Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 1 - Phần 3
[Truyện ngắn] Quân cờ (3)
Phu phụ nhân gian
“Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay”[1]
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
[1] Bản dịch của Ngô Tất Tố.
Sau hội thề Đông Quan, quân Ngô theo đường thủy bộ rút về nước. Lê Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú hoàn thành trọn vẹn vai trò con tin của mình. Sự nghiệp Bình Ngô phục quốc của nghĩa quân Lam Sơn trải gần mười năm đến đây là kết thúc.
Bình Định vương sau khi lên ngôi đặt niên hiệu Thuận Thiên, có ban chữ húy tông miếu và chữ húy tên vua, trong các văn tự đều phải dùng tránh đi. Sắc chỉ ban xuống có đoạn: “Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu húy là Thương, húy của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần”. Trịnh Thị Lữ trở thành Trịnh thần phi. Lê Tư Tề được phong Hữu tướng quốc, ban đến tước Quận vương. Cùng năm ấy ngài lập ái thiếp theo mình từ những năm vào sinh ra tử là Lý Thị Kim Nga làm đích phu nhân. Mọi người từ đấy đều gọi nàng là Quận vương phi. Công danh nở rộ, quan lộ trải thảm vẻ vang, ái tình đằm thắm, ai nhìn vào vương phủ cũng lấy thế làm mừng. Chỉ có Kim Nga là không cười nổi, lắm lúc nghĩ bản thân quá đa nghi hay đúng như Tư Tề nói, tại nàng quá cảnh giác mà tự làm khổ bản thân. Là Kim Nga không thể sống tự do tự tại như chàng thì đúng hơn.
Chưa đầy một năm sau, Thuận Thiên năm thứ hai (1429), trong cùng một ngày, Hoàng đế một đằng sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Phạm Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Hữu tướng quốc Khai quận công Lê Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước; một đằng lại bảo Nhập nội tư khấu Lê Sát, Tư không Lê Nhân Chú, Nhập nội tư mã Lê Lý, Nhập nội thiếu úy Lê Quốc Hưng mang kim sách lập Lương quận công Lê Nguyên Long làm Hoàng thái tử[2]. Từng bước, từng bước sự việc an bài, hiện lên rõ ràng như những gì cả hai người đoán định từ cái ngày đại nghiệp chưa thành.
[2] Theo Đại Việt sử kí toàn thư (tập 2).
- Chàng mệt lắm không? – Kim Nga đón lấy chiếc áo khoác của Tư Tề, mỉm cười hòa nhã, cất vẻ bướng bỉnh của mình đi để không làm chàng phân tâm, chuyện trong triều giờ đặt cả lên vai chàng cũng đủ mệt rồi.
- Một chút! – Chàng đáp, đôi mắt đen nheo nheo nhìn cô gái trước mặt, đưa tay chỉnh lại mái tóc buộc hờ hững của nàng. – Vẻ mặt này là sao đây, định giả làm thục nữ? Người như nàng cố làm vậy chỉ chuốc lấy thất bại thôi.
Nàng vẫn cười, vẫn giữ dáng vẻ ung dung để khỏa lấp hết những lo lắng trong lòng. Có người nói càng ngày Kim Nga càng giống Tư Tề, trầm lặng đi rất nhiều. Giờ nàng không còn có thể như lúc trước, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Nhiều khi ở bên chàng, Kim Nga vẫn hay nhắc lại chuyện cũ, nói năm xưa vì hiếu kì mà cải trang đi nghe ngóng khắp nơi có phải là ngang ngược, là không quan tâm đến an nguy của chàng hay không. Lần nào nghe đến đó, Tư Tề cũng chỉ cười lớn, sảng khoái đáp: “Phu nhân của ta dễ để người ta tóm được đến thế? Nàng không phải người thích làm liên lụy đến kẻ khác nên ta rất an tâm!”.
Kim Nga nhận ra càng ngày chàng càng thức khuya hơn, sớm ra đã đi mất, thậm chí có ngày còn chẳng về nhà. Mấy lần đi lễ chùa, có vị phu nhân trêu nàng rằng phải chăng Quốc vương điện hạ đã để mắt đến ai bên ngoài, Kim Nga cũng chỉ cười đáp lại. Gánh nặng trên vai, gánh nặng trong lòng, chàng luôn tự giữ lấy, biến nàng thành người ngoài, nghĩ rằng thế là bảo vệ nàng nhưng thực ra chẳng phải. Lăn thêm mấy vòng trên gường rồi nhỏm dậy, bước chân trần trên sàn gạch, Kim Nga khẽ khàng ngồi xuống cạnh Tư Tề, đan bàn tay mình vào bàn tay ấm áp đặt hờ trên án thư của chàng, nhỏ giọng hỏi:
- Chàng vẫn chưa quên được cái chết của đại nhân Trần Nguyên Hãn, vẫn cho đấy là lỗi của mình?
Chưa kịp định công ban thưởng, đùng một cái khai quốc công thần trở thành kẻ lộng quyền, sinh mưu đồ phản nghịch, oan kêu trời chưa thấu đã uất ức trầm mình nơi đáy sông. Trần Nguyên Hãn là chỗ qua lại thân tình với Tư Tề, cũng có thể kể là thầy của chàng, giờ nhìn người ra đi không minh bạch như vậy, sao có thể không để trong lòng. Tư Tề xiết nhẹ những ngón tay có phần thô ráp của Kim Nga, cười khổ:
- Không thể trước mặt phụ hoàng nói một tiếng công bằng cho ngài ấy, giương mắt nhìn bè phái lẳng lặng dâng hết mật thư nọ đến bản tấu kín kia để trừ khử hết người này người khác ở phe đối nghịch, nàng nói xem đó không phải lỗi của ta thì của ai? Trị nước đâu phải chỉ dựa vào sức của gươm bén, đao sắc, cái lẽ hiển nhiên này…
- Người có học thì cho võ tướng là lũ thất phu, dùng sức chứ không dùng đầu. Kẻ cầm gươm thì cho đám quan văn là thư sinh mặt trắng chỉ giỏi nói chữ lòe người, không nếm mật nằm gai, chẳng đem tính mạng mình ra nơi hòn tên mũi đạn để đoạt thiên hạ nên không có tư cách nói lớn – Kim Nga lặng lẽ nói – Thời đại thay đổi, địa vị tất đổi thay. Còn chàng, chàng không vui, chàng dằn vặt là bởi người ta không dám nhắm thẳng vào chàng, lại đi đường vòng lần lượt dằn mặt những ai dám không ủng hộ Hoàng thái tử điện hạ như họ.
- Sau đại nhân Nguyên Hãn, sẽ đến những ai nữa đây?
Tư Tề thở dài, đưa mắt nhìn vầng trăng lạnh trên nền trời tối thẫm. Chàng chợt cảm thấy mừng vì Kim Nga không như ngày trước, giữ lại cho chàng chút thể diện khi tránh nói thẳng rằng: phụ hoàng không phải chỉ đơn giản là đa nghi, đề phòng cả những người từng theo mình nếm đủ mọi đắng cay, công danh sánh ngang nhật nguyệt mà còn bởi Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn mang trong mình huyết thống của tôn thất nhà Trần trước đây[3]. Dù họ Lê đoạt được thiên hạ từ tay giặc Ngô nhưng ai dám đảm bảo trong trời đất không còn người tưởng nhớ đến những trang sử vẻ vang của họ Trần ngày trước. Công lao của Trần Nguyên Hãn lại lớn đến vậy, chẳng phải cũng là một mối nguy? Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ, lý lẽ này từ thời Trần Thủ Độ dù cay độc nhưng buộc phải làm để củng cố đế vị. Tư Tề thân là thần tử, lại là con trai Hoàng đế, há có thể đường hoàng nói ra những lời đó?
[3] Trần Nguyên Hãn là dòng dõi tôn thất nhà Trần, là cháu (miêu duệ) của Thái sư Trần Quang Khải, là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông là con cô con cậu hoặc anh em con cô con bác đối với Nguyễn Trãi.
***
Sức khỏe Hoàng đế càng ngày càng giảm sút, việc triều chính lại càng lúc càng nhiều, cuối cùng ban chiếu xuống rằng:
“Như Tư Tề hiện đã lớn tuổi, vào hạng thành nhân, tuy liệu việc chưa chu đáo tinh vi cho lắm nhưng mắt thấy tai nghe, cũng đã từng trải qua nhiều việc. Hãy tạm coi việc nước để giúp đỡ trẫm. Nguyên Long tính tuy minh mẫn nhưng tuổi còn non, hãy nên nuôi dưỡng dự trữ trong Thanh cung, chờ ngày đức tính đầy đủ. Khi nào Tư Tề lên ngôi chấp chính thì lúc ấy Nguyên Long lại coi việc nước việc quân”[4].
Tờ chiếu ra nhằm năm Thuận Thiên thứ tư (1431).
[4] Theo Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn.
Chủ vinh hiển, đầy tớ cũng được thơm lây. Thế nhưng đám gia nhân không hiểu sao vẻ mặt như hoa mùa xuân của mình lại khiến Kim Nga không vui. Nàng từ trong nhà bước ra, nghiêm khắc cất lời:
- Từ nay các ngươi chỉ nên chuyên tâm lo chuyện trong phủ, bớt mồm bớt miệng tào lao bên ngoài cho ta. Chuyện của mình, mình biết rõ thì hẵng thưa bẩm, còn không chớ bép xép. Đức ông trong triều có đủ việc để lo rồi, đừng tự bày ra thêm chuyện phiền não nữa.
Người ta nghĩ đơn giản rằng nhiệm vụ giám quốc trên vai Tư Tề là do Hoàng đế tin tưởng giao cho, được mấy người hiểu đó là chỗ cả ngàn con mắt dồn vào, trên trông xuống, dưới nhìn lên, lắm kẻ lăm le chỉ cần chàng có chút sơ hở là ra tay hãm hại. Bao nhiêu người hóng được “tin vui” ấy liền mang quà cáp đến mừng, mượn cớ này cớ kia bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ… đều bị nàng mời về bằng sạch. Kim Nga không thể cùng Tư Tề vào triều, cũng không hiểu hết chuyện trên quan trường, những điều nàng làm được chỉ có giữ vững vương phủ này tránh xa khỏi tất cả thị phi, bè phái càng lâu càng tốt.
Dinh thự được ban cũng gọi là rộng rãi, không tráng lệ xa hoa nhưng không đến nỗi hai người chỉ có một phòng chia nhau. Thế nhưng vẫn là lề thói cũ, trong thư phòng của Tư Tề có kê một chiếc sập gỗ lớn để nàng có thể ngả lưng hay nhìn chàng đọc sách. Vươn người thổi tắt ngọn nến, Kim Nga cuộn mình trong tấm áo lụa, nằm gọn trong vòng tay chàng.
- Nàng không vui vì chiếu chỉ phụ hoàng ban xuống? – Chàng nhỏ giọng hỏi, ngữ điệu dịu dàng, ngón tay khẽ cuộn rồi lại duỗi lọn tóc đen của Kim Nga.
- Thiếp chỉ sợ chàng lao tâm tổn trí cuối cùng… người ta thí tốt giữ xe. Ý của hoàng thượng không phải càng ngày càng rõ ràng rồi sao? Đông cung kia không thuộc về chàng nhưng hà cớ gì lại lôi chàng ra đảm đương những chuyện của Hoàng thái tử? Làm không được cũng chết, làm được cũng chết. Cây to tất đón gió lớn, phải đứng mũi chịu sào. Thiếp lo là lo chuyện ấy.
- Vẫn là nàng nghĩ cho ta! – Chàng cười, nhận ra cánh tay ôm ngang người mình chặt thêm một chút. Kim Nga rúc sâu vào lòng Tư Tề, lặng thinh không nói nữa. – Ta sẽ không sao, nhất định sẽ không sao, nàng chớ lo lắng quá!
Thứ tình cảm của Kim Nga bao giờ cũng thế, thẳng thắn hệt như lưỡi kiếm của nàng, đã muốn đâm thì không chùn bước, còn đã không thì nhất định không xuất kiếm khỏi bao. Tư Tề ôm nàng vào lòng, hôn nhẹ lên mái tóc ấy, lặng lẽ nghĩ về tương lai. Thân là con trưởng, chuyện phụ hoàng đã giao nhất định phải hoàn thành nhưng luận công trạng từ thời nam chinh bắc chiến, lại thêm những việc từng qua tay những ngày làm giám quốc, không ít thì nhiều địa vị của chàng cũng dần được củng cố. Xét thế nào thì đây cũng chỉ là việc trước mắt buộc phải làm để giữ gìn an nguy xã tắc, so với những suy tính của Hoàng đế, càng lúc càng xa với mục đích ban đầu. Ý của người đã quyết về chuyện kế thừa đại thống tuyệt đối không thể thay đổi, nhưng những kẻ luôn ngờ vực sợ phạm đến kế hoạch đồ sộ tinh vi của mình giờ này chắc như đang ngồi trên đống lửa. Giả như chàng có thể học người ta hất tung tất cả, giả điên giả khùng, mũ ni che tai không màng thế sự thì hay biết mấy. Nhưng ai khiến Lê Tư Tề sinh ra đã là tướng quân, đã kinh qua trận mạc, đã trót biết giang sơn thái bình này có được đã phải đổi những gì, để nên nỗi giờ phải tận sức chèo chống, không dám phụ lòng những người nằm xuống. Hóa ra chàng cũng như Kim Nga, đều là những kẻ ngang bướng, đến cuối cùng vẫn nhất nhất giữ lấy bản ngã của mình dù biết trùng điệp trước mắt vô vàn trắc trở.
- Thiếp tin chàng! – Nàng đáp nhưng đôi mắt mở lớn chứa đầy ưu tư, lòng thầm đếm những ngày yên bình trời trong gió nhẹ còn được bao lâu.
Bình phong, chàng chỉ là một tấm bình phong không hơn không kém. Người được nâng niu giờ chưa đủ lông đủ cánh, nước nhà lại cần kẻ lo loan nên mọi việc dồn cả lên vai chàng. Vẻ vang lắm, giỏi giang lắm, tín nhiệm lắm! Được việc lúc này ắt sau thành họa. Trần Nguyên Hãn bị bức tử, Nguyễn Trãi cũng vào tù ra tội rồi bị quẳng sang bên. Những người có học giờ hữu danh vô thực. Mới hôm rồi đến lượt Phạm Văn Xảo – một công thần lừng lẫy đến thế – cũng bị xử tử vì cái tội mưu phản ở đâu rơi xuống đầu. Là ngẫu nhiên? Hay có người sắp đặt mà tất cả những người ủng hộ Tư Tề đều lần lượt ra đi theo cách này hay cách khác. Chiến trường năm xưa tiền hô hậu ủng, toàn quân một lòng. Còn giờ, chỉ có chàng đơn thương độc mã.
Tình yêu của Kim Nga hóa ra là vậy, xót xa để yêu người. Giả như Tư Tề áo gấm phong hầu, đường hoàng trở thành chủ nhân Đông cung, Kim Nga biết chắc nàng sẽ không yêu chàng đến vậy. Thậm chí có khi giờ này, nàng đã trốn biệt đến một nơi nào đó có núi, có sông, sống cuộc đời tự do như nàng từng xếp đặt lúc bố mang nàng đến gả vào nhà họ Lê. Kim Nga, Tư Tề, hóa ra điểm khởi đầu đều giống nhau cả, đều là những kẻ chỉ có một mình. Chàng đã có thể chọn quay đầu, chọn thoái thác để tự dứt mình ra khỏi cục diện chẳng mấy có lợi này. Nhưng cuối cùng Tư Tề lại chọn con đường thẳng về phía trước, biết là chết mà vẫn lao vào.
Mùa đông năm ấy, dù vụ án của thái úy Phạm Văn Xảo đã được xử xong từ đầu năm, người cũng đã chôn xuống đất, thế mà không hiểu thế nào khi Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ làm loạn lại bị quàng thêm rằng, y dám khinh nhờn triều đình là bởi đã thông đồng với Xảo.
Khép cánh cửa sổ lại, Kim Nga châm lửa thắp lại ngọn nến trong phòng rồi tiếp tục công việc chuẩn bị của mình. Những ngón tay nàng lướt trên bộ áp giáp lạnh ngắt, đôi môi mím chặt lại, ánh mắt đăm đăm.
- Có phải lần đầu ta ra trận đâu mà nàng lại mang vẻ mặt như vậy? – Đặt cuốn sách xuống, Tư Tề khẽ nâng gương mặt Kim Nga lên để ngắm nàng cho kĩ, dịu giọng hỏi.
- Người mạn ngược có câu rằng: “Đường lên Mường Lễ bao xa. Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi gềnh”. Đó là chốn rừng thiêng nước độc, người ở chỗ thiếp cũng rất khác người dưới xuôi, những thứ như bùa ngải không thiếu. Huống hồ lần này chàng xuất binh lại là đi cùng Tư đồ Lê Sát. Người quen này… – Nàng cười nhạt rồi đưa tay vào trong bọc đồ của chàng, rút ra một chiếc kiềng bạc trắng vô cùng tinh xảo. Thứ này Tư Tề đã từng có lần trông thấy, là vào đêm hôn lễ của hai người lúc còn ở Lam Sơn.
- Bố của thiếp là kẻ cơ hội nhưng dù sao với thiếp, ông vẫn là thân phụ tốt. – Nàng đặt vật ấy vào tay chàng, chậm rãi nói: – Chàng lại là con rể quý của ông, chỉ cần chàng đưa vật này ra, có đôi lời chắc chắn ông sẽ tận tâm dốc sức. Nhà thiếp không có đại quân nhưng địa hình Mường Lễ cũng gọi là thân thuộc, những chuyện do thám, vẽ bản đồ, tìm đường tắt hay gài bẫy… đều có thể làm. Chàng cứ tùy ý sai phái người nhà của thiếp… Tư Tề, như năm xưa lúc chàng vào thành Đông Quan làm con tin, thiếp cũng chỉ xin chàng hai chữ “bình an”.
Đặt chiếc kiềng bạc lên bàn, chàng không nói không rằng kéo Kim Nga vào vòng tay mình, ôm chặt lấy thân hình ấy, nghe thật kĩ tiếng trái tim đập dồn của nàng. Gió luồn qua khe cửa hẹp lạnh buốt làm ngọn lửa rung rung. Bên ngoài, gió mùa Đông Bắc cuốn tung lá khô xào xạc.
…
- Vương phi, vương phi! – Giữa đêm đột nhiên ngoài phòng Kim Nga vang lên tiếng đập cửa gấp gáp.
- Chuyện gì? Ai vậy? – Nô tì theo hầu nàng thắp nến, mở cửa rồi sững người khi thấy một bóng áo đen bước nhanh vào phòng. Người này ăn mặc không giống người dưới xuôi nên làm con bé có phần sợ hãi.
- Pha trà. Đây là người nhà ta! – Nàng nói, ánh mắt nhìn thoáng xôn xao.
- Vương phi, không cần trà nước gì đâu ạ. Thần theo lệnh tù trưởng về báo tin cho người hay, việc của Quốc vương điện hạ không thuận, đến giờ vẫn chưa dẹp được Đèo Cát Hãn vì trong quân có chút khúc mắc.
Thả người xuống ghế, đôi mắt nhắm lại, nàng day day hai ngón tai quanh thái dương:
- Ta biết ngay là có chuyện mà. Điện hạ xưa nay cầm quân luôn rất vững vàng, sao một Đèo Cát Hãn có thể làm khó được người, kéo dài cuộc chiến đến tận lúc này kia chứ? Cụ thể là sao?
- Là Tư đồ Lê Sát cố tình dùng dằng, viện hết cớ nọ đến cớ kia, khi thì quân lương, lúc lại địa hình để trì hoãn. Tù trưởng đã ra mặt giúp sức cho điện hạ nhưng ông ta có ý không tin, nói rằng đây là chuyện của triều đình. Điện hạ sợ Tư đồ lại vin vào cớ này nói nhà mẹ đẻ của vương phi nảy sinh mưu đồ bất chính cho nên… Tù trưởng còn nói…
- Bố ta nói gì? Ngươi mau miệng lên! – Nàng vươn người về phía trước. Ngoài cửa, con bé nô tì đang đứng canh, hết nghiêng trái lại nghiêng phải.
- Thân phụ của vương phi có bảo thần chuyển lời tới người rằng, sợ lần này ý của Tư đồ Lê Sát là tạo thế trận tiến thoái lưỡng nan, buộc hoàng thượng thân chinh đánh dẹp. Như thế, uy tín của điện hạ nhất định sẽ lung lay. Chưa kể trong triều, không ít lần Quốc vương điện hạ dẹp sang bên ý kiến của những người thuộc phe Lê Sát, Phạm Vấn khiến họ găm hận trong lòng, lần này là họ quyết dùng chính điểm mạnh nhất của điện hạ để hạ uy tín của người.
Những lời ấy về sau đều thành thật cả. Giả như còn người bấu víu, giờ… ngoài giương mắt nhìn, tuyệt đối không thể động tay.
***
Lần ấy Hoàng đế thân chinh đánh dẹp quả nhiên thắng lợi, đổi Mường Lễ ra châu Phục Lễ, bức hàng được Đèo Cát Hãn và con trai y là Đèo Mạnh Vượng. Tuy khải hoàn về lại kinh sư nhưng rõ ràng Quốc vương Lê Tư Tề thất bại. Không cần ai phải lời ra lời vào, tự khắc Hoàng đế đã có cái nhìn khác về đứa con này. Dù hàng ngày chàng vẫn vào triều nhưng những lời tâu không còn được quan tâm như trước. Những người ở phe đối nghịch trước sự việc ở Mường Lễ còn một hai tỏ ra sợ cái uy của Tư Tề, sau lần ấy lật mặt hơn trở bàn tay, công khai giữa đại điện lớn tiếng đôi co với chàng. Những người có thể hiểu những kiến giải của Tư Tề không còn, chàng nói có đúng thì cũng vẫn chỉ là thiểu số, chẳng khác gì dã tràng se cát biển Đông.
Tư Tề càng ngày càng trầm lặng hơn lúc trước. Kim Nga cũng dần ít lui đến thư phòng của chàng hơn. Với người thân, với kẻ dưới chàng luôn rất hòa nhã nhưng dù sao chàng cũng là nam nhân, cũng có sự kiêu hãnh riêng của mình, hẳn nhiên không muốn để bất kì ai trông thấy dáng vẻ bất lực, u uất này.
- Vương phi, vương phi… – Con bé nô tì níu níu tay áo nàng, gọi khẽ.
- Sao kia? – Kim Nga giật mình nhìn xuống, con dao phay nắm hờ trong tay còn thần trí thì để đi đâu.
- Người cứ để đấy để chúng con làm nốt – Con bé cười khổ sở, cũng ngầm đoán ra tâm tư của nàng – Lệnh bà xem, người chặt hết vây cá rồi mà giờ lại thả con cá vào chậu nước, nó sống thế nào được nữa?
- Phải, nói cũng phải… – Đôi môi thoáng mỉm cười, ánh mắt nàng đăm đăm nhìn con cá trôi chìm dần trong chậu nước. Nó cố quẫy mình nhưng đâu còn có thể bơi được nữa.
- Vương phi, xin người… xin người lên nhà trên. Đức ông, đức ông đang nổi trận lôi đình! – Thằng bé hay đứng hầu ngoài cửa thư phòng Tư Tề ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà bếp, thở không ra hơi mà vẫn cố nói, tiếng nào cũng ríu vào nhau.
Nàng bất cần đến lễ nghi, nâng cao chiếc váy lĩnh để guồng chân chạy cho mau. Mới cách phòng khách hơn chục bước chân đã nghe thấy tiếng chàng gầm lên giận dữ:
- Bị bắt quả tang mà ngươi còn dám cãi?
- Đức ông, không phải con, không phải con! – Có tiếng thút thít van xin. Kim Nga nhận ra đó là giọng của con bé nô tì từng theo hầu nàng nhưng sau vì thấy nó có chút gì không bình thường nên nàng đã điều chuyển nó đi làm việc khác.
- Ngươi còn dám già mồm. Chính ta đã nhìn thấy ngươi nấp ở bên ngoài nghe đức ông và lệnh bà nói chuyện. Ban đầu ta cũng chỉ nghĩ đám con gái các ngươi tọc mạch, ai dè nhân lúc đi chợ, ngươi lại xăm xăm đến phủ Tư đồ Lê Sát. Đời có lắm chuyện ngẫu nhiên đến thế?
Người đang nói chính là thân tín của Tư Tề, thường giúp chàng lặng lẽ quan sát mọi việc. Xem chừng từ lúc Kim Nga nói về những biểu hiện bất thường của con bé ấy, chàng thực sự rất lưu tâm.
- Ta và vương phi đối xử với ngươi không bạc, vậy mà ngươi dám làm vậy với nhà chúng ta? Giờ một con tiện tì cũng không coi ta ra gì nữa! Cái gọi là trung thực, trung thành cũng chỉ là đồ bỏ, đúng không? – Chàng cười lớn, lạnh lẽo đến rợn người.
Tiếng lưỡi kiếm miết vào lớp vỏ.
- Vương gia, xin người nghĩ thông! – Có tiếng người can lại.
Lúc Kim Nga bước vào phòng, đứa phản trắc ấy chỉ còn là một cái xác vô hồn. Lưỡi kiếm đâm trúng tim làm trào ra dòng máu đỏ thẫm. Ánh mắt chàng lúc ấy còn đáng sợ hơn trăm lần, vạn lần ánh mắt nàng từng thấy lúc trên chiến trường.
- Điện hạ! – Nàng chạy lại, hai tay níu lấy chuôi kiếm, từ từ tách từng ngón tay Tư Tề ra – Loại người này cần gì người phải trực tiếp ra tay?
- Là ả định bán đứng vương phi. Ban nãy, thần có hỏi lại vương gia vào hôm trước, tại thư phòng ngài và lệnh bà đã nói chuyện gì. Xem chừng, nếu cái tin chính lệnh bà chủ ý dùng người nhà mình giúp Quốc vương điện hạ trong lần thân chính đánh Mường Lễ lọt đến tai Lê Sát, thêm chút mắm muối nhất định sẽ thành nhà ngoại của người có mưu đồ thoán nghịch. Thảm án như với đại nhân Nguyên Hãn, Văn Xảo hoặc vào bị tống vào ngục như đại nhân Nguyễn Trãi rất dễ xảy ra. – Người áo đen lạnh giọng nói.
- Điện hạ biết chuyện giết người này nhất định sẽ truyền ra bên ngoài, nhất định sẽ ảnh hưởng đến người kia mà. Người hà tất… – Kim Nga quỳ xuống, lắc lắc tay chàng. Đôi môi nàng run run cất giọng hỏi.
- Ta là chồng nàng, đúng không?
Chuyện to có thể hóa ra nhỏ rồi thành không có gì. Nhưng chuyện nhỏ nhất định có thể xé ra to, làm ra một chuyện tày đình trời không dung, đất chẳng tha. Có lẽ đến tin đồn chốn phố chợ cũng chẳng lan nhanh đến thế. Ấy vậy mà chưa đầy một ngày, chuyện Quốc vương Lê Tư Tề giết bừa nô tì trong phủ đã lan ra khắp cấm cung. Chưa đầy một tuần đã lại có tin khẳng định chắc nịch rằng Quốc vương mắc chứng điên khùng nên mới lên cơn cuồng sát đến thế. Chàng vào cung thỉnh tội, quỳ trước cửa điện hết ngày này qua ngày khác nhưng Hoàng đế nhất định không chịu truyền gọi. Người ta không ai dám lại gần Tư Tề. Có người cho rằng chàng điên thật. Còn những kẻ tính táo hơn thì chẳng dại dột gì đụng vào một thân vương đang thất thế hoàn toàn trước bè phái của Lê Sát, Phạm Vấn.
“Chim khôn chọn cành mà đậu”, cái lẽ năm xưa của bố Kim Nga giờ lại ứng nghiệm tiếp rồi…
***
- Cây trong vườn nhà chúng ta đến mùa nở hoa thật đẹp! – Kim Nga tay bưng khay trà, ngửa cổ nhìn vòm lá trên đầu điểm những đóa hoa màu hồng hồng, cánh nào cánh nấy mỏng tang tựa giấy, phơ phất trong gió, trong ánh sáng của một ngày êm dịu.
Những cánh hoa rơi đáp xuống mặt nước trong chén trà, rơi trên mặt bàn đá tạo ra những vệt màu điểm xuyết tươi đẹp, an nhàn, trong trẻo. Chỉ là phiến đá xám dùng làm bàn uống trà ngoài vườn nhưng được Tư Tề cao hứng vạch lên đó mấy đường để thành một bàn cờ tướng, nàng vẫn cho như vậy thật thú vị. Lặng lẽ ngồi xuống đối diện chàng, đôi mắt đen long lanh thoáng nhìn thế cờ đã sắp sẵn, nhìn từng quân cờ bị lấp dưới những cánh hoa mỏng. Cảnh tượng này không hiểu sao khiến Kim Nga mỉm cười.
- Trên bàn cờ này, ta là người chơi cờ hay là quân cờ bị người ta chơi, điều đi hết chỗ này đến chỗ khác? – Tư Tề ngẩng lên, nhìn nụ cười trên môi nàng, hỏi.
- Chàng là người chơi cũng được. Là quân cờ cũng được. Chỉ cần không phải thẹn với lòng mình thì là thứ gì trên đời cũng đâu còn quan trọng nữa?
Từ lâu tình phụ tử bị đổi ra nghĩa quân thần, Tư Tề đâu phải không hiểu, chỉ là cứ im lặng mãi, giữ chặt chúng trong lòng. Chàng không mong thế sự xoay vần bởi xưa nay chàng là người thực tế, tính khí của phụ hoàng sau bao nhiêu năm cùng chinh chiến nói Tư Tề không hiểu thì quả thật quá ngây thơ. Chàng chỉ mong… mong đúng những điều Kim Nga hay nói, chỉ có hai chữ “bình an”. Đế vị này chàng từng nghĩ mình tạm trông coi giúp Hoàng thái tử Nguyên Long cũng được, chỉ cần Hoàng đế ban chỉ, sẽ kính cẩn dùng cả hai tay dâng lên, vui vẻ lui về vị trí một thân vương của mình. Ý nghĩ đó thực sự rất ngây thơ, chàng có thể thực tâm nhưng không có nghĩa người ngoài sẽ tin hết.
Người ta cúi mình hô Hoàng thái tử thiên tuế nhưng trong bụng vẫn biết rõ đó chỉ là một đứa bé con. Người còn ham chơi, vẫn là một đứa trẻ thích gì làm nấy, giờ chỉ riêng việc học cũng đã là quá bận bịu huống hồ nói đến chuyện trị nước, an dân. Vị chủ nhân này không ít thì nhiều cũng khiến có kẻ thở ngắn than dài so bì với thời Quốc vương làm giám quốc, lo chuyện trong thiên hạ. Anh trai trưởng thành, địa vị không nhỏ khác gì cây cao bóng cả, đem so với một đứa trẻ chưa lớn mà lại được nhắm vào ngôi thiên tử, ai nặng, ai nhẹ không cần nói nhiều cũng đã đủ hiểu rõ. Hoàng đế đương nhiên nhìn xa trông rộng, biết rằng giờ đây mình còn tại thế, lòng dạ đứa con trưởng kia chưa thể lộ ra hết, ít nhiều vẫn phải kính sợ long uy mà không dám làm càn. Nhưng một mai người nằm xuống, quyền lực khuynh đảo thiên hạ ấy cũng những người ủng hộ Tư Tề liệu có để yên cho ấu chúa đăng cơ theo đúng di chiếu của ngài? Chuyện quyền thần ức hiếp vua nhỏ rồi cảnh bức cung đâu phải là điều xưa nay chưa từng có?
Âu tất cả cũng chỉ là một ván cờ giăng ngàn ngàn cạm bẫy. Tốt thí dùng xong tất bỏ sang bên, chỉ có quân tướng là quan trọng nhất.
Di chuyển những quân cờ trên mặt bàn đá, chàng khẽ cười, nhẹ tay nhấc những quân bị “ăn” lên, xoay chúng giữa những ngón tay rồi nhẹ nhàng xếp ngay ngắn sang bên cạnh. Gió thổi tới cuốn phăng những cánh hoa mỏng vương đầy trên bàn cờ.
- Thánh chỉ tới! Quốc vương điện hạ cùng gia quyến tiếp chỉ.
- Cuối cùng cũng tới rồi! – Tư Tề điềm nhiên đứng dậy, chỉnh lại y phục trên người, bàn tay chàng để mở đợi Kim Nga đặt tay mình vào.
Thuận Thiên năm thứ sáu (1433), tháng mười, Hoàng đế ban tờ sắc cho thiên hạ, đại thần, bá quan văn võ và quân dân rằng:
“Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, thế mà con trẫm là Tư Tề không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất, không theo đạo các đấng tiên vương. Nay giáng Tư Tề xuống chức quận vương. Vậy bố cao thiên hạ”[5].
Lại ban tờ chiếu rằng:
“Hoàng thái tử tuy hãy còn trẻ tuổi nhưng nổi tiếng hiếu nhân, ai ai cũng đều tin cậy, ngôi báu đáng về tay. Vậy trao ấn kiếm để trông coi việc nước thay trẫm”[6].
[5], [6] Theo Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn.