Én Liệng Truông Mây - Hồi 31 - Phần 3

Mọi người đứng bên ngoài bắt đầu hồi hộp chờ đợi diễn biến cuộc đấu. Họ biết võ công của Tiểu Muội rất cao thâm nên tất cả đều cho rằng trong năm chiêu mà Tiểu Muội không đụng được tới chéo áo của Trần Lâm thì quả là chuyện khó có thể xảy ra. Trong khi đó, Tiểu Muội đã múa song đao tấn công Trần Lâm. Song đao vừa rút ra khỏi vỏ, nàng lướt người tới ra chiêu Phượng hoàng xuyên vân, song đao chém ngang vào bụng Trần Lâm. Chàng bước lùi nửa bước rồi hóp bụng vào để song đao lướt qua trong kẽ tóc. Tiểu Muội chân trái bước lên, song đao chém vụt trở lại buộc Trần Lâm phải thối lui bước nữa. Tức thì nàng lướt người tới, xếp song đao dọc theo cánh tay, thúc chỏ mạnh vào ngực của đối phương theo thế Phượng loan xuyên phong vũ. Trần Lâm nếu để trúng chiêu này chắc chắn ngực sẽ bị mũi đao đâm thủng, quả là một chiêu cận chiến sát thủ. Chàng la lớn:

- Hay lắm!

Rồi chân phải liền bước xéo sang bên để né cú đánh thốc hiểm ác đó. Tiểu Muội lập tức xoay người, dùng một cánh chỏ kèm theo mũi đao thứ hai thốc ngược ra sau nhắm vào ngực Trần Lâm công tiếp vào. Trần Lâm lại ung dung đảo bộ sang trái né đòn và lướt người vòng ra phía sau lưng Tiểu Muội. Nàng vội vàng hạ tấn xoay người một vòng, vung song đao quét vào hạ bộ của Trần Lâm, sau đó đập song đao xuống đất mượn thế tung người lên tung ra chiêu Phản địa phiêu thân cước. Bàn chân nàng phóng ra rít gió vút vào mặt địch thủ với một tư thế tuyệt đẹp. Cả đấu trường rộn lên tiếng vỗ tay khen ngợi cú đá của nàng. Trần Lâm cũng buột miệng la lớn:

- Cú đá tuyệt đẹp!

Xong chàng ngã người về phía sau, đồng thời với tư thế ngửa người đó chàng vận công vào đôi chân để lướt thân mình tà tà về phía sau rồi đứng thẳng lên trông đẹp mắt không kém. Lam Tiểu Muội cũng phải buột miệng khen:

- Né hay lắm! Đỡ tiếp chiêu này!

Nàng tung người lên cao, song đao loang loáng như một vầng sao bạc chụp xuống đầu Trần Lâm. Mọi người cho rằng phen này nếu Trần Lâm không sử dụng vũ khí để đỡ thì dù chàng có né tránh tài giỏi đến đâu cũng sẽ bị song đao chém trúng. Trong khi đó, Trần Lâm biết Tiểu Muội đã tung ra sát chiêu nên chàng liền bước chân theo Cửu cung di ảnh bộ pháp, thân hình như một bóng ma thoát ra khỏi tấm lưới đao dày đặc của Tiểu Muội một cách tài tình. Mọi người trầm trồ vỗ tay vang dội:

- Thân pháp biến ảo khôn lường, thật hết sức tài tình!

Trần Lâm thoát ra khỏi vùng đao ảnh xong lên tiếng:

- Đã qua năm chiêu, giờ đến lượt đệ ra chiêu phản kích đây. Lam tỉ đề phòng nhé.

Tiểu Muội la lớn:

- Ra tay đi! Đừng khách sáo!

Nàng nói xong liền vung song đao tấn công như vũ bão. Trần Lâm bỗng hét lớn:

- Lưu ý!

Không biết cây roi quấn quanh thắt lưng đã được chàng rút ra lúc nào, chỉ thấy vút một cái, bóng roi mịt mờ cả một vùng, chạm vào song đao vang lên những tiếng keng keng chát chúa. Và cuối cùng, đầu roi đã chĩa thẳng sát yết hầu của Lam Tiểu Muội. Nàng há hốc miệng kinh hoàng không thốt lên được một lời nào. Mọi người cũng vô cùng kinh ngạc trước đường roi thần sầu nhanh đến ngoài sức tưởng tượng đó. Lam Tiểu Muội buông song đao xuống nói:

- Lâm ngũ ca, Tiểu Muội phục rồi. Từ nay muội hứa sẽ làm một đứa em gái ngoan.

Nàng là cô gái vui vẻ và trực tính nên nói xong liền nở nụ cười tươi như hoa. Trần Lâm rút roi về cười nói:

- Xin lỗi, người anh này sẽ cố gắng để xứng đáng là ngũ ca của muội.

Lía cười ha hả nói:

- Ta đã bảo rồi mà muội không tin. Giờ thì đã phục chưa?

- Không đấu thì làm sao biết được Lâm ca có đường roi thần sầu quỷ khốc này. Hi hi...

Ở Truông Mây, cha Hồ và chú Nhẫn vì tuổi cao nhất nên mọi người đều tôn trọng coi như bậc trưởng thượng. Những người trẻ tuổi còn lại thì lấy tuổi tác mà xưng hô. Lía làm đại ca, Lưu Đằng nhị ca, Hồ Bân tam ca, Trương Văn Bảo tứ ca, Trần Lâm ngũ ca và Lam Tiểu Muội làm em út. Hồ Bân và Văn Bảo lúc trước đã từng chứng kiến Trần Lâm đấu với Lía ở Quy Nhơn nên về võ công họ rất khâm phục chàng.

Sau đó, Lía giới thiệu các trại của Truông Mây. Có bốn trại: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương trại đặt dưới quyền của thủ lĩnh Lía. Mỗi trại có một trại trưởng và hai trại phó. Các trại trưởng trực tiếp dưới quyền của một trong các đầu lĩnh là: Hồ, Nhẫn, Lưu Đằng, Văn Bảo. Riêng Tiểu Muội hiện có trong tay một toán nữ binh gồm hai mươi người, đa số là những cô gái đã gặp nhiều nghịch cảnh trong đời. Còn lại khoảng hai mươi người ở trại giữa thuộc quyền của Lía, vị tổng đầu lĩnh Truông Mây. Nhóm này trước kia gồm một trăm hai mươi người do Hồ Bân thống lãnh, sau khi chia vào Núi Bà một trăm người thì số còn lại dưới quyền của Lía.

Mỗi trại có khoảng một trăm lâu la. Bọn lâu la cùng các thủ lĩnh đều mặc y phục màu đen. Quan sát qua cách tổ chức ở Truông Mây, Trần Lâm thấy đây đúng là tổ chức của một sơn trại ăn cướp, không hề mang tính chính quy của một đạo nghĩa binh. Nhờ địa thế hiểm yếu và nhờ võ công của Lía quá cao cường nên họ mới tung hoành bấy lâu mà chưa bị tiêu diệt. Sau khi xem qua các trại, Lía cho họp các đầu lĩnh và các trưởng phó trại lại, tuyên bố:

- Từ nay Truông Mây của chúng ta sẽ được tổ chức lại thành một đạo nghĩa binh đứng lên chống lại cường quyền của Quốc phó Trương Phúc Loan để cứu vớt dân lành. Mọi người ai có ý kiến gì không?

Mọi người đều vui mừng về ý tưởng mà Lía vừa nêu ra. Cha Hồ nói:

- Đó là một ý kiến rất hay, nhưng để biến một trại cướp ô hợp trở thành một trại nghĩa binh có kỷ luật và kỹ thuật tác chiến không phải là việc dễ làm đâu.

- Việc này chúng ta cứ giao cho Lâm đệ tiến hành. Việc quan trọng là các đầu lĩnh hãy tin tưởng và hỗ trợ cho Lâm đệ. Tôi tin chắc mọi việc rồi sẽ rất tốt đẹp.

Các thủ lĩnh đồng thanh:

- Chúng tôi xin nghe theo sự cắt đặt, phân phó của Lâm đệ.

Trần Lâm chắp tay nói:

- Đa tạ các chú và các anh đã có lòng tín nhiệm. Một quân đội muốn hùng mạnh và có thể chiến đấu được, điều cốt lõi là nhờ vào kỷ luật. Kỷ luật không nghiêm minh, quân lệnh không như sắt thép thì đó chỉ là một toán quân ô hợp, đưa ra trận chiến đấu thật chẳng khác nào lùa đàn dê vào miệng cọp. Anh em đã tin tưởng, tôi cũng xin thảo ra một bảng quân luật, mời mọi người xem qua để góp ý sửa đổi. Một khi đã thống nhất, thì câu “Quân pháp bất vị thân” phải được tuyệt đối thi hành, dù kẻ phạm quân pháp đó có là ai. Mọi người đồng ý không?

Chú Nhẫn nói:

- Hay lắm! Quân luật là điều căn bản cho một đạo quân. Tôi đồng ý!

Mọi người đều lên tiếng đồng ý. Trần Lâm bèn rút trong túi áo ra một bảng quân lệnh đưa lên cho mọi người xem. Lía bảo Tiểu Muội đọc lớn cho mọi người cùng nghe. Tiểu Muội cầm tờ quân lệnh đọc:

“Bảng quân lệnh và cách thưởng phạt trong quân:

Nghe trống không tiến, nghe chiêng không lùi, phất cờ không dậy, ngã cờ không phục, đó là tội bội quân, phải chém.

Gọi đến không thưa, lúc điểm quân vắng mặt, sai hẹn, trễ nải, đó là tội mạn quân, phải chém.

Đêm nghe hiệu mõ không báo lại, giờ canh bỏ vắng, khẩu hiệu nói sai, cứng cổ khó răn, đó là tội hoạnh quân, phải chém.

Đem oán hờn rêu rao trong quân sĩ, nói xấu chủ tướng, không tuân mệnh truyền, đó là tội khi quân, phải chém.

Giáo gươm không sắc, cờ hiệu thất lạc, cung để đứt dây, tên bỏ mất cánh, đó là tội thất thoát, phải chém.

Bạ nói bạ cười, không tuân lệnh cấm, rượu chè be bét, tiết lộ quân cơ, đó là tội khinh quân, phải chém.

Đi đến đâu quấy nhiễu dân sự, hãm hiếp đàn bà, đó là tội gian quân, phải chém.

Đặt chuyện điêu ngoa ma quái làm loạn lòng quân, đó là tội ngoa ngữ, phải chém.

Lấy tài sản người làm của mình, lấy công người làm công của mình, đó là tội đạo quân, phải chém.

Lúc hành quân không chú ý để lạc hàng ngũ, trái hiệu lệnh là tội loạn quân, phải chém.

Giả ốm đau, lánh nặng tìm nhẹ, đó là tội trá quân, phải chém.

Không biết thương yêu, giúp đỡ đồng đội, để giặc uy hiếp mà không tiếp cứu là tội tệ quân, phải chém.

Mười hai điều cấm trên, kẻ nào vi phạm, chiếu đó xử trị.”

Tiểu Muội đọc xong thì ai nấy đều lắc đầu le lưỡi vì sự nghiêm túc của các điều luật. Lía cười ha hả nói:

- Lâm đệ thật tài trí! Mười hai điều quân luật này nếu răm rắp thi hành thì đạo nghĩa binh Truông Mây sẽ là một đạo binh hùng mạnh vô cùng. Tôi đồng ý cả mười hai điều quân luật này.

    Trần Lâm lại nói:

- Đó là quân luật. Bây giờ chúng ta cần cải tổ lại các trại, chiêu mộ thêm nghĩa quân, sau đó luyện tập binh lính. Tôi sẽ căn cứ theo sách “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo Vương, tùy theo khả năng của từng nghĩa binh mà chia thành chín đạo binh đặc biệt là: Cảm tử quân, Khinh kỵ quân, Thám báo quân, Quân công thành, phá trận, Quân thủy chiến, Hỏa quân,  Xa quân, Thân quân và Bộ quân.

Trần Lâm nhìn mọi người một lượt để xem có ai có ý kiến gì không, chàng tiếp:

- Các trại chủ phải có các cuộc khảo thí để tìm ra người thích hợp tuyển vào chín đạo binh này. Sau đó cách luyện tập sẽ theo phép: một tập cho mười, mười tập cho trăm, trăm tập cho ngàn.

Sau cuộc họp với các thủ lĩnh, Lía cho tập hợp tất cả nghĩa binh trong trại lại để tuyên bố ý định của Truông Mây. Chàng nói lớn:

- Anh em Truông Mây nghe đây! Từ lâu chúng ta đã bỏ công ăn cướp của nhà giàu và tham quan để cứu bá tánh, nhưng đó chỉ là việc vá víu tạm thời, bá tánh ngày một đói khổ hơn. Kể từ hôm nay, chúng ta sẽ thay đổi cách hành động, cùng đi vào tổ chức để trở thành một đạo binh vững mạnh, tích thảo đồn lương chờ ngày đủ điều kiện sẽ đứng lên đánh đổ tên Quốc phó, lập lại trật tự, mang lại cơm no áo ấm dài lâu cho đồng bào chúng ta. Anh em có đồng ý không?

Cả trại hơn năm trăm nghĩa quân nghe nói đều hồ hởi giơ tay lên cao nói:

- Đồng ý! Chúng tôi nguyện theo dưới cờ khởi nghĩa của thủ lĩnh đại ca.

Lía nói tiếp:

- Tốt lắm! Từ nay, mọi việc tổ chức trong trại đều được đặt dưới quyền chỉ huy của ngũ đệ Trần Lâm, vị quân sư tài ba của chúng ta. Chúng ta đã có bảng quân lệnh rõ ràng, anh em hãy đọc và ráng giữ mình. Quân pháp bất vị thân, anh em hãy nhớ lấy.

Trần Lâm cho dán bảng quân lệnh và cáo thị tổ chức thi chọn nhân tài ở nhiều nơi trong trại để mọi người cùng đọc. Sau đó chàng cho mở các cuộc thi tài để chọn người làm đội trưởng (10 người), toán trưởng (50 người), cơ trưởng (100 người), binh trưởng (500 người). Mỗi trại tuyển ra mười người để tham gia.

Vì điều kiện non trẻ của nghĩa binh, các cuộc chuẩn bị, tập dợt đều được thực hiện bí mật để tránh tai mắt quan binh. Trong thời gian đó, Trần Lâm cho người xuống Nhơn Thành mời Lưu Phương Tích lên nhập trại. Chàng giao cho Phương Tích công việc soạn thảo các tờ lệnh, văn thư.

Ngày phúc khảo, tất cả tập trung theo đội ngũ của mình. Tám đạo binh đặc biệt cùng bốn trại bộ binh xếp hàng tề chỉnh trong sân diễn võ trước trại trung ương.

Lía đọc bài hịch văn tuyên bố mục đích trừ bạo cứu dân của nghĩa binh Truông Mây do Lưu Phương Tích soạn ra. Nội dung của bài hịch văn là mong nghĩa binh trên dưới một lòng vì dân vì nước mà hi sinh để đạt đến thành công cuối cùng, tiêu diệt cường quyền, đem lại cơm no áo ấm và hạnh phúc cho dân nghèo. Nghĩa binh hoan hô vang dậy, hào khí ngất trời. Trần Lâm bước ra nói lớn:

- Anh em nghe đây! Lần duyệt binh này tất cả phải xem như đang lúc lâm trận, kỹ thuật và kỷ luật phải được nghiêm túc chấp hành. Đạo binh nào làm tốt sẽ được tuyên dương, đạo nào thiếu sót sẽ bị phạt. Các quân lệnh đã bố cáo phải được chấp hành một cách nghiêm túc. Đừng để có điều đáng tiếc xảy ra.

Lần lượt các đạo binh ra trước thao trường để diễn tập thao tác cơ bản hành binh cũng như các thao tác chuyên môn của mình. Trong đội cảm tử có một tên tỏ ý khinh lờn không tuân đúng theo hiệu lệnh của chủ tướng, Trần Lâm chiếu theo điều số một trong quân lệnh trạng là tội bội quân, bèn đem ra chém tại chỗ. Đến toán bộ binh của Lam Tiểu Muội, một nữ binh vốn được Tiểu Muội thương yêu trong lúc thao diễn bỗng bật cười thành tiếng khi thấy mình làm khác đi so với đồng đội. Chàng lại sai đem chém vì tội khinh quân. Cả trại thấy hai người bị chém một lúc đều sợ đến xanh mặt. Từ đó, kỷ luật trong quân được mọi người thi hành nghiêm chỉnh. Hiệu lệnh như sơn, quân uy sắt thép.

Sau sáu tháng ráo riết tập luyện những điều cơ bản cho một đám người ô hợp trở thành một đạo binh có thể ra chiến trường tác chiến, Trần Lâm bắt đầu cho quân ban ngày đi khai phá rừng rẫy canh tác để tự cung lương thực, đêm về tập luyện võ nghệ và các kỹ thuật chuyên môn. Chàng lập ra một toán chuyên về quân nhu, quân dụng, lương thực; lại cho lập lò rèn đúc binh khí, dùng loại cây xà xử vừa dẻo vừa cứng có nhiều ở vùng núi để làm cán giáo, cán thương...

Để tuyển mộ thêm nghĩa quân, chàng chọn ra mười nam, mười nữ binh có tài ăn nói, lanh lợi và phong thái đàng hoàng, dạy thêm võ nghệ rồi cho đi khắp nơi bí mật chiêu mộ người. Toán tuyển mộ làm việc rất tốt, sau ba tháng đầu tiên họ đã đưa lên Truông Mây gần năm trăm người. Trần Lâm căn cứ vào khả năng cho bổ sung vào các đội binh. Sau một năm rưỡi, Truông Mây đã có số nghĩa binh hơn hai ngàn người.

Thời bấy giờ, các vùng rừng núi ở phủ Quy Nhơn ngựa hoang rất nhiều, Lía cho người đi bắt về huấn luyện thành ngựa chiến. Nhờ đó, Truông Mây có một đội quân khinh kỵ chính quy rất hùng hậu.

 Một hôm, Lam Tiểu Muội đang thực hiện công tác chiêu mộ ở huyện lỵ Phù Ly thì gặp Tiểu Thần Thâu, nó ngứa nghề động tay với nàng, bị nàng bắt được. Nàng khuyên nó nên bỏ nghề ăn trộm để gia nhập nghĩa binh. Nó hỏi ra biết có Tiểu Bạch Long trên núi nên mừng quá bèn kể cho Tiểu Muội nghe chuyện mình đã gặp Trần Lâm và chàng đã cứu sư phụ nó thế nào. Sau đó, nó về báo cho sư phụ biết. Hồng Liệt nghe nói mừng rỡ, hai thầy trò lập tức lên Truông Mây. Gặp lại Thần Thâu và Tín Nhi, Trần Lâm hết sức vui mừng, chàng liền giới thiệu với các đầu lĩnh:

- Vị này là Vô Ảnh Thần Thâu Đinh Hồng Liệt, Đinh thúc thúc và đệ tử là Tiểu Thâu Nhi Tín Nhi.

Lía nhớ lời mẹ dặn lúc xưa nên vội vàng hỏi:

- Đinh thúc có phải là bạn của gia phụ Võ Trụ ngày xưa không?

Hồng Liệt nhìn kỹ Lía một lát rồi hỏi:

- Chú có phải là người con trai duy nhất của Võ huynh tên là Võ Văn Doan không?

Lía mừng rỡ đáp:

- Vâng, là cháu đây!

Hồng Liệt mừng rỡ ôm chầm Lía nói:

- Thật là trời cao có mắt! Võ huynh hãy còn người nối dõi, lại là người nối dõi lẫy lừng khắp cõi nữa. Ha ha... Mẹ cháu thế nào?

Lía buồn bã đáp:

- Mẹ cháu đã qua đời gần mười năm nay rồi.

Hồng Liệt thở dài. Rồi ông lấy ra một thanh kiếm đưa cho Trần Lâm, mỉm cười nói:

- Cũng vì thanh kiếm này mà lần trước thiếu chút nữa thì ta đã mất mạng rồi. Nay lấy được xin tặng lại cho cháu để đền ơn cứu tử.

Trần Lâm vội xua tay nói:

- Đâu có được! Chú vì nó mà suýt chút mất mạng thì nên giữ nó để làm vật hộ thân. Cháu nhất định không nhận đâu.

Hồng Liệt nói:

- Kiếm thần phải được dùng vào việc lớn. Cháu nay thân mang trọng trách của Truông Mây thì nên giữ nó để bách chiến bách thắng, cứu lấy dân lành. Ta giữ nó để làm gì?

- Nếu vậy thì xin giao lại cho đại ca, thủ lĩnh của trại vậy.

Lía nói:

- Lâm đệ cứ giữ lấy nó mà dùng, ta chuyên sử dụng đao chứ không dụng kiếm.

Trần Lâm đành nhận thanh kiếm nói:

- Thôi được, cháu nhận lấy vậy. Mà chú làm sao tìm được vật quí này?

Hồng Liệt mỉm cười:

- Vật gì mà Thần Thâu muốn lấy thì trước sau gì cũng vào tay mà thôi.

Ông bèn kể vắn tắt chuyện trộm kiếm cho mọi người nghe. Số là sau khi bình phục, ông cùng Tín Nhi giả làm hai cha con mang đồ trang sức, vòng đeo tai, đeo tay lên bán trên vùng Tây Nguyên để dò xét xem tin đồn về sự xuất hiện trở lại của cây kiếm thần kia. Lại nghe đâu nó đang lọt vào tay một người dân JaRai ở Kontum. Hơn nửa năm trời lặn lội, tình cờ một hôm, Tín Nhi đến bán đồ trang sức cho một nhà giàu có người Êđê và quen được với cô gái con chủ nhà cỡ tuổi nó.

Qua vài lần ghé chơi, Tín Nhi phát hiện thấy có nhiều người trai tráng khỏe mạnh thường ra vô nhà này. Hắn về nói lại cho sư phụ hay. Hồng Liệt nghi ngờ nên một đêm lén vào rình nghe lén. Thì ra chủ nhà đang họp bàn với các thành viên việc nổi dậy tiêu diệt tên tù trưởng JaRai để giành quyền cai trị Tây Nguyên. Có người trong bọn cho rằng lực lượng Êđê còn yếu, e rằng cuộc nổi dậy sẽ thất bại nhưng tên chủ nhà rất tự tin bảo rằng hắn có cây kiếm thần bách chiến bách thắng trong tay. Vừa nói, mắt hắn vừa kín đáo liếc nhìn vào một nơi. Tia nhìn đó không thoát khỏi được cặp mắt bén nhạy trời cho của Thần Thâu. Thế là đêm đó sau khi cuộc họp giải tán, mọi người đi nghỉ, cây kiếm thần đã không cánh mà bay. Hai cha con người bán đồ trang sức cũng chẳng còn thấy bóng dáng ở Tây Nguyên nữa.

Trần Lâm nghe xong nói:

- Cây kiếm này linh thiêng với người dân tộc chỉ vì họ có niềm tin với nó. Không biết với người Kinh chúng ta thì nó có tác dụng như thế không? Tuy nhiên, nếu dùng nó để liên kết với người dân tộc ở bản Đá Vách, lôi kéo họ về với Truông Mây thì cái lợi thật lớn lao vì tộc này xưa nay nổi tiếng là thiện chiến và cũng đã nhiều phen chống đối với triều đình. Nếu liên kết được với họ thì mặt bắc Quảng Ngãi ta đỡ lo, có thể rảnh tay đối phó với quân binh phủ Quy Nhơn. Không biết ý kiến của Đinh thúc thế nào?

Hồng Liệt nói:

- Ý ấy rất hay! Vật đã tặng cho Truông Mây thì Truông Mây cứ tùy nghi sử dụng sao cho có lợi là được.

Trước nay, Lía vốn giao hảo tốt với người Bana ở từ vùng An Khê đến vùng An Lão, nay nếu việc thuyết phục bản Đá Vách về với Truông Mây thành công thì sẽ có được một lực lượng rất lớn giúp cho cuộc khởi nghĩa sau này.

Trước đó, Trần Lâm cử Trương Văn Bảo đem theo trăm rưỡi nghĩa binh đã được huấn luyện vào thay cho toán của Hồ Bân, theo cách bố trí của trung ương trại mà xây dựng Truông Mây ở Núi Bà. Hồ Bân cùng toán quân Núi Bà trở về Hoài Ân để học tập binh pháp và đặt toán quân này trực thuộc trại trung quân của Lía.

Hồ Bân thời gian qua ở Núi Bà một mình một cõi, tính lại thích uống rượu nên để thuộc hạ ra ngoài phá phách làm trái với quy định của Truông Mây. Trần Lâm biết điều này nhưng không nói ra, chỉ bắt toán quân mới về phải luyện tập theo đúng kỷ luật và quân pháp đã tuyên cáo. Một tên bộ hạ thân tín của Bân là Năm Dồ có vẻ xem thường quân pháp nên lần tổng diễn tập đã vi phạm luật cấm và bị Trần Lâm sai mang ra chém. Hồ Bân ghét lắm nhưng sợ uy Trần Lâm nên đành im lặng.

Nghĩa binh đã khá đông đủ, việc huấn luyện cũng rất khả quan, Trần Lâm bèn nghĩ đến chuyện chiêu mộ những anh tài trong thiên hạ. Chàng viết một bức thư giao cho Tín Nhi mang về Quy Nhơn trao cho Lê Trung, mời ông ta gia nhập Truông Mây, nhân đó ra Phương Phi để gặp Phan Sinh. Lưu Phương Tích được giao nhiệm vụ ra Duy Xuyên để tìm gặp Tào Sơn Trương Bàng Châu. Cuối cùng, Trần Lâm cùng Lía và một người cận vệ của Lía lên đường ra bản Đá Vách lo việc liên minh.