Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 22 - Phần 1

Chương 22: Gió Đông

Nào có phải đâu “đào hoa y cựu tiếu đông phong”. [1]

[1] Một câu trong bài thơ Đề đô thành Nam trang của Thôi Hộ. Dịch nghĩa: (Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.

Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị, Tôn Quyền nhờ cơn gió Đông mà chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công, rồi giành chiến thắng trước Tào Tháo trong trận Xích Bích.

“Xích Bích Tôn Tào chiến

Yên hỏa nhất phiến hải

Trường Giang đông phong khởi

Anh hùng vạn niên lưu.”

- Băng Tâm Phù Cừ -

Lời đồn là những điều không tin được, hoặc chí ít là không nên tin hết.

Nhiều người nói Gia vương Lê Tư Thành tài hoa xuất chúng, thế mà những kẻ hầu hạ xung quanh chàng chưa lúc nào được chiêm ngưỡng bốn chữ ấy được thể hiện ra sao. Người ta thường nghĩ thế này: Những người xuất chúng sẽ chơi với người xuất chúng, sẽ rất quảng giao, thích đi đây đi đó. Nhưng từ khi Tư Thành đặt chân đến cung tiềm để, trừ gặp người của Hoàng đế, trừ một lần Cung vương đến đây nộ khí xung thiên, vài ba bận người cung nữ ở chùa Huy Văn đến thăm hỏi đôi câu rồi trở về, đám hạ nhân chưa từng thấy Gia vương qua lại với ai.

Hết Phạm Đồn lại đến Phan Bang nhắc đi nhắc lại với lũ lâu la rằng, Gia vương lắm mưu nhiều kế, nên lúc nào cũng phải tỉnh táo, để mắt đến từng cử chỉ nhỏ. Cung nữ, hoạn quan nhìn trái, nhìn phải, nhìn trên, nhìn dưới, nhìn suốt bao nhiêu là ngày cũng không nhìn ra cái người kia liệu có thể có quỷ kế gì. Có phải các vị đại nhân bên trên thần hồn át thần tính quá rồi hay không? Một người chỉ có niềm vui với đống sách vở chữ nho, với chó săn hung dữ và chim bồ câu thì có gì đáng để đề phòng? Phải, Gia vương Lê Tư Thành ngoài hững thú với chó dữ còn nuôi cả một đàn bồ câu.

Trong khoảng nắng nhàn nhạt giữa bầu trời quang đãng, chàng trai ấy hơi cúi đầu, trên gương mặt rõ ràng đang mỉm cười trìu mến khi nhìn những chú chim bồ câu trắng muốt với đôi chân hồng hồng xán lại gần. Người như thế cũng có lúc hy sinh con vật trung thành để làm những việc to tát hơn mà người có đầu óc nói dễ nghe là đơn giản, nói khó nghe là chậm chạp, ngốc nghếch như Thục Giang không hiểu được. Nhưng nàng biết, sự thảnh thơi, yêu thích tỏa ra từ Gia vương lúc này là thật, thật như cái khí thế lạnh lùng, ép người ngày hôm ấy.

- Sao còn đứng đấy? – Chàng ngẩng đầu, đáy mắt vẹn nguyên nụ cười, còn đôi tay mải vuốt ve con chim nhỏ.

Giật mình nhận ra bản thân từ nãy đứng ngây bên thềm, thiếu nữ vội cúi đầu cầm khay trà bánh lên. Gấu váy màu quan lục của Thục Giang vừa lướt tới, chim chóc đồng loạt bay tung, làm ra một trời đầy những đôi cánh trắng. Ngẩn người giữa những thanh âm ấy, nàng ngước đôi mắt đen láy theo những cánh chim chấp chới, nhìn những con bồ câu đậu trên cành cây nhòng cổ xuống nhìn lại mình.

- Tiểu thư xòe tay ra! – Tư Thành vừa buông tay, con chim nhỏ đã cất cánh bay lên, lượn một vòng tròn rồi đậu xuống bờ vai chàng. – Lúc trước, ta có mượn bỏng của tiểu thư để cho cá ăn. Ta nói sẽ trả lại đúng không?

Đôi mắt chớp chớp mấy cái còn chưa kịp hiểu sự tình thì lòng bàn tay đã chứa đầy những hạt thóc vàng. Trái tim chợt đập loạn khi người thanh niên kéo tay nàng ngồi xuống. Mùi trầm hương đốt khi đọc sách, mùi của những trang giấy cũ quyện vào nhau, nhẹ nhàng đưa tới dưới cánh mũi trong cơn gió xuân mơn trớn nhẹ nhàng, khiến đầu óc Thục Giang nhất thời ù ù cạc cạc. Nàng không dám nhìn quá lâu vào gương mặt vui vẻ kia, chỉ biết cúi đầu, xòe bàn tay cầm nắm thóc của mình ra. Cái mỏ của những con chim nhỏ thi nhau mổ xuống nhồn nhột. Cách chúng nhìn ngó hồi lâu rồi bạo dạn tiến lại, đậu lên vai khiến thiếu nữ bật cười.

- Lũ chim có vẻ rất thích cô. – Chàng tán thưởng. – Sau này nếu ta bận, phiền tiểu thư cho chúng ăn giúp ta.

Từ sau bữa trưa hôm ấy, Tư Thành quay lại cách xưng hô cũ, xa cách và khách sáo. Thu nụ cười lại, nàng hơi cúi đầu, không hiểu sao lại cảm thấy mình là người có lỗi. Những chuyện đã qua, có điểm Thục Giang đã nghĩ thông, có điểm nàng đã chấp nhận được, có điều lại không biết phải mở miệng nói làm sao.

- Tiểu thư biết tại sao ta nuôi bồ câu không? – Chàng đột ngột hỏi.

Nhìn trước, nhìn sau rồi rẩy nốt nắm thóc trong tay xuống đất, Thục Giang ngước lên, lúng túng nhận ra tầm mắt mình đã ngang với tầm mắt của Tư Thành. Khẽ ho mấy tiếng, nàng nghe thấy mình thì thào:

- Ở đây tuy cung nữ, hoạn quan nói là kẻ hầu người hạ của người nhưng… hình như không đúng lắm. Thần nữ thấy điện hạ chẳng qua lại với ai, phải chăng… vì sợ bị người ta để ý, sinh chuyện thị phi? Mấy chú chim này… Là điện hạ học theo cố đại nhân Trần Nguyên Hãn khi xưa, dùng bồ câu để truyền tin ra ngoài?

Vừa nói dứt lời, đôi môi hồng hồng đã vội mím chặt lại. Con ngươi đen láy đảo qua đảo lại trong tròng mắt vừa như lo lắng, vừa như hối lỗi. Nhìn điệu bộ ấy của nàng, chàng trai chợt cười lớn làm vài con chim giật mình ngẩng lên dáo dác, xòe cánh muốn bay.

- Phụ thân của tiểu thư đúng là rất biết giáo dục con cái. Tiểu thư hiểu biết đâu ít. – Tư Thành nháy mắt, càng thích thú hơn khi nghiên cứu vẻ ngơ ngác thật thà hiện lên trên gương mặt bầu bĩnh của thiếu nữ. – Nhưng, bồ câu còn một công dụng nữa.

- Là gì ạ?

- Làm thức ăn. Tối nay chúng ta nướng bồ câu đi. À thôi, hay đem hầm nhỉ?

- Điện hạ rất thích chúng, thực sự rất thích. Nhưng… những thứ điện hạ thích có thể dễ dàng mang đi làm đồ ăn thế sao?

Mấy lời ấy vuột khỏi môi trước khi Thục Giang kịp nghĩ xong, kịp đắn đo, cân nhắc. Nuốt nước bọt xuống cổ họng khô khốc, nàng ngây nhìn người thanh niên đối diện mím môi lại, sắc mặt trầm xuống. Hoảng hốt cúi đầu, thiếu nữ giật mình thấy nắm thóc rơi ra từ những ngón tay lơi lỏng của chàng, va vào nền sân lát đá nghe lạo xạo. Cả người run bắn, Thục Giang quỳ hẳn xuống đất, dập đầu tạ lỗi. Nàng sợ nhưng không phải sợ cơn thịnh nộ của Gia vương. Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, dường như luôn tồn tại một ranh giới vô hình phân vạch giữa nàng với vị chủ nhân này. Chàng có thể bước qua để đứng đối diện Thục Giang, nhưng nàng thì không được phép. Thế mà những lời vừa nãy… dường như đã lấn lướt quá rồi

- Tiểu thư nói xem, có phải ta là một thằng khốn không? – Những lời ung dung, sảng khoái hòa cùng tiếng vải áo khi chàng đứng dậy lọt vào tai, khiến Thục Giang giật mình.

Chăm chú nhìn cô gái đang quỳ mọp dưới chân mình ngẩng đầu, nhìn nàng nghiêng đầu rồi lại chau mày, Tư Thành phất tay áo, thoải mái nói:

- Ta hỏi vui thôi, tiểu thư không cần trả lời!

Khép chặt hai cánh tay vào người, gồng vai lên hít vào một hơi rồi nàng mới nói:

- Điện hạ, thần nữ quả thực không hiểu được người. Nhưng… thần nữ nghĩ… ai cũng có nỗi khổ tâm riêng. Nhiều khi, tình toán vì bản thân mình trước khi lo đến người khác là việc rất bình thường. Như thần nữ chọn ở lại, chọn phụng sự điện hạ là vì thần nữ không thể đi đâu được nữa. Với cả… thần nữ tin… nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì điện hạ sẽ không hy sinh người ở bên cạnh mình. Thần nữ có thể an tâm làm đầu bếp cho người rồi.

Nàng nói một hơi, chưa khi nào ăn nói gãy gọn như vậy. Gương mặt từ căng thẳng đến trắng bệch cuối cùng lại phơn phớt sắc hồng trên gò má, môi lại còn mỉm cười. Khoanh tay trước ngực, Tư Thành khom lưng, nhìn thẳng vào đôi mắt kia, hỏi:

- Chuyện lần trước ta ép tiểu thư, tiểu thư thực sự không tính?

- Thần nữ tính rồi nhưng… tính không ra! – Thục Giang thiểu não trả lời – Giữa hiểu với không hiểu, giữa sợ với không sợ… thần nữ nghĩ mãi, nghĩ đến rỗi tung đầu tóc lên… cuối cùng không nghĩ nữa. Những chuyện Hoàng đế làm ra với người…

Ép ngón tay chỏ lên môi nàng, Tư Thành chau mày:

- Vậy là tiểu thư cam tâm tình nguyện trở thành người của ta?

Thục Giang gật đầu.

- Trở thành người của ta… Lần trước tiểu thư có nói bước chân vào cung tiềm để là xuất giá tòng phu. Câu ấy ta tính với tiểu thư đấy nhé!

Nụ cười nở bừng trên gương mặt tuấn tú, an nhiên, nửa đùa cợt, nửa chân thành ấy làm máu dồn hết lên mặt Thục Giang. Nàng ú ớ định nói gì đó thì sau lưng đã vang lên tiếng của một cung nữ khác.

- Nô tì bái kiến điện hạ. Xem ra… ờ… nô tì đến không đúng lúc rồi.

- Cô đến rất đúng lúc đấy chứ! – Chàng cười đáp lại, đoạn nhìn cô gái, dặn: – Thục Giang, nàng lui được rồi.

Quen biết Tư Thành đã lâu thế mà Thụy An cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng khi thấy dáng điệu thong dong, nhàn tản quá đỗi của chàng lúc này. Đám tay chân của Phạm Đồn từ chỗ đề phòng, giờ cũng không thèm tính toán với người đàn bà này nữa vì họ biết, uống chưa hết một tuần trà, Thụy An sẽ rời đi. Ngoài những chuyện thăm hỏi vô thưởng vô phạt, cả hai người dường như chẳng có nhiều điều để nói với nhau.

- Dạo này mẫu thân của ta thế nào?

- Thưa, hôm nay lệnh bà lại vừa vào cung theo lời triệu của Dương…à Hiển Đức Hoàng thái hậu.

Cái cách nhấn giọng vào chữ “lại” rồi thái độ của Thụy An khi nhắc đến Dương thị khiến khóe môi Tư Thành nhếch lên kín đáo. Một người là Tuyên Từ, một người là Hiển Đức, đúng là hai người đàn bà này lúc nào cũng phải so bì với nhau cho kì được[2].

[2] Nguyễn Thị Anh là Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Tuyên Từ nghĩa là sự hiền từ lan rộng khắp thiên hạ. Nghi Dân phong cho mẹ mình (trong Độc huyền cầm, đây là chi tiết hư cấu) là Hiển Đức Hoàng thái hậu. Hiển Đức nghĩa là đức độ chiếu sáng thế gian. Ở đây, nhân vật Lê Tư Thành có ý mỉa mai, châm biếm khi Nghi Dân đến cả phong hiệu cho mẹ đẻ cũng cố để Dương Thị Bí cao hơn Nguyễn Thị Anh, coi đó như một hành động trả thù, đòi lại công bằng.

Thụy An vốn không ưa Nguyễn Thị Anh, nhưng có lẽ do thói quen nên cảm thấy người ở cung Diên Khánh nhất định phải là người đàn bà đó thì mới hợp. Giờ mỗi lần nhập cung, nghe Dương Thị Bí hết nói quan gia thế nọ, quan gia thế kia, rồi lại xoay ra giáo huấn Ngô Thị Ngọc Dao rằng: cùng là cung phi của Tiên đế, phải giữ đạo hiếu, hành xử ra sao mới tỏ rõ địa vị tôn quý, bà thấy tức anh ách hộ chủ nhân. Nhưng từng hầu hạ trong cung, Thụy An biết nên nói cái gì, bèn lảng sang chuyện khác:

- Điện hạ, nô tì nghe nói ngày mai đại nhân Phạm Đồn có mở tiệc tại tư dinh, khua chiêng gõ trống mời cả điện hạ lẫn Cung vương rồi các vị đại thần quyền cao chức trọng trong triều. Hôm qua, phu nhân Minh Nguyệt có ghé chùa lễ Phật, gặp mẫu thân điện hạ bèn nói, dạo này sức khỏe của Đình thượng hầu không tốt nên chắc không thể tham dự được.

Phe phẩy cây quạt trong tay, ngắm nghía đàn bồ câu trắng phau phau của mình, Tư Thành lơ đãng đáp:

- Vậy sao? Người ta đã hao tâm tổn trí bày ra tiệc rượu, cùng là đồng liêu với nhau, tốt xấu gì Đình thượng hầu cũng nên nể mặt. Mai ta nhất định sẽ đến, coi như cho Phạm Đồn chút thể diện. Sau này còn phải qua lại nhiều, việc xã giao này sao có thể không làm?

- Nô tì hiểu rồi ạ! – Thụy An cung kính cúi đầu, lựa lời: – Cũng không còn sớm nữa, nô tì xin phép cáo lui.

Nhìn bóng áo nâu của người phụ nữ khuất sau tán lá, chàng gập cây quạt lại, khe khẽ huýt sáo theo một khúc dân ca nào đó. Đình thượng hầu không xuất hiện, những vị đại thần theo phe ông và Nguyễn Xí cũng không dám trái ý. Nhưng một khi Gia vương đã quyết định đến, chẳng có nhẽ người ông này lại không nể mặt chàng. Cáo bệnh giả mù như Thiếu bảo Nguyễn Xí là một cách tỏ rõ cho Hoàng đế thấy sự rạn nứt, chia rẽ trong triều đình. Không đến một bữa tiệc xã giao cũng là cách để thể hiện chúng ta đi hai con đường khác nhau, đừng mong ngồi chung một mâm, hưởng cùng một lộc. Người ta vẫn nói nước sông không phạm nước giếng, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện gai mắt chướng tai. Có điều, tiết trời xuân sắc tươi đẹp làm Gia vương Lê Tư Thành nổi hứng muốn xem một vở chèo hay, càng thị phi càng tốt.

***

Hôm đó, chàng cố tình đến sát giờ, không sớm không muộn.

Thực ra lúc thuyền cập bến vẫn còn dư dả chút thời gian, nhưng thay vì vào trong nội phủ, Tư Thành chọn đứng ngoài, kiếm chỗ kín đáo quan sát tư dinh của Phạm Đồn và ngắm nghía những vị khách được mời lần lượt xuất hiện. Tòa nhà bề thế với bức tường cao độ một trượng bao xung quanh biến không gian bên trong trở nên tách biệt với chốn đô hội, phố thị bên ngoài. Đường lát gạch Bát Tràng, cổng gỗ lim, đến những viên ngói âm dương cũng là hàng tuyển chọn, so với cơ ngơi của những vị công thần nai lưng ra vì triều đình bao năm cũng chẳng kém là bao. Quan liêu giàu có chỉ gồm hai dạng: một là chăm chỉ tích tiểu thành đại, số này đương nhiên không nhiều; hai là năng nhặt chặt bị, biết nắn chỗ nọ, bóp chỗ kia để lấy ngắn nuôi dài. Riêng kỹ nghệ này, Tư Thành phải nói đám quan lại còn thành thục hơn cả nghĩa lý thánh hiền.

Lúc Tư khấu Trịnh Khắc Phục còn tại thế, vì muốn cấm khảo quan tư túi nên đặt lệ bắt họ phải cắt máu ăn thề đủ đường, mong lập lại sự nghiêm cẩn của việc thi cử. Ai dè dân gian nói cấm có sai, thề cá trê chui ống. Về sau, cái sự việc đáng xấu hổ ấy được đám phường chèo con hát mang ra làm trò tiếu lâm, dựng tích mua vui cho thiên hạ. Phe phẩy cái quạt giấy trong tay, Tư Thành nhớ lại dáng điệu của ả đào lệch hôm ấy bỏ hai túi tiền vào miệng hai kẻ đóng vai khảo quan rồi cong cớn, chua ngoa liếc mắt sang phải rồi lại liếc mắt sang trái, hát rằng: “Ngậm miệng ăn tiền rồi thì còn nói vào đâu được![3]”. Dù chẳng ưa gì loại xướng ca vô loài, chàng cũng phải ngầm thừa nhận rằng họ chửi rất hay, rất ác. Lòng chợt dậy lên nỗi tò mò, không biết những chuyện đáng xấu hổ khác, rồi chính biến vừa qua trong Cung thành sẽ bị dân gian nhìn nhận thế nào.

[3] Câu thoại được mượn từ vở chèo Hồ Xuân Hương, trong màn Hồ Xuân Hương thay chồng là ông phủ Vĩnh Tường xử kiện.

Suy nghĩ đến đấy cũng vừa lúc ánh dương cuối cùng của ngày xuân mất hút sau đường chân trời. Chút hồng hào, tươi sáng như lửa trong lò than nguôi lạnh, chẳng mấy chốc đã tắt ngấm. Gập cây quạt trong tay lại, Tư Thành điềm nhiên ngẩng cao đầu bước vào giữa sự đón mừng trọng thị của gia chủ và những quan viên khác. Đúng như dự liệu của, Cung vương không hề xuất hiện. Nhưng những lão thần, quan lại xưa nay âm thầm ủng hộ Đinh Liệt, Nguyễn Xí hay mới đây vừa chọn phe bên này đều đến đông đủ, khách sáo trong từng cử chỉ nhỏ. Sự im ắng đến mức như lặn mất tăm của Tư Thành giờ còn đổi lại được sự hồ hởi của người vốn rất xa cách như Lê Lăng. Xem ra giữa điện đình, người chọc vào ông ta cũng không ít, đến nỗi giờ Thiếu úy lại thấy mừng khi gặp được chàng, coi chàng như chỗ dựa.

- Điện hạ quá bước đến tệ xá, thật là vinh hạnh lớn lao cho vi thần và gia quyến! – Phạm Đồn chắp tay xá một cái rồi nghiêng người dẫn chàng vào trong, liến thoắng – Hôm nay Cung vương điện hạ không rảnh rỗi, Thiếu bảo Nguyễn Xí lại có bệnh nên cũng không đến được. Thật là đáng tiếc.

- Một bữa tiệc thân tình, chỉ cần đại nhân đây có lòng là được rồi, không cần câu nệ quá! – Chàng phe phẩy cái quạt trong tay, ngửa cổ nhìn những cây khế, cây bưởi trồng trong vườn, rồi lại nhìn hòn non bộ với những cây thế tỉa rất đẹp, tạo thành cảnh quan như nơi ghềnh thác non cao. Tư Thành mỉm cười hòa nhã – Nếu “đáng tiếc”, phải là đáng tiếc cho triều đình mất đi một lão thần gánh vác mới đúng… Ầy, tư dinh của ngài thế này mà gọi là “tệ xá” sao? Đại nhân quá khiêm tốn rồi.

Đuôi mắt nhìn lướt qua, dưới ánh đèn nhàn nhạt, chàng dám chắc những lời mình nói làm nhiều người mỉm cười đắc chí. Trên gương mặt của Phạm Đồn, sự hồng hào lúc này hoàn toàn do màu của những dãy đèn lồng đỏ treo trên đầu. Trông bản mặt đám người của Nghi Dân, Tư Thành phải kiềm chế lắm để không vui miệng hỏi, dạo gần đây họ đuổi bắt đám bồ câu xinh đẹp của chàng có thấy vui không. Đúng là chim bồ câu dùng để đưa thư. Cũng đúng là chàng rất hay dùng cách này. Có điều, chẳng có con chim nào Tư Thành nuôi trong cung tiềm để có cái vinh dự làm nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Nghĩ đi nghĩ lại, người ta là mệnh quan triều đình, được Hoàng đế ưu ái cất nhắc, bắt họ đuổi theo một lũ chim trời kể ra cũng là đùa hơi quá đáng. Nhưng biết sao được, hưởng lương bổng thì phải tận tụy thôi!

Nuốt cục tức đã chẹn ngang cổ họng xuống, người đàn ông giấu giếm ánh mắt hằn học của mình sau nụ cười xã giao niềm nở. Cái vỗ nhẹ lên vai của Phan Bang khi nãy nhắc Phạm Đồn nhớ tới ý chỉ của Hoàng đế. Nếu không phải vì chủ nhân đã có lệnh, hắn tin chỉ bằng một kiếm, tên nhãi ranh hỗn xược dám lôi đám người dưới trướng ra làm trò chơi, xoay như chong chóng theo đám chim chóc của nó sẽ không được chết toàn thây. Đè nén những suy nghĩ ấy lại, ông ta chầm chậm mở lời, khai tiệc.

- Điện hạ, đã lâu không gặp. Lão thần xin kính điện hạ một chén! – Đinh Liệt từ từ tiến lại, trên gương mặt là vẻ hào sảng, quảng đại hiếm có.

- Kính! – Chàng cầm chén rượu trên bàn lên, nhìn qua chất lỏng trong vắt trong lòng chén sứ, nhạt giọng hỏi: – Đại nhân Phạm Đồn, đây có phải là… mỹ tửu tiến cống vào cung hay không?

- Điện hạ quả nhiên sành sỏi. Đây đúng là rượu quý được đích thân quan gia ban cho vi thần đấy ạ! – Người đàn ông đáp, đáy mắt không giấu được những tia nhìn long lanh, kiêu hãnh.

Những người cùng phe cánh với Hoàng đế tuy đều ở vùng Lạng Sơn xa xôi nhưng cũng biết chút ít lễ nghĩa, sắp mâm bát cho Tư Thành ở bàn trên, trang trọng dành cho chàng một vị trí quan sát toàn bộ khung cảnh tốt nhất. Trong tiếng ca múa rộn ràng, hương rượu mỗi lúc một nồng, mà rượu vào thì lời ra. Câu hỏi vô thưởng vô phạt của Tư Thành làm dấy lên những lời bàn tán mỗi lúc một lớn, tâng bốc gia chủ bằng đủ loại mỹ từ. Thứ nào là Hoàng thượng ban, thứ nào là Hoàng thượng ân điển không cần ai khích cũng tự tuôn ra từ miệng bọn họ. Cái sĩ diện, huênh hoang của đám đán ông dù là tầng lớp nào cũng như nhau. Ngoài mặt một câu huynh, hai câu đệ nhưng trong lời nói ra không thiếu những kèn cựa, so bì. Dốc cái chén đã cạn về phía Đinh Liệt, chàng thanh niên cười:

- Ta nhớ không lầm dinh thự bề thế bây giờ Đình thượng hầu có được, ngót nghét cũng phải tích lũy trong sáu, bảy năm?

- Là do thần tài hèn phúc mỏng, khiến điện hạ chê cười rồi! – Người đàn ông tóc đã hoa râm lắc đầu, thản nhiên diễn cũng chàng màn kẻ tung người hứng.

- Đại nhân Phạm Đồn, đại nhân Phan Bang, đại nhân Lê Đắc Ninh, công trung hưng của ba vị lần này là lớn nhất. Quan gia dù chưa nói nhưng ắt đã có ý muốn trọng dụng ba vị làm đại thần rường cột của nước nhà. Hạ quan vô cùng ngưỡng mộ tài đức của ba vị, xin ba vị nhận của hạ quan chén rượu này.

Một vị quan tuổi còn khá trẻ bước ra từ đám đông, trong đôi mắt là niềm phấn khích bừng bừng nhiệt huyết đến mức khiến Tư Thành nhíu mày. Gương mặt u ám của mấy vị đại thần lão làng xung quanh chàng lại được thêm một lần nữa sa sầm xuống. Phất tay áo, Phạm Đồn nâng cao chén rượu đầy tràn trong tay, lớn tiếng:

- Các vị, ta có lời này muốn nói. Trong chúng ta, có người đã là bằng hữu lâu năm, có người vừa mới gặp, nhưng thiết nghĩ đều là thần tử của đương kim thánh thượng, đều phải có trách nhiệm san sẻ gánh nặng sơn hà xã tắc trên vai người. Ta biết giữa quan lại trong triều vẫn còn điểm này, điểm kia chưa thể đồng thuận nhưng chẳng phải chúng ta nên hiệp sức đồng lòng, phò tá minh chủ hay sao? Ta nghĩ các vị phải tự ý thức được vai trò, thể diện của mình, phải cống hiến thì tên tuổi mới được lưu danh sách sử, không nên quá hẹp hòi, cạn nghĩ. Khó khăn cùng chia, phúc đức cùng hưởng. Các vị thấy ta nói có phải hay không?

Những tiếng hô “phải” vang lên làm hương vị của ngụm rượu trôi xuống cổ Tư Thành thêm đậm đà. Chàng vươn người rót đầy cái chén rỗng không trong tay Thiếu úy Lê Lăng, hồ hởi:

- Thiếu úy, ngài uống đi. Mấy khi được vui vẻ như vậy!

- Tạ điện hạ! – Ông nói qua hàm răng nghiến chặt khiến từng từ xít vào nhau. Nhưng sự tức tối ngấm ngầm ấy không phải nhắm về phía chàng.

Nhớ ra trong đám đông thiếu đi vài nhân vật chủ chốt, Phan Bang vội ngoái lại, khoác tay qua vai Đinh Liệt:

- Hạ quan từ ngày còn trẻ đã vô cùng ngưỡng mộ uy danh của Đình thượng hầu. Hạ quan nghĩ sắp tới đại nhân nên chủ động xin quan gia cho làm…

Không quên lời dặn của Hoàng đế, vì phải làm thân với những đại thần trong triều nên gã bạo gan bước về phía người đàn ông đang ngồi cạnh Tư Thành, lạnh nhạt thưởng thức đồ nhắm. Phan Bang dám bước tới, những người còn lại cũng dám lân la lại gần, mở miệng làm quen, xã giao mấy câu gượng gạo. Đặt đôi đũa xuống bàn, Gia vương ngước lên, thật thà chen lẫn ái ngại khi cất lời:

- Ta tuy là bề trên nhưng tuổi còn nhỏ, mấy chuyện chính trị, quan trường đó không hiểu lắm. Các vị cứ tự nhiên, cứ coi như không có ta ở đây. Dù sao các vị cũng là đồng liêu, càng gắn bó khăng khít thì xã tắc, muôn dân càng được nhờ.

Lời của thân vương đã ban xuống, với bên nào cũng là ý chỉ. Có người thầm thắc mắc rút cuộc tâm ý của vị chủ nhân này là gì, đã ép họ đến đây cười cười nói nói với một đám vô lại, giờ đến miếng cơm, ngụm rượu cũng không cho họ nuốt xuống yên lành hay sao? Có kẻ còn thắc mắc hơn nữa, tự hỏi phải chăng Gia vương đang có ý ủng hộ, giúp đỡ tân Hoàng đế? Đa phần chẳng ai hiểu cuối cùng Tư Thành muốn gì. Phải đến khi bị những lời rao giảng, dạy dỗ, hứa hẹn ngứa tai kia chọc cho nổi điên, Đinh Liệt mới ngộ ra một điều: Là mượn gió bẻ măng, mượn đao giết người, chỗ nào khoét được thì phải khoét cho sâu rồi nhanh tay xát muối vào đấy.

Mấy vị đại thần quyền cao chức trọng chẳng mấy chốc bị đám người của Nghi Dân vây quanh. Ai chẳng muốn nghe những lời bùi tai, vấn đề đơn giản chỉ là: ai nói, nói như thế nào thì mới được việc. Chàng hơi nghiêng người, xếp gọn lại tay áo rồi tự rót rượu cho mình, tự thưởng thức hương vị cay nồng ấy. Rượu ngon nhưng không có được cái phong vị tao nhã như rượu Kẻ Mơ. Bàn tay đương đặt lên quai ấm bị một đôi tay ngọc ngà, trắng nõn giữ lại. Mùi hương phấn sực nức đưa tới khiến Tư Thành nhắm mắt, trên môi điểm một nụ cười. Dáng vẻ nhã nhặn, thong dong mà bí ẩn ấy khiến mấy ả lả lơi vây xung quanh ngây ra đắm đuối.

- Điện hạ, để em rót rượu cho người. – Một cô ỏn ẻn cất tiếng, không quên liếc đôi mắt lá dăm tình tứ của mình về phía ấy.

- Điện hạ thích nghe khúc nhạc nào, chúng em sẽ tấu lên giúp vui.

- Điện hạ, mời người ăn trầu em têm. Người không ăn cũng xin nể mặt em mà cầm lấy. Chẳng hay có được hay không?

Ở kinh thành chưa lâu nhưng Phạm Đồn cũng biết tiệc tùng của quan viên luôn có mời các đào hát, kép đàn đến giúp vui. Có điều đến thế này thì cũng hơi khác những gì Tư Thành từng trải qua. Ban nãy, mấy cô đào hãy còn e dè khép nép, trông cũng có đôi ba nét thanh cao, thế mà bây giờ… Chàng nhếch môi cười nhạt. Nhìn cô nàng đang tựa nửa người lên cánh tay mình, nhìn cổ áo lơi lỏng để lộ ra chiếc yếm đào, cây quạt đưa tới nâng nhẹ cái cằm tròn trịa lên, chàng hỏi:

- Nàng tên gì?

- Em là…

Đột nhiên, một giọng nam trầm thấp, điềm đạm vang lên giữa cuộc vui, làm những âm thanh ồn ào, náo nhiệt ngưng bặt, làm cô gái bên cạnh Tư Thành hậm hực lắm.

- Đại nhân, hạ quan chậm trễ, xin đại nhân xá tội. Đây là những ca nương, kép đàn nổi danh nhất tại Đông Kinh mà hạ quan mời về để giúp vui cho bữa tiệc hôm nay.

- Tuấn Ngọc, cuối cùng ngươi cũng đến rồi. Lại đây uống rượu với ta! – Tư Thành thu quạt, vui vẻ chống tay đỡ lấy một bên má, nghiên cứu người thanh niên vừa xuất hiện.

Người còn chưa tiến lại, cánh tay trong chiếc áo bằng vải đoạn nhuộm sắc đen đã giơ ra, cản lại. Lê Đắc Ninh nghiêng đầu, trên môi là nụ cười mỉa mai:

- Để gặp được Đại Kiều nổi danh nhất Đông Kinh không hề dễ dàng. Ta nghe nói tối nay nàng ấy đã có một cái hẹn khác, giờ lại thấy người ngọc này xuất hiện ở đây… Ta phải nhìn lại bản lĩnh của Lễ bộ thị lang rồi. Không ngờ được đại nhân Tuấn Ngọc giao du bên ngoài rộng đến vậy, khẩu vị cũng không tồi.

Những lời ấy làm cả Hải Triều lẫn cô Phượng cùng mấy đào, kép sau lưng ngẩng phắt lên. Rõ ràng từng lời, từng lời đều có ý nhắm thẳng vào Kim Oanh. Nếu là lúc khác, Hải Triều chưa chắc đã nhận ra được những ẩn ý trong lời của Đắc Ninh nhưng hôm nay, nàng được mở mang tầm mắt rồi. Người từng si tình theo đuổi Đại Kiều Kim Oanh của giáo phường Khán Xuân, cuối cùng không chút niệm tình mà nói ra những lời như vậy, thật khiến người ta ngỡ ngàng rồi pha lẫn chua chát.

Xung quanh Hải Triều là những cô gái xinh đẹp như hoa, khăn là áo lượt, phấn son rực rỡ nhưng tuyệt nhiên không có cái đoan chính của các ca nương. Nàng từng nghe chị Phượng kể, trên đời có lũ con gái mượn cái lốt từa tựa các cô đào để lấy thân mua vui cho cánh đàn ông. Cái nghề lấy lỗ làm lãi ấy chính là làm đĩ, để cho người đời gom cả con hát lẫn đám ấy lại với nhau, gọi chung là một lũ đĩ điếm cho gọn. Quan lại có vợ lớn, vợ nhỏ, có cả nàng hầu lo chuyện gối chăn, thế mà bên ngoài cũng phải có vài ba đào rượu để tay ôm tay níu. Chẳng thế mà giờ Lê Đắc Ninh mới cao giọng, cho rằng quan hệ của Lễ bộ thị lang kia với chị Kim Oanh cuối cùng chỉ là chuyện trai gái dưới bộc trong dâu.

Chưa kịp tính sẽ phản ứng ra sao, Hải Triều đã thấy người thanh niên trẻ trước mặt đưa bàn tay quen cầm bút về phía cô đào, ôn hòa đáp:

- Đại nhân Đắc Ninh quá lời rồi. Tuấn Ngọc đâu có cái phúc ấy. Người nói vậy… sợ làm ảnh hưởng đến danh tiết của cô Kim Oanh mất.

- Dân nữ chỉ là một con hát, hai vị không cần phải nhọc lòng đến vậy. Giờ xin phép các đại nhân để chị em chúng con được tấu nhạc! – Kim Oanh nhỏ nhẹ, lễ phép cất lời, đôi môi đỏ phảng phất nụ cười khi gần khi xa.