Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 1 - Phần 4

Để giết chết một dũng tướng không cần đến vạn tiễn xuyên tâm, càng không phải bằng nhục hình tra khảo. Uy nghiêm của một người thống lĩnh đại quân cuối cùng như tàn tro trước gió, vì đôi ba lời mông lung mà trắng đen đảo lộn. Chuyện nối chuyện như sấm giữa trời quang. Kim Nga thấy mình như chết đứng còn chàng muôn đời vạn kiếp vẫn bình thản như không. Những việc trong triều giờ chẳng đến tay Tư Tề nữa, lúc trước quá bận rộn, bây giờ lại quá an nhàn. Lật qua lật lại trang sách, chàng cười cười rồi kéo tay Kim Nga đứng dậy:

- Đi, đi luyện kiếm với ta!

Những ngày tháng cũ… Một con sông với tiếng sóng nước ì oạp vỗ bờ, mùi cỏ ngai ngái, cả một trời hoa gạo đỏ rực không lẫn dù chỉ một sắc xanh. Mây trời một dải phiêu diêu giờ chỉ còn là kí ức. Âm thanh lưỡi kiếm chạm nhau vẫn đanh, vẫn sắc nhưng chẳng còn thấy ai lanh lanh cất tiếng cười.

Mỗi lần vung kiếm, từng lời căn dặn năm xưa của phụ hoàng khi trao chức Quốc vương cho Tư Tề lại cứa mạnh vào tâm can. Nào là “đối với họ thân nên hết tấm lòng thân ái; đối với dân chúng nên ban chính sách khoan nhân”; nào là “đừng vì ơn riêng mà lạm thưởng, đừng vì cơn giận mà gia hình”…

Mỗi lần vung kiếm, gương mặt tĩnh lặng của chàng lướt qua như đâm một nhát ngập sâu vào trái tim Kim Nga, khiến bàn tay nàng run lên, đôi lông mày cau lại.

- Tướng quân, người quả nhiên là thiên hạ vô địch! – Kim Nga cúi gập người xuống, thở hồng hộc. Từng giọt, từng giọt nước mằn mặn lăn theo gò má, chảy xuống cằm.

Tư Tề chống thanh kiếm xuống đất, nhẹ nhàng nâng gương mặt nàng ngẩng lên. Nụ cười trên môi chàng nhạt đi một chút, ánh mắt thẫm lại. Những ngón tay khẽ khàng chạm lên từng giọt nước trong veo lăn trên má Kim Nga khiến chúng vỡ tan.

- Nàng khóc cái gì?

Mái tóc đen rung lên khi nàng lắc đầu rồi đột ngột vươn người ôm lấy bờ vai người đàn ông phía trước. Những ngón tay bấu chặt lấy lớp vải áo của chàng, Kim Nga áp nửa gương mặt lên bờ vai rắn rỏi ấy khiến tiếng khóc bị đè lại, chỉ còn là những âm thanh đứt gãy, rời rạc. Chẳng mấy chốc trên nền lụa xanh đã loang những vệt nước sẫm màu. Tư Tề xoa bờ vai nàng, không nói một tiếng, cảm thấy những giọt nước mắt trên vai mình cũng tựa như cơn mưa rào đổ xuống đất cằn.

- Rượu… thiếp muốn uống rượu.

- Được, ta uống với nàng.

Thủy đình trên hồ cá nhỏ lồng lộng gió thu. Nắng ngọt như mật. Mùi rượu thơm nồng.

- Đã không uống thì thôi, uống là phải uống theo lề thói nhà thiếp! – Kim Nga nhoẻn miệng cười, cho nô tì mang lên đôi bát sứ trắng.

- Vậy mà những lần phụ hoàng ban yến trong cung, nàng đều nói không uống được rượu! – Tư Tề nhìn cô gái nghiêng đầu rót đầy hai cái bát trước mặt.

- Lúc đó không thể làm chàng mất mặt được! Vương gia, kính!

Đôi mắt nàng lặng lẽ quan sát phu quân chậm rãi, đĩnh đạc nâng bát rượu lên ngửa cổ uống cạn, mỗi cử chỉ đều rất tao nhã, chừng mực. Rượu cay nồng nhưng hết chén này đến chén khác, càng uống chỉ càng làm người ta tỉnh ra.

- Chúng ta có thể bỏ hết không? Bỏ kinh thành, bỏ chức tước… Chàng có thể đến quê thiếp sống… cùng trời cuối đất cũng còn hơn là ở chỗ này. – Nàng nghiêng đầu cười cười, tựa cánh tay lên lan can gỗ, nhoài người nghển cổ để cơn gió thu thổi tới xoa nhẹ lên gò má nóng bừng.

- Nàng nhìn cố đại nhân Trần Nguyên Hãn đi, người đã xin về quê, xa rời kinh thành mà có thoát được đâu. Số phận này không bỏ được, lẽ nào cũng không bỏ được. Bỏ nó là từ bỏ bản thân mình. – Chàng vươn tay lấy một vò rượu khác, lại rót đầy.

- Thiếp đùa thôi. Chàng là tướng quân, chưa bao giờ đầu hàng hay thoái lui một cách hèn hạ. Có chết cũng phải chết thật hiên ngang. Rượu này để thiếp rót.

- Nàng uống đủ rồi. Rượu không giải quyết được gì cả! – Tư Tề không say, một chút cũng không say, giọng nói bình thản ngăn nàng nâng hũ rượu lên lần nữa – Kim Nga, lại đây.

Mái tóc đen dài nương theo gió bay bay. Nàng ngả đầu lên bờ vai ấy, từ từ, chậm rãi thưởng thức ánh tà dương buông xuống như muôn vạn lớp rèm mỏng, có tấm màu vàng, có tấm lại mang sắc đỏ điều, tấm màu cam, tấm lại màu lam tím. Một tiếng chim vỗ cánh bay cao trong ánh chiều sa xuống. Tựa cằm mình lên mái tóc nàng, Tư Tề hỏi:

- Đến giờ nàng vẫn muốn theo ta?

- Sao lại không theo? – Kim Nga ngước lên, mỉm cười – Lần đầu tiên nhìn thấy chàng mình mặc giáp trụ, thống lĩnh đại quân, thiếp đã biết chàng là nam nhi đại trượng phu của thiếp, là người có thể làm thiếp tự hào, kiêu hãnh.

- Nàng đang mỉa mai ta?

- Thiếp chọn theo chàng không phải vì chức tước, không phải vì tương lai. Giờ chàng đâu còn cả hai thứ ấy nữa. – Chạm ngón tay trỏ lên bờ môi ấy, nàng nhướn người, thì thầm vào tai Tư Tề – Thiếp chọn chàng… vì thiếp cần phải làm như thế.

***

Hoàng đế băng hà. Hoàng thái tử Lê Nguyên Long kế thừa ngôi báu, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm sau là năm Thiệu Bình thứ nhất. Tháng giêng ngay năm đó, có ba thị nữ chạy đến tâu với vua rằng: Quận vương nói nhiều điều càn bậy quái gở, tỏ ra không thuận. Hoàng đế nổi giận, bảo các văn võ đại thần và bá quan không được vãng lai đến nơi ở của Quận vương. Còn Quận vương nếu không có người tới gọi thì không được vào triều. Nếu ai dám tư tình dẫn vào cửa hoặc trăm quan có ai dám tự ý đến nhà Quận vương thì bị tội nặng.

Tháng năm, năm Thiệu Bình thứ năm (1438) phế truất Lê Tư Tề làm thường dân.

Năm năm tháng tháng, từ chỗ giam lỏng tách biệt với chuyện chính sự đến đây phải chăng đã là điểm kết? Chàng đã từng nổi giận. Nàng đã từng bật khóc. Nhưng đến những nước cờ cuối cùng ấy, cả hai đã cùng mỉm cười. Giờ chẳng còn ai là Quận vương Lê Tư Tề, càng chẳng còn ai là Quận vương phi Lý Thị Kim Nga nữa. Cuộc sống bình thường vẫn là tốt nhất.

Bố nàng từng sai người xuống tận Đông Kinh để ướm lời dò ý rằng, có cần ông cùng những người vẫn nuôi chí phụng sự Tư Tề ra tay với Nguyên Long hay không. Đó không phải là giết một đứa bé, trong kiếm pháp chính là lấy tấn công để phòng thủ. Bố còn nhắn với nàng rằng, thời cơ chỉ có một, nhân lúc Tiên đế không thể quản hết chuyện hậu cung, ngôi thiên tử chưa định thì phải xuống tay. Một chút chần chừ nhất định đổi lại không phải bằng nhà cửa, tài sản mà là mạng sống. Ta không diệt người, người tất diệt ta, ta không vì mình thì trời tru đất diệt.

“Lý Thị Nam, lời này là bố dốc hết gan ruột nói với con. Sau này giả như vì một chút do dự này của con mà cả vương phủ bị dồn đến bước đường cùng, thân vương bị bức tử, nhớ lại lời bố nói hôm nay, con nhất định sẽ hối hận! Con đường này muốn sống thì chỉ có một, nhất định phải giúp thân vương trở thành chủ nhân của giang sơn.” – Những con chữ ấy theo ánh lửa của ngọn nến trong chớp mắt chỉ còn lại một nắm tro tàn. Là ông cụ thương nàng, hay bởi nước cờ năm xưa hạ xuống giờ thành ra sai cả, lòng người không phục, vẫn muốn cố vớt vát đến cùng?

Cắp chiếc rổ con bên hông, thiếu phụ ngước mắt nhìn vòm trời thanh sạch sau trận mưa rào, thầm hồi tưởng lại quãng đời lúc trước, khi Thái Tổ Cao hoàng đế băng hà. Bầu trời ngày ấy với hôm nay hình như chẳng khắc nhau là mấy. Nàng là con dâu nên chỉ được đứng ngoài, nghe tiếng khóc xé lòng của những người bên trong tẩm điện bằng một vẻ đau thương giả dối. Nếu có đau, có lẽ chỉ vì dáng vẻ thất thần của chàng, vì một câu nói: “Kim Nga, phụ hoàng đi rồi!” mà thôi.

Nàng từng nhìn trời xanh hỏi rằng: “Hoàng đế, cuối cùng người đã có thể đứng ở một nơi cao hơn chín bậc thềm rồng để nhìn thấu hết những chuyện nông sâu chốn nhân gian. Người trả lời cho thần biết, giả như lúc này người nhận ra mình đã sai, giả như vì những chuyện đã sai hôm nay ngày sau còn sai hơn nữa, đứa con này của người, người chồng này của thần nếu có một ngày không sống nổi thì phải làm sao?”

Chẳng ai trả lời được câu hỏi ấy của nàng.

“Thần không sợ chết. Đến nước này thần chẳng còn sợ gì hết. Nhưng nếu để Tư Tề phải mang những vết nhơ ấy trên những trang sử rồi lặng lẽ chết đi thì thần không phục. Ngàn đời, vạn đời không phục!”

- Lần đầu tiên gặp nhau, chàng có nói với thiếp người dưới xuôi bảo chỉ cần cơm tẻ, rau muống luộc với mấy quả cà muối là có thể sống qua ngày, ăn không biết chán. Lâu rồi thiếp không xuống bếp, chàng thử xem. – Kim Nga dọn mâm bát ra chiếc bàn nhỏ dưới dàn hoa thiên lý rồi mỉm cười cúi xuống ôm lấy lưng chàng.

Đôi gò má ửng hồng trong cái nắng đầu hạ, dù đứng phía sau chàng nhưng ánh mắt vốn quen nhìn thẳng của nàng giờ nghiêng ngó đi đâu. Nàng ngập ngừng:

- Tư Tề, chúng ta… sinh con đi.

- Không! – Chàng lãnh đạm gạt bàn tay Kim Nga ra, rõ ràng đáp. Thân thể trong vòng tay nàng đột nhiên cứng ngắc, lạnh lùng.

Một chút sững sờ tỉnh táo lướt qua, nàng buông tay, nhỏ giọng nói rồi xoay người lui xuống bếp:

- Là thiếp nhiều lời, chàng đừng để bụng. Đợi thiếp một chút, thiếp xuống nhà bê nồi cơm lên.

- Kim Nga, nàng rời khỏi đây đi! – Tư Tề nhìn tấm lưng ấy, trầm giọng nói, từng lời đều không nhuốm dù chỉ một chút do dự, một chút lưu luyến.

- Chàng chán thiếp rồi? – Nàng ngoái lại, nụ cười lạnh nở trên môi.

- Phải.

- Chàng thực sự muốn thiếp đi?

- Phải.

- Được, nếu điều đó làm chàng thấy thoải mái thì thiếp đi.

Nàng không ưa khóc, cũng không nũng nịu dây dưa, không van xin, không thắc mắc, luôn quyết định nhanh như vậy bằng dáng vẻ kiêu hãnh nhất, tự chủ nhất. Ngày Kim Nga bước chân vào thế giới của Tư Tề chóng vánh thế nào thì ngày nàng ra đi cũng y như vậy.

Gian nhà nhỏ cuối cùng chỉ còn một người, một vò rượu, một cái bát rỗng.

… Nàng theo ta ngần ấy năm, hạnh phúc chưa hưởng được bao nhiêu mà khổ đau thì chồng chất. Ta chưa từng thấy nàng mặc những tấm áo bằng lụa thượng hạng, cài kim thoa lên tóc, chưa từng thấy nàng điểm trang cho giống những quý phu nhân của quan lại trong triều. Nàng vẫn bảo những chuyện ấy chỉ khi nào thực cần thiết mới cần làm để không làm ta bẽ mặt trước quần thần, còn giờ thế sự chưa yên, mấy chuyện phù phiếm đó chưa cần xét đến. Nhưng chữ “bình an” mà nàng mong chờ, sợ rằng chẳng bao giờ đến được nữa. Kim Nga, là ta không nỡ, cũng không thể buông tay nàng. Nhưng giờ đến thân ta còn không lo giữ được, sao dám đảm bảo cho mẹ con nàng những ngày yên ấm?

Tư Tề đã tính hết, tính cách để đẩy Kim Nga ra xa khỏi mình, đã lường cả đến ngày mình nằm xuống. Nhưng tính toán tinh vi đến mấy, thông tỏ đến mấy cũng không nghĩ được một sớm thức dậy đã thấy dáng hình đó ngồi sát cạnh mình. Đó là điều chàng sợ nhất.

- Ta bảo nàng đi, giờ về làm gì? – Chàng chống tay ngồi dậy, gương mặt rõ ràng không vui.

- Chàng nghĩ thiếp làm vợ chàng bao lâu rồi? – Nàng nheo nheo mắt nhìn, cười phá lên. – Chẳng nhẽ thiếp không biết chàng là người không giỏi nói dối. Nói dối nhất định không dám nhìn mặt thiếp, nhất định sẽ to tiếng, ra vẻ cục cằn. Lê Tư Tề, chàng nghĩ mình lừa được thiếp chắc? Là thiếp chiều theo ý chàng, tạm rời khỏi nhà đôi ba hôm thôi. Giờ thiếp không về đây thì biết đi đâu bây giờ?

- Kim Nga, ta…

Lời nói chưa thốt ra hết thì ngoài cửa đã có tiếng truyền vào. Tư Tề khoác lại áo đứng dậy, mạnh tay đẩy nàng vào buồng trong, cúi xuống ra lệnh:

- Tuyệt đối không được lên tiếng, nhớ chưa?

- Nhưng…

- Ta là chồng nàng, ta nói nàng dám không nghe? – Tư Tề nghiêm mặt nhìn rồi khép cửa lại.

Cái giọng eo éo nam không ra nam, nữ không ra nữ đó chắc chắn là của một viên thái giám trong cung. Nói xong đôi ba câu chuyện nhạt nhẽo cuối cùng họ cũng ra về. Kim Nga nghe ngóng một hồi rồi đánh bạo đẩy khẽ cánh cửa, qua khe cửa hẹp thấy Tư Tề ngồi lặng đi bên một bình rượu ngọc đựng trong khay gỗ khảm trai, tấm vải nhiễu đỏ phủ lên trên được vo tròn, quẳng sang một phía. Hóa ra tất cả những điều nàng nghe tiếng được tiếng mất đều là thật, là Hoàng đế ngự ban mỹ tửu?

Nụ cười bình lặng lướt qua môi, chàng ngắm nghía nước men xanh màu ngọc quý rồi từ tốn nâng chén rượu lên. Nhưng miệng chén chưa đến môi, một bàn tay đưa ra thô bạo toan giằng lấy.

- Nàng buông ra! – Chàng gằn từng chữ.

- Thiếp không buông! – Kim Nga lớn tiếng nói lại – Chén rượu này… mười phần chết chín. Thiếp là người được chàng đàng hoàng cưới về, danh chính ngôn thuận. Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết. Thiếp theo chàng đến lúc này đã luôn nghĩ có thể nắm tay đi đến cuối cùng đã là viên mãn.

Đôi lông mày của chàng dãn ra vẻ như mệt mỏi lắm, Tư Tề buông tay để chén rượu rơi xuống đất vỡ tan, trầm giọng nói:

- Sao nàng nhất nhất bướng bỉnh như vậy? Là ta không có gì để cho nàng.

Đôi mắt đen hoảng hốt dần dịu lại, nàng lắc đầu, chậm rãi nói:

- Chàng nói sai rồi. Chàng đã cho thiếp một cuộc đời đủ mọi phong vị. Chàng nói xem, dưới gầm trời này, có người phụ nữ nào hạnh phúc được như thiếp hay không? Năm xưa khi chàng trở về từ thành Đông Quan, thiếp đã từng nói…

- … sẽ ở bên ta đến khi nào ta chán ghét nàng thì thôi! – Chàng lặng lẽ tiếp lời, để mặc cho Kim Nga nắm chặt lấy tay mình. Từng chút, từng chút một Tư Tề muốn kéo mạnh nàng vào vòng tay, không để nàng đi đâu nữa nhưng lòng lại phải nhủ thầm: tuyệt đối không, tuyệt đối không được mềm lòng.

Đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn nước nhìn người đàn ông trước mặt, Kim Nga vừa nói vừa cười:

- Giờ chàng có chán ghét thiếp, thiếp cũng sẽ không buông. Người dưới xuôi chẳng phải có câu một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng sao?

- Ái thiếp của ta sao lại bướng đến vậy? – Tư Tề cười khổ, đưa tay gạt đi những giọt nước mắt lã chã rơi xuống từ khóe mặt nàng. – Chắc bố nàng hận ta lắm, lại lẩm bẩm bảo biết trước thế này thì đã đem nàng gả cho người khác.

- Biết trước thế này thì thiếp sẽ xin bố đến gặp chàng sớm hơn. Mà kể cũng may, đúng là trong cái rủi có cái may.

- May gì? – Chàng nhất thời không hiểu.

- Vì chàng thất thế nên không lấy thêm vợ lớn vợ nhỏ nào nữa, để thiếp một mình độc chiếm chàng.

- Nàng đúng là, bao năm rồi vẫn giọng điệu ấy.

Chàng cười nhẹ, cúi xuống hôn lên đôi môi ửng hồng của Kim Nga, hôn qua cả những giọt nước mắt trên đôi gò má ấy rồi nhanh tay cầm lấy bình ngọc trên bàn, uống ừng ực. Chỗ rượu còn lại trong bình, chàng cũng thẳng tay hất xuống đất.

Âm thanh vỡ choang ấy làm nàng chết đứng, thấy toàn thân mềm nhũn. Kim Nga lạc giọng nói, đôi mắt mở trừng trừng:

- Chàng… chàng làm gì vậy?

- Hiền thê chung tình. Quân vương sáng suốt. Ta còn gì để hối tiếc nữa? – Tư Tề ngửa cổ cười lớn – Rượu ngon. Rất ngon. Nhưng riêng thứ này ta không cho nàng uống.

Cả thân hình vạm vỡ thoáng run lên rồi khuỵu xuống. Kim Nga loạng choạng dùng cả hai tay đỡ lấy bờ vai Tư Tề, thấy phía trước cả một làn nước nhòe nhoẹt liền vội chớp mắt, cúi thấp xuống. Dải lụa trên mái tóc buông rơi làm từng sợi tóc đen óng xõa xuống bờ vai thon, đung đưa trong cơn gió nhẹ.

- Kim Nga… cuối cùng… cuối cùng… ta tưởng… mình… mình không… còn gì cả… – Tư Tề thở dốc, cố vươn tay chạm lên gương mặt xinh đẹp đẫm lệ của nàng, nhoẻn cười. – Hóa ra… vẫn… còn nàng…

- Chàng còn Kim Nga, chàng còn thiếp mà! – Hơi thở nóng hổi của nàng phả lên nước da, lên đôi mắt ấy gấp gáp, níu kéo. Bàn tay run rẩy áp những ngón tay quen thuộc kia lên gương mặt nhòe nước của mình.

- Phải, là ta… còn nàng! Nếu… còn có… kiếp sau…

- Nếu còn có kiếp sau thì sao?

Nước mắt rơi xuống, lăn qua khóe môi đang cười của thiếu phụ nhưng đôi mắt bao nhiêu năm lặng lẽ nhìn theo nàng không bao giờ mở ra nữa.

Chiều tàn, trăng lên. Trong tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng đập cánh có những tiếng bước chân rất khẽ trên nền đất.

- Ngươi là ai? – Ánh sáng từ ngọn nến leo lét được thắp lên làm đám người nhận ra trong căn nhà yên ắng vẫn còn một người đang sống.

- Các người đến lượm xác chàng? – Người phụ nữ trẻ cười nhạt, lặng lẽ hỏi khi nhác trông thấy màu áo của nội quan trong cung trên người những kẻ đứng trước mặt mình.

- Ngươi là ai?

- Là ai à? Là vợ chàng. – Nàng cất tiếng cười lanh lảnh trống rỗng mà sắc tựa thanh kiếm đặt trên bàn – Sao? Xuống tay đi chứ còn chờ gì nữa, ta không chống cự đâu. Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu[7] kia mà.

[7] Nghĩa là: Vua xử thần chết, thần không chết là bất trung. Bố xử con chết, con không chết là bất hiếu.

Năm xưa, Kim Nga đã có thể bóp chết thằng bé đó nhưng đến những khắc cuối cùng, nàng vẫn chùn tay. Là nàng không dám, là nàng không nỡ. Cả Kim Nga và Tư Tề đều tin ở cái gọi là tình thân, ở một chữ “trắc ẩn”. Nhưng hóa ra đều là lầm cả. Hoàng đế nào có chữ ấy trong lòng.

“Tư Tề, thiếp không cần, càng không tin vào cái gọi là kiếp sau nên chàng phải đợi thiếp, nhất định phải đợi thiếp, đợi… Kim Nga đến… gặp chàng…”

Những lơi ấy theo gió ngoài bãi sông truyền đến, thì thầm như mơ, như thật.

Tháng năm, năm Thiệu Bình thứ năm (1438) phế truất Lê Tư Tề làm thường dân, sau đó ông mất. [Hoàng đế tức Lê Nguyên Long] Truy phong [ông] là Quận Ai vương.

Sinh thời, Quận Ai vương chỉ lập một đích phu nhân là Lý Thị Kim Nga. Sau khi vương bị giáng làm dân thường, không ai rõ vương phi đã đi đâu.

Sử sách đến đây không chép nữa.

***

- Này thì quân vương, này thì quang minh chính đại, này thì tiếng thơm muôn thuở, ta nhổ vào. Người chết là đáng lắm, chết hay lắm[8]. Bức tử anh trai rồi cuối cùng nhận lấy hậu quả cũng chẳng hay ho gì. Ta cuối cùng đã đợi được đến ngày này. Ta không đòi vương vị, ta không đòi quyền thế, ta chỉ hỏi một lẽ công bằng…

[8] Ám chỉ việc Lê Thái Tông (tức Lê Nguyên Long) qua đời năm 1442 tại Lệ Chi Viên khi mới 20 tuổi, không rõ lý do cái chết.

Từ khóe mắt in hằn những vết chân chim trào ra một hàng nước mắt lăn xuống nước da đồi mồi. Mụ lớn tiếng chửi rồi cười dài trong tiếng khóc. Thiếu nữ lặng lẽ nghe, lặng lẽ nhìn nhưng không nói một tiếng nào. Những lời người đàn bà điên đó nói nàng có thể hiểu hết nhưng tìn đến đâu lại là việc khác. Có điều, hẳn nhiên như nó phải thế, cùng một chuyện không phải ai cũng có những cách nhìn giống nhau. Tầng tầng lớp lớp những trùm phủ, những mưu toan, thật thật, giả giả, giá như không bước đến, giá như có thể làm một đôi phu phụ bình thường dệt vải, thả cá bên sông thì hay biết mấy. Nhưng đời người vốn không có chữ giá như… Những chuyện đã qua cũng như âm thanh của sợi dây đàn, đã vang lên, đã in vào lòng người thì không cách nào vãn hồi trở lại.

- Ta kể cho ngươi nghe chuyện của ta rồi, ngươi phải trả giá cho ta. – Mụ nghiêng người về phía cô gái, lạnh nhạt nói

- Người muốn gì?

- Giết ta. Ngươi yên tâm, ta không oán thán, ngươi cũng không mang danh giết người. Là ngươi tạo phúc, là ngươi giải thoát cho ta.

Ánh trăng lọt qua vết thủng rộng ngoác trên tấm liếp làm cả gương mặt bình lặng như nước hồ thu của thiếu nữ hiện ra trọn vẹn, đẹp đẽ, trinh nguyên nhưng giá lạnh. Phải nhìn kĩ lắm mới thấy nơi đáy mắt chút sóng sánh ẩn tình.

- Người còn cần cháu làm gì nữa không? – Nàng chậm rãi, lịch sự nói.

- Mang xác ta… đến chôn cạnh mộ phần của chàng.

Thiếu nữ trầm ngâm suy nghĩ một hồi, hàng mi rủ xuống như một tấm rèm mỏng:

- Vậy người phải để cháu thu xếp hẵng, phải tìm ra chỗ chôn cất Quận Ai vương rồi cháu sẽ giúp người toại nguyện. Giờ cháu phải về!

- Ta tin ngươi! – Mụ nhìn theo bóng áo lụa hư hư thực thực ấy lướt qua mặt, thật tình cất lời: – Ta chỉ không hiểu tại sao ngươi lại muốn nghe chuyện của ta. Những điều ta nói nhỡ là dối trá thì sao?

- Chuyện đã qua, người đã chết, cho là quan trọng thì là quan trọng, cho là gió thoảng mây bay thì là gió thoảng mây bay. Chỉ có chân tình là không thể làm giả. Cháu là đào nương, muốn nghe nhiều chuyện chốn dân gian là mong có ngày tấu lên những khúc nhạc có thể làm giang sơn nở hoa, cũng có thể làm đất trời đổ lệ, vậy thôi! – Nàng cười nhẹ, giọng nói cất lên nghe cũng trong veo, mỏng mảnh như tấm lụa trắng phơ phất dưới trăng.

- Ngươi chơi đàn gì?

- Là độc huyền cầm!

- Độc huyền cầm, chỉ một dây đàn. – Mụ ngẫm nghĩ một hồi rồi cười lớn: – Ranh con, hợp với ngươi lắm. Ta đợi ngươi quay trở lại.

Y như lời hẹn, độ mười ngày sau cô bé trở lại căn chòi đó, thu xếp để đám trẻ ăn mày không lai vãng xung quanh rồi tỉ mẫn giúp người phụ nữ chải đầu, vấn tóc, mặc một bộ đồ lụa mới.

- Sao ta cứ có cảm giác ngươi trì hoãn rồi làm tất cả những việc này là để ta cảm thấy mình nên sống tiếp? – Mụ ngoái đầu lại, ánh mắt nhìn thẳng vào gương mặt của thiếu nữ.

- Bị người nhìn ra rồi. – Con bé không né tránh, nhoẻn miệng cười.

- Sống là tốt. Ta cũng mong ngươi không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như ta, để đến nỗi cảm thấy sống là một gánh nặng, chết đi thì tốt hơn. Xong rồi đấy, quãng đường còn lại, phiền ngươi giúp ta.

Lưỡi kiếm mảnh lóng lánh trong ánh sáng, thiếu nữ đứng dậy, chĩa mũi kiếm về phía trái tim người đàn bà, ánh mắt không chút lay động.

- Ta không nhớ ở giáo phường người ta có dạy các cô đào dùng vũ khí!

Mụ liếc mắt nhìn cô gái rồi lao mình đến mũi kiếm của nàng. Máu loang ra trên nền lụa hệt như một đóa phù dung đỏ thẫm. Mụ ngẩng lên cười:

- Ngươi là một đứa bé ngoan nên ta không muốn mới từng này tuổi bàn tay đẹp đẽ thế này của ngươi phải nhuốm máu. Phu quân ta cũng luôn nói thế, người không muốn ta phải cầm kiếm, phải giết người. Chàng bảo… chàng bảo đó là việc… của tướng quân, của người chồng… Là ta tự tìm đến cái chết. Không liên quan đến ngươi, nhớ chưa?… Cuối cùng… Kim Nga cũng đến… tìm người rồi…

- Vương phi, xin vĩnh biệt! – Cô gái đưa tay vuốt mắt cho người phụ nữ, thì thầm.

***

Cả một đời người ba chữ: “thiếp yêu chàng” chưa bao giờ Lý Thị Kim Nga nói ra. Đến lúc nhắm mắt, chỉ có một câu rằng: “Thiếp theo chàng. Cùng trời cuối đất cũng theo chàng!”.

Gió thổi vi vút. Mây bạc trùm qua trăng làm ánh sáng chiếu xuống mặt đất mờ đục tựa như những bóng ma vất vưởng. Bên ngôi mộ đã xanh cỏ là một nấm mồ mới đắp. Hương khói như tơ vấn vít rồi tan ngay trong không khí. Vang lên đâu đây là tiếng đàn độc huyền cầm. Không như nước chảy, không ai oán, không than thở, chỉ có một nỗi trầm buồn mà nhắm mắt lại thấy hiện ra một màu lam thẫm thẳm sâu. Từng nốt, từng nốt rung lên rồi ngân ra mãi trong tứ bề, mang vẻ ma quái tịch mịch.

Đàn dừng, tiếng đứt, hương khói cũng tan.

Người không còn thấy đâu nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3