Em là đóa hoa trong lòng tôi - đoản

Tôi đã đứng trong phòng xét xử thân thiện và nghe từ đầu tới cuối về bản án của em. Em chưa đủ 16 tuổi nên tòa đã giảm nhẹ tội, tòa xét xử em bị giam giữ cải tạo 5 năm 6 tháng về hành vi lần đầu cố ý giết người nhưng chưa thành án. Em đứng trước vành móng ngựa ngơ ngác nhìn chằm chằm vào ông thẩm phán đang phán định tội danh cho em. Nói thật là tôi không thể tin vào mắt mình khi một cô bé nhỏ nhắn có ánh mắt trong veo hồn nhiên lại là kẻ máu lạnh thiếu chút nữa giết một mạng người.


Ngày em bước vào cửa phòng giam số 9, tôi đi theo sau nhưng em không hề để ý đến tôi. Tôi nhìn ánh mắt vô hồn của em dán chặt vào song cửa nhà giam, tóc em ướt đẫm nước nhỏ giọt xuống nền gạch vỡ nát, áo em cũng ướt hết rồi ngày mai sẽ bị cảm lạnh mất thôi.


Quả nhiên ngày hôm sau em bị sốt cao bất thường, mấy chị hộ lý bận rộn tới chiều muộn mới giảm bớt nhiệt độ. Tôi hơi yên tâm.


Cả một tuần, rồi tuần sau đó em nằm mê man trên giường. Ánh mắt mơ hồ nhìn vào nơi nào hư không, đôi môi khô nứt nẻ không chịu ăn cháo hay uống sữa. Tôi đem tới cho em một cốc oresol và một trái quýt chua mới hái trong vườn rau cải tạo. Em không nhìn thấy tôi, không chú ý tới tôi. Trong lòng có chút bực bội, nóng nảy.


Cảm thấy bản thân mình thật vớ vẩn, tôi xin đổi ca trực vào buổi sáng chỉ vì muốn được nhìn thấy đôi mắt to tròn của em. Em đã tỉnh táo và đi lại được nhưng em gầy.


Ngày 8/3, em nhìn các chị nữ tù khác được mấy anh chàng quản giáo tặng hoa hồng, em ngây thơ hỏi tôi.


“Cháu không thích hoa hồng, liệu cháu có được đổi một cây kẹo chupa chups cầu vồng không? nếu không có kẹo cầu vồng thì cho cháu kẹo tròn nhưng vị dâu cơ”


Tôi cười nhẹ xoa đầu em:


“Gọi anh! ngày mai tôi tặng.”


Em ngước lên nhìn tôi rồi nở nụ cười ngọt ngào rộ lúm đồng tiền bên má:


“A?... Dạ! Anh quản giáo.”

 

Ngày hôm sau tôi y lời hẹn mang tới cho em một cây kẹo chupa chups cầu vồng và thêm 2 chiếc kẹo dâu nhỏ. Mắt đen lúng liếng nhìn trái phải rồi lại cúi xuống nhìn bộ quần áo tù kẻ sọc đen trắng bao lấy thân hình nhỏ nhắn, em đút kẹo vào túi rồi cười rộ lên:


“Kẹo anh quản giáo cho em sẽ cất vào hộc nhỏ bên giường - nói rồi em đưa ngón trỏ đặt lên miệng khẽ huýt gió - Suỵt! em không nói cho ai là anh tặng kẹo cho em, nhưng anh quản giáo cũng hứa không nói cho ai nhé”.


Giọng em cũng thật nhẹ nhàng, tôi thích nghe em nói. Lúc ấy tôi sẽ ghé sát tai lại nghe em thì thầm. Em còn dỗi dằn đỏ mặt mắng tôi:


“Anh quản giáo bị lãng tai rồi hả?”


Tôi chỉ cười cười nhìn em.


“Ừ…”


Em quay lưng bỏ đi mất rồi. Còn lại tôi đứng bâng khuâng mãi.


Tôi chỉ là một thằng con trai học hết cấp 3 rồi đi bộ đội nghĩa vụ, hết nghĩa vụ tôi lại được đội trưởng giới thiệu về làm quản giáo trong trại cải tạo. Tôi giải thích vậy vì ngày xưa tôi học văn dở lắm và cũng không được học đại học đâu, cho nên trong đầu tôi chỉ nghĩ ra mấy từ về em như thế này. 


Cô bé của tôi năm ấy 16 tuổi hoa.


Có công văn gửi tới, em và một số người nữa được xem xét giảm án khoan hồng. Em vẫn đứng đó nhìn tôi cười, nhưng em chỉ cười mỉm và không lộ hai chiếc răng khểnh mà kỳ quái thế nào tôi lại cảm thấy có chút mất mát. Em đã trở nên điềm tĩnh, duyên dáng và khéo léo khiến người ta đau lòng. Cứ như thể thời gian đi mất cũng khiến sự ngây thơ thanh thuần của em đi mất luôn ấy. Em nghiêng đầu nhìn tôi:


“Vậy là còn 7 tháng nữa em được ra ngoài rồi đúng không anh quản giáo?”


“Ừ” - tôi hờ hững đáp lại.


“Em không ra được không?”


Tôi trợn trắng mắt sẵng giọng:


“Điên!”


Tôi thấy em dại quá, ai lại không muốn về nhà. Hơn 4 năm qua làm bạn với em nhưng chúng tôi rất ít khi kể về hoàn cảnh của bản thân, cũng không có lý do muốn cho đối phương biết. Tôi tò mò lắm về bản án và tội danh của em, nhưng em chỉ qua loa nói đó là một tai nạn xinh đẹp. Từ đó ngoài chuyện hỏi thăm cơm trưa hôm nay có món gì, ngày mai phải làm việc gì, phòng giam số mấy có người mới tới… thì hầu như chúng tôi lại mơ hồ về đối phương. Như hiểu ra suy nghĩ của tôi, em vẫn cười nhẹ nhàng và lời nói ra cũng nhẹ nhàng như mây trôi trên trời ấy:


“Em không có nhà để về nữa rồi, anh nói xem em có nên xin cán bộ cho em ở lại đây không nhỉ?”


Em hài hước hỏi lại tôi, tôi lại nghe trong lời nói phảng phất mùi vị chua xót nghẹn ngào. Tôi cứng ngắc hỏi lại:


“Sao?”


“Hì hì… em nói đùa vậy thôi. Khi nào anh quản giáo có thời gian rảnh rỗi thì em sẽ gửi thư viết địa chỉ nhà em ở phố người Hoa, anh quản giáo nhớ tới chơi nha”.


Em vẫn cứ vô tâm vô phế như thế. Tôi không muốn đi đoán tâm tư của em và tôi nghĩ tôi cũng không dám biết. Ngay cả chính bản thân tôi mỗi lần nhìn mấy tấm hình tôi chụp trộm em lúc em nhổ cỏ tưới rau, lúc em chống tay ngủ gật còn có mất sợi nước kỳ lạ rớt xuống mặt bàn hôm đi học giáo lý, là lúc miệng tròn ấp úng ngậm kẹo mút hai mắt tỏa sáng thỏa mãn, lúc em ngồi chăm chú đan len thủ công,... lúc ấy tôi chỉ biết ngơ ngẩn cười một mình.  Tôi lại càng không dám đi đoán tâm tư chính mình, tôi biết tôi đang lo sợ điều gì.

 

Tôi ích kỷ, nghĩ rằng ước chi cánh cửa phòng giam số 9 cứ mãi nhốt em trong đó để cho tôi ngày ngày được thấy em cười, thấy em ngẩn người nhìn theo hoa bồ công anh theo gió bay đi. Tôi hèn, tôi không dám nói cho em biết rằng tôi có tình cảm với em suốt những năm này. 


4 năm 11 tháng em lưu tại nơi này, cũng lưu lại nơi trái tim trong lồng ngực tôi.


Hôm nay em đi, tôi không tới tiễn em, không muốn nhìn em đi. Tôi đã xin nghỉ ốm.


Thời gian sau đó tôi như du hồn không sức sống, không niềm tin, không hy vọng. Mọi người cứ hay gọi tôi bằng cái biệt danh rất buồn cười “Quỷ mặt lạnh”. Tôi mặc kệ.


Em nói em sẽ gửi thư cho tôi nhưng tôi ngày ngày chờ đợi không thấy, ngày ngày tới phòng văn thư lật tung đống nhật sam cũng không tìm được lá thư nào gửi cho tôi. Tôi có hơi nghi ngờ hay là em quên tôi chăng? Vì gần 5 năm em chưa một lần gọi tên tôi, chỉ gọi tôi là “anh quản giáo”. Đáng ghét.


Tôi mặt dày nhờ chị chánh án thân quen lật lại hồ sơ vụ án năm đó để tìm chỗ có ghi chép địa chỉ của em. 


Đây rồi “ Số nhà y, ngõ x, đường xx, khu phố người Hoa, quận 5, Sài Gòn”. Tôi đi tìm em.


Em không có nhà, người hàng xóm nói cho tôi biết em đang bán hoa bên quận 6. Tôi đến rồi đây, trong lòng chộn rộn phập phồng khó tả. Tôi nghĩ lần này tôi sẽ nói với em về tình cảm của tôi.


------------------


Em đứng bên kia nhìn thấy tôi lập tức vẫy vẫy tay. Đợi tôi tiến lại thì thấy em mềm oặt dựa vào chân cột đèn, ánh mắt mê ly.


“Anh quản giáo có thể book Xe đạp theo yêu cầu. Ngon, xinh, trắng, hàng chịu chơi, full service và chắc chắn là nếu anh khách yêu cầu "làm tí" thì em cũng không từ chối”


Ánh mắt em quyến rũ câu hồn làm tôi rung động nhưng càng là tức giận khó nén.


“Em đang làm gì?”


“Bán hoa nha”

 

Em nói em đang bán hoa? nhìn em ăn mặc gợi cảm thiếu vải tới đáng thương. Trời đầu đông đã lạnh nhưng em chỉ mặc chiếc váy bó sát eo ngắn ngang đùi, đôi vai trần gầy yếu đơn bạc. Như này nói gì tới “bán hoa” mà không phải nói trắng ra là “bán thân”.


Tôi nắm lấy vai em gằn giọng:


“Tại sao?”


Em nhón chân lên đặt lên má tôi một nụ hôn gió, tôi say.


Em lại cười:


“Em bán hoa kiếm cả trăm triệu mỗi tháng nếu chăm chỉ và không bị "nát" nhanh do thức trắng đêm, dùng “Mai Thúy” và chịu được cơn dày vò từ khách. Anh nghĩ xem có nghề nào nhanh giàu hơn nghề này? Huống chi em còn trẻ lắm. Hi hi”.


Tôi nghe được lời này liền nóng nảy giơ tay quá đầu, bàn tay to dày cộm đưa tới trước mặt em thật may đã kịp thu lại khi nhìn em co đầu rụt cổ. Ừ, tôi lấy tư cách gì đánh em đây? Tôi không phải người thân của em mặc dù lúc ấy tôi tự thôi miên mình là anh trai có thể dạy dỗ em gái. Nhưng đáng buồn là tôi không phải ai của em. 


Em nắm lấy bàn tay tôi, khẽ hôn lên lần nữa. Mu bàn tay còn có vết son môi nhàn nhạt đỏ. 


“Anh quản giáo đừng tức giận với em, thật là vì em không còn đường nào để đi. Cùng lắm là lần sau lại được gặp anh quản giáo trong “Trung tâm phục hồi nhân cách” thôi”.


Tôi không muốn nhìn vào mắt em, nơi ánh mắt làm tôi một ngày kia mê đắm nhưng hôm nay lại sợ hãi sa vào đó. Tôi nhàn nhạt hỏi em:


“Cứ mãi vậy sao?”


Em buông tay tôi ra, lòng bàn tay tôi lạnh ngắt. Chỉ nghe được giọng em thì thầm: 


“Hoa rơi cửa Phật, vạn sự tùy duyên”


Tôi nghĩ thầm, gái bán hoa mà còn muốn làm hoa rơi cửa Phật? rõ ràng là lời nói mê sảng. Đây phải chăng gọi là “làm kỹ nữ còn muốn lập đền thờ trinh tiết”, bọn gái ngành giả tạo rẻ mạt hay sao? Nghĩ vậy tôi buột miệng thốt lên:


“Vô sỉ”


Lúc ấy tôi không nhận ra bản thân không còn lý trí như mọi ngày, là tôi khinh bỉ coi thường em, nhưng tất cả sự coi thường ấy chỉ vì tức giận về thái độ hờ hững bất cần của em mà thôi. Tôi thề.


Chỉ thấy em ngơ ngác nhìn tôi mà không nói một lời. Tôi chột dạ nhưng vẫn không dám đối mặt với em. Chỉ là hậm hực tháo chiếc khăn trên cổ choàng lên vai cho em rồi xoay người đi rồi.


Tôi quên mất đó là khăn em tặng cho tôi vào ngày sinh nhật thứ 25 của tôi, chỉ vì hôm nay muốn tới gặp em và khoe cho em thấy tôi trân trọng món quà đó như thế nào mà thôi. Khi ấy… khi ấy liệu em có nghĩ tôi coi thường nên đã trả lại em chiếc khăn không? Tôi hối hận rồi.


Mấy tháng sau tôi không hề đi tìm gặp em nữa, nhưng chỉ có tôi mới biết chính mình nhớ thương em như thế nào. Đêm về trằn trọc không yên, nghĩ về em mà tức giận, thương tiếc, chua xót và càng thêm hối hận. Mới đầu tôi còn tự tin cho rằng tôi chỉ là một người xa lạ chạy ngang qua em rồi vừa lúc gật đầu chào hỏi mà thôi. Là tôi rung động trước sự ngây thơ ngọt ngào dễ mến của em chứ không phải bộ dạng lẳng lơ phóng đãng như hiện tại.


Càng sai quá rồi. Thời gian như con dao hai lưỡi ăn mòn đi lý trí kiên định của con người, nhưng có khi lại khắc sâu vào trong xương tủy, đâm thủng màng chắn yêu ớt nơi trái tim  khiến máu tươi ướt đẫm. Ngày ngày buộc mình trong vô vọng, tôi lại càng muốn tới bên em và nói lời xin lỗi, cầu xin em tha thứ cho tôi về sự ích kỷ độc đoán vô lễ ấy. Tôi muốn đưa em về nhà giới thiệu với cha mẹ tôi, tam môi lục sính hỏi cưới em làm vợ. Tay phải phủ lên ngực trái tôi tự nhủ, em đã cướp mất trái tim tôi rồi.


Đi trên con đường nhỏ hẹp vào nhà em, tôi run sợ lo lắng, phần nhiều hơn là xúc động bồn chồn. Trong đầu luôn tự hỏi lúc này em đang làm gì? em ở đâu? có cười với ai không?...


-----------

 

“Anh!… em… em mang cái này trả cho anh” - em gái tôi bẽn lẽn đứng trước cửa phòng. Hai tay đưa ra cuốn sổ tay màu đỏ son, ấp úng nói.


Tôi nhận lấy cuốn sổ nhìn qua nhìn lại và nhận định đây là cuốn nhật ký của con gái, nó có chốt khóa cần dùng mật mã mới mở được. Tôi khó hiểu nhìn em gái, nó gãi đầu:

 -

“Ngày người ta đưa anh vào viện cấp cứu, trong tay nắm chặt cuốn sổ này. Em… em chỉ tạm thời giữ giúp anh thôi - nó lập tức xua tay cười cười - nhưng em thề là em không có mở ra đọc trộm, vì nó có khóa mã”


Tôi cúi đầu trầm tư mà không hề hay biết em gái đi khi nào. Trong đầu mông lung một mẩu đối thoại ngắn.

“Anh quản giáo tặng em nhật ký đi.”


“Để làm gì?”


“A? để… để em viết chứ sao. Dù gì những 5 năm 6 tháng lận, nếu không kiếm cái gì ghi lại mai sau em có kể cho con cháu nghe chúng nó cũng không tin truyền thuyết bất hủ của em”


“Được!”


“Này!”


“Oa… thật sự là nhật ký này, còn có mật mã nữa đâu”


“Ừ”


“Anh nghĩ giúp em mật mã nhé”

 

“Ngu ngốc!... ngày sinh?”


“A?...08/03/198x”

…..


Ngón tay dài xanh xao bất giác bấm lên một dãy những con số 0803198x.


Cạch! Cái này thật sự có thể mở được.


Tôi không biết khi nào thì mình phải ngồi trên xe lăn, chân này… không hề có sức sống. Từng mảnh ký ức vụn vặt trôi nổi trong óc. Thoáng mơ hồ nhớ ra tôi đi tìm em, tôi đứng bên cột đèn nơi em hôn lên má tôi, chỉ còn một mảnh trắng xóa… tôi không nghĩ tiếp được nữa.


“Ngày..., trời nắng.

Anh quản giáo đẹp trai quá, anh cười nửa miệng như Kaito Kid vậy á. Đẹp mê hồn. Khụ! lần đầu viết nhật ký nên hơi khoa trương. Tém tém lại mới được.”


“Ngày…, trời hơi âm u.

Rõ ràng nắng to lắm luôn nhưng mình viết là trời âm u. Vì sao á? vì anh quản giáo cả ngày xụ mặt với mình. Một tên “thiếu muối” kiệm lời. Đáng ghét!”


“Ngày…, trời mưa thật rồi,

Anh quản giáo hôm nay không đi trực, nói rõ ràng mang thêm kẹo cho mình. Đồ thất hứa.”

...


“Ngày…, mệt mỏi.

Anh quản giáo bắt mình xới đất. Đau lưng quá. Đồ phát xít.”


“Ngày…, ngu ngốc.

Mẹ Tâm bệnh chết có ai thương tiếc đâu, con mụ điên đó phải trả giá là đúng. Thật may mình chọn đúng thời điểm, cơ mà hận nhật không thể một dao làm thịt mụ điên. “Mụ” quản giáo muốn thăm dò thực hư à? Làm mơ nhé!”

---


“Ngày…, xong rồi.

Cuối cùng cũng tặng món quà đầu tiên cho anh quản giáo, nhưng vẻ mặt đó là sao? Còn chê màu khăn không bắt mắt. Xí, một bó tuổi rồi còn thích hoa hòe hoa sói chắc?.Ha ha.”

---


“Ngày…, buồn.

Nhận được khoan hồng nhưng chẳng vui chút nào. Anh quản giáo không nói một câu giữ lại được à? Đồ vô tâm.”

---


“Ngày…, bye anh.”

---

 

“Ngày…, nhớ anh

Hình như mình có chút thích anh quản giáo.Hi hi.”

---


“Ngày…, lo lắng.

Anh quản giáo mà biết được chuyện này có mắng mình là “con đi**”, “xe  đạp”, “gái vẫy”... hay không nhỉ? Mọi người thì không sao, nhưng nếu là anh cũng coi thường em… thì… thì em sẽ ghét anh cả đời”

---


“Ngày...., hình như mình đau lòng.

Anh quản giáo mắng mình vô sỉ. Ừ… là quá vô sỉ mới đúng. Anh trả lại khăn cho em đó sao? Anh chê em bẩn nên không muốn thấy bất cứ thứ gì liên quan tới em nữa sao?”

---

---


Tôi nhớ ra cây kẹo cầu vồng ướt nhẹp chảy nước được buộc nơ bướm xinh xắn mà chị hàng xóm vẫn đặt trước di ảnh của em lặng ngắt.


Này cô bé của tôi ơi, một đường này tôi đi theo em đấy nhé. Là em bỏ rơi tôi trước mà. Kẹo cầu vồng em cũng nhận rồi thì không được lật lọng. Tôi còn chưa kịp chất vấn em rằng tôi thích em nhiều đến như vậy, nhưng em keo kiệt không cho tôi một cơ hội nói với em là tôi cũng rất thích… rất thích em. 


Lần sau gặp lại nhau thì em hãy cứ đứng nơi đó bán hoa nhé. Nhưng nhớ là trước khi tôi đến “mua hoa” thì nhất định không được bán cho ai đâu đó. Để em chỉ là bông hoa đẹp nhất của tôi mà thôi. 

Tôi muốn nói với em rằng nơi đây còn có một người đang đợi em đến trong mỗi giấc mơ.