Én Liệng Truông Mây - Hồi 29 - Phần 3

Bát quái mai hoa thung trận cũng gồm tám phương vị, trong đó có ba sinh vị đó là Sinh, Cảnh, Khai, còn năm phương vị Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh đều là tử địa. Nếu đấu thủ bị lọt vào những tử địa, bộ pháp sẽ bị kìm hãm, khả năng bị địch thủ đánh hạ rất lớn.

Một điểm nữa là khi giao đấu trên thung, khinh công và bộ pháp là hai điều căn bản cực kỳ quan trọng. Người giỏi bộ pháp và khinh công sẽ di chuyển nhẹ nhàng, bước đi vững chắc do đó mà quyền lực đánh ra mới ổn định và chính xác. Lía vốn nổi danh về tài khinh công độc bộ thiên hạ, bộ pháp Bát quái du long cũng tinh diệu và biến hóa chẳng kém gì Cửu cung di ảnh bộ của Trần Lâm, vì vậy tuy Trần Lâm là người lập trận và quen thuộc với nó nhưng xét ra cũng không chiếm được bao nhiêu phần ưu thế.

Khi thấy Lía chọn cửa Khai để thủ thế, Trần Lâm nghĩ thầm: “Thiên hạ nói Lía là một đứa trẻ vô học, nay giao đấu mới biết rằng lời đồn đoán kia không đúng với sự thật chút nào. Anh ấy vừa tài giỏi vừa có kiến thức thâm sâu lại rất khiêm tốn. Trận này e cũng khó mà thắng được anh ta, mình phải sử dụng lối đánh nhanh và cương mãnh mới mong chiếm được tiện nghi”. Chàng nghĩ xong, chân đứng tấn Kim kê trái, hai tay chắp vào nhau trước mặt theo thế Chấp thủ song mã chào đáp lễ, sau đó di chuyển bộ pháp theo Cửu cung tiến nhanh tới trước, tay trái sử dụng thế Tiền chỉ khai môn như một mũi giáo xỉa thẳng vào mặt địch. Lía vội hạ người thấp xuống, tay trái xử thế Phong bế trảm xà chặt chéo lên gạt thế chém của đối phương. Trần Lâm rút nhanh tay trái về, chân đảo bộ thành Phục hổ tấn, mu bàn tay phải từ dưới đánh mạnh lên cằm địch, tay trái biến thành trảo sử dụng thế Linh hầu phong bộ chộp vào hông của đối phương. Lía hét lớn “hay”, chân liền bước theo thế Hữu vân long phục, người lui về phía sau né cú chộp, quyền phải đánh xuống ức tay của Trần Lâm.

Hai đấu thủ quần nhau trên những cột trụ, bộ pháp thoăn thoắt. Tuy phải cố tránh bị rơi vào tử vị nhưng trông họ linh hoạt và vững vàng như đi trên đất liền khiến cho những người đứng xem không ngớt trầm trồ khen ngợi. Trần Lâm bộ pháp biến hóa, quyền xuất nhanh và hiểm hóc vô cùng, nhưng Lía với khinh công tuyệt hảo, ứng phó kỳ ảo, phản công như chớp nên trận đấu cứ kéo dài, tuy mỗi bên đã trúng vài đòn của đối phương nhưng trận đấu vẫn bất phân thắng bại, chưa ai rơi khỏi giàn thung cả. Tiểu Hồng rất tin tưởng nơi Trần Lâm ở trận này nhưng thấy đánh mãi mà chàng vẫn chưa hạ được Lía, nàng đâm lo bèn quay sang hỏi Lê Trung:

- Cậu thấy anh Lâm có thể thắng trận này không?

Lê Trung đáp:

- Nếu không thắng nổi cũng không thể bại, cháu an tâm. Xem kìa!

Khi Tiểu Hồng quay lại đã thấy Lía tung vút người lên cao để tránh một cú đánh quyết liệt và hiểm hóc của Trần Lâm, nhân đà chàng tung người ra xa đáp xuống đất nói lớn:

- Đánh trên thung, ta không địch lại huynh, xin chịu thua.

Trần Lâm cũng tung người nhảy xuống ôm quyền cười nói:

- Thật là hào sảng và khí phách! Thú thật giàn thung này tôi đã tập luyện nhuần nhuyễn đến mức nhắm mắt cũng có thể bước đi trên đó, vậy mà Lía huynh chỉ mới đặt chân lên lần đầu đã có thể ngang nhiên chiến đấu khiến Lâm tôi ngạc nhiên và khâm phục vô cùng.

- Coi bộ chúng ta phải động đến đao kiếm rồi. Nghe đồn Bạch Long tam thức và chiêu kiếm Nhất điểm hồng là tuyệt chiêu trong thiên hạ, tôi hiếu kỳ rất muốn thấy qua.

Trần Lâm ôn tồn nói:

- Thiên hạ chỉ phóng đại đấy thôi. Bạch gia đao pháp lừng lẫy cả một cõi Giao Châu, vang danh đệ nhất đao pháp hơn tám trăm năm qua, Lâm tôi cũng muốn được thưởng thức mấy chiêu Đoạn hồn đao kia để mở rộng tầm mắt.

- Vậy thì cả hai chúng ta đêm nay cùng được thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình rồi.

Lía quay lại chỗ đồng bọn đứng nói lớn:

- Bân đệ, cho ta mượn thanh đao.

Hồ Bân bước ra đưa cây đao trên tay cho Lía rồi quay về đứng chỗ cũ. Trần Lâm rút thanh nhuyễn kiếm quấn quanh người ra. Hai bên lại ôm quyền chào rồi nhìn nhau im lặng thủ thế. Những trận đấu trước đã khiến mọi người hồi hộp đến ngạt thở, bây giờ với đao kiếm trên tay, tuy không hề có sát khí vì cả hai đấu thủ đều chỉ muốn đọ sức để phân cao thấp chứ không có ý muốn giết đối phương nhưng uy lực vô hình từ họ cộng thêm lãnh khí của đao kiếm tỏa ra trong đêm đông giá lạnh đã khiến cho mọi người rét run. Có nhiều người hai hàm răng còn đánh vào nhau cầm cập.

Chợt nhoáng lên một cái, hai thân người như tên bắn lao vào nhau, tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát. Rất nhanh , mọi thứ trở lại im lặng, đồng thời hai bóng người tách ra đứng về đúng vị trí ban đầu, không sai lệch một ly. Trong cái chớp mắt đó họ đã trao đổi nhau ba chiêu, điều tuyệt diệu là đao kiếm của họ chỉ chạm vừa đến lớp vải y phục chứ không hề phạm vào da thịt. Độ chính xác của các đường đao mũi kiếm đã đạt tới trình độ xuất thần nhập hóa. Dưới ánh đuốc, mọi người nhìn thấy trên ngực áo của Trần Lâm có một đường rách chéo dài độ một tấc, trong khi đó cổ áo của chú Lía cũng có một lỗ thủng nhỏ bằng đầu ngón tay. Qua hai vết rách trên y phục, mọi người đều nhận ra được với ba chiêu vừa rồi, hai đấu thủ coi như ngang tài nhau, chưa bên nào tỏ rõ ưu thế hơn.

Lía nhìn Trần Lâm nói:

- Hoa Lư kiếm pháp quả nhiên xứng đáng là đệ nhất kiếm pháp trong thiên hạ.

Trần Lâm nói:

- Đa tạ lời khen. Huynh cũng biết đường kiếm này sao?

Lía gật đầu:

- Qua sự miêu tả của thầy tôi.

Một lúc sau, hai bóng người lại nhoáng lên, đao kiếm chớp ngời. Lần này những tiếng thép va chạm liên miên không dứt. Hai bóng người vờn nhau, có khi trên mặt đất, có khi bay vút lên không. Nếu không vì màu áo của họ tương phản nhau thì sẽ chẳng còn phân biệt được ai là Trần Lâm và ai là chú Lía. Kình lực từ trận đấu phát ra như cuồng phong bão táp, kiếm quang, đao ảnh sáng ngời như có hàng trăm tia chớp giật liên tục vằn vện trong màn đêm. Sau một chiêu đao sấm sét, hai lọn tóc của Lía bỗng bay vút ra theo hướng ngược chiều lại với đường đao khiến Trần Lâm chới với vì bất ngờ. Chàng đã bị một lọn tóc quất trúng vào vai, phải bật lên một tiếng la đau đớn và dạt người về phía sau. Lía ra chiêu thắng thế nên tay đao tiếp tục phóng ra một chiêu ác liệt nữa. Trần Lâm vung kiếm đỡ, đồng thời chàng lạng người sang bên, tay trái rút nhanh cây roi giắt ngang lưng và vụt một đường thần tốc vào hông Lía. Lía hoảng hồn nhảy vọt ra sau né đường roi vũ bão chỉ trong gang tấc ấy. Trần Lâm đâu chịu bỏ lỡ cơ hội, lập tức cả hai tay kiếm và roi đồng vút ra từ hai hướng lao thẳng như tên bắn vào ngực đối thủ. Lía xoay người vung đao gạt thanh kiếm rồi phóng tới trước thoát khỏi đường roi một lần nữa. Trần Lâm đắc thủ liền lướt theo thanh kiếm trong tay định xuất chiêu đâm vào lưng đối phương. Nhưng vô cùng bất ngờ, Lía đột ngột lạng người sang bên, tay chém chéo về sau một thế đà đao thật hiểm hóc. Trần Lâm lỡ bộ đành phải đưa kiếm ra gạt và xoạc người thật nhanh ngã nằm ra đất để tránh đường đà đao hiểm độc kia. Gần như đồng thời với chiêu đà đao, Lía xoay người lại, lưỡi đao như ánh chớp đâm thẳng vào ngực Trần Lâm đang nằm ngã dưới đất. Mọi người kinh hoàng la lên vì tin chắc với đường đao đó, ngực Trần Lâm sẽ bị đâm xuyên thấu đến lưng. Tiếng hét lớn nhất trong đám người chính là tiếng của Tiểu Hồng.

- Ngừng tay! Đừng giết người dưới ngựa! Tôi đồng ý giao nộp vàng bạc châu báu cho các ông.

Lưỡi đao của Lía đang đâm tới như mũi tên bỗng dừng phắt lại. Lưỡi đao đã đến sát ngay làn vải nơi ngực áo của Trần Lâm, Lía rút thanh đao về rồi cúi xuống đỡ Trần Lâm đứng lên. Nghe Tiểu Hồng nói, chàng quay lại mỉm cười đỡ lời:

- Cao tiểu thư chớ sợ. Lía tôi đã đi khắp gầm trời, hôm nay mới gặp được một đấu thủ xứng tay. Chúng tôi chỉ trao đổi võ học chứ không có ý hạ sát nhau.

Rồi chàng quay lại nhìn Trần Lâm nói:

- Xin lỗi vì đã phải dùng đến chước đà đao này. Được giao đấu với Lâm huynh, Lía tôi thật không bỏ công luyện tập. Hôm nay thật sảng khoái vô cùng.

Trần Lâm ôm quyền nói:

- Lía huynh thật sự là tay đệ nhất cao thủ thời nay. Lâm này có bại dưới tay huynh cũng chẳng thấy hổ thẹn chút nào. Chiêu đà đao này chỉ thiện dụng trên lưng chiến mã, không ngờ huynh lại sử dụng được cả trong trận đấu dưới bộ, thật là tuyệt diệu!

Họ đứng nói chuyện nhau thân mật như hai người bạn như quên mất chỉ mới vừa rồi, những chiêu đao, kiếm của họ có thể lấy mạng đối phương. Trên y phục cả hai đều có ít nhất mười mấy chỗ rách vì đao kiếm. Lưu Phương Tích bỗng vỗ tay nói:

- Long tranh hổ đấu, vô tiền khoáng hậu, tuyệt thế võ công. Lưu Phương Tích tôi được chứng kiến trận đấu này dù có phải chết ngay lập tức cũng rất lấy làm vui vì đã không sống uổng kiếp này.

Mọi người bây giờ cũng bắt đầu xôn xao bàn tán về trận đấu. Tiểu Hồng bước đến cạnh Trần Lâm hỏi:

- Anh có bị thương không?

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Chỉ suýt chết thôi, còn bị thương thì không có.

Tiểu Hồng quay sang Lía cúi đầu chào, nàng nói:

- Tạ ơn hiệp sĩ đã tha mạng cho anh Lâm. Hiệp sĩ cần bao nhiêu vàng bạc xin nói ra, tôi sẽ vui lòng giao nộp.

Lía vội chào đáp lễ rồi cười nói:

- Cao gia đã có Lâm huynh trông coi, chúng tôi thôi không dám quấy phá. Có điều lúc này bà con nghèo chết đói nhiều quá, nếu Cao tiểu thư có lòng từ bi xin ra ơn cứu giúp họ, Lía tôi xin thay mặt bà con cảm tạ trước.

Nói xong chàng chắp tay xá dài. Tiểu Hồng thất kinh vội xua tay nói:

- Xin Lía hiệp sĩ đừng làm vậy. Vâng, tôi hứa ngay ngày mai sẽ xuất ngàn lạng vàng và trăm tấn gạo cứu đói bá tánh. Nhờ các hiệp sĩ Truông Mây thông tin này đến bà con giúp cho.

- Được như vậy thì phúc đức cho bà con biết mấy, chúng tôi sẽ báo cho bà con biết ngay ngày mai. Xin đa tạ Cao tiểu thư, xin cáo từ. Tạm biệt Lâm huynh, mong có ngày tái ngộ.

Trần Lâm ôm quyền nói:

- Tạm biệt Lía huynh, mong tái ngộ.

Lía liền phất tay ra hiệu cho đồng bọn rồi cả bọn phóng người vọt qua hàng rào biến mất trong màn đêm. Xa xa, tiếng gà gáy sáng đã vọng tới mấy hồi. Cao Đường bước ra sân vỗ vai Trần Lâm nói:

- Cảm ơn cháu. Không ngờ tài nghệ của cháu lại cao đến bậc này.

Trần Lâm có vẻ chán nản đáp:

- Cảm ơn Cao trang chủ rộng lòng. Giá áo túi cơm như cháu đã là thủ hạ bại tướng của người ta thì còn nói chuyện cao thấp nỗi gì nữa.

Tiểu Hồng vội an ủi:

- Anh đừng chán nản như vậy. Ai cũng biết anh và chú Lía kẻ tám lạng người nửa cân. Vả lại thắng bại là lẽ thường mà.

Lê Trung cũng bước đến nói:

- Tiểu Hồng nói đúng. Hai bên đúng là kẻ tám lạng người nửa cân. Nhưng với riêng chú, cháu hơn chú Lía về trí tuệ. Như vậy so ra, nếu luận anh hùng cao thấp, cháu là người đứng vế trên.

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Thôi bỏ qua chuyện ấy đi, cháu muốn uống một ly rượu để ăn mừng cho lần gặp gỡ có một không hai này.

Tiểu Hồng vui vẻ nói:

- Phải đó, Tiểu Hồng sẽ đi lo ngay cho anh một cuộc rượu.

Nói xong nàng hối hả đi ngay. Mọi người kéo nhau vào khách sảnh vừa uống rượu vừa bàn luận về trận đấu vừa qua.

***

Hôm sau, Tiểu Hồng xin cha cho mình giữ đúng lời hứa với chú Lía là xuất kho phát gạo và tiền giúp bà con. Cao Đường tiếc của lắm nhưng ông vốn coi Tiểu Hồng như viên ngọc quí, nàng muốn gì ông cũng chiều ý nên đành bấm bụng nghe theo. Thế là trong suốt tháng chạp năm đó, bà con ăn xin và những người nghèo khó lũ lượt kéo nhau về cảng thị Quy Nhơn để nhận đồ cứu trợ. Nhờ vào sự giúp đỡ của vị tiểu thư xinh đẹp và phúc hậu nhà họ Cao mà bà con nghèo khó đã được hưởng một cái Tết Bính Tuất trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Cả tháng qua Trần Lâm cũng đã sát cánh bên Tiểu Hồng lo việc cứu trợ. Chàng ở lại Cao gia trang đón Tết Bính Tuất, một cái tết cuối cùng của chàng ở nơi này. Chiều hôm đó, chàng rủ Tiểu Hồng đi dạo để nói cho nàng biết dự định của mình. Hai người cưỡi hai con ngựa, Trần Lâm con Ô Truy và Tiểu Hồng con Huyết mã mà ngày xưa Đại Hồng vẫn dùng. Họ ruổi ngựa trên bờ cát trắng, đến gành Nhạn Châu rồi lên đỉnh đồi ngồi ngắm biển xanh chờ trăng lên.

Hai người ngồi cạnh nhau trên phiến đá, Tiểu Hồng hướng mắt xa xa nói:

- Biển Quy Nhơn bao giờ cũng đẹp, đẹp cả bốn mùa, anh Lâm đồng ý không?

Trần Lâm đáp:

- Đồng ý. Cho nên đất Quy Nhơn mới sản sinh được nhiều mỹ nhân như vậy.

Tiểu Hồng cười khúc khích, quay lại hỏi Trần Lâm:

- Anh gặp mỹ nhân ở đâu mà nói rằng Quy Nhơn có nhiều?

- Không cần đi đâu xa, chỉ trong một khuôn viên nhỏ của Cao gia trang thôi mà đã có Song Hồng tuyệt đại mỹ nhân rồi.

Tiểu Hồng đánh nhẹ vào vai Trần Lâm cười nói:

- Anh chỉ khéo làm vui lòng người khác thôi. Cái gì mà Song Hồng tuyệt đại mỹ nhân? Nghe ghê quá!

Rồi nàng thở dài:

- Nhắc đến Song Hồng em lại thấy nhớ chị Đại Hồng. Tội nghiệp chị ấy vô cùng.

- Đại Hồng nay là đệ nhất phu nhân của quan trấn thủ, là đệ nhất mệnh phụ của phủ nhà, sao lại tội nghiệp?

- Anh tưởng chị ấy vui vẻ khi làm bà mệnh phụ đệ nhất ấy lắm hay sao?

- Có uẩn khuất gì trong đó sao?

- Anh giả vờ không biết hay không biết thật vậy?

- Là thật đó!

- Chị ấy hận anh nên mới chiều ý cha nhận lời lấy Hoàng Công Đức.

Trần Lâm thở dài nói:

- Khi hay tin chị ấy lấy chồng, anh cũng mơ hồ nghĩ vậy.

- Sau cái hôm hai người đi chơi về rồi anh theo đoàn thuyền vào ở mãi trong Nam, chị ấy đã âm thầm khóc suốt một tháng trời. Điều này chưa bao giờ xảy ra với con người cứng rắn như chị ấy.

- Bây giờ mọi việc đã yên, cầu cho chị ấy hạnh phúc và vui vẻ.

Tiểu Hồng lại buông tiếng thở dài, định nói gì đó nhưng lại thôi. Nàng không muốn cho Trần Lâm biết về sự buồn chán của Đại Hồng khi về sống với người chồng già như Hoàng Công Đức, sợ chàng mang thêm mặc cảm tội lỗi. Trần Lâm nhặt một viên đá búng mạnh xuống vùng sóng biển đang đập vào những tảng đá tròn như những cái trứng khổng lồ bên dưới, chàng nói:

- Tiểu Hồng nè, anh báo cho em biết, mai anh sẽ rời khỏi gia trang.

Tiểu Hồng quay lại, tròn xoe đôi mắt hỏi:

- Mai à? Anh sẽ đi đâu?

- Anh chưa biết. Trước hết sẽ trở về thăm sư phụ, sau đó lãng tích giang hồ một thời gian để ngắm cảnh non sông cẩm tú rồi tùy cơ duyên mà hành sự.

Tiểu Hồng hai mắt bỗng đỏ hoe, buồn bã nói:

- Em biết có ngày anh sẽ ra đi, nhưng khi nghe nói đến chuyện biệt ly em vẫn thấy rất đột ngột và ngỡ ngàng.

- Xin lỗi em. Anh tin em sẽ hiểu và thông cảm cho anh.

- Anh thật không có dự tính gì cho tương lai của mình sao? Tài trí như anh chỉ cần có cơ hội là nhất cử thành danh, sao anh không tính tới? Cha em có thể giúp anh rất nhiều trong việc này.

- Em muốn nói đến chuyện thi đỗ làm quan hả?

- Đại loại như vậy.

- Với thời đại này, việc đó anh quyết không nghĩ tới. Hơn nữa anh muốn tự mình tiến thân. Ý đẹp của em, anh xin tạc dạ.

Tiểu Hồng cúi mặt, giọng nhỏ lại nghe buồn buồn như muốn khóc:

- Ý anh đã quyết, em không dám cản, chỉ xin anh nhớ cho một điều.

- Em nói đi. Anh nhất định sẽ nhớ.

- Là mỗi chiều, sẽ có một người ngồi trên phiến đá này nhớ tới anh.

Không hẹn mà hai tiếng thở dài lại buông ra cùng một lúc.

Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo trên cao, cả hai mới rời đỉnh núi thả ngựa chầm chậm trở về.

*

 

Hôm sau, Trần Lâm giã từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Đêm đó, qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:

Run tay chuốc chén đăng trình

Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu

Người đi cố bước đi mau

Người về trắng những canh thâu nhớ người

Đường tình nay đã chia đôi

Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau.