Én Liệng Truông Mây - Hồi 32 - Phần 3

Hùng hoàng và ngải cứu đã được mang tới. Trần Lâm bảo mọi người ra khỏi phòng, đóng kín cửa rồi bỏ hùng hoàng vào đĩa đốt lên, đoạn vò cây ngải cứu thả lên trên ngọn lửa. Xong chàng và Lía ngồi mỗi người một góc phòng ngưng thần canh chừng con rắn. Một lúc sau đã nghe thấy có tiếng động rất nhỏ dưới tủ bên phía của Lía. Chợt vút một cái, một lằn sáng đỏ lao vào Lía với tốc độ kinh hồn. Lía mở căng mắt và cũng đã nhanh không kém dùng hai ngón tay kẹp cứng con rắn. Chàng vận công vào hai ngón tay siết chặt, con rắn chết ngay lập tức. Lía vứt con rắn xuống định đứng lên bỗng cảm thấy choáng váng, chàng vội ngồi xuống vận công. Trần Lâm biết Lía đã trúng hơi độc của con Độc hỏa xà, chàng vội móc viên Tỵ độc châu ra nhét vào miệng của Lía. Một lúc sau Lía đứng dậy và nói:

- Thật là nguy hiểm! Không ngờ con súc sinh này lại nhanh và độc đến như thế. À, viên Tỵ độc châu này có thể trị độc của con rắn, sao đệ không dùng nó chữa cho H’Linh mà phải bắt cho bằng được con rắn?

Trần Lâm đáp:

- Cũng được, nhưng âm khí của bệnh nhân đã được con rắn tích tụ vào cái mồng đỏ trên đầu, dùng cái mồng đó cho bệnh nhân uống, âm khí sẽ hồi phục nhanh hơn. Chưa kể H’Linh còn hấp thụ được một làn khí chí dương của con Độc hỏa xà, làn dương khí này có thể giúp cho cơ thể nàng chống lại mọi thứ hàn khí trong thiên hạ xâm nhập vào cơ thể về sau.

- Ra là thế!

Trần Lâm mở cửa. Mọi người bước vào, thấy con rắn dài độ ba tấc, mình đỏ như lửa, trên đầu có cái cục u cũng đỏ chót. Trần Lâm nói:

- Cắt cục u này đem đốt rồi lấy tro pha với một chén nước cho tiểu thư uống. Xong uống thêm viên Bổ khí hoàn này nữa thì vài hôm tiểu thư sẽ bình phục. Riêng cái mật rắn, nên phơi khô để sau này dùng vào việc trị các loại độc do rắn cắn.

Chàng trao cho tù trưởng phu nhân một viên thuốc màu hồng. Hai vợ chồng vừa nhận viên thuốc vừa mừng rỡ cảm ơn rối rít. Xong, đích thân tù trưởng đi làm mọi việc rồi mang thuốc lên đưa cho Linh Phương để cho con gái uống.

Chờ cho H’Linh uống thuốc rồi Trần Lâm mới lên tiếng:

- Tôi xin phép được vận công vào người tiểu thư để giúp đẩy chất độc ra ngoài nhanh hơn.

Tù trưởng và phu nhân cùng vui vẻ bảo:

- Ân nhân cứ tự nhiên.

Trần Lâm nhờ Linh Phương đỡ H’linh ngồi dậy, chàng ngồi phía sau áp hai tay vào lưng H’Linh truyền Cửu dương chân khí vào. Sau một lúc, khí sắc trên mặt của H’Linh đã tươi nhuận hơn. Chàng buông tay đứng dậy và nói:

- Như vậy là ổn rồi, chỉ cần nghỉ ngơi năm ba ngày thì tiểu thư sẽ khỏe mạnh như xưa.

Vợ chồng tù trưởng H’Phon và già làng không ngớt lời cảm tạ, họ còn khen Trần Lâm như là một người từ trên trời hạ xuống. H’Phon lên tiếng:

- Các vị cũng đã mệt mỏi đường xa rồi, mời các vị ra nhà làng, tôi sẽ cho người mang thức ăn đến. Chúng ta dùng bữa tối để các vị còn nghỉ ngơi. Ngày mai, chúng ta sẽ bàn đến những việc khác.

Đêm đó, bọn Lía nghỉ trong những căn phòng nhỏ ở ngôi nhà làng. Sáng hôm sau, tù trưởng đến sớm, nét mặt hớn hở báo tin mừng là con gái của ông đã có thể ngồi dậy và ăn uống được. Ông lại cảm ơn bọn Lía một lần nữa. Một lúc sau, già làng và những dũng sĩ cũng đến đủ mặt. H’Phon mời mọi người uống trà, một loại trà đặc biệt của vùng Đá Vách. Nước trà xanh nhạt nhưng vị rất ngon và thơm nồng. H’Phon uống xong hớp trà nóng rồi lên tiếng:

- Các anh hùng Truông Mây đến đây hôm nay chắc không phải chỉ để thăm chúng tôi thôi phải không?

Lía cười nói:

- Thăm các ông thì đúng là chúng tôi cũng có ý như vậy thật, nhưng cũng còn có việc trọng đại muốn bàn với các ông nữa.

- Việc trọng đại à? Các ông cứ nói ra đi, chúng ta sẽ cùng xem xét.

Trần Lâm đưa mắt nhìn những người đang có mặt. H’Phon hiểu ý nói:

- Các ông yên trí. Những người ở đây đều là thân tín và là những đầu não của bản Đá Vách chúng tôi. Các ông không phải lo ngại.

Lía bèn đem việc Truông Mây chiêu binh khởi nghĩa chống lại triều đình để cứu lấy đám dân nghèo. Chàng nói luôn ý định muốn liên minh với bản Đá Vách để cùng nhau nổi dậy. Nghe nhắc đến việc nổi dậy chống triều đình, vẻ mặt H’Phon vừa buồn vừa tức giận:

- Bảy năm trước đây, cha tôi cũng vì không chịu nổi cảnh áp bức của triều đình mà nổi lên chống lại. Lần ấy, cha con Nguyễn Đăng Độ đã đem năm ngàn quân tấn công bản. Vì lực lượng binh triều quá đông, cha con Đăng Độ lại có tài thao lược cho nên dù nơi đây địa thế hiểm trở nhưng cuối cùng cha tôi cũng đã tử trận, anh em trong bản hi sinh khá nhiều. Chúng tôi đành phải chịu khuất phục triều đình. Mối thù ấy chúng tôi chưa bao giờ quên. Gần đây, chính sách thuế khóa của Phúc Loan lại quá hà khắc nên việc trao đổi hàng hóa, thực phẩm giữa bản với miền xuôi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi thật tình đã hết chịu đựng nổi nhưng vì lực lượng Đá Vách còn suy yếu, chưa hồi phục được nên đành phải cam lòng chấp nhận.

Lía hỏi:

- Sao tù trưởng không liên kết với các bản dân tộc khác? Theo tôi, nếu có thể liên minh các bản dân tộc khác thì lực lượng của Đá Vách sẽ rất hùng mạnh. Lại nhờ vào thế núi non hiểm trở thì dẫu cho mười ngàn binh triều đến đây cũng khó lòng làm gì được các ông.

Già làng lên tiếng:

- Từ ngày cây thần kiếm của vua Hỏa thất lạc, các bản dân tộc suốt từ An Khê ra đến Quảng Nam đã chia rẽ như đám cát rời. Việc liên kết với họ tôi e không thể được.

- Nếu các ông có được cây thần kiếm ấy trong tay thì thế nào?

Tù trưởng đáp ngay:

- Thì việc liên minh không khó gì.

Thiên Tường bỗng lên tiếng:

- Thanh kiếm ấy uy lực như thế nào?

Già làng nói:

- Thuở xa xưa, có một năm trời hạn hán kéo dài. Sông Pa, sông A Yun cạn kiệt, cây rừng không mọc nổi, muông thú bỏ đi. Người JaRai đói khát phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu thành cơm ăn thay gạo. Trước tình cảnh đó, hai anh em T’Dia và T’Diêng lấy một hòm sắt ở miệng núi lửa Hàm Rồng để rèn thành một thanh gươm là PơTao - APui. Và họ đưa ra lời nguyền: “Ai có được thanh gươm sẽ có thể hô phong hoán vũ”. Thế nhưng sau khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội. Nhúng vào ghè, ghè cạn, nhúng xuống suối, suối khô, nhúng xuống sông, sông hết nước... Cuối cùng, hai người bèn đem thanh gươm nhúng vào máu của nô lệ. Kỳ lạ là nó xèo xèo vài cái rồi nguội ngay lập tức. Khi thanh gươm vừa nguội thì anh em T’Dia, T’Diêng vứt xuống sông. Hay tin, các bộ tộc người trong khu vực thi nhau xuống sông lặn tìm thanh gươm. Người JaRai tìm thấy lưỡi gươm còn người Kinh các ông giữ vỏ gươm. Truyền thuyết gươm thần của người JaRai được nhiều dân tộc công nhận, trong đó có người H’rê chúng tôi. Người nắm giữ gươm thần PơTao - APui được gọi là Vua Lửa PơTao. Với người JaRai, Vua Lửa là vị trí cha truyền con nối nên gươm thần cũng là bảo vật gia truyền. Không ngờ cách đây trăm năm, thanh gươm thần đó đã bị thất lạc, đến nay còn chưa tìm lại được.

Trần Lâm hỏi:

- Thế già làng có thể nhận diện cây thần kiếm đó không?

Già làng trầm ngâm:

- Theo lời kể thì thanh thần kiếm đó cả hai bên cán đều có khắc một ngọn lửa, bên dưới ngọn lửa là hai chữ cổ JaRai đọc là “vô thượng”. Chữ này mang ý nghĩa quyền uy vô thượng, hô phong hoán vũ.

Trần Lâm nhìn sang Lía. Lía bèn lấy thanh kiếm trên vai xuống, rút ra khỏi bao rồi đưa cho tù trưởng:

- Các ông xem thử thanh kiếm này.

Tù trưởng và già làng cùng mấy người Đá Vách chăm chú nhìn thanh kiếm. Đó là một thanh kiếm hết sức cũ kỹ, từ lưỡi đến cán đều mang màu đỏ. Tù trưởng nâng cây kiếm bằng cả hai tay trao cho già làng:

- Già làng coi thử xem.

Già làng cung kính nhận thanh kiếm rồi quan sát. Nét mặt của ông ngưng trọng và thay đổi liên tục. Mọi người cũng nín thở theo dõi diễn biến trên gương mặt già nua đó. Cuối cùng, khuôn mặt nhăn nheo của ông đã nở một nụ cười rạng rỡ:

- Lạy các đấng thần linh linh thiêng! Đây quả là cây kiếm của Vua Hỏa ngày xưa thất lạc bấy lâu, không ngờ nay lại xuất hiện nơi đây. Thật là một chuyện tốt, hết sức tốt! Xin chúc mừng các ông!

Nói xong già làng cung kính hai tay dâng cây thần kiếm trả lại cho Lía, sau đó ngẩng mặt lên trời lâm râm khấn vái rồi sụp lạy bốn lạy. H’Phon cùng những người trong bản thấy già làng làm lễ thì cũng đồng loạt sụp người xuống lạy theo. Lễ xong H’Phon hỏi:

- Đây chính là thần vật của tổ tiên ngày xưa ư?

Già làng đáp:

- Theo các di ngôn của người xưa để lại thì các hình khắc trên thanh kiếm này đúng là thần kiếm của Vua Hỏa chúng ta ngày xưa. Trông nó cũ kỹ nhưng sắc bén vô cùng, có thể chém đá, chặt sắt như bùn. Nhưng nếu muốn biết chính xác hơn thì hãy mang một tên nô lệ đến đây thử sẽ rõ ràng thôi. Vì theo truyền ngôn, thanh thần kiếm này thuở ban đầu đã hấp thu tinh huyết của những người nô lệ, cho nên khi thấm máu nô lệ vào, màu đỏ sẽ từ từ biến thành đen. Đó là vì ý nghĩa của lời nguyền mà anh em T’Dia và T’Diêng khi rèn thanh kiếm đã phát nguyện. Họ muốn rằng người nào có được thanh kiếm này phải ra sức giải phóng ách nô lệ, cùng khổ cho những người nghèo khó.

Tù trưởng xoay người với lấy một thanh đao treo trên tường rồi ra hiệu cho Lía. Lía vung thanh kiếm chặt nhẹ vào thanh đao. Thanh đao đứt ngọt. Mọi người đều xuýt xoa:

- Úi chà! Quả thật là thần kiếm!

A Nun chợt lên tiếng:

- Trong bản chúng ta hiện đang có một số nô lệ, sao không đem họ ra thử xem để cho mọi việc chắc chắn hơn?

Tù trưởng đồng ý. Ông nói với một dũng sĩ đứng gần đó:

- Ngươi đi dẫn một tên nô lệ đến đây.

- Dạ!

Hắn vội chạy đi ngay. Chừng uống cạn tách trà thì tên dũng sĩ đã dẫn một người nô lệ đến. Già làng nói với tên nô lệ:

- Ta cần một ít máu của ngươi. Ngươi không phải sợ gì cả.

Tên nô lệ nét mặt tái mét nhưng không dám phản đối. Già làng bèn dùng thanh thần kiếm cứa vào tay tên nô lệ cho máu chảy ra rồi để máu nhỏ lên kiếm. Mọi người đều căng thẳng chăm chú nhìn vào thanh kiếm chờ xem diễn biến. Sự mầu nhiệm của thanh thần kiếm huyền thoại đã trở thành hiện thực. Máu tên nô lệ được thanh kiếm hấp thu vào và từ màu đỏ chuyển dần sang màu đen. Đôi tay đang đỡ thanh kiếm của già làng cũng bắt đầu run theo sự chuyển hóa màu sắc đó. Cuối cùng, ông ta quì xuống, nâng cao thanh kiếm khỏi đầu, vừa sụp lạy vừa hô lớn:

- Thần linh vô thượng! Vua Hỏa vô thượng!

Tất cả những người trong bản có mặt vội cung kính làm theo già làng. Lía, Trần Lâm và Thiên Tường cũng cúi lạy và hô theo họ. Lễ xong, già làng cung kính trao trả thanh kiếm lại cho Lía:

- Chúc mừng các ông! Với thanh kiếm này xin các ông hãy theo lời của thần linh mà giải phóng cho những người cùng khổ. Chúng tôi nguyện sẽ đem hết sức mình trợ giúp.

Lía hai tay đẩy nhẹ thanh kiếm về phía tù trưởng H’Phon:

- Chúng tôi xin mừng vật xưa nay đã trở về với chủ cũ. Chúng tôi cũng mong rằng với thanh kiếm này, các ông sẽ dẹp hết những bất công trong đời để cứu những kẻ khốn cùng trong thiên hạ.

Trên gương mặt của những người Đá Vách ai nấy đều hiện rõ vẻ kinh ngạc tột cùng. H’Phon nói:

- Các ông tặng thanh thần kiếm này cho chúng tôi ư? Làm sao có thể như thế được? Đây là thần vật, chỉ người có tài đức mới có duyên phước giữ lấy. Các ông duyên phước trời ban nên thanh kiếm đã thất lạc hàng trăm năm nay mới tìm đến tay các ông. Chúng tôi không thể nhận.

Nói xong ông cũng đưa hai tay nhẹ nhàng đẩy thanh kiếm về phía Lía. Trần Lâm vội phân bua:

- Thật sự chúng tôi chẳng có duyên phước gì đâu. Thanh kiếm này cũng là nhờ một người bạn may mắn mua lại được của một người Êđê ở Kontum rồi tặng lại cho chúng tôi. Nó nguyên là thần vật của bộ tộc các ông, dĩ nhiên phải hoàn trả về các ông thì sự hữu dụng mới vô biên. Chúng tôi giữ nó trong tay cũng vô dụng mà thôi. Nếu các ông có thể dùng thanh thần kiếm này đứng lên chống lại những bất công đang đầy rẫy trong xã hội hiện giờ, chúng tôi nguyện sẽ đem hết sức mình mà trợ giúp.

Già làng nhìn H’Phon tỏ ý chấp thuận. H’Phon đành đưa hai tay đỡ thanh kiếm rồi nói:

- Đã như thế thì tôi xin thay mặt thần linh cùng tất cả mọi người trong buôn làng ở Đá Vách chân thành đội ơn các ông. Tôi sẽ ra sức liên minh các dân tộc vùng núi này đứng sau lưng Truông Mây, dù chết cũng không từ.

Xong, ông cúi thấp đầu trước ba chàng hiệp sĩ rồi mang thanh kiếm đặt lên bàn thờ thần linh. Tất cả lại một lần nữa quì trước bàn thờ, già làng vái lạy rồi đọc những câu kinh gì đó bằng tiếng H’rê. Lễ xong, H’Phon nói với bốn tên dũng sĩ:

- Đây là chuyện mừng lớn nhất của bản, ngày mốt chúng ta sẽ làm lễ đâm trâu để cảm tạ thần linh và ăn mừng. Các ngươi hãy lo chuẩn bị mọi việc.

Họ dạ ran rồi cúi chào ra đi. Còn lại H’Phon, già làng và người phó tù trưởng, Trần Lâm bèn đem kế hoạch liên minh ra bàn bạc với họ. Đặt ra kế sách liên lạc, yểm trợ nhau một cách tỉ mỉ. Xong đâu đấy, H’Phon và phó tù trưởng đưa bọn Lía đi xem những nơi hiểm yếu của Thạch Bích Sơn. Trần Lâm xem xét địa thế và góp ý thêm cho H’Phon những điểm lợi hại, cách phòng thủ cũng như tấn công. H’Phon nghe những lời chỉ điểm, trong lòng hết sức khâm phục. Điều này đã củng cố thêm niềm tin để nổi dậy chống triều đình sau này. Chiều đến, lúc trở về, Trần Lâm ghé lại thăm H’Linh và thấy nàng đã khỏe lại sáu bảy phần. Thấy Trần Lâm đến, nàng vội đứng lên cúi đầu nói:

- Cảm ơn Lâm huynh đã cứu sống H’Linh. Mẹ H’Linh nói Lâm huynh là người từ trên trời xuống để giữ mạng cho H’Linh đó.

Rồi nàng nhoẻn miệng cười. Tiếng nói của nàng trong trẻo như tiếng suối reo, nụ cười tươi như đóa lan rừng, hồn nhiên và tinh khiết.

Trần Lâm cười:

- Không phải như thế đâu, tôi chỉ may mắn thôi. Cũng chính nhờ phước lớn của H’Linh và buôn làng này đó. H’Linh còn phải uống thêm thuốc và nghỉ ngơi vài hôm nữa mới thật sự bình phục.

Nói xong chàng trao cho phu nhân Linh Phương ba viên Hồi nguyên đơn:

- Phu nhân cho tiểu thư uống mỗi ngày một viên. Hi vọng ba hôm nữa tiểu thư sẽ khỏe mạnh như xưa.

Linh Phương nhận thuốc và nói:

- Chúng tôi thật là phước lớn nên trời cao mới đưa hiệp sĩ tới đây. Ơn đức này biết lấy gì đền đáp?

- Phu nhân đừng bận tâm, hậu hội còn dài. Một chút công nhỏ này không đáng gì đâu.

H’Linh bỗng chen vào:

- H’Linh sẽ cố gắng bình phục sớm để đưa Lâm huynh đi xem hết cảnh đẹp của buôn làng này. Lâm huynh không được từ chối nhé.

- Vâng, tôi cũng muốn được như thế. H’Linh hãy ráng bình phục cho chóng. Xin cáo từ.

Chiều hôm sau nữa, mọi người trong bản tụ tập hết về khu nhà làng để chuẩn bị lễ đâm trâu thật nhộn nhịp. Họ mừng bản làng có được thanh thần kiếm, tạ ơn thần linh và mừng H’Linh, cô gái mà họ cho là tiên nữ của núi rừng, đã thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.

Theo phong tục của H’rê cũng như của các sắc tộc cao nguyên nói chung, lễ hội đâm trâu được coi là một lễ hội truyền thống của dân tộc. Lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Phải mời nghệ nhân giỏi, biết chế tạo nhạc cụ dân tộc để làm chiếc kèn Rlet. Loại kèn này chỉ dành để thổi gọi thần linh trong lễ đâm trâu chứ không được dùng trong các trường hợp khác. Khi xong lễ thì kèn Rlet cũng bỏ luôn, cấm không ai được thổi nữa. Trong suốt lễ hội, mọi vật dụng đều phải làm mới. Họ làm một cây nêu to đẹp, trên cành cây nêu có kết hoa bằng lá non cây Sra và trên ngọn treo một con chim phượng hoàng làm bằng gỗ có tô nhiều màu. Cây nêu được xem là lễ đài của toàn bộ buổi lễ, do đó cây nêu chẳng những phải cao vút, bề thế mà còn phải có tính nghiêm trang, đầy chất huyền thoại. Trên cây nêu luôn có đủ các hình tượng và hoa văn. Đó là hình tổ ong, hình chim én, cánh chim cu, xâu lục lạc bằng nứa, tượng người... Các ché rượu cần được đổ nước, nhét lá, cắm cần đầy đủ.

Nghi thức lễ đâm trâu thường diễn ra vào buổi chiều tà. Khi dựng cây nêu, nam nữ phải ra đứng đánh cồng chiêng múa vui vòng quanh cây nêu. Tiếng chiêng càng vang, mọi người càng hớn hở, nhất là lúc con trâu được buộc vào cọc nêu. Suốt đêm đó, dân làng vui chơi, uống rượu, đánh chiêng, chờ đợi ngày mai bắt đầu lễ chính. Đến gà gáy canh tư, người đàn bà chủ trâu hoặc người đàn bà hàng xóm ra đứng gần cây nêu hát bài gọi thần Lúa và bài “khóc trâu” để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý này trước khi nó bị giết để làm lễ hiến sinh. Vừa hát người ấy vừa lấy nước tưới vào đầu con trâu. Tảng sáng, người ta mang một ché rượu nhỏ và giết một con gà để cúng hồn con trâu. Trong khi đâm trâu, dàn nhạc cồng chiêng nổi lên để làm cho người chém trâu, đâm trâu thêm phần phấn chấn, can đảm.

Trong suốt lễ hội, mọi người ở bản Đá Vách đều coi ba chàng hiệp sĩ Truông Mây như những người khách quí, những đại ân nhân. H’Phon đã cho mời các bản làng anh em gần đó đến tham dự lễ. H’Linh cũng có mặt vì nàng đã gần như khỏe hẳn. Các trai làng cùng nhau mang rượu cần mời bọn Lía. Họ ăn uống nhảy múa thật thoải mái, vui nhộn giữa cảnh núi rừng hùng vĩ bao la. Đêm đến, tất cả đều yêu cầu H’Linh hát bài dân ca H’rê như mọi lần lễ lạc trước kia để dâng tặng thần linh và những người khách quí. Dưới ánh lửa bập bùng, H’Linh trong trang phục dân tộc trông giống như một nàng tiên nhỏ. Giọng nàng cất lên thật trong trẻo và êm đềm khiến mọi người đang ồn ào bỗng im phăng phắc lắng nghe. Tiếng hát của nàng như làm cho tất cả thấy tâm hồn trở nên thanh thản, hòa lẫn vào cảnh tịch nhiên, thâm u của núi rừng Thạch Bích.

Sáng hôm sau, Lía và Thiên Tường từ giã bản làng trở về Truông Mây. Trần Lâm ở lại thêm mấy ngày nữa để giúp H’Phon tổ chức các đội quân Đá Vách, hướng dẫn thêm về những phương thức phối hợp tác chiến. Trước khi chia tay, Trần Lâm dặn Lía:

- Đại ca về Truông Mây coi sóc mọi việc. Đệ sẽ cố gắng thu xếp trở về sớm. Có lẽ chúng ta phải đến núi Bà một chuyến để xem tình hình nơi đó thế nào. Đệ cảm thấy không yên tâm cho lắm. Dù bấy lâu nay chúng ta âm thầm làm việc nhưng chắc chắn triều đình cũng đã hay biết, cũng may bọn quan lại bây giờ chỉ toàn nghĩ cách bòn rút của dân, binh lính thì biếng nhác cho nên mới chưa có phản ứng gì. Tuy vậy, mọi việc cần phải hết sức cẩn thận chu đáo. Kể ra lực lượng Truông Mây bây giờ cũng đã tạm đủ để xuống núi tranh hùng cùng thiên hạ, nhưng đệ còn muốn chờ mời thêm được một số anh hùng, hào kiệt nữa. Như vậy khi ra quân ta mới nắm chắc phần thắng.

Lía nhìn Trần Lâm ái ngại:

- Đệ bôn ba lao nhọc ngày đêm lo toan mọi việc đã quá mệt rồi, nay cứ thong thả về thăm thúc thúc. Đại ca sẽ thay đệ vào núi Bà một chuyến. Nếu không có gì trở ngại, sau một tháng chúng ta gặp lại ở Truông Mây. Đại ca đi đây, đệ hãy bảo trọng.

- Đại ca và Tường đệ bảo trọng.

Thiên Tường cũng lên tiếng:

- Lâm ca bảo trọng!

Trần Lâm quay trở lại bản, H’Phon cho triệu tập tất cả binh lính của bản để Trần Lâm huấn luyện. A Nun tỏ ra là người có thiên khiếu về quân sự. Những điều Trần Lâm hướng dẫn, hắn thấu triệt rất nhanh. Vì bản Đá Vách đã từng nhiều phen tác chiến chống triều đình nên quân đội của họ rất kỷ luật và thiện chiến. Cách thức huấn luyện của Trần Lâm càng làm cho họ thích thú và hăng say. Sau ba ngày, đội quân Đá Vách đã khác xưa rất nhiều. Họ có kỷ luật hơn, năng động hơn và phối hợp chặt chẽ hơn. H’Phon cũng như toàn bộ binh lính càng ngày càng thấy khâm phục người thanh niên trẻ tuổi tài cao này. Khi công việc tạm ổn, Trần Lâm báo cho H’Phon biết ngày mai chàng sẽ lên đường. H’Phon luyến tiếc nhưng biết không thể giữ chàng lại ở đây mãi được nên nói:

- Chúng tôi không thể dùng lời nào để cảm ơn hiệp sĩ, mọi người trên dưới của bản thề sẽ đứng bên cạnh Truông Mây cho đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên cho gia đình tôi được cái vinh hạnh mời riêng hiệp sĩ một bữa cơm để bày tỏ lòng biết ơn vì H’Linh đã được cải tử hồi sinh.

Trần Lâm vui vẻ:

- Cung kính không bằng phụng mạng vậy.