Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 2 - Phần 1

Ngoại truyện 2: OANH

“Sông Tô nước chảy quanh co

Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya

Buồn tình vừa lúc phân chia

Tiếng ai như đã bên kia hẹn hò

Đèn ta thấp thoáng bóng trăng

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này?”[1]

[1] Ca dao.

***

1.

“Thầy u gọi con là Hĩm?”

Bàn tay gầy gầy, xương xương vuốt gọn tóc nàng. Giọng nói dịu dàng nhưng thờ ơ cất lên làm đứa bé gái không khỏi giật mình. Vị phu nhân thứ hai của quan Hành khiển xưa nay rất kiệm lời, luôn nhìn đời bằng ánh mắt xa vắng, mông lung, cử chỉ khiêm nhường đến mức lắm lúc chẳng mấy tương xứng với thân phận chủ nhân. Người như thế tự nhiên cất lời nói chuyện khiến kẻ dưới ngạc nhiên, chẳng rõ biết nên đáp lại thế nào. Theo hầu người phụ nữ ấy không lo bị quở trách, càng không sợ vất vả, chỉ ngại mỗi một điều.

Buồn.

Vò vò dải dây lưng đã bạc màu quấn quanh bụng, con Hĩm cúi gằm mặt. Nhìn mấy đầu ngón chân di di trên nền đất đến phát chán, con bé nhấp nhổm mãi, muốn nói mà chẳng cất được thành lời. Lâu thật lâu, hình như người phụ nữ nọ cũng quên bẵng mất sự hiện diện của đứa trẻ, cứ cắm cúi bên những búi tơ vàng óng của mình. Đúng lúc Hĩm định đứng lên đi rút quần áo phơi ngoài sân, bà mới bảo:

“Con gái… nên có một cái tên tốt lành. Ta nghĩ vậy!”

Đôi mắt đen thẳm mênh mang in hình đứa bé gầy guộc bên cạnh, nửa thấy, nửa lại như không. Đôi mắt giống dòng nước chảy xa, xa mãi, mất hút vào một miền mờ nhòa, thăm thẳm khiến con trẻ bối rối mà lảng tránh.

“Phu nhân… phu nhân dạy con hát, dạy con chơi đàn được không? Con… con muốn trở thành người như phu nhân!”

Nói ra những lời ấy rồi mới từ từ ngẫm lại, nó thấy dường như có gì không đúng nhưng vẫn mím chặt môi, nắm chặt lấy tay áo người đàn bà. Nếu không phải nhị phu nhân chẳng bao giờ lớn tiếng mắng mỏ, chẳng bao giờ một điều tôn ti, hai điều thứ bậc, có cho tiền con Hĩm cũng không dám to gan như thế.

“Trở thành người như ta? Trở thành người như ta… có gì tốt đâu?”

Năm đó con bé mới lên bảy. Trí khôn của một đứa bé lên bảy chỉ mơ hồ nghĩ: làm thứ thiếp thì không tốt; làm thứ thiếp nhưng lại thua cả một người được cưới về sau mình ắt chẳng phải chuyện tốt lành; làm thứ thiếp mà không có con, cả đời cô độc… Nghĩ đến đấy, con bé không sao nghĩ tiếp được nữa. Cái Hĩm không biết như vậy khủng khiếp hơn cảnh con cái nheo nhóc, tay bồng tay bế lo chạy ăn từng bữa khủng khiếp hơn.

Nếu không phải vì khốn khổ khốn nạn đến vậy, thầy u chắc không dễ dàng bán nàng đi làm con ở cho người.

Mà cũng có khi chẳng phải, nàng chỉ là một đứa con gái thôi.

2.

“Từ nay gọi con là Oanh, được không?”

“Oanh” ấy là chim oanh, phu nhân bảo vậy.

Nàng chưa kịp mừng thì trải qua một trận phong ba tan tác. Ba đời họ Nguyễn bỗng chốc chẳng còn một ai trừ những vũng máu đào thấm dần xuống từng tấc đất, những thây người không còn vẹn nguyên dần dần nguội lạnh trong một buổi chiều tà với tiếng quạ kêu rờn rợn. Bản thân vì trót mang phận người ở nhà ấy nên sau đợt quan quân đến Côn Sơn vây bắt, tịch biên tài sản, nếu nàng không đi làm nô tì ở phủ quan thì cũng bị buộc sung vào giáo phường, làm đời con hát.

“Cô bé này chắc có học qua hát xướng rồi phải không? Cũng có bài có bản lắm!” – Thầy Nguyễn vuốt vuốt chòm râu bạc, mắt nheo lại làm những nếp nhăn xô nhau càng khiến gương mặt hom hem thêm phần khắc khổ. – “Con bảo thầy dạy hát cũng là người đặt cho con cái tên ‘Oanh’? Xem ra người ấy tốn không ít tâm tư đâu. Trùm Tuân, cô bé này giữ được. Yến oanh ở đời không thiếu, nhưng oanh nhà ta là con chim oanh bằng vàng, một bước sẽ đậu cành cao. Kim Oanh, từ nay gọi con là Kim Oanh.”

Sự đời chìm nổi, ngẫm lại âu cũng là hai chữ duyên phận, một sự hàm ơn.

Phu nhân lúc sinh thời từng bảo: “Nữ nhân được cả trăm vạn ánh mắt đổ vào không phải hoàng nữ của đế vương, không phải kim chi ngọc diệp xuất thân thế gia thì nhất định chỉ có thể là một dạng người. Chính là… đào hát”.

“Chị không hiểu tại sao u lại dạy chị hát với chơi đàn cũng là bình thường thôi. Đến em được u đẻ ra mà còn chẳng hiểu nữa là…” – Con gái nhị phu nhân từng tựa cửa, ngửa cổ nhấp trà, nhạt giọng: “Có khi… từ trong sâu thẳm trái tim mình, u chưa từng phân định được rõ ràng chuyện làm con hát là hay hay dở. Nhưng ít nhất… em nghĩ… u từng sợ chị em mình sẽ trở thành một người giống bà. Thế xem ra đã quá tình nghĩa rồi!”

3.

Phu nhân đã sợ. Phu nhân đã muốn kéo tay hai đứa trẻ khỏi thứ vận mệnh khi còn xuân xanh người đã trót vướng vào. Nhưng người chẳng sống được lâu đến thế, càng chẳng thể ngăn được những thứ ông trời đã quyết an bài. Hay hay dở dở nói ra thì dễ, nhưng luận có dễ hay chăng?

Lần đầu tiên gặp gỡ là lúc Kim Oanh mới ra nghề, chưa có địa vị, càng chưa được mời đi hát riêng. Chút ít danh tiếng đồn thổi chẳng qua là nhờ nhan sắc, nhờ được ca nương Bạch Vân chống lưng chứ không phải bởi tài năng.

Đêm đó, giáo phường Khán Xuân rất đông khách bởi chẳng mấy khi Bạch Vân cao hứng phá lệ, ngồi xuống chiếu hát hầu ngần ấy quan viên. Xưa nay muốn gặp mợ phải đặt trước đến cả tháng mà có khi còn chẳng được toại nguyện. Thiên hạ đồn người con gái ấy đi lại với không ít công hầu khanh tướng trong triều, là vợ nhỏ của người này người kia. Một đồn mười, mười đồn trăm, lắm kẻ tò mò muốn biết ả đào ấy có dung mạo thế nào, tài hoa đến đâu mà làm lung lay được bao nhiêu trái tim như thế. Sau này nghĩ lại những năm tháng ấy, ông trùm Tuân chẳng dám nói lớn bao giờ, chỉ ậm ừ rồi rít một hơi thuốc lào, lảng sang việc khác. Cách sống của Bạch Vân hẳn nhiên không làm ông trùm vừa mắt nhưng tiền người ấy mang về lại chưa bao giờ ít… thế nên… Ngần ấy những đồn đại vây quanh, không cứ là quan khách, đến cả ca nương, kép đàn trong giáo phường cũng hồi hộp chờ đợi cái người hiếm hoi lắm mới nhìn thấy bóng ấy.

Treo cây đàn tì bà lên tường, Kim Oanh thu tay lại, lặng lẽ đứng sang bên chờ cho hết khúc hát. Xung quanh nàng, người ta nói nhiều, cố nói thật to để được Bạch Vân để mắt đến. Nào là bình phẩm ca từ, nào là khen tiếng hát, tiếng phách gõ xuống sao mà thanh thoát, điệu nghệ, đanh, chắc mà giòn… Không lời hoa mỹ nào vung ra lại tiếc. Ca trù là thú chơi của tao nhân mặc khách, của những bậc thức giả bác học thế nên đã bỏ tiền đến chốn này, có ai lại muốn thành kẻ đàn gảy tai trâu. Vậy mới càng phải nói, say sưa nói…

“Ô… không ngờ công tử cũng đến đây nghe hát? Thật có nhã hứng.”

“Người ta rảnh rỗi đương nhiên có thể đến rồi.”

“Thú nghe hát này rất thâm sâu, công tử tuổi còn trẻ, e rằng chưa hiểu hết cái hay của nó.”

“Chẳng hay phụ thân cậu dạo này có được mạnh giỏi không?”

“Đúng là hổ phụ sinh hổ tử, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”

Người này nhấm nháy người kia, chớp mắt đã tạo ra một đám ồn ào. Từng lời, từng lời vang lên làm Kim Oanh xao nhãng khỏi nụ cười trên môi Bạch Vân, trong lòng không khỏi tò mò khi thấy vài người đàn ông ăn vận quần là áo lượt đột nhiên quay ra chú mục vào một chàng trai trẻ ngồi trong góc khuất, im lặng suốt từ đầu. Chỉ cần không phải kẻ ngốc là có thể nhận ra ẩn ý chẳng mấy tốt lành trong những lời nói ấy.

“Chết thật! Ta không trông thấy ngươi. Bộ quần áo bẩn mất rồi, phải đền thế nào đây?”

Bình trà trên tay người thanh niên mới đứng dậy từ bàn của mấy khách quan kia vô duyên vô cớ đổ ào xuống vai chàng. Nước hãy còn âm ấm loang trên nền vải lúc trước chắc được nhuộm lam nhưng giờ màu đã bạc. Y phục gọn gàng nhưng cũ kĩ, với những kẻ quen nhìn mặt mà bắt hình dong thì sao có thể coi trọng cho được. Bàn tay đặt trên đùi người ấy hơi siết, nét môi mím lại nhưng cả thân người tuyệt nhiên không hề chấn động.

“Cô… cô Oanh… rượu đó… rượu đó…” Con bé hầu ngây ra khi thấy khay gỗ trong tay nhẹ hẫng đi. Nó ấp úng sợ sệt nhưng không dám làm liều, chỉ biết giương mắt nhìn.

Bóng áo lụa hồng hồng xanh xanh lướt tới cùng tiếng động vui tai của sợi xà tích bằng bạc nhẹ rung theo bước chân. Gió đưa hương tới. Thơm thật! Thơm mùi rượu, thơm cả mùi hoa trong chiếc túi hương nơi cổ yếm đào. Miệng chén gốm men ngọc chạm vào nậm rượu kêu “canh” một tiếng thật trong. Chàng trai đến lúc ấy mới như sực tỉnh, nhìn lên rồi lại nhìn xuống, có ý như né tránh. Đôi đồng tử đen láy của người con gái hơi ngước khi rượu đã đầy, thu lấy sự lúng túng của chàng vào đáy mắt. Dường như điệu bộ ấy khiến khóe miệng Kim Oanh nhích cao hơn chút nữa.

Khách rộ lên cười, có kẻ còn vỗ đùi đen đét. Đứng nín lặng sau cây cột gỗ, con bé hầu trợn mắt hoảng hồn nhìn cái bình nâu xấu xí được Kim Oanh ngang nhiên đặt “cạch” lên bàn. Nó không biết cô đào đã trút rượu từ cái nậm men ngọc xinh đẹp sang cái bình thô kệch ấy lúc nào mà nhanh thế, càng không hiểu cậu công tử kia trót làm gì khiến cô Oanh nổi giận mà làm cho bẽ bàng đến vậy. Chàng ngồi im, lạnh nhạt từ từ ngẩng lên nhìn cho rõ gương mặt phấn son xinh đẹp nọ. Tiếng cười rồi cũng vãn, người ta dằn nó xuống thành những tiếng khúc khích trêu ngươi. Họ ngầm đánh cược xem liệu cậu trai kia có dám uống hay không, có dám mượn cớ tìm nơi xả giận hay không.

Đôi môi đỏ màu son mấp máy. Thanh âm thoát ra trong vắt, ngân nga mềm như dải lụa:

“Em là con gái Kẻ Mơ

Em đi bán rượu tình cờ gặp anh

Rượu ngon chẳng quản be sành

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may[2]”.

[2] Ca dao.

Đám đàn ông ngây người.

Cả chàng trai cũng ngây người, chằm chằm nhìn nét miệng đẹp đẽ, nhìn đuôi mắt cong cong ấy. Ánh nhìn chiếu tới như thể muốn lật tung lên kiếm tìm dưới lớp phấn hương liệu có giấu giếm toan tính hay chăng.

“Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm… dẫu hay cũng nhàm.” Từng chữ nhả ra thong dong, bâng quơ như thể chỉ muốn nói cho trọn một đoạn ca dao. Mợ Bạch Vân đưa tay chỉnh lại mái tóc vấn trong chiếc khăn lượt, liếc nhìn rồi cao giọng: “Rượu này đào nương đã rót, công tử nên nể mặt em ấy mà uống lấy một ngụm.”

Chiếc chén nằm giữa ba ngón tay mềm mại thoang thoảng mùi thuốc bắc, mùi hoa cúc. Rượu loang loáng sắc nến, loang loáng ánh nhìn. Nắm tay đặt trên đùi dần duỗi ra, cứng nhắc đón lấy vật mỏng manh ấy.

“Quả xứng là: Tay tiên nâng chén rượu đào. Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say. Thịnh tình này ta không thể không nhận. Xin cảm tạ!”

Khi tay áo rộng nâng lên che trước trước mặt, dường như chàng thấy thấp thoáng một nụ cười.

4.

“Lúc trước ta từng nhìn thấy cô… trong lễ mở xiêm áo… tại giáo phường Khán Xuân. Lúc đó người đánh trống chầu cho cô là…”

“Thực ra cô không cần phải làm vậy. Đám người đó gây ra mấy chuyện như thế không phải là lần đầu. Có trách thì trách ta vô dụng. Nghèo thì hèn, các cụ nói cấm có sai. Ức Trai tiên sinh qua đời, người như ông ấy còn chết tức tưởi thì những kẻ như cha ta, như ta sống thế nào? Lễ nhạc gì? Phẩm phục gì? Triều nghi gì? Ngay ngắn cho ai, hay cho ai, đẹp cho ai? Cứ để lũ hoạn quan cung cấm tự tung tự hứng lấy với nhau!”

“À… mấy chuyện này cô nghe cũng không hiểu nhỉ? Xin lỗi”.

Đặt cây đàn nhị xuống cái chiếu hoa, chàng trai nghiêng đầu, cười vang từng tiếng rời rạc. Cánh tay quờ quạng mấy nậm rượu lăn lóc xung quanh rồi cương quyết cậy từng ngón tay của Kim Oanh ra, giằng cho được bình rượu mới.

“Cô sợ ta không có tiền trả sao?”

“Công tử theo nghiệp đèn sách ắt biết chuyện Tái Ông thất mã. Họa hay phúc không nói trong một lời!” Cánh tay thu lại, nắm chặt bình rượu không buông. Lúc ấy, lòng thiếu nữ không khỏi rung lên khi nhớ về ngày xưa tháng cũ. Dưới mái hiên nhà vào một đêm mưa giăng, trà sen trong chiếc ấm đất con con… Đại nhân cũng từng nói ra những lời như thế để rồi len giữa tiếng giọt ranh nhỏ xuống từng hạt nước tinh tang, tinh tang là thanh âm của sợi dây đàn.

Chàng ngẩng đầu nhìn cô đào, chớp mắt rồi lại bật cười.

“Em lại múa rìu qua mắt thợ rồi. Có gì thất thố mong công tử thứ cho!” Nàng thoáng giật mình, vội cúi đầu như thể vừa làm gì sai trái nhưng khi nói tiếp lại không hề có ý thoái lui. “Nhưng… rượu này người không được uống nữa. Uống vậy… hoài rượu của chúng em!”.

“Không uống thì không uống. Kim Oanh, ta về đây!”

“Em không đáng để công tử cho biết tên sao?” Nàng chợt ngẩng đầu, vui miệng cất lời.

“Ta họ Phan.” Chàng ngập ngừng. “Tự Tuấn Ngọc”.

5.

Khách quan hào phóng vung tiền thuê trọn cả một dãy nhà bên bờ hồ Dâm Đàm vào dịp chớm thu. Trăng tròn vành vạnh, cúc vàng nở rộ dát vàng trải khắp lối đi. Những tấm rèm sa mỏng buông chùng chốc chốc lay mình trong gió làm cảnh sắc tứ bề như chìm trong màn sương mỏng.

“Thế này ổn không hả mợ?” Cô đào trẻ chốc chốc lại đánh mắt sang bên, bàn tay ẩn dưới tay áo rủ xuống không ngừng run bắn.

“Sao lại không ổn? Giờ em là đệ nhất đào nương của giáo phường rồi còn gì?”

Đốm lửa như búp lá vươn lên, bừng sáng màu vàng cam ấm áp rung khẽ khi đĩa đèn dầu lạc được đặt lên hai bàn tay, lên đỉnh đầu cô gái. Ánh nến dịu lại làm không gian mờ mờ sáng tối, chòng chành trong gió lướt trên mặt hồ. Nhạc tấu lên cũng là lúc thân hình yểu điệu ấy nhẹ nhàng chuyển động, khi nhanh, khi chậm, lúc tựa lá liễu, lúc lại tựa dải lụa đào. Nửa bàn chân bám trên chiếc chiếu hoa mà như thể đang lướt đi trên mặt tấm lụa trơn láng. Đèn không tắt dù chỉ một ngọn, dầu cũng tuyệt không sánh ra ngoài.

Đôi mắt lá đào đen láy long lanh, rạng rỡ mà xa thẳm. Nét môi cắn chỉ hơi nhích lên thành nụ cười nửa thực, nửa hư. Điệu nhạc càng nhanh, những tà áo đủ màu tung bay càng đẹp bởi mỗi lượt vải sa mỏng mỗi màu chồng lên nhau lại tạo ra sắc khác. Đốm lửa làm đôi má thêm hồng, làm đôi môi thêm đỏ, làm người con gái đẹp lại đẹp muôn phần.

Giá trị của những năm tháng thanh xuân…

Mợ Bạch Vân từng bảo chỉ đến khi nào trở thành con hát già, ngồi bên chiếu hoa nhìn những ả đào trẻ trung hát lại những khúc nhạc năm xưa mình từng hát, múa lại những tổ khúc năm xưa mình từng múa mới thấy hoài, thấy phí những ngày nước chảy qua tay. Giả như có thể sống lại với sự khôn ngoan của tuổi sang thu trong xác thân của thiếu nữ mười tám đôi mươi có khi đã tránh được vài chuyện ngu xuẩn mà sau này nghĩ lại chỉ còn hối tiếc muộn màng.

Đêm xa xôi ấy, bóng hình trong chiếc gương đồng hình như đang khóc. Nàng lờ mờ nhìn thấy dòng nước nhỏ vạch một đường sẫm màu trên má phấn phớt hồng. Vệt nước ấy khô nhanh đến nỗi chẳng cần đưa tay lên gạt đi. Bạch Vân nhếch môi cười, phủ thêm lớp phấn mỏng để trả lại dáng vẻ đẹp đẽ như làm ra bằng sứ mỏng, bảo:

“Lúc này ta thực sự rất đố kị với em, Kim Oanh!”

Cây vĩ miết đi trên sợi dây tơ tựa tiếng thở dài chẳng hề đột ngột nhưng vẫn khiến người ta sững người mà tỉnh mộng. Thanh âm của cây đàn nhị có thể rất vui, có thể rất buồn, buồn đến ai oán, thê lương. Trong khúc nhạc ấy, ngay trong cái biến ảo thần tiên đã luôn ẩn tiếng thở dài thấp thỏm của kẻ thưởng ngoạn sợ mình vội vàng tỉnh giấc xuân. Đĩa đèn thu lại vào lòng cô đào. Khi đôi môi hơi khum thổi tắt ngọn lửa mong manh, vũ khúc đã đến hồi kết thúc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3