Ếch - Chương 03

Chương 2

Tiên sinh Sugitani Yoshihito kính mến,

Ngài đã tốn rất nhiều thời gian quý báu, nén lòng đọc những gì tôi viết ra trong hai tháng qua. Không những thế, ngài còn có những lời động viên quý báu khiến tôi vô cùng cảm động nhưng không khỏi áy náy trong lòng.

Điều khiến tôi cảm khái là không ngờ rằng, vị tư lệnh Sugitani của quân đội Nhật đóng ở thành Bình Độ mà tôi đã đề cập đến trong thư lại là thân phụ của ngài. Do vậy ngài đã thay mặt thân phụ đã quá cố gửi lời hỏi thăm cô tôi cũng như tạ tội với quê hương và gia tộc tôi. Tinh thần trách nhiệm cũng như thái độ đối với lịch sử của ngài khiến chúng tôi cảm kích vô cùng. Theo lý mà nói, ngài cũng chỉ là một người nhận lấy những hậu quả của chiến tranh mà thôi. Trong thư, ngài đã nói là trong thời kỳ chiến tranh, ngài và phụ thân đã sống một cuộc sống đầy thắc thỏm và sau chiến tranh, ngài và phụ thân đã sống cơ cực như thế nào. Nói một cách công bằng, phụ thân ngài cũng chỉ là một nạn nhân của chiến tranh. Nếu không có chiến tranh, như ngài nói, phụ thân ngài sẽ là một bác sĩ ngoại khoa có tiền đồ cực kỳ xán lạn. Chiến tranh đã làm thay đổi mệnh vận của ông khiến ông từ một kẻ cứu người biến thành kẻ giết người.

Tôi đã đem thư của ngài để đọc cho cô tôi, bố tôi và những người đã từng trải qua cuộc chiến tranh ấy nghe. Nghe xong, ai nấy đều rơi nước mắt và cảm thán không nguôi. Khi phụ thân ngài đóng quân ở thành Bình Độ, ngài mới có bốn tuổi nên không có lý do gì để ngài nhận lấy trách nhiệm vì những tội ác mà phụ thân ngài đã gây ra ở thành Bình Độ. Ngài đã rất dũng cảm khi nhận lấy tội ác của phụ thân khoác trên lưng mình, đồng thời tự nguyện dùng tất cả sức lực của mình để rửa những tội ác ấy. Tinh thần ấy của ngài đã làm chúng tôi cảm động đến phát khóc bởi vì nó quá cao quý. Nhưng trong thế giới hiện đại này quá ít người có được tinh thần ấy. Nếu ai ai cũng có thể thẩm xét lịch sử, thẩm xét chính mình, nhân loại đã có thể tránh được không biết bao nhiêu là hành vi ngu xuẩn.

Cô tôi, bố tôi và bà con thân thích ở quê tôi đều rất nhiệt thành đón tiếp ngài quay trở lại vùng Đông Bắc Cao Mật. Cô tôi nói, cô ấy sẽ đưa ngài về thăm lại thành Bình Độ. Cô ấy còn nói nhỏ với tôi rằng, cô không hề có một ấn tượng xấu nào đối với phụ thân ngài. Trong phim ảnh của chúng tôi hiện nay có rất nhiều hình ảnh những kẻ xâm lược Nhật Bản hung tàn, thô bạo, dã man nhưng cũng không thiếu những người đầy văn hóa, đầy tiết tháo như phụ thân của ngài. Đây là lời nhận xét của cô tôi về tư lệnh Sugitani: “Một người không hề xấu trong đám đông kẻ xấu”.

Đầu tháng sáu tôi có về Cao Mật và ở đó hơn một tháng. Trong thời gian ấy, tôi đã tiến hành mấy cuộc điều tra xã hội để chuẩn bị viết vở kịch về cô tôi. Đồng thời, theo yêu cầu của ngài, tôi tiếp tục dùng cách viết thư để kể cho ngài biết những chuyện có liên quan đến cô tôi. Cũng theo yêu cầu của ngài, tôi đã viết những gì mà tự thân đã trải nghiệm qua trong lá thư này.

Cô tôi, bố tôi đã nhờ tôi gửi đến ngài và gia đình ngài những lời chúc tốt đẹp nhất.

Nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật sẵn sàng chờ đón ngài!

Khoa Đẩu

Cao Mật, tháng 7 năm 2002

1

Thưa tiên sinh,

Ngày bảy tháng bảy năm một chín bảy chín là ngày tôi thành gia thất. Cô dâu Vương Nhân Mỹ là bạn học thời tiểu học của tôi. Vương Nhân Mỹ cũng giống như tôi, cũng có một đôi chân rất thon, rất dài như hạc tiên. Chỉ cần nhìn thấy đôi chân của cô ấy là trái tim tôi đã đập bình bịch. Năm mười tám tuổi, tôi giúp mẹ tôi đi gánh nước và gặp cô ấy ở giếng, đúng lúc chiếc gàu trong tay cô ấy rơi xuống giếng, quay tròn và sắp chìm. Tôi quỳ bên thành giếng giúp cô ấy vớt chiếc gàu lên. Ngày ấy, mệnh vận của tôi sao mà tốt, rất nhanh chóng vớt được chiếc gàu. Cô ấy cảm thán: “Ôi, Tiểu Bão! Cậu chính là chuyên gia vớt gàu!”. Lúc ấy Vương Nhân Mỹ đã là cô giáo dạy thể dục ở trường tiểu học. Dáng người cô ấy rất cao, cái cổ nhỏ và trắng muốt, đầu hơi nhỏ, hai bím tóc lủng lẳng thả xuống đến lưng. “Vương Nhân Mỹ…” - Tôi lắp bắp - “Mình muốn nói với bạn một chuyện…”. Cô ấy hỏi chuyện gì, tôi nói: “Vương Đảm và Trần Tị… tốt rồi, bạn có biết không? ”. Cô ấy đứng lặng một lát rồi cười giòn tan, tôi cũng cười theo. Cô ấy vừa cười vừa nói: “Tiểu Bão, cậu chỉ đặt chuyện thôi, Vương Đảm nhỏ thó như vậy còn Trần Tị to như một con ngựa Đại Dương, hai đứa nó làm sao hợp nhau được?”. Sau đó, hình như nhớ ra điều gì, gương mặt chợt đỏ rựng lên, gập người xuống mà cười. Tôi nói rất trịnh trọng: “Mình không lừa bạn đâu, lừa bạn mình sẽ là con chó! Mình chính mắt trông thấy…” - “Cậu trông thấy cái gì?” - Cô ấy hỏi. Tôi hạ giọng nói: “Mình nói với bạn, bạn đừng nói lại với ai nhé. Tối hôm qua, mình vừa rời khỏi phòng ghi công điểm để về nhà, đi ngang qua đống rơm bên cạnh sân phơi lúa của hợp tác xã thì nghe thấy phía sau đống rơm có tiếng thì thầm. Mình lẳng lặng tiến lại gần và lắng nghe. Thì ra là Trần Tị và Vương Đảm đang thì thầm chuyện yêu đương. Mình nghe rõ Vương Đảm nói: “Anh Trần Tị à, anh cứ yên tâm. Em thân hình em nhỏ bé nhưng những gì trên thân thể em đều không có khiếm khuyết gì. Nhất định em sẽ sinh cho anh một thằng cu…” - Nghe đến đây, Vương Nhân Mỹ lại cúi gập người lại, ôm bụng cười. Tôi nói tiếp: “Bạn có nghe tôi kể nữa không?” - Cô ấy nói: “Đang nghe, kể tiếp đi, sau đó thế nào? Sau đó thì hai người ấy làm gì?” - Tôi nói: “Hình như sau đó họ hôn vào miệng nhau” - “Nói bậy!” - Vương Nhân Mỹ hỏi: “Hôn như thế nào?” - Tôi nói: “Lẽ nào mình lại lừa bạn. Hôn thế nào à? Đương nhiên là họ có cách hôn của họ. Trần Tị ôm Vương Đảm vào lòng giống như ôm một em bé và lúc ấy, nó muốn hôn như thế nào thì tùy nó thôi.” - Mặt Vương Nhân Mỹ đột nhiên đỏ bừng, nói: “Tiểu Bão! Cậu đúng là đồ lưu manh! Trần Tị cũng là đồ lưu manh!” - Tôi nói: “Vương Nhân Mỹ à, ngay cả Trần Tị và Vương Đảm cũng đã yêu nhau, chúng ta có thể là bạn của nhau được không?” - Cô ấy đứng lặng một lát rồi lại cười, hỏi: “Tại sao cậu lại muốn làm bạn với tôi?” - Tôi nói: “Bạn có đôi chân rất dài, mình cũng có đôi chân rất dài. Cô mình nói, nếu chúng ta mà làm vợ chồng thì sẽ sinh được những đứa con chân dài. Chúng ta có thể đào tạo chúng thành quán quân thế giới.” - Vương Nhân Mỹ cười nói: “Cô bạn chỉ thích nói đùa thôi. Cô của bạn không chỉ phụ trách thắt ống dẫn tinh mà còn có thể làm bà mối nữa đấy!” - Nói xong thì cô ấy quảy đôi thùng nước đi mất, bước chân dài ngoằng thoăn thoắt. Đôi thùng nước đu đưa như có đôi cánh chực bay lên trời.

Sau đó thì tôi vào quân ngũ và rời khỏi làng. Mấy năm sau nghe nói là Vương Nhân Mỹ đã đính hôn với Tiêu Hạ Thần. Thằng này đang là trợ giảng trong trường trung cấp nông nghiệp nhưng lại dạy ngữ văn. Nó đã viết một bài tản văn có đầu đề là “Tán ca về than đá” đăng trên phụ san của tờ nhật báo Đại chúng gây chấn động cả huyện Đông Bắc Cao Mật. Nghe tin này, tôi vô cùng cảm khái. Chúng tôi là những đứa từng ăn than đá nhưng không viết nổi một bài, lại để cho Tiêu Hạ Thần là thằng chưa hề biết mùi vị của than đá là gì lại viết “tán ca” về than đá. Xem ra việc lựa chọn của Vương Nhân Mỹ là hoàn toàn chính xác.

Sau khi nghe tin Tiêu Hạ Thần đậu vào đại học, bố nó - Tiêu Thượng Thần đã treo đốt ba dây pháo một nghìn quả ở đầu làng, lại mời tổ chiếu phim của huyện về chiếu phim phục cả thôn ba đêm liền trong sân trường tiểu học. Khí thế ngất trời, ai cũng lắc đầu hâm mộ.

Ngày ấy, tôi cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự, được chính thức công nhận là quân nhân chuyên nghiệp. Chính vì vậy mà tôi trở thành người đáng mơ ước của các cô thôn nữ quê tôi. Cô tôi nói: “Tiểu Bão à, cô giới thiệu cho cháu một cô gái tốt, đảm bảo là cháu sẽ vừa lòng” - Mẹ hỏi: “Ai thế?” - Cô nói: “Là học trò của em, là “Tiểu sư tử”!” - Mẹ nói: “Con bé ấy cũng đã trên ba mươi rồi?” - Cô nói: “Đúng ba mươi.” - Mẹ nói: “Tiểu Bão mới hai mươi sáu.” - Cô nói: “Quá tốt, lớn hơn một tí mới yêu chồng hơn.” - Tôi nói: “'Tiểu sư tử' rất tốt, nhưng Vương Can đã mê chị ấy mười mấy năm nay. Cháu không thể cướp người yêu của bạn.” - Cô nói: “Vương Can? Nó là cóc nhái sao lại có thể muốn có được thiên nga! “Tiểu sư tử” không lấy được chồng cũng không thể lấy thằng ấy. Bố nó hễ đến ngày chợ phiên là cong lưng chống gậy đến làm náo loạn trạm xá làm mất cả danh dự của cô. Bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ? Lão ấy cướp đi của trạm xá ít nhất cũng phải đến tám trăm đồng tiền 'dinh dưỡng phí'”- Mẹ nói: “Lão Vương Cước hình như là giả vờ.” - Cô giận dữ nói: “Không phải hình như mà đúng là giả vờ. Lấy được tiền ở chỗ tôi xong, lão chạy ngay ra chợ ăn thịt uống rượu, uống say rồi thì lưng lại thẳng băng như cũ, đụng ai sờ nấy. Không hiểu vì sao mà đời tôi lại gặp phải loại người vô lại đến như thế? Lại còn lão tạp chủng Tiêu Thượng Thần nữa chứ, trong Cách mạng văn hóa thiếu chút nữa là hại tôi đến chết nhưng lúc này lại như một đại lão gia, ngồi nhà hưởng phúc. Nghe đâu con trai lão lại đậu vào đại học nữa chứ! Người xưa thường nói “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo” nhưng bây giờ thì sao, người tốt có được thiện báo đâu nhưng đồ trứng thối thì lại hưởng phúc!” - Mẹ nói: “Báo ứng là có thật, nhưng chưa đến lúc mà thôi.” - Cô nói: “Còn phải chờ đến bao giờ nữa, đầu tôi đã bạc trắng cả rồi”.

Sau khi cô ra về, mẹ tôi cảm thán: “Cô con đúng là cả đời truân chuyên.” - Tôi hỏi: “Nghe đâu là Dương Lâm sau đó có tìm gặp cô, đúng không?” - Mẹ nói: “Nghe cô con nói, lão ấy có đến và nghe đâu đã làm chuyên viên bộ phận địa chính khu, đi xe hơi về làng. Lão ta đã xin lỗi cô và còn nói tự nguyện gá nghĩa vợ chồng với cô để chuộc lại cái lỗi khai man thời Cách mạng văn hóa. Nhưng cô con đã cự tuyệt lão”.

Đúng vào lúc chúng tôi đang than thở cho số kiếp của cô thì Vương Nhân Mỹ hớt ha hớt hãi chạy đến, nói với mẹ tôi: “Thím à, nghe nói Tiểu Bão đã có ý định tìm vợ, thím xem cháu thế nào?” - Mẹ ngạc nhiên: “Tiểu thư à, không phải là cháu đã có chủ rồi sao?” - “Cháu với hắn đã thôi rồi.” - Vương Nhân Mỹ ấp úng - “Đậu đại học là ruồng rẫy người cũ, đó không phải là một Trần Thế Mỹ hiện đại sao?” - Mẹ phẫn nộ nói - Vương Nhân Mỹ nói: “Đậu đại học thì có gì là ghê gớm mà đốt pháo, mà chiếu phim, quá sức ngông cuồng. Tiểu Bão vẫn tốt hơn, đã là quân nhân chuyên nghiệp, mỗi lần về quê lại lăn ra làm lụng.” - Mẹ nói: “Tiểu thư, nhà này e không xứng với cô.” - Vương Nhân Mỹ nói: “Thím à, chuyện này thím nói không linh đâu, hay là để Tiểu Bão nói vậy. Tiểu Bão, tôi đồng ý làm vợ anh để sinh ra những quán quân thế giới, anh có cần không?” - Tôi nhìn vào đôi chân rất dài của Vương Nhân Mỹ nói: “Cần!”

2

Buổi sáng ngày tiến hành lễ cưới, trời đất bỗng âm âm u u, mây đen cuồn cuộn. Sau một trận tuyết, mưa tuôn xuống xối xả. Mẹ lầm bầm: “Cái thằng Viên Tai này, nói là sẽ chọn cho con một ngày tốt lành, nhưng xem kìa, nước sắp ngập cả núi Kim Sơn rồi còn gì”.

Hơn mười giờ sáng, hai cô gái chị em xa với Vương Nhân Mỹ đã đội mưa đưa cô ấy đến nhà tôi. Họ đều mặc áo quần chống mưa như thể chuẩn bị ra ngoài bờ đê để chống lũ. Ngoài sân có dùng bạt nilon che lên một cái trại, chính giữa đặt một cái bếp lò tạm thời. Tôi ngồi trước lò đun một nồi nước sôi. Ngũ Quan - em họ tôi đến trước mặt nói: “Này người anh hùng, cô dâu đã đến rồi đấy! Sao anh còn ngồi đây để đun nước?” - Tôi nói: “Thế thì cậu đun thay cho anh vậy.” - Nó nói: “Bác gái đã bố trí em đốt pháo. Trời mưa mà đốt được pháo phải cần có tay kỹ thuật cao.” - Mẹ đứng trước cửa gọi: “Ngũ Quan! Đừng lắm mồm nữa! Đốt pháo đi!” - Ngũ Quan lôi từ trong bụng ra một dây pháo, đánh lửa châm vào dây dẫn, không cần dùng sào mà cầm ở nơi tay, che một chiếc ô, nghiêng người sang một bên cho pháo nổ đì đẹt. Khói thuốc bay tản mạn trong mưa nhưng phần nhiều là vấn vít chung quanh nó. Những đứa trẻ hàng xóm tụ tập xem trò vui, đưa nào đứa nấy ướt như gà bị nhúng nước sôi, vỗ tay tán thưởng rồi đồng thanh hét lớn: “Ngũ Quan! Ngũ Quan! Đầu đầy khói xanh!”. “Bọn nhóc này nói cũng có vần có điệu gớm nhỉ.” - Mẹ tôi nói.

Theo tập tục, cô dâu bước vào nhà chồng xong thì không được nói năng gì, đi ngang qua phòng thờ rồi vào phòng hoa chúc, đặt chân lên giường. Người ta gọi đó là “ngồi giường”. Nhưng Vương Nhân Mỹ thì không làm thế, bước vào sân là cô ấy đứng nguyên tại chỗ xem Ngũ Quan biểu diễn. Thuốc pháo tung tóe làm cho gương mặt Ngũ Quan đen nhẻm chẳng khác nào vừa chui từ trong lò than ra. Vương Nhân Mỹ cười ngặt nghẽo khiến hai cô gái đi theo phù dâu phải giật giật vạt áo nhưng hình như cô ấy chẳng để ý gì cả. Vương Nhân Mỹ mang một đôi giày bằng nhựa cao cổ khiến thân hình cô ấy có vẻ cao hơn rất nhiều, chẳng khác một cây gậy. Ngũ Quan nhìn Vương Nhân Mỹ từ trên xuống dưới như muốn đánh giá: “Chị dâu à, muốn hôn vào môi chị e rằng phải bắc một cái thang!” - “Ngũ Quan, im mồm!” - Mẹ tôi quát lớn. Vương Nhân Mỹ nói: “Ngũ Quan, cậu là đồ ngốc! Ngay cả Trần Tị và Vương Đảm khi hôn nhau cũng đâu cần phải có thang.”… Nghe nói cô dâu và em chồng đấu khẩu với nhau ngoài sân, các bà các cô đều chụm đầu vào nhau thì thầm bàn tán. Tôi xách chiếc xẻng xúc than từ trong trại đi ra, bọn trẻ con nhao nhao: “Chú rể đã ra! Chú rể đã ra!”

Tôi mặc bộ quân phục mới, mặt bám đầy bụi than. Vương Nhân Mỹ cười và cúi người chào tôi. Tâm trí tôi rối loạn, dở khóc dở cười. Hình như thần kinh của cô Vương Nhân Mỹ này có vấn đề rồi. Mẹ quát lớn: “Mau đưa cô dâu vào nhà!”. Không biết tôi học đâu câu nói rất hoa mỹ: “Phu nhân, xin mời vào động phòng!” - Vương Nhân Mỹ nói: “Trong nhà bức bối lắm, đứng ngoài thoải mái hơn!”. Bọn trẻ con vỗ tay đạp chân xuống đất sầm sập. Tôi chạy vào nhà lấy một nhúm kẹo rồi chạy ra khỏi cổng, phóng ra ngõ. Bọn trẻ con nối đuôi nhau chạy theo tôi và tranh nhau những viên kẹo tôi ném xuống đất. Tôi quay lại nắm chặt cổ tay Vương Nhân Mỹ lôi thẳng vào nhà. Cửa nhà quá thấp nên đầu Vương Nhân Mỹ đụng vào thanh trên của khung cửa kêu đánh “bộp” một tiếng. Cô ấy kêu lên: “Ôi da! Mẹ ơi! Vỡ đầu con rồi!”. Các bà các cô cười nghiêng ngã.

Nhà tôi quá nhỏ nhưng người đến thì quá đông, không có chỗ mà đặt mông nữa. Ba chị em Vương Nhân Mỹ cởi áo đi mưa ướt sũng nước nhưng không biết treo vào đâu, đành giắt lên cánh cửa. Nền nhà vốn đã ướt át, lúc này thì bàn chân ai cũng đang dẫm lên bùn, lên nước. Phòng nhỏ, giường đất dài không được hai mét, những chăn, gối, khăn… tất tần tật đều được đặt trên đầu giường. Cái mông của Vương Nhân Mỹ vừa đặt xuống giường đã giật nẩy lên, kêu to: “Ôi bố mẹ ơi! Thế này mà gọi là giường à? Có khác nào một cái lò nung!”

Mẹ tôi đã bắt đầu cáu, gõ gõ cái gậy xuống đất, nói: “Cứ cho là cái lò nung thì con cũng phải ngồi xuống. Để mẹ xem cái lò nung này có nướng chín mông của

con không”.

Vương Nhân Mỹ lại cười ngặt nghẽo, hạ giọng nói với tôi: “Tiểu Bão, mẹ anh thật hóm hĩnh! Cái mông của tôi bị nướng chín thì làm sao đẻ được quán quân thế giới!”

Tôi đã nóng mũi, nhưng ngày lành tháng tốt không thể tự do phát tác sự nóng nảy của mình được, bèn đưa tay sờ thử chiếc giường. Đúng là nóng thật. Cũng tại khách đến quá đông. Cô dì chú bác thím cháu đều tụ tập cả về đây nấu nướng, nào là hấp bánh bao, xào rau, nấu miến từ hôm qua đến giờ. Lửa trong hai chiếc bếp lò không bao giờ tắt nên làm cho chiếc giường đất nóng đến độ tấm chiếu trải trên giường gần như muốn cháy sém. Tôi lấy một chiếc chăn trên đầu giường gấp lại làm bốn, trải lên giường bên cạnh góc tường, nói: “Phu nhân! Xin mời ngồi!”. Vương Nhân Mỹ lại cười giòn tan, nói: “Tiểu Bão, anh thật hài hước, mở miệng ra là phu nhân. Anh cứ theo tập tục ở đây, gọi tôi là bà xã hay như trước đây anh đã từng gọi là Nhân Mỹ thì hay hơn”. Tôi không có lời lẽ nào để đối đáp. Đã cưới một cô vợ thần kinh có vấn đề như thế này thì tôi còn biết đối đáp như thế nào nữa? Rõ ràng Vương Nhân Mỹ không hiểu được lý do tôi gọi cô ta là phu nhân là vì tôi có ý châm chọc hay là tôi đang phát tiết sự bực bội trong lòng đối với cô ta. “Được rồi, bà xã, Nhân Mỹ, xin mời lên giường!”. Với sự giúp đỡ của hai cô em họ, tôi cởi giày, cởi đôi vớ nilon ướt sũng của Vương Nhân Mỹ rồi đẩy cô ta lên giường. Vừa lên giường là cô ta đứng dậy, đầu đụng phải xà nhà kêu đánh bộp. Trong căn phòng nhỏ bé và thấp tẹt này, Vương Nhân Mỹ càng cao lên nhiều lần, đôi chân mà tôi đã khen là như chân tiên hạc hầu như không có bắp vế. Bàn chân cô ta cũng không hề nhỏ, trông chẳng thua kém gì bàn chân tôi. Cứ thế, đôi chân trần đó cứ đi đi lại lại trên chiếc giường không đầy hai mét vuông ấy. Theo tập tục thì hai cô phù dâu cũng lên giường cùng với cô dâu. Nhưng chỉ mỗi mình Vương Nhân Mỹ cũng đã đủ làm cho chiếc giường chật cứng, hai cô em họ chỉ biết đứng trong góc phòng trố mắt nhìn. Như muốn khoe chiều cao, Vương Nhân Mỹ nhón chân để cho đầu mình đụng vào lớp giấy dán trần ở trên và hình như rất thích thú với trò này, cô ta đi lại trên giường để đầu cọ xát vào giấy kêu lên xoèn xoẹt. Mẹ tôi vịn vào khung cửa, đưa đầu vào thăm dò thực hư, nói: “Con dâu à, con làm chiếc giường sập mất, tối nay lấy gì mà ngủ?” - Vương Nhân Mỹ cười hi hi, nói: “Giường sập ngủ dưới đất càng thích!”

Chiều tối, cô tôi đến, vừa bước chân vào cửa đã kêu lớn: “Bà cô giá lâm sao không có ai nghinh tiếp cả?”

Chúng tôi vội vàng chạy ra đón cô. Mẹ nói: “Mưa to gió lớn thế này nên nghĩ là cô không đến được”.

Trong tay cô là một chiếc ô, ống quần xắn cao quá đầu gối, chân trần. Đôi giày cô đang kẹp dưới nách.

“Đừng nói là mưa to gió lớn, có ngăn cách bởi biển lửa rừng đao tôi cũng phải đến! Cháu tôi là chiến sĩ giải phóng quân, tôi phải đến chứ!” - Cô nói.

“Cô à, cháu mà là chiến sĩ quái gì! Cháu là hỏa đầu quân, là anh nuôi, ngay cả một viên đạn cũng có bắn được đâu!” - Tôi nói.

“Anh nuôi cũng rất quan trọng. Con người là sắt, cơm là gang. Làm lính mà không ăn được no thì lấy sức đâu mà luyện tập, mà xung phong.” - Quay sang mẹ, cô nói - “Làm nhanh nhanh cái gì ăn một miếng, ăn xong là tôi về ngay. Nước sông dâng cao rồi, chờ lâu nước ngập cầu, tôi không thể về được nữa”.

“Về không được thì cứ ở nhà anh chị một vài ngày.” - Mẹ nói - “Lâu lắm không được nghe cô kể chuyện, tối nay chắc là được nghe rồi đây”.

Cô nói: “Không được, ngày mai khai mạc Hội nghị hiệp thương chính trị rồi”.

“Tiểu Bão à, cô đã thăng quan rồi, là ủy viên thường vụ Hội nghị hiệp thương chính trị rồi đấy.” - Mẹ nói.

“Đó mà gọi là quan à? Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thôi!”

Vừa nói, cô vừa bước vào trong. Các bà các cô đồng loạt đứng dậy. Những người đang ngồi trên giường cũng nhảy xuống, hình như mọi người tranh nhau nhường chỗ cho cô. Cô nói: “Ai ngồi chỗ nấy, tôi chỉ ăn miếng cơm rồi về.”

Mẹ bảo chị gái tôi làm cơm cho cô.

“Để cô xem phòng hoa chúc của cháu nào!” - Cô nói.

Vương Nhân Mỹ chê giường nóng nên leo lên ngồi trên bệ cửa sổ đọc một cuốn sách gì đó, vừa đọc vừa cười một mình.

“Cô đến!” - Tôi nói nhỏ.

Vương Nhân Mỹ nhảy vọt xuống giường, chụp lấy tay cô, nói: “Cô à, cháu có việc muốn tìm thì cô đã đến”.

“Tìm cô có việc gì?” - Cô hỏi.

Vương Nhân Mỹ hạ giọng thật thấp, nói: “Nghe nói cô có một phương thuốc uống vào là có thể sinh đôi?”

Cô nhăn mặt: “Cháu nghe ai nói?”

“Vương Đảm nói”.

“Toàn nói sàm! Đừng nói là không có phương thuốc ấy, nếu có đi nữa thì ai có gan đưa cho cháu uống?” - Cô nói với giọng hết sức nghiêm túc.

“Vương Đảm nói người ở Trần gia trang uống thuốc của cô thì có thai rồng thai phượng.” - Vương Nhân Mỹ nói.

Cô đưa nửa chiếc bánh bao đang ăn dở cho chị gái tôi, nói: “Tức chết đi được! Con tiểu yêu Vương Đảm này, cô đã tốn không biết bao nhiêu sức lực mới lôi nó từ trong bụng mẹ ra mà bây giờ nó lại đặt điều nói bậy táng tận lương tâm như vậy. Chờ đó, cô mà gặp, cô sẽ cắt phăng cái mặt của nó đi!”

“Cô đừng giận nữa” - Tôi vừa nói vừa đá nhẹ vào chân Vương Nhân Mỹ, gắt nhỏ: “Im mồm!”

Không ngờ Vương Nhân Mỹ lại làm toáng lên: “Ai da! Mẹ ơi! Anh làm gãy chân tôi rồi!”

Mẹ tôi đã cáu giận thực sự, gằn xọng: “Gãy thế nào được cái chân chó ấy!”

“Mẹ à, Vương Nhân Mỹ kêu lên - Mẹ nói không đúng rồi. Con chó vàng to đùng của chú hai nhà con đã bị lão Tiêu Thượng Thần dùng kẹp sắt tiện đứt đôi chân đấy!”

Số là, sau khi nghỉ hưu về làng, Tiêu Thượng Thần là một lão già chuyên tàn sát các loài động vật. Lão có một khẩu súng bắn chim, suốt ngày mang súng đi khắp nơi, gặp chim gì cũng bắn. Ngay cả loài chim báo tin vui là chim khách và chim nuôi trong nhà người ta là bồ câu mà lão cũng không tha. Lão còn đan một tấm lưới rất dày để bắt cá. Ngay cả những con cá con mới sinh, lão cũng chẳng bỏ qua. Lão còn chế ra một cái kẹp sắt thật lợi hại, nấp trong rừng để bắt thỏ hoang, chuột và các loài thú khác. Con chó chú hai nhà Vương Nhân Mỹ bị chính cái kẹp sắt này tiện đứt đôi chân trước khi lão đi ngang qua nhà, nó chạy vồ ra sủa.

Vừa nghe thấy cái tên Tiêu Thượng Thần, mặt cô tôi đã biến sắc, nghiến răng nghiến lợi nói: “Đồ tạp chủng ấy đáng ra đã bị thiên lôi đánh chết tươi lâu rồi. Nhưng lão vẫn sống phè phỡn, ngày nào cũng ăn ngon uống khỏe, to béo như một con trâu đực. Đúng là ông trời cũng sợ đụng vào kẻ ác!”

“Cô à, ông trời sợ Tiêu Thượng Thần nhưng cháu thì không sợ.” - Vương Nhân Mỹ nói: “Cô có thù oán với lão ta, cháu sẽ thay mặt cô báo thù!”

Cô tôi đã vui trở lại, cười lớn nói: “Nhân Mỹ à, cô nói thật nhé, ban đầu nghe tin Tiểu Bão sắp lấy cháu, cô không đồng ý. Nhưng nghe nói cháu chủ động bỏ con trai Tiêu Thượng Thần thì cô đồng ý liền. Cô nói, con bé này có khí cách đây. Sinh viên đại học thì có gì là ghê gớm. Tương lai con cái nhà họ Vạn chúng ta không những học đại học mà còn học ở những trường dang tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Kiếm Kiều, Đại học Ngưu Tân ấy chứ. Không những học cử nhân mà còn lấy cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ nữa, lại còn làm giáo sư, làm nhà khoa hoc. À, còn nữa, là quán quân thế giới nữa.”

Vương Nhân Mỹ nói: “Cô à, do vậy nên cô phải cho cháu loại thuốc đẻ sinh đôi mới được. Cháu sẽ đẻ cho nhà cô một đống con cháu để cho Tiêu Thượng Thần tức mà chết mới sướng!”

“Trời ạ! Ai cũng nói cháu vô tâm, tất cả đều nhầm. Nói đi nói lại, nói ngược nói xuôi cuối cùng thì cũng buộc cô vào cái chuyện ấy.” - Giọng cô thật nghiêm trang: “Các cháu còn trẻ, cần phải nghe lời Đảng, đi theo Đảng, đừng nghe lời bàng môn tả đạo. Sinh đẻ có kế hoạch là quốc sách, Tổng bí thư làm thống lĩnh, toàn thể đảng viên thực hiện làm gương điển hình, tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ thuật, vận động quần chúng. Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con. Đó là chính sách, năm mươi năm vẫn không hề thay đổi. Không khống chế tăng trưởng nhân khẩu, Trung Quốc sẽ tiêu vong. Tiểu Bão, cháu là đảng viên cộng sản, là quân nhân cách mạng, nhất định cháu phải làm gương đi đầu trong việc này”.

“Cô à, cô bí mật đưa thuốc cho cháu, cháu uống một ngụm là xong. Quỷ thần cũng không biết.” - Vương Nhân Mỹ vẫn không chịu bỏ ý định.

“Đúng là cháu cứng đầu cứng cổ!” - Cô nói: “Cô nói lại một lần nữa, nghe cho kỹ đây. Không có loại thuốc ấy. Nếu có, cô cũng không cho cháu uống! Cô là đảng viên cộng sản, ủy viên thường vụ hiệp thương chính trị, phó tổ trường tổ sinh đẻ có kế hoạch huyện. Sao cô lại có thể phạm pháp? Nói cho các cháu biết, dù cô đã gặp nhiều chuyện oan khuất nhưng máu trong tim cô vẫn đỏ, không bao giờ đổi sắc. Cô sống là người của Đảng, chết là ma của Đảng. Đảng chỉ hướng nào, cô xông theo hướng đó! Tiểu Bão, vợ cháu vô tâm, không phân biệt được tro lạnh lửa nóng. Cháu có thể nhận rõ tình thế nên không được hồ đồ mà phạm tội. Lúc này, đã có người đặt cho cô biệt danh là “Diêm vương sống”, cô cảm thấy vô cùng vinh dự! Đối với những phụ nữ đang được phép sinh đẻ thì cô sẽ đỡ đẻ cho họ một cách nhiệt thành. Đối với những ai thuộc diện phải kế hoạch - Cô chém mạnh tay trong không khí như một lưỡi kiếm - thì quyết không để lọt lưới!”

3

Ngày mười ba tháng chạp sau đó hai năm, con gái tôi ra đời. Em họ Ngũ Quan đánh máy kéo đưa chúng tôi từ trạm xá công xã về. Trước khi rời trạm xá, cô nói với tôi: “Cô đã đặt vòng cho vợ cháu rồi”. Vương Nhân Mỹ vén cái khăn bông trùm đầu lên, nói với giọng rất phẫn nộ: “Chưa được sự đồng ý của cháu, sao cô lại đặt vòng?”. Cô kéo cái khăn bông xuống, nói: “Cháu dâu à, trùm kín lại, kẻo gió. Đẻ con xong thì đặt vòng ngay là mệnh lệnh của Ủy ban sinh đẻ có kế hoạch. Nếu cháu là vợ của một nông dân, nếu đứa con đầu là gái thì tám năm sau có thể đẻ đứa thứ hai. Nhưng cháu lại là vợ của một quân nhân, kỷ luật quân đội nghiêm khắc hơn nhiều lần so với các địa phương, sinh đứa thứ hai là về nhà mà cày ruộng thôi. Do vậy, cháu đừng bao giờ nghĩ là mình sẽ tiếp tục sinh con nữa. Muốn làm phu nhân của một sĩ quan quân đội thì cũng phải trả một cái giá nào đó chứ”.

Vương Nhân Mỹ lặng lẽ khóc.

Tôi ôm đứa con gái được quấn chặt trong nhiều lớp quần áo vào lòng, leo lên máy kéo, nói với Ngũ Quan: “Chạy đi!”

Chiếc máy kéo rống lên và phụt khói đen ngòm, ngật ngã ngật ngưỡng chạy trên hương lộ. Vương Nhân Mỹ nằm trong thùng rơ móc, toàn thân trùm trong chăn chiếu. Máy kéo nhảy tưng tưng trồi lên trụt xuống khiến tiếng khóc cô ấy đứt quãng: “Dựa vào cái gì… mà chưa… được sự… đồng ý của tôi mà lại… đặt vòng… Dựa vào cái gì mà… chỉ cho tôi… đẻ một đứa… con…”

Tôi phiền lòng nói: “Đừng khóc nữa! Đó là chính sách của nhà nước!”. Vương Nhân Mỹ càng khóc to hơn, ló đầu ra khỏi chăn - Mặt cô ấy trắng bệch, đôi môi xanh mét, đầu tóc có mấy cọng cỏ vương: “Chính sách nhà nước cái quái gì, đều là chính sách địa phương của cô anh đặt ra mà thôi. Ở huyện Giảo đâu có nghiêm ngặt như thế này. Chỉ là do cô anh muốn lập công thăng quan! Thảo nào người ta chửi cô là…”

“Câm mồm! Có muốn nói gì thì về nhà mà nói. Khóc lóc giữa đường không sợ người ta cười cho à?” - Tôi quát.

Không ít người cưỡi xe đạp đi vượt qua một bên chiếc máy kéo. Sương giá bao trùm không gian, mặt trời đỏ mới ló lên ở phía đông. Hơi thở vừa thoát ra khỏi miệng người, ngay lập tức biến thành sương đậu trên lông mày, lông mi. Nhìn thấy vẻ mặt trắng nhợt đau buồn và mái tóc rối bời của vợ, tôi cảm thấy mình bất nhẫn, bèn lên tiếng an ủi: “Được rồi, không có ai cười em đâu, nằm xuống trùm chăn kín vào. Trong tháng mà sinh bệnh thì phiền phức to đấy”.

“Tôi không sợ! Tôi là cây tùng trên đỉnh Thái Sơn, chống chọi với gió với tuyết để hướng về phía mặt trời!”

Tôi cười khổ: “Anh biết em có bản lĩnh ấy. Em là anh hùng! Em không muốn sinh đứa thứ hai sao? Mang bệnh mang tật trong người thì sinh nở thế nào được nữa?”

Đôi mắt Vương Nhân Mỹ đột nhiên như có khí sắc hẳn lên, hồ hởi nói: “Anh đồng ý sinh đứa thứ hai? Đây là chính miệng anh nói đấy nhé! Ngũ Quan, chú có nghe thấy không? Chú làm chứng nhé!”

“Được, tôi làm chứng!” - Ngũ Quan ngồi ở phía trước cất giọng ồ ồ.

Vương Nhân Mỹ nằm xuống thùng xe, kéo chăn trùm kín đầu nhưng tiếng nói cô ấy vẫn vang ra ngoài: “Tiểu Bão, anh đừng có nói rồi nuốt lời. Anh mà nuốt lời là tôi bỏ anh ngay đấy!”

Khi chiếc máy kéo đến chiếc cầu nhỏ đầu thôn thì trên cầu có hai người đang đứng giằng co nhau, chặn đường không cho máy kéo đi qua.

Hai người ấy, một là bạn học thời tiểu học với tôi Viên Tai, người kia là nghệ nhân nặn đất sét trong thôn Hách Đại Thủ.

Hách Đại Thủ đang nắm chặt cổ tay Viên Tai.

Viên Tai vừa giãy giụa vừa quát: “Bỏ tay ra! Buông tôi ra!”.

Nhưng cho dù có giãy giụa, cổ tay Viên Tai cũng không thể thoát được bàn tay của Hách Đại Thủ.

Ngũ Quan vọt xuống khỏi máy kéo, đến gần nói: “Các lão gia, có chuyện gì vậy? Mới sáng sớm mà đã ra đây đánh nhau rồi à?”

Viên Tai nói: “Tốt quá, Ngũ Quan, cậu thử nói lý lẽ xem. Ông ta đẩy chiếc xe nhỏ phía trước, tôi cưỡi xe đạp từ phía sau vượt qua. Đúng ra là ông ấy đi bên phải, tôi vượt qua phía bên tay trái ông ta. Nhưng khi tôi vừa đến sau lưng thì ông ta lại quay ngoặt xe sang phía bên trái. May mà tôi phản ứng rất nhanh, dừng xe ngay sát bên lề cầu, nếu không cả người lẫn xe đều rơi xuống sông rồi. Lạnh lẽo thế này, không chết cũng thành tàn phế. Nhưng Hách Đại Thủ lại vu cho tôi là cố ý làm rơi chiếc xe đẩy của ông ta xuống cầu”.

Hách Đại Thủ không tranh cãi, chỉ nắm chắc cổ tay Viên Tai.

Tôi ôm con gái nhảy xuống khỏi thùng xe. Chân vừa dẫm đất là cảm thấy lạnh buốt. Đúng là buổi sáng hôm ấy rét thật.

Tôi nhón từng bước chân đi lên cầu. Trên cầu là một đống những hình thù bằng đất sét nặn xanh xanh đỏ đỏ, có cái đã bị vỡ, có cái vẫn còn nguyên vẹn. Bên mé cầu phía đông, dưới sông, trên mặt băng có một chiếc xe đạp cũ nát nằm còng queo, có một lá cờ màu vàng cắm trên yên đèo hàng. Tôi biết trên lá cờ ấy có thêu ba chữ “Tiểu bán tiên”. Từ nhỏ Viên Tai đã có dấu hiệu thần thần bí bí, lớn lên quả nhiên phi phàm. Cậu ta có thể dùng nam châm để lấy ra chiếc đinh sắt từ trong bao tử con trâu, lại biết được cả thuật tướng số, biết xem phong thủy, đọc được cả “Kinh Dịch”, hiểu được Bát quái nên có người gọi cậu ta là “Tiểu bán tiên”. Viên Tai thích cái biệt hiệu này nên tìm một tấm vải vàng may thành lá cờ, trên đó có thêu ba chữ ấy rồi giắt lên yên đèo hàng, mỗi lần đạp xe chạy thì lá cờ kêu lên phành phạch. Cậu ta thường đến chợ xem bói cho mọi người và nghe đâu làm ăn cũng khá lắm.

Phía mé cầu bên tây, trên mặt băng có một chiếc xe đẩy một bánh nằm chỏng chơ, một trong hai chiếc càng đẩy đã bị gãy, hai chiếc sọt trúc lật nhào, mấy chục con vật bằng đất sét nằm vương vãi trên băng, hình như chỉ còn vài con là còn nguyên vẹn. Hách Đại Thủ là người tính tình rất quái lạ nhưng cũng là người được bà con trong thôn kính trọng. Ông ta có đôi bàn tay to bè, chỉ cần có một cục đất sét trong tay, đôi mắt vẫn đăm đắm nhìn người đối diện và chỉ trong một thời gian ngắn, cục đất sét sẽ biến thành người ấy trông như thật. Ngay cả trong thời gian Cách mạng văn hóa, ông ta cũng không bị mất nghề. Ông nội và bố của Hách Đại Thủ cũng sống bằng nghề nặn búp bê bằng đất sét, nhưng nổi tiếng nhất, tay nghề cao nhất vẫn là chính ông ta. Ngoài nặn hình người, ông ta còn những con vật đồ chơi như chó, khỉ, hổ… vốn đơn giản hơn nặn người rất nhiều và trẻ con rất thích những món đồ chơi này. Nói chung những vật phẩm dưới bàn tay của ông ta đều phục vụ cho trẻ con nhưng lại moi tiền của người lớn. Nhà ông ta có năm gian phòng chính, ngoài sân còn dựng một cái trại to đùng. Những búp bê bằng đất sét to có nhỏ có, người có vật có, cái đã được tô màu nhưng cũng có những con vẫn còn mang màu vàng sậm của đất sét nằm la liệt trong nhà ngoài trại. Ngay cả chiếc giường của ông ta cũng chỉ còn lại một khoảng đủ đặt cái lưng, chung quanh cũng chất đầy những búp bê. Ông ta đã bốn mươi, gương mặt lúc nào cũng đỏ, một mái tóc bạc phơ, sau gáy tết một bím tóc nhỏ. Ngay cả hàm râu của ông ta cũng trắng phau. Huyện kế bên chúng tôi cũng có người làm những con vật bằng đất sét nhưng sản phẩm của họ được đúc từ trong khuôn nên cái nào trông cũng giống cái nào, chẳng có chút sinh khí gì cả. Riêng Hách Đại Thủ thì dùng tay nặn nên mỗi con mỗi kiểu mỗi dáng mỗi tư thế, không cái nào giống cái nào. Sản phẩm của ông ta bán rất chạy trong phạm vi toàn huyện, lại có người nói, nhìn những búp bê người qua bàn tay của Hách Đại Thủ, người ta có thể tìm lại được kỷ niệm của thời kỳ niên thiếu. Có người còn nói, nếu trong vò gạo vẫn còn một nhúm gạo thì Hách Đại Thủ không bước chân đến chợ để bán những búp bê yêu quý của mình. Người ta kháo với nhau rằng, khi Hách Đại Thủ bán được một con thì mắt ông ta lại ngân ngấn nước. Chẳng khác nào ông ta bán đứa con dứt ruột đẻ ra vậy. Lúc này, cũng một lúc Hách Đại Thủ lại mất nhiều đứa con như vậy, nhất định ông ta rất đau. Do vậy ông ta giữ chặt lấy Viên Tai cũng là một điều dễ hiểu.

Tôi ôm con gái đi đến trước mặt hai người. Vì mặc quân phục đã lâu ngày, nên tôi cảm thấy không được tự tin lắm mỗi khi mặc thường phục. Do vậy khi đưa Vương Nhân Mỹ đến trạm xá để sinh, tôi vẫn mặc một bộ quân phục. Có lẽ tiếng nói một sĩ quan trẻ ôm đứa con mới sinh trên tay sẽ có trọng lượng hơn. Tôi nói: “Chú à, chú buông Viên Tai ra đi, cậu ấy không cố ý đâu”.

“Đúng thế, chú à, cháu không hề cố ý” - Viên Tai nói như sắp khóc: “Chú tha cho cháu, chiếc xe của chú bị gãy càng, sọt của chú bị hư. Nhất định cháu sẽ sửa cho chú. Những đứa con của chú bị vỡ, cháu sẽ bồi thường”.

“Nể mặt cháu, nể mặt con gái cháu và vợ cháu, chú hãy thả cho Viên Tai đi, cho xe của cháu qua cầu” - Tôi nói.

Vương Nhân Mỹ ngóc đầu lên khỏi thùng xe, kêu lớn: “Chú Hách à, chú nặn cho cháu hai con búp bê, con trai, hoàn toàn giống nhau nhé!”

Người trong thôn nói, mua một con búp bê hình người của Hách Đại Thủ, dùng dải lụa nhỏ màu hồng thắt một chiếc nơ trên cổ nó và đặt trên đầu giường thì đứa con đẻ ra sẽ giống con búp bê không khác một ly! Có điều, khi bán búp bê người, Hách Đại Thủ không cho phép người mua được chọn lựa. Người chuyên bán búp bê ở huyện kế bên khi bán thì bày thành mấy dãy dưới đất để cho người mua tùy ý chọn lựa. Còn búp bê của Hách Đại Thủ thì đặt trong sọt. Trên sọt đậy một tấm chăn. Nếu ai đến mua, ông ta sẽ nhìn mặt người ấy thật kỹ rồi đưa tay sờ soạng trong sọt, lấy ra cái nào thì người mua phải nhận cái ấy. Có người sợ ông ta lấy ra con búp bê không đẹp đòi đổi, ông ta tuyệt đối không bao giờ đổi. Lúc ấy trên mặt ông ta luôn luôn điểm một nụ cười buồn. Mặc dù ông ta không nói năng gì nhưng người mua có cảm nhận là ông ta đang nói rằng: Thì ra vẫn có những ông bố bà mẹ chê con mình xấu sao? Lúc ấy, người mua mới quan sát thật kỹ con búp bê mà ông ta đưa cho mình và phát hiện rằng, nó không hề xấu tí nào, thậm chí còn rất đẹp là đằng khác. Con búp bê ấy như đang cất tiếng gọi bố mẹ, có cảm giác nó là một sinh mệnh đúng nghĩa. Ông ta cũng chẳng bao giờ ra giá. Nếu không đưa tiền, ông ta cũng chẳng nói tiếng nào. Người mua có đưa bao nhiêu tiền đi chăng nữa, ông ta cũng không nói lấy một tiếng cám ơn. Dần dần người ta đã nhận ra rằng, mua búp bê của Hách Đại Thủ chẳng khác nào đang chuẩn bị cho một đứa con bằng xương bằng thịt đúng nghĩa ra đời. Người ta đồn rằng, nếu con búp bê mà ông ta đưa cho người mua là nữ thì người ấy nhất định sẽ sinh con gái và ngược lại, nếu là nam thì người ấy nhất định sẽ sinh con trai. Nếu ông ta lấy ra hai con đưa cho người mua thì người ấy nhất định sẽ sinh đôi. Đây là một điều thần bí, nói thẳng ra thì không còn linh nghiệm nữa. Vợ tôi đã nói toạc ra những yêu cầu của mình, tức là muốn có hai đứa con trai, không biết là có linh nghiệm hay không. Trước đây, khi chúng tôi biết được danh tiếng của Hách Đại Thủ thì vợ tôi đã có thai mấy tháng. Chuyện thần bí ấy có xác thực hay không thì còn chờ sau này tôi còn dám đẻ con nữa hay không.

Đúng là Hách Đại Thủ nể mặt tôi thật. Ông ta buông tay. Viên Tai xoa xoa cổ tay, vừa khóc vừa nói đầy châm biếm: “Đúng là xui xẻo, sáng nay vừa ra khỏi nhà là đã gặp một con chó cái đái trước mặt. Quả nhiên là ứng nghiệm!”

Hách Đại Thủ im lặng cúi nhặt những con búp bê đã vỡ đầu gãy tay bỏ vào trong túi áo to tướng của mình. Nhặt xong, ông ta nép người sát một bên mé cầu nhường đường cho chiếc máy kéo của chúng tôi. Băng đang bám cứng bộ râu của Hách Đại Thủ, gương mặt đượm vẻ buồn bã.

“ Con trai hay con gái?” - Viên Tai hỏi tôi.

“Con gái”.

“Không sao, đứa sau sẽ là con trai”.

“Không có đứa sau”.

“Đừng lo” - Viên Tai nheo mắt nói: “Đến lúc ấy, tớ sẽ nghĩ cách giúp cậu”.

4

Mồng một tháng một năm con chó, con gái tôi được chín ngày tuổi. Theo tục lệ của làng, đó là ngày rất quan trọng, bạn bè và người thân đều đến. Trước đó một ngày, tôi gọi Ngũ Quan, Viên Tai đến để giúp mượn bàn mượn ghế, ấm trà cốc rượu, bát chén… Tính sơ sơ cũng phải có đến năm mươi khách. Hai bên chái nhà đặt hai bàn để đãi khách nam giới. Trên giường của mẹ dọn một mâm để mời khách nữ giới. Tôi là người quyết định thực đơn: Mỗi mâm tám món nguội, tám món nóng và cuối cùng là canh. Viên Tai xem qua thực đơn, nói: “Người anh em à, cậu đãi thế này không xong đâu. Khách mời của cậu đều là nông dân, bụng ai cũng chứa được cả bao tải thức ăn. Những món này chỉ vừa đủ dính răng thôi. Cậu hãy nghe lời tớ, đừng có bày đặt nhiều món làm gì, chỉ cần cục thịt to, chén rượu lớn là được rồi. Cậu bày đặt sang trọng quá nhưng lại ít, mỗi người gắp một đũa là sạch veo, sau đó thì làm sao? Mất mặt lắm”. Tôi thừa nhận lời Viên Tai có lý bèn bảo Ngũ Quan ra chợ mua về hai mươi lăm ký lô thịt lợn, một nửa là mỡ và mười con gà quay, toàn là gà nuôi công nghiệp, vừa to vừa nhiều thịt. Còn tôi thì tự đến nhà ông Vương Hoàn đặt hai mươi ký đậu phụ, nhờ Viên Tai đi mua năm cân rau, mười cân miến, hai mươi lít rượu trắng. Nhà Vương Nhân Mỹ đem đến hai trăm quả trứng gà. Bố vợ tôi đến sớm và xem tôi chuẩn bị, rất vừa lòng nói: “Con rể à, thế này là quá tốt! Nhà con xưa nay vốn tiết kiệm, bị người ta chê cười rồi. Nay con đã làm thay đổi nề nếp gia đình, để cho khách khứa căng tròn bụng ra về. Đúng là người làm chuyện lớn phải có chí khí lớn!”

Khi khách mời đã đến hơn một nửa, tôi mới phát hiện chưa mua thuốc lá đang định nhờ Ngũ Quân đến cửa hàng cung tiêu mua thì Trần Tị và Vương Đảm bồng con đến. Ngũ Quan chỉ vào món quà trên tay Trần Tị nói: “Không cần phải đi mua nữa”.

Mấy năm nay Trần Tị phát tài to, trở thành người có tên trong danh sách “hộ có một vạn đồng” của thôn. Đầu tiên là nó chạy đến Thâm Quyến mua đồng hồ điện tử về bán cho bọn choai choai đua đòi thời trang. Sau đó nó lại đến Tế Nam và bắt mối với một người quen ở nhà máy sản xuất thuốc lá để mua sỉ về cho Vương Đảm đi bán thuốc lá lẻ trong chợ.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh Vương Đảm bán thuốc lá trong chợ. Nó đeo một cái hộp nhỏ khá đẹp có thể đóng mở rất thuận tiện trước ngực, mặt ngoài viết mấy hai chữ “Thuốc lá” to tướng, bên trong chứa đầy thuốc lá. Nó mặc một chiếc áo khoác bằng vải hoa màu lam may vừa khít người. Sau lưng nó đeo một cái địu, bên trong là đứa con mới đẻ khá mập mạp được trùm kín, chỉ chừa cái lỗ mũi. Cho dù là người quen hay không đều phải chú ý đến nó. Người quen thì biết nó là vợ của tay buôn thuốc lá Trần Tị và chính là mẹ đứa bé sau lưng. Người không quen thì cho rằng, con bé đang địu em sau lưng kia trông thật đáng thương nhưng cũng thật dễ thương. Những người mua thuốc lá của nó phần lớn đều tỏ ra rất thương xót và đồng cảm cho hoàn cảnh của “chị em” nó.

Trần Tị mặc chiếc áo da dày cộp và rất cứng, bên trong còn được lót thêm một lớp lông thú rất dày. Mặt cậu ta đỏ gay, râu cằm được cạo nhẵn, cái mũi to và cao, đôi mắt sâu màu tro, đầu tóc xoăn tít.

Ngũ Quan hô: “Đại thương nhân có mặt!”

“Cái gì là đại thương nhân, chỉ là kẻ buôn bán lẻ thôi mà!” - Trần Tị nói.

“Mang thuốc lá đến phải không?” - Viên Tai nói: “Khách khứa đang buồn vì không có thuốc lá để hút đấy”.

Trần Tị đưa túi giấy đang xách trong tay cho Viên Tai. Viên Tai cầm lấy và mở ngay, lôi ra một tút thuốc lá hiệu “Đại kê”, kêu lên: “Đúng là làm ăn lớn mới vung tay hào phóng thế này!”

“Cậu câm bớt cái miệng lại đi!” - Vương Đảm gắt nhỏ: “Nghe miệng cậu nói thì người ở dưới mồ cũng bật dậy mà nhảy disco thôi!”

“Ôi chao! Chị dâu à, thất kính thất kính! Bữa nay sao Trần Tị không bồng chị trong lòng nhỉ?”

“Tôi vả vào mồm cậu bây giờ!” - Vương Đảm giơ tay lên, điệu bộ có vẻ hung dữ.

“Mẹ… mẹ bồng con…” - Thì ra là Trần Nhĩ, con của Trần Tị (bố là Mũi thì có con là Tai) và Vương Đảm đang đứng sau lưng mẹ nó bỗng chạy ra phía trước, giơ tay cho mẹ. Con bé cao đã gần bằng mẹ nó.

“Trần Nhĩ!” - Tôi cúi thấp người ôm con bé lên, nói: “Để chú bồng cháu tí”.

Trần Nhĩ ngoác miệng khóc. Trần Tị đỡ lấy con bé, vỗ vỗ vào mông nó, nói: “Nhĩ Nhĩ, đừng khóc. Không phải là con muốn đi theo bố mẹ để thăm chú giải phóng quân hay sao?”

Trần Nhĩ giơ tay đòi mẹ nó bồng.

“Con nha đầu này chỉ thích theo mẹ” - Trần Tị đưa con cho Vương Đảm nói: “Vừa mới đây thôi vẫn khóc nhè đòi gặp chú giải phóng quân cho bằng được…”

Đúng lúc ấy, Vương Nhân Mỹ vén rèm cửa sổ gọi to: “Vương Đảm, vào đây!”

Vương Đảm bồng Trần Nhĩ chẳng khác nào một con chó nhỏ tha một món đồ chơi quá to, trông rất buồn cười nhưng cũng rất thánh thiện. Nhìn đôi chân nó đang đi, tôi liên tưởng đến những nhân vật trong phim hoạt hình.

“Vương Đảm vẫn rất xinh đẹp, trông chẳng khác nào một con búp bê” - Tôi nói.

“Giống của Liên Xô để lại sao lại không đẹp được chứ!”. Viên Tai chun mũi cau mày nói: “Trần Tị đại ca, nghe nói đại ca rất tàn bạo, không đêm nào để cho chị dâu tôi được ngủ ngon, đúng không?”

Trần Tị gầm lên: “Câm mồm!”

Viên Tai: “Dùng thì nên nâng niu một tí, cậu còn muốn Vương Đảm sinh con cho mình nữa mà”.

Trần Tị đá một cú thật mạnh vào mông Viên Tai, nói: “Không phải là tôi đã bảo cậu câm mồm rồi sao?”

Viên Tai cười nói: “Được rồi, được rồi! Thì câm mồm. Nhưng trước khi câm mồm cho tôi nói câu nữa, tôi thật sự hâm mộ hai người. Lấy nhau đã lâu như vậy mà ngày nào cũng ôm nhau hôn hít. Điều đó cho thấy hôn nhân tự do hoàn toàn khác với hôn nhân do bố mẹ sắp đặt…”

Trần Tị làu bàu: “Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng, cậu thì biết cục cứt gì!”

Tôi vỗ vào cái bụng đang bắt đầu tròn căng của Trần Tị, nói: “Bụng cậu đã to quá rồi đây”.

“Cuộc sống tốt lên rồi mà!” - Trần Tị nói: “Trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ là mình sẽ được sống như thế này”.

“Nên cám ơn Hoa Chủ tịch”. - Viên Tai nói.

“Tớ thì lại cho rằng nên cám ơn Mao Chủ tịch.” - Trần Tị nói: “Nếu ông ấy không chủ động chết thì tất cả vẫn cứ như cũ mà thôi”.

Lúc ấy, lại có khách tiếp tục đến. Mọi người đều tập trung ngoài sân để nghe chúng tôi nói chuyện phiếm. Một số người đã vào trong nhà nhưng thấy bên ngoài có vẻ náo nhiệt hơn nên đã kéo nhau ra ngoài.

Kim Tu - thằng em con ông cậu tôi chen đến bên Trần Tị, ngước đầu lên nhìn vào mặt nó, nói: “Anh Trần à, bà con trong thôn ta đều bàn tán về anh đấy”.

Trần Tị lôi bao thuốc ra rút một điếu đưa cho Kim Tu rồi rút điếu khác đưa lên miệng, ra vẻ rất phong độ, hỏi: “Nói thử xem, họ bàn tán thế nào?”

“Họ nói, anh chỉ cầm theo có mười đồng mà lại đáp máy bay đi Thâm Quyến.” - Kim Tu lắc lắc đầu nói: “Anh đi theo sau lưng một đoàn đại biểu Liên Xô khiến các cô chiêu đãi viên cứ ngỡ anh là một thành viên của đoàn, họ cúi chào anh, anh nói với họ khơ-rơ-sô, khơ-rơ-sô( )… Người ta còn nói, anh đến Thâm Châu, đi theo đoàn đại biểu vào một khách sạn vô cùng sang trọng ăn uống no say ba ngày, lại còn nhận được một đống quà tặng to đùng. Sau đó anh đem những món quà ấy ra ngoài đường bán lại, mua được hai mươi chiếc đồng hồ điện tử, đem về quê bán. Lúc đó anh đã có vốn và cứ thế mà phất lên”.

Trần Tị đưa tay sờ mũi, nói: “Sau đó còn gì nữa không?”

“Họ nói anh đi Tế Nam, đang đi lang thang trên phố thì gặp một ông già đang đứng khóc trên phố. Anh đến bên hỏi: Bác ơi, sao mà bác lại khóc? Ông già nói: Đi dạo phố một vòng, không biết đường về nhà nữa. Anh đưa ông già về nhà. Con trai ông già là trưởng phòng kinh doanh của nhà máy thuốc lá nghĩ anh là một người hảo tâm, bèn kết nghĩa huynh đệ với anh. Do vậy anh mới được lão ấy bán rẻ thuốc lá cho”.

Trần Tị cười vang sảng khoái: “Chú em, không phải là người ta đang viết tiểu thuyết đấy chứ? Anh nói thật với chú nhé, đi máy bay thì anh cũng đã đi mấy lần. Nhưng tất cả đều do anh bỏ tiền ra mua vé. Đúng là anh cũng có quen với mấy người trong nhà máy thuốc lá Tế Nam. Nhưng giá thuốc lá mà họ bán cho anh cũng chỉ rẻ hơn ngoài thị trường ba xu một gói mà thôi”.

“Nói gì thì nói, anh cũng là người có bản lĩnh.” - Kim Tu nói một cách chân thành: “Bố mẹ bảo em phải bái anh làm sư phụ”.

“Người có bản lĩnh chân chính đang có mặt ở đây.” - Trần Tị chỉ vào Viên Tai, nói: “Người này trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chuyện năm trăm năm trước thuộc như đường chỉ trong lòng bàn tay. Chú nên bái cậu ấy làm sư phụ thì đúng hơn”.

“Anh Viên cũng thật đáng nể.” - Kim Tu nói: “Anh Viên đã đến chợ Hạ Trang để bói, biệt hiệu là Tiểu Bán Tiên. Con gà mái nhà em bị mất. Anh Viên chỉ bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm một hồi, nói, vịt đi về phía nước, gà tìm đến bãi rơm. Cứ tìm ở các đống rơm! Quả nhiên mẹ em gặp nó ở đống rơm cách nhà khá xa”.

Trần Tị nói: “Cậu ấy không chỉ biết bói thôi đâu, khả năng của cậu ấy còn lớn hơn rất nhiều. Cậu ấy có thể tùy tiện dạy chú vài chiêu cũng đủ để chú kiếm ăn cả đời”.

Ngũ Quan chen vào, nói:

“Khấu đầu bái sư mau!”

“Không dám không dám! Những chuyện tôi làm, quan chức ở trên coi chẳng ra gì, chỉ là hòa mình với hạng tam giáo cửu lưu để kiếm sống mà thôi. Nếu muốn học thì hãy học anh chú đây, vào quân đội để làm quan. Hoặc là chú thi đại học, như thế mới gọi là đi theo con đường quang minh chính đạo, thành loại người thượng đẳng.” - Viên Tai chỉ vào mũi mình, rồi lại chỉ vào mũi Trần Tị, nói tiếp: “Kể cả cậu ta, những việc làm của cậu ta đâu có đường đường chính chính gì. Bọn anh đây chẳng có cách nào khác phải làm những công việc ấy thôi. Chú còn trẻ, đừng học theo bọn anh”.

Kim Tu vẫn rất cố chấp nói: “Những người như hai anh mới là người có bản lĩnh chân chính. Đi lính, thi đại học đều không đáng được gọi là có bản lĩnh đích thực”.

Trần Tị nói: “Được lắm, anh bạn nhỏ! Chú có cách nghĩ riêng của chú, quá tốt. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ bắt tay nhau cùng làm!”

Tôi hỏi Ngũ Quan: “Sao không thấy Vương Can?”

“Anh Vương Can à? Nhất định là đã chạy đến trạm xá rồi!” - Ngũ Quan nói.

“Thằng này đúng là con quỷ mê gái, bốn ngựa cũng khó lòng kéo nó quay trở lại.” - Trần Tị nói.

“Nóc nhà nó quay không đúng hướng!” - Viên Tai nói một cách thần bí: “Hướng cổng nhà nó cũng chẳng ra gì, ngay cả nhà xí cũng chọn hướng không tốt”. Quay sang Trần Tị, Viên Tai nói tiếp: “Mười mấy năm trước tôi đã nói với bố vợ cậu rằng, chú phải lập tức sửa lại hướng nhà, hướng cổng và hướng nhà xí. Nếu không, trong nhà sẽ có người mắc bệnh thần kinh! Bố vợ cậu lại cho rằng tôi trù ẻo ông ấy, xách roi lên quất cho tôi mấy roi. Thế nào? Có ứng nghiệm không? Ban đêm Vương Can ôm cột mà ngủ, ban ngày có chút thời gian là cong người chạy thục mạng đến trạm xá, lại còn dọa chó đuổi gà nhà người ta, trông như một thằng vô lại. Không phải bị thần kinh thì là cái gì? Dù sao Vương Can cũng chỉ là một nông dân nhưng đầu óc lại mang tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản, bị cô “Tiểu sư tử” có cái mặt đầy mụn ấy làm cho thất điên bát đảo, hồn không nhập xác. Về cơ bản đó cũng là một biểu hiện của bệnh thần kinh”.

Tôi nói: “Được rồi, các anh em đừng nghe Viên Tai huyên thuyên nữa. Bắt đầu tiệc thôi!”

Viên Tai nói: “Phong thủy của khu văn phòng công xã của chúng ta cũng không tốt. Từ xưa đến nay cổng thì phải quay về hướng nam nhưng cổng công xã thì lại quay về hướng bắc. Đối diện ngay với cổng chính lại là lò mổ, suốt ngày đao chọc vào thì trắng, rút ra thì đỏ, máu thịt bầy nhầy, mùi xú uế quá nặng. Tôi đã đến công xã phản ánh chuyện này. Cán bộ nói tôi lại theo đòi mê tín dị đoan phong kiến, thiếu chút nữa thì bắt tôi trói lại. Bây giờ thì thế nào? Bí thư Tần Sơn bị liệt nửa người, còn em trai ông ta Tần Hà thì điên điên khùng khùng bao lâu nay. Ông bí thư mới họ Khâu đưa mấy chục nhân viên cao cấp của công xã đi phương nam để khảo sát học hỏi, gặp tai nạn giao thông. Cả xe không chết cũng bị thương nặng, cán bộ cao nhất công xã coi như bị xóa sổ hoàn toàn. Phong thủy là chuyện quan trọng, cho dù anh có uy, có cứng mấy đi chăng nữa cũng không là gì với vua chúa ngày xưa. Vua chúa cũng tin phong thủy nữa là...”

“Vào tiệc thôi!” - Tôi nói và vỗ mạnh vào mông Viên Tai: “Đại sư à, phong thủy rất quan trọng, nhưng cơm rượu vẫn cứ quan trọng hơn”.

“Không sửa cổng công xã thì người mắc bệnh thần kinh còn xuất hiện nữa, không những thế mà còn có chuyện lớn xảy ra.” - Viên Tai nói: ‘‘Không tin thì cứ chờ đấy mà xem!”

5

Vương Can yêu “Tiểu sư tử” bằng một tình yêu đơn phương và những hành vi rất kỳ quái của cậu ta đã biến thành đề tài trà dư tửu hậu để mọi người bàn tán. Nói cách khác, cậu ta đã trở thành đề tài để gây cười. Riêng tôi không hề tham gia vào câu chuyện này, bởi trong thâm tâm, tôi thông cảm, thậm chí là kính phục cậu ta. Tôi vẫn nghĩ, Vương Can là một thiên tài nhưng sinh ra không gặp thời để thể hiện, sinh không có đất để dụng võ, một người đàn ông thủy chung với trái tim mình. Nếu có một cơ duyên nào đó, nhà văn nhà thơ đã có thể viết nên một thiên tình sử, một pho tình thi về cậu ta để lưu truyền thiên cổ.

Trong khi bọn đồng lứa chúng tôi chưa đủ lớn để nghĩ đến chuyện tình yêu nam nữ thì trái tim Vương Can đã biết rung động trước “Tiểu sư tử”. Tôi vẫn nhớ một lời than thở của cậu ta cách đây nhiều năm về trước: “Tiểu sư tử” đẹp quá! Nói một cách khách quan, “Tiểu sư tử” không đẹp chút nào, thậm chí không đáng được gọi là dễ coi. Cô tôi từng nghĩ là cưới cô ta cho tôi. Tôi biết đó là người trong mộng của Vương Can và lấy đó làm lý do để cự tuyệt. Nhưng thực tế là cô ta không lọt vào mắt tôi. Nhưng trong mắt Vương Can, “Tiểu sư tử” lại là đệ nhất mỹ nhân trên thế gian này, nói văn vẻ một tí thì “trong mắt người đang yêu, em bỗng hóa Tây Thi”.

Sau khi nhét lá thư tỏ tình đầu tiên gửi cho “Tiểu sư tử” vào bưu điện, tâm trạng Vương Can vô cùng phấn khích, lôi tôi ra bờ đê và trút hết những nỗi băn khoăn trăn trở cũng như chờ đợi và hy vọng của cậu ta. Chuyện ấy diễn ra vào mùa hè năm 1970, chúng tôi vừa tốt nghiệp trường trung cấp nông nghiệp. Nước dưới sông chảy cuồn cuộn, trên mắt nước là rơm rạ và xác động vật. Một con hải âu cô độc liệng vòng trên cao. Bên bờ, nơi nước sông không chảy mạnh, bố Vương Nhân Mỹ đang im lặng ngồi câu cá, Lý Thủ - sư đệ của chúng tôi ngồi một bên xem.

“Có nên nói cho Lý Thủ biết không?”

“Nó còn trẻ con, không hiểu gì đâu”.

Chúng tôi trèo lên cây liễu cổ thụ trên bờ đê, chọn một cành xõa ra mép sông và ngồi vắt vẻo lên đó. Cánh cây sà xuống đạp lên mặt sông khiến nước bắn lên rồi lan ra, tạo nên những những con sóng nho nhỏ.

“Có chuyện gì vậy? Nói nhanh đi”.

“Cậu phải thề trước với tớ là sẽ giữ bí mật”.

“Được! Tôi thề - Nếu tôi làm lộ bí mật của Vương Can thì sẽ rơi xuống sông chết đuối”.

“Bữa nay..., cuối cùng thì tớ cũng đã nhét lá thư... vào thùng thư rồi...” - Gương mặt Vương Can trắng bệch, đôi môi run run.

“Viết thư cho ai? Sao mà trang trọng quá vậy? Viết cho Mao Chủ tịch à?”

“Cậu nghĩ lung tung gì vậy?” - Vương Can nói: “Mao Chủ tịch và tớ có quan hệ gì đâu. Là viết cho cô ấy!”

“Nhưng cô ấy là ai?” - Tôi thấy sốt ruột.

“Cậu đã thề rồi, không làm lộ bí mật của tớ...”

“Đồng ý, vĩnh viễn không tiết lộ!”

“Xa thì tận chân trời, gần thì ngay trước mặt thôi”.

“Đừng dấm dớ nữa!”

“Cô ấy... cô ấy...” - Đôi mắt Vương Can phát ra những tia sáng hơi kỳ lạ, nói như trong mơ ngủ: “Cô ấy chính là “Tiểu sư tử” của tớ...”

“Cậu viết thư cho cô ta để làm gì? Muốn hỏi cô ta làm vợ à?”

“Đúng quá! Sao mà cậu nhanh thế?” - Vương Can lẩm bẩm: “ Sư tử, “Tiểu sư tử” thân yêu của tôi. Tôi tự nguyện đem toàn bộ tuổi trẻ của tôi giao phó cho “Tiểu sư tử” yêu quý... Người tôi yêu ơi! Hãy tha thứ cho tôi. Tôi đã viết tên em lên giấy và hôn đi hôn lại cái tên ấy, không biết bao nhiêu lần...”

Tôi cảm thấy hơi run, toàn thân đồng loạt nổi da gà. Rõ ràng là Vương Can đang đọc lá thư mà cậu ta đã viết, hai tay nắm chặt lấy cành cây, mặt tì vào lớp vỏ cây xù xì, đôi mặt mơ màng và hình như đang dâm dấp nước mắt.

“... Kể từ lúc lần đầu gặp em tại nhà Tiểu Bão, tôi đã bị em làm cho say đắm. Từ đó cho đến bây giờ và có lẽ là vĩnh viễn, trái tim tôi đã hoàn toàn thuộc về em. Nếu em muốn nhai muốn nuốt nó, tôi sẵn sàng móc nó ra cho em mà không hề có chút do dự nào. Tôi mê muội khuôn mặt đỏ, cái mũi trông rất sinh động, đôi môi non tơ, mái tóc bồng bềnh và hai con mắt sáng của em. Tôi mê giọng nói của em, mùi vị trên người em và nụ cười của em. Chỉ cần em cười là tôi đã cảm thấy đầu óc mình choáng váng, tiếc là không được quỳ xuống đất để ôm lấy đôi chân em, ngước lên và nhìn khuôn mặt đang cười của em...”

Ông Vương giật mạnh cần câu về phía sau, sợi cước trắng tạo nên một chuỗi hạt nước trong veo loa lóa trong nắng. Đầu sợ cước có treo tòng teng một con ba ba màu vàng sậm lớn cỡ cái cốc uống nước, nhanh chóng rơi xuống bờ đê. Hình như bị rơi quá nặng nên con ba ba đã chết giấc, ngửa chiếc bụng trắng trắng lên trời, bốn chiếc chân nho nhỏ co lại trông thật đáng thương những cũng rất đáng yêu.

Lý Thủ vỗ tay hoan hô: “Ba ba!”

“... “Tiểu sư tử”, người thân yêu nhất đời tôi ơi! Tôi là một người nông dân, xuất thân bần tiện. Còn em, em lại là bác sĩ sản khoa, ăn lương nhà nước. Địa vị xã hội giữa hai ta là một trời một vực. Có lẽ, em chưa hề thèm liếc nhìn tôi, cũng có thể sau khi được xong lá thư này, đôi môi xinh đẹp của em sẽ điểm một nụ cười thương hại, sau đó là xé tan thành trăm mảnh. Cũng có thể, khi nhận thư xong, em không thèm liếc mắt nhìn mà đã vất vào sọt rác. Nhưng tôi vẫn cứ phải nói với em rằng, em yêu, nếu em chấp nhận tình yêu của tôi thì tôi sẽ chẳng khác nào hổ được thêm đôi cánh, tuấn mã được thắng yên cương nạm bạc vàng. Tôi sẽ có được một sức mạnh vô cùng vô tận, tinh thần tôi sẽ hăng hái. Bánh bao rồi sẽ có, sữa bò rồi sẽ có... Tôi tin rằng, được sự khích lệ của em, tôi sẽ làm cho địa vị xã hội của mình thay đổi, sẽ trở thành một người được ăn lương nhà nước, đứng bên cạnh em...”

“Ôi chao! Hai người ở trên cây làm gì? Đang đọc tiểu thuyết à?”. Lý Thủ đã phát hiện ra chúng tôi, kêu lớn.

“... Nếu em không chấp nhận tôi, em yêu, tôi sẽ không lùi bước, tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi vẫn sẽ âm thầm theo đuổi em, em đi đến đâu là tôi sẽ có mặt ở đó. Tôi có thể quỳ xuống đất để hôn đôi bàn chân em. Tôi có thể đứng bên dưới của sổ nhà em để nhìn đèn trong nhà em từ khi nó được đốt lên cho đến khi tắt ngấm. Tôi muốn mình biến thành một cây nến cháy lên vì em, cháy cho đến khi cạn khô. Em yêu, nếu vì em mà tôi hộc máu chết thì em có thể khai ân đến trước phần mộ tôi để nhìn thoáng qua thôi. Như thế là tôi đã toại nguyện lắm rồi. Nếu em vì tôi mà rơi một giọt nước mắt, tôi chết mà không hối hận gì. Em yêu, ước gì lúc này trong tay tôi có loại linh dược uống vào sẽ chết nhưng rồi sẽ sống lại...”

Da gà trên toàn thân tôi đã mất và hình như tôi đã rất cảm động vì những lời lẽ tỏ tình vô cũng bóng bẩy mà Vương Can đang đọc. Không ngờ là cậu ta yêu “Tiểu sư tử”, mà lại yêu đến độ điên cuồng si mê như thế. Cũng không ngờ rằng Vương Can lại viết văn hay đến như vậy, viết thư tình mà chẳng khác nào những lời than khóc. Cũng chính trong những điều bất ngờ ấy, tôi mơ hồ nhận ra rằng tuổi thanh xuân đang đến với tôi. Trong đó, Vương Can là người dẫn đường. Tuy lúc ấy tôi chưa hề biết tình yêu là gì nhưng ánh sáng chói lọi của nó đã hút tôi lao về phía trước chẳng khác nào một con thiêu thân đâm đầu vào lửa.

“Cậu yêu “Tiểu sư tử” như vậy, nhất định cô ấy cũng sẽ yêu cậu”. Tôi nói.

“Thật thế ư?”. Vương Can chộp lấy tay tôi siết cứng, đôi mắt như có lửa, nói: “Cô ấy sẽ yêu tớ, thật không?”

“Sẽ yêu, nhất định sẽ yêu”. Tôi cũng dùng sức nắm chặt bàn tay Vương Can: “Nếu thực tế không đúng như vậy, tớ sẽ giúp cậu tìm gặp cô tớ, nhờ cô ấy làm bà mối. “Tiểu sư tử” rất nghe lời cô”.

“Không cần, đừng bao giờ làm thế!”. Vương Can nói: “Tớ không muốn mượn sức từ bất cứ người nào. Những trái dưa còng queo thì không ngọt. Tớ sẽ dựa vào sự kiên trì của mình để đánh động trái tim cô ấy”.

Ở phía dưới, Lý Thủ ngẩng đầu lên, hét lớn: “Hai ông ngồi trên ấy làm cái quái gì thế?”

Ông Vương vốc một nắm bùn nhão ném vào chúng tôi, quát lớn: “Đừng làm cho cá của ta sợ!”

Từ phía hạ nguồn, một chiếc thuyền máy sơn màu đỏ chen lẫn màu lam chạy đến. Tiếng động cơ nổ ầm ầm làm vang vọng cả không gian trên sông khiến từ trong vô thức của con người sản sinh một sự bực bội và sợ hãi. Nước sông chảy xiết, thuyền lội ngược dòng nên tốc độ rất chậm, hai bên mạn thuyền nước bắn tung tóe, hai luồng sóng bạc đầu hình chiếc quạt rẽ sang hai bên. Trong làn hơi nước mờ mờ trên sông vương vấn mùi dầu bị đốt cháy xộc vào mũi chúng tôi. Mười mấy con hải âu chao lượn vòng quanh chiếc thuyền.

Đây là chiếc thuyền chuyên dụng của Tổ sinh đẻ theo kế hoạch thuộc công xã, cũng có thể nói đó là chiếc thuyền chuyên dụng của cô tôi. Đương nhiên “Tiểu sư tử” cũng có mặt trên thuyền. Để đề phòng nước sông dâng đột ngột làm ngập cầu đá khiến giao thông giữa hai bờ cách trở ảnh hưởng đến công tác quản lý sinh đẻ theo kế hoạch cũng như đề phòng những điều khó lòng lường trước và cũng nhằm cổ vũ cho ngọn cờ đầu về công tác sinh đẻ có kế hoạch trong toàn huyện, huyện đã trang bị cho cô tôi chiếc thuyền này. Trên thuyền có một khoang nhỏ, hai hàng ghế da nhân tạo được đặt hai bên. Phía sau đuôi thuyền gắn một máy dầu diezen 12 mã lực. Đầu thuyền gắn hai chiếc loa phóng thanh cực lớn, lúc này đang phát một bài hát dân ca Hồ Nam, ca từ ca tụng Mao Chủ tịch, âm điệu rất du dương. Mũi thuyền đang hướng vào bờ, có lẽ những người trên thuyền đang muốn về thôn chúng tôi. Âm nhạc đột nhiên tắt ngấm khiến tiếng nổ của máy diezen càng thêm chát chúa. Tiếp theo đó là tiếng của cô tôi: “Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch đã dạy chúng rằng, nhân loại hãy khống chế chính mình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch…”

Kể từ lúc chiếc thuyền xuất hiện, Vương Can không nói năng gì nữa và hình như cậu ta đang run rẩy. Cậu ta há miệng, đôi mắt ươn ướt chăm chú nhìn chiếc thuyền. Khi mũi chiếc thuyền rẽ về phía bờ thì Vương Can kêu lên nho nhỏ, dáng vẻ rất căng thẳng. Và hình như cậu ta đang có ý định nhảy xuống nước thì phải. Tiếng động cơ đã giảm và cô tôi, “Tiểu sư tử” xuất hiện.

Người lái thuyền rất quen biết với chúng tôi - Tần Hà. Sau Cách mạng văn hóa, anh trai của anh ta ngồi lại ghế bí thư công xã. Có một đứa em xin ăn ở chợ, cho dù cách thức ăn xin có cao nhã đến đâu cũng khiến ông lãnh đạo cao nhất công xã mất mặt. Nghe đâu là hai anh em họ đã tiến hành đàm phán với nhau và Tần Hà đã đưa ra một yêu cầu hết sức kỳ lạ: Phải cho anh ta một công việc ở Phòng phụ khoa của trạm xá công xã. “Chú là đàn ông, về Phòng phụ khoa làm gì?” - “Có rất nhiều bác sĩ phụ khoa là đàn ông!” - “Chú không hiểu một tí gì về y thuật cả.” - “Tại sao tôi nhất thiết phải hiểu y thuật?”. Sau đó, Tần Hà trở thành người lái thuyền cho tổ sinh đẻ có kế hoạch. Kể từ ngày ấy, người này bám riết lấy cô tôi, những ngày cần dùng đến thuyền thì anh ta lái thuyền. Những ngày không cần đến thuyền thì anh ta thẫn thờ ngồi dưới thuyền chờ đợi.

Đầu tóc Tần Hà vẫn rẽ ngôi giữa như xưa, vẫn giống những thanh niên học sinh thời kỳ Ngũ Tứ mà chúng tôi vẫn thường thấy trên phim ảnh. Mùa hè nhưng anh ta vẫn mặc bộ đồng phục học sinh màu lam dày cộp, trên túi áo vẫn giắt hai chiếc bút - một chiếc bút chì và một chiếc bút bi hai màu. Gương mặt anh ta có vẻ đen hơn so với lần gặp trước. Tay anh ta đang điều khiển tay lái để đưa chiếc thuyền vào bờ đúng vào chỗ cây liễu già. Tiếng động cơ xoành xoạch. Những âm thanh vang lên trong loa càng to hơn, to đến độ khiến màng nhĩ của chúng tôi lùng bùng.

Chếch bên tay phải của cây liễu có một bến đò lâm thời theo chỉ thị của lãnh đạo công xã và chuyên dùng cho chiếc thuyền của tổ sinh đẻ có kế hoạch dừng. Bốn cây gỗ to được đóng xuống sông và trên đầu chúng, người ta dùng dây thép buộc những thanh gỗ ngang dọc và đặt mấy tấm ván lên. Thế là thành bến đò. Tần Hà nhảy lên trước, lôi dây thừng buộc thuyền vào cọc gỗ rồi đứng trên bến. Động cơ đã tắt, tiếng loa cũng ngừng, không gian chỉ còn tiếng nước chảy rì rào và tiếng chim hải âu kêu.

Người đầu tiên rời xuất hiện trước mũi thuyền là cô tôi. Thuyền tròng trành nên thân thể cô cũng lắc lư. Tần Hà đưa một tay cho cô như muốn bảo cô vịn vào nhưng cô đã gạt phắt, tung người nhảy một cái thật đẹp và đứng vững trên bến thuyền. Tuy thân hình cô đã hơi đẫy đà nhưng những động tác của cô vẫn rất nhẹ nhàng, khỏe mạnh. Có một dải băng trắng quấn quanh đầu cô, loang lổ màu đỏ, chắc là máu.

Người tiếp theo cô tôi đương nhiên là “Tiểu sư tử”. Lúc này cô ta đã mập hơn nên trông có vẻ lùn hơn, sau lưng đeo một hòm thuốc to tướng. Tuy trẻ hơn cô tôi rất nhiều những những động tác của “Tiểu sư tử” trông có vẻ chậm chạp và vụng về lắm. Tuy vậy, sự xuất hiện của “Tiểu sư tử” vẫn khiến mặt Vương Can tái đi, ôm chặt lấy cây liễu và từ hai giọt nước mắt từ từ lăn ra trên khóe mắt cậu ta.

Người thứ ba xuất hiện trước mũi thuyền là Hoàng Thu Nhã. Mấy năm không gặp, trông bà ta lúc này đã già đi rất nhiều, đôi chân khuỳnh như ngắn hơn, động tác trông có vẻ rất chậm chạp. Bà ta đứng trước mũi thuyền, thân hình lảo đảo, hai tay chới với, có cảm giác là sẽ rơi xuống nước bất kỳ lúc nào. Tất nhiên là bà ta đang muốn lên bờ, nhưng đôi chân bà ta khó lòng đặt được lên tấm ván trên bến. Tần Hà lạnh lùng đứng nhìn, không thèm giúp đỡ. Hoàng Thu Nhã cúi người, vươn cả hai cánh tay về trước và bám vào đầu một tấm ván. Cô tôi lên tiếng có vẻ bực bội: “Chị Hoàng à, hay là chị ở trên thuyền chờ chúng tôi”. Rồi cô nói tiếp: “Ở lại để trông bà ta, đừng cho bà ta trốn đi đấy nhé!”

Đương nhiên mệnh lệnh này là giành cho Tần Hà và Hoàng Thu Nhã, bởi tôi đã nhận ra Tần Hà cúi người nhảy lại vào thuyền. Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng khóc của một người đàn bà vang lên từ trong khoang thuyền.

Cô tôi lên bờ, theo bờ đê đi thẳng về phía đông. “Tiểu sư tử” đi mà như chạy mới đuổi theo kịp cô. Lúc này tôi mới xác định là màu đỏ trên dải băng trắng đích thực là máu, càng ngày càng loang ra. Mặt cô khó đăm đăm, ánh mắt hết sức nghiêm nghị, bước chân vững vàng thậm chí là hơi hung dữ. Đương nhiên là Vương Can không quan tâm gì đến cô tôi. Ánh mắt cậu ta chỉ bám vào thân hình “Tiểu sư tử”, đôi môi rung rung và tôi nhận ra là cậu ta đang lẩm bẩm cái gì đó, chắc là những lời lẽ trong bức thư tình. Tôi cảm thấy thương xót cho cậu ta, có thể nói là cảm động thì đúng hơn. Lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu được vì sao một người con trai yêu một người con gái đến nỗi thất điên bát đảo như thế.

Sau đó tôi mới biết, vết thương trên đầu cô tôi là do một người đàn ông ở thôn Đông Phong, một địa phương đã từng sinh ra không biết bao nhiêu thổ phỉ, cường hào, lục lâm trước giải phóng dùng gậy đánh. Vợ của hắn đã sinh ba đứa con gái nhưng lại đang mang thai đứa thứ tư. Hắn họ Trương tên Quyền, thành phần gia đình căn bản, là kẻ mà trong thôn không ai dám động đến. Những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ ở thôn Đông Phong đã có hai đứa con, trong số đó đã có đứa con trai thì ông chồng rất tự nguyện thắt ống dẫn tinh, nếu hai đứa toàn là con gái, cô tôi nói, chính quyền công xã cũng rất quan tâm đến tập tục nông thôn nên không buộc ông chồng phải thắt ống dẫn tinh nhưng bà vợ nhất định phải đeo vòng tránh thai. Sinh đứa thứ ba mà vẫn là con gái thì buộc phải thắt ống dẫn tinh. Hơn năm mươi thôn toàn công xã chỉ có vợ chồng Trương Quyền vừa không thắt ống dẫn tinh, vừa không đặt vòng nên mới mang thai đứa thứ tư. Cô tôi và mọi người đội mưa đến thôn Đông Phong để động viên vợ Trương Quyền đến trạm xá công xã nạo thai. Cô tôi đang trên đường đến đó thì bí thư công xã Tần Sơn đã gọi điện cho bí thư thôn Đông Phong là Trương Kim Nha truyền đạt chỉ thị: Động viên toàn bộ lực lượng, có thể dùng bất cứ hình thức nào, kể cả dùng sức mạnh để đưa vợ Trương Quyền đến trạm xá nạo thai. Cô nói, Trương Quyền cầm chiếc gậy to bằng gỗ hòe đứng ngay trước cửa, đôi mắt đỏ ngầu, miệng rống lên điên cuồng. Trương Kim Nha và dân binh thôn chỉ bao vây xa xa bên ngoài, không ai dám bước đến gần cửa. Ba đứa con gái của hắn thì quỳ trước cửa, đứa thì chảy nước mắt, đứa thì chảy nước mũi đồng loạt gào những lời hình như đã được dạy thuộc lòng từ trước: “Các lão gia các đại thúc nhân từ, các thím các cô các dì, các anh các chị ơi… tha cho mẹ chúng cháu đi… Mẹ cháu mang bệnh phong thấp, lại có bệnh tim… Nếu mà nạo thai thì chết là cái chắc… Mẹ cháu mà chết thì chúng cháu không còn mẹ nữa, trở thành mồ côi…”. Cô tôi nói, khổ nhục kế mà Trương Quyền đã bày ra có hiệu quả rất lớn. Các bà các cô đứng xem đều sụt sùi nước mắt ngắn nước mắt dài, đương nhiên cũng có rất nhiều người không hề cảm thấy mủi lòng. Tất nhiên đó là những người mới sinh hai con, những người ba con đã bị thắt ống dẫn tinh, trông thấy nhà Trương Quyền chuẩn bị có đứa con thứ tư thì rất bất mãn. Cô nói: “Một bát nước tất phải phân đều, nếu để nhà Trương Quyền đẻ đứa thứ tư thì e rằng cô sẽ bị bọn đàn bà đã đặt vòng và những gã đàn ông đã thắt ống dẫn tinh lột da mất! Nếu để Trương Quyền đắc ý thì chuyện cờ đỏ rơi xuống đất chỉ là chuyện nhỏ nhưng sinh đẻ có kế hoạch thất bại mới là chuyện lớn!”. Cô còn nói: “Nghĩ vậy, cô bèn phất tay, dẫn Hoàng Thu Nhã và “Tiểu sư tử” đi thẳng vào nhà Trương Quyền. “Tiểu sư tử” rất can đảm và lại rất trung thành với cô nên xông lên phía trước như muốn nhận gậy của hắn thay cho cô nhưng đã bị cô lôi ra phía sau lưng mình. Còn Hoàng Thu Nhã vốn là tiểu thư của thành phần tư sản, làm kỹ thuật thì tốt nhưng gặp phải chuyên chính đấu tranh, đâm dao là thấy máu như thế này thì hai chân đã nhủn ra. Cô đi thẳng đến trước mặt Trương Quyền. Những lời chửi rủa của hắn giành cho cô quá sức khó nghe. Bây giờ mà nhắc lại cho các cháu nghe thì e rằng sẽ làm bẩn tai các cháu, cũng làm bẩn mồm cô thôi. Lúc ấy cô đã quyết tâm lắm rồi, không đếm xỉa đến chuyện an nguy của bản thân nữa. Cô nói, Trương Quyền à, anh muốn chửi gì thì tùy thích, là con điếm, là chó cái, là ma vương giết người gì cũng được, tôi nhận lấy tất cả những danh hiệu nhục nhã ấy, nhưng vợ anh nhất định phải đi theo tôi về trạm xá công xã”.

Cô tôi nhìn thẳng vào gương mặt hung hãn của Trương Quyền, từng bước từng bước tiếp cận. Ba đứa con gái của gã kêu thét lên và đồng thời bổ nhào về phía cô tôi, miệng đồng loạt nói những từ cực kỳ nhơ bẩn. Hai đứa nhỏ ôm lấy hai chân cô, còn đứa lớn thì liên tục dùng đầu húc vào bụng cô. Cô tôi giãy giụa định thoát khỏi bọn chúng nhưng cả ba vẫn như đỉa bám chặt lấy cô. Cô thấy hai bên bắp về mình đau nhói và biết là đã bị hai đứa nhỏ cắn, bụng lại tiếp tục bị một cú húc thật mạnh, cô té ngửa về phía sau, “Tiểu sư tử” chộp lấy cổ con bé lớn hất văng sang một bên nhưng ngay lập tức, con bé ấy lại quay sang tấn công cô ta, vẫn là phương pháp tấn công dùng đầu húc vào bụng. Chiếc thắt lưng của “Tiểu sư tử” có mấy hạt cúc bằng sắt. Lỗ mũi con bé va vào đấy, rách toạc, máu chảy ra. Con bé dùng tay quẹt mũi, kêu lên sợ hãi. Thấy máu, Trương Quyền trở nên điên cuồng, xông đến vung gậy đập vào “Tiểu sư tử”. Cô tôi đứng bật dậy, nhảy bổ vào khoảng cách giữa Trương Quyền và “Tiểu sư tử” và trán cô đã nhận một mũi gậy thay cho “Tiểu sư tử”. Cô lại ngã xuống. “Tiểu sư tử” gào to: “Các người đều chết cả rồi hay sao?”. Lúc này Trương Kim Nha và các dân binh mới nhất tề xông đến, đè Trương Quyền xuống đất. Ba đứa con gái muốn tiếp tục hành động thì bị các cán bộ phụ nữ thôn giữ chặt cứng. “Tiểu sư tử” và Hoàng Thu Nhã mở hòm thuốc tiến hành băng bó cho cô tôi. Một vòng băng, hai vòng băng…, máu vẫn cứ rịn ra. Cô tôi vẫn còn choáng váng, máu đã chảy xuống đến tận hai hốc mắt, xuống mặt. Cô nói: “Lúc ấy cô nhìn mọi người chung quanh mà chỉ thấy họ rực một màu đỏ trông chẳng khác nào gà trống, cây cối chung quanh cũng đỏ. Cô như bị ngập trong một vùng lửa, chung quanh chỉ có một màu duy nhất là màu đỏ. Tần Hà nghe tin, chạy thẳng từ bờ sông lên, vừa trông thấy cô bị thương, sững người lại và hực lên một tiếng, một ngụm máu từ miệng cậu ta bắn thẳng lên trời. Mọi người ùa tới định đỡ thì Tần Hà đã gạt phăng, lảo đảo đi đến bên cô, nhặt lấy chiếc gậy rồi giơ cao lên định bổ thật mạnh xuống đầu Trương Quyền! - ‘‘Dừng tay!’’ - Cô hét lên và đứng bật dậy, quát tiếp: ‘‘Cậu không ở dưới sông giữ thuyền, lên đây làm gì? Muốn làm loạn thêm à?’’ - Tần Hà bần thần giây lát rồi vất chiếc gậy, ôm mặt bước dài bước ngắn xuống bờ sông.

Cô tôi đẩy “Tiểu sư tử” lúc này đang đỡ cô sang một bên và bước đến trước mặt Trương Quyền - Đúng lúc ấy, Tần Hà khóc rống lên - Nhưng cô tôi vẫn không quay đầu lại, đôi mắt vẫn dán chặt lên mặt Trương Quyền. Miệng lão vẫn tiếp tục chửi nhưng ánh mắt đã lộ vẻ khiếp sợ. Cô tôi nói với những dân binh đang giữ chặt hai cánh tay lão: “Bỏ anh ta ra!”. Những dân binh có vẻ do dự, cô tôi nói tiếp: “Bỏ anh ta ra! Đưa gậy cho anh ta!”

Một dân binh nhặt chiếc gậy đưa đến trước mặt Trương Quyền.

Cô tôi cười nhạt, nói: “Cầm lấy gậy đi!”

Trương Quyền gầm lên: “Ai dám bắt tao phải tuyệt tự, tao lấy mạng người đó!”

“Được! Cứ cho là ông có bản lĩnh!” - Cô chỉ vào đầu mình, nói tiếp: “Đánh thẳng vào đây đi! Đánh đi!”. Cô nhảy lên hai bước, quát to: “Bữa nay Vạn Tâm bà đây sẽ liều cái mạng này! Ngày trước, bọn Nhật Bản dùng dùi nhọn đâm vào người, bà đây còn không sợ, lẽ nào bữa nay lại sợ ông!”

Trương Kim Nha bước đến tống một cú đấm vào giữa mặt Trương Quyền, quát: “Không chịu xin lỗi chủ nhiệm Vạn à!”

“Tôi không cần anh ta xin lỗi!” - Cô tôi nói: “Sinh đẻ có kế hoạch là chuyện quốc gia đại sự, không hạn chế nhân khẩu thì không đủ lương thực để ăn, không có quần áo để mặc, đời sống khó lòng được nâng lên, đất nước không thể giàu mạnh. Vạn Tâm tôi có cống hiến cái sinh mệnh bé nhỏ này cho sự nghiệp phát triển đất nước cũng đáng lắm”.

“Tiểu sư tử” nói: “Trương Kim Nha! Ông gọi đến Cục công an, yêu cầu họ cử người về đây!”

Trương Kim Nha đá một cú thật mạnh vào mông Trương Quyền, quát lớn: “Quỳ xuống tạ tội với chủ nhiệm Vạn mau!”

“Không cần!” - Cô tôi nói: “Trương Quyền, chỉ cần một gậy của ông vào đầu tôi cũng đã đủ cho ông ngồi tù ba năm. Nhưng tôi không chấp ông, tha cho ông lần này. Bây giờ, trước mặt ông có hai con đường. Một là, để cho vợ ông ngoan ngoãn đi theo chúng tôi về trạm xá để nạo thai. Chính tôi sẽ làm để đảm bảo sự an toàn cho bà ấy. Hai là, đưa ông về Cục công an, căn cứ vào tội trạng mà xử lý. Vợ ông ngoan ngoãn theo chúng tôi là tốt nhất, còn không thì...” - Cô chỉ vào Trương Kim Nha và mấy người dân binh - “Họ sẽ chịu trách nhiệm đưa bà ấy đi”.

Trương Quyền ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm đầu khóc: “Ba đời Trương Quyền tôi độc đinh, đến tôi có lẽ nào phải tuyệt tự? Ông trời ơi! Ông hãy trừng mắt mà xem...”

Lúc ấy, bà vợ Trương Quyền xuất hiện trước sân, vừa chạy vừa khóc. Đầu tóc bà ta vương đầy rơm, chứng tỏ là trốn trong đống rơm. Bà ta nói: “Chủ nhiệm Vạn, tha cho ông nhà tôi, tôi đi với bà...”

Cô tôi và “Tiểu sư tử” đi theo bờ đê về hướng đông, có lẽ là đến cơ quan đại đội để thăm dò tình hình. Nhưng khi cả hai xuống khỏi đê và đi theo con đường đến cơ quan đại đội thì người đàn bà trên thuyền - vợ của Trương Quyền - đã chạy ào ra khỏi khoang thuyền và nhảy xuống sông. Tần Hà vội vàng nhảy theo, nhưng rõ ràng là anh ta không biết bơi nên sau khi nhảy xuống, chỉ thấy anh ta đập đập tay chân rồi chìm xuống. Lâu lắm không thấy anh ta trồi lên mặt nước nữa. Hoàng Thu Nhã kêu thất thanh: “Cứu người!... Cứu người!...”

Từ trên cây, chúng tôi thấy cô tôi và “Tiểu sư tử” chạy ngược trở lại. Vương Can lẳng lặng tung người xuống sông, động tác sao mà đẹp chẳng khác nào cá đùa với mặt nước. Nói chung là chúng tôi lớn lên bên sông nên vừa học đi vừa học bơi. Cành liễu mà chúng tôi đang đứng có thể nói chính là nơi chúng tôi luyện tập nhảy cầu. Tôi hy vọng là “Tiểu sư tử” đã nhìn thấy cú nhảy rất điêu luyện của Vương Can. Tôi cũng tung người nhảy xuống sông. Lý Thủ ngay sau đó cũng từ trên bờ nhảy theo. Chúng tôi phải cứu người đàn bà trước nhưng không hề phát hiện ra tung tích bà ta, còn Tần Hà đáng thương thì đang ngay trước mặt chúng tôi, giãy đạp như một con cá mới bị cho vào nồi nước sôi. Ông Vương đứng trên bờ nói lớn: “Chộp lấy đầu tóc, tránh đôi tay nó!”

Vương Can lượn qua phía sau Tần Hà, vươn tay chộp lấy đầu tóc anh ta. Sau này Vương Can nói: “Tóc anh ta sao mà mềm, chẳng khác bờm ngựa tí nào”.

Trong số chúng tôi, Vương Can là đứa bơi giỏi nhất, hai tay cậu ta đưa quần áo lên trời nhưng vẫn có thể qua được sông Giảo Hà, lên bờ mà quần áo không vương một giọt nước. Trước mặt người tình trong mộng thi thố kỹ thuật bơi là cơ hội ngàn năm có một! Tôi và Lý Thủ một đứa một bên cậu ta đưa được Tần Hà vào bờ.

Cô tôi và “Tiểu sư tử” cũng đã đến bên bến thuyền. Cô tức giận quát lớn: “Thằng điên này, nhảy xuống sông làm gì?”

Tần Hà nằm trên bờ, nôn thốc nôn tháo.

Hoàng Thu Nhã vừa khó vừa nói: “Vợ Trương Quyền nhảy xuống sông, nó nhảy theo”.

Mặt cô tôi biến sắc, nhìn xuống sông, hỏi: “Bà ta đâu? Bà ta đâu?”

“Nhảy xuống sông xong là không thấy tăm dạng đâu cả...”. Hoàng Thu Nhã nói.

“Không phải là tôi đã bảo chị trông giữ bà ta sao?”. Cô tôi nhảy lên thuyền, nói một cách buồn bã: “Chị đúng là một người chết! Chị phải chịu trách nhiệm! Cho thuyền chạy đi!”

“Tiểu sư tử” cầm lấy tay quay phát động động cơ nhưng quay mãi mà máy vẫn không nổ.

Cô tôi quát lớn: “Tần Hà! Khởi động máy nổ,nhanh lên!”

Tần Hà ngật ngưởng đứng dậy, cúi gập người nôn tiếp mấy búng nước nữa rồi tiếp tục đổ nhào.

“Tiểu Bão, Vương Can! Hai đứa tiếp tục tìm bà ta, cứu được sẽ có trọng thưởng”.

Ánh mắt chúng tôi đều hướng xuống mặt sông quan sát.

Mặt sông mênh mông, nước chảy ầm ầm, bọt nước và cỏ nổi dập dềnh trên sóng. Lý Thủ chỉ một vật hình dạng giống như một quả dưa hấu đang trôi dần về xuôi phía gần bờ, nói: “Xem, cái gì kia!”

Quả dưa đang trôi chầm chậm nhưng ngay sau đó lại nhô cao lên khỏi mặt nước. Một khuôn mặt và mái tóc xuất hiện.

Lúc này cô tôi mới ngồi xuống mạn thuyền, thở ra một hơi dài nhẹ nhõm và đột nhiên cười phá lên. Khi chúng tôi định lao xuống sông thì cô quát to: “Đừng vội!” rồi hỏi “Tiểu sư tử”: “Em biết bơi không?”. “Tiểu sư tử” lắc đầu. Cô nói tiếp: “Xem ra thì làm một nhân viên của tổ sinh đẻ có kế hoạch không những phải chấp nhận bị đánh mà còn phải học bơi nữa.” - Cô chỉ vào “quả dưa” đang dập dềnh trên nước, nói tiếp: “Mọi người trông kìa, bà ta bơi rất giỏi. Bà ta đang sử dụng kỹ thuật bơi của quân du kích ngày ấy đánh nhau với bọn quỷ Nhật Bản để đối phó với chúng ta đấy”.

Tần Hà cong người trèo lên thuyền, đầu tóc dính đầy cỏ, sắc mặt tái nhợt, cặp môi xanh rớt. Cô tôi ra lệnh: “Nổ máy!”

Tần Hà xiêu vẹo đi về phía chiếc máy nổ. Hình như anh ta vẫn còn chưa tỉnh hẳn, ho khan một tiếng rồi lại khạc ra một đống bọt trắng. Chúng tôi nhảy lên bến, mở đầu dây buộc thuyền. Cô bảo: “Mấy đứa lên thuyền!”

Tôi có thể tưởng tượng được tâm trạng kích động của Vương Can trong lúc này. Cậu ta ngồi sát bên cạnh “Tiểu sư tử” trên mạn thuyền, hai chân duỗi thẳng, hai bàn tay để trên đùi, mười ngón tay run run như đang lên cơn động kinh. Tôi có thể trông thấy lồng ngực cậu ta nâng lên hạ xuống rất nhanh sau lớp áo ướt sũng và hình dung như có một con thỏ hoang bị nhốt đang nằm trong ngực cậu ta. Thân thể cậu ta thẳng đuột, cứng ngắc và hầu như không dám động đậy gì. Cô “Tiểu sư tử” ấy vẫn hồn nhiên đăm đắm nhìn “quả dưa” đang phập phù trên mặt nước.

Tần Hà đã phát động máy và đang cho mũi thuyền quay ra sông, tiếng động cơ chạy đều đều. Lý Thủ đứng bên cạnh anh ta quan sát Tần Hà làm việc, dáng vẻ chẳng khác một đứa học việc.

Cô tôi nói: “Chạy chậm thôi! Được rồi, cứ thế!’

Khi mũi thuyền còn cách “quả dưa” khoảng năm mét, động cơ đã giảm đến mức cuối cùng. Lúc này chúng tôi đã trông thấy rõ ràng bên dưới cái “đầu lâu” ấy là một thân hình tròn trùng trục.

“Kỹ thuật bơi điêu luyện thật! Mang thai năm tháng mà vẫn bơi được như vậy thì quả là hiếm có!”. Cô tôi cảm thán. Nói xong thì cô ra lệnh cho “Tiểu sư tử” vào trong khoang mở loa phóng thanh. “Tiểu sư tử” dạ rồi đứng dậy đi vào khoang, Vương Can hình như cảm thấy trống trải và đau khổ vì cảm giác ấy. Cậu ta còn nghĩ gì nữa nhỉ? Liệu “Tiểu sư tử” đã nhận được bức thư tình lâm ly ấy của cậu ta?

Trong lúc tôi đang suy nghĩ viễn vông thì loa phóng thanh đã bật lên. Cho dù là biết trước nó sẽ bật lên nhưng tôi vẫn phải giật mình - “Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch đã dạy chúng rằng, nhân loại hãy khống chế chính mình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch…” - Khi tiếng loa vang lên thì “quả dưa” ở dưới sông đã ngóc lên cao và kèm theo đó là một vẻ mặt vô cùng hoảng hốt rồi nhanh chóng chìm nghỉm. Cô tôi cười nhẹ và phẩy tay có ý bảo Tần Hà cho thuyền chạy chậm lại nữa, nói nhỏ: “Ta muốn chứng kiến tận mắt đàn bà thôn Đông Phong bơi giỏi đến mức nào!”. “Tiểu sư tử” cũng đã rời khỏi khoang thuyền và đi ra phía mũi, nhìn xuống nước với vẻ lo lắng. Đúng là trời chiều lòng người, lúc này cô ta đã đứng sát bên cạnh Vương Can, rất gần, gần đến nỗi trong lòng tôi bỗng sinh một cảm giác đố kỵ với Vương Can. Tôi đoán là Vương Can đã có thể cảm nhận được hơi ấm của “Tiểu sư tử” toát ra, nhất định sẽ... Nghĩ đến đó, tự nhiên trái tim tôi giật lên liên hồi, mạnh hơn. Tôi tự xấu hổ vì những suy nghĩ tà đạo của mình nên không nhìn vào hai người nữa, thọc hai tay vào túi và bấu vào đùi mình.

“Trồi đầu lên rồi! Trồi đầu lên rồi!”. “Tiểu sư tử” kêu váng lên.

Đúng là cái đầu của người đàn bà đã trồi lên khỏi mặt nước cách thuyền khoảng năm mét. Bà ta nhìn về chiếc thuyền và sau đó, thân thể bà ta nổi hẳn lên mặt nước. Bà ta bơi, tốc độ cực nhanh thuận theo dòng nước.

Cô tôi phẩy tay. Tần Hà tăng ga, tiếng động cơ gầm rú và chiếc thuyền tăng tốc, tiến đến gần người đàn bà.

Cô tôi đưa tay vào túi áo lấy ra một gói thuốc rất đầy, rút ra một điếu gắn lên môi rồi đánh lửa. Gió khó mạnh nên khó khăn lắm cô mới châm được điếu thuốc. Cô nhắm mắt rít mấy hơi thật dài. Gió thổi khói thuốc tản vào không trung. “Tôi không tin là bà bơi nhanh hơn chiếc thuyền gắn động cơ mười hai mã lực này”. Cô nói. Loa phóng thanh lại đang phát bài dân ca Hồ Nam ca ngợi Mao Chủ tịch - Sông Lưu Dương có chín khúc quanh, chảy bao nhiêu dặm rồi đến Tương Giang... - Cô tôi búng tàn thuốc xuống sông, một con hải âu chao cánh sà xuống, đớp lấy rồi bay lên trời.

Tiếng loa đã tắt vì bài hát đã hết. “Tiểu sư tử” quay lại nhìn cô. Cô nói: “Không cần mở nữa”. Rồi cô hướng về phía người đàn bà đang bơi, nói lớn: “Cảnh Tú Liên, chị có thể bơi ra đến tận Đông Hải không?”

Người đàn bà không nói rằng, chỉ lẳng lặng sải những cánh tay, nhưng rõ ràng lúc này tốc độ bơi của bà ta đã chậm.

“Tôi hy vọng là chị nghĩ lại, lên thuyền để đi về trạm xá với chúng tôi”.

“Ngoan cố chỉ có một đường là chết!”. “Tiểu sư tử” hung hăng nói - “Bà có bơi ra đến biển, chúng tôi cũng bám theo”.

Người đàn bà bỗng bật khóc, hai cánh tay khoát nước cũng chậm dần, chậm dần.

“Hết sức rồi à?”. “Tiểu sư tử” cười mai mỉa - “Có bản lĩnh thì bà cứ bơi, xem kìa, cá đang rỉa bụng bà, cóc nhái đang bám vào tóc bà...”

Đúng lúc ấy, thân hình người đàn bà đột nhiên chìm nghỉm, đồng thời, có cảm giác là có mùi máu tanh xộc lên. Cô tôi liếc nhìn mặt nước, kêu lớn: “Không xong rồi! Mau lên, vượt qua bà ta!” Cô tôi ra lệnh cho Tần Hà và sau đó là lệnh cho chúng tôi nhảy xuống nước: “Giữ lấy bà ta!”

Vương Can là người đầu tiên tung người xuống sông, tiếp theo là tôi, cuối cùng là Lý Thủ.

Tần Hà cho thuyền chạy vòng trước đầu bà ta.

Tôi và Vương Can tiếp cận người đàn bà. Tôi vươn tay ra chộp vào vai phải bà ta. Ngay lập tức vai trái của bà ta lật qua khiến tôi mất điểm đè, chìm xuống nước, uống ngay một ngụm. Vương Can đã chộp được mái tóc bà ta, xách ngược lên còn Lý Thủ chộp lấy hông, cùng với Vương Can đưa thân hình bà ta thẳng lên cao, còn tôi thì vẫn ho sặc sụa. Thuyền ở ngay trước mặt chúng tôi, lúc này Tần Hà đã giảm ga đến mức nhỏ nhất. Vai tôi đã dựa vào ván thuyền, thân thể người đàn bà đã được Vương Can và Lý Thủ nhấc lên, nửa người ló lên khỏi mặt nước. Những người trên thuyền đồng loạt vươn tay, kẻ nắm tóc người nắm tay lôi lên. Còn chúng tôi ở dưới thì ra sức đẩy vào mông bà ta. Chật vật lắm chúng tôi mới đưa được bà ta lên thuyền.

Chúng tôi nhìn thấy máu trên đôi chân của bà ta. Cô tôi nói: “Ba đứa không cần lên thuyền nữa, tự bơi vào bờ đi!”. Rồi quát lớn với Tần Hà: “Mau quay mũi thuyền! mau lên!”

Cho dù cô tôi đã dùng những loại thuốc cấp cứu tốt nhất và cũng đã nỗ lực hết mình nhưng cuối cùng Cảnh Tú Liên cũng đã chết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3