. Chiếc đôn sứ đặt phía sau Tư Thành, trên thành còn hiện một dấu tay ướt mồ hôi mờ mờ.

- Điện… điện hạ, xin mời an tọa! – Hắn líu ríu nói. Khi ánh mắt thân vương lướt qua, tên hoạn quan dường như lại cảm thấy vị chủ nhân này chẳng hề quen hắn.

- Lúc trước Diên Ninh đế đối đãi với hoàng đệ dễ dãi quá, không có tôn ti, thứ bậc gì nữa. Sao có thể để một thân vương đường đường là con trai của Thái Tông hoàng đế lưu lạc ngay giữa kinh thành, sống còn chẳng bằng một nhà phú thương bao giờ! – Nghi Dân cất giọng sang sảng, chăm chú nhìn thái độ trên gương mặt người ngồi dưới điện. Chàng đợi sự phẫn nộ, khó chịu hoặc một sự tán đồng nơi đứa em này.

Chăm chú lắng nghe lời ban xuống của Hoàng đế, Tư Thành nhẹ nhàng đáp lại:

- Quan gia, thực ra mọi chuyện là do mẫu thân của thần thu xếp, cũng vì bên trong có sự khó xử riêng. Giờ thần đệ được quan gia quan tâm, trong lòng vô cùng cảm kích.

- Là người một nhà, những lời khách sáo đó chú không cần phải nói ra.

Nghi Dân cười cười, nhìn đám cung nữ dâng trà lên. Thái độ của đứa em này tuy có nằm ngoài định liệu của chàng nhưng lại vô cùng kín kẽ. Kiểu nói năng nửa kín nửa hở trong mấy chữ “có sự khó xử riêng” làm người ta không hiểu rõ nguyên do thực sự. Là Ngô Tiệp dư thực muốn thế hay vì Ngô Tiệp dư ngại sự truy sát của Nguyễn Thị Anh? Bàn tay đặt trên án thư thếp vàng từ từ nắm lại. Bình Nguyên vương Lê Tư Thành quanh năm suốt tháng bầu bạn với sách vở, cơ hội vẫy vùng, thể hiện bản thân không nhiều. Đều là thủ đoạn kiềm chế của Nguyễn Thị Anh, đâu khác gì thời Nghi Dân còn ở Lạng Sơn. Điểm này chàng hiểu rất rõ, vì hiểu rõ nên chợt thấy thoảng qua chút đồng cảm trong lòng.

Dù sao Lê Tư Thành cũng mang tiếng được Tuyên Từ Hoàng thái hậu yêu quý như con mình đẻ ra, cũng có danh là người anh em tốt của Diên Ninh, giờ trước mặt tân hoàng đế công khai chê bai, không phục những kẻ ấy, với một người học đạo Nho cũng là điều khó nghĩ. Tựa cánh tay lên tay vịn chạm rồng, chàng nghiêm túc cất lời:

- Trẫm hạ chỉ, cải phong Tân Bình vương Lê Khắc Xương làm Cung vương, Bình Nguyên vương Lê Tư Thành làm Gia vương. Xét lời các đại thần trong triều thấy Gia vương thiên tư sáng suốt, là nhân tài của quốc gia nhưng chưa được cất nhắc, lại chưa có phủ đệ riêng, thật là thiếu sót. Nay ban cung tiềm để ở bên hữu nội điện làm nơi ở, ngày ngày kề cận bên trẫm để lo liệu chuyện chính sự.

Những lời ban xuống làm cả điện Cần Chính lặng như tờ. Cái lặng lẽ ấy khác xa những ngày xưa khi Bang Cơ ngự tại đây phê duyệt tấu chương, luận bàn việc nước với các đại thần. Đinh Liệt tự nhiên thấy chột dạ, vội ngẩng lên. Người ngoài có thể không nhìn ra nhưng ông thì biết rõ đây là cái bẫy giăng sẵn, đường đi nước bước không khác cách của Nguyễn Thị Anh ngày trước là mấy. Cung tiềm để ư? Chẳng qua là muốn giam lỏng, là muốn giám sát từng hành động nhỏ. Việc bắc thang trèo tường hắn còn dám làm thì việc bày kế ám hại đâu khó khăn gì. Trừ khử hết những người có thể kế thừa đại thống thì ai còn có thể uy hiếp ngai vàng kia được nữa? Ép hơi thở lại trong lồng ngực, người đàn ông thấy mạch máu nơi thái dương của mình căng phồng. Đôi mắt tinh tường chăm chú quan sát thái độ của người thanh niên trước mặt. Năm xưa, Ngô Thị Ngọc Dao đã từng từ chối một lần, liệu lần này…

Miếng ngọc đeo dưới thắt lưng bạc khẽ va vào nhau, vang lên những tiếng đinh đang êm tai. Chắp tay hành lễ, Tư Thành quỳ xuống:

- Ân điển của quan gia, thần đệ vô cùng cảm kích. Tạ ơn quan gia ban thưởng!

Chàng cúi đầu, tuy không nhìn thấy nơi đáy mắt Nghi Dân ánh lên những tia nhìn hài lòng nhưng vẫn biết rõ, những lời mình vừa nói ra làm tân đế vui mừng. Người ấy muốn nghĩ chàng không thông minh lắm cũng được, thậm chí cho rằng chàng đang sợ hãi mà không dám đối đầu, chỉ biết ngoan ngoãn nghe theo sự sắp xếp lại càng hay. Không chắc chắn, không đủ sức thì không nên trực tiếp nghênh chiến mà phải thủ tế giữ mình, đạo lý này Tư Thành rất hiểu.

Miệng hơi nhếch lên thành nụ cười ấm áp, thân tình, Hoàng đế ngọt nhạt nói:

- Còn Ngô Tiệp dư… Hoàng thái hậu vừa chuyển lời, nói nguyện vọng của thân mẫu Gia vương là ở lại chùa Huy Văn, tiếp tục ăn chay niệm Phật, cầu quốc thái dân an. Trẫm nghĩ chuyện tu hành tích đức ấy không nên bị làm gián đoạn. Ý hoàng đệ thế nào?

- Nếu mẫu thân đã muốn như vậy thì thần xin nghe theo.

Lúc dời bước khỏi điện Cần Chính, trong ánh sáng mờ đục của một ngày đông ảm đạm, nắng heo hắt, chàng có nhìn thấy ánh mắt lo lắng, khó hiểu của cả Đinh Liệt lẫn Nguyễn Sư Hồi, nhìn thấy cả thái độ lạnh lùng pha lẫn khinh bỉ của Thiếu úy Lê Lăng, sự sửng sốt của Nguyễn Đức Trung. Tất cả những điều ấy tự nhiên khiến Tư Thành mỉm cười, thậm chí còn hận không thể ngửa cổ cười lớn.

Tiếp tục chuyện triều chính đang dang dở, Hoàng đế cất lời:

- Việc sắp tới là cắt cử người sang Đại Minh nộp cống và cầu phong. Nhưng đó chỉ là việc thứ yếu. Việc chính là trẫm muốn xin bỏ việc mò ngọc trai đã kéo dài quá lâu. Công việc nguy hiểm, cực nhọc làm khổ bá tính như vậy cuối cùng chỉ để đổi lấy cái hài lòng, tự mãn của triều đình phương Bắc thì không đáng. Chuyện nào bớt được thì nên bớt đi. Chỉ dụ cụ thể trẫm sẽ ban xuống sau, giờ các khanh có thể lui.

Quần thần lạy tạ rồi lẳng lặng bước ra khỏi điện Cần Chính. Người còn ở lại là những tâm phúc của tân đế. Giao tờ dụ cho Phan Bang, Nghi Dân dặn dò công việc cụ thể:

- Lần đi sứ này rất quan trọng. Việc xin bỏ lệ mò ngọc trai đem cống nạp bắt buộc phải làm được, có như thế mới có thể tạo uy danh trước bá quan văn võ lẫn dân chúng. Ngươi cân nhắc xem trong hàng ngũ quan lại, ai có thể làm được việc này thì giao cho kẻ đó. Nhớ nói rõ đây là thể diện quốc gia, là vì xót thương dân chúng, không được để sơ xuất.

Nhấp môi vào chén nước mới được rót đầy, chàng nhìn những thuộc hạ của mình bằng ánh mắt chăm chú. Không ai trông ra trong lòng người đang ngự trên long ngai là hài lòng hay tức giận. Họ chỉ biết không khí trong điện Cần Chính từng chút, từng chút một lại lạnh thêm.

- Lời trẫm nói trước đây khi cùng các khanh xướng nghĩa là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Những ai trung thành, tận tụy, trẫm đều biết rõ, đều không bạc đãi. Chúng ta tuy là người chiến thắng nhưng trẫm biết không phải tất cả quan lại trong triều đều tâm phục khẩu phục. Ân các khanh được nhận hơn người ta, chớ lấy đó làm kiêu ngạo. Đó đều là những lão thần nhiều năm chinh chiến, kinh nghiệm quan trường dạn dày, nếu tránh được thì đừng làm họ thấy bị coi thường, khinh rẻ. Đương nhiên kẻ nào dám công khai chống đối thì phải xử thật nghiêm. Nhưng với những kẻ đang lưỡng lự, phải biết mềm mỏng, hạ mình xuống một chút để lôi kéo họ đứng về phía chúng ta thì sự nghiệp mới vững bền được.

Cách nói chuyện vẫn như trước đây, ôn tồn, mềm mỏng nhưng đủ khiến tất cả bộ hạ nhìn nhau rồi cúi đầu nhận sai. Phạm Đồn phẩy tay ra hiệu cho đám người lui hết rồi mới thưa:

- Quan gia, chuyện của Gia vương giờ…

- Trẫm giao cho khanh thu xếp. Gọn gàng, sạch sẽ, dứt khoát. – Nghi Dân rời mắt khỏi những bản tấu đặt trên bàn, nhẹ giọng nói. – Chớ để đêm dài lắm mộng. Cái vô hại, cái thần phục giả vờ của đứa bé ấy định đem ra lừa ai chứ? Nói thế nào, Nguyễn Thị Anh cũng là kẻ thù khắc cốt ghi tâm của mẹ con nhà ấy, sao có thể có chuyện không tính toán? Trong lòng Gia vương vốn không có Diên Ninh, bao năm qua chỉ vì giữ thân mà nhún nhường, ngậm đắng nuốt cay, không chừng cũng đợi ngày ra tay rửa hận. Tiếc là ta nhanh hơn một bước. Như vậy trong mắt Gia vương, ta đâu thể là một hoàng huynh tốt. Con hổ con này không dùng được kể cũng đáng tiếc. Nhưng tuyệt đối không thể nhân từ.

Nói đến đấy, chàng chợt dừng lại, đưa ánh mắt sắc bén về phía tên hoạn quan đang đứng hầu cạnh mình.

- Trẫm biết ngươi vào cung đã lâu nhưng vẫn chỉ là một nội thị nhỏ nhoi. Tất cả quyền hành đều nằm trong tay lão già Đào Biểu. Lòng trung của ngươi trẫm cũng biết rõ. Nay có việc này rất hệ trọng, trẫm giao cho khanh và đại nhân Phạm Đồn đây lo liệu. Việc thành, đương nhiên sẽ có thưởng lớn.

- Thần tạ ơn quan gia cất nhắc. Vì quan gia, thần sẵn sàng nhảy vào nước sôi lửa bỏng. – Hắn vội vội vàng vàng rũ tay áo, quỳ xuống thống thiết cất lời.