Ếch - Chương 10
Màn 6
[Một chiếc bàn tròn rất to được đặt trong sân của một gia đình nông dân, trên bàn đã có đặt ly tách. Trên phông hậu của sân khấu có treo mấy chữ “Đại tiệc đầy tháng Kim Oa”.]
[Khoa Đẩu mặc bộ áo cổ trang theo lối thời Đường, trên đó có thêu hai chữ “phúc” và “thọ” to tướng đứng ở một góc sân khấu nghinh đón những người đến dự tiệc.]
[Bạn học của Khoa Đẩu là Lý Thủ, Viên Tai cùng với em họ Khoa Đẩu và nhiều người khác tiếp nhau xuất hiện, nói những lời chúc tụng đầy khách sáo.]
[Cô mặc một chiếc áo dài màu đỏ được Hách Đại Thủ và Tần Hà bảo vệ hai bên, long trọng tiến vào.]
Khoa Đẩu: (Rất cung kính) - Cô, cô đã đến!
Cô: Nhà họ Vạn có thêm quý tử, lẽ nào ta lại không đến?
Khoa Đẩu: Kim Oa lạc bước vào trong nhà họ Vạn, cô là đệ nhất công thần!
Cô: Không dám không dám! (Nhìn mọi người chung quanh, cười) - Không có ai ngoại lệ cả! (Mọi người ngơ ngác không hiểu Cô đang nói gì, Cô chỉ vào Hách Đại Thủ và Tần Hà) - Trừ hai người này ra, còn lại tất cả các người đều được ta lôi ra từ trong bụng mẹ của các người. Da bụng của mẹ các người có mấy vết nhăn, ta nắm chắc trong lòng bàn tay! (Mọi người cười rộ lên) - Sao không mời khách ngồi vào bàn?
Khoa Đẩu: Cô chưa đến, cháu không dám thất kính.
Cô: Bố cháu đâu? Bảo ông ấy làm chủ nhân của bữa tiệc này.
Khoa Đẩu: Mấy hôm nay bố cháu bị cảm cúm, đã đến nhà chị gái cháu để được yên ổn một thời gian. Bố nói hãy mời cô làm chủ bữa tiệc.
Cô: Thế thì ta không khách sáo nữa vậy.
Mọi người đồng thanh: Rất đúng! Rất đúng!
Cô: Khoa Đẩu à, cháu và “Tiểu sư tử” tuổi quá năm mươi mà lại đẻ được một đứa con khỏe mạnh như vậy. Tuy ta có hơn năm mươi năm làm nghề đỡ đẻ, nhưng trường hợp này là ta trông thấy chỉ có một mà thôi. Do vậy, đây là điều đại hỷ trong nhà chúng ta!
[Mọi người đua nhau phụ họa, có người nói “đại hỷ”, có người nói “kỳ tích”]
Khoa Đẩu: Nhờ vào linh đan thần dược của cô cả thôi.
Cô: (Cảm khái) - Khi còn trẻ, ta là một người theo chủ nghĩa duy vật một cách triệt để. Nhưng đến cuối đời, ta lại càng ngày càng duy tâm mất rồi.
Lý Thủ: Về mặt triết học mà nói, chủ nghĩa duy tâm vẫn có một vị trí khá vững chắc.
Cô: Khá lắm! Có học thức hoàn toàn không giống với những kẻ thất học.
Viên Tai: Chúng cháu đều là những kẻ thô tục, không biết gì đến duy vật hay duy tâm cả.
Cô: Trên thế gian này không nhất định đã có quỷ thần, nhưng báo ứng nhất định là có thật. Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” gần sáu mươi vẫn có quý tử, điều này chứng minh là các thế hệ trước của nhà họ Vạn đã dày công tu nhân tích đức.
Em họ: Thuốc của cô cũng đã phát huy tác dụng.
Cô: Trong lòng có thành thì thuốc sẽ linh! (Nói với Khoa Đẩu) - Mẹ cháu sống cả đời bần hàn nên keo kiệt bủn xỉn. Đến đời cháu thì đã khác, có tiền rồi thì cũng nên thay đổi nếp nhà một tí, lại gặp phải chuyện đại hỷ thế này cũng nên sống cho phóng khoáng lên!
Khoa Đẩu: Cô yên tâm. Tuy không có móng lừa tay gấu nhưng gà vịt cá lợn đều đủ cả.
Cô: (Nhìn thức ăn trên bàn) - Bảy cái đĩa, tám cái bát, sao lạ thế? Rượu đâu?
Khoa Đẩu: (Cúi xuống gầm bàn lấy lên hai chai rượu) - Mao Đài!
Cô: Thật hay giả đấy?
Khoa Đẩu: Hai chai rượu này cháu lấy từ giám đốc nhà khách huyện Lưu Quý Phương. Cô ấy nói là thật một trăm phần trăm.
Lý Thủ: Lưu Quý Phương là bạn học của chúng cháu.
Viên Tai: Bạn cũ lừa nhau cũng không ít.
Cô: Nó là con gái thứ hai của Lưu Bảo Phúc ở Lưu gia trang, ta cũng đỡ đẻ cho nó.
Khoa Đẩu: Cháu đã nói cho cô ấy biết về bữa tiệc trọng đại này và cô ấy đã rất trịnh trọng lấy hai chai rượu này từ tủ rượu nhà cô ấy ra.
Cô: Được rồi, chắc là nó chẳng dám đưa rượu giả cho ta uống đâu.
[Khoa Đẩu mở chai rượu, rót một cốc mời Cô nếm thư.]
Cô: Rượu ngon, đúng là Mao Đài một trăm phần trăm! Mọi người uống đi!
[Khoa Đẩu rót rượu cho mọi người.]
Cô: Đã là chủ tiệc, mọi người hãy nghe lệnh tôi - Ly thứ nhất, chúng ta cảm ơn Đảng Cộng sản đã lãnh đạo đất nước đưa chúng ta thoát khỏi cảnh bần hàn, chưa giàu lắm nhưng tư tưởng chúng ta được cởi mở, sống thoải mái. Không có điều này, đương nhiên chúng ta không có được niềm vui trong ngày hôm nay. Mọi người thử nói xem, ta nói có đúng không?
[Mọi người đồng thanh lên tiếng phụ họa: Đúng, đúng…]
Cô: Thế thì cạn một ly!
[Mọi người cạn ly.]
Cô: Ly thứ hai, chúng ta cảm tạ tổ tiên nhà họ Vạn ở trên trời linh thiêng, nhờ họ đời đời kiếp kiếp tích đức tu nhân mà con cháu đời sau mới hưởng phúc!
[Mọi người cạn ly.]
Cô: Ly thứ ba mới đi vào vấn đề chính. Chúc Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” sống đến đầu bạc răng long, đại cát đại lợi!
[Mọi người cụng ly lanh canh, cất tiếng hoan hô.]
[Lưu Quý Phương đưa hai nhân viên phục vụ mang hai thùng giấy to đi vào, theo sau họ là nữ phóng viên của đài truyền hình và người quay phim.]
Lưu Quý Phương: Chúc mừng! Chúc mừng!
Khoa Đẩu: Cô Lưu, sao cô cũng đến đây?
Lưu Quý Phương: Đến để uống ly rượu mừng! Không hoan nghênh à? (Đi một vòng chung quanh bàn bắt tay từng người, cuối cùng là bắt tay Cô) - Cô à, hình như cô đã cải lão hoàn đồng thì phải.
Cô: Hóa ra ta là tiểu yêu tinh à?
Khoa Đẩu: Sợ mời mà không được đấy thôi! Đã đến là tốt rồi, còn mang theo nhiều thứ làm gì, tốn kém cho cô quá!
Lưu Quý Phương: Tôi là người nấu ăn mà, tốn kém gì đâu? (Chỉ hai thùng giấy) - Đây là món cá Hoàng hoa, món thịt đông, bánh bao và vài thứ khác do tôi tự tay làm để mọi người nhấm và bình xét về tay nghề của tôi. Cô à, cháu còn mang theo một chai Mao Đài năm mươi năm, chỉ để mời cô thôi.
Cô: Loại rượu Mao Đài năm mươi năm này không giống với các loại thông thường khác. Tết năm ngoái, một cán bộ lớn ở thành phố Bình Nam sai vợ mang đến cho ta một chai, mở ra là hương đã trùm cả nhà.
Khoa Đẩu: (Nghi ngờ nhìn Lưu Quý Phương, dò hỏi) - Cô bạn, đây là những ai?
Lưu Quý Phương: (Kéo tay nữ phóng viên) - Tiểu Cao, tôi quên chưa giới thiệu cô với mọi người. Đây là người chịu trách nhiệm về chương trình “Xã hội quanh ta” ở đài truyền hình. Tiểu Cao, đây là bác Khoa Đẩu, nhà soạn kịch, cuối đời lại có quý tử, đúng là không thể tưởng tượng được. Còn đây là… (kéo cô phóng viên đến bên cạnh Cô) - Đây là nhân vật được xem như là thánh mẫu của vùng Đông Bắc Cao Mật chúng ta - Cô - không phân biệt sang hèn già trẻ đều gọi là “Cô”. Những người đang có mặt ở đây và những thế hệ kế tiếp nữa đều từ tay cô mà đến với nhân gian.
Cô: (Cầm tay cô phóng viên) - Đúng là một đứa con gái xinh đẹp. Nhìn cháu, cô đã hình dung ra dung mạo của bố mẹ cháu. Ngày xưa, chúng ta có quan niệm khi con gái lấy chồng, đầu tiên là xem nhà cửa bên chồng, sau đó mới xem gien di truyền. Bây giờ tôi tán thành việc xem gien là yếu tố cơ bản, sau đó mới xem nhà cửa. Gien tốt thì có tất!
Nữ phóng viên: (Ra hiệu cho đồng nghiệp quay phim đoạn này) - Cô đúng là tiến bộ!
Cô: Không dám nói là tiến bộ, chẳng qua là vì tiếp xúc với nhiều giới làm ăn nên học mót được một vài điều thời thượng thôi.
Khoa Đẩu: (Hạ giọng nói với Lưu Quý Phương) - Chuyện này không nên làm ầm ĩ làm gì.
Lưu Quý Phương: (Thì thầm) - Tiểu Cao sắp sửa làm dâu nhà tôi. Trong đài truyền hình lúc này, bọn phóng viên cạnh tranh nhau săn tin săn chuyện phát hiện cái mới. Tôi chỉ muốn giúp nó kiếm một đề tài xã hội hấp dẫn…
Nữ phóng viên: Thưa cô, cô có cho rằng thầy Khoa Đẩu và phu nhân về cuối đời lại có quý tử, chuyện này có liên quan đến việc gien của họ tốt, đúng không?
Cô: Đương nhiên rồi, giống của cả hai đều là loại
số một!
Nữ phóng viên: Thế thì cháu xin hỏi, theo cô thì giống của thầy Khoa Đẩu tốt hơn hay giống của phu nhân tốt hơn?
Cô: Đầu tiên là cháu hãy tìm hiểu để biết thế nào là giống tốt rồi sau đó hãy hỏi ta chuyện này.
Nữ phóng viên: Cô có thể dùng những lời lẽ đơn giản nhất để nói cho chúng cháu biết thế nào là giống tốt hay không?
Cô: Giống là gì? Giống chính là số mệnh, chính là mệnh vận!
Nữ phóng viên: Mệnh vận?
Cô: Cháu có hiểu câu tục ngữ “ruồi không cắn quả trứng không bị rạn vỏ” không?
Nữ phóng viên: Hiểu.
Cô: Người không có giống tốt cũng giống như một quả trứng bị rạn vỏ, một quả trứng bị vỡ bẩm sinh. Hiểu chưa?
Lưu Quý Phương: Tiểu Cao, để cô uống ly rượu, nghỉ ngơi một tí. Cháu hãy phỏng vấn bác Khoa Đẩu. Đây là bác Viên Tai, kia là chú Lý Thủ. Họ đều là bạn học thời tiểu học với cô, cháu có thể phỏng vấn tùy thích. (Rót rượu mời Cô) - Chúc cô khỏe mạnh trường thọ, vĩnh viễn là thần hộ mệnh của trẻ con vùng Đông Bắc Cao Mật chúng ta!
Nữ phóng viên: Thưa bác Khoa Đẩu, cháu biết bác sinh năm một chín năm ba, năm nay đã năm mươi lăm tuổi. Ở độ tuổi này trên quê hương chúng ta đáng ra đã phải bồng cháu, nhưng bác lại vừa mới có một cậu quý tử, mong bác hãy cho khán giả biết một vài lời tâm tình khi có con của mình.
Khoa Đẩu: Tháng trước, giáo sư Giả bảy mươi tám tuổi ở Trường Đại học Tế Đông ôm đứa con vừa mới đầy tháng của mình để đến thăm bố ông ấy là lão giáo sư Giả ở bệnh viện, lẽ nào cháu không xem qua tin này trên đài truyền hình?
Nữ phóng viên: Cháu có xem.
Khoa Đẩu: Với đàn ông mà nói, năm mươi lăm tuổi vẫn còn được xem là thời kỳ sung sức, căn bản vẫn là ở người đàn bà.
Nữ phóng viên: Cháu có thể đến thăm phu nhân của bác được không?
Khoa Đẩu: Bà ấy đang nghỉ ngơi, chờ lát nữa biết đâu bà ấy sẽ có mặt ở đây để uống rượu với mọi người.
Nữ phóng viên: (Chuyển sang Viên Tai) - Thưa tổng giám đốc Viên, ông thấy Khoa Đẩu có con, chắc là ông cũng nóng lòng muốn thử?
Viên Tai: Nghe kìa, cái gì là nóng lòng muốn thử? Đúng là tôi có nóng lòng thật, nhưng không hề muốn thử. Giống của tôi vốn chẳng ra gì, đẻ được hai đứa con, đứa sau càng đáng ghét hơn đứa trước, bây giờ sinh thêm đứa nữa thì không biết sẽ phiền phức đến mức nào. Vả lại, bà vợ của tôi trông chẳng khác nào một gốc cây đã già, bây giờ đẻ thêm một nhánh non thì chỉ ba ngày là biến thành một gốc cây khô mà thôi.
Lý Thủ: Có thể tìm bồ nhí mà!
Viên Tai: Sư đệ à, cậu cũng quá quắt lắm. Sao lại nói những lời như vậy? Chúng ta đều là những chính nhân quân tử, đều là người có phẩm chất đứng đắn, tại sao lại có thể làm được chuyện đáng xấu hổ ấy?
Lý Thủ: Sao lại gọi là chuyện đáng xấu hổ? Đây là chuyện thời thượng, là trào lưu mới, là cải thiện gien, là cứu tế người cùng khổ, là thúc đẩy sự phát triển của những nhu cầu xã hội mới.
Viên Tai: Đừng nói nữa! Những câu vừa rồi của cậu mà được phát lên truyền hình, cậu không bị công an bắt mới là lạ đấy!
Lý Thủ: Cậu thử hỏi em, cô phóng viên này có dám phát trên truyền hình không?
Nữ phóng viên: (Cười nhẹ, không nói, chuyển sang Cô) - Thưa cô, nghe nói cô đã nghiên cứu được một loại thuốc hồi xuân, có thể khiến phụ nữ đã mãn kinh khôi phục kinh nguyệt?
Cô: Nhiều người còn nói là sau khi uống thuốc của ta thì có thể thay đổi giới tính của thai nhi đang nằm trong bụng mẹ, cháu có tin chuyện này không?
Nữ phóng viên: Cháu tin vào những điều có thật, không tin vào những điều không thể xảy ra.
Cô: Tin thần thánh thì nhất định thần thánh sẽ có, không tin thì tượng thần cũng chỉ là một cục đất sét. Con người, ai cũng có tâm lý ấy.
Khoa Đẩu: Tiểu Cao, thôi thì cứ uống rượu đã, uống xong thì phỏng vấn cũng không muộn đâu.
Nữ phóng viên: Các bác các chú cứ uống, coi như không có chúng cháu ở đây vậy.
Lý Thủ: Rõ ràng là cô và anh chàng kia cứ liệng qua liệng lại ở đây, sao lại nói là không có!
Nữ phóng viên: Các vị cứ tạm coi chúng cháu không phải là người… mà là… Thôi thì tùy ý các vị vậy.
Viên Tai: Này bà bạn Quý Phương, nhớ lại ngày ấy, bà đã từng là đối tượng theo đuổi của anh em chúng tôi, tôi xin mời bà một ly!
Lưu Quý Phương: (Cụng ly với Viên Tai) - Chúc sự nghiệp nuôi ếch của ông ngày càng phát triển, chúc sản phẩm từ da ếch của ông nhanh chóng đến với mọi người.
Viên Tai: Bà đừng có đánh trống lảng. Tôi cần phải nói với bà tại sao ngày ấy chúng tôi lại say mê bà đến như vậy.
Lưu Quý Phương: Đừng giả dối nữa, tình vờ tình vịt cả thôi. Ai chẳng biết là có bao nhiêu mỹ nữ đang vây lấy tổng giám đốc Viên trong công ty nuôi ếch?
Nữ phóng viên: (Tranh thủ khoảng lặng hiếm có) - Thưa quý khán giả, chương trình “Xã hội quanh ta” lần này sẽ giới thiệu với chúng ta một chuyện đại hỷ vừa xuất hiện ở vùng Đông Bắc Cao Mật. Nhà soạn kịch nổi tiếng Khoa Đẩu sau khi về hưu cùng với phu nhân là “Tiểu sư tử” đã qua quá nửa đời người lại linh khí hòa hợp, tháng trước đã hạ sinh một cậu con trai đẹp như thiên thần…
Cô: Cần phải đem đứa bé ra đây để mọi người trông thấy!
[Khoa Đẩu chạy vào bên trong sân khấu.]
Lưu Quý Phương: (Liếc nhìn Viên Tai, thì thầm) - Đừng chen ngang nói bậy nữa, cô không vui đâu.
[Khoa Đẩu đưa “Tiểu sư tử” ra sân khấu. Đầu “Tiểu sư tử” được quấn một chiếc khăn, ôm một cái bọc to trong lòng.]
[Người quay phim hướng ống kính về phía Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” quay cận cảnh.]
[Mọi người vỗ tay hoan hô và nói những lời chúc mừng.]
Khoa Đẩu: Đến bên cô để cô nhìn được rõ hơn.
[“Tiểu sư tử” đưa đứa con đến trước mặt Cô. Cô mở một nếp chăn, nhìn một lát.]
Cô: (Rất cảm khái) - Đúng là đẹp thật! Giống tốt, tướng mạo đoan trang chính trực, nếu sinh ra trong thời phong kiến thì nhất định sẽ giật trạng nguyên!
Lý Thủ: Đâu chỉ trạng nguyên, biết đâu lại là hoàng đế!
Nữ phóng viên: (Đưa micro đến trước mặt Cô) - Thưa cô, đứa trẻ này cũng do cô đỡ đẻ phải không ạ?
Cô: (Đặt một phong bì màu đỏ vào trong bọc chăn, Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” từ chối, Cô phẩy tay) - Đây là nguyên tắc, bà cô của nó có tiền. (Nói với nữ phóng viên) - Vì hai người tín nhiệm ta. Mẹ nó là một sản phụ cao tuổi nên áp lực tâm lý rất nặng nề. Ta đã từng đề nghị nó đến bệnh viện để sinh, nhưng nó cương quyết không đồng ý. Ta phải ra tay giúp nó thôi. Một người đàn bà đã từng đẻ con mới biết làm thế nào để trở thành một người đàn bà, một bà mẹ đúng nghĩa!
[Trong khi Cô trả lời phỏng vấn thì Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” bế đứa con đến trước mặt từng người để họ xem. Ai cũng đặt một phong bì màu đỏ vào bọc chăn của đứa trẻ.]
Nữ phóng viên: Thưa cô, có thể đây sẽ là đứa trẻ cuối cùng được cô đỡ đẻ chưa?
Cô: Cháu nói thử xem?
Nữ phóng viên: Nghe nói, không những phụ nữ ở vùng Đông Bắc Cao Mật sùng bái cô, tin tưởng cô mà ngay cả phụ nữ ở Bình Độ, Giảo Châu cũng đến tìm cô?
Cô: Mệnh của ta là phải lao đao vất vả đến hết đời.
Nữ phóng viên: Nghe nói bàn tay cô có một sức mạnh thần kỳ, chỉ cần cô đặt tay lên bụng sản phụ thì sự đau đớn của họ gần như biến mất, những lo lắng sợ hãi của họ vì thế cũng không còn nữa.
Cô: Truyện thần thoại cũng bắt đầu từ những lời đồn đại ấy.
Nữ phóng viên: Thưa cô, cô có thể đưa đôi tay ra, chúng cháu xin phép đặc tả chúng.
Cô: (Cười châm biếm) - Quần chúng nhân dân thường cần có một ý vị thần thoại trong những câu chuyện thực! (Hỏi mọi người) - Các vị có biết đó là câu nói của ai không?
Lý Thủ: Hình như là của một vĩ nhân.
Cô: Là câu nói của ta!
Viên Tai: Cô có khác gì vĩ nhân!
Lưu Quý Phương: Sao lại khác gì vĩ nhân? Cô vốn đã là một vĩ nhân!
Nữ phóng viên: (Rất nghiêm trang) - Từ bàn tay rất bình thường này, hàng nghìn con người ưu tú đã đến với nhân gian…
Cô: Nhưng cũng từ đôi bàn tay rất bình thường này đã từng đưa tiễn hàng nghìn đứa trẻ xuống địa ngục! (Uống cạn một ly rượu) - Trên đôi bàn tay ta đã nhiễm hai thứ máu. Một loại máu thơm ngát và một loại máu rất thối tha tanh tưởi.
Lưu Quý Phương: Thưa cô, cô là Nương Nương sống, là bồ tát sống của vùng Đông Bắc Cao Mật chúng ta. Tượng Nương Nương trong miếu Nương Nương tám phần giống cô. Cháu nghĩ, khi đúc bức tượng ấy, người đúc tượng đã nghĩ đến khuôn mặt của cô.
Cô: (Đã ngà ngà say) - Quần chúng nhân dân lúc nào cũng muốn có một câu chuyện mang ý vị thần thoại…
Nữ phóng viên: (Đưa micro đến trước mặt “Tiểu sư tử”) - Thưa phu nhân, xin mời bà phát biểu một vài cảm tưởng…
“Tiểu sư tử”: Cảm tưởng gì?
Nữ phóng viên: Tùy ý phu nhân, chẳng hạn như cảm tưởng khi biết mình đã thụ thai, những cảm giác trong quá trình mang thai, tại sao lại phải nhất định mời cô đỡ đẻ…
“Tiểu sư tử”: Ban đầu, tôi như người đang ngủ mơ khi biết tin mình mang thai. Một người đàn bà hơn năm mươi tuổi, đã dứt kinh nguyệt gần hai năm, tại sao lại có thai được nhỉ? Ngay cả trong quá trình mang thai, tôi cũng chỉ vui một nửa, nửa còn lại là sự lo lắng. Hạnh phúc nhất vẫn là tôi đã có con, cuối cùng thì tôi cũng làm được thiên chức của người mẹ. Tôi đã theo cô làm bác sĩ phụ sản gần hai mươi năm, giúp cô đỡ đẻ cho rất nhiều người nhưng chưa bao giờ tôi có con của mình. Không có con thì không phải là đàn bà đúng nghĩa, không có con thì người vợ không bao giờ dám ngước đầu lên trước mắt chồng. Lúc này, mọi chuyện ấy đã kết thúc.
Nữ phóng viên: Còn một nửa lo lắng của phu nhân là do đâu?
“Tiểu sư tử”: Chủ yếu là tuổi tác của tôi đã cao, lo là sẽ không sinh được một đứa con khỏe mạnh, thứ đến là không thể sinh được phải nhờ dao kéo can thiệp. Đương nhiên, khi cô đặt bàn tay của cô lên bụng tôi, mọi lo lắng của tôi đã kết thúc, những gì diễn ra sau đó đều theo mệnh lệnh của cô để vượt cạn một cách bình thường.
Cô: (Mơ màng) - Dùng máu thơm để rửa sạch máu tanh hôi…
[Trần Tị chống nạng ngật ngưởng xuất hiện.]
Trần Tị: Cháu ngoại ta đầy tháng mà không mời ông ngoại nó, chẳng ra làm sao cả.
[Mọi người sững sờ, lặng ngắt.]
Khoa Đẩu: (Hốt hoảng) - Lão huynh, thật là thiếu sót, thành thật xin lỗi vì đã quên…
Trần Tị: (Cười điên dại) - Mày còn gọi ta là lão huynh ư? (Dùng nạng chỉ đứa con “Tiểu sư tử” đang ôm trong lòng) - Từ thằng bé ấy mà nói, mày phải lạy ta ba lạy mà gọi là “lão Thái Sơn” mới đúng chứ!
Viên Tai: (Bước đến kéo Trần Tị) - Lão Trần à, đi thôi! Tôi đưa ông đến nhà hàng “Bão Phiên Hoàng” uống với nhau.
Trần Tị: Mày cút đi, đồ ti tiện vô sỉ. Mày định dùng những miếng thịt thối, những con tôm nát ở đó để bịt miệng ta chăng? Đừng tưởng! Hôm nay là ngày cháu ngoại ta đầy tháng, ta không đi đâu cả, chỉ ở đây uống rượu mừng thôi. (Ngồi xuống, nhìn Cô) - Thưa cô, tấm lòng cô trong sáng như gương, chuyện trẻ con ở Đông Bắc Cao Mật chúng ta đều do một mình tay cô cai quản, giống nhà nào không nảy mầm, đất nhà nào không lên cỏ, cô đều biết. Cô giúp họ mượn đất, giúp họ gieo hạt; Cô biến giả thành thật, đổi trắng thay đen, che trời vượt biển, thay đào đổi lý, giương đông kích tây, mượn dao giết người… Ba mươi sáu kế, kế nào cũng được cô thực hiện hết…
Cô: Nhưng cậu chỉ thực hiện được có hai kế để lừa tôi thôi. Đó là kế giương đông kích tây và ve sầu thoát xác. Năm ấy, suýt chút nữa thì tôi đã bị cậu lừa. Mùi máu tanh tưởi trên tay tôi (Đưa tay đến trước mũi Trần Tị) có một nửa là do cậu buộc tôi phải nhúng đấy.
Lý Thủ: (Rót rượu đưa cho Trần Tị) - Lão Trần, uống rượu đi!
Trần Tị: (Ngửa cổ uống cạn) - Sư đệ, cậu là người công bằng, cậu thử nói lý cho tôi nghe…
Lý Thủ: (Ngắt lời Trần Tị), lại rót tiếp một ly rượu nữa) - Công bằng hay không công bằng chỉ có ông trời mới biết được. Nào, lão huynh, ta thay bằng ly lớn để uống với nhau nhé!
Trần Tị: Cậu định chuốc rượu cho tôi say sao? Cậu định dùng rượu để bịt miệng tôi sao? Cậu nhầm rồi!
Lý Thủ: Đương nhiên là tôi sai, tửu lượng của lão huynh như biển. Bữa nay có rượu Mao Đài chính tông, lại được mời việc gì mà không uống? Nào, ly nữa nào! Cạn!
Trần Tị: (Ngửa cổ uống cạn một ly rượu to tràn đầy, ôm ngực thở, nước mắt lăn dài xuống má) - Cô, Khoa Đẩu, “Tiểu sư tử”, Viên Tai, Kim Tu… Trần Tị tôi bị đẩy đến bước đường cùng này, thảm lắm! Năm vạn nhân khẩu ở mười tám thôn thuộc Đông Bắc Cao Mật này có ai thảm hơn tôi? Mọi người nói đi, có ai thảm hơn không? Không có, nhất định không có ai thê thảm hơn tôi, đúng không? Nhưng các người lại hợp tác với nhau để khinh dễ một người tàn tật. Các người khinh dễ tôi cũng đúng thôi, bởi tôi chưa bao giờ là một người tốt, các người coi thường tôi cũng chính là do ông trời báo ứng tôi mà thôi! Nhưng các người đừng lừa gạt con gái tôi. Trần Mi là đứa con gái lớn lên trước mắt các người, là đứa con gái xinh đẹp nhất Đông Bắc Cao Mật. Còn con chị Trần Nhĩ của nó nữa… Cả hai đứa vốn phải vào hoàng cung để làm vương phi của hoàng tử, nhưng… Tất cả là do tôi, tôi phải bị báo ứng… Con gái tôi đẻ con cho cậu (chỉ Khoa Đẩu có vẻ giận dữ) để kiếm tiền lo viện phí cho tôi, nhưng các người… Các bạn học của tôi, các bác của nó, các chú của nó… Các người… nào là nhà soạn kịch vĩ đại, nào là những ông chủ giàu có… đã đặt điều lừa dối, nói là con Trần Mi đã chết khi vừa mới ra đời… Các người đã cướp của nó bốn mươi nghìn đồng… Trên đầu các người là trời cao! Ông trời ơi, tại sao ông không mở to mắt mà nhìn? Ông phải thấy những kẻ đang tung hoành ngang ngược, đang thực hành bá đạo ở dưới trần gian này chứ! Này đồng chí phóng viên, này đồng chí quay phim, cô hãy ghi âm đi, cậu hãy quay phim đi, ghi hết quay hết những cảnh này, quay tôi, quay ông ta, quay tất cả mọi người để toàn thể nhân dân được mở to mắt mà xem…
Lưu Quý Phương: Lão Trần, mọi người đều cho rằng tửu lượng của ông như biển, mới có hai ba ly rượu mà đã nói chuyện trên trời dưới đất rồi.
Trần Tị: Lưu Quý Phương, cô thông minh lắm, cô gặp thời lắm. Đúng vào lúc nhà khách huyện đang có chủ trương thay đổi thì cô chộp lấy cơ hội, thoắt cái biến thành bà chủ. Bây giờ, cô đã được liệt vào hàng ngũ những người có tài sản hàng chục triệu đồng. Tôi đã cầu cạnh cô, van xin cô hãy nhận con tôi vào nhà khách, cho nó làm việc chẻ củi đun bếp cũng được. Nhưng cô nào có mở lòng từ bi khai ân cho chúng. Cô bảo, công ty đang giảm biên chế, cửa từ bi khó mở…
Lưu Quý Phương: Lão huynh, là do tôi không tốt. Chuyện của Trần Mi bây giờ cậu hãy để cho tôi, không phải là thêm một đôi đũa và một cái bát trên bàn ăn hay sao? Tôi nuôi nó, được không?
[Viên Tai và Kim Tu xốc nách Trần Tị định mang đi]
Trần Tị: (Giãy giụa) - Tôi vẫn chưa thấy được cháu ngoại của tôi (Lấy một phong thư màu đỏ trong ngực ra) - Cháu ngoại à, ông ngoại tuy nghèo nhưng không thể thiếu lễ, ông ngoại cũng đã chuẩn bị cho cháu một lễ vật đây…
[Viên Tai và Kim Tu lôi Trần Tị đi. Cùng lúc ấy, Trần Mi mặc áo đen, đeo mạng che mặt màu đen xuất hiện ở một góc sân khấu.]
Trần Mi: (Chun mũi hít hít, ban đầu thì thì thầm nhưng giọng càng lúc càng to dần) - Con trai, bảo bối của mẹ! Mẹ đã ngửi thấy mùi của con, thơm lắm, ngọt lắm! (Giống người mù mò mẫm bên cạnh “Tiểu sư tử”. Đúng lúc ấy, đứa trẻ trong lòng “Tiểu sư tử” khóc thét lên) - Con trai, con trai… Từ lúc sinh ra đến giờ, con chưa bú được giọt sữa nào, chắc là con trai của mẹ đói lắm…
[Đột nhiên Trần Mi vươn tay chộp lấy đứa bé trong lòng “Tiểu sư tử” và bỏ chạy. Mọi người sững sờ, không kịp phản ứng gì.]
“Tiểu sư tử”: (Kêu lên tuyệt vọng) - Con trai tôi!
[“Tiểu sư tử” dẫn đầu, tất cả mọi người đều chạy xuống khỏi sân khấu đuổi theo Trần Mi, cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.]
(Hạ màn)
Màn 7
[Những cảnh hậu trên tấm màn phía sau sân khấu thay đổi liên tục, lúc là một con phố sẩm uất, lúc giống như một khu chợ mọi người đang chen chúc nhau, lúc thì như một công viên… Có người đang luyện Thái cực quyền, có người đang bán chim, có người đang kéo đàn nhị… Cảnh tượng thay đổi tượng trưng cho việc Trần Mi ôm đứa con chạy qua rất nhiều nơi khác nhau.]
[Trần Mi đang ôm con chạy, vừa chạy vừa nói những câu ngắt quãng, mông lung, đại loại là những lời mẹ nựng con.]
Trần Mi: Con trai mẹ, bảo bối của mẹ… Cuối cùng thì mẹ cũng đã tìm thấy con… Mẹ không bao giờ bỏ con nữa…
[“Tiểu sư tử”, Khoa Đẩu và những người khác đuổi theo từ phía sau.]
“Tiểu sư tử”: Kim Oa… Con trai mẹ…
[Trên sân khấu, có lúc thì chỉ có Trần Mi đang chạy, vừa chạy vừa ngoáy đầu nhìn lại phía sau, có lúc thì hướng sang hai bên đường kêu gào: Cứu tôi với! Cứu tôi với! Cứu con trai tôi…!]
[Có lúc thì những người đuổi theo và Trần Mi đồng thời xuất hiện trên sân khấu. Trần Mi hướng về những người hai bên đường cầu cứu: Cứu mẹ con tôi! “Tiểu sư tử” và những người khác lại hướng về những người hai bên đường gào to: Chặn cô ta lại! Chặn con nữ tặc cướp trẻ con lại! Chặn mụ điên ấy lại!]
[Trần Mi ngã, bò dậy. Lại ngã, lại bò dậy.]
[Tiếng nhạc chát chúa, gấp gáp và rất đanh hòa lẫn với tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn cầu cứu, kêu gào từ đầu màn đến cuối màn.]
(Hạ màn)
Màn 8
[Kịch trường của vở kịch truyền hình “Cao Mộng Cửu”.]
[Sân khấu được bố trí thành huyện đường của thời kỳ Dân quốc, tuy đã có một số thay đổi nhưng căn bản vẫn là cách trang trí của thời phong kiến. Chính giữa là một tấm bảng có bốn chữ đại tự “Chính đại quang minh” được treo trên cao; lệch về phía bên phải sân khấu có hai câu đối, một câu là “Nhất trận phong, nhất trận vũ, nhất trận thanh thiên”. Câu còn lại là “Bán thị văn, bán thị vũ, bán thị dã man”( () Tạm dịch: “Một trận gió, một trận mưa, một bầu trời xanh”; “Nửa là văn, nửa là võ, nửa là dã man”.
). Trên bàn ở giữa sân khấu có đặt một đôi hài to tướng.]
[Cao Mộng Cửu mặc áo kiểu Tôn Trung Sơn màu đen, quần âu, đầu đội mũ cao, túi áo ngực thấp thoáng sợi dây xuyến vàng đeo đồng hồ quả quýt. Mấy nha lại đứng hai bên sân khấu, tay cầm gậy nhưng trang phục lại theo kiểu Tôn Trung Sơn, trông rất buồn cười.]
[Đạo diễn, người quay phim, người ghi âm đang tất bật.]
Đạo diễn: Chuẩn bị… Bắt đầu!
Cao Mộng Cửu: (Cầm đôi hài, đập bàn thật mạnh] - Ôi chao là phiền… (Nói lối) - Cao tri huyện đang trên công đường thẩm án… Có hai gã Trương Vương tranh chấp đất đai… Trương có lý, Vương có lý, cả hai có lý…Nhưng cuối cùng ai có lý hơn ai hãy trông đợi bản quan…
Bản huyện, danh xưng Cao Mộng Cửu, nguyên là người huyện Vệ Bảo Thiên Tân… Đã từng theo nguyên soái Phùng Ngọc Tường nam chinh bắc chiến, lập được đại công, được nguyên soái phong Doanh trưởng cảnh vệ. Ngày kia, bọn bộ hạ đeo kính đen dắt kỹ nữ đi trong thành phố, chẳng may bị Phùng Nguyên soái bắt gặp tại trận. Phùng Nguyên soái trách Cao mỗ trị quân không nghiêm. Cao mỗ khó lòng chịu được nỗi xấu hổ này, nghĩ lại thấy mình phụ ơn dưỡng dục của Phùng Nguyên soái nên từ chức về làng. Dân quốc năm thứ mười chín, Hàn Phục Cử làm quan trưởng Sơn Đông, ba lần đến lều tranh( () Nguyên văn “Tam cố thảo lư”, dùng điển trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu Bị ba lần đến lều tranh để mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư (ND).
) mời ra giúp nước. Cao mỗ không thể chối từ trước sự trọng vọng của Hàn huynh, bèn ra với đời, ban đầu làm mưu thần trong dinh phủ, sau đó về làm huyện trưởng Bình Nguyên, Khúc Phụ. Xuân này lại được phái đến Cao Mật làm huyện trưởng. Đất này dân tình điêu toa, cường đạo hung tàn, cờ bạc thịnh hành, hút xách bê tha, xã hội trị an vô cùng phức tạp. Sau khi nhận nhiệm sở, Cao mỗ vung đao quai búa, tiến hành cải tạo, tận diệt thổ phỉ, đề xướng hiếu đạo, một lòng chí công vô tư giải quyết kiện tụng… (Hạ giọng) - Đương nhiên cũng có nhiều chuyện không vui, nhưng người chứ đâu phải thánh thần, sao không mắc phải sai lầm? Mà thánh hiền cũng sai lầm đầy ra đấy thôi? Những thân hào nhân sĩ ở đây đã tặng bản quan câu đối “Một trận gió, một trận mưa, một bầu trời xanh”; “Nửa là văn, nửa là võ, nửa là dã man”. Quá hay! Hay! Bọn họ còn tặng bản quan một biệt danh: Cao Nhị Hài! Nguyên do là vì bản quan thích dùng gót hài đánh vào mặt những tên điêu dân, những ả dâm phụ! (Xướng) - Thời loạn làm quan dùng trọng điển…Lúc cần dã man cứ dã man…Mưu chước dẹp tan loài thổ phỉ… Gót hài đập mặt lộ trời xanh… Ta nói này, bay đâu?…
Nha lại: (Đồng thanh) - Có…
Cao Mộng Cửu: Chuẩn bị xong cả chưa?
Nha lại: Xong cả rồi!
Cao Mộng Cửu: Truyền nguyên cáo bị cáo lên huyện đường!
Nha lại: Truyền nguyên cáo bị cáo lên huyện đường!
[Trần Mi ôm con ngã sấp ngã ngửa xuất hiện.]
Trần Mi: Bao Thanh Thiên đại lão gia! Ngài hãy ra tay chuyện này cho dân nữ…
[“Tiểu sư tử”, Khoa Đẩu và mọi người xuất hiện.]
[Hai nhân vật trong vở kịch là Trương và Vương cũng lẫn lộn trong đám người này, tất cả tạo nên một sự hỗn loạn tạp nham.]
Đạo diễn: (Chán nản) - Dừng, dừng ngay! Chuyện gì thế này? Loạn xị bát nháo! Kịch vụ đâu? Kịch vụ!
Trần Mi: (Quỳ sụp trước huyện đường) - Bao đại nhân, Bao Thanh Thiên đại lão gia, Ngài hãy giải quyết việc này cho dân nữ!
Cao Mộng Cửu: Bản huyện không phải họ Bao, họ Cao!
Trần Mi: (Nói trong tiếng khóc của đứa con) - Bao đại nhân, dân nữ đang chịu một nỗi oan nghìn năm có một, ngài hãy đem lại sự công bằng cho dân nữ!
[Viên Tai và Kim Tu lôi tay đạo diễn thì thầm điều gì đó, chỉ thấy đạo diễn gật đầu liên tục. Chỉ có thể nghe thấy một câu của Viên Tai: Công ty của tôi tài trợ cho anh một trăm ngàn!]
[Đạo diễn bước đến bên Cao Mộng Cửu, ghé vào tai lão thì thầm.]
[Đạo diễn quay về phía nhà quay phim ra hiệu tiếp tục quay.]
[Viên Tai đi đến bên Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử” thì thầm mấy câu.]
Cao Mộng Cửu: (Cầm đôi hài lên, đập chan chát xuống bàn) - Dân nữ trước huyện đường nghe đây! Hôm nay bản quan ngoại lệ khai ân thẩm xét vụ án này. Tên là gì, gốc gác ở đâu, muốn kêu oan chuyện gì, muốn tố cáo ai, thành thật khai báo, nếu có nửa điều gian trá, chắc là ngươi đã biết quy định của bản quan?
Trần Mi: Dân nữ không biết.
Cao Mộng Cửu: (Cầm hài lên đập chan chát xuống bàn) - Nếu có nửa điều gian trá, bản quan sẽ dùng đôi hài này đập vào mặt ngươi!
Trần Mi: Dân nữ biết rồi!
Cao Mộng Cửu: Biết rồi thì nói đi!
Trần Mi: Bẩm đại nhân, dân nữ Trần Mi, người Đông Bắc Cao Mật. Từ nhỏ, dân nữ đã mất mẫu thân, nhờ phụ thân mà lớn lên thành người, sau đó thì theo chị đến làm công nhân trong xưởng đồ chơi. Sau một trận hỏa hoạn, chị dân nữ chết trong đám cháy, còn dân nữ thì bị hủy hoại dung nhan…
Cao Mộng Cửu: Trần Mi nghe đây! Hãy cởi mạng che để bản quan nhìn thấy mặt của ngươi!
Trần Mi: Bao đại nhân, không thể…
Cao Mộng Cửu: Tại sao lại không thể?
Trần Mi: Đeo mạng che mặt, dân nữ là người. Bỏ mạng che mặt, dân nữ là quỷ.
Cao Mộng Cửu: Dân nữ Trần Mi, bản quan thẩm án phải đúng trình tự quy định, ngươi che mặt thì bản quan biết ngươi là ai?
Trần Mi: Bao đại nhân, ngài hãy bảo tất cả mọi người nhắm mắt lại.
Cao Mộng Cửu: Tất cả nhắm mắt lại!
Trần Mi: Đại nhân, ngài hãy nhìn xem… Đại nhân, mệnh của dân nữ khổ lắm…
[Trần Mi đặt đứa con xuống, đưa tay bỏ mạng che mặt nhưng sau đó lại đưa hai tay bụm lấy mặt.]
[Cao Mộng Cửu phẩy tay ra hiệu, “Tiểu sư tử” nhẹ nhàng bước đến, bồng đứa bé lên.]
“Tiểu sư tử”: (Khóc òa) - Con trai, bảo bối của mẹ, Kim Oa của mẹ, mau để mẹ xem… Khoa Đẩu, ông xem, Kim Oa làm sao thế này… Cái con mụ điên khùng này sao mà độc ác, bóp chết con tôi mất rồi…
Trần Mi: (Vừa gào thét điên loạn, vừa bổ nhào về phía “Tiểu sư tử”) - Con tôi…! Đại nhân, bà ta cướp con của tôi…
[Nha lại chộp Trần Mi giữ chặt.]
[Cô chầm chậm bước lên sân khấu.]
Khoa Đẩu: Cô đến rồi!
“Tiểu sư tử”: Cô… Cô xem Kim Oa bị làm sao?
[Cô thò tay vào trong bọc sờ sẫm một hồi, đứa bé khóc oa oa. Khoa Đẩu đưa một bình sữa cho “Tiểu sư tử”. “Tiểu sư tử” đút núm vú vào miệng đứa bé, tiếng khóc ngừng bặt.]
Trần Mi: Đại nhân, đừng để bà ta cho con dân nữ bú sữa bò. Đại nhân, tôi có sữa…, vú tôi đầy sữa, nếu không tin, tôi sẽ… vạch ra để đại nhân xem…
[Trần Tị, Lý Thủ xuất hiện.]
Trần Tị: (Gõ nạng lộc cộc xuống sàn) - Lương tâm của trời đất! Lương tâm của trời đất đâu rồi!
Cao Mộng Cửu: (Có vẻ bi thương) - Dân nữ Trần Mi nghe đây! Ngươi hãy buông mạng che mặt xuống!
Trần Mi: (Bàng hoàng thẫn thờ buông mạng che mặt xuống) - Bao đại nhân, dân nữ đã làm cho ngài phải sợ… Xin lỗi đại nhân…
Cao Mộng Cửu: Trần Mi, oan khuất của ngươi đã đến tay bản quan, bản quan nhất định phải điều tra đủ ngọn ngành.
Trần Mi: Đa tạ đại nhân.
[Khoa Đẩu, Viên Tai dìu “Tiểu sư tử” định bỏ đi.]
Cao Mộng Cửu: (Đập hài xuống bàn] - Không được bỏ đi! Bản quan vẫn chưa phán quyết vụ án này! Người đâu, giữ họ lại!
[Đạo diễn đưa tay ra hiệu, đưa mắt ngầm bảo nhưng Cao Mộng Cửu cố tình không thấy.]
Cao Mộng Cửu: Dân nữ Trần Mi, ngươi mở miệng ra là nói đứa bé là con ngươi, thế ta hỏi ngươi, bố đứa bé là ai?
Trần Mi: Ông ấy là đại quan, đại hào phú, là ông chủ.
Cao Mộng Cửu: Cho dù ông ta làm quan to đến mấy, có giàu đến mấy, có cao quý đến mấy đi nữa thì cũng có một cái tên chứ!
Trần Mi: Dân nữ không biết tên ông ấy.
Cao Mộng Cửu: Ngươi đã kết hôn với ông ta?
Trần Mi: Dân nữ chưa kết hôn.
Cao Mộng Cửu: Ôi dào, chưa kết hôn mà có con. Thế ngươi và ông ta… làm chuyện ấy từ bao giờ?
Trần Mi: Thưa đại nhân, dân nữ không hiểu.
Cao Mộng Cửu: Ngươi ngủ với ông ta vào lúc nào? Ngủ mà không hiểu à? Thế thì nói thế nào nhỉ? À, làm tình. Ngươi làm tình với ông ta lúc nào?
Trần Mi: Bẩm đại nhân, dân nữ chưa làm tình bao giờ cả, dân nữ vẫn còn trinh.
Cao Mộng Cửu: Ngươi càng nói càng hồ đồ! Không ngủ với đàn ông thì làm sao lại có thai, làm sao lại có con? Có lẽ nào ngươi không hiểu cả những chuyện rất thông thường ấy?
Trần Mi: Bẩm đại nhân, dân nữ nói toàn sự thật. (Chỉ “Tiểu sư tử” và mọi người) - Bọn họ đã đưa cho dân nữ một ống thủy tinh…
Cao Mộng Cửu: Là que thử thai phải không?
Trần Mi: Không phải que thử thai.
Cao Mộng Cửu: Ta hiểu rồi, là thụ tinh nhân tạo kiểu như người ta thụ tinh cho bò, lợn… đúng không?
Trần Mi: Bẩm đại nhân… (Quỳ xuống) - Mong ngài khai ân phán quyết. Trước khi sinh đứa con này ra, dân nữ đã nghĩ là sau khi lấy được tiền mang thai hộ để trả đủ tiền viện phí cho bố, dân nữ sẽ nhảy sông mà chết cho hết nợ. Nhưng kể từ khi có nó, dân nữ đã nhận ra sự tồn tại của nó trong bụng mình, dân nữ không muốn chết nữa. Ngoài dân nữ ra còn có mấy chị em nữa cũng làm công việc mang thai này. Họ không yêu đứa con trong bụng mình, nhưng dân nữ thì yêu. Mặt dân nữ không còn nữa, thân thể cũng đầy thương tích, mỗi lần trái gió trở trời là toàn thân đau nhức, thời tiết mà nóng lên thì máu trong cơ thể của dân nữ lại rỉ ra. Bao đại nhân, dân nữ mang thai mười tháng, không dễ dàng chút nào. Thưa đại nhân, dân nữ đã cắn răng chịu đựng bao nhiêu là đau đớn giày vò để sinh đứa con ra. Nhưng bọn chúng đã lừa dân nữ, nói rằng con dân nữ sau khi sinh ra đã chết… Nhưng dân nữ biết con mình không chết… Dân nữ đã đi lang thang tìm nó cả tháng trời, cuối cùng cũng đã tìm ra… Dân nữ không đẻ thay nữa, có đưa cho dân nữ trăm vạn, dân nữ cũng chỉ cần đứa con… Đại nhân hãy khai ân trả con lại cho dân nữ…
Cao Mộng Cửu: (Nhìn Khoa Đẩu và “Tiểu sư tử”) - Nhị vị có phải là vợ chồng hợp pháp không?
Khoa Đẩu: Chúng tôi cưới nhau đã ba mươi năm.
Cao Mộng Cửu: Sống với nhau ba mươi năm mà không có con sao?
“Tiểu sư tử”: (Có vẻ điên tiết) - Không phải là vừa sinh con xong à?
Cao Mộng Cửu: Nhìn mặt bà thì biết, e rằng đã trên năm mươi rồi phải không?
“Tiểu sư tử”: Tôi biết ông sẽ hỏi câu này. (Chỉ về phía Cô) - Đây là bác sĩ sản khoa giỏi nhất Đông Bắc Cao Mật, đã từng đỡ đẻ cho gần mười nghìn đứa trẻ, đã điều trị cho vô số những con bệnh là sản phụ, không chừng chính ông cũng là do cô lôi ra khỏi bụng mẹ đấy? Ông có thể hỏi cô, từ khi tôi mang thai đến khi sinh con, cô có thể làm chứng.
Cao Mộng Cửu: Bản quan đã nghe danh cô từ rất lâu. Cô xứng đáng được xem là một hiền tài, đức cao vọng trọng, nhất ngôn cửu đỉnh!
Cô: Đứa trẻ này do chính tay ta đỡ đẻ.
Cao Mộng Cửu: (Hỏi Trần Mi) - Đúng là cô đã đỡ đẻ cho ngươi, phải không?
Trần Mi: Bẩm đại nhân, vừa bước chân vào phòng sản là họ đã bịt mắt tôi bằng vải đen.
Cao Mộng Cửu: Bản quan không nắm chắc được vụ án này. Các người đi xét nghiệm DNA vậy.
[Đạo điễn bước đến thì thầm vào tai Cao Mộng Cửu. Cao Mộng Cửu cúi đầu tranh luận với đạo diễn.]
Cao Mộng Cửu: (Thở dài thương cảm, xướng) - Kỳ án kỳ án đúng kỳ án… Bản quan phán xét thật gian nan… Đứa con rốt cuộc phần ai nhỉ… Một chút diệu kế biện ngay gian. (Rời khỏi chỗ ngồi) - Các ngươi hãy nghe bản quan nói đây! Các ngươi đã đến đây gõ cửa kêu oan. Bản quan tuy đang đóng kịch nhưng biến giả thành thật để phán quyết cho các ngươi! Nha lại!
Nha lại: Có!
Cao Mộng Cửu: Ai đó không nghe lời phán quyết của bản quan thì cứ dùng hài mà đánh vào mặt, nghe chưa!
Nha lại: Tuân mệnh!
Cao Mộng Cửu: Trần Mi, “Tiểu sư tử”! Hai ngươi tranh nhau một đứa bé, nghe ra thì bên nào cũng hợp tình hợp lý, bản quan nhất thời khó lòng phán định. Do vậy, “Tiểu sư tử” hãy đưa đứa bé đây cho bản quan.
“Tiểu sư tử”: Không…
Cao Mộng Cửu: Nha lại!
Nha lại: (Đồng thanh) - Wu wèi…
[Đạo diễn ghé vào tai Khoa Đẩu nói gì đó, Khoa Đẩu đẩy nhẹ vào người “Tiểu sư tử” như muốn bảo đưa đứa bé cho Cao Mộng Cửu.]
Cao Mộng Cửu: (Cúi đầu nhìn mặt đứa bé) - Quả là một đứa trẻ thật đẹp, thảo nào mà hai nhà đều tranh. Trần Mi, “Tiểu sư tử” nghe đây! Bản quan không thể phán định đứa trẻ thuộc về ai, đành phải dùng cách này: Cả hai đồng thời xông đến đây, ai cướp được đứa bé trong tay ta thì nó thuộc về người ấy! Án kiện mơ hồ thì đành phải dùng cách phá án hồ đồ này thôi! (Đưa đứa bé lên cao) - Bắt đầu!
[Trần Mi và “Tiểu sư tử” đồng loạt lao đến, cùng chộp lấy đứa bé và kéo mạnh. Đứa bé khóc thét lên. Trần Mi đã đoạt được đứa bé và ôm gọn trong lòng.]
Cao Mộng Cửu: Nha lại đâu! Giữ chặt Trần Mi cho ta, lấy đứa bé lại!
[Nha lại giữ chặt Trần Mi, giật đứa bé đem đến cho Cao Mộng Cửu]
Cao Mộng Cửu: Trần Mi to gan! Ngươi nói ngươi là mẹ của đứa bé, nhưng khi giành giật đứa bé, ngươi không hề tỏ ra nhẹ tay, không nghĩ là nó sẽ bị đau, điều đó chứng minh ngươi không hề có tình thương gì với nó. Như vậy, ngươi là bà mẹ giả. Ngược lại, khi giành nhau đứa bé, “Tiểu sư tử” vừa nghe thấy đứa bé khóc, bà ấy đã buông tay vì sợ đứa bé sẽ bị thương. Ngày ấy, tại phủ Khai Phong, Bao Thanh Thiên đại nhân đã dùng cách thức tương tự như bản quan và ngài đã phán xét: Người buông tay là mẹ của đứa bé! Do vậy, đứa bé này thuộc về “Tiểu sư tử”! Trần Mi mang tội cướp con người khác, đặt điều nói bậy, đáng ra phải đánh ngươi hai mươi hài. Nhưng bản quan niệm tình ngươi tàn tật, không trừng phạt nữa! Bãi đường!
[Cao Mộng Cửu đưa đứa bé cho “Tiểu sư tử”.]
[Trần Mi giãy giụa kêu gào nhưng không thoát được tay nha lại.]
Trần Tị: Cao Mộng Cửu! Mi là một gã hôn quan!
Lý Thủ: (Kéo tay Trần Tị) - Lão huynh, thế thôi. Tôi đã bảo Viên Tai và Khoa Đẩu phải bồi thường cho Trần Mi một trăm nghìn nữa!
(Hạ màn)