Én Liệng Truông Mây - Hồi 33 - Phần 1

Hồi thứ ba mươi ba

Lãng tử hồi đầu, trước mộ cha trầm luân khan lệ

Anh hùng muôn thuở, ải mỹ nhân ai dễ vượt qua

Trần Lâm từ giã núi rừng Đá Vách, một người một ngựa khấp khởi miệt mài trên đường thiên lý mong sớm về lại nhà xưa. Bao nhiêu cảm xúc vui, buồn, hổ thẹn của một tên lãng tử hồi đầu trào dâng đến nghèn nghẹn. Mười hai năm xa cách, giờ này biết cha có còn ở mái nhà xưa? Tóc người hẳn đã bạc rồi? Chao ôi!

Nẻo về thiên lý mịt mờ

Cố hương ơi biết có chờ đợi nhau

Nao nao lãng tử hồi đầu

Vó câu khấp khởi vượt mau dặm trường

Canh gà eo óc đêm sương

Mảnh trăng cố quận hồi chuông đêm sầu

Thuyền ai khua nước giang đầu

Chó khôn giục tiếng võng ầu ơ đưa.[1]

[1] Trích từ Trường thi Hòn Vọng Phu - Vũ Thanh.

Theo con đường làng, ngôi nhà cũ thân yêu của tuổi thơ từ từ hiện ra. Chàng xuống ngựa, buộc vào gốc cây dừa trước ngõ rồi bước từng bước qua sân đến thềm nhà, run run đưa tay gõ cửa. Giọt lệ rưng rưng đọng trên mắt chỉ chờ gặp lại cha sẽ tuôn trào. Một người đàn bà nhà quê xa lạ mở cửa hỏi:

- Công tử tìm ai?

Trần Lâm hết sức ngỡ ngàng, ấp úng:

- Thưa, chào thím. Cháu muốn hỏi thăm ông Đoàn Phong. Ông ta còn ở đây không?

Người đàn bà lộ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

- Công tử là gì của ông Đoàn Phong? Ông ta đã chết từ mười năm nay rồi còn gì.

Trần Lâm tưởng như một tiếng sét vừa nổ bên tai mình. Chàng hấp tấp hỏi dồn:

- Thím nói sao? Ông Đoàn Phong chết đã mười năm nay rồi à? Thật vậy chứ? Đâu có lẽ nào? Mà vì sao ông ta chết?

Người đàn bà lấy làm lạ, nhìn đăm đăm vào mặt Trần Lâm nói:

- Tôi nói gạt công tử làm gì? Ông ta chết lâu rồi. Căn nhà này tôi mua lại sau khi ông ta chết. À, mà công tử quan hệ thế nào với ông Đoàn Phong? Ôi! Một người đàn ông thật tội nghiệp!

Trần Lâm nghẹn ngào:

- Cháu là con trai của ông ta. Thím có biết ông ta chết vì lý do gì không?

- Công tử là con trai ông Phong à? Có phải công tử là đứa bé đã bỏ nhà đi năm xưa không?

Hai hàng nước mắt chảy dài xuống má, Trần Lâm gật đầu:

- Vâng, cháu chính là đứa bé ấy. Thím cũng biết việc này ư?

- Tôi là người ở xóm trên. Chuyện công tử làm em gái bị thương rồi tưởng đã chết nên bỏ trốn lúc ấy ai mà không biết. Ông nhà cũng vì thương nhớ công tử nên sinh bệnh mà qua đời. Chỉ tội nghiệp cho Quỳnh Như bé bỏng, côi cút.

Trần Lâm như người lạc giữa rừng mơ, trải qua hết nỗi bàng hoàng này đến điều kinh ngạc khác.

- Thím vừa nói gì? Em cháu chỉ bị thương thôi ư? Em cháu còn sống ư? Bây giờ em cháu ở đâu, thím biết không?

Chàng nôn nóng, quên cả giữ ý tứ, hỏi luôn một lúc bao nhiêu câu hỏi. Người đàn bà thở dài, giọng nói đượm vẻ ngậm ngùi:

- Ông trời thật không có mắt! Em công tử lần ấy không chết nhưng sau vì hận lòng người đen bạc, lại tủi cho kiếp má hồng nên nghe đâu đã nhảy xuống sông Hương tự vẫn rồi.

Trần Lâm lảo đảo cả người. Chàng nắm tay người đàn bà giục:

- Thím bảo sao? Làm ơn nói rõ hơn mọi việc cho cháu biết đi!

Người đàn bà nhẹ nhàng gỡ tay chàng ra nói:

- Chuyện gì thì cũng đã qua lâu rồi, công tử có nóng nảy cũng vậy thôi. Mời công tử vào nhà uống nước đã. Đi đường xa chắc cũng mệt rồi. Thong thả tôi sẽ kể lại đầu đuôi cho nghe.

Trần Lâm cố giữ bình tình:

- Xin lỗi thím, thật sự lòng cháu hiện như lửa đốt, thím bỏ qua cho.

Người đàn bà mời chàng vào nhà ngồi rồi rót nước mời:

- Công tử uống miếng nước trà quế đi.

Trần Lâm cảm ơn, nâng li uống một hơi hết sạch. Cách bày biện, trang trí trong nhà cũng không khác gì mấy so với lúc chàng còn ở đây. Chàng nhìn lên bàn thờ thấy có treo một thanh kiếm. Người đàn bước đến lấy thanh kiếm xuống đưa cho Trần Lâm và hỏi:

- Công tử có nhận ra vật này không?

Trần Lâm cầm thanh kiếm, tay chàng run lên bần bật, hai hàng nước mắt lại mặc sức chảy tràn.

- Đây là thanh kiếm gia truyền của dòng họ Đoàn, vật bất li thân của cha cháu. Người gởi nó lại cho thím phải không?

- Không. Cha công tử trước khi mất đã giao lại toàn bộ tài sản, kể cả cô bé Quỳnh Như và căn nhà này cho mụ Khương thị ở kế bên đây. Cậu còn nhớ bà Khương đó chứ?

- Nhớ. Người đàn bà hàng xóm suốt ngày la mắng chồng con đó phải không?

- Đúng rồi!

Rồi bà ta đem tất cả những chuyện đã xảy ra sau khi Trần Lâm bỏ trốn kể lại tỉ mỉ cho chàng nghe. Cuối cùng bà nói:

- Trời cao đôi khi cũng có mắt. Mụ Khương gian ác kia sau khi bán Quỳnh Như cho người môi giới xong thì bị bọn cướp vào nhà cướp sạch cả vàng bạc lẫn của cải. Mụ tiếc của lớn họng kêu la nên bị bọn chúng chém một đao mất mạng. Ông chồng và năm đứa con sau đó cũng bán nhà bỏ đi. Trước khi đi, họ mang thanh kiếm này qua nhờ tôi giữ giùm, phòng khi công tử có trở về thì trao lại, gọi là chuộc chút lỗi lầm. Ông ta bảo rằng nghe nói khi thuyền của người môi giới chở Quỳnh Như vào đến Phú Xuân thì cô bé đã nhảy xuống sông tự vận, lúc đó đang là mùa nước lớn nên xác trôi mất, không biết về đâu. Thật tội nghiệp, cô bé xinh đẹp đến nhường nào.

Trần Lâm cầm thanh kiếm gia truyền trong tay mà cõi lòng tan nát. Chàng đau đớn không thốt nên lời. Nước mắt cứ tuôn trào như suối. Bao nhiêu hối hận, ăn năn, bao nhiêu tội nghiệt cứ như những đợt sóng trầm luân trào dâng trong lòng đến nghẹt thở. Chàng muốn một kiếm đâm nát tim mình, lấy cái chết tạ tội với cha mẹ và em gái.

Người đàn bà nhìn bộ dạng thảm não của chàng vội lên tiếng an ủi:

- Chuyện đã lỡ rồi, công tử cũng không nên đau buồn quá độ. Phải giữ lại tấm thân cho họ Đoàn của công tử.

Trần Lâm bây giờ mới lên tiếng:

- Cảm ơn thím. Thím có biết mộ của cha cháu ở đâu không?

- Để tôi đưa công tử đi. Lâu nay vì nghĩ thương cảnh đời tội nghiệp của ông Phong nên gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn chăm sóc mộ phần ông ấy, không muốn để nó thành mộ hoang vô chủ. Thanh kiếm này từ nay trả lại cho công tử.

Trần Lâm cúi đầu cảm ơn rồi lấy ra một đỉnh vàng lớn cùng một ít bạc vụn đưa cho người đàn bà.

- Nhờ thím chuẩn bị giùm cháu ít đồ tế lễ. Cháu muốn tế mộ phần của cha và em gái trong ba ngày.

Người đàn bà trợn to đôi mắt.

- Đồ tế lễ trong ba ngày thì đâu cần nhiều vàng đến vậy?

Trần Lâm dúi số vàng vào tay bà, nói:

- Thím cứ giữ lấy. Lòng tốt của thím còn xứng đáng được nhiều hơn thế nữa. Xin lỗi vì quá nóng ruột nên cháu đã thất lễ. Quí danh của thím là gì để cháu tiện xưng hô?

Người đàn bà nhận số vàng, trả lời:

- Người ta gọi tôi là Đỗ thị, là họ của chồng tôi ấy. Quí danh cái nỗi chi!

Đỗ thị đưa Trần Lâm đến ngôi mộ của Đoàn Phong ở ngoài khu gò làng. Một nấm mồ đất đơn sơ, nơi yên nghỉ của một tay võ tướng từng là rường cột nước nhà. Trần Lâm nhào xuống ôm chầm mộ cha mà lòng tan nát. Chàng nghẹn ngào đến không thể khóc, cũng chẳng thể thốt ra được lời nào. Nước mắt là biểu hiện của đau khổ, nhưng khi sự đau khổ lên đến tột cùng thì nước mắt không tuôn ra được, thay vào đó là sự im lặng. Sự im lặng của trầm thống, tan nát và chết chóc.

Đỗ thị cùng chồng và đứa con trai sắm sửa đầy đủ đồ tế lễ mang ra mộ. Họ dựng một mái chòi trên mộ để che mưa nắng. Trần Lâm quì trước mộ suốt ba ngày để những nỗi hối hận, thương đau, tội lỗi mặc sức dày vò trong tim. Mặc cho gia đình Đỗ thị khuyên can thế nào chàng cũng không ăn, không uống. Cũng may ngày thứ ba trời bỗng đổ mưa như trút, nếu không chắc chàng đã chết khát vì cái nắng như thiêu đốt của miền Hóa Châu. Sớm ngày thứ tư, chàng lạy mộ cha lần cuối rồi theo vợ chồng Đỗ thị về nhà. Trao thêm cho họ một số bạc, chàng nói:

- Nhờ chú thím tìm người xây lại nấm mồ cha cháu cho khang trang và thay cháu tiếp tục hương khói giùm. Hiện cháu đang có việc rất quan trọng cần phải lo liệu. Cháu sẽ trở lại thăm chú thím một ngày gần nhất.

Vợ chồng Đỗ thị cùng nói:

- Công tử cứ đi lo công việc. Việc ở đây chúng tôi sẽ thay mặt công tử chu toàn. Nhưng công tử cũng phải nghỉ ngơi một chút để lấy lại sức đã chứ.

- Cháu không sao, chỉ xin được dùng với gia đình chú thím một bữa cơm thân mật là đủ rồi.

Đỗ thị mau mắn:

- Vâng, vâng. Tôi sẽ đi lo cơm nước ngay. Công tử tắm rửa nghỉ ngơi cho lại sức.

Sực nhớ đến cuốn sách mà mẹ mình để lại năm xưa, chàng nói với vợ chồng chủ nhà:

- Mẹ cháu có để lại một quyển sách, xin phép cho cháu lên xem thử còn không nhé?

- Công tử cứ tự nhiên.

Chàng lại gần nơi bàn thờ, nhún chân nhảy vọt lên cao, đưa tay vào trính nhà lấy ra một gói giấy xong đáp xuống đất. Vợ chồng chủ nhà và anh con trai nhìn thấy khinh công của Trần Lâm thì đều há hốc mồm kinh ngạc. Chàng mở gói giấy ra, cuốn “Tiểu Bát quái đồ chú giải” mà ngày xưa mẹ chàng đã vì nó lao tâm đến mất mạng hãy còn nguyên. Chàng nói với ba người:

- Cũng may vật của mẹ cháu vẫn còn nguyên. Cháu xin lại nhé.

Đỗ thị cười vui vẻ:

- Của công thử, công tử cứ lấy lại, đâu cần khách sáo.

Sau bữa cơm trưa, Trần Lâm từ giã gia đình Đỗ thị, mang theo thanh kiếm gia truyền, giục con Ô Truy nhắm thẳng hướng Phú Xuân đăng trình. Khi gần đến Phú Xuân, chàng tìm mua một số hoa hồng rồi đem ra bờ sông Hương tế linh hồn đứa em gái tội nghiệp. Chàng bứt từng cánh hoa hồng, thả trôi theo dòng nước và thầm khấn nguyện:

- Xin những cánh hoa hồng tinh khiết này chở hộ linh hồn trong trắng của em tôi về nơi cực lạc. Hồn em có linh thiêng xin tha thứ cho người anh bất hiếu, vô hạnh này.

Chuyến trở về quê đầy nước mắt đã khoét sâu thêm nỗi đau từ lâu được giấu kín trong lòng chàng. Qua thời gian mười năm, vết thương xưa tưởng đã lành miệng, không ngờ giờ đây nó lại càng lở loét và nhức nhối hơn. Chàng bỗng ngửa mặt lên trời cất tiếng hú dài. Tiếng hú mang theo bao nhiêu nỗi oán hờn, thống hận như con sói hoang bị sa bẫy giãy giụa trước lúc chết. Con Ô Truy đang gặm cỏ bên cạnh như cảm thông được với nỗi đau của chủ, nó chậm rãi bước đến liếm vào vai, vào má chàng. Trần Lâm quay lại ôm cổ nó:

- Cảm ơn mi! Đời ta giờ chỉ còn có mi và thanh kiếm này bên cạnh. Ồ mà không, chúng ta còn có Truông Mây. Truông Mây sẽ là ngôi nhà lớn của chúng ta và của cả những kẻ đau khổ trong cuộc đời này.

Chàng rút kiếm cắt một đoạn tóc, rải nhẹ xuống sông cho trôi theo dòng nước, lẩm bẩm như tự nhủ với lòng mà cũng như để nói với vong linh của cha mẹ và em gái:

- Cha mẹ và em hãy yên lòng nhắm mắt, con sẽ dùng thanh kiếm này để tiêu diệt lũ sâu dân mọt nước, đem lại thanh bình, cơm no áo ấm cho muôn dân. Con đã vĩnh viễn mất đi gia đình nhỏ thì nhất định sẽ xây dựng cho bằng được một gia đình lớn. Đó là quốc gia, là dân tộc này.

Xong, chàng vục nước sông Hương rửa mặt. Dòng nước mát lạnh làm cho chàng tỉnh táo và cảm thấy phấn chấn hơn. Sự phấn chấn của niềm hi vọng ẩn tàng phía sau sự tuyệt vọng. Kẻ trí là người biết biến đau thương thành hành động, biến tuyệt vọng, khốn cùng thành hi vọng và vinh quang. Chàng phóng mình lên lưng ngựa.

- Đi thôi Ô Truy!

Con Ô Truy như đã biết chủ muốn về đâu, nó cất bốn vó phi nhanh đến thành Phú Xuân.