Én Liệng Truông Mây - Hồi 32 - Phần 4

Thấy cha đưa Trần Lâm về nhà, H’Linh vui mừng chạy ra chào đón. Bây giờ nàng đã bình phục hoàn toàn. Khí sắc tươi nhuận trở lại nên nụ cười trong trẻo hồn nhiên của nàng càng làm cho khuôn mặt thêm phần rạng rỡ. Trần Lâm cũng cảm thấy vui lây với cô gái mang những nét đẹp hài hòa dễ thương, nửa đồng bằng nửa rừng núi này. Khi thức ăn đã dọn lên, H’Phon vào phòng bưng ra một ché rượu cần, ông nói:

- Ché rượu này tôi đã ủ rất lâu chờ ngày H’Linh cưới chồng sẽ mang ra uống. Hôm nay mang nó ra đãi hiệp sĩ vì nếu không có hiệp sĩ thì nó cũng chẳng còn dịp để cưới chồng nữa.

Xong ông cười ha hả. Trần Lâm cũng cười nói:

- Nếu vậy tôi muốn chờ đến khi nào H’Linh cưới chồng sẽ đến uống. Hôm nay ta uống thứ khác vậy.

H’Linh vui vẻ:

- Như vậy thì Lâm huynh sẽ chẳng bao giờ được uống nó, vì H’Linh không bao giờ cưới chồng cả.

- H’Linh không cưới chồng thì chồng sẽ đến cưới H’Linh, chừng đó tôi cũng sẽ đến uống, sao lại không được.

H’Linh cất tiếng cười trong trẻo nói:

- H’Linh không cưới chồng mà cũng không cho chồng cưới. H’Linh chỉ muốn sống với cha mẹ và bản làng thôi.

Linh Phương lên tiếng la con:

- Con đừng nói nhăng cuội nữa, hãy mời Lâm hiệp sĩ ăn cơm đi. Ngày mai hiệp sĩ đã lên đường rồi.

H’Linh nghe mẹ nói thì ngạc nhiên hỏi:

- Mai à? Lâm huynh còn chưa đi thăm các cảnh đẹp ở Thạch Bích Sơn này mà? Bộ Lâm huynh quên lời hứa với H’Linh rồi sao?

Với giọng nói và cử chỉ ngây thơ của cô gái miền sơn cước này, quả thật không ai có thể nhẫn tâm từ chối lời yêu cầu của nàng. Trần Lâm đành hứa:

- Thôi được, ngày mai tôi sẽ ở lại để cùng đi với H’Linh. Thạch Bích Sơn này được liệt vào một trong Quảng Ngãi thập nhị danh lam, lại được H’Linh đưa đi ngắm cảnh nữa thì còn gì bằng.

H’Linh nghe Trầm Lâm nói thì reo lên:

- Như thế mới đúng là Lâm huynh mà H’Linh đã từng nghĩ. Nhớ ngày mai sớm nhé.

Linh Phương cười và lườm nhẹ con gái. Mọi người vui vẻ ăn cơm, uống rượu cần trò chuyện đến khuya.

Sáng sớm hôm sau chàng đến đón H’Linh để nàng đưa đi thăm những thắng cảnh của Thạch Bích Sơn. Đó là một buổi sáng trong lành, hơi sương núi rừng còn lành lạnh. Vừng đông vừa mới nhú, cả núi rừng đã bừng sáng lên dưới ánh dương quang, hòa với tiếng chim ca ríu rít. H’Linh hôm nay mặc trang phục người Kinh, có lẽ đó là ý kiến của mẹ nàng. Bộ y phục đồng bằng tạo cho nàng một dáng dấp thiên thần khác. Hệt như một nàng tiên áo trắng vừa lạc xuống trần gian. Nhìn nàng, lòng Trần Lâm bỗng dậy lên thứ cảm xúc kỳ lạ, chàng chạnh nhớ đến đứa em gái Quỳnh Như tội nghiệp của mình. Nếu Quỳnh Như còn sống chắc em ấy sẽ chẳng khác gì H’Linh, tinh khiết như giọt sương mai chưa vướng chút bụi trần.

Hai người cưỡi trên lưng hai con tuấn mã. H’Linh đưa chàng đi thăm thú những nơi mà nàng yêu thích. Nàng như con chim non líu lo tả về vẻ đẹp của sông suối cỏ hoa chim chóc cây rừng. Trưa đến họ nghỉ chân ở con suối Tử Tuyền. Trần Lâm nói:

- H’Linh còn trẻ mà cưỡi ngựa giỏi quá. Đi trên triền núi gập ghềnh mà cứ như là đi trên đất bằng vậy.

- Úi chà! Được Lâm huynh khen H’Linh thấy thật là vui. H’Linh từ bé đã thích dạo chơi, bởi vậy cha bắt luyện võ và cưỡi ngựa sớm lắm.

- Thảo nào! Sở trường võ học của H’Linh là gì?

- Kiếm! H’Linh thích nhất môn này.

- H’Linh múa thử một bài cho huynh xem được không?

- Được chứ, miễn Lâm huynh đừng cười là được.

Nói xong nàng rút thanh kiếm treo bên hông ngựa và múa luôn một bài. Đường kiếm của nàng nhanh nhưng nhẹ nhàng kín đáo, chứng tỏ H’Phon cũng là một tay đại cao thủ. Nàng múa dứt bài, chống kiếm tươi cười hỏi:

- Lâm huynh thấy thế nào? Có đủ để giết sâu bọ ruồi kiến không?

- Đẹp lắm! Bài kiếm cùng với H’Linh như hòa vào nhau làm một. Đó là bí quyết tối cao của kiếm đạo. Có điều vì nội lực của H’Linh chưa đủ, khinh công chưa nhanh nên uy lực còn thiếu. Nếu H’Linh không chê, huynh sẽ dạy cho một bộ khinh công để bổ túc vào sở học của cha H’Linh cùng một bài kiếm để phòng thân gặp khi nguy biến.

H’Linh vỗ tay reo lên:

- Hay quá, hay quá! H’Linh mừng còn chưa hết, có đâu mà chê. Lâm huynh dạy cho H’Linh đi.

Trần Lâm bèn đem Cửu cung di ảnh bộ pháp, vừa vẽ đồ hình vừa giải thích cặn kẽ cho nàng hiểu.

- Bộ pháp này dựa trên nguyên tắc “đông tây tứ trạch” biến hóa phối hợp nhau mà thành. Tây tứ trạch bao gồm: Càn, Đoài, Khôn, Cấn, là do thái dương phối cùng thái âm của tứ tượng mà ra. Đông tứ trạch bao gồm: Ly, Chấn, Tốn, Khảm, là do thiếu dương phối cùng thiếu âm của tứ tượng mà ra. Từ đó tạo thành vòng luân chuyển của các bộ vị Cửu cung...

H’Linh quả là cô gái thông minh tuyệt đỉnh, nàng lĩnh hội rất nhanh khẩu quyết và các bộ vị bát quái cửu cung. Sau đó với sự hướng dẫn của Trần Lâm, độ chừng một canh giờ nàng đã có thể vận dụng bộ pháp một cách tương đối nhuần nhuyễn. Trần Lâm vỗ tay khen:

- H’Linh giỏi hơn cả huynh rồi đấy. Nhớ lúc sư phụ truyền bộ pháp này, huynh phải mất cả ngày trời mới thấu hiểu và áp dụng được, trong khi H’Linh chỉ cần có một canh giờ. Bái phục, bái phục!

H’Linh nghe khen vui lắm nhưng giả bộ làm mặt xấu:

- Lâm huynh giả bộ nói thế để trêu H’Linh ngu dốt đúng không? Ở trên đời này còn có ai hơn Lâm huynh được?

- Huynh nói thật lòng đấy, không phải đùa đâu. Bây giờ huynh dạy H’Linh một bài kiếm gọi là Bạch Long tam thức và một chiêu kiếm tên là Nhất điểm hồng. Khi ra tay thì yết hầu của đối phương sẽ bị thủng một lỗ nhỏ vừa đủ một giọt máu chảy ra. Là một sát chiêu tối độc cho nên khi chưa đến lúc thật sự cần thiết, không nên sử dụng bừa bãi, H’Linh nhớ kỹ điều này nhé.

H’Linh nghe nói là một sát chiêu liền từ chối:

- Những kiếm chiêu độc ác như thế, không thích hợp với H’Linh đâu. H’Linh không học nữa.

Trần Lâm phân bua:

- Sự ác độc là do nơi người sử dụng chứ không phải nơi kiếm chiêu. Kiếm chiêu tuy độc nhưng lòng người không độc thì kiếm chiêu sẽ trở thành hữu dụng, khử ác trừ tà. Huynh vì thấy tâm hồn H’Linh trong sạch tựa tờ giấy trắng nên lo rằng trên đường đời sẽ có khi H’Linh gặp nguy hiểm. Chỉ đề nghị như thế để giúp H’Linh phòng thân thôi. Nhưng mà tùy ở H’Linh vậy. Huynh không ép.

H’Linh cảm thấy có chút gì đó ấm áp len nhẹ vào lòng mình. Nàng nhẹ giọng:

- Cảm ơn sự quan tâm của Lâm huynh. H’Linh sẽ học.

Trần Lâm nhìn nàng mỉm cười:

- Chiêu kiếm nào dù độc ác đến đâu nhưng khi được H’Linh sử dụng, huynh tin chắc rằng nó cũng sẽ rất hiền lành, nhân đạo. Không phải lo nghĩ gì cả. Giờ thì H’Linh tấn công huynh đi, huynh sẽ biểu diễn kiếm chiêu đó cho H’Linh xem qua.

Chàng rút thanh nhuyễn kiếm cầm nơi tay, ánh kiếm lấp lánh. H’Linh le lưỡi:

- Nhớ đừng đâm thủng yết hầu của H’Linh đó nhé.

Nàng cười thật tươi rồi xuất kiếm tấn công Trần Lâm. Chàng né tránh và la lớn:

- Chú ý nhé, huynh xuất chiêu đây!

Nhanh như chớp, mũi kiếm đã chĩa đúng ngay yết hầu của H’Linh, Trần Lâm thu kiếm về. Nàng kinh ngạc trợn mắt:

- Ơ! Nhanh đến thế ư?

Trần Lâm mỉm cười gật đầu rồi đem bí quyết tập luyện bài kiếm và kiếm chiêu hướng dẫn cho nàng. Hai canh giờ sau H’Linh đã thấu hiểu nguyên lý của bài kiếm và kiếm chiêu. Trần Lâm dặn dò:

- Bài kiếm này chủ ở sự liên tục, không gián đoạn giữa các biến thức. Còn chiêu kiếm thì bí quyết nằm ở chỗ ngưng thần, tụ ý. Khi thần và ý hòa làm một thì kiếm cũng hoà với ý làm một. Thần ngưng vào mắt, ý thông truyền xuống kiếm. Mắt vừa thấy địch thủ khởi động thì ý và kiếm đã đến nơi rồi. H’Linh hãy nhớ lấy bí quyết rồi thong thả luyện tập sau. Huynh phải mất một năm mới có thể xuất chiêu này như ý muốn của mình. H’Linh không cần phải vội. Huynh tặng H’Linh thanh kiếm này, cứ giữ lấy để làm kỷ niệm và phòng thân. Còn một điều nữa, H’Linh phải tuyệt đối giữ bí mật việc huynh truyền thụ võ công cho H’Linh nhé.

- H’Linh sẽ tuyệt đối vâng lời của Lâm huynh. Thôi, chúng ta đi nếu không sẽ lỡ mất. H’Linh đưa Lâm huynh đến nơi này đẹp lắm.

Cả hai cùng lên ngựa rồi đến một nơi, có lẽ là nơi cao nhất của Thạch Bích Sơn, nàng nói:

- Lâm huynh hãy nhìn xem, đây là nơi mà H’Linh thích nhất.

Trần Lâm đưa mắt nhìn ra xa. Núi Thạch Bích thật hùng vĩ, thế núi chót vót, vách đá cheo leo hiểm trở, rừng cây rậm rạp còn nguyên sinh, chưa có bàn tay con người tàn phá. Dưới tia nắng, khói mây ngưng sắc tía, suối hang như ngậm màu son, núi đá lung linh như ánh sao đêm. Xa xa dưới kia, dòng nước thượng nguồn sông Trà Khúc lấp lánh ánh tà dương. Dọc theo các triền núi và những vùng đất bằng là những thửa ruộng như những bậc thang đi lên trời.

Trần Lâm bỗng cất cao giọng ngâm:

Non núi giăng giăng đổi cả trời

Một hòn Thạch Bích tiếng muôn đời

Đá xây đứng sững y như vách

Bóng xế soi về khắp mọi nơi.

H’Linh vỗ tay reo lên:

- Hay quá! Lâm huynh thật là người tài hoa. Vừa ngắm cảnh đã xuất khẩu thành thơ rồi. H’Linh khâm phục lắm lắm.

Trần Lâm cười nói:

- Huynh làm gì có tài xuất khẩu thành thơ. Đó là bài thơ của danh sĩ Nguyễn Cư Trinh hơn mười lăm năm trước đã làm ra khi đến Quảng Ngãi giữ chức tuần phủ. Ông còn xếp Thạch Bích Sơn của H’Linh vào trong Quảng Ngãi thập nhị danh thắng nữa đó.

- Bài thơ đó tên là gì? H’Linh muốn giữ nó để ngâm cho mẹ và bản làng nghe. Chắc là họ thích lắm.

- Đó là bài “Thạch Bích tà dương”. H’Linh biết ngâm thơ à? Có thể ngâm một bài cho huynh nghe được không?

- Được chứ.

Rồi nàng cất cao giọng ngâm. Trần Lâm vội rút ống sáo ra thổi theo.

Từ độ phong trần nhuốm cánh hoa

Bước chân xiêu dạt kiếp cầm ca

Trời Thanh xa quá vầng mây trắng

Mờ mịt phương nao chốn quê nhà.

 

Hoa biết còn trôi mấy bến sông

Biết còn ai nói tiếng thủy chung

Dòng Hương nếu cuốn thuyền lưu lạc

Xin dạt về nơi bóng cội tùng.

Giọng ngâm trong trẻo, tiếng sáo du dương hòa quyện vào nhau lồng lộng vang xa khắp cả núi rừng. Khi bài thơ và tiếng sáo dứt, cả hai cùng vỗ tay ca ngợi đối phương của mình:

- Thật là tuyệt!

Trần Lâm hỏi:

- Mẹ dạy cho H’Linh ngâm bài thơ này phải không? Bài thơ thật buồn và ngậm ngùi đến nao lòng khiến người nghe phải xúc động can trường.

H’Linh nhẹ giọng xuống đáp:

- Dạ, mẹ H’Linh ngày xưa là cô bé hát rong, đã từng đi theo ông ngoại từ Đàng Ngoài lang thang đến Phú Xuân ca hát kiếm sống.

Trần Lâm có chút ngạc nhiên hỏi:

- Quê ngoại H’Linh ở mãi Đàng Ngoài à?

- Nghe mẹ nói ở tận miền Thanh Hóa. Hồi đó nạn đói kéo dài làm chết biết bao nhiêu người, kể cả bà ngoại của H’Linh. Do đó cả làng của ngoại đều bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Ông ngoại vốn là nghệ sĩ, mẹ lại hát rất hay nên đưa nhau vào Nam hát rong độ nhật. Sau đó, ông ngoại mắc bệnh qua đời, mẹ phải lang thang ca hát một mình. Một ngày kia, cha có việc thay ông nội xuống phủ Chúa ở Phú Xuân và ghé thăm Triêu Dương Các bên bờ sông Hương. Tình cờ nghe được mẹ ngâm bài thơ này nên xúc động can trường giống như Lâm huynh bây giờ vậy. Cha tìm gặp mẹ, họ quen nhau rồi yêu nhau. Cha đem mẹ về xin ông nội cho phép lấy nhau nhưng ông nội không chấp thuận. Ông nói người Kinh với người Thượng khác nhau gì gì đó. Cha nhất định không nghe, nói rằng nếu ông nội không cho thì cha sẽ bỏ nhà, bỏ bản đi theo mẹ. Ông nội vì có một mình cha là con trai nên cuối cùng đành đồng ý. Thế là họ cưới nhau, cho nên mới có H’Linh đây.

Nói xong nàng cất cười tiếng trong trẻo, vô tư. Trần Lâm thở dài:

- Tình yêu của cha mẹ H’Linh thật đáng khâm phục. Huynh hâm mộ họ lắm.

- Mẹ nói, cuộc đời, nếu gặp được một người để yêu thương và có thể chết vì người ấy thì thật là hạnh phúc. Mẹ và cha H’Linh đang ở trong niềm hạnh phúc ấy. À, mà quê của Lâm huynh ở đâu?

Trần Lâm nghe hỏi đến quê quán của mình thì lòng chợt dâng lên một niềm cảm xúc nao nao khó tả. Chàng đáp:

- Quê nội và ngoại của huynh cũng ở ngoài miền Bắc xa xôi.

H’Linh tròn xoe đôi mắt:

- Thế à? Kể cho H’Linh nghe về quê của Lâm huynh đi.

Trần Lâm thở dài một tiếng rồi nói:

- Chuyện dài lắm, cho huynh hẹn lại dịp khác vậy. Bây giờ chúng ta phải trở về vì trời cũng sắp tối rồi. Chúng ta đi thôi.

Cả hai lên ngựa trở về bản. Đêm đó H’Phon cùng mọi người trong bản mở tiệc tiễn hành. Trần Lâm để ý thấy A Nun hôm nay thật lạ lùng, hắn im lặng và dường như còn có chút khó chịu với mình. Tuy nhiên, chàng ít nhiều cũng đoán ra sự thể.

Sáng sớm hôm sau H’Phon và H’Linh tiễn chàng xuống núi. H’Linh nét mặt u buồn nói:

- Lâm huynh có trở lại đây thăm H’Linh không?

Trần Lâm an ủi nàng:

- Nhất định rồi. H’Linh nhớ giữ gìn sức khỏe, chúng ta sẽ có ngày gặp lại. Huynh đi nhé. Tạm biệt!

Chàng cúi chào H’Phon lần nữa rồi giục ngựa phóng đi. H’Linh nói với theo:

- Lâm huynh nhớ lời hứa đấy nhé! Nếu Lâm huynh không trở lại thăm H’Linh thì H’Linh sẽ đi tìm Lâm huynh đó.

Trần Lâm ngoái đầu lại:

- Nhất định huynh sẽ trở lại! Bảo trọng!

- Huynh cũng bảo trọng!

Bóng con Ô Truy khuất dần sau đám lau sậy, để lại nơi bản rừng một đám bụi mờ và hằn sâu trong lòng cô gái ngây thơ miền sơn cước hình ảnh của người kỵ sĩ áo trắng. H’Linh dõi mắt nhìn theo dấu bụi mờ, tâm hồn bỗng gợn lên một đợt sóng kỳ lạ. Nàng cảm thấy lòng mình trống trải như vừa đánh mất đi một cái gì không nhận thức được. Vô tình nàng buông tếng thở dài, tiếng thở dài đầu tiên trong đời. H’Linh cất tiếng ngâm khe khẽ:

 

Người đi ai biết về đâu

Nỗi buồn rót mãi từng câu thở dài.

H’Phon vuốt tóc đứa con gái cưng:

- Chúng ta về thôi. Có duyên thì ngàn dặm cũng gặp. Vô duyên dẫu tìm mãi cũng chẳng được đâu.

 

***** 

 

Hết tập ba.

Mời các bạn đón xem tiếp tập bốn tại Gacsach.com: 

CỜ NGHĨA RỢP TRUÔNG MÂY

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3