Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 22 - Phần 3

Chương 22: Gió Đông

.II.

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Ngày ngày thấp thoáng bên mành đợi ai?

Trước đường xe ngựa bời bời

Bụi hồng mờ mịt, ai người mắt xanh?”

Hai vị thân vương đã rời đi nhưng các đại thần vẫn nán lại nghị sự thêm chút nữa. Mặt trời chuyển dần lên chính giữa bầu trời rồi ngả về Tây, ánh sáng chênh chếch lọt vào qua song cửa thành từng sợi long lanh. Bình trà cứ cạn lại được châm thêm nước, hương vị vì thế cũng nhạt nhòa.

- Thiếu bảo, Cung vương và Gia vương đã đồng tình, kế hoạch của chúng ta vẫn như cũ chứ? – Lê Niệm hướng ánh mắt đĩnh đạc của mình về phía người đàn ông từ nãy đến giờ im lặng, có ý dò hỏi.

- Đương nhiên phải dẫn quân vào cung, bắt trói tên nghịch tặc ấy lại! – Lê Lăng siết thanh kiếm trong tay, gay gắt nói. – Đường đường là trọng thần, ta mong không có vị nào ở đây thoái chí. Loạn từ trong nhà bây giờ khác gì nhà Lý trước đây có loạn tam vương? Thân là thần tử, hưởng ân trạch của các vị Tiên đế, chẳng nhẽ chúng ta lại không biết học theo tấm gương của Lê Phụng Hiểu[2]?

[2] Nhắc lại sự kiện: Lý Thái Tổ qua đời, truyền ngôi cho con trai trưởng là Khai Thiên vương Lý Phật Mã. Ba người con trai khác của Lý Thái Tổ không phục, đem quân phục trong cấm thành, gây sức ép lên Khai Thiên vương. Thân là Đông cung hoàng thái tử, lại không muốn tuyệt tình với anh em nhưng vì ba vương quá bức ép, Lý Phật Mã đành giao cho quần thần xử lý. Lê Phụng Hiểu đến cửa Quảng Phúc, rút gươm tức giận hô to rằng: “Bọn Vũ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”. Lê Phụng Hiểu giết chết Vũ Đức vương. Việc Lý Phật Mã có thể nhận di chiếu đăng cơ kế vị, công lao rất lớn thuộc về Lê Phụng Hiểu (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Giơ tay ra hiệu cho mọi người ngừng bàn tán, Nguyễn Xí vuốt chòm râu, lim dim mắt nói:

- Lúc trước, đúng là chúng ta có yếu tố bất ngờ. Nhưng sau vụ đảo chính bất thành của Lê Thụ, giờ trong cung sẽ tăng cường bảo vệ hơn. Chưa kể vừa đây, nội bộ quan lại bị thay đổi không ít, tình hình thế nào các vị và ta cũng chưa nắm hết được. Chúng ta vẫn còn nằm trong sự theo dõi gắt gao của Lạng Sơn vương, rất khó cho việc liên kết để cùng hành động, thắng bại không dám nói chắc. Nếu để thương vong quá nhiều, thực sự không đáng. Chi bằng trong thời gian sắp tới, chúng ta tạm thời giữ thái độ như trước, có thể thêm đôi phần hữu hảo để dần dần lấy được lòng tin của Lạng Sơn vương.

Nghe ra lý lẽ của Nguyễn Xí, Lê Lăng gật đầu đồng tình, áp chế lửa giận trong lòng xuống, bình tĩnh nói:

- Chắc chắn hắn sẽ nhắm vào ông, tôi và Thái bảo Đinh Liệt, nên ba chúng ta phải tuyệt đối cẩn trọng. Binh quyền là thứ đảm bảo cho thắng lợi của việc xướng nghĩa nên tuyệt đối không thể để lọt vào tay kẻ khác. Đức Trung, ngài là người phụ hợp nhất, giúp ta thăm dò xem các vệ Thiết đột đã có tay chân của Lạng Sơn vương dính dáng vào hay chưa. Nếu có thì cắt cử người của chúng ta theo dõi thật sát hành tung của những kẻ ấy. Quân lính bao năm nay do mấy người chúng ta huấn luyện, cùng ăn, cùng ở, vào sinh ra tử cũng không ít nhưng không được vì thế mà sinh chủ quan. Việc thao túng cấm binh để mưu việc bất chính của Lê Đắc Ninh còn lù lù ra đó nên tuyệt đối không được để lòng quân lung lạc, để binh sĩ nghe theo sự xếp đặt của người ngoài.

Vừa mới quay trở lại phòng trà, nghe nhắc đến tên mình, Nguyễn Đức Trung liền đứng dậy, chắp tay hướng về phía các vị đại thần quyền cao chức trọng nhất:

- Hạ quan xin vâng. Vậy kế hoạch của chúng ta vẫn được chia theo hai mũi đúng không ạ?

- Phải! – Lê Niệm gật đầu. – Việc nắm cấm binh trong cung thành, không để người ngoài điều động làm cản trở đại sự, các vị cứ an tâm giao cho anh em chúng tôi. Còn việc giải quyết mấy kẻ tai to mặt lớn, xin các đại nhân làm tiên phong, đã có binh hùng tướng mạnh phía sau yểm trợ.

“Mấy kẻ tai to mặt lớn” vừa được nhắc đến chính là Phạm Đồn và Phan Bang – cánh tay trái, phải của Lê Nghi Dân. Từ phản tặc vô lại, hai tên ấy nghiễm nhiên được cất nhắc, xếp vào những vị trí quan trọng, nghênh ngang ngồi cùng bàn với các đại thần ở tam sảnh và Nội mật viện để nghị sự những việc lớn bé trong nước. Muốn làm gì cũng phải bắt đầu bằng việc trừ khử hai tên đó trước.

- Đầu tiên diệt hai kẻ ngáng đường ấy, rồi chúng ta sẽ xuất binh tiền hô hậu ủng, ngay lập tức phong tỏa toàn bộ Cung thành. Cấm binh đã nắm trong tay, Lạng Sơn vương có chạy đằng trời! – Nguyễn Xí cười dài, tiếng cười rất lạnh. – Ta muốn để hắn thử một lần trải qua cảm giác bị vây khốn trong hoàng cung, tiến không được thoái chẳng xong giống như những gì hắn từng làm với Đại hành hoàng đế. Cảm giác đó liệu có thú vị hay không?

Bàn tay những người đàn ông nắm chặt lại thay cho sự đồng tình. Cân nhắc thiệt hơn một hồi, Trịnh Văn Sái cẩn trọng cất lời:

- Đây là chủ ý của hai điện hạ, chúng ta có cần thường xuyên thông báo cho hai vị ấy biết tình hình hay không?

Những ngón tay thô ráp xoay xoay cái chén rỗng, Đinh Liệt tựa một cánh tay lên thành ghế, đôi mày rậm hơi chau lại. Một cách hết sức mơ hồ, người đàn ông tự nhiên cảm thấy những việc này dường như đều nằm cả trong sự xếp đặt của đứa cháu là thân vương của mình. Nhưng giờ chưa phải lúc để cho tất cả mọi người tập trung sự chú ý vào vị thế cũng như năng lực, ý đồ thật sự của Tư Thành, biết thế nên người đàn ông bèn tắng hắng lấy giọng, nói:

- Ban nãy, hai vị thân vương đã giao toàn bộ việc này cho chúng ta. Hai điện hạ đối diện với huynh trưởng không thể tránh được xót thương mà mềm lòng, thành ra lỡ dở kế hoạch. Việc đại sự, càng ít người biết thì càng ít sơ xảy. Mấy người chúng ta vẫn theo cách cũ để liên lạc: hoặc là dùng bồ câu hoặc là dùng bọn ăn mày thân tín.

- Việc xướng nghĩa này cuối cùng là để bảo vệ huyết mạch hoàng thất nhà Lê, nối lại đại thống, không phải để đoạt thiên hạ về tay mình, thay đổi chủ nhân của sơn hà xã tắc. Để tránh lời ong tiếng ve, tôi nghĩ chúng ta nên tính xem vị chủ nhân nào sẽ đăng cơ kế vị. – Một người đề nghị.

Chắp tay sau lưng, Nguyễn Xí chầm chậm đi qua đi lại vài bước rồi mới nói:

- Ngài nói đúng. Qua chuyện này, chúng ta đều đã thấy rõ tài đức của Gia vương. Điện hạ thiên tư sáng suốt, hiểu biết hơn người, lại quyết đoán tinh tường. So với các thân vương khác, không ai hơn được. Vị minh chủ này thực sự rất đáng để quần thần tôn phò, để bách tính đặt sự thành kính vào đó.

Lời này nói ra, những người xung quanh đều cho là phải. Có người thực sự đã nhìn thấy bản lĩnh của Lê Tư Thành. Có người lại vì không muốn làm phật lòng cả Đình thượng hầu lẫn Thiếu bảo – hai vị khai quốc công thần có uy tín lớn nhất trong triều hiện nay. Quan lại thấp cổ bé họng đương nhiên không dám ho he vào những chuyện tày đình. Còn những người từ tứ phẩm trở lên, lời nói có chút trọng lượng đều thấy rõ, Gia vương có hậu thuẫn vững chắc hơn hẳn Cung vương. Nhà ngoại của ngài ấy là dòng họ Ngô với Thái bảo Ngô Từ, có thêm cả người họ hàng vai vế là Đình thượng hầu Đinh Liệt. Vương lại theo học Thiếu bảo Nguyễn Xí nhiều năm. Những người theo phe hai vị đại thần này đương nhiên cũng sẽ tận tụy phò tá Gia vương. Ai nhìn vào chẳng đoán được người thanh niên ấy chính là cây cao tất bóng cả, đến kẻ ngu cũng biết nên chọn chỗ nào để gửi gắm tiền đồ.

- Thiếu bảo nói vậy là sai rồi. Tiếng tăm của Gia vương xưa nay chỉ ở chỗ Kinh Diên. Giữa học hành và trị nước thực sự rất khác nhau. – Lê Lăng đột nhiên cười nhạt, đưa ánh mắt có phần thách thức về phía Nguyễn Xí. – Những lời tán tụng kia giờ nói ra e rằng quá sớm. Tôi tuy không học qua nhiều sách thánh hiền nhưng cũng biết đến lẽ trưởng – thứ. Ngài phải đồng ý với tôi rằng, từ thời Thái tổ đến nay, chuyện phế con trưởng lập con thứ gây ra rất nhiều phiền phức, rối ren không đáng có. Chẳng nhẽ giờ chúng ta lại lập lại như vậy? Tôi nghĩ cứ theo lẽ thường, ai là người lớn tuổi nhất trong số những hoàng tử còn lại của Thái Tông hoàng đế thì người đó đương nhiên trở thành Thiên tử kế thừa đại thống. Chưa kể, Cung vương tính tình nhân hậu, ôn hòa, đó chính là phúc của Đại Việt.

Lời Thiếu úy Lê Lăng nói ra không khác gì sấm giữa trời quang, khiến những vị đại nhân xung quanh im re không dám bàn tán nửa lời, đến đưa mắt nhìn nhau cũng ngại ngần, sợ làm mất lòng cả hai vị đại thần cốt cán. Mỗi người nói đều có cái phải riêng nhưng một khi đã chia phe, người ở ngoài theo bên nào cũng dở. Trong lòng, người đàn ông biết rõ Lê Tư Thành xuất chúng hơn Cung vương Khắc Xương rất nhiều. Có điều, người đó dù còn trẻ tuổi đã tỏ rõ sự không an phận cũng như tham vọng thâu tóm bá quyền rất lớn của bản thân. Có chăng, Gia vương khôn ngoan hơn tân đế bây giờ mà thôi. Người như vậy tuyệt đối không phải kẻ ngoan ngoãn nghe theo xếp đặt của người khác, tương lai sẽ xếp những vị lão thần vào đâu thực ra rất mịt mờ. Cái Lê Lăng lo chính là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, hạ được Nghi Dân nhưng lại khơi lên một cái họa khác khó dẹp yên hơn nhiều.

Mối quan hệ thân tình của Gia vương Tư Thành với những người thuộc phe Nguyễn Xí, Đinh Liệt chính là mối đe dọa với những đại thần khác. Nếu để người ấy đăng cơ, vây cánh bên ấy sớm muộn sẽ không ai địch nổi. Ngoài miệng nói rất hay, nhưng nào có phải ai cũng dễ dàng theo được cái lẽ công bằng, không chút vị nể tình thân? Đã vậy chi bằng phò tá một người trung lập, có phải dễ dàng uốn nắn theo hướng có lợi cho mình hơn không?

- Lê Lăng, quân vương trị thiên hạ phải dựa vào tài đức, vào đầu óc. Ngài chỉ nhăm nhăm bám vào mấy quy định cứng nhắc ấy, liệu có phải thiển cận quá không? – Nguyễn Xí nheo nheo mắt, đổi giọng ngờ vực, rõ ràng không hề có thiện chí.

- Vậy tôi xin thỉnh giáo Thiếu bảo đại nhân, có điểm nào Cung vương tỏ ra không tài đức, không có tầm nhìn xa trông rộng? – Người đàn ông cự lại, đập mạnh chén nước xuống.

- Hai vị có thôi đi không? – Đinh Liệt lớn tiếng, nhanh chóng đứng vào giữa để can ngăn hai người đàn ông lửa giận đã bắt đầu cháy đượm. – Chuyện chưa đến đâu mà đã bàn tính đến những thứ xa xôi. Thiên hạ phải về tay tôn thất nhà Lê hẵng. Còn việc đăng cơ kế vị ra sao thuộc về việc riêng của hai vị thân vương, chưa đến lượt chúng ta bàn vào. Thiếu bảo, muộn rồi, người mù thì nên về nhà sớm đi!

Là bằng hữu lâu năm, lợi đã cùng hưởng, chuyện trầm luân đã cùng nếm qua, nhưng thái độ của Đinh Liệt vẫn làm người đàn ông tức mình. Đẩy cửa đưa Nguyễn Xí ra ngoài rồi ấn cây gậy trúc dò đường vào ông, Đình thượng hầu thở dài:

- Dù cuối cùng ai đăng cơ, tấm lòng của ông điện hạ nhất định sẽ hiểu. Có điều, nói những việc ấy lúc này thì sớm quá, lại để người ngoài dị nghị những lời không hay. Bây giờ không phải lúc để kèn cựa mấy chuyện lợi ích. Lê Lăng nói không sai, khi Lạng Sơn vương đã có ý nhắm vào mấy lão già chúng ta, đoàn kết, giữ thân mới là quan trọng. Nếu không, đại sự chưa bàn đến nhưng tính mạng Gia vương cùng người nhà chúng ta chắc chắn sẽ mất.

Chuyển cây gậy trúc từ tay này sang tay kia, Nguyễn Xí biết lời Đinh Liệt nói ra đều phải cả nên dù trong lòng không mấy thoải mái cũng không tranh luận gì thêm.

- Ngài nghĩ Lạng Sơn vương có ngay lập tức đụng đến các võ quan hay không?

Vuốt chòm râu điểm bạc, đôi lông mày chau lại làm những nếp nhăn nứt nẻ nơi đuôi mắt hiện lên thêm rõ rệt. Đinh Liệt lắc đầu:

- Vừa qua một cơn sóng gió, tôi nghĩ kẻ đó cũng chưa ngu ngốc đến mức tiếp tục động chạm đến bên võ giai. Chưa kể, quan văn giỏi lắm cũng chỉ làm ra những việc như cáo bệnh không vào chầu, dâng sớ nói này nói kia, thực ra không quá đáng đề phòng. Tay chân của hắn có được bao nhiêu người? Giờ muốn lấy lại binh quyền mà không làm trong quân náo động sợ rằng quá hoang đường.

Nắng xuân làm bóng người in trên nền đất mờ nhạt. Ngước mắt nhìn bầu trời xanh nhàn nhạt, cất sự bực bội trong lòng sang bên, Thiếu bảo cất lời:

- Đình thượng hầu, ngài có thấy từ đầu tới cuối, Gia vương mặc nhiên để cho chúng ta lo liệu hết mọi việc không? Nhìn bề ngoài thì đúng là thế, nhưng… tôi cứ thấy dường như chẳng phải. Như thể điện hạ cố tình làm vậy, đã lường hết trước cả rồi.

- Ngài cũng nghĩ thế? Chúng ta gần gũi với Gia vương ngần ấy năm còn thấy mơ hồ. Mấy người kia chắc khó nhìn ra. Là do điện hạ không chắc chắn nên mới giao việc lập kế hoạch và hành động cho đại thần nhiều kinh nghiệm; hay ngài đang muốn xem đám lão thần tự thể hiện bản lĩnh và lòng trung? Hay… ngài muốn đứng ngoài, được việc thì ngư ông đắc lợi, thất bại thì chẳng thiệt thân?… Tôi chịu!

Câu chuyện ấy diễn ra giữa nơi thanh tịnh, người thường không thể bén mảng lại gần. Không phải là tin. Tất cả những người đàn ông bên trong đều chắc chắn rằng, nếu không phải tự họ nói ra, người ngoài tuyệt đối không thể nào hay biết.

Thế nhưng, sự thật là những lời luận bàn ấy vẫn lọt đến tai người khác.

***

Ngô Quân nói cứ nói, còn Tư Thành tựa tay lên chiếc kỉ[3] chạm hình hoa mai xung quanh, vô cùng tinh xảo, thanh nhã đặt trên sập gụ, lật giở từng trang sách.

[3] Loại bàn nhỏ bằng gỗ, có chân thấp, uốn hơi cong. Loại bàn này dùng đặt lên sập gỗ, bên trên đựng bộ đồ trà, điếu bát...

Ánh nến từ bốn góc phòng tỏa sáng rực làm người ngoài có thể nhìn rõ gương mặt cương trực, nghiêm túc đến khô cứng của Ngô Quân. Đặt thêm một chân đèn lên mặt bàn gỗ, người thanh niên cân nhắc mãi rồi mới mở lời:

- Điện hạ thực sự cho rằng tân đế không sai trong việc triều chính?

- Sai lầm chung quy chỉ nằm trong bốn chữ. – Tư Thành nhìn lên, khóe miệng nhếch thành một nụ cười. – Là dục tốc bất đạt. Huyết án Lệ Chi Viên qua chưa thể gọi là lâu, mà nay hắn lại tạo ra một cuộc chính biến gợi lại sự hỗn loạn của những năm tháng ấy. Lòng người đâu dễ quên chuyện xấu nhanh như vậy. Dân gian thì thôi đi, xưa nay họ vẫn sống theo kiểu an phận thủ thường. Có điều, Hoàng đế lại đối xử với quan lại như với dân đen, không thèm quan tâm đến tâm tình của đám lão thần quyền cao chức trọng. Đã leo đến những vị trí ấy, họ đâu phải người chỉ Đông thì sẽ đi Đông, chỉ Tây thì sẽ đi Tây. Làn gió mới nhưng thổi không khéo sẽ thành gió độc, hại mình thân bại danh liệt!

- Ý người là, tân đế nóng lòng muốn thay đổi tất cả, thể hiện quyền uy, tầm ảnh hưởng của mình?

- Ngươi lớn tuổi hơn ta, vốn rất nhanh nhẹn và sắc bén. Đã hiểu thấu hết sao vẫn muốn hỏi ý kiến của ta làm gì? Phải chăng… ông ngoại vẫn không yên tâm, coi ta chỉ là đứa trẻ bốc đồng, nhìn đời quá đơn giản? – Chàng nheo nheo mắt, không có ý bóc mẽ nhưng cũng khiến Ngô Quân lúng túng.

Đón lấy chén nước từ tay Gia vương, chàng nhấp một ngụm rồi mới thận trọng nói tiếp:

- Nếu điện hạ đã nhìn thấy rõ như vậy, sao không bẩm báo lên trên. Có phải sẽ đổi lại được sự tin tưởng của tân đế hay không?

- Ngô Quân, ngươi nghĩ người như Lê Nghi Dân sẽ nghe lời ta nói chắc? – Chàng đột ngột cắt lời, thiếu điều cất tiếng cười sắc lạnh. – Ngươi báo với ông ngoại rằng, ta biết người cũng như mẫu thân không muốn ta dính thêm vào những chuyện thị phi đầu rơi máu chảy của Cung thành. Nhưng Gia vương ta không nhún xuống nữa. Dù ta có làm gì, hắn vẫn cứ muốn giết ta thôi. Kẻ đó vốn không phải là hoàng huynh, đâu đáng để ta phải trung thành. Với cả… Ngươi không thấy đứng ngoài nhìn kẻ khác tự đào hố chôn mình, rồi tiện tay đẩy nhẹ một cái rất thú vị sao?

Lời nói thoắt từ cười cợt lại sang nghiêm túc, thoắt lại mỉa mai, cay độc thật làm người đứng nghe lạnh hết sống lưng. Ngô Quân theo hầu Tư Thành không phải đôi ba ngày, từng thấy trí tuệ, từng thấy sự kiên trì của của vị chủ nhân này, từng thấy cả những trò nghịch phá thuở nhỏ. Chỉ đến hôm nay khi trốn bên ngoài nghe ngóng việc luận đàm, chàng trai áo lam mới biết miệng lưỡi của chủ nhân mình đáng sợ đến thế nào. Không phải chỉ biết nói lời hay ý đẹp, đạo lý thánh hiền ngay thẳng, đến cả trò đổ dầu vào lửa, thuận nước đẩy thuyền, Tư Thành cũng đều rất giỏi.

- Điện hạ, ngay từ khi người đến gặp Thiếu bảo… À không, ngay từ khi bị truy kích ở An Bang mới đúng… Ngay từ lúc đó, điện hạ chưa từng muốn chừa cho kẻ đang ngự trên ngai vàng một con đường sống?

Những lời lặng lẽ vốn cất kĩ trong đầu cuối cùng lại nói ra nơi đầu môi. Mỉm cười nhẹ bẫng, Tư Thành lật trang sách, nhạt giọng nửa đùa nửa thật bảo:

- Xem ra ngươi học được cái bạo gan của Ngọc Hồ rồi đấy. Ngô Quân, ngươi nghĩ thế nào?

Riêng câu này, dù uống mật gấu, ăn gan hùm, người thanh niên cũng không dám trả lời. Chàng cúi đầu nói khẽ thêm một câu:

- Theo như thần điều tra được, Nguyễn Đức Trung có qua lại khá mật thiết với Thiếu úy Lê Lăng. Từ chuyện định ngôi, Thiếu úy đã tỏ ý đối nghịch với điện hạ. Thần nghĩ sau này người nên cẩn trọng.

- Ngươi thấy Đức Trung là người thế nào? – Chàng ngẩng lên, hỏi một vấn đề thực sự không mấy liên quan.

- Việc này… – Ngô Quân ngập ngừng. – Tạm thời thần chỉ dám nói đó là một người cẩn trọng trong mọi việc. Dường như không có tâm địa bất chính.

- Làm gì có ai ở chốn quan trường không có tâm địa này khác kia chứ. Là chưa có chứ không phải không có. Được rồi, ngươi lui đi!

Những lời đầy hoài nghi ấy vang lên không biết đã bao nhiêu lần nhưng lúc nào cũng khiến người thanh niên sững sờ pha lẫn cả nặng nề. Đến cả người thường xuyên nhìn người khác bị giết, rồi đi giết người khác như chàng cũng chưa bao giờ hoài nghi điều gì sâu đậm đến vậy. Cúi đầu từ biệt, chàng đu mình trèo qua cửa sổ, thoắt cái vạt áo lam đã khuất sau tán cây bưởi mọc ken thật dày. Nhờ Đức Vượng thu nhận được vài hoạn quan, cung nữ tin tưởng được nên việc ra vào cung tiềm để của Ngô Quân cũng dễ dàng hơn. Dù chàng võ công cao cường đến mấy cũng chưa luyện được màn phi thân, bay nhảy như đám bồ câu nhàn rỗi của Gia vương.

Người đã đi khuất, ánh mắt vô định rơi xuống trang giấy nhưng lại không đọc được thêm dù chỉ một chữ. Day day thái dương, chàng ngồi lặng trên sập gỗ để trơn, không chạm khắc. Đến khi Đại Vệ cào cào hai chân trước lên cửa, Tư Thành mới nhận ra là có người đến, nếu không phải Thục Giang thì sẽ là Đức Vượng. Quả nhiên, người vừa bước chân qua bậu cửa cao là thiếu nữ xinh đẹp, phía sau nàng là một dải ánh sáng vàng nhạt của những ngọn đèn lồng treo dưới mái hiên.

- Đêm đã khuya, xin điện hạ đi nghỉ. Cô Thụy An có dặn dò thần nữ phải nhắc nhở điện hạ chú ý sức khỏe. Xin người…

- Tiểu thư ngồi xuống đây đi hẵng, sao cứ đứng mãi thế? – Nhẹ nhàng ngắt lời Thục Giang, chàng không ngẩng lên nhưng bấy nhiêu thiếu kiềm chế trong giọng nói đủ để nàng biết trong lòng vị chủ nhân đang rất không vui.

Mím môi lại, nhẹ nhàng đặt khẽ ấm trà xuống bàn, thiếu nữ không nói thêm dù chỉ một tiếng. Từng khắc trôi qua, nước trong ấm dần nguôi lạnh, còn dáng vẻ của Tư Thành vẫn y như lúc đầu: bình thản, suy tư, dường như quên luôn cả sự có mặt của cô gái. Ngô Tiệp dư bị mệt nhưng Hoàng đế lại ra lệnh không cho phép Gia vương xuất cung, bởi vừa qua có xảy ra vụ mưu sát bất thành. Việc như vậy, dù chàng có lạnh lùng đến mấy, bình tĩnh đến mấy có khi cũng đều là giả, người chứ nào phải gỗ đá đâu. Lặng lẽ đứng hầu bên, ánh mắt thiếu nữ dừng lại trên gương mặt trầm tĩnh, tuấn tú nọ, tự hỏi thực sự trong lòng Gia vương đang nghĩ gì. Chàng khi thuận tiện vẫn cho phép nàng về thăm nhà hay gửi thư cho phụ mẫu. Nhưng giờ trên đời, ai có thể cho phép Tư Thành làm điều chàng muốn?

Sợi bấc cháy đen, cong xuống trong đĩa dầu đèn, chàng ngẩng lên định hỏi sao Thục Giang chưa cắt đi, ai dè lại thấy nàng đang gà gật tựa đầu vào cây cột gỗ. Khẽ hắng giọng, người thanh niên lên tiếng:

- Nếu tiểu thư cứ khăng khăng muốn vâng lời Thụy An thì lên giường ta mà nằm. Chợp mắt một chút đi rồi muốn đợi đến lúc nào thì đợi. Không phải đứng đây đâu.

- Thần nữ không buồn ngủ. Không sao cả đâu ạ! – Thục Giang giật nảy mình, vội vã phân bua. Đôi má bầu bầu đã thoắt hiện lên màu hồng thẹn thùng.

- Đi ra! – Chàng nghiêm giọng nói nhưng không chứa dù chỉ một chút bực bội – Bóng của tiểu thư đổ lên trang sách, sao ta đọc được nữa.

Dù không muốn nhưng Thục Giang không có gan cãi lại Tư Thành. Đằng khác, có cho vàng thiếu nữ cũng không dám ghé lưng nằm xuống tấm đệm gấm trải trên cái sập đặt trong buồng ngủ của Gia vương. Tự tát vào má mình cho tỉnh táo, nàng ngoan ngoãn đặt hai tay lên đầu gối, căng mắt ngồi đợi. Im lặng, tịch mịch, chỉ nghe tiếng lá cây xao xác một chập trong gió rồi lại lặng đi. Đứng dậy xỏ chân vào đôi giày gấm, người thanh niên hãy còn rất trẻ nhưng lại có sự trầm lặng toan tính không khác mấy những người đàn ông lăn lộn chốn quan trường lại gần án thư, chầm chậm mài mực, chầm chậm trải giấy đỏ lên mặt bàn.

Bản thân Lê Tư Thành hiểu rõ, vì những sơ xuất chí mạng của Nghi Dân nên chàng mới có đường tiến công, nắm trong tay ít nhất năm phần chắc thắng. Giả như người anh ấy bình tĩnh, nhẫn nại hơn một chút, thâu tóm được binh quyền, lấy lòng các vị đại thần cốt cán, chàng thực không dám nghĩ kế sách bày ra sau vụ đầu độc sẽ trụ vững được đến bao giờ, càng không dám tính đến kết cuộc của bản thân. Mong muốn ban đầu mãi mãi chỉ là mong muốn. Ở đời, đâu phải cứ cố gắng hết sức mình thì sẽ được mãn nguyện đâu. Nếu không đã chẳng có câu mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Giờ câu ấy ứng vào ai, vào chàng hay vào Lê Nghi Dân? Ván cờ đã đi đến đây thì buộc phải chơi đến cùng, nào còn đường quay lại.

Cái ‘bình an’ mà mẫu thân mong muốn, dù là chàng tự chọn hay bị ép buộc thì giờ cũng mỗi lúc một xa vời. Đứa trẻ năm xưa chỉ chứa một sự hận thù, ấm ức; chứa thêm một sự nghi kị, đề phòng Tuyên Từ Hoàng thái hậu hình như vẫn là đứa trẻ biết cầu trời trong gió nhẹ, vạn sự bình yên. Nhưng Lê Tư Thành đâu thể mãi mãi là đứa trẻ năm ấy. Cũng như Bang Cơ cũng đâu thể mãi mãi là vị quân vương nhân từ sống trên đời. Nếu như người ấy có thể tại vị, ắt sẽ là một vị vua hiền. Nếu như người ấy không lên ngôi từ một vị thế có xung đột, ắt sẽ có thể yên vui sống hết thọ mệnh của mình. Giá như Lê Nghi Dân an phận một chút, giá như Nguyễn Thị Anh nhẫn tâm thêm một chút…

Nhưng đời làm gì có hai chữ “giá như” đâu.

Bấc đèn cháy lèo xèo, tỏa vào không khí một sợi khói mờ khen khét. Đặt cây bút lông trong tay xuống, Tư Thành ngồi thừ người trên ghế, nhìn những nét mực dần khô đi trên tờ giấy thắm. Mực đọng trong nghiên quẩn quanh, tù đọng, mỗi lúc một sánh, mỗi lúc một trầm. Ngực áo gấm hơi nhô lên khi Tư Thành hít vào một hơi thật sâu. Cuối cùng, chàng cũng đứng dậy, bước về phía buồng ngủ ở đầu bên kia của căn phòng rộng, đối diện với nơi đọc sách.

Ánh sáng từ những chiếc đèn lồng treo dưới hiên nhà hắt vào qua song cửa chạm trổ tinh tế trên ô cửa tròn, in những bóng mờ nom giống họa tiết lên chiếc áo khoác của thiếu nữ. Nàng đợi, đợi không nổi nên không biết đã ngủ gục từ lúc nào, ngả nửa thân người lên giường của chàng trong khi hai chân vẫn giữ tư thế như lúc ngồi. Gương mặt say ngủ nghiêng nghiêng trên tấm đệm gấm không chút ưu tư, trong sáng và đơn thuần đến nỗi khiến chàng ngẩn ra, tự cười cuộc đời phiền toái của chính bản thân mình.

- Tiểu thư… – Gia vương gọi khẽ.

Thục Giang không nghe thấy, vẫn thoải mái ngủ say khiến người thanh niên thở dài, miễn cưỡng lay nhẹ bờ vai nàng.

- Điện hạ… thần nữ… thần nữ… – Hốt hoảng mở choàng mắt, hai gò má nóng bừng, cô gái cuống quýt thưa gửi không đầu không đũa – Điện hạ thứ tội!

- Nàng cầm lấy!

Chàng nói đơn giản, ngắn gọn bằng một giọng trầm ấm đủ để mình cô gái đang ngồi trên giường nghe thấy. Cơn ngái ngủ trong chớp mắt bay sạch khỏi đầu óc, những ngón tay thoáng run run đón lấy cuộn giấy trong tay Tư Thành. Nhìn một hồi, nàng cất giọng không mấy chắc chắn, hỏi lại:

- Điện hạ cho thần nữ chữ “nhẫn”?

- “Nhẫn” là nhẫn nại… – Chàng đưa tay cởi một lượt áo ngoài, thong dong tiếp lời – … cũng là nhẫn nhục. Muốn thành người của ta, nhất định phải hiểu điều này.

Nét bút phóng khoáng, mạnh mẽ, tươi đẹp vừa phảng phất cái mênh mông, khoáng đạt của người đọc sách, lại chứa cả sự dũng mãnh của của đấng nam nhi đột nhiên làm Thục Giang hơi co mình lại. Con chữ này nói không hiểu thì không đúng, chỉ e không hiểu được sâu như những gì người đối diện kì vọng. Phụ thân Thục Giang rất thích tranh chữ, nói rằng nhìn chữ có thể đoán được người chấp bút là kẻ sang hay hèn, ngay hay gian. Nàng theo phụ thân ngần ấy năm cũng học được đôi chút, nên đối diện với người tâm tư không dò nổi như Gia vương điện hạ, thực sự vừa ngưỡng mộ, vừa sợ hãi.

- Chữ “nhẫn” này… điện hạ… có thể để thần nữ từ từ học được không? – Nàng đứng dậy hầu hạ chàng thay đồ, ấp úng đề nghị.

- Nàng có chữ “nhẫn” rồi, chỉ là hơi khác chữ “nhẫn” của ta thôi. Nhưng chúng ta có thời gian, từ từ học cũng chưa muộn.

Giọng nói êm ái, ấm áp và dịu dàng chừng ấy vang lên gần và nhanh đến nỗi khiến nàng không kịp thoái lui, trong chớp mắt đã bị ôm gọn trong cánh tay của Gia vương. Mùi trầm hương phảng phất trên chiếc áo lụa trắng hòa cùng thân nhiệt của chàng khiến Thục Giang luống cuống, cố sức đẩy ra nhưng không được, mặt mũi bỗng chốc đỏ bừng. Hàng mi chớp chớp liên hồi nhưng không dám ngẩng lên, nàng vội quay đầu đi hướng khác, vừa thuận thế để Tư Thành cúi xuống, thì thầm bên tai:

- Giờ đến cả Hoàng đế cũng đã biết ở cung tiềm để này, ta sủng ái nữ nhân nào nhất. Ta không muốn mang tiếng dối trá chút nào. Nàng nói nếu không phải khi vạn bất đắc dĩ, ta sẽ không hy sinh người bên cạnh mình đúng không? Người ở cạnh ta nhất định phải có danh phận rõ ràng.