Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 22 - Phần 2

Ánh mắt mơ hồ như tấm rèm sa mỏng tung bay trong gió, lặng lẽ dõi theo bóng áo xanh nhạt nhòa ấy rồi thôi. Đào hát, kép đàn ai về chỗ nấy, ngồi xếp bằng trên những tấm chiếu hoa trải sát cửa ra vào, đằng sau hàng cột gỗ. Xếp lại tà áo, Hải Triều đưa tay vuốt lọn tóc đuôi gà, nghĩ miên man đi đâu. Ở đời, mỗi người mỗi việc, mỗi người lựa chọn một cách sống riêng. Không dám nhận cao sang hơn ai, nhưng thấy người khác dễ dàng cho Kim Oanh là loại con gái buông tuồng, suồng sã, Hải Triều thấy không thoải mái. Tiếng đằng hắng của người chị lớn làm thiếu nữ giật mình, vội xếp những ý nghĩ lung tung sang bên, chỉnh lại tư thế cho nghiêm túc. Tiếng sênh phách, tiếng những sợi dây tơ ngân lên trong khúc nhạc rộn ràng, là sắc xuân nở bừng giữa đêm thanh vắng.

- Hóa ra mọi thứ đẹp đẽ, cao quý trưng ra chỉ là dối trá. Rặt một phường buôn phấn bán hương như nhau cả.

Những lời ấy cùng đôi mắt đen lạnh nhìn qua miệng chén khiến Lễ bộ thị lang ngẩn người, nhất thời không hiểu thâm ý sâu xa của vị thân vương. Nhìn vượt qua những quan lại đang hào hứng chuốc rượu cho nhau, ánh mắt Tư Thành rơi xuống người cô đào cầm phách sênh tiền. Những đồng tiền luồn qua hai chiếc đinh lớn đóng trên thanh gỗ dẹt, theo cổ tay mềm mại kia va vào nhau thành những tiếng vui tai. Vài lượt áo kín cổng cao tường, đai lưng thắt chặt, cổ đeo kiềng bạc, tóc cài kim thoa, dáng điệu u nhàn nhưng khóe môi hồng lại như mỉm cười thực sự rất đẹp. Có điều…

Ngọc Huyên ấy là ả đào xướng ca vô loại, lúc này có thể cười, lúc sau có thể đã khóc, từng khắc đều tưởng như rất thật lòng nhưng tất cả có khi chỉ là vai diễn. Là thiếu nữ thanh cao, mang phận đào nương nhưng cốt cách không thua tiểu thư quý tộc, vì mưu sinh mà đeo mặt nạ của ca nữ dạn dĩ, đa tình? Hay nàng thực là cô gái phong lưu, bán tiếng hát, bán nụ cười, bán cả nhan sắc khuynh thành mua vui cho thiên hạ, mua vui cho cả bản thân mình, lại biết tùy khách đến mà khéo trưng ra dáng vẻ khiến người đời nhất định thương nhớ, si mê? Như với chàng, cô gái tên Ngọc Huyên đó phải chăng chỉ giả vờ e lệ, kín đáo tựa nụ hoa còn đương phong kín, ẩn tất cả những sắc hương sau lớp cánh mỏng cuộn chặt, lại điểm thêm một nét hồng hồng?

Đâu là thật, đâu là hư, Tư Thành nhất thời không phân định nổi, càng không muốn bị cuốn vào làm trò đùa của những cô nàng ấy. Chàng quên mất rằng, nhiều lúc dường như con người suy nghĩ quá nhiều, làm phức tạp hết cả những chuyện vô cùng đơn giản.

- Kim Oanh, đến giờ cô vẫn dẫn con bé câm này theo?

- Ồ, đây chẳng phải là Tiểu Kiều một thời nức tiếng đó sao? Giờ thì có thể uống với chúng tôi một chén, coi như mừng ngày gặp gỡ được rồi chứ?

Sự xuất hiện của những ca nương xuất thân từ giáo phường có danh có tiếng là nề nếp gia phong, lại thêm lời qua tiếng lại giữa Đô chỉ huy Lê Đắc Ninh và Lễ bộ thị lang Phan Tuấn Ngọc làm mấy ả đang cười duyên ban nãy không ngồi yên được. Đúng là thói đàn bà ghen ăn tức ở hẹp hòi. Tư Thành uể oải đứng dậy, chán nản nhìn lướt qua đám con gái đang đưa chén rượu ép sát vào bờ môi mím chặt của cô đào Ngọc Huyên.

- Sao thế? Chính chuyên thì cũng ra ma. Lẳng lơ thì cũng đưa ra ngoài đồng. Tôi với cô… chẳng phải lòng vả cũng như lòng sung đấy sao, việc gì phải diễn mãi thế! – Một cô nàng ngoa ngoắt cất lời, cái ngoa ngoắt khác hẳn giọng lưỡi của đào Phượng.

- Người ta không thích thì thôi, sao phải bức ép nhau đến cùng? Chén này, Gia vương ta uống thay được không?

Chàng gập cây quạt lại, cúi người giằng lấy chén rượu, nhanh gọn ngửa cổ uống cạn trước đôi mắt ngỡ ngàng của Hải Triều. Nụ cười nhạt giá lạnh lướt qua, chỉ là người ấy vui bước dừng chân, chỉ là… một kẻ mạnh hơn, một người ở địa vị cao xa chót vót đoái thương trông xuống. Tuấn Ngọc quay phải, quay trái, sự việc diễn ra chóng vánh đến nỗi chàng không hiểu kịp, cuối cùng đành vội đuổi theo Gia vương.

- Lũ con gái ấy vô phép, điện hạ đừng…

- Chẳng qua… ta thấy giống một người quen cũ nên mới ngứa tay can thiệp thôi. Chẳng có chuyện gì đâu.

Cái cách cô đào tên Ngọc Huyên ấy dứt khoát quay đi, cái cổ thon vươn thẳng, cái khinh thị toát ra trong từng cử chỉ nhỏ nhặt… Đẹp đấy, tự trọng đấy nhưng… Tư Thành không biết nên gọi thế là cứng nhắc, kiêu ngạo hay ngốc nghếch. Giữa những kẻ thấp kém lại có bụng dạ tiểu nhân, thay vì hạ mình xuống một chút để làm thân, hay chí ít không biến mình thành mục tiêu để họ nhắm vào, cô gái ấy vẫn nhất nhất giữ lấy phong thái thanh cao mà thành ra kẻ đổi nghịch. Một cô đào hãy còn non xanh không hiểu sao lại khiến Tư Thành nghĩ đến cố đại nhân Hành khiến Nguyễn Trãi. Chàng chưa từng gặp người ấy, chỉ nghe thiên hạ kể lại là nhiều nhưng lại khôi hài nghĩ rằng, cách hành xử của Ngọc Huyên sao lại giống với người đàn ông ấy đến vậy.

Đúng là chàng quá chén thật rồi. Đem một đại văn thần so với ả đào tuổi đời non nớt, thật khập khiễng đến nực cười!

***

Xuân đương vào những lúc thịnh nhất, nhưng thỉnh thoảng trong nắng còn luồn cả hơi lạnh rơi rớt của mùa đông chưa tàn. Hoàng đế cũng khéo chọn thời điểm để mang lại những làn gió mới cho chốn quan trường lâu nay ảm đạm. Lời không có cánh nhưng cũng tự bay đến cung tiềm để, tiếc là chỉ được Gia vương đón nhận bằng một thái độ thờ ơ. Ngày rằm tháng hai năm Thiên Hưng thứ hai (1460), cuối cùng đám hoạn quan, cung nữ cũng thấy chủ nhân rời bước đến một nơi không phải cấm cung, không phải tòa Kinh Diên. Nghe đâu Ngô Tiệp dư muốn con trai hiểu thêm về Phật pháp nên đã sắp xếp cho chàng một cuộc gặp gỡ với trụ trì chùa Sùng Khánh Báo Thiên.

Lần lần tràng hạt trong tay, sư cụ đứng dậy dẫn đường, có ý tạm dừng cuộc nói chuyện:

- Bần tăng mời điện hạ qua phòng bên dùng trà rồi chúng ta đàm đạo tiếp.

Mỉm cười lịch sự đáp lại, chàng liền đứng dậy, trong lòng không khỏi thắc mắc tại sao mẹ mình tự nhiên lại nghĩ ra chuyện thừa thãi này. Lê Tư Thành xưa nay không tin thần thánh, càng không tin Phật pháp, chỉ tin ở thiên mệnh, tin ở bản thân mình. Chuyện nói một người ở đâu đó xa lơ xa lắc có thể cứu độ chúng sinh khỏi bể khổ, nghe thật nực cười. Đơn giản, ngay từ xuất phát điểm, chàng chưa lúc nào coi đời là khổ, cũng chưa từng mong ai có thể cứu được ai. Vũng vẫy mãi, cuối cùng chẳng phải nên là tự mình cứu mình sao. Sống ngay trong đời thực còn chưa nên hồn thì niết bàn nào chứ? Những ý nghĩ đó Tư Thành cũng biết không nên tùy tiện nói trắng ra trước mặt tầng lớp sư tăng, thỉnh thoảng bâng quơ vài câu hoài nghi là đủ rồi.

Tiếng những thiện nam tín nữ đến chùa cầu phúc không vượt qua được mấy lớp tường dày. Cuối cùng chỉ còn lại một không gian thanh sạch, tĩnh lặng vô biên trong làn khói hương tản mát, thanh tịnh. Băng qua một khu vườn trồng đủ các loại cây trái, rau xanh được mấy chú tiểu chăm bón là đến một vườn hoa hãy còn vương sắc đào phai. Khi sư cụ đẩy cánh cửa bức bàn màu nâu sẫm, Tư Thành thực sự đã hiểu tại sao phải cầu kì vì một chén trà như vậy, tại sao khi nãy sư cụ phải khéo léo mời đám tùy tùng của chàng đến phòng khác nghỉ ngơi, mượn cớ đây là chốn tu hành, không phải nơi khách nào cũng có thể vào được.

- A di đà Phật! – Mấy người đàn ông đợt trong phòng vội đứng dậy, chắp tay tỏ ý cảm ơn sư cụ rồi quay sang thi lễ với Gia vương.

Nhìn qua một lượt những người trước mặt từ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng đến Trịnh Văn Sái, Nguyễn Đức Trung…, chàng không khỏi thấy ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những vị đại thần còn có cả Cung vương. Xem ra đây chắc chắn không phải thưởng trà ngắm hoa đầu xuân rồi. Chắp tay cúi chào hoàng huynh, chàng phớt lờ vẻ ngạc nhiên của Khắc Xương rồi điềm nhiên ngồi xuống, thấy cánh cửa gỗ khép lại mới mở lời:

- Cuộc gặp gỡ này là…

Chọn nơi tu hành không vướng bụi trần để bàn chuyện thế tục, mấy vị quan lại này cũng thật tao nhã. Thổi khẽ chén trà nóng hổi không ướp hương hoa trong tay, Tư Thành lặng lẽ nghe các vị huân cựu đại thần thẳng thừng vạch tội tân đế. Những việc Nghi Dân làm, chàng đã biết từ lâu, chỉ chưa được tận mắt chứng kiến thái độ của quần thần mà thôi.

Đập mạnh tay xuống bàn, Nguyễn Xí gay gắt nói:

- Lạng Sơn vương thân là huynh trưởng nhưng trước là giết vua tiếm ngôi, giết luôn của Quốc mẫu, sau đến pháp chế của tổ tông cũng đều tùy tiện thay đổi hết thảy. Trong dân gian, lòng người không phục, cứ thế này chẳng sớm thì muộn trong nước cũng sẽ loạn.

- Hai vị điện hạ, chúng thần nói thế nào cũng chỉ là thần tử. Chuyện hệ trọng này trước là chuyện nhà của hai vị, chúng hạ thần không dám tiếm vượt mà nói càn – Đinh Liệt vuốt chòm râu, thận trọng mở lời: – Nhưng nay mối nguy đã ở trước mắt, là bề tôi đứng giữa triều đường đã nhiều năm, hạ thần thực sự đau xót khi thấy cơ đồ của Thái Tổ, Thái Tông ra sức giữ gìn, xây đắp bị coi thường đến thế.

Liếc mắt nhìn Tư Thành, Khắc Xương mím chặt môi, chầm chậm thở ra. Đắn đo một hồi, chàng mới nói:

- Ta có biết chuyện tân đế mới đây muốn đặt lại phủ huyện hành chính trong cả nước, lại thêm chuyện đặt lục bộ, lục khoa. Hoàng đế còn muốn chia lại nhiệm vụ, chức năng của từng cơ quan, định lại phẩm trật, lương bổng, nghĩa vụ của quan lại trong triều. Một lúc làm bao nhiêu việc như vậy, thật không khác gì bão lũ.

- Điện hạ nói đúng ạ! – Lê Lăng chắp tay về phía Cung vương, kính cẩn thưa: – Xưa nay đế vương trị thiên hạ, phải dùng người hiền tài đặt vào những chỗ quan trọng để phò tá. Nay Tân đế ra những lệnh ấy, đặt ra đủ những ban bệ lung tung, chẳng hóa coi chốn triều đường như cái bánh chưng, chia ra lắm miếng để tay chân của mình ai cũng được làm quan, ai cũng được hưởng phần hay sao? Lẽ nào đạo trị nước lại nực cười như vậy? Huống hồ, những kẻ được cất nhắc toàn bọn du thủ du thực, học hành không đến đâu mà đè đầu cưỡi cổ bậc hiền tài, thức giả, tỏ ra huênh hoang, tự mãn ngất trời.

Những người đàn ông găm nỗi bực bội này chồng lên những ấm ức, bất phục kia, lại bị Nghi Dân cho người giám sát bao ngày, nay mới có dịp xả hết ra. Đinh Liệt ban đầu còn tham gia luận bàn những vấn đề sai quấy của tân đế nhưng rồi càng về sau, ông lại nói ít đi, lặng lẽ quan sát vẻ mặt thản nhiên phảng phất nét cười của Gia vương.

Xoay xoay chén nước trong tay, Tư Thành không tiện chen vào cuộc khẩu chiến của các vị đại thần quyền cao chức trọng, uy danh lẫn công trạng lấp lánh sáng người. Chàng chỉ biết Lê Nghi Dân kia không sai. Ngày Thái Tổ lấy lại được thiên hạ đến nay, các cơ quan, bộ máy chính quyền về đại thể vẫn theo thể chế của nhà Trần lúc trước. Thời nắm thực quyền của cả Thái Tông lẫn Diên Ninh đều không dài, những việc làm được cũng không nhiều, nên cả hệ thống quản lý từ trên xuống dưới chưa được định hình vững chắc. Sách vở kinh điển rất hay nhai đi nhai lại việc lấy thời Nghiêu, Thuấn làm chuẩn mực cho sự rực rỡ, vẻ vang, các triều đại sau cứ theo thế mà mô phỏng lại, không cần nghĩ thêm gì cho mệt. Nhưng chàng không nghĩ vậy. Mỗi thời đại mỗi khác nhau, không thể nào cứ bê nguyên si một hình mẫu tốt đẹp của quá khứ áp vào hiện tại. Hẳn, Nghi Dân cũng nhìn ra những bất cập của việc duy trì thể chế cũ nát với ba bộ: Lại, Lễ, Dân có từ thời Thái Tổ nên giờ mới muốn chia tách cho rõ ràng, chuyên biệt.

Phàm ở đời, cái gì đã tồn tại quá lâu thì sẽ thành thói quen khó bỏ, đấy là chưa kể thói quen gắn chặt với lợi lộc thiết thân. Thời mới lấy lại được nước, quyền lực nằm trong tay một số ít võ tướng, công thần khai quốc, cho bọn họ quyền đàn áp văn thần, chia bè kéo cánh, thao túng thiên hạ, thậm chí ức hiếp ấu chúa. Quyền cao chức trọng bao năm đã nắm trong tay, luận tuổi tác, luận chiến công, luận kinh nghiệm, đời nào những đại thần huân cựu dễ dàng nhả quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình ra đến vậy. Nay Nghi Dân muốn thay đổi, dùng tay mình nắm hết quyền uy, không để đám lão thần chuyên quyền thì khác gì giật miếng ăn, giật cái sĩ diện của họ.

Nói cao xa thì là vì xã tắc, sơn hà, sao không nói thẳng vào vấn đề trước mắt chính là bát cơm, là địa vị? Tư tưởng cây đa cây đề đâu thể một sớm một chiều mà mất cho được. Nghĩ đến điều ấy, nghĩ đến những lời trước đây Nguyễn Sư Hồi từng nói về việc lão thần cổ hủ, khư khư giữ ghế mãi chẳng chết đi, người mới thì không được tuyển chọn vì khoa cử ảm đạm, bề tôi chỉ thích gắp miếng ngon, nâng đỡ cho người nhà, Tư Thành bất giác lại mỉm cười thêm một cái nữa. Chốn triều đường oai nghiêm kia xem ra quá thiếu những luồng gió mới mẻ rồi.

Nghi Dân không phải kẻ ngu ngốc. Đối diện với hắn là một loạt những lão thần, vị nào cũng như hòn đá tảng kéo trì chân tay hắn xuống, đời nào vui vẻ giúp hắn thực hiện những cải cách kia. Hắn nhất định đã nhìn ra những khó khăn ấy. Đã không dùng được những lão già này, nhẹ nhàng thì sẽ gạt sang bên, mạnh tay thì có thể giết chết để đoạt lại quyền lực, rồi đưa những kẻ ngoan ngoãn, vâng lời lên thay thế. Có điều, quần thần cũng như tay trái, tay phải, không nên bức ép quá mà thiệt thân. Những kẻ được Nghi Dân nâng đỡ tuy rất trung thành, nhưng đặt giữa hàng ngũ quan lại thì hoàn toàn xa lạ. Người ta sẽ dễ nghĩ những kẻ đó thuần túy được Hoàng đế ưu ái mà cất nhắc chứ thực chất chẳng có tài cán gì. Bề tôi cũ chưa dứt tình với Diên Ninh tự nhiên sẽ thấy mình bị khinh bạc, bị đè đầu cưỡi cổ. Và thế là những rạn nứt chỉ ngày một, ngày một đào sâu thêm.

Nghiêng người rót trà vào cái chén không của Tư Thành, Khắc Xương dịu giọng nói, dường như đã nghĩ thông nên cũng muốn làm hòa việc lần trước đã mắng chửi đứa em này thậm tệ:

- Em nói xem, những đại thần này muốn chúng ta làm gì?

Mỉm cười thoải mái rồi nghiêng người về phía anh trai, chàng thì thào đáp lại:

- Hoàng huynh, tất cả những người được mời đến đây nếu không phải nguyên lão tam triều, khai quốc công thần thì cũng là những người giữ trọng binh trọng trấn trong kinh. Kia là Tổng tri ngự tiền hậu quân Lê Nhân Thuận, kia là Tổng tri ngự tiền trung quân Lê Nhân khoái, rồi cả Tổng tri ngự tiền thiện trạo doanh quân Trịnh Văn Sái… Triệu tập ngần ấy võ tướng, ngoài việc làm binh biến thì còn có thể làm gì? Cái họ cần chính là sự đồng ý ngầm ngầm của chúng ta, những người thuộc hoàng tộc.

Lời nói thong dong ẩn cả tiếng cười của Tư Thành làm bàn tay cầm chén sứ của Khắc Xương thoáng run lên. Đặt chén nước trong tay xuống, Gia vương lo lắng cất lời:

- Giờ mới chỉ đặt lục bộ, lục khoa, chia chức quan tại phủ, huyện. Ta nghĩ sau đây, Hoàng đế sẽ cải tổ lại bên võ giai, trước hết là từ những người nắm giữ quân trong kinh. Cấm binh giữ gìn an nguy của đất thượng kinh, của Cung thành, dùng để dẹp trừ những thành phần Hoàng đế cho là phiến loạn… sợ sẽ được giao cả vào tay những người theo hắn từ thời còn ở Lạng Sơn cho dễ bề kiểm soát. Các vị dù không phục nhưng nếu không giao ra binh quyền sẽ bị khép vào tội khi quân, chỉ có một con đường chết. Nắm được toàn bộ binh quyền, kẻ ngồi trên long ngai muốn làm gì chẳng được, kể cả…

Câu nói bỏ lửng của Tư Thành làm cả căn phòng vốn chỉ có những riếng rù rì bàn tán chợt im bặt. Chắp tay hướng về phía hai vị thân vương, Tư mã tham dự triều chính Lê Niệm vội thưa:

- Với anh em máu mủ thì bạc đãi, với công thần thì coi khinh, người như vậy sao có thể đem đức sáng mà chăm lo cho muôn dân. Thánh hiền nói có tu thân, tề gia thì mới có thể trị quốc. Nay Cung thành loạn đến vậy, sao trách được dân chúng hoang mang, ngoại bang dòm ngó. Chúng thần mạo hiểm mời hai vị thân vương đến đây là để xin ý chỉ của hai vị, giang sơn gấm vóc, bách tính muôn dân về sau sẽ nên như thế nào.

Ngước mắt lên, Tư Thành khẽ nói sang hẳn chuyện khác:

- Ta nghe ngoài phố đồn đại, tuần rồi Lê Thụ, Lê Ê, Lê Bí, người thì vào hàng tể thần của triều trước, kẻ thì cầm cấm quân mưu việc thích sát Nghi Dân nhưng không thành, bị chém đầu thị chúng. Nay các vị lại muốn lập lại cảnh tượng ấy sao?

Thực ra, chàng thấy đám người ấy thật quá ngu ngốc, quá sơ hở để đến nỗi việc chưa thành đã bị giết chết. Hơn nữa, lúc Bang Cơ còn tại thế, tay giữ cấm quân mà không bảo vệ được vua để người chết rồi mới mưu chuyện trả thù thì để được gì? Nhưng dù sao trong đám người ấy, Lê Thụ được Bang Cơ nhiều lần giơ cao đánh khẽ nhất, nay dùng cái mạng mình trả nghĩa Đại hành hoàng đế cũng là phải đạo rồi, có gì đâu mà thương xót. Cái chết của những bậc đại quan ấy làm trong triều dâng lên nỗi bi phẫn, hoài nghi sâu sắc chứ không phải sợ hãi như Nghi Dân tưởng. Binh lực chưa nắm trọn trong tay đã chọc vào một đám võ quan cứ nghĩ là an phận, trung lập, Hoàng đế thật quá chủ quan rồi.

Đúng như dự đoán, câu chuyện bâng quơ của chàng chạm ngay vào lòng những người đàn ông xung quanh. Lê Lăng đứng bật dậy, hướng về phía Tư Thành, khảng khái và có phần tự ái khi nói:

- Hạ thần đã kinh qua hòn tên mũi đạn cùng Thái tổ hoàng đế, cái chết cũng đã được nhìn qua, không còn gì phải sợ! Nay quyết đem mạng già này ra để nối lại đại thống, bảo vệ an nguy xã tắc, không chút từ nan.

- Tấm lòng của Thiếu úy cũng như tất cả những vị đại thần ở đây, cả ta lẫn hoàng huynh đều vô cùng cảm kích, không dám nghi ngờ. – Tư Thành đứng dậy, dùng cả hai tay mình đỡ Lê Lăng đứng thẳng lên. – Đúng như các vị nói, đây trước là việc riêng của anh em trong hoàng thất, để người ngoài can dự vào không hay. Cảnh nồi da xáo thịt này Thái Tổ, Thái Tông trên trời có linh ắt cũng vô cùng đau xót. Ta không muốn nói đến điều quá to tát, thực sự chỉ lo… Như Đình thượng hầu, như Thiếu bảo Nguyễn Xí, Thiếu úy Lê Lăng đây đều có quan hệ với ta lẫn Cung vương, ta sợ biến các vị thành cái gai trong mắt đương kim hoàng thượng rồi lại mang phiền lụy vào thân. Nói xa xôi hơn, xưa nay ta vô cùng yên tâm khi trọng binh nằm trong tay những võ tướng cương trực. Nhỡ may sau này các vị không được trọng dụng nữa, bách tính phải làm thế nào. Thân vương nói sao cũng chỉ có một, hai người, sao có thể tự mình cáng đáng cả thiên hạ?

Ngừng lại một chút, Tư Thành đưa ánh mắt đen thẳm đau đáu của mình nhìn khắp lượt những vị đại thần ngồi trong phòng, nhìn làn hương mỏng tỏa ra từ chiếc lư đồng, nặng nề tiếp lời:

- Nghi Dân là huynh trưởng của anh em ta nhưng chỉ nội việc y dám giết Đại hành hoàng đế để cướp ngôi đã là việc không thể dung thứ. Nay đến cả pháp chế tổ tông cũng bị làm xáo trộn, quan lại trung thành cũng bị bạc đãi… ta thực sự không còn lời nào để nói. Hoàng đế đúng là nhận thiên mệnh để hưởng dân, trị dân, là người đứng cao nhất trong thiên hạ. Nhưng thực tế một chút, ta luôn nghĩ người còn non nớt, dù địa vị có cao đến thế nào cũng phải biết nghe lời can gián ngay thẳng của những bậc đại quan thông hiểu lễ nghĩa, đạo lý thánh hiền, kinh nghiệm quan trường, chiến trường dày dạn. Việc trị quốc, bình thiên hạ… xưa nay vẫn nên dùng người cũ, người biết việc, có tiếng nói giữa trăm quan và dân chúng.

Dưới ánh sáng trắng đục lọt qua những con tiện trên cánh cửa bức bàn chiếu thẳng vào phòng trà, Tư Thành để cho quan lại nhìn thấy dáng vẻ khiêm nhường, điềm đạm, muôn phần thành ý của mình. Từng lời nói ra đều là những mũi tên nhắm trúng vào tâm tư sâu kín nhất của những lão thần trước mặt, một li cũng không bắn chệch.

Đan hai bàn tay vào nhau, Khắc Xương nhìn Tư Thành, mỉm cười y như trước đây, mỗi lần đọc những bài luận của đứa em tại tòa Kinh Diên. Chàng trầm giọng nói:

- Ý Gia vương cũng là ý của ta. Xưa nay, ta không quan tâm đến chuyện triều chính nên không dám lạm bàn nhiều. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, giờ với ta, chỉ có Gia vương và tân đế là anh em ruột thịt. Nhưng việc đã đến nước này, thêm cả cái chết oan ức của Đại hành hoàng đế, chuyện vì đại nghĩa diệt thân xem ra không thể không làm. Xin tùy ý các vị đại thần định liệu.

Nhìn lướt qua gương mặt nghiêm trang của Đinh Liệt và Nguyễn Xí, chàng trai mình vận áo gấm trắng khép cây quạt lại, thở dài:

- Ý hoàng huynh đã vậy, ta phận là em không dám bàn ra. Chuyện chính biến hồi năm ngoái trong cung làm ta nhớ đến nhà Lê của Lê Đại Hành. Lê Ngọa Triều Lê Long Đĩnh lòng dạ hơn lang sói, cũng vì ngai vàng mà cho thủ hạ ám sát anh trai là Trung Tông Lê Long Việt. Sóng gió nối nhau, phế lập liên tục cuối cùng không chỉ tạo nghiệp mà còn để người ngoài ngư ông đắc lợi. Chuyện đã quyết thì không nên để dây dưa, tránh đêm dài lắm mộng. Đã sai thì phải sửa ngay, để lâu thì trở tay không còn kịp nữa, rồi dối trá lại hóa thành sự thật cả.

Đó cũng là những lời cuối cùng chàng để lại cho các vị đại thần trước khi phất tà áo xin phép hồi cung trước. Đi đến nửa đường, đương đứng lại ngắm nhìn một cây hoa mộc trắng phau phau tỏa mùi hương dịu ngọt khắp sân chùa, Tư Thành đã nghe sau lưng mình có tiếng gọi. Ngoái lại, chàng nhận ra người đàn ông đó chính là Nguyễn Đức Trung.

- Để hạ thần hộ tống điện hạ hồi cung! – Ông ta nói.

- Đại nhân, chuyện đó không cần thiết. Đừng để tân đế biết chúng ta qua lại với nhau thì hơn! – Chàng ôn hòa đáp, đôi mắt lấp lánh ánh cười. Tư Thành biết người đàn ông này cố tình mượn cớ để nói chuyện riêng với mình, chứ nào đâu lại thiếu kín kẽ như vậy.

- Hạ thần mạo phạm, xin thỉnh giáo điện hạ một việc.

- Ngài cứ nói.

- Là… – Nguyễn Đức Trung có vẻ hơi lúng túng nhưng rồi tác phong võ tướng làm ông lấy lại được sự thẳng thắn, khảng khái của mình – Sau này, đại sự thành, vị thân vương sẽ trở thành Thiên tử… Điện hạ đã nghĩ đến ai hay chưa?

Đôi giày gấm đạp lên những cánh hoa trắng lấm tấm rơi đầy nền đất từ từ bước chậm lại. Gia vương vẫn thong thả phe phẩy cây quạt trong tay, nhẹ mỉm cười nhẹ bẫng:

- Cái đó phải xem thiên mệnh, xem lòng người. Nhưng giờ bàn chuyện ấy không phải quá sớm hay sao? Các cụ đã dạy rồi, nói trước bước không qua, chớ nên đếm cua trong lỗ.

Câu trả lời đơn giản của người thanh niên trước mặt làm Đức Trung ngẩn người. Đối đáp kín kẽ, khiêm nhường, xem ra ông không thể giúp Thiếu úy Lê Lăng dò la tâm ý vị chủ nhân này được rồi.

- Điện hạ dạy phải!

- Ngài lại nói quá rồi. Ta không dám nhận chữ “dạy” đó đâu. À, việc thu xếp đưa các vị đại nhân đến đây hôm nay là chủ ý của ai? Toàn là các nhân vật chủ chốt, trong khi mật thám của tân đế rải khắp Đông kinh cũng không ít, ta thực ngưỡng mộ cho vị đại nhân nào có thể lo liệu chu toàn đến vậy! – Chàng vui vẻ nói, khéo léo né tránh khỏi đề tài nhạy cảm kia.

- Là ngu ý của hạ thần. Chỉ là kế ve sầu thoát xác bình thường, bố trí xe ngựa ở cửa sau tư dinh, hay ở một vài địa điểm như chùa chiền, quán trà… để đưa các đại nhân đến đây. Bề ngoài, mật thám có bám theo cũng chỉ nghĩ các vị ấy dâng hương cúng Phật, ăn bữa cơm chay, gặp gỡ bằng hữu tốn chút thời gian thôi, không ngờ sự thực là…

- Thực sự rất thông minh. Lời khen của ta, đại nhân không thể không nhận! – Tư Thành sảng khoái đáp, trong ánh mắt đen thẳm giấu nhẹm đi những tia nhìn sắc lẻm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3