Ếch - Chương 09

Chương 5

Thưa tiên sinh Sugitani Yoshihito tôn kính,

Cuối cùng thì tôi đã hoàn thành được vở kịch này.

Có rất nhiều sự kiện trong cuộc sống hiện thực lại bám riết lấy cốt truyện của vở kịch khiến trong quá trình viết, có lúc tôi không thể phân định được đâu là ghi chép sự thật, đâu là hư cấu. Tôi chỉ mất có năm ngày để hoàn thành nó. Tôi có cảm giác, lúc này mình chẳng khác nào một đứa trẻ mới học nói, muốn đem tất cả những gì mà nó trông thấy được, nghĩ ra được nói với người lớn. Một ông già gần sáu mươi mà lại tự ví mình như một đứa trẻ đúng là buồn cười. nhưng đó lại là cảm nhận chân thực nhất của tôi về chính mình trong lúc này.

Trong vở kịch này, hình tượng cô tôi trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của cốt truyện, tuy những sự kiện trong vở kịch hầu như chưa hề phát sinh trong cuộc sống hiện thực mà chỉ phát sinh trong lòng tôi. Do vậy mà tôi nghĩ nó vô cùng chân thực.

Thưa tiên sinh,

Lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng, viết là một cách chuộc lỗi với cuộc đời, nhưng sau khi hoàn thành vở kịch, cảm giác tội lỗi trong tôi không hề giảm nhẹ đi, thậm chí càng thêm nặng nề. Cái chết của Vương Nhân Mỹ và đứa con trong bụng cô ấy - đương nhiên nó cũng là con của tôi - cho dù tôi đã viện đến muôn ngàn lý do để tự an ủi mình, cho dù tôi vẫn có thể dồn trách nhiệm lên vai cô tôi, lên đơn vị, lên Viên Tai, thậm chí là kể cả Vương Nhân Mỹ - hình như mấy mươi năm nay tôi đã làm như vậy - nhưng lúc này, hơn bất cứ lúc nào hết, tôi đã ý thức được rằng, chính tôi mới là tội đồ, là mầm mống của tai họa. Chính vì tôi đã vì cái gọi là “tiền đồ” của mình nên đã tiễn mẹ con Vương Nhân Mỹ xuống địa ngục. Tôi đã từng tưởng tượng rằng, đứa con trai do Trần Mi sinh ra lại là đứa con của tôi và Vương Nhân Mỹ đầu thai chuyển thế. Nhưng tôi phủ nhận ngay lập tức và xem đó chẳng qua cũng chỉ là một cách để tự an ủi mình. Nó cũng giống như chuyện cô tôi lúc này đang ngày đêm làm ra những con búp bê bằng đất sét mà thôi. Mỗi một đứa trẻ đều chỉ có một, duy nhất, không thể thay thế, không thể có sinh mệnh lần thứ hai. Có phải một khi tay đã vấy máu thì vĩnh viễn không bao giờ rửa sạch? Có phải một linh hồn bị cảm giác tội lỗi chế ngự thì vĩnh viễn không bao giờ được giải thoát?

Thưa tiên sinh,

Tôi chờ đợi câu trả lời của ngài.

Khoa Đẩu

Ngày 3 tháng 6 năm 2009

“ẾCH”

(Kịch chia màn)

Nhân vật:

1. Cô - Bác sĩ sản khoa về hưu, hơn bảy mươi tuổi.

2. Khoa Đẩu - Nhà soạn kịch, cháu của Cô, hơn năm mươi tuổi.

3. “Tiểu sư tử” - Từng là phụ tá của Cô, vợ Khoa Đẩu, hơn năm mươi tuổi.

4. Trần Mi - Người đẻ thay, hơn hai mươi tuổi, sống sót trong một vụ hỏa hoạn, dung nhan bị tàn phá nghiêm trọng.

5. Trần Tị - Bố Trần Mi, bạn học của Khoa Đẩu, kẻ lưu lạc đầu đường xó chợ, hơn năm mươi tuổi.

6. Viên Tai - Bạn học của Khoa Đẩu, chủ công ty nuôi ếch, lén lút kinh doanh dịch vụ đẻ thay, hơn năm mươi tuổi.

7. Kim Tu - Em họ Khoa Đẩu, thuộc hạ của Viên Tai, hơn bốn mươi tuổi.

8. Lý Thủ - Bạn học của Khoa Đẩu, chủ nhà hàng ăn uống, hơn năm mươi tuổi.

9. Trưởng đồn công an - Hơn bốn mươi tuổi.

10. Tiểu Ngụy - Nữ công an viên, vừa tốt nghiệp Học viện cảnh sát, hơn hai mươi tuổi.

11. Hách Đại Thủ - Đại sư nặn tượng dân gian, chồng của Cô.

12. Tần Hà - Đại sư nặn tượng dân gian, người đã từng theo đuổi Cô.

13. Lưu Quý Phương - Bạn học của Khoa Đẩu, Giám đốc nhà khách huyện.

14. Cao Mộng Cửu - Huyện trưởng Cao Mật thời Trung Hoa Dân quốc.

Một số sai nha.

Hai nhân viên bảo vệ bệnh viện.

Hai người mặc áo đen che mặt.

Một nhà quay phim và nữ phóng viên đài truyền hình.

Màn 1

[Bệnh viện Phụ sản Trung - Mỹ Gia Bảo. Cổng lớn đường bệ rực rỡ, thoạt trông thì giống với một cơ quan nhà nước. Trên trụ cổng ốp bằng đá Đại Lý phía trái có bảng hiệu của bệnh viện.]

[Bên cạnh trụ cổng bên phải có một tấm bảng quảng cáo lớn, trên đó có dán ảnh mấy trăm em bé với đủ tư thế, đủ gương mặt khác nhau.]

[Một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục màu xám đứng nghiêm bên trái cổng, cung kính cúi chào người ngồi trong một chiếc xe sang trọng rời khỏi cổng bệnh viện. Động tác của anh ta quá phần cường điệu nên trông rất tức cười.]

[Một vầng trăng tròn treo lơ lửng trên trời đang tỏa ánh sáng dìu dịu. Đằng sau màn vang lên tiếng pháo nổ, thi thoảng cũng có những chiếc pháo hoa bay thẳng lên trời làm sáng rực phía sau sân khấu.]

Nhân viên bảo vệ: (Rút điện thoại di động trong túi quần ra bấm xem tin nhắn, không cầm lòng được cười lên mấy tiếng.) - Hi! Hi!…

[Tổ trưởng tổ bảo vệ xuất hiện, đi đến sau anh ta, quát nhẹ đầy uy quyền.] - Lý Giáp Đài! Cậu cười gì thế? (Hình như anh ta cảm thấy có cái gì đó vướng dưới chân, nhìn xuống.) - Oái! Bây giờ là mùa nào mà sao nhiều ếch thế! Cậu cười cái gì?

Nhân viên bảo vệ: (Giật mình hoảng sợ, tay chân múa may loạn xạ rồi đứng nghiêm.) - Báo cáo tổ trưởng, quả đất đã nóng lên, không cười gì cả…

Tổ trưởng: Không cười gì cả mà tại sao cậu lại cười? (Nhìn xuống những con ếch dưới chân.) - Tại sao lại thế này? Có lẽ nào sắp động đất? Tôi hỏi, cậu cười cái gì?

Nhân viên bảo vệ: (Nhìn chung quanh không thấy ai, cười nhẹ.) - Tổ trưởng, tin nhắn này quá vui…

Tổ trưởng: Tôi đã nghiêm cấm cậu, trong khi làm việc thì không được nhắn tin!

Nhân viên bảo vệ: Báo cáo tổ trưởng, em không nhắn tin, em chỉ xem mấy tin nhắn thôi.

Tổ trưởng: Có gì khác nhau nào? Nếu bị trưởng phòng Lưu phát hiện, e rằng chén cơm của cậu sẽ bị cắt mất thôi!

Nhân viên bảo vệ: Cắt cơm thì cắt, dù sao thì em cũng không muốn làm việc ở đây nữa. Ông chủ của trại công ty nuôi ếch là chồng của chị họ em. Mẹ em đã nói với chị họ em, bảo chị họ em nói với chồng rằng, hãy nhận em vào làm việc trong công ty nuôi ếch…

Tổ trưởng: (Cảm thấy phiền lòng) - Được rồi được rồi, cậu cứ chị họ rồi chồng của chị họ lung tung cả lên khiến tôi không biết đường nào mà lần. Cậu có một người anh rể xa có thể dựa dẫm, tất nhiên là không sợ bị cắt bát cơm, nhưng ông đây vẫn còn phải dựa vào chỗ này để kiếm bát cơm cho vào miệng đấy! Do vậy, trong khi làm việc, không được nhắn tin, không được nhận tin, không được nghe điện thoại… Nói chung là không được!

Nhân viên bảo vệ: (Đứng nghiêm) - Rõ, thưa tổ trưởng!

Tổ trưởng: Cẩn thận đấy!

Nhân viên bảo vệ: (Đứng nghiêm) - Rõ, thưa tổ trưởng! (Không nén được, cười nhẹ mấy tiếng) Hi hi!…

Tổ trưởng: Thằng nhóc cậu uống phải nước đái chó hay sao ấy nhỉ, hay là nằm mơ thấy cưới được cô vợ giàu sang? Nói, cuối cùng thì cậu cười vì cái gì?

Nhân viên bảo vệ: Tôi có cười gì đâu…

Tổ trưởng: (Đưa tay về phía nhân viên) - Đưa ra đây!

Nhân viên bảo vệ: (Ngơ ngác) - Đưa cái gì ra?

Tổ trưởng: Điện thoại!

Nhân viên bảo vệ: Tổ trưởng à, em bảo đảm là không nhận tin nữa, được không?

Tổ trưởng: Không nói lôi thôi nữa? Cậu có đưa không? Không đưa tôi sẽ báo cáo trưởng phòng Lưu ngay!

Nhân viên bảo vệ: Tổ trưởng à, em đang yêu, không có điện thoại sao được…

Tổ trưởng: Khi bố cậu yêu đã có điện thoại di động đâu mà vẫn lôi được mẹ cậu về nhà! Có đưa không?

Nhân viên bảo vệ: (Cực chẳng đã phải lôi điện thoại ra đưa cho tổ trưởng) - Không phải là em muốn cười, nhưng tin nhắn ấy buồn cười quá!

Tổ trưởng: (Bấm máy điện thoại) - Tôi cần phải xem tin nhắn ấy như thế nào mà khiến cậu phải cười mãi như vậy… À đây rồi! Để bồi dưỡng những vận động viên ưu tú trên những đường chạy ngắn, Ủy ban Thế dục Thể thao Quốc gia đã ra lệnh cho vận động viên vô địch quốc gia 100 mét Tiền Báo kết hôn với nữ vận động viên vô địch maratông Kim Hổ. Kim Hổ có thai đã đủ năm đủ tháng, đến bệnh viện sinh con. Tiền Báo hỏi bác sĩ: Vợ tôi sinh đứa con như thế nào? Bác sĩ nói: Chưa kịp nhìn. Vừa chui ra, nó đã bỏ chạy mất tăm! Tin nhắn chết tiệt này mà khiến cậu cười được à? Nghe tôi đọc cho mấy câu đây. (Tổ trưởng lấy điện thoại trong túi ra, định đọc thì giật mình, bỏ điện thoại của mình lẫn của nhân viên bảo vệ vào túi). Đêm nay là trung thu, trưởng phòng Lưu nói, càng phải đề cao cảnh giác hơn nữa!

Nhân viên bảo vệ: (Đưa tay ra) - Điện thoại của em…

Tổ trưởng: Tạm thời thu giữ, hết ca trực trả lại.

Nhân viên bảo vệ: (Van nài) - Tổ trưởng à, đêm nay trung thu, nhà nhà đoàn viên, hộ hộ quây quần ăn bánh trung thu, đốt pháo, ngắm trăng, yêu nhau… Nhưng em thì vác “gậy” đứng đây một mình, ngay cả cái niềm vui gửi tin nhắn cho người yêu cũng bị tước đoạt sao?

Tổ trưởng: Không lôi thôi! Lo mà trực ban. Mắt phải nhìn bốn phương, tai phải nghe tám hướng, tất cả những phần tử khả nghi nhất định không cho vào trong bệnh viện…

Nhân viên bảo vệ: Được rồi, anh đừng có nói lại những lời của lão Lưu nữa. Đêm trung thu ai thèm đến đây. Bọn cường đạo, bọn trộm vặt cũng phải hưởng trung thu chứ!

Tổ trưởng: Chấp hành nghiêm mệnh lệnh! Cậu cho rằng chúng tôi dọa cậu à? (Hạ giọng có vẻ bí mật) - Đêm ba mươi tết vừa rồi có một bọn khủng bố xông vào bệnh viện sản phụ bắt đi tám đứa nhỏ để làm con tin…

Nhân viên bảo vệ: (Có vẻ nghiêm túc lại) - Ôi…

Tổ trưởng: (Giọng vẫn rất bí mật) - Cậu có biết “vợ hai” của ông nào đang ở trong bệnh viện ta chờ đẻ không?

Nhân viên bảo vệ: (Không nói, chỉ nghiêng đầu lắng nghe)

Tổ trưởng: (Hạ giọng thì thầm càng ra vẻ bí mật) -… Lúc này cậu đã rõ chưa? Nhớ kỹ, hai chiếc xe BMW một xanh một đen đều là của ông ta, trông thấy nó thì đứng nghiêm chào hỏi, không được sơ sài!

Nhân viên bảo vệ: Rõ, thưa tổ trưởng! (Đưa tay ra) - Lúc này anh đã có thể trả điện thoại lại cho em rồi chứ!

Tổ trưởng: Không được, tuyệt đối không được. Đêm này đẹp trời, ngày tốt, không chỉ phu nhân của ông chủ Kim có thể đẻ mà vợ của bí thư Tống cũng có thể đẻ nữa đấy. Thấy chiếc Mecsedes màu đen có bảng số A6-08858, mắt cậu trừng lên cho tôi nhờ.

Nhân viên bảo vệ: (Bất mãn) - Bọn thỏ con này đúng là biết chui ra đúng ngày đúng giờ! Người yêu em nói, năm mươi năm nay, đêm nay mặt trăng mới tròn nhất, sáng nhất. (Ngước đầu nhìn trăng, ngâm) - Trăng sáng trên cao có bao giờ, Nay ta nâng chén hỏi trời cao…

Tổ trưởng: (Trêu chọc) - Hay gớm nhỉ! Khi đi học không chịu thuộc thơ. Lúc ấy mà thuộc được như vậy thì việc đếch gì phải làm nhân viên bảo vệ! (Bỗng nhiên giật mình) - Cái gì đây?

[Trần Mi mặc quần áo đen, mạng che mặt màu đen, tay cầm một chiếc áo lông màu đỏ xuất hiện]

Trần Mi: (Thân thể lảo đảo như say rượu) - Con trai tôi… Con trai tôi… Con đâu rồi? Mẹ đi tìm con đây! Con trốn ở đâu…

Nhân viên bảo vệ: Lại là ả, mụ đàn bà điên!

Tổ trưởng: Đuổi cô ta đi! Nhanh lên!

Nhân viên bảo vệ: (Đứng nghiêm) - Tôi không thể rời bỏ vị trí công tác!

Tổ trưởng: Tôi ra lệnh cho cậu đuổi cô ta đi!

Nhân viên bảo vệ: Tôi đang thực thi nhiệm vụ!

Tổ trưởng: Phạm vi năm mươi mét chung quanh cổng là phạm vi cảnh giới của cậu!

Nhân viên bảo vệ: Trong phạm vi cổng nếu có phát sinh trường hợp khả nghi, nhân viên trực ban không được rời bỏ vị trí, phải nghiêm phòng kẻ lạ đột nhập vào trong bệnh viện, đồng thời phải báo cáo ngay với tổ trưởng. - (Móc máy đàm thoại trên thắt lưng ra) - Báo cáo tổ trưởng, bên phía phải của cổng, gần tấm biển quảng cáo có một đối tượng khả nghi, đề nghị tăng viện người ngay lập tức!

Tổ trưởng: Mẹ kiếp! Thằng oắt con!

[Ánh sáng tập trung vào vị trí bảng quảng cáo]

Trần Mi: (Đưa tay chỉ những tấm ảnh trên bảng quảng cáo) - Con trai, con trai của mẹ! Mẹ đang gọi con. Con có nghe thấy không? Con đang chơi trò trốn tìm với mẹ sao? Mẹ không thấy con mà con cũng không thấy mẹ. Bảo bối của mẹ! Mau ra đây. Mẹ cho con bú, con mà không bú thì sữa của mẹ sẽ bị chó bú cho mà xem… (Chỉ ngón tay sát một tấm ảnh của một đứa bé) - Cháu muốn bú sữa của cô? Không! Không cho cháu bú đâu! Cháu không phải là con cô. Con cô mắt hai mí, rất to, cháu là đứa trẻ một mí, mắt nhỏ… Còn cháu kia, cháu cũng muốn bú sữa của cô sao? Nhưng cháu đâu phải là con cô. Con cô có khuôn mặt hồng hào chẳng khác một quả táo, còn mặt cháu thì có màu vàng… Còn cháu thì càng không phải. Con cô là con trai, rất mập mạp, còn cháu rõ ràng là một con nha đầu nhỏ bé. Nha đầu không có giá trị gì… (Đột nhiên tỉnh lại) - Sinh con trai năm mươi nghìn, con gái chỉ có ba mươi nghìn! Đúng là một bọn tạp chủng, trọng nam khinh nữ, phong kiến chủ nghĩa! Mẹ của các người không phải đàn bà sao? Bà nội, bà cố của các người không phải đàn bà sao? Sinh toàn con trai, không sinh con gái thì thế giới này không phải biến thành hoang mạc hay sao? Những ông quan lớn, những phần tử trí thức, những kẻ có học vấn cao sâu kia, các người không hiểu được cái lẽ giản đơn này sao?… Cái gì? Cháu nói gì? Là con cô à? Thỏ con, có phải là cháu đã ngửi thấy mùi sữa mẹ rồi phải không? Thèm quá rồi phải không? (Chun mũi hít hít). Cháu muốn lừa cô à? Thỏ con? Nằm mơ! Cô nói nhé, cho dù các cháu có dùng vải đen bịt mắt cô lại, cho dù các cháu có bỏ con cô vào trong một nghìn đứa trẻ con như các cháu, chỉ cần dùng mũi là cô đã nhận ra con mình rồi. Mẹ cháu không nói với cháu à? Mỗi đứa trẻ có một mùi riêng! Cháu muốn bú thì đi tìm mẹ mà bú. À đúng rồi, những đứa trẻ được sinh ra trong nhà quý phái như các cháu không gọi mẹ mà gọi là Mama, bú sữa nhưng không nói là bú sữa mà nói bú mama… Cái gì? Mama của cháu không có sữa? Không có sữa thì làm sao được gọi là mama? Các người cứ xoen xoét nói chuyện tiến hóa. Nhưng tôi thì thấy các người đang thoái hóa, thoái hóa đến độ đẻ con mà không cần dùng đến âm đạo, thoái hóa đến độ vú không thể tiết ra sữa nữa! Các người đã bắt bò dê làm thay những chuyện mà các người phải làm. Đứa bé nào uống sữa bò mà lớn thì thân thể nó sẽ toát ra mùi bò tanh tanh. Đứa bé nào uống sữa dê mà lớn thì thân thể nó sẽ toát ra mùi chua chua của dê! Chỉ có những đứa nào bú mẹ mà lớn lên mới có mùi của con người. Các cháu muốn dùng tiền để mua sữa của cô? Nằm mơ! Cho dù các cháu có mang một núi vàng đến trước mặt, cô cũng không bán đâu. Sữa của cô chỉ để cho con cô bú mà thôi… Con ơi! Con đến nhanh đi!… Con không đến, sữa của mẹ sẽ bị bọn trẻ con này cướp mất thôi. Con xem kìa, tất cả bọn chúng đều đang chảy nước miếng, tất cả những cái mồm đều đang há ra kìa. Bọn chúng đói lắm rồi. Mama của bọn chúng đã bán hết sữa rồi, bán sữa để đổi lấy những đồ hóa trang đeo lên mặt, bán sữa để đổi lấy những lọ nước hoa bôi lên người. Bọn họ không phải là những mama tốt, chỉ lo chú ý làm cho mình thật thơm mà không để ý gì đến con cái… Con trai ơi! Mau đến đây!…

Tổ trưởng: (Đứng nghiêm, cúi chào rất lễ phép) - Thưa phu nhân, đây là bệnh viện phụ sản, sản phụ và trẻ con đều rất cần sự yên tĩnh. Do vậy, xin mời bà lập tức rời khỏi nơi này, đừng làm huyên náo nơi yên tĩnh này!

Trần Mi: Ông là ai? Ông ở đây làm gì?

Tổ trưởng: Tôi là nhân viên bảo vệ!

Trần Mi: Nhân viên bảo vệ là làm việc gì nhỉ?

Tổ trưởng: Duy trì trật tự xã hội, bảo vệ sự an toàn cho các cơ quan, trường học, đơn vị, xí nghiệp, bưu điện, ngân hàng, chợ búa, nhà hàng, bến tàu xe vân vân.

Trần Mi: Tôi nhận ra ông! (Cười một cách điên dại) - Tôi nhận ra ông! Ông là bảo kê của Viên Tai, mọi người đều gọi các ông là chó giữ cửa!

Tổ trưởng: Không cho phép bà sỉ nhục nhân cách của chúng tôi! Nếu không có chúng tôi, xã hội sẽ loạn!

Trần Mi: Chính là ông! Ông là kẻ đã cướp con trai tôi! Ông có cởi áo khoác đi, ông có che mặt lại tôi cũng nhận ra ông!

Tổ trưởng: (Hoảng hốt) - Thưa phu nhân, bà nói phải có trách nhiệm, nếu không là tôi sẽ tố cáo bà về tội vu khống!

Trần Mi: Ông cho rằng mình chỉ cần thay đổi bộ quần áo là tôi không nhận ra sao? Ông cho rằng ông mặt đồng phục bảo vệ là ông sẽ rùng mình biến thành người tốt sao? Ông chính là một con chó được Viên Tai nuôi dưỡng. Mụ yêu quái Vạn Tâm đã lôi con tôi ra, chỉ cho tôi nhìn liếc qua một cái… (Giọng vô cùng đau khổ) - Không… Hình như mụ không cho tôi nhìn cái nào… Bọn họ đã dùng vải trắng che lên mặt tôi. Tôi muốn nhìn thấy con mình, chỉ một lần, nhưng bọn họ không cho mà đã vội vàng bồng chạy đi… Nhưng tôi nghe thấy tiếng con tôi khóc. Nó khóc đòi tôi, nó cũng muốn nhìn thấy mặt tôi… Trong thiên hạ này có đứa con nào lại không muốn nhìn thấy mẹ? Nhưng bọn họ đã giật nó trên tay tôi và đưa đi. Tôi biết nó đói, nó muốn ăn. Các người đều biết, những dòng sữa đầu tiên của người mẹ đáng quý biết chừng nào. Các người nghĩ rằng trình độ văn hóa của tôi thấp, không hiểu chuyện này. Nhưng tôi hiểu, chuyện gì tôi cũng hiểu. Tất cả những gì tinh túy nhất của thân thể tôi đều được tập trung vào hai bầu vú, ngay cả chất dầu trong xương tủy, chất abumin trong máu, chất dinh dưỡng trong thịt đều tập trung vào bầu vú. Con tôi bú sữa của tôi sẽ không bị cảm, không sốt, lớn nhanh, lớn khỏe, lớn đẹp… Nhưng ngay cả một giọt sữa của tôi, các người cũng không cho nó hưởng… (Bước đến vươn tay chụp vào người tổ trưởng)

Tổ trưởng: (Hốt hoảng né tránh) - Phu nhân! Bà nhìn nhầm người rồi, nhất định là bà đã nhìn nhầm người. Viên Tai nào? Vạn Tâm nào? Tôi không biết ai cả…

Trần Mi: Đương nhiên là ông sẽ phải nói là không biết! Loài cường đạo, loài trộm cắp trẻ con, bán trẻ con như các người có khác gì ma quỷ! Các người không nhận ra tôi, nhưng tôi thì quá biết các người. Không phải các người đã cho tôi mấy viên thuốc ngủ sau khi mang con tôi đi sao? Sau khi tôi tỉnh dậy, không phải là các người đã nói với tôi rằng, con tôi đã chết ngay sau khi sinh sao? Không phải là các người đã lột da một con mèo chết rồi đưa qua đưa lại trước mặt tôi để tôi tin đó là thi thể của con tôi sao? Bọn cường đạo các người không những cướp con tôi là còn cướp cả tiền công của tôi. Các người đã nói, nếu sinh con trai thì tôi được năm mươi nghìn, nhưng các người nói tôi sinh ra một cái thây ma nên chỉ đưa cho tôi mười nghìn. Các người đã cướp con tôi nhưng lại muốn cướp cả những giọt sữa đầu tiên của tôi! Các người cầm bát và bình sữa tới bóp vú tôi, nói mỗi giọt sữa được mua với giá mười đồng. Đồ súc sinh! Sữa của tôi là để cho con tôi, đừng nói mười đồng mà mười vạn đồng cũng không mua được một giọt sữa của tôi đâu!

Tổ trưởng: Phu nhân, lần nữa tôi đề nghị bà rời khỏi nơi này, nếu không, tôi sẽ gọi cảnh sát đấy!

Trần Mi: Gọi cảnh sát? Gọi cảnh sát càng tốt! Tôi cũng đang muốn gọi cảnh sát đây. Cảnh sát nhân dân yêu quý nhân dân, nhân dân mất con, cảnh sát có can thiệp được không?

Tổ trưởng: Nhất định sẽ can thiệp. Đừng nói là mất con mà mất một con chó nhỏ, cảnh sát cũng sẽ giúp bà tìm lại.

Trần Mi: Thế thì tốt quá, tôi đi báo cảnh sát đây!

Tổ trưởng: Đúng rồi, đi nhanh lên! Cứ đi theo con phố này thẳng về phía trước, gặp đèn xanh đèn đỏ thì rẽ phải. Đồn công an Tân Hà nằm sát bên cạnh nhà hát.

[Một chiếc xe hơi sang trọng bóp còi inh ỏi xuất hiện từ trong bệnh viện đi ra]

Trần Mi: (Sững sờ trong giây lát và hình như đột nhiên tỉnh lại) - Con tôi! Đúng là con tôi bị các người bắt đưa lên chiếc xe này - (Xông thẳng về phía chiếc xe) - Bọn đạo tặc các người, trả con lại cho tôi…

[Tổ trưởng định ngăn Trần Mi lại nhưng không biết có một sức mạnh từ đâu tới, Trần Mi húc thẳng đầu vào ngực, ngã lăn ra]

Tổ trưởng: (Thở chẳng ra hơi) - Ngăn cô ta lại!

[Nhân viên bảo vệ đứng ở cổng cũng lao tới định kéo Trần Mi đang đứng trước đầu xe ra. Trần Mi ra sức giãy giụa. Tổ trưởng cũng xông đến, hai người đàn ông cũng hợp tác chế ngự Trần Mi. Trong lúc giãy giụa, chiếc mạng che mặt của Trần Mi rơi xuống, để lộ một gương mặt bị cháy vô cùng đáng sợ. Hai nhân viên bảo vệ buông tay, bước lùi, bước lùi]

Nhân viên bảo vệ: Ôi! Mẹ ơi!!!

Tổ trưởng: (Nhìn xác những con ếch nát bấy dưới đất do xe đè và người dẫm) - Mẹ kiếp! Không biết yêu quái nơi nào mà lại xuất hiện ở đây nhiều thế này!

(Hạ màn)

Màn 2

[Dưới ánh đèn màu xanh, cả sân khấu trông như thế giới đầy u ám dưới đáy nước. Trong một góc sâu của sân khấu có một hang động mọc đầy cỏ và rêu xanh. Trong hang động, thi thoảng tiếng kêu của loài ếch vẳng ra và kèm theo đó là tiếng khóc của trẻ con. Có mười mấy đứa nhỏ treo lủng lẳng giữa không trung, chân tay của chúng động đậy, tiếng khóc hòa vào nhau.]

[Phía trước sân khấu có hai chiếc bàn dùng để nặn búp bê, Hách Đại Thủ và Tần Hà ngồi xếp bằng tròn phía sau tấm ván, cả hai đang tập trung tinh thần để nặn búp bê.]

[Cô bò từ trong hang ra. Cô mặc bộ quần áo đen dày súc, đầu tóc rồi bù.]

Cô: (Nói như đang đọc sách) - Tôi tên Vạn Tâm, năm nay đã bảy mươi ba, làm bác sĩ sản khoa hơn năm mươi năm. Ngay cả sau khi về hưu, tôi cũng không hề được nghỉ ngơi. Có chín nghìn tám trăm ba mươi ba đứa trẻ chào đời qua bàn tay của tôi… (Ngẩng mắt lên nhìn những đứa trẻ đang treo trên cao) - Các con! Các con khóc rất hay! Nghe thấy tiếng khóc của các con, cô cảm thấy tâm hồn yên ổn. Nghe thấy tiếng khóc của các con, bao nhiêu lo nghĩ trong lòng cô tan biến. Tiếng khóc của các con là thứ âm thanh hay nhất trên thế gian này, là khúc nhạc du dương nhất để dỗ cô vào giấc ngủ không mộng mị. Đáng tiếc, thời kỳ ấy không có máy ghi âm nên cô không thể thu được tiếng khóc của các con khi chào đời để trong lúc cô còn sống, ngày nào cô cũng có thể nghe được tiếng khóc của các con, khi chết đi, trong lễ tang, người ta cũng sẽ cho cô nghe thấy tiếng khóc của các con. Chín nghìn tám trăm tám ba đứa cũng khóc một lượt, cứ tưởng tượng mà xem âm thanh ấy hay đến mức nào… (Đôi mắt Cô đã đờ đẫn) - Để cho tiếng khóc của các con khuấy động đất trời, để tiếng khóc của các con đưa cô vào thiên đường…

Tần Hà: (Rất thâm trầm) - Coi chừng, biết đâu rằng tiếng khóc của chúng sẽ đưa bà xuống địa ngục!

Cô: (Bước đi len lỏi giữa những đứa trẻ đang treo trông chẳng khác một con cá uốn lượn trong nước, vừa đưa tay vỗ vào mông chúng) - Khóc đi, các bảo bối của cô! Khóc đi! Không khóc có nghĩa là các con đang bị bệnh, khóc, chứng minh rằng các con đang rất khỏe…

Hách Đại Thủ: Điên!

Tần Hà: Ông đang nói ai?

Hách Đại Thủ: Tôi!

Tần Hà: Nói ông điên đương nhiên là được, nói tôi thì không - (Giọng có vẻ tự phụ) - Bởi tôi là nhà nghệ thuật nặn búp bê nổi tiếng nhất vùng Đông Bắc Cao Mật. Cho dù có một vài người không đồng ý với điều này, nhưng đó lại là việc của họ. Trong nghệ thuật đất sét, lão đây là đệ nhất thiên hạ. Đã là con người thì phải học được cách tự nâng giá mình, nếu chính mình vẫn không xem mình là cái thá gì thì người khác cũng sẽ không xem mình là cái thá gì cả! Những đứa trẻ do tôi đẻ ra là những tác phẩm nghệ thuật chân chính, mỗi tác phẩm một trăm đô la Mỹ!

Hách Đại Thủ: Mọi người đều nghe rõ cả rồi đấy chứ? Cái gì gọi là không cần tiền? Khi lão đây đã bắt tay vào việc nặn búp bê thì ông còn bò dưới đất nhặt cứt gà cho vào miệng. Lão đây mới chính là người được huyện trưởng phong là đại sư mỹ thuật dân gian! Ông là cái thá gì?

Tần Hà: Các đồng chí, các anh em, tất cả đều đã nghe thấy hết rồi phải không? Hách Đại Thủ, ông nói ông không cần tiền, đúng là người mặt dạn mày dày không biết xấu hổ. Ông bị thần kinh! Ông nặn ra bao nhiêu búp bê nhưng cho đến lúc này, thử hỏi có cái nào là tác phẩm nghệ thuật chân chính? Ông nặn ra cái nào thì hủy cái nấy vì ông đầy tham vọng, ông nghĩ rằng, cái sau nhất định sẽ đẹp hơn, có linh hồn hơn. Ông chỉ là một con chó điên chạy rông giữa ruộng cao lương làm gãy cây gãy cành thôi! Các đồng chí, các anh em, các vị hãy nhìn đôi tay ông ta. Cái gì là Hách Đại Thủ, là “đôi tay hiển hách”, chúng vốn không phải là đôi tay mà là chân ếch, chân vịt, màng mọc giữa những kẽ ngón tay…

Hách Đại Thủ: (Rất phẫn uất ném mạnh cục đất sét trên tay vào Tần Hà) - Ông đang đánh rắm đấy à? Ông là một thằng bị bệnh thần kinh, cút ra khỏi nơi này ngay lập tức!

Tần Hà: Ông dựa vào cái gì để bảo tôi cút khỏi nơi đây?

Hách Đại Thủ: Đây là nhà tôi!

Tần Hà: Ai có thể chứng minh được rằng, đây là nhà ông? (Chỉ vào Cô và những đứa trẻ đang treo) - Bà ấy có thể chứng minh chăng? Bọn trẻ con có thể chứng minh chăng?

Hách Đại Thủ: (Chỉ vào Cô) - Đương nhiên bà ấy có thể chứng minh.

Tần Hà: Dựa vào cái gì mà bà ấy có thể chứng minh?

Hách Đại Thủ: Bà ấy là vợ tôi!

Tần Hà: Ông dựa vào cái gì để nói bà ấy là vợ ông?

Hách Đại Thủ: Bởi tôi và bà ấy đã từng làm lễ kết hôn.

Tần Hà: Ai có thể chứng minh là ông và bà ấy đã kết hôn?

Hách Đại Thủ: Tôi và bà ấy đã ngủ với nhau!

Tần Hà: (Có vẻ rất đau khổ, ôm lấy đầu) - Không!… Bà là một kẻ lừa đảo! Bà đã lừa tôi, tôi đã vì bà mà bỏ phí cả tuổi thanh xuân. Bà đã từng đồng ý với tôi rằng, bà không bao giờ kết hôn với ai, cả đời sẽ không làm vợ ai!

Cô: (Phẫn nộ gắt Hách Đại Thủ) - Ông trêu chọc ông ấy làm gì? Không phải là tôi và ông đã ước định với nhau trước rồi à?

Hách Đại Thủ: Tôi quên rồi.

Cô: Ông quên rồi? Quên thì tôi nhắc lại nhé. Lúc ấy, tôi đã nói với ông rằng, tôi làm vợ ông cũng được, nhưng ông phải chấp nhận Tần Hà để ông ấy làm em trai tôi, để ông ta có quyền điên, có quyền ngu ngốc, có quyền nói năng bậy bạ; nhưng phải cho ông ta ăn, cho ông ta ở, cho ông ta mặc…

Hách Đại Thủ: Bà còn muốn ông ta có quyền được ngủ với bà nữa, đúng không?

Cô: Điên! Tất cả đều là một lũ điên!

Tần Hà: (Giận dữ chỉ vào Hách Đại Thủ) - Ông ta mới đúng là một kẻ điên chân chính, thần kinh của tôi vô cùng bình thường!

Hách Đại Thủ: Kêu gào chẳng có tác dụng gì, xấu hổ quá thành giận dữ cũng chẳng có tác dụng gì đâu. Cho dù ông có giơ nắm đấm lên cao hơn cây đại thụ, cho dù ánh mắt ông có làm vỡ toang quả anh đào đang tươi, cho dù trên đầu ông có mọc một chiếc sừng dê thật dài, cho dù miệng ông há ra có thể có chim bay ra, cho dù toàn thân ông có thể mọc đầy lông lợn thì cũng không có cách nào cải thiện được bệnh thần kinh của ông! Sự thật này đã được khắc trên đá bằng một lưỡi dao kim cương!

Cô: (Giọng có vẻ trào phúng) - Những từ ngữ bất chính ấy, ông học được từ kịch bản của Khoa Đẩu phải không?

Hách Đại Thủ: (Chỉ Tần Hà) - Cứ cách hai tháng là ông đến bệnh viện tâm thần ở núi Tai Ngựa ở ba tháng. Ở đó, ông mặc thật ấm, uống thuốc an thần, có khi bệnh ông phát tác quá nặng, người ta còn cho ông ngồi lên ghế điện. Ông bị họ hành hạ đến độ da chỉ còn bọc xương, đôi mắt đứng tròng, trông ông chẳng khác một thằng bé đói lả ở châu Phi. Trên mặt ông đầu cứt ruồi nhặng trông chẳng khác nào một bức tường chứa phân. Ông trốn ra khỏi nơi ấy rồi được nhởn nhơ hai tháng. Ngày mai hoặc ngày kia là đúng thời hạn ông phải đến đó rồi. (Đưa hai tay lên miệng thổi giả làm tiếng còi của xe cấp cứu - Toàn thân Tần Hà run rẩy quỳ mọp xuống đất) - Lần này ông đi vào đó, e rằng đã hết đường ra. Những người bị mắc chứng bệnh thần kinh tự huyễn hoặc như ông, nếu cho về gia nhập với xã hội thì càng làm cho cái xã hội vốn hài hòa này có thêm một nhân tố không hài hòa mà thôi.

Cô: Đủ rồi!

Hách Đại Thủ: Nếu tôi là bác sĩ, tôi sẽ nhốt ông vĩnh viễn ở đó. Tôi sẽ dùng gậy điện đánh ông cho đến khi ông sùi bọt mép ra, toàn thân ông co giật, khiến cho ông vĩnh viễn nằm yên một chỗ, không bao giờ tỉnh lại nữa. Cho dù có tỉnh dậy thì ông cũng đã hoàn mất trí nhớ. (Tần Hà ôm đầu lăn lộn dưới đất, miệng kêu lên những tiếng thê thảm khiến người ta rúng động tâm can) - Trông ông lúc này chẳng khác gì một con lừa lăn lộn trên đất. Lăn lộn tiếp đi! Xem kìa, mặt ông biến dạng rồi, tự mình sờ mà xem. Tai ông dài ra rồi kìa. Một lát nữa thôi, ông sẽ biến thành một con lừa, một con lừa kéo cối xay, dậm bốn chân đi vòng tròn thôi. (Tần Hà chống hai tay hai chân xuống đất, vổng cái mông lên thật cao, bắt chước dáng kéo cối xay của lừa). Đúng rồi, cứ như thế! Đúng là một con lừa ngoan! Kéo xong hai thúng đậu đen thì tiếp tục kéo thêm một thúng cao lương nữa nhé. Lừa ngoan không ăn vụng bột đậu, bột cao lương! Cứ làm cho giỏi, chủ nhân sẽ không bạc đãi đâu. Tôi đã chuẩn bị thức ăn cho ông rồi, đang chờ ông hưởng thụ đây!

[Cô bước đến định kéo Tần Hà đứng dậy thì bị ông ta cắn cho một miếng nơi tay.]

Cô: (Nói với Hách Đại Thủ ) - Ông đúng là đồ không biết trời cao đất dày là gì!

Hách Đại Thủ: Tôi đã nói rồi, ở đây không có chỗ của bà. Bà cứ chăm sóc những đứa trẻ của bà cho thật tốt, đừng để chúng chết rét, cũng đừng để chúng chết đói. Có điều, cũng đừng nên cho chúng ăn quá no, mặc quá ấm. Cũng giống như bà vẫn thường nói đấy thôi: Trẻ con muốn an lành thì phải cho chúng đói một tí, rét một tí, thế chúng mới ăn ngon, mới ngủ yên khi mặc ấm. (Quay sang Tần Hà) - Sao ông không kéo cối xay nữa? Một con lừa lười như ông, nếu không dùng roi mà quất lên mông thì không chịu làm phải không?

Cô: Ông đừng hành hạ ông ấy nữa! Ông ấy mắc bệnh mà!

Hách Đại Thủ: Ông ta mắc bệnh? Tôi xem bà mới chính là kẻ đang bị bệnh đấy.

[Tần Hà sùi bọt mép, lằm lăn ra đất, bất tỉnh]

Hách Đại Thủ: Đứng dậy, đừng có giả chết! Ông đã từng đóng kịch như thế này ít nhất là một lần rồi! Trò đóng kịch này tôi đã xem qua quá nhiều lần rồi. Kiểu đóng kịch này thì giòi bọ trong đống phân cũng biết làm. Ông định giả chết để dọa tôi đấy à, Phì! Tôi không sợ! Ông chết được thì càng tốt! Ông chết ngay đi, đừng để muộn một giây phút nào nữa!

[Cô vội vàng bước đến, muốn làm một vài động tác cấp cứu cho Tần Hà nhưng đã bị Hách Đại Thủ ngăn lại.]

Hách Đại Thủ: (Đau khổ) - Sự nhẫn nại của tôi đã vượt quá giới hạn rồi, tôi không chịu nổi nữa. Tôi không cho phép bà dùng cách ấy để cứu Tần Hà…

[Cô lắc người về bên phải thì Hách Đại Thủ cũng lắc người về bên phải; cô di động sang bên trái thì Hách Đại Thủ cũng di động sang bên trái.]

Cô: Ông ấy là bệnh nhân! Trong mắt những bác sĩ như chúng tôi, thế giới này chỉ có hai loại người: Một là người khỏe mạnh, hai là người bệnh. Cho dù ngày hôm qua ông ta đánh bố mẹ tôi nhưng hôm nay ông ta đột ngột lâm bệnh, tôi cũng sẽ quên thù hận mà ra tay cứu giúp! Cho dù anh trai ông ta đang lúc cưỡng hiếp tôi mà lăn đùng ra vì trúng gió, tôi cũng phải cứu!

Hách Đại Thủ: (Toàn thân đột nhiên cứng đờ ra, thì thầm đầy thống khổ) - Cuối cùng thì bà cũng đã thừa nhận là bà đã có quan hệ bất minh với cả hai anh em ông ấy!

Cô: Đó là vấn đề của lịch sử, là lịch sử văn minh mấy nghìn năm. Phàm đã thừa nhận lịch sử thì sẽ là người của chủ nghĩa duy vật lịch sử; phàm là người phủ nhận lịch sử thì sẽ là người của chủ nghĩa duy tâm lịch sử!

[Cô ngồi xuống bên cạnh Tần Hà, ôm ông ta vào lòng như ôm một đứa trẻ, vừa đung đưa vỗ về vừa hát một bài không thể nghe rõ hoàn toàn ca từ.]

Cô: (Cất tiếng hát) - Nghĩ về anh lòng em như tan nát… Nghĩ về anh em muốn khóc nhưng nước mắt không rơi… Muốn viết thư nhưng không biết anh lưu lạc phương nào… Muốn hát lên nhưng không nhớ được lời anh… Em muốn hôn nhưng không có môi anh… Muốn ôm ấp nhưng hình hài anh tan biến…

[Một thằng bé mặc bộ quần áo màu xanh, trên túi có thêu một con ếch, đầu trọc lóc như một quả dưa dẫn đầu một đoàn ếch do trẻ em hóa trang thành, có đứa ngồi trên xe lăn, có đứa chống nạng, có đứa buộc trên hai chi trước một dải băng đi ra từ trong chiếc hang động tối tăm ấy. Thằng bé xanh ấy kêu lên: Trả nợ! Trả nợ! Cả “bầy ếch” đồng thời kêu lên ồm oạp.]

[Cô kêu lên một tiếng kinh hoàng thê thảm, vất Tần Hà xuống đất, chạy loanh quanh trên sân khấu để trốn thằng bé xanh và bầy ếch.]

[Hách Đại Thủ và Tần Hà (vừa mới tỉnh dậy) chống trả những đợt tấn công của thằng bé xanh và bầy ếch, bảo vệ để Cô chạy xuống khỏi sân khấu. Thằng bé xanh và bầy ếch đuổi theo.]

(Hạ màn)

Màn 3

[Phòng tiếp dân tại đồn công an. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn dài, trên bàn có một chiếc máy điện thoại, trên tường có một lá cờ và các loại giấy khen0]

[Nữ công an Tiểu Ngụy ngồi phía sau bàn và đưa tay chỉ một chiếc ghế đặt phía trước như có ý bảo Trần Mi ngồi xuống đó. Trần Mi vẫn mặc bộ đồ đen và mạng che mặt]

Tiểu Ngụy: (Rất nghiêm túc, nhưng giọng vẫn còn đượm chất sinh viên) - Công dân, xin mời ngồi!

Trần Mi: Phía trước công đường sao không treo một chiếc trống?

Tiểu Ngụy: Chiếc trống nào?

Trần Mi: Trước đây, trước cửa các công đường đều có treo trống, tại sao các người lại không treo? Không có trống thì bách tính muôn dân làm sao có thể đánh trống kêu oan?

Tiểu Ngụy: Bà đang nói về các nha môn trong thời kỳ phong kiến! Bây giờ là xã hội xã hội chủ nghĩa, những trò vặt ấy đã bị bỏ đi rồi.

Trần Mi: Nhưng phủ Khai Phong đã bị phá bỏ đâu…

Tiểu Ngụy: Bà trông thấy những chuyện ấy trên phim truyện truyền hình phải không? Bao Thanh Thiên ngồi ở phủ Khai Phong…

Trần Mi: Dân nữ muốn gặp Bao Thanh Thiên!

Tiểu Ngụy: Công dân! Đây là Phòng tiếp dân của Đồn công an Tân Hà, tôi là công an viên Ngụy Anh đảm nhiệm công việc trực ban ở đây. Bà có việc gì xin mời phản ánh, tôi sẽ ghi chép lại toàn bộ những phản ánh của bà và báo cáo với lãnh đạo.

Trần Mi: Chuyện của dân nữ lớn lắm, chỉ có Bao Thanh Thiên mới có thể giải quyết được.

Tiểu Ngụy: Công dân! Bao Thanh Thiên lúc này không có mặt. Bà hãy báo mọi chuyện với tôi, tôi chịu trách nhiệm báo cáo lại với Bao Thanh Thiên, bà thấy có được không?

Trần Mi: Tiểu thư bảo đảm là sẽ báo cáo chứ?

Tiểu Ngụy: Tôi bảo đảm! (Chỉ chiếc ghế trước mặt) - Xin mời ngồi.

Trần Mi: Dân nữ không dám!

Tiểu Ngụy: Tôi mời bà ngồi thì bà cứ ngồi.

Trần Mi: Dân nữ xin cảm tạ!

Tiểu Ngụy: Có muốn uống nước không?

Trần Mi: Dân nữ không uống nước.

Tiểu Ngụy: Nữ công dân! Chúng ta không đóng phim nữa! Tên bà là gì?

Trần Mi: Dân nữ nguyên danh Trần Mi, nhưng Trần Mi đã chết, cũng có thể nói là Trần Mi đã chết một nửa, sống một nửa. Do vậy, lúc này dân nữ cũng không biết tên của mình là gì.

Tiểu Ngụy: Nữ công dân, bà đang đùa với tôi sao? Hay là bà bắt tôi phải đùa với bà? Đây là đồn công an, là một nơi cần phải có sự nghiêm trang.

Trần Mi: Ban đầu, dân nữ vốn có một đôi hàng lông mi đẹp nhất vùng Đông Bắc Cao Mật nên có tên là Trần Mi. Bây giờ, lông mi của dân nữ không còn nữa…, không những lông mi không còn (giọng trở nên tỉnh táo nhưng bi thương), ngay cả lông mày cũng không còn, không những thế, mái tóc cũng không còn nên không đủ tư cách để gọi là Trần Mi nữa!

Tiểu Ngụy: (Hình như tỉnh ngộ) - Nữ công dân, nếu công dân có gì phiền toái, bà có thể bỏ mạng che mặt ra không?

Trần Mi: Không thể!

Tiểu Ngụy: Nếu tôi không nhầm thì bà là người bị hại trong vụ hỏa hoạn ở xưởng đồ chơi Đông Lệ?

Trần Mi: Tiểu thư thật thông minh.

Tiểu Ngụy: Lúc ấy tôi vẫn còn đang học tại Học viện Cảnh sát, xem thời sự trên đài truyền hình mới biết được vụ hỏa hoạn ấy. Đúng là bọn tư bản lòng dạ quá hắc ám và trong thâm tâm, tôi rất thông cảm và đồng tình trước tai họa của bà. Nếu bà muốn phản ánh về chuyện bồi thường sau tai nạn, tốt nhất là bà hãy đến Viện kiểm sát hoặc là đến Thành ủy hay là Ủy ban Nhân dân thành phố. Bà cũng có thể tìm một phóng viên nào đó để giúp bà.

Trần Mi: Thế tiểu thư không quen với Bao Thanh Thiên sao? Chuyện của dân nữ phải nhờ Bao đại nhân giúp đỡ mới xong.

Tiểu Ngụy: Thôi thế này nhé, bà cứ nói đi, tôi sẽ dùng hết sức mình để phản ánh những nguyện vọng của bà lên cấp trên.

Trần Mi: Dân nữ muốn tố cáo bọn chúng. Bọn chúng đã cướp con trai của dân nữ.

Tiểu Ngụy: Ai cướp con trai của bà? Bà nói từ từ thôi, đừng quá vội vã. Theo tôi thì bà nên uống một cốc nước cho thông giọng. Giọng bà đã hơi khàn. (Rót một cốc nước đưa cho Trần Mi).

Trần Mi: Dân nữ không uống. Dân nữ biết tiểu thư muốn nhìn mặt khi dân nữ uống nước. Dân nữ ghét cái mặt của mình, cũng ghét những ai muốn nhìn mặt mình.

Tiểu Ngụy: Xin lỗi! Nhưng tôi không hề có ý đó.

Trần Mi: Sau khi bị tai nạn, dân nữ nhìn mặt mình một lần trong gương và từ đó trở về sau, dân nữ căm hận những chiếc gương, căm hận tất cả những gì có thể soi được dung mạo con người. Dân nữ đã từng có ý nghĩ là sau khi trả được nợ cho bố xong sẽ tự sát, nhưng bây giờ dân nữ không muốn chết nữa. Dân nữ chết thì đứa con sẽ đói mà chết. Dân nữ chết, đứa con sẽ trở thành mồ côi. Dân nữ đã nghe thấy tiếng khóc của nó. Tiểu thư lắng nghe xem… Nó đang khóc khản cả tiếng. Dân nữ muốn cho nó bú, đôi vú dân nữ đã căng lên như một quả bóng rồi, nếu không cho con bú, nhất định nó sẽ nổ tung. Nhưng… bọn chúng đã bắt con dân nữ giấu biệt mất rồi…

Tiểu Ngụy: Bọn chúng là ai?

Trần Mi: (Rất cảnh giác nhìn ra phía cửa sổ) - Bọn chúng là những con ếch, những con ếch to bằng những chiếc nắp vung, kêu ồm oạp… Những con ếch hung ác… Những con ếch ăn thịt trẻ con…

Tiểu Ngụy: (Đứng dậy đóng cửa) - Chị à, chị yên tâm, tường ở đây đều được cách âm.

Trần Mi: Bọn chúng với tay lên đến tận trời, cấu kết với quan lớn…

Tiểu Ngụy: Bao Thanh Thiên không sợ quan lớn.

Trần Mi: (Rời khỏi ghế quỳ xuống đất) - Bao đại nhân! Nỗi oan của dân nữ thâm sâu như biển cả, nhờ đại nhân ra tay cứu giúp.

Tiểu Ngụy: Cứ nói!

Trần Mi: Bẩm đại nhân, dân nữ là Trần Mi, gốc gác vùng Đông Bắc Cao Mật. Phụ thân của dân nữ là Trần Tị vốn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, năm ấy vì muốn sinh con trai nên đã khiến mẫu thân của dân nữ có thai vi phạm chính sách sinh đẻ có kế hoạch. Không may, sự tình bại lộ, ban đầu là trốn chui trốn nhủi khắp nơi, sau đó thì bị truy bắt trên sông. Mẫu thân đã sinh ra dân nữ trên một chiếc bè và sau đó thì bất hạnh tử vong. Phụ thân của dân nữ thấy lại là một đứa con gái nên rất thất vọng, ban đầu là không thèm đoái hoài nhưng sau đó thì đòi dân nữ về. Vì vi phạm sinh đẻ có kế hoạch, phụ thân dân nữ bị phạt năm nghìn tám trăm đồng. Từ đó, phụ thân ngày nào cũng rượu chè, say thì bắt đầu đánh đập chị em dân nữ. Sau đó thì dân nữ theo chị gái Trần Nhĩ xuôi về phương nam, đến tận Quảng Đông để làm thuê, một là muốn kiếm tiền để trả ơn cho phụ thân, hai là muốn tìm cho mình một con đường sống tốt hơn. Hai chị em dân nữ đều có sắc đẹp trời ban, nếu muốn có tiền thì không khó gì. Nhưng chị em dân nữ kiên quyết giữ vững tiết trinh, noi gương hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn… Không ngờ, một trận hỏa hoạn xảy ra cướp đi sinh mệnh của chị gái và hủy diệt dung nhan của dân nữ…

[Tiểu Ngụy rút khăn tay lau nước mắt.]

Trần Mi: Chị gái dân nữ vì muốn cứu em nên mới chết… Chị ơi, chị cứu em làm gì? Sống mà không phải là người, cũng không phải là quỷ, chi bằng chết còn hơn…

Tiểu Ngụy: Những kẻ tư bản đáng nguyền rủa! Phải bắt nhốt chúng lại và từng đứa từng đứa bắn bỏ!

Trần Mi: (Đã tỉnh táo hơn) - Kể ra thì bọn chúng cũng không phải là kẻ xấu, đã bồi thường tính mạng cho chị gái hai mươi nghìn, cho dân nữ mười lăm nghìn. Số tiền ấy, dân nữ đã đưa cả cho phụ thân và nói: Phụ thân đã sinh ra con mà bị phạt, thêm hai mươi năm nuôi dưỡng nữa, công lao này con trả cho phụ thân. Kể từ nay trở về sau, con không còn nợ gì phụ thân nữa!

Tiểu Ngụy: Bố chị cũng không phải là người tốt!

Trần Mi: Có xấu gì đi chẳng nữa thì ông ấy vẫn là phụ thân dân nữ, tiểu thư không có tư cách để chửi ông ấy!

Tiểu Ngụy: Ông ấy dùng số tiền ấy vào việc gì?

Trần Mi: Ông ấy còn biết làm gì ngoài chuyện ăn, uống và hút!

Tiểu Ngụy: Một người đàn ông trụy lạc, không bằng loài lợn chó!

Trần Mi: Dân nữ đã nói rồi, không ai được phép chửi phụ thân của dân nữ.

Tiểu Ngụy: (Tự trào) - Tôi vốn hay chửi vớ vẩn! Được rồi, sau đó thế nào?

Trần Mi: Sau đó, dân nữ đến công ty nuôi ếch làm thuê.

Tiểu Ngụy: Tôi biết công ty này, rất nổi tiếng. Nghe đâu là họ đã điều chế một loại thuốc dưỡng da cao cấp từ da ếch, sau khi thành công sẽ có bản quyền trên thế giới.

Trần Mi: Kẻ mà dân nữ cần tố cáo chính là bọn họ!

Tiểu Ngụy: Cứ nói.

Trần Mi: Họ nuôi ếch chẳng qua là một cách che mắt thiên hạ, công việc chính của họ là đẻ trẻ con thay cho người khác.

Tiểu Ngụy: (Kinh ngạc) - Đẻ con thay cho người khác là thế nào?

Trần Mi: Họ thuê một đám phụ nữ và bắt những người này sinh con cho những quý ông nhiều tiền nhưng hiếm con.

Tiểu Ngụy: Có chuyện này sao?

Trần Mi: Trong công ty của họ có hơn hai mươi căn phòng bí mật, thuê hai mươi người phụ nữ, có người đã có chồng, có người chưa chồng; có xấu có đẹp; có người mang thai hữu tính, có người mang thai vô tính…

Tiểu Ngụy: Cái gì? Cái gì? Như thế nào là mang thai hữu tính và mang thai vô tính?

Trần Mi: Cô giả vờ thuần khiết làm gì? Chuyện ấy mà cô cũng không biết sao? Cô còn trinh tiết à?

Tiểu Ngụy: Quả thật là tôi không hiểu…

Trần Mi: Mang thai hữu tính là ngủ với đàn ông giống như vợ chồng, sống chung với nhau cho đến khi mang thai. Mang thai vô tính là đem tinh trùng của đàn ông bơm vào tử cung của đàn bà! Cô là trinh nữ à?

Tiểu Ngụy: Còn chị?

Trần Mi: Đương nhiên là dân nữ còn trinh.

Tiểu Ngụy: Nhưng chị vừa nói là chị đã có con…

Trần Mi: Dân nữ đã có con, nhưng vẫn là trinh nữ. Bọn chúng đã bảo một y tá béo mập bơm một ống tiêm đầy tinh trùng vào tử cung của dân nữ. Do vậy mà dù có thai, đã có con nhưng chưa bao giờ dân nữ ngủ với đàn ông. Dân nữ trong sạch, là gái trinh!

Tiểu Ngụy: Chị nói đi, cuối cùng bọn chúng là những ai?

Trần Mi: Điều này thì dân nữ không thể nói được. Dân nữ mà nói ra thì bọn chúng sẽ giết đứa con mất…

Tiểu Ngụy: Là gã béo mập ấy phải không? Tên gì nhỉ? Là… Viên Tai?

Trần Mi: Viên Tai ở đâu? Tôi cần gặp lão! Lão là một kẻ súc sinh. Lão đã lừa tôi! Các người hợp tác để lừa tôi! Các người nói con tôi đã chết sau khi sinh ra, đem một con mèo lột da cho tôi thấy và nói đó là con tôi. Các người đã biểu diễn một tấn tuồng “Mèo thay thái tử” hiện đại! Các người đã dùng cách ấy để lấy tiền của tôi. Các người định dùng cách ấy để khiến tôi từ bỏ ý định tìm con sao? Tiền, tôi không cần nữa. Tiểu thư đây không cần tiền. Ngày ấy, ở Quảng Đông, một gã Đài Loan đã tự nguyện bỏ ra một triệu đồng để mua tiểu thư đây trong ba năm mà tiểu thư chẳng thèm đoái hoài. Nhưng tiểu thư đây cần con. Con của tiểu thư là đứa trẻ ưu tú nhất trong loài người… Bao đại nhân, ngài nhất định phải đứng ra giải quyết việc này cho dân nữ…

Tiểu Ngụy: Khi đề nghị chị mang thai, giữa họ và chị có ký hợp đồng nào không?

Trần Mi: Có ký hợp đồng. Hợp đồng ghi rõ là sau khi ký xong, họ đưa dân nữ một phần ba số tiền trong hợp đồng, sau khi sinh con xong thì họ sẽ giao tất cả.

Tiểu Ngụy: Việc này cũng có nhiều phiền toái đây, nhưng không sao, Bao đại nhân sẽ làm rõ vụ án này. Chị cứ nói tiếp đi.

Trần Mi: Bọn chúng nói với tôi, ống tinh trùng ấy là của một nhân vật quan trọng. Nhân vật ấy có bản chất ưu việt, thậm chí là một thiên tài. Họ còn nói, để có được một đứa con khỏe mạnh, nhân vật ấy đã từng cai thuốc, bỏ rượu, mỗi ngày ăn nửa ký bào ngư, hai lạng hải sâm đã được nửa năm rồi.

Tiểu Ngụy: (Trào phúng) - Đúng là lắm tiền!

Trần Mi: Bồi dưỡng những con người ưu tú cho thế hệ sau là kế hoạch trăm năm, tất nhiên không tiếc xương máu. Họ nói, nhân vật ấy đã trông thấy ảnh tôi trước khi tôi bị hủy hoại nhan sắc, cho rằng tôi là một mỹ nhân hỗn hợp huyết thống.

Tiểu Ngụy: Chị không thích tiền, không cần tiền, tại sao chị đồng ý làm việc này?

Trần Mi: Tôi đã nói là tôi không thích tiền, không cần tiền sao?

Tiểu Ngụy: Chính miệng chị vừa nói đấy thôi!

Trần Mi: (Bóp trán như cố nhớ lại) - Tôi nhớ ra rồi, bởi vì bố tôi bị tai nạn xe hơi phải nằm viện. Tôi đẻ thay cho người khác cũng chỉ vì muốn có tiền để trả viện phí cho bố mà thôi.

Tiểu Ngụy: Chị là người con có hiếu. Nhưng một ông bố như vậy, có chết cũng đáng đời.

Trần Mi: Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng dù sao thì ông ấy cũng là bố tôi.

Tiểu Ngụy: Do vậy tôi mới nói chị là người con có hiếu.

Trần Mi: Tôi biết con trai tôi vẫn chưa chết, bởi tôi đã nghe thấy tiếng nó khóc… Cô hãy lắng nghe, nó lại đang khóc đấy… Ôi con tôi… Kể từ lúc sinh ra đến giờ, nó chưa được bú một giọt sữa nào… Ôi đứa con đáng thương của tôi…

[Trưởng đồn công an đẩy cửa bước vào.]

Trưởng đồn: Đừng có mà khóc lóc như vậy! Có gì cứ bình tĩnh mà nói!

Trần Mi: (Quỳ xuống) - Bao đại nhân! Ngài hãy ra tay giúp dân nữ…

Trưởng đồn: Chuyện gì thế này? Loạn rồi!

Tiểu Ngụy: (Nói nhỏ) - Báo cáo, có thể đây là một vụ án kinh thiên động địa. - (Đẩy những tờ giấy ghi chép về phía Trưởng đồn. Trưởng đồn lật qua lật lại xem) - Rất có thể đây là một tổ chức mua bán dâm và mua bán trẻ em!

Trần Mi: Bao đại nhân! Xin ngài hãy cứu con dân nữ…

Trưởng đồn: Được rồi. Dân nữ Trần Mi hãy nghe đây! Bản quan tiếp nhận cáo trạng của ngươi. Bản quan nhất định sẽ báo cáo cho Bao đại nhân để ngài biết. Bây giờ ngươi hãy về mà chờ tin, rõ chưa!

[Trần Mi lẳng lặng rời khỏi sân khấu.]

Tiểu Ngụy: Trưởng đồn…

Trưởng đồn: Cô mới về đây, có thể chưa hiểu hết được sự tình. Người con gái này vốn là công nhân bị tai nạn hỏa hoạn tại xưởng đồ chơi Đông Lệ, thần trí không bình thường lâu nay rồi. Rất đáng thương nhưng khó lòng giúp đỡ được điều gì.

Tiểu Ngụy: Nhưng… thưa Trưởng đồn, tôi đã thấy…

Trưởng đồn: Cô thấy cái gì?

Tiểu Ngụy: (Có vẻ khó nói) - Tôi trông thấy đôi vú cô ấy căng mọng đầy sữa! Sữa đang chảy ra thấm đầy cả áo!

Trưởng đồn: Có thể là mồ hôi thôi! Tiểu Ngụy, cô vừa mới nhận việc, nên nhớ rằng những người làm công việc như chúng ta vừa phải cảnh giác nhưng thần kinh cũng đừng quá nhạy cảm!

(Hạ màn)

Màn 4

[Quay lại cảnh ở màn hai]

[Hách Đại Thủ và Tần Hà ngồi bên bàn của mình nặn búp bê.]

[Một người đàn ông trung niên mặc một bộ Âu phục màu xám không được thẳng nếp lắm, trên cổ có thắt một chiếc cà vạt màu đỏ, trên túi áo có giắt một cây bút, dưới nách có một chiếc cặp giấy tờ lặng lẽ xuất hiện.]

Hách Đại Thủ: (Không ngẩng đầu lên) - Khoa Đẩu, cậu lại đến đây làm gì?

Khoa Đẩu: (Cúi chào cung kính) - Chú Hách quả là thần nhân, dựa vào đôi tai mà đã nhận ra cháu.

Hách Đại Thủ: Không phải tôi dùng tai mà là dùng mũi.

Tần Hà: Khứu giác của loài chó linh mẫn hơn loài người một vạn lần.

Hách Đại Thủ: Ông dám chửi tôi?

Tần Hà: Tôi đã chửi ông sao? Tôi chỉ nói khứu giác của loài chó linh mẫn hơn loài người một vạn lần.

Hách Đại Thủ: Còn chửi tiếp nữa sao? (Dùng đất sét trên tay mình nhanh chóng nặn ra một cái mặt giống hệt Tần Hà, đưa ra phía trước cho Tần Hà và Khoa Đẩu xem rồi đập mạnh xuống đất. Cái mặt bẹp gí) - Tôi đập dẹp cái mặt ông, cái mặt không cần phải có trên cuộc đời này!

Tần Hà: (Chẳng chịu kém, cũng nhanh chóng nặn một cái mặt giống hệt Hách Đại Thủ, đưa cho Khoa Đẩu xem rồi đập mạnh xuống đất. Cái mặt bẹp gí) - Tôi đập dẹp cái mặt chó của ông!

Khoa Đẩu: Chú Hách bớt giận, chú Tần bớt giận, nhị vị đại sư bớt giận. Những gì mà hai người vừa nặn ra đều là những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đập bẹp mất rồi, thật đáng tiếc!

Hách Đại Thủ: Cậu đừng nói lôi thôi. Coi chừng, tôi sẽ nặn mặt cậu rồi đập cho bẹp gí mà xem!

Khoa Đẩu: Tôi mong chú hãy nặn đi, nhưng đừng đập bẹp. Sau khi kịch bản của tôi được in thành sách, tôi sẽ chụp ảnh nó để làm trang bìa.

Hách Đại Thủ: Tôi đã nói với cậu từ lâu rồi, cô của cậu thà xem kiến leo cây còn thú vị hơn xem kịch bản của cậu.

Tần Hà: Cậu không chăm lo cấy cày, viết kịch làm gì? Nếu cậu viết được một vở kịch, tôi sẽ tự nguyện nuốt hết đống đất sét này.

Khoa Đẩu: (Khiêm nhường) - Chú Hách, chú Tần à, cô đã ngần ấy tuổi, thị lực kém lắm rồi, tôi không dám để cô tự xem, tôi sẽ đọc to để cô và hai chú nghe. Hai chú chắc đã nghe qua chuyện Tào Ngu tiên sinh và Lão Xá tiên sinh đã từng đến đoàn kịch để đọc kịch bản cho diễn viên và đạo diễn nghe.

Hách Đại Thủ: Nhưng cậu không phải là Tào Ngu và Lão Xá!

Tần Hà: Chúng tôi không phải là diễn viên, cũng không phải là đạo diễn.

Khoa Đẩu: Nhưng hai chú lại là nhân vật trong kịch của tôi. Tôi đã dùng rất nhiều công sức để mỹ hóa hai chú. Nếu hai chú không nghe, e là sai lầm nghiêm trọng đấy. Nếu nghe xong, có chỗ nào không bằng lòng, tôi vẫn có thể sửa đổi. Nếu không nghe, sau này lên sân khấu, in thành sách, hai chú có hối hận cũng không kịp nữa đâu. - (Đột nhiên giọng nói trở nên bi tráng) - Để viết vở kịch này, tôi đã tốn đến mười năm trải nghiệm, vung gần hết gia tài, ngay cả mấy cái xà nhà bằng gỗ quý cũng đã bị tôi tháo xuống để bán đi. - (Ôm ngực ho khan mấy tiếng) - Vì vở kịch này mà tôi phải hút loại thuốc rẻ tiền đắng ngắt, lúc không có thuốc lá thì cuộn lá hòe lại mà hút… Tôi cũng đã từng trải qua không biết bao đêm mất ngủ, hao tổn sức lực, thậm chí là coi thường cả sinh mệnh. Vì cái gì? Vì danh tiếng chăng? Vì lợi ích chăng? Tất cả đều không phải! Vì lòng yêu mến cô, vì muốn lập một tượng đài thánh mẫu ở vùng Đông Bắc Cao Mật của chúng ta! Hôm nay, nếu hai người không nghe tôi đọc, tôi sẽ chết trước mặt hai người!

Hách Đại Thủ: Cậu dọa ai thế? Cậu muốn chết như thế nào? Treo cổ hay là uống thuốc độc?

Tần Hà: Nghe cậu nói cũng cảm động lắm, tôi cũng đang có chút hứng thú để nghe đây.

Hách Đại Thủ: Cậu muốn đọc cũng được, nhưng không được đọc trong nhà tôi.

Khoa Đẩu: Nơi đây vốn là nhà của cô, sau này mới có thể là nhà của chú.

[Cô bò từ trong hang động ra]

Cô: (Có vẻ mệt mỏi) - Ai đang nói về tôi?

Khoa Đẩu: Cô, là cháu đây ạ.

Cô: Ta biết là cháu mà. Cháu đến đây làm gì?

Khoa Đẩu: (Vội vàng mở cặp giấy tờ, lôi ra một xấp giấy, đọc nhanh) - Tôi là Khoa Đẩu, tức Nòng Nọc, người huyện Đồn (Tần Hà và Hách Đại Thủ đưa mắt nhìn nhau như đang giao lưu điều gì đó) - Dư Bồi Sinh là bố tôi, Tôn Phục Hà là mẹ tôi. Tôi là một trong những “đứa trẻ củ đậu”, cũng là đứa trẻ đầu tiên được ra đời qua bàn tay của Cô. Vợ tôi - Đàm Ngư Nhi cũng do cô đỡ đẻ. Bố cô ấy là Đàm Tiến Hải, mẹ cô ấy là Hoàng Nguyệt Linh…

Cô: Đừng đọc nữa! Làm một nhà soạn kịch thì phải đổi cả tên họ sao? Năm sinh cũng đổi sao, tên bố mẹ cũng đổi sao, tên làng cũng đổi sao, tên vợ cũng đổi sao? (Cô đi len lỏi giữa những đứa trẻ đang treo lủng lẳng, lúc thì cúi đầu trầm tư, lúc thì đấm thình thịch vào ngực. Lát sau, Cô phát mạnh vào mông những đứa trẻ, mỗi đứa một cái. Bọn chúng đồng thanh khóc ré lên. Trong dàn đồng ca bằng tiếng khóc của những đứa trẻ, Cô bắt đầu nói thao thao bất tuyệt, tiếng khóc giảm dần) - Chúng mày, những “đứa trẻ củ đậu” hãy nghe ta nói đây! Chính ta là người tự tay đưa chúng mày đến với cuộc đời! Bọn nhóc chúng mày đứa nào cũng buộc ta phải tốn quá nhiều sức lực. Bà cô ta làm công việc này hơn năm mươi năm, cho đến bây giờ vẫn chưa được nghỉ ngơi. Trong năm mươi năm ấy, hầu như ta không ăn được bữa cơm nào thật chín, chưa ngủ một giấc nào thật đẫy, hai tay đầy máu, đầu đẫm mồ hôi, người đầy cứt đái. Chúng mày nghĩ rằng làm một bác sĩ sản phụ ở nông thôn là dễ dàng lắm sao? Mười tám thôn vùng Đông Bắc Cao Mật, năm mươi nghìn hộ dân, thử hỏi ta chưa bước qua ngạch cửa nhà nào? Thử hỏi da bụng mẹ của chúng mày, vợ của chúng mày, cái nào ta chưa xem qua? Những ông bố tạp chủng của chúng mày, đứa nào mà ta không thắt ống dẫn tinh! Lúc này, trong số chúng mày có đứa đã thăng quan, có đứa phát tài, chúng mày có thể nói năng bạt mạng trước mặt huyện trưởng, tỉnh trưởng. Nhưng trước mặt ta, chúng mày đều trở nên cung cung kính kính. Nhớ năm ấy, cứ theo cách nghĩ của bà cô ta thì nên đem bọn chó con chúng mày cắt dái hết, giảm bớt những tội trạng của vợ chúng mày. Đừng có nhăn mặt nhăn mày như khỉ mà cười như thế nữa, nghiêm túc tí nào! Chủ trương sinh đẻ có kế hoạch liên quan đến chuyện quốc gia đại sự, là chuyện quốc kế dân sinh, có ca thán phản đối cũng chẳng có tác dụng gì, cần nạo là nạo, cần thắt là thắt. Đàn ông không có kẻ nào ra hồn, câu ấy do ai nói nhỉ? Chúng mày không biết à? Chúng mày không biết, bà cô ta cũng không biết, chỉ biết là đàn ông chẳng có ai tốt. Cho dù là chúng mày không tốt, nhưng rời bỏ chúng mày cũng không xong. Từ thời khai thiên lập địa đến giờ, thượng đế đã an bài như thế rồi, có hổ thì có thỏ, có chim ưng thì có chim sẻ, có ruồi nhặng thì cũng có muỗi…, thiếu bất kỳ một loại nào sẽ không thành thế giới. Nghe đâu ở rừng nguyên sinh châu Phi có một bộ lạc chỉ sống trên cây. Họ làm tổ trên cây, đàn bà đẻ trứng trong tổ. Đẻ trứng xong, đàn bà ngồi vắt vẻo trên cành cây ăn quả dại, đàn ông lo kiếm lá về ấp trứng, bảy bảy bốn chín ngày, đứa trẻ phá vỏ trứng chui ra, vừa chui ra đã biết trèo cây. Chúng mày có tin không? Không tin à, nhưng bà cô đây thì tin! Ta đã tự tay lôi ra trong bụng một trong số bà mẹ chúng mày một quả trứng, to gần bằng quả bóng đá, đặt trên bếp lò nửa tháng thì nở ra một đứa trẻ thật to béo, vừa béo vừa trắng, có tên là Đản Sinh. Đáng tiếc là thằng bé này bị chứng viêm não nên đã chết, nếu còn sống thì lúc này cũng đã hơn bốn mươi tuổi. Nếu Đản Sinh còn sống, nhất định nó sẽ là một nhà văn lớn bởi trong ngày đầy năm, nó không chọn gì mà chỉ cầm chắc một cây bút trong tay. Trong núi không có hổ thì khỉ lại xưng vương, Đản Sinh đã chết nên mới có một thằng Khoa Đẩu khua môi múa mép…

Khoa Đẩu: (Rất cung kính, khâm phục) - Cô, đúng là cô xuất khẩu thành thơ. Cô không những là một bác sĩ sản phụ kiệt xuất mà còn là một nhà viết kịch vĩ đại! Những lời của cô tưởng như nói rất tùy hứng nhưng đều là những từ ngữ tinh túy!

Cô: Cái gì gọi là “nói rất tùy hứng”? Những lời của ta đều là những suy nghĩ lâu nay, đều là những lời rút ra tận đáy lòng! (Chỉ vào xấp giấy trên tay Khoa Đẩu) - Đây là kịch bản do cháu viết?

Khoa Đẩu: (Khiêm nhường) - Vâng ạ.

Cô: Tên của vở kịch là gì?

Khoa Đẩu: “Oa”.

Cô: Là “oa” trong “oa oa” hay là “oa” trong “thanh oa”?

Khoa Đẩu: Tạm lấy chữ “oa” trong “thanh oa”, đương nhiên cũng có thể đổi thành “oa” trong “oa oa”, đương nhiên cũng có thể đổi thành “oa” trong “Nữ Oa”( () Ba chữ “oa” đồng âm: 娃 (oa) trong 娃娃 (oa oa) có nghĩa là “em bé”; 蛙 (oa) trong 青蛙 (thanh oa) có nghĩ là “on ếh” còn 娲 (oa) trong 女娲 (NữOa) chỉlà tên củ mộ nhân vậ thầ thoạ Trung Quố (ND).

). Nữ Oa tạo ra con người, “oa oa” tượng trưng cho việc đẻ nhiều con, còn “oa” trong “thanh oa” là tô tem của vùng Đông Bắc Cao Mật chúng ta. Trong những bức bình phong, những tranh vẽ của chúng ta đều thể hiện sự sùng bái đối với ếch.

Cô: Có lẽ nào cháu không biết là ta sợ ếch sao?

Khoa Đẩu: Đúng là trong vở kịch này cháu định phân tích những nguyên nhân làm cho cô sợ ếch. Nếu cô đọc hết kịch bản của cháu, tâm tình được giải thoát, có thể cô sẽ không còn sợ ếch nữa.

Cô: (Đưa tay ra) - Thế thì cháu hãy đưa kịch bản cho ta.

[Khoa Đẩu cung kính đưa kịch bản cho Cô]

Cô: (Nói với Tần Hà và Hách Đại Thủ) - Một trong hai người, ai sẽ nhận trách nhiệm đốt những trang giấy nhăng cuội này?

Khoa Đẩu: Cô! Đây là tâm huyết mười năm của cháu!

Cô: (Vung tay, giấy bay phấp phới và rơi xuống sân khấu) - Căn bản không cần đọc, dùng mũi ngửi qua ta cũng biết là cháu viết những lời cứt đái như thế nào! Dựa vào học vấn của cháu mà đã có thể phân tích được nguyên nhân sợ ếch của ta sao?

[Khoa Đẩu, Tần Hà và Hách Đại Thủ chạy lung tung trên và dưới sân khấu để tranh nhau nhặt những tờ giấy]

Cô: (Miên man trong những hồi ức) - Buổi sáng ngày cháu được sinh ra, ta đang rửa tay bên bờ sông. Ta đã trông thấy ếch, đông thành từng đàn từng lũ chen chúc nhau dưới nước. Năm ấy, nòng nọc còn nhiều hơn cả nước sông. Cảnh tượng ấy khiến ta liên tưởng: Nhiều nòng nọc như thế này, cuối cùng chúng sẽ thành ếch. Nhưng chẳng qua cũng chỉ là một phần vạn mà thôi, đại bộ phận nòng nọc sẽ hóa thành bùn đất. Chuyện này sao mà giống với tinh trùng của đàn ông, thành đàn thành lũ tinh trùng nhưng có thể kết hợp với trứng để hình thành thai nhi, e rằng chỉ có một phần triệu. Lúc ấy ta đã nghĩ, chuyện sinh dục giữa người và nòng nọc nhất định phải có một quan hệ thần bí nào đó. Khi mẹ cháu bảo ta đặt cho cháu một cái tên, ta đã buột miệng nói: Khoa Đẩu! Nòng Nọc! Mẹ cháu nói: Tên quá hay! Tên quá hay! Khoa Đẩu, tên xấu thì sống lâu! Nòng Nọc, cái tên của cháu đã có mùi phú quý!

[Khoa Đẩu, Tần Hà, Hách Đại Thủ mỗi người cầm một xấp giấy đứng im lắng nghe.]

Khoa Đẩu: Đa tạ cô!

Cô: Sau đó, trên báo Nhân Dân có giới thiệu cách “Dùng nòng nọc để tránh thai”, yêu cầu người đàn bà đang thời kỳ rụng trứng, trước khi giao hợp thì uống mười bốn con nòng nọc còn đang sống, có thể tránh thai. Nhưng cuối cùng thì thai tránh không được mà kết quả là những người đàn bà đã học theo cách ấy đều đẻ ra ếch.

Hách Đại Thủ: Đừng nói nữa! Nói nữa thì bệnh sẽ tái phát đấy!

Cô: Ông nói ai? Tôi không có bệnh gì cả. Kẻ có bệnh chính là bọn đã ăn thịt ếch. Chúng đã bắt những người đàn bà ra bên bờ sông dùng kéo cắt đầu ếch, rồi sau đó lột da chúng như cởi quần áo người ta. Đùi ếch trông rất giống đùi đàn bà… Chính vì vậy mà tôi bắt đầu sợ ếch. Đùi ếch… giống như đùi đàn bà…

Tần Hà: Bọn ăn thịt ếch cuối cùng sẽ gặp báo ứng. Trong thịt ếch có một loại ký sinh trùng. Loại ký sinh trùng này sẽ chui vào trong óc khiến chúng sẽ phát chứng ngu đần và dần dần, mặt chúng sẽ biến thành mặt ếch.

Khoa Đẩu: Đây là một chi tiết rất quan trọng. Những kẻ ăn thịt ếch sẽ biến thành ếch, còn cô sẽ trở thành anh hùng bảo vệ cho loài ếch.

Cô: (Rất đau khổ) - Không! Bàn tay cô đã từng vấy máu ếch. Trong một tình huống bất khả kháng, cô đã bị bọn chúng lừa và ăn thịt ếch được băm nhỏ vắt thành từng viên. Ông nội cháu đã từng kể rằng, ngày xưa Chu Văn Vương cũng bị kẻ xấu lừa, ăn thịt con trai mình bị băm nhỏ và vắt thành viên. Sau đó, Chu Văn Vương rời khỏi hoàng cung, vừa cúi người xuống là đã nôn mấy viên thịt băm ấy ra, chúng hóa thành những con thỏ, do vậy người ta mới đọc chệch âm “thố” thành “thổ”( () “Thố” (兔?Ỉ) nghĩ là “on thỏ?, gầ âm vớ “hổ? (吐) nghĩ là “ôn mử”(ND).

)! Ngày ấy, cô về đến nhà là đã cảm thấy bụng mình sôi lên òng ọc và bỗng dưng cô thấy buồn nôn. Cô vội vã chạy ra bờ sông, vừa kịp cúi đầu xuống là đã nôn xuống nước mấy viên thịt có màu xanh xanh. Mấy viên thịt ấy ngay lập tức biến thành mấy con ếch…

[Thằng bé mặc áo xanh dẫn đầu đoàn ếch từ trong hang bò ra. Thằng bé hô: Trả nợ! Trả nợ!… Bọn ếch đồng loạt kêu lên ồm oạp đầy vẻ phẫn nộ.]

[Cô chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đổ ụp xuống sân khấu, ngất xỉu.]

[Hách Đại Thủ đỡ lấy Cô và bấm vào huyệt Nhân trung của Cô.]

[Tần Hà xua đuổi thằng bé và bọn ếch.]

[Khoa Đẩu tiếp tục nhặt những trang bản thảo của mình.]

Khoa Đẩu: (Lôi từ trong ngực ra một xấp thiệp mời màu đỏ) - Thưa cô, thực ra là cháu biết nguyên nhân chính dẫn đến việc cô sợ ếch. Cháu còn biết, những năm gần đây, cô đã dùng mọi cách để cố làm giảm nhẹ tội trạng mà cô tự nhận lấy về mình. Thực ra thì cô không hề có tội, chẳng qua cô bị ám ảnh mà thôi. Thưa cô, dưới sự giúp đỡ của cô, con trai cháu đã ra đời. Do vậy cháu đã tổ chức một bữa tiệc lớn, mời cô (hướng về Hách Đại Thủ và Tần Hà) cũng như nhị vị đại thúc quan tâm đến dự!

(Hạ màn)

Màn 5

[Ban đêm, ánh đèn mờ tỏ trên sân khấu.]

[Một góc miếu Nương Nương. Trần Tị và con chó co quắp dưới chân một chiếc cột đá to. Chó có thể do người hóa trang. Trước mặt cả hai là một chiếc bát sắt, trong đó có mấy tờ tiền giấy và đồng xu, hai chiếc nạng đặt hai bên của Trần Tị.]

[Trần Mi mặc toàn một màu đen, mạng che mặt màu đen xuất hiện trên sân khấu như một bóng ma đến từ cõi u linh.]

[Hai người đàn ông mặc toàn một màu đen, mạng che mặt màu đen cùng lúc xuất hiện sau lưng Trần Mi]

Trần Mi: (Kêu gào đầy tuyệt vọng) - Con trai!… Con trai của mẹ… Con ở đâu? Con trai của mẹ… Con ở đâu?…

[Hai người đàn ông tiến gần đến phía Trần Mi.]

Trần Mi: Các người là ai? Tại sao lại mặc màu đen, tại sao lại phải che mặt? À, tôi hiểu rồi, các người cũng là những kẻ bị hại trong trận hỏa hoạn…

Người đàn ông A: Đúng, chúng tôi cũng là những kẻ bị hại…

Trần Mi: (Đã tỉnh táo hơn) - Không đúng, trận hỏa hoạn ấy chỉ có nữ công nhân bị hại, còn các người rõ ràng là đàn ông…

Người đàn ông B: Chúng tôi bị hại trong một trận hỏa hoạn khác.

Trần Mi: Thế thì các ông đáng thương quá…

Người đàn ông A: Đúng thế, chúng tôi rất đáng thương.

Trần Mi: Các ông đau lắm…

Người đàn ông B: Đúng, chúng tôi đau lắm.

Trần Mi: Các ông đã ghép da chưa?

Người đàn ông A: (Ngơ ngác không hiểu) - Ghép da?

Trần Mi: Chính là người ta cắt da từ dưới mông, dưới đùi, nói chung là những chỗ chưa bị cháy của các ông để dán vào những chỗ bị cháy trên mặt, trên cổ… Các ông chưa ghép à?

Người đàn ông B: Làm rồi! Làm rồi! Bác sĩ đã lấy hết da dưới mông chúng tôi để đắp lên mặt…

Trần Mi: Họ có cấy lông mày lông mi cho các ông không?

Người đàn ông A: Có rồi, có cấy lông mày.

Trần Mi: Bác sĩ dùng tóc hay là lông dưới háng của các ông?

Người đàn ông B: Cái gì? Lông dưới háng cũng biến thành lông mày lông mi được sao?

Trần Mi: Nếu đầu tóc bị cháy rụi thì chỉ còn cách ấy mà thôi. Lông dưới háng dù sao cũng vẫn tốt hơn là không có lông mày lông mi. Nếu lông chỗ ấy cũng bị cháy nốt thì mặt mũi các ông sẽ trơn tuột, trông chẳng khác mặt ếch là mấy đâu.

Người đàn ông A: Đúng, đúng, đúng! Trên người chúng tôi không còn chỗ nào có lông cả, mặt chúng tôi trơn tuột trông chẳng khác mặt ếch.

Trần Mi: Các ông có nhìn vào gương bao giờ không?

Người đàn ông B: Chúng tôi không hề nhìn vào gương.

Trần Mi: Những người bị cháy như chúng ta sợ nhất là phải nhìn vào gương, vật mà chúng ta hận nhất là các loại gương soi mặt!

Người đàn ông A: Đúng thế! Trông thấy chiếc gương nào là chúng tôi đập ngay.

Trần Mi: Không ăn thua gì đâu. Có đập vỡ gương nhưng các ông không thể đập hết những cửa kính, tường kính của nhà hàng, của cửa hiệu; không thể đập vỡ được mặt đá sáng loáng của loại đá Đại Lý; không thể đập vỡ được mặt nước trong xanh chiếu rõ mặt người, cũng không đập vỡ được các đôi mắt của người khác khi nhìn chúng ta. Bọn họ vừa trông thấy chúng ta là đã kêu thét lên, bỏ chạy, thậm chí là trẻ con còn khóc nức nở. Họ chửi chúng ta là quỷ, là yêu ma. Đôi mắt của họ đều là những chiếc gương của chúng ta, do vậy, chúng ta không thể đập vỡ được hết những chiếc gương trên đời này, cách tốt nhất là chúng ta tự che mặt mình lại mà thôi.

Người đàn ông B: Đúng đúng đúng! Do vậy mà chúng tôi cũng đã tự che mặt mình lại.

Trần Mi: Các ông đã từng nghĩ đến chuyện tự sát chưa?

Người đàn ông A: Chúng tôi…

Trần Mi: Theo tôi được biết thì trong số những chị em bị tai nạn hỏa hoạn đã có năm người tự sát. Sau khi nhìn vào gương, họ đã chọn con đường tự sát…

Người đàn ông B: Tất cả đều do những chiếc gương hại chết họ!

Người đàn ông A: Do vậy, hễ thấy gương là chúng tôi đập…

Trần Mi: Ban đầu tôi cũng đã nghĩ đến chuyện tự sát, nhưng sau đó thì tôi không nghĩ đến chuyện đó nữa…

Người đàn ông B: Dù sao sống vẫn hơn chết!

Trần Mi: Sau khi có thai, nhận ra nhịp tim của một sinh mệnh trong bụng mình, tôi không nghĩ đến chuyện chết nữa. Tôi nhận ra rằng, tôi là một con sâu vô cùng xấu xí nhưng có một hình hài tuyệt mỹ đang lớn lên trong bụng mình nên không muốn chết nữa, có điều, tôi đã từng nghĩ rằng, sau khi nó chui ra khỏi bụng mình, tôi chỉ còn là một cái xác không hồn.

Người đàn ông A: Cô nói rất có lý.

Trần Mi: Nhưng sau khi tôi sinh con xong, tôi không hề biến thành một cái xác không hồn như tôi đã từng nghĩ. Tôi cảm thấy mình đang sống, không những không hề khô cứng mà ngược lại, rất sống động, rất yêu đời. Những chút da mặt được ghép vội của tôi như tươi tắn hơn, có hồn hơn, vú tôi căng đầy sữa… Đứa con như đã mang lại cho tôi một cuộc sống mới… Nhưng, bọn chúng lại đem con của tôi đi mất rồi…

Người đàn ông B: Cô đi với chúng tôi. Chúng tôi biết con cô ở nơi nào.

Trần Mi: Các ông biết con tôi ở đâu sao?

Người đàn ông A: Chúng tôi đến tìm cô chỉ vì mục đích đưa cô đến gặp mặt con cô…

[Hai người đàn ông định dắt Trần Mi đi xuống khỏi sân khấu thì Trần Tị cùng với con chó rời khỏi chỗ đang nằm. Con chó cắn chặt chân của người đàn ông A giữ lại.]

[Trần Tị cũng cũng khập khiễng lao đến, dùng một chiếc nạng để đỡ thân hình, còn một chiếc đưa lên ngáng đường người đàn ông B.]

[Người đàn ông A đã giãy ra khỏi mồm con chó, cùng với người kia lui vào một góc sân khấu, rút ra một hung khí trông như một con dao. Trần Tị và con chó đứng bên nhau, Trần Mi đứng trước sân khấu. Vị trí của họ lúc này là một hình tam giác.]

Trần Tị: (Gào lớn) - Thả con gái tao ra!

Người đàn ông A: Lão già chó chết, đồ quỷ rượu, đồ vô lại, đồ ăn mày! Dám đến đây mạo nhận con gái à?

Người đàn ông B: Lão nói cô ấy là con gái, vậy lão gọi một tiếng, cô ấy có trả lời không?

Trần Tị: Mi! Con… Con đáng thương của bố…

Trần Mi: (Lạnh lùng) - Ông nhận nhầm người rồi chăng? Nhất định là ông đã nhầm!

Trần Tị: (Rất đau khổ) - Trần Mi con, bố biết con hận bố. Bố xin lỗi con, xin lỗi chị con, xin lỗi mẹ con. Bố đã hại mọi người. Bố là kẻ có tội, bố là một kẻ bỏ đi, bố là một thằng sống dở chết dở…

Người đàn ông A: Đây là những lời thú tội? Gần đây có nhà thờ nào không nhỉ?

Người đàn ông B: Men theo bờ sông đi về phía đông khoảng mười cây số có một nhà thờ Thiên chúa giáo mới được trùng tu.

Trần Tị: Mi à, bố biết là con đã bị chúng nó lừa, người lừa con chính là bạn cũ của bố. Bố sẽ giúp con tìm lại sự công bằng.

Người đàn ông A: Lão già thối! Tránh sang một bên mà nhìn!

Người đàn ông B: Cô gái, đi theo chúng tôi. Chúng tôi bảo đảm là cô sẽ thấy được con của cô.

[Trần Mi định bước theo hai người đàn ông thì bị Trần Tị và con chó chặn lại]

Trần Mi: (Tức giận) - Ông là ai? Dựa vào cái gì mà ông ngăn cản tôi? Ông có biết là tôi cần phải đi tìm con không? Từ khi được sinh ra đến giờ, nó chưa được bú một giọt sữa nào, nếu để lâu hơn tí nữa, e là nó chết đói mất, ông có biết không?

Trần Tị: Trần Mi, con hận bố, bố hiểu. Con không nhận bố, bố cũng bằng lòng. Nhưng con không thể đi với chúng. Chúng đã bán con của con rồi. Bây giờ con đi theo chúng, chúng có thể dìm con xuống sông mà chết và sau đó thì bày ra một hiện trường là con đã tự sát. Chuyện này chúng đã từng làm không dưới một lần đâu…

Người đàn ông A: Lão già thối! Tôi thấy lão đã chán sống rồi nên mới ngậm máu phun người như vậy!

Người đàn ông B: Ông nói bừa bãi cái gì thế? Xã hội mới của chúng ta mà vẫn còn có những tên sát nhân như thế sao? Lại còn có hiện tượng thủ tiêu người vô nhân đạo như thế sao?

Người đàn ông A: Nhất định là lão đã xem phim hình sự quá nhiều.

Người đàn ông B: Cho nên trong đầu lão chỉ toàn sinh ảo giác.

Người đàn ông A: Đem chủ nghĩa xã hội biến thành chủ nghĩa tư bản.

Người đàn ông B: Biến người tốt thành người xấu.

Người đàn ông A: Vu oan giá họa cho người tốt!

Trần Tị: Xuất thân của hai đứa chúng mày vốn là tạp chủng giữa lừa với ngựa, chó với mèo, là loại dân hạng bét trong xã hội này…

Người đàn ông B: Lão chửi chúng tôi là loại dân hạng bét, loại cặn bả của xã hội? Còn lão thì sao? Lão chẳng qua cũng chỉ là một con lợn chúi mũi kiếm ăn trong đống rác mà thôi. Lão có biết chúng tôi là ai không?

Người đàn ông A: Theo tôi thì nên quẳng lão này xuống sông để lão tắm một phen cho mồm lão sạch thêm một tí.

Người đàn ông B: Sáng sớm mai, những người đến miếu Nương Nương để đốt hương buổi sáng sẽ phát hiện ra rằng, lão ăn mày ở trước miếu đã mất tích, ngay cả con chó thọt của lão cũng đã không còn nữa.

Người đàn ông A: Chẳng có ai quan tâm đến chuyện này đâu.

[Hai gã đàn ông áo đen đánh nhau với Trần Tị và con chó. Con chó bị đâm chết, Trần Tị bị đánh ngã xuống sân khấu. Khi hai gã định kết liễu Trần Tị thì Trần Mi vất mạng che mặt, để lộ một khuôn mặt vô cùng đáng sợ và kêu lên the thé như quỷ rống mèo gào khiến cho hai gã đàn ông kinh sợ, vất Trần Tị xuống đất và bỏ chạy]

(Hạ màn)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3