Én Liệng Truông Mây - Hồi 31 - Phần 1

HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT

Đỉnh Trưng Sơn song hùng vui kết bái

Thành Truông Mây hào kiệt luyện binh hùng

Bến Trường Trầu, nơi quy tụ nhiều khách buôn, ban đầu chỉ buôn trầu, bán muối, dần dà về sau bến phát triển lớn hơn, trở thành một bến cảng nhỏ ở thượng nguồn Côn Giang với nhiều mặt hàng miền núi đưa xuống để trao đổi với những mặt hàng từ miệt duyên hải miền biển đưa lên. Từ khi thay cha trông coi việc buôn bán ở bến, Nguyễn Nhạc nhờ khả năng giao tiếp rộng rãi, lại có đầu óc kinh doanh lớn nên việc buôn bán phát đạt hơn thời ông Phúc nhiều. Để khách buôn ghé bến có chỗ nghỉ ngơi và giải trí, Nguyễn Nhạc đã cho mở một tửu điếm vừa bán rượu vừa cho thuê phòng. Tấm bảng hiệu lớn treo trước cửa sơn đỏ bốn chữ Tây Sơn Hội Quán. Bên cạnh, chàng còn mở thêm một sòng bạc lấy tên Phát Tài để thâu tiền xâu. Dần dà, sòng bạc Phát Tài trở thành nơi qui tụ các đầu nậu buôn hàng sẵn tiền trong tay, ngay cả các con buôn nhỏ cũng bị thu hút vào đó.

Máu cờ bạc ai ai cũng có, vì thế sòng bạc Phát Tài lúc nào cũng đông đảo khách đỏ đen. Cái tên Phát Tài tưởng là dành cho khách vào đánh bạc, nhưng ông chủ sòng mới là người gom sạch túi những vị khách mê chơi. Tuy có đến hai ba cơ sở kinh doanh nhưng nhờ vợ là Trần Thị Huệ rất giỏi giang, quán xuyến tốt mọi việc nên Nguyễn Nhạc vẫn có thời gian giao du các nơi, vừa giao hàng vừa mở rộng thị trường giao dịch, kết giao bằng hữu.

Trần Lâm đến bến Trường Trầu, lấy phòng tại Tây Sơn Hội Quán, ăn uống xong chàng ghé sang thăm sòng bạc Phát Tài của Nguyễn Nhạc. Lúc bấy giờ đâu đâu cũng có người ăn mày, họ ngồi lê la trước các hàng quán hoặc lang thang xin tiền khách bộ hành. Bỗng có một toán quan binh gồm tám tên hộ tống một tên biện lại từ Vân Đồn đến bến Trường Trầu để thu thuế các hộ kinh doanh. Chế độ thuế má của quan Quốc phó Phúc Loan đặt ra rất khắc nghiệt, các quan từ cấp phủ xuống đến làng xã đều phải lo chắt mót tiền từ các hộ thương buôn, dân lao động và nông dân sao cho đủ số để nộp về trung ương. Dựa theo chính sách, một số nhân viên thu thuế đã nặng tay hơn để ngoài việc cống nạp quan trên còn có chút dư bỏ túi riêng cho mình. Vì thế, thuế trung ương đã cao, dân còn phải trả cao hơn nên từ người nông dân đến thương buôn, tất thảy đều ngửa cổ kêu trời.

Tên biện lại Vân Đồn này vẫn là Đặng Thu, hắn vừa tham lam vừa hung dữ nên mọi người đặt biệt danh là Ôn Thần. Sau vụ tên đội trưởng đi theo hộ tống bị Lía đánh chết năm xưa, Đặng Thu bây giờ mỗi lần đi thu thuế đều dẫn theo rất nhiều quân lính hộ vệ. Lúc này đã gần đến hạn nộp thuế quí một lên trung ương nên Đặng Thu cho bộ hạ thẳng tay thu thuế tất cả các hộ kinh doanh ở bến Trường Trầu.

Từ sau ngày chúa mất con ngựa Xích Kỳ, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên và trấn thủ Hoàng Công Đức phải tốn một số tiền lớn cúng cho Phúc Loan nên chúng càng cố gắng thu hồi lại vốn. Các thuộc cấp của chúng buộc phải tăng số tiền cúng hàng năm nhiều hơn. Quả thật, theo cách nói của đám bình dân lúc bực bội là “cục cứt lăn từ trên cao lăn xuống”.

Trần Lâm ngồi ở chiếc bàn nhỏ nơi cửa sổ trong sòng bạc theo dõi toán thu thuế. Chàng thấy chúng hung hăng la hét, thậm chí đả thương cả những chủ buôn không có tiền đóng thuế. Một người đàn ông ở quán tạp hóa bên kia đường vì không có đủ tiền nộp nên bị bọn quan binh đánh dã man. Tức quá ông ta đã rút đao chống cự. Năm sáu tên quan binh cùng lao vào tấn công, cuối cùng ông ta bị chém chết.

Trong lúc hỗn loạn bỗng có một tên ăn mày tuổi chừng mười ba, mười bốn với bộ mặt sợ hãi vì trận xô xác ở tiệm tạp hóa đã đâm đầu chạy đụng vào người Đặng Thu. Hắn vội ôm chầm tên biện lại, ríu rít xin tha tội rồi bỏ chạy mất. Người dân ở đây dường như đã quá quen với cảnh bạo hành của quan binh nên tuy rất bất mãn nhưng cũng chỉ dám xầm xì than thở chứ không ai dám can thiệp.

Bỗng nghe tên Đặng Thu hốt hoảng la lên vì túi tiền thu thuế của hắn đã không cánh mà bay. Không ai biết chính xác, trừ Trần Lâm, vì chàng đã trông thấy tên ăn mày hành sự thế nào. Đặng Thu quả quyết chính tên ăn mày đã lấy cắp nên hắn sai năm tên quan binh lập tức chạy khắp nơi để kiếm nhưng thằng nhỏ đã biệt dạng. Đặng Thu sợ quá hóa điên, hắn xông vào sòng bạc la lối om sòm đòi gặp Nguyễn Nhạc để thu thuế. Nguyễn Nhạc đi An Khê chưa về, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đang theo học ở An Thái, chỉ còn vợ Nhạc là Trần Thị Huệ.

Đặng Thu điên tiết vì bị mất tiền nên la lớn:

- Ông Nhạc đâu?

Thị Huệ ôn tồn đáp:

- Dạ nhà cháu ở An Khê chưa về. Mời ngài biện ngồi uống tách nước trước đã.

Đặng Thu nóng nảy nói:

- Khỏi nước non gì ráo! Bà thấy đó, túi tiền thuế của tôi vừa bị thằng ôn con móc mất rồi. Bà làm ơn nộp đủ thuế quí một cho tôi rồi nộp luôn quí hai nữa để tôi bù vào chỗ đã mất, nếu không thì chết cả đám.

- Nộp thuế quí một thì chúng tôi sẽ ráng mà gom cho đủ số chứ quí hai còn chưa tới hạn, chúng tôi làm sao có tiền để nộp? Ngài biện thông cảm cho.

Đặng Thu quát lớn:

- Bà mà không có tiền à? Bà có muốn tôi nói quan huyện cho lính xuống dẹp cái sòng bạc này không? Nộp nhanh lên, không có một hai gì nữa cả! Phen này thì chết cả lũ rồi!

Chợt lúc ấy có một con tuấn mã dừng lại trước cửa sòng bạc. Một thanh niên vận võ phục xanh, tuổi chừng mười sáu, tướng mạo đường đường, nhảy xuống và bước vào sòng bạc. Thị Huệ nhìn thấy chàng thanh niên, mừng rỡ chạy lại nói:

- Anh Võ Văn Dũng! May quá, anh đến thật đúng lúc! Nhờ anh thu xếp giùm chúng tôi chuyện này với, anh Nhạc không có nhà.

Võ Văn Dũng nhìn thấy Đặng Thu và đám lính đã đoán ra sự việc nhưng vẫn hỏi:

- Chuyện gì mà chị có vẻ hãi quá độ vậy?

- Ngài biện đây bắt nộp thuế quí một, còn buộc phải nộp thêm trước thuế quí hai nữa. Em phân trần là nhà không gom đủ tiền mà ngài biện nhất định không chịu, còn đòi cho lính phá sòng bạc nữa.

Võ Văn Dũng bước đến trước mặt Đặng Thu ôn tồn nói:

- Ông biện thu thuế, chị ấy đã chịu nộp đủ quí này, sao lại còn bắt người ta nộp trước thuế quí tới? Tiền đâu mà chị ấy nộp. Ông biện xét kỹ lại giùm cho.

Đặng Thu nhìn chàng thanh niên, hất hàm hỏi:

- Ngươi là ai mà can thiệp vào việc quan?

- Tôi là Võ Văn Dũng ở Phú Phong, bên kia sông.

Đặng Thu nghe nói giật mình. Danh tiếng của Võ Văn Dũng cả hai miệt tả hữu ngạn Côn Giang ai ai cũng biết. Người này võ nghệ tuyệt luân, gặp chuyện bất bình dù đối phương có là ai đi nữa chàng cũng nhất định can thiệp cho ra lẽ. Đặng Thu biết là không thể bắt chẹt được Thị Huệ nên gắt:

- Thôi, thôi đi! Mau nộp đủ tiền quí một cho ta đi.

Thị Huệ mừng rỡ vội vàng chạy vào trong đem tiền ra nộp đủ. Đặng Thu thu tiền xong bỏ vào bọc, nhét sâu vào lưng quần, sợ bị móc mất một lần nữa thì chỉ có nước chết. Hắn kéo bọn lính hậm hực ra khỏi sòng bạc để sang bên kia đường thu thuế tiếp. Võ Văn Dũng nhìn theo nói:

- Tên Ôn Thần này từ lâu tôi đã muốn nện một trận cho bõ ghét rồi. Nhìn cách hắn hành hung bà con thật không thể chịu nổi.

Thị Huệ nói:

- Anh có đánh chết hắn ta thì sẽ lại có một tên Ôn Thần khác xuất hiện thôi, nhiều khi còn ác ôn hơn nữa. Xã hội bây giờ là vậy, chúng ta cắn răng chịu đựng cho yên thân.

Võ Văn Dũng hậm hực nói:

- Chịu đựng, chịu đựng cho tới bao giờ? Hừ! Thôi tôi đi nhé chị Huệ, khi nào anh Nhạc trở về?

- Dạ, chắc chừng hai ba hôm nữa thôi. Ảnh về, anh ghé lại chơi nhé.

- Dạ.

Nói xong Võ Văn Dũng trở ra nhảy lên lưng ngựa, phóng nhanh về hướng Bắc.

Bọn Đặng Thu giở trò giận cá chém thớt, những hộ kinh doanh kế tiếp bị chúng hành hạ đủ điều. Ngoài tiền thuế quí này, hắn còn bắt trả thêm quí tới để bù vào chỗ bị mất. Ông thầy thuốc Nam, người trước đây vì cứu ông ta mà Lía đã đánh chết thằng con của quan huyện, vì tốt bụng thường giúp kẻ nghèo khó, bán thuốc có khi không lấy tiền nên hầu như quí nào cũng bị thiếu tiền thuế, cứ phải xin khất lại. Biết ông ta là người tốt, lại vì chuyện chú Lía năm xưa nên Đặng Thu nhiều lần châm chước cho. Lần này hắn hết cách, lại sợ quan trên bắt tội nên hắn nhất định không tha, còn bắt trả cho hết số tiền thuế còn thiếu. Ông thầy thuốc vô phương nộp thuế nên bị bọn lính đánh một trận tơi bời. Cô con gái út thấy cha bị đánh không nhịn được đã rút kiếm xông vào tấn công bọn lính để cứu cha. Võ công của cô cũng khá, một tên lính bị cô chém trúng đứt cánh tay. Bọn lính còn lại thấy vậy cùng xông vào tấn công cô gái. Cuối cùng, cô bị một kiếm xuyên thấu bụng ngã xuống chết ngay tại chỗ.

Trầm Lâm ngồi quan sát từ đầu đến cuối tình hình thu thuế của bọn biện lại mà lòng sục sôi căm giận, đến khi cô gái bị đâm chết thì không còn nhịn được nữa. Chàng lập tức xông ra, rút thanh nhuyễn kiếm lia một nhát giết chết tên lính vừa sát hại cô gái. Những tên còn lại xông vào bao vây tấn công, Trần Lâm điên tiết giết một lúc năm sáu tên nữa. Chưa hả cơn giận, chàng một kiếm xuyên tim tên Ôn Thần Đặng Thu. Còn một tên lính cuối cùng, hắn run như cầy sấy, sụp xuống lạy Trần Lâm như tế sao xin tha mạng. Chàng chỉ mặt hắn nói:

- Ta tha mạng cho ngươi. Về nói lại với bọn quan binh các ngươi, tên nào dám làm khó dễ nhà ông thầy thuốc này nữa ta sẽ tìm tới giết sạch tên đó. Nghe chưa? Cút đi!

Tên lính vâng dạ luôn mồm rồi ôm đầu chạy thục mạng. Trần Lâm lấy một đỉnh vàng lớn trao cho ông thầy thuốc xong quay lại tửu điếm lấy ngựa dông thẳng. Bà con cả bến Trường Trầu chứng kiến cảnh tượng vừa rồi ai nấy đều vô cùng hả dạ. Nhưng khi niềm vui lắng xuống, mọi người lại thấy lo âu vì bọn quan quân thế nào cũng có những cuộc càn quét khủng khiếp xuống vùng này.

Việc một chàng hiệp sĩ mặc áo trắng cưỡi con Ô Truy giết chết bảy tên lính và tên biện lại Ôn Thần đã gây chấn động toàn vùng Tây Sơn. Khi Nguyễn Nhạc từ An Khê về, mọi người đều đến nhờ ông tìm cách giúp cho cư dân ở bến Trường Trầu tránh khỏi họa quan binh bắt bớ. Nhạc nhờ giàu có, lại quen biết rộng nên đã đút lót cho quan huyện địa phương rồi nhận giữ chức biện lại Vân Đồn thay Đặng Thu. Nhạc cho người tìm vị hiệp sĩ áo trắng khắp nơi nhưng chàng ta đã biệt dạng.

***

Trần Lâm một mình một ngựa đi dọc bờ Côn Giang lên vùng núi Phú Lạc. Ngang qua một vùng cây cối um tùm, chợt nghe có tiếng nhiều người đang nói chuyện bên trong. Hiếu kỳ, chàng giấu ngựa rồi tung mình lên cây cao quan sát. Thì ra là một bọn ăn mày đang đứng quanh tên ăn mày nhỏ lúc nãy. Tên ăn mày nhỏ rút túi tiền ra trao lại cho một người đứng tuổi. Nó cười hi hí nói:

- Đây là túi tiền mà tên Ôn Thần đã ăn cướp của bà con, cháu giao lại cho chú để cứu giúp bà con nghèo ở vùng Tây Sơn này.

Người đứng tuổi cầm gói bạc nói:

- Giỏi lắm! Số tiền này đến thật đúng lúc. Tiểu Thâu Nhi, cháu giữ lấy một phần đi, số còn lại chú sẽ phân phát cho anh em và bà con.

Tiểu Thâu Nhi cười hì hì nói:

- Chú cứ giữ cả đi để chia cho anh em. Cháu có hai ngón tay thần này rồi, đâu cần lấy tiền làm gì nữa.

Người đứng tuổi cười nói:

- Cũng được, nhưng cháu phải cẩn thận. Lúc nãy bọn quân lính đã biết cháu là người đánh cắp túi tiền của Ôn Thần, đừng để chúng bắt được nếu không, chết chắc đó. Phen này tên Ôn Thần lo đến sốt cả vó, e rằng chúng sẽ điên tiết hành hạ bà con chẳng nương tay.

Bọn ăn mày sau khi nhận được tín hiệu của Tiểu Thâu Nhi đã bỏ bến Trường Trầu chạy đến đây nên chúng không chứng kiến cảnh bọn thu thuế bị giết sạch. Tiểu Thâu Nhi nói:

- Chú không cần lo cho cháu, chúng nó không bắt được cháu đâu. Chỉ sợ vì việc này mà anh em hành khất sẽ bị vạ lây. Chú phải cho họ tạm thời lánh mặt khỏi Tây Sơn một thời gian mới được.

Người đứng tuổi nói:

- Chú cũng đã nghĩ tới việc này. Thôi chúng ta chia tay, không nên tụ tập lâu ở đây. Anh em giữ mỗi người một ít tiền, số còn lại tôi sẽ nộp cho phân đà Tây Sơn.

Rồi ông chia tiền cho cả bọn, sau đó giải tán. Chỉ còn lại một mình Tiểu Thâu Nhi, không biết hắn nghĩ gì mà bật lên cười hì hì rồi huýt sáo vội vã bước đi. Trần Lâm rất có cảm tình với đứa nhỏ này, chàng nhảy xuống khỏi cây và chặn đầu hắn giả bộ dọa:

- Tên này giỏi thật, giữa ban ngày ban mặt mà dám móc túi của quan nha, tội này lớn lắm đấy. Ta phải bắt ngươi đem nộp lên quan lãnh thưởng mới được.

Tiểu Thâu Nhi giật mình đánh thót. Nhưng khi nhìn kỹ lại, hắn nhận ra người chặn đường chính là vị khách mới đến ở Tây Sơn Hội Quán. Nếu không có bọn thu thuế, hắn đã định giở ngón với người khách sang trọng này rồi. Hắn nghĩ có lẽ hành động của mình đã bị người này nhìn thấy bèn cười cầu tài:

- Hề hề... Mấy tên ác ôn đó chỉ chuyên đi bóc lột tiền của dân nghèo, không cho chúng một bài học thì thật là uổng cho cái tên Tiểu Thâu Nhi của tôi. Trông anh phong thái đường đường, không giống tay sai của bọn quan nha. Anh nói đùa cho vui thôi đúng không?

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Mồm mép của chú nhỏ ngươi cũng khéo như hai ngón tay vậy. Nhỏ ngươi làm vậy không sợ bị quan binh bắt hay sao?

- Chỉ sợ tên Ôn Thần đó trả thù dân trong bến chứ với tôi, mười tên như hắn cũng chưa bắt được. Ý tôi còn muốn đâm cho hắn một nhát thấu tim cho bỏ cái thói hung tàn hà hiếp dân chúng đi.

- Ta đùa với chú em cho vui thôi, tên Đặng Thu đó đã bị ta đâm một kiếm thấu tim về chầu Diêm vương rồi.

Tiểu Thâu Nhi trợn mắt kinh ngạc:

- Thật hả? Tôi chạy trốn mang số tiền này đến cho anh em nên không được coi màn kịch hay này. Chà, thật đáng tiếc! À mà sao anh lại giết hắn?

Trần Lâm bèn kể sơ qua chuyện rồi hỏi:

- Em là Tiểu Thâu Nhi vậy ai là Đại Thâu Nhi?

Tiểu Thâu Nhi bỗng thấy có thiện cảm với người khách áo trắng nên đáp:

- Đại Thâu Nhi là sư phụ của tôi.

- Là ai? Có phải Thần Thâu Đinh Hồng Liệt không?

- Đúng rồi, sao anh biết?

- Ta chỉ nghe danh chứ chưa gặp mặt. Mười mấy năm nay ông ta bỗng vắng bóng giang hồ, không biết hiện giờ thế nào?

Tiểu Thâu Nhi mặt buồn xo nói:

- Sư phụ sau lần bị một con rắn vàng nhỏ xíu là Kim Tuyến Xà cắn, tuy đã cố vận công chặn nọc độc nhưng cả nửa người giờ tê cứng không cử động được. Tôi đã cố hết sức đi tìm thầy thuốc nhưng mấy tay lang băm ở phủ Quy Nhơn này nghe nói tới loại Kim Tuyến Xà đều lắc đầu bó tay. Nay đã nửa tháng rồi, e rằng người không qua khỏi tai biến này.

- Vô Ảnh Thần Thâu mà lại bị rắn cắn sao? Hiện giờ ông ta đang ở đâu?

- Sư phụ nghe nói có cây kiếm thần của các tộc Man vùng Gia Lai lại xuất hiện trên giang hồ sau hàng trăm năm mất tích nên có ý đi tìm. Không may, người bị nạn nên đã cố chạy về lại dưới này với hi vọng tìm được thầy chạy chữa. Không ngờ nọc độc của Kim Tuyến Xà quá lợi hại nên sư phụ sau khi tìm cách nhắn tin cho tôi, đành tạm trú tại một hang động trong dãy núi kia.

Tiểu Thâu Nhi đưa tay chỉ hòn Trưng Sơn trước mặt. Trần Lâm nói nhanh:

- Đi, đưa ta về xem thử, hi vọng ta có thể chữa được.

Tiểu Thâu Nhi trợn mắt ngạc nhiên:

- Anh chữa được ư? Sư phụ nói tình trạng của người giờ chỉ có mỗi Hải Thượng Lãn Ông ở Đàng Ngoài thì may ra còn có năm phần hi vọng chữa được thôi.

- Thì cứ thử xem sao đã, ta cũng biết chút ít y thuật.

Tiểu Thâu Nhi đành đưa Trần Lâm về gặp sư phụ mình. Trần Lâm bảo hắn leo lên ngồi sau lưng rồi chàng cho con Ô Truy phóng thật nhanh. Tiểu Thâu Nhi bỗng hỏi:

- À, mà anh tên gì nhỉ?

- Trần Lâm.

- Trần Lâm nào, có phải Đông Tiểu Bạch Long không?

- Đúng, là ta!

- Thì ra là thế, tiểu đệ nghe danh đại ca đã lâu, ao ước được gặp một lần, không ngờ hôm nay đại ca lại ngồi ngay trước mặt mà không biết, hic hic...

- Thế còn em tên gì?

- Tín Nhi, sư phụ gọi như thế.

- Còn họ?

- Em không có họ, sư phụ nói lúc người nhặt được em bên bờ Côn Giang em còn nhỏ lắm nên không biết là con nhà ai. Do đó sư phụ cũng không biết họ của em.