Én Liệng Truông Mây - Hồi 33 - Phần 2

Thành Phú Xuân sau gần chín mươi năm, kể từ ngày chúa Nguyễn Phúc Trăn quyết định chọn làm nơi đặt phủ Chúa vào năm 1687, thành đã được xây dựng với một quy mô lớn, xứng đáng là kinh đô của một nước.

Đất Phú Xuân bằng phẳng rộng lớn, thành Phú Xuân được xây trên một vùng đất cao, tọa hướng Càn (tây bắc), nhìn về hướng Tốn (đông nam), có thế dựa ngang Long Tích. Phía trước có dãy núi Ngự Bình che chắn làm tiền án, cùng dòng Hương Giang tạo cảnh Minh Đường thủy tụ, long mạch quy về, đúng là cuộc đất đế vương. Thành có hào sâu bao bọc chung quanh, ở giữa là tử cấm thành dành riêng cho phủ Chúa và gia quyến hoàng tộc. Từ ngày chúa Phúc Khoát lên ngôi vương, ông lại càng ra sức xây dựng thêm nhiều đền đài cung điện. Bên ngoài có các dinh thự như Phủ Từ Kim Hoa, Quang Hoa làm nơi tế lễ trời đất. Tòa Hành Lang Phủ Trạch rộng lớn làm nơi hội họp của các quan. Ngoài ra còn có rất nhiều công trình kiến trúc lớn và đẹp như nhà Tựu Nhạc, nhà Trung Hòa, Diêu Trì Các, Triêu Dương Các, Thụy Vân Đình... và các trường học cho con của các quan đại thần. Miệt thượng lưu bờ nam còn có Dương Xuân Phủ và Phủ Cam. Đối diện bên bờ bắc là khu nhà của các công thần. Đâu đâu cảnh trí cũng tráng lệ nguy nga, cỏ hoa tươi tốt, ngựa xe tấp nập, phố xá đông vui náo nhiệt[1].

Lần đầu bước chân đến đất kinh đô, Trần Lâm không khỏi giật mình choáng ngợp vì sự lộng lẫy xa hoa của nó. Đâu đâu dinh thự, lâu đài cũng to lớn, rực rỡ, dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước. Trên sông Hương thuyền buôn bán, đò đưa khách qua lại như mắc cửi. Đúng thực là cảnh phồn hoa đô hội!

Danh sĩ Chu Sử Tín có lần đối cảnh Hương Giang đã viết:

Xuân ỷ xuân môn, câu cừ giao ánh

Lục hòe thu thị, chu tiếp tương thông.

Dịch nghĩa:

Ngày xuân, ngồi tựa cửa xuân, thấy ngòi cừ long lanh trước mắt

Bóng hòe vàng lục chợ thu, thuyền nối thuyền chằng chịt.[2]

Trần Lâm thả ngựa chậm rãi dạo quanh thành, vừa tấm tắc khen ngợi vẻ đẹp của chốn kinh kỳ vừa cảm thấy bất mãn cho cái xã hội bất công này. Bao nhiêu của cải, mồ hôi nước mắt của lão bá tánh khắp thiên hạ đã đổ hết về đây. Bọn vua chúa, quan quyền ngồi trên cao ăn sung mặc sướng, sống đời xa xỉ, tha hồ vơ vét, bóc lột đám dân đen thấp cổ bé miệng. Còn dân chúng tứ phương nghèo đói lang thang, sống đời cơ cực. Bọn cai trị thật không còn thiết gì đến sự hưng vong của quốc gia, dân tộc nữa!

Chợt nhớ đến câu chuyện của H’Linh kể về mẹ nàng, chàng bèn tìm đến thăm Triêu Dương Các. Gởi ngựa xong, chàng lên lầu tìm chỗ ngồi. Triêu Dương Các nổi tiếng khắp Phú Xuân nên khách đến đây uống rượu rất đông. Lúc ấy các bàn đều đã chật kín người. Trần Lâm nhìn quanh, thấy chiếc bàn nơi góc phải sát bờ sông có một thanh niên đang ngồi một mình quay lưng về phía chàng. Chàng đành tiến đến hỏi người thanh niên xin ngồi chung.

- Xin lỗi huynh đài, vì không còn chỗ trống nữa, tôi có thể ngồi chung bàn với huynh không?

Người thanh niên quay lại. Cả hai cùng reo lên:

- Kìa Lâm huynh!

- Phi đệ, thì ra là đệ! Thảo nào huynh nhìn dáng sau lưng thấy quen quen nên đã ngờ ngợ rồi. Dạo này đệ thế nào, sao ngồi buồn một mình ở đây vậy? Đâu có giống như Phi đệ vui vẻ hoạt bát ngày nào?

Tiểu Phi đứng dậy, cả hai tay bắt mặt mừng.

- Lâm huynh ngồi đi. Uống rượu nhé? Đệ vẫn bình thường. Từ ngày cách biệt thấm thoát đã ba năm. Nhanh thật! Lâm huynh thế nào? Có điều gì phiền muộn à? Ngọn gió nào đưa huynh từ Truông Mây ra đến Phú Xuân này vậy?

Câu cuối cùng chàng hơi nhỏ giọng xuống. Tiểu Phi vừa hỏi tay vừa rót rượu mời Trần Lâm. Trần Lâm ngồi xuống chiếc ghế xéo bên cạnh, chậm rãi trả lời:

- Cảm ơn đệ. Không có gì, huynh vẫn vậy. Đệ cũng biết việc này à?

- Tai mắt của bang Hành Khất khắp nơi, việc gì mà đệ chẳng biết. Đệ hâm mộ Truông Mây lắm lắm, muốn vào đó tham gia với các anh nhưng gia phụ không cho.

Trần Lâm nghe Tiểu Phi nhắc đến cha mình liền nói:

- Chuyến này huynh ra đây là có ý muốn gặp đệ cùng bá phụ. Đệ tiến cử giúp huynh nhé?

Tiểu Phi nâng ly rượu lên vui vẻ:

- Sẵn sàng! Nhưng chúng ta hãy uống cạn ba chung mừng ngày gặp lại đã. Mừng tái ngộ!

- Mừng tái ngộ!

Cả hai nâng ly nốc cạn. Tiểu Phi lại bưng bình rượu rót vào chung. Uống cạn ba chung rượu xong, Trần Lâm hỏi:

- Đệ đang chờ ai hay sao mà có hai cái chung để sẵn vậy?

Tiểu Phi hơi đỏ mặt ấp úng:

- Ơ... không. Đệ không chờ ai cả. Cái chung... này...

- Thôi đệ đừng chối, coi bộ đệ hình như là đang chờ một giai nhân nào đó. Đúng không?

Mặt Tiểu Phi càng đỏ hơn:

- Đệ đâu có chờ ai. Lâm huynh chỉ giỏi đoán bừa.

Trần Lâm mỉm cười:

- Coi cách ngồi lặng lẽ ngắm sông và cái mặt đỏ gay của đệ kìa. Đừng nói là do mấy chung rượu nhỏ này nhé? Nói thật đi.

Tiểu Phi biết là không thể qua được cặp mắt sắc bén của người bạn này nên đành lúng búng nói:

- Giai nhân thì đúng, mà không, nói chính xác là tuyệt đại mỹ nhân mới phải, nhưng đệ không phải đang chờ đợi mà chỉ là để hoài niệm thôi.

Đoạn Tiểu Phi buông tiếng thở dài. Trần Lâm tò mò hỏi:

- Tuyệt đại mỹ nhân à? Mà sao chỉ là hoài niệm? Không thể gặp được nàng nữa ư?

- Đệ có duyên gặp được nàng một lần. Sau đó thì bặt vô âm tín. Đã gần ba năm rồi.

- Ba năm rồi, vậy là đệ đã ngồi đây đợi những ba năm?

- Thỉnh thoảng đệ mới đến đây thôi. Chỉ như một kỷ niệm đẹp trong đời. Đệ không phải là kẻ lụy tình, huynh không cần ái ngại cho đệ.

- Huynh đâu có ái ngại. Cuộc đời vốn nhiều đau thương và bất hạnh, có một kỷ niệm đẹp để sống cùng cũng là điều hay đấy chứ. Huynh cũng mong được như đệ vậy.

- Huynh không muốn cũng đã có rồi. Chỉ tại huynh suốt ngày bôn ba đại sự nên không nhận lấy đó thôi. À, tiểu thư họ Cao ở Quy Nhơn và cả Hồng Y Nữ tiểu muội nữa, bây giờ họ thế nào rồi? Huynh còn liên lạc với người ta không?

Trần Lâm bưng ly rượu lên uống cạn.

- Không có. Họ là những người bạn, những người em gái của huynh mà thôi, đệ đừng nghĩ quấy.

Tiểu Phi chặc lưỡi:

- Huynh thì cô gái nào cũng là bạn, là em gái cả. Trong lòng huynh chỉ có mỗi chuyện quốc gia đại sự. Làm trai thật đáng nên trai. Đệ thật hâm mộ cuộc sống của huynh.

Trần Lâm đặt ly rượu xuống nói:

- Mỗi người có một định mệnh riêng. Định mệnh đã vạch sẵn con đường để mình đi, không thể làm khác hơn được. Phi đệ cũng có đại chí, con đường đi của đệ có khác gì huynh đâu?

Tiểu Phi uống cạn ly rượu vừa mới rót trên tay, thở dài:

- Khác chứ. Lâm huynh một thân một mình tự do, tự tại, thích gì làm nấy, vũ vô kiềm tỏa. Đệ thì còn phải đợi lệnh của gia phụ.

- Không phải bá phụ cũng có ý vì dân vì nước hay sao?

- Đúng là như vậy. Nhưng nghĩa phụ muốn phù trì ngôi chúa, không muốn làm kẻ phản nghịch bất trung.

- Như thế nào là phù trì ngôi chúa, là phản nghịch bất trung?

Tiểu Phi trả lời, giọng có chút bất mãn:

- Nghĩa phụ nói thời thế loạn lạc bây giờ cũng chỉ do một vài tên loạn thần nổi lên khuynh đảo phủ chúa thôi. Việc chúng ta nên làm là tiêu diệt bọn phản tặc Trương Phúc Loan rồi giúp chúa khôi phục lại cái thời thịnh trị như xưa.

Trần Lâm hỏi lại:

- Diệt tên Trương Phúc Loan này rồi đã chắc gì không có một tên Trương Phúc Loan khác đứng lên khuynh đảo cái phủ chúa mục nát đó? Còn chuyện đất nước chia đôi, nồi da xáo thịt nữa. Rồi chuyện bọn Chúa Trịnh ngoài kia lộng quyền, coi vua như bù nhìn, chúng chỉ dựng lên để che mắt thiên hạ, tất cả mọi quyền hành đều thâu tóm trong tay chúng. Đạo trung với vua tự cổ đâu có như vậy. Cha đệ nghĩ sao?

- Đệ cũng thấy vấn đề như Lâm huynh đã nói nhưng nghĩa phụ lại cho rằng chúng ta ở Đàng Trong, là con dân của Chúa Nguyễn, ăn cơm hưởng lộc của Chúa Nguyễn. Khi Chúa Võ xưng vương, làm lễ xưng thần với nhà Thanh là đã có ý xem miền Nam này hoàn toàn độc lập với Đàng Ngoài. Cương thổ này là của họ Nguyễn, chúng ta là thần tử của họ Nguyễn thì phải có bổn phận tận trung báo quốc.

- Nếu vậy thì người Đàng Ngoài và Đàng Trong có ai không phải là Việt tộc, có ai không phải là con cháu Vua Hùng? Dải non sông mà tổ tiên đã dày công tạo dựng không lẽ từ đây đứt đoạn chia hai vĩnh viễn hay sao?

Tiểu Phi cúi đầu buồn bã:

- Những điều Lâm huynh vừa nói thật hợp với suy nghĩ của đệ nhưng đệ thật không dám làm nghĩa phụ đau lòng. Đệ là đứa bé bị bỏ rơi trong cơn biến loạn ở Cù lao Phố năm xưa, may nhờ nghĩa phụ nhặt được đem về nuôi nấng dạy dỗ nên người. Cho nên dù chí hướng có khác nhau nhưng đệ vẫn phải tuân theo ý của người.

Trần Lâm tỏ vẻ thông cảm với bạn:

- Phi đệ cũng không nên buồn phiền. Việc tổ chức bang Hành Khất cũng đã chứng tỏ cha đệ là người yêu nước thương dân. Tiêu chí của bang như thế nào?

- Nghĩa phụ nói trong lúc cường thần bạo nghịch tạo cảnh khốn cùng cho nhân dân, việc tổ chức bang Hành Khất trước là để cứu giúp những người ăn xin đói khổ. Sau là tập hợp thành lực lượng đủ mạnh để có ngày tiêu diệt cường thần giúp chúa khôi phục lại kỷ cương.

- Hoạt động của Truông Mây chắc cha đệ đã biết. Ý người thế nào?

Tiểu Phi nhìn Trần Lâm có chút do dự nói:

- Nghĩa phụ rất khâm phục hành động nghĩa hiệp của chàng Lía Truông Mây. Nhưng người cho rằng đó chỉ là hành động của một tướng cướp giàu lòng hiệp nghĩa, mang tính cách của một hiệp sĩ không hơn không kém. Tiêu chí về sau của Truông Mây từ ngày Lâm huynh chiêu binh mãi mã như thế nào vì chưa rõ nên nghĩa phụ còn đang chờ, chưa có quyết định gì.

Trần Lâm gật gù:

- Huynh dự định xin gặp cha đệ một chuyến nhưng nghe đệ giãi bày, huynh nghĩ chắc chưa phải lúc. Mà cha đệ cho rằng mọi việc đều do một tên Trương Phúc Loan gây ra, vậy sao không tìm cách giết hắn đi thì có phải mọi việc êm xuôi không?

Tiểu Phi lắc đầu:

- Giết tên cẩu tặc ấy không dễ dàng như huynh tưởng đâu. Nghĩa phụ đã từng đột nhập vào phủ đệ của hắn nhưng không thành công vì hắn canh phòng còn nghiêm mật hơn cả phủ chúa. Nghe nói hắn bỏ tiền thuê rất nhiều cao thủ và bốn tên Tàu Ô, dư đảng của Thiên Địa Hội chạy sang đây để bảo vệ hắn ngày đêm. Bọn này võ công hết sức cao cường. Hắn lại thường xuyên thay đổi chỗ ngủ nên khó lòng tìm ra. Lần thám thính đó nghĩa phụ suýt chút mất mạng trong tay bọn chúng.

Trần Lâm nghe nói phấn khích:

- Huynh cũng muốn thử xem bọn chúng ba đầu sáu tay thế nào và coi cái cổ của tên Trương Phúc Loan cứng đến đâu mà khắp thiên hạ phải chịu đau khổ vì hắn. Đệ có biết phủ đệ của hắn ở đâu không?

Tiểu Phi lộ vẻ nghiêm trọng:

- Biết chứ. Phủ đệ của hắn nằm sát bờ sông đối diện bên kia, xéo trên thượng nguồn. Đó là khu vườn nhà dành cho các công thần. Nhưng lúc sau này hắn đã vào ở luôn trong tử cấm thành, nơi phủ chúa. Lâm huynh định vào thăm hắn à? Đó là nơi long đàm hổ huyệt, không phải chuyện chơi đâu.

- Không vào hang cọp sao bắt được cọp con? Huynh sẽ cẩn thận. Thực ra cũng chỉ muốn dò xét xem thực lực của hắn thế nào mà thôi. Việc giết hắn được hay không, với huynh không quan trọng lắm.

- Đệ cũng muốn xem thử cổ hắn cứng đến đâu và bọn sát thủ của hắn có giỏi hơn Thất tinh trận của Võ Đang hay không?

Cả hai cùng cười rồi nâng ly uống cạn. Họ đã cùng vào sinh ra tử nên hiểu nhau lắm.



[1]               Chi tiết dựa theo Phủ biên tạp lục, của Lê Quý Đôn.

 
[2]               Trích từ Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn.