e-Human - Chương 00

Năm 2050 – Thời đại số

Năm 2050, thế giới chẳng còn chia cắt bởi ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ đã làm xóa nhòa rào cản giữa các nước trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế chính trị đến văn hóa xã hội. Để đảm bảo công bằng và thống nhất trong quá trình phân cấp và đo lường sự phát triển, người ta đã tiêu chuẩn hóa mọi thứ kể cả giáo dục và ngôn ngữ.

Hệ thống giáo dục tiêu chuẩn trên thế giới được phân thành 3 cấp: Cơ Bản, Trung cấp và Cao cấp. Người học trong hệ thống này sẽ không chịu bất kỳ sự phân biệt nào kể cả tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chủng tộc miễn là có đủ năng lực và trí tuệ đáp ứng được các bậc học. Vì thế, có hiện tượng những đứa trẻ học ở bậc Cao cấp còn những người lớn tuổi học ở bậc Cơ bản. Tất cả bởi vì năng lực của họ.

Về ngôn ngữ, người ta quan niệm rằng mỗi con người đều có một thế giới riêng, nơi mà ở đó năng lực của họ được thừa nhận và phát triển. Các thế giới riêng giao nhau, tiếp xúc và tương quan lẫn nhau để cùng phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, ngôn ngữ đã chia cắt sự liên kết và ngăn cản sự phát triển của các thế giới riêng đó. Vì thế, con người đã sáng tạo ra một ngôn ngữ mới để xóa đi rào cản giữa các thế giới riêng. Đó là một ngôn ngữ không cảm xúc, không bắt nguồn từ một nền văn hóa nào và nó gọi là Aticiary – ngôn ngữ mới trong thời đại số. Tuy nhiên, ngôn ngữ này lại không khả dụng trong giao tiếp và chỉ được sử dụng trong các bài kiểm tra.

Trái đất bấy giờ được chia làm 5 khu vực: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm lấy năm thành phố lớn nhất làm trụ cột theo thứ tự là Toya, Newen, Doka, Maxalit và Centu. Để di chuyển giữa năm thành phố này người ta không dùng máy bay mà dùng một hệ thống không gian đặc biệt gọi là Spacen. Nó giống như một hệ thống thang máy đồ sộ được thế kế dưới lòng đất xuyên qua các lục địa và đại dương với tốc độ bằng 1/2 tốc độ ánh sáng. Hệ thống này được coi là công trình vĩ đại nhất của con người. Với Spacen, người ta chỉ mất khoảng vài phút để đi từ khu vực này đến khu vực khác. Tuy nhiên, phí vận chuyển của Spacen rất đắt và khối lượng vận chuyển hạn chế nên người ta không dùng hệ thống này để di chuyển trong khoảng cách ngắn dưới 500km. Ngoài Spacen, hệ thống giao thông ở thời đại này cũng rất phát triển. Người ta đã phát triển được các tuyến đường trên không trung, dưới mặt đất và dưới biển. Vì thế, hầu như chẳng còn tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn.

1

Khoa học kỹ thuật ở thời đại này đã phát triển rực rỡ. Người ta không còn mơ đến việc phi hành trong không trung như Siêu Nhân hay leo trèo trên các tòa nhà cao tầng như Người Nhện, vì những điều này đã trở thành sự thật nhờ các phát minh vĩ đại của tổ chức ATEC – tổ chức thống trị và chi phối thế giới này bởi các phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đứng đầu ATEC là nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới này ngài Robert Cullen. Ngoài ra, khoa học kỹ thuật còn len lõi vào tất cả khía cạnh trong đời sống con người như mắt kính ảo, màn hình cảm ứng trên không, vật liệu siêu nano, quần áo tự co dãn kích cỡ. Vì thế, thời đại này còn có tên là thời đại số – thời đại khoa học công nghệ phát triển rực rỡ đã thay đổi con người về nhận thức, trí tuệ và cả nhân cách. Tư duy của con người cũng được nâng lên tầm cao nhờ những nghiên cứu về bộ não và siêu trí tuệ.

Ở thời đại này, người ta quan niệm rằng “những người có cùng năng lực phải có cùng đãi ngộ như nhau”. Vì thế hàng năm, tất cả người sống trên thế giới này từ 15 tuổi trở lên phải tham gia vào một kỳ thi để phân loại năng lực từ A đến F. Cấp bậc năng lực càng cao sẽ được đãi ngộ của xã hội càng tốt và ngược lại. Đối với người loại F, bởi vì số lượng tài nguyên đã không đủ đáp ứng cho tất cả con người nên họ buộc phải rời khỏi thành phố và sống ở khu vực “chết”.

Khu vực chết là nơi đầy ô nhiễm, không có nguồn thức ăn và nước uống. Môi trường khắc nghiệt về địa hình và khí hậu. Những người ở khu vực chết thường sống không quá một năm do bệnh tật và đói khát. Có thể nói khu vực chết là nhà tù tử hình “nhân đạo” nhất ở thời đại số. Trái lại, thành phố là nơi có đầy đủ tiện nghi cho con người sinh sống từ những thứ cơ bản đến những nhu cầu giải trí cao. Và hầu như tất cả mọi thứ trong thành phố, con người đều có thể nhân tạo được.

Ở thời đại số, tất cả những thứ đều phải được định lượng, nghĩa là chúng phải được số hóa hoặc lượng hóa. Và “định tính” là một từ hầu như không được sử dụng. Mọi thứ đều phải đo lường được kể cả tình cảm, nhân cách. ATEC quan niệm rằng “chỉ có những con số mới thể hiện chính xác, còn cảm xúc là một thứ sai trái của con người. Cảm xúc làm lệch lạc nhận thức của con người về thế giới mà chỉ những con số mới phản ánh đúng bản chất thật sự”.

Tuy nhiên, tư tưởng này bị phản đối bởi một tổ chức ngầm có tên gọi là MAC. Họ đấu tranh chống lại tư tưởng tàn bạo và lệch lạc của ATEC. “Nếu không có cảm xúc thì con người không khác nào robot, thậm chí còn tệ hơn. Cảm xúc không phải bắt nguồn từ lý trí, từ những phán đoán logic mà nó xuất phát từ một thế giới bí ẩn. Đó là tâm hồn của con người”.

Hai tư tưởng của hai tổ chức đối lập đấu tranh không ngừng trong một thời đại mới, nơi mà những con số ngự trị lên cảm xúc thật sự. Ánh sáng và bóng tối, ATEC và MAC, lý trí và cảm xúc – Ai là kẻ chiến thắng cuối cùng?

Thế giới là tuyệt đối nhưng bản thân con người đã làm cho nó trở nên tương đối bởi vì tư duy tồn tại hai trạng thái đối lập mà thống nhất là lý trí và cảm xúc. Chính cảm xúc đã làm cho sự tuyệt đối trở nên tương đối. Nhưng nếu không còn cảm xúc, con người có còn là “người” nữa không?