Én Liệng Truông Mây - Hồi 34 - Phần 1

Hồi thứ ba mươi bốn

Đánh Truông Mây, binh triều chia hai ngả

Khe Màn Lăng, Trương Độ phục tài cao

Con Ô Truy miệt mài tung vó trên dặm đường thiên lý từ Phú Xuân trở lại Truông Mây chở trên lưng người kiếm sĩ áo trắng giờ đã phủ kín bụi đường. Trần Lâm vì nôn nóng việc ở trại nên suốt ngày dong ruổi, chỉ dừng lại quán trọ nghỉ đêm, sáng hôm sau lại cấp tốc lên đường. Tại Quảng Nam, mọi việc có vẻ yên ắng nhưng khi vào đến Quảng Ngãi thì đã thấy binh lính rục rịch tập hợp chuẩn bị chiến tranh. Có lẽ bọn họ đang sẵn sàng đợi lệnh vượt đèo Thạch Tân (tức đèo Bình Đê) để tiếp viện cho phủ Quy Nhơn nếu cần.

Một đạo binh hai ngàn quân bộ và quân kỵ đã tập trung ở huyện lỵ Mộ Hoa dưới quyền thống lãnh của tướng Trương Bá Thành.

Qua đèo Thạch Tân, chàng hướng thẳng đến Bồng Sơn rồi qua đò Lại Dương để dò xét hình thế của đồn binh chúa Nguyễn đang đóng trên bờ Lại Giang. Viên tướng nhà Nguyễn nắm giữ binh quyền ở đây là Trương Độ, một tướng tài của đất Quy Nhơn. Trương Độ vốn là người thao lược, giỏi võ nghệ nhưng vì tính tình quá cương trực, không chịu lòn cúi nên quan trường lận đận. Nguyễn Khắc Tuyên không ưa Độ, bèn tìm cách đẩy ra Lại Khánh làm tấm phên ngăn ngừa bọn cướp Truông Mây đã hơn hai năm nay. Từ ngày Trương Độ về nắm giữ binh quyền đồn Lại Dương, nghĩa binh Truông Mây rút vào bí mật để chuẩn bị lực lượng nên hai bên chưa có cuộc giao tranh nào. Trương Độ vốn bất mãn cấp trên nên thấy bọn cướp Truông Mây không có động tĩnh gì, ông ta cũng bình chân như vại chờ đợi. Nhờ thế Truông Mây mới có cơ hội chiêu binh mãi mã, âm thầm lớn mạnh.

Khi Trần Lâm về đến Lại Khánh, chàng bí mật liên lạc với các thám báo viên ở đây thì biết tin quân Nguyễn từ lỵ sở Phù Ly đang chuẩn bị tăng viện thêm một ngàn quân về Bồng Sơn để tảo trừ Truông Mây. Như vậy, số quân Nguyễn tham gia cuộc tấn công lần này lên đến gần năm ngàn, nếu tính luôn số quân đang đóng bên Mộ Hoa. Dân chúng tại huyện lỵ xôn xao bàn tán về việc chiến tranh sắp xảy ra, trên gương mặt ai nấy đều tỏ vẻ lo lắng nhưng trong lòng lại nuôi ít nhiều hi vọng. Họ kín đáo kháo nhau xem lần này quan binh có thể tiêu diệt được Truông Mây hay không, hay lại chỉ kéo đến đánh phá lấy lệ rồi rút lui vì không vượt nổi phòng tuyến của bọn chú Lía. Nhiều người không ngần ngại tỏ rõ ý muốn các hiệp sĩ Truông Mây sẽ thắng trong cuộc chinh phạt này, rồi thừa thế chiếm luôn huyện Hoài Nhơn, cả phủ Quy Nhơn nữa...

Về đến Truông Mây vào lúc chiều tà, Trần Lâm rất bất ngờ khi nhìn thấy quanh khu đại sảnh được kết hoa treo đèn rực rỡ giống như ngày cưới. Mọi người trong trại vì được các trạm gác thông báo Trần Lâm đã về tới nên tất cả đều vui mừng ra đón. Hồ Bân vui vẻ lên tiếng trước:

- Chú về thật đúng lúc. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn đợi mỗi chú về nữa mà thôi. Vậy là đêm nay chúng ta có thể cử hành đại lễ giao bôi hợp cẩn rồi đó.

Trần Lâm ngạc nhiên hỏi:

- Giao bôi hợp cẩn à? Mà cho ai mới được chứ?

Lía vội cắt ngang hai người:

- Vào trong trước đã. Lâm đệ đường xa trở về phải có chút thời gian nghỉ ngơi cho tỉnh đã chứ. Vào đi. Ủa? Còn thúc phụ đâu? Đệ không đưa về đây à?

Trần Lâm đáp:

- Chuyện dài lắm, đệ sẽ thuật lại sau. Chúng ta hãy vào trong đã. Đệ muốn biết chuyện anh em ở Núi Bà trước và chuyện giao bôi hợp cẩn là của ai.

Mọi người vào đại sảnh. Cha Hồ lên tiếng:

- Anh em Núi Bà theo lệnh của chú Lía đã an toàn rút hết về đây rồi. Còn chuyện vui là như thế này, lúc Thiên Tường vào phủ Quy Nhơn cắt đầu tên Hoàng Công Đức để trả thù, hắn thấy người thiếp của họ Hoàng đáng bậc mỹ nhân trên đời nên bắt theo để tặng cho chú Lía làm áp trại phu nhân. Tất cả anh em trong trại đều đồng ý đây là mối lương duyên tiền định giữa trai anh hùng và gái thuyền quyên nên đã cùng nhau thuyết phục họ hơn mười ngày nay. Bây giờ đôi bên đã tâm đầu ý hợp, bởi vậy tôi cho chuẩn bị mọi việc và chỉ chờ chú về đến là chúng ta cử hành hôn lễ ngay.

Lía ngồi nghe nhắc đến chuyện hôn sự của mình cảm thấy hết sức bối rối. Thiên Tường chợt chen vào:

- Lúc đó do đệ nhớ đến lời đề nghị của Lâm ca nên mới chộp lấy cơ hội tốt này.

Trần Lâm nói:

- Chú làm việc hay đấy. À, mà cô dâu tên gì? Cho phép đệ vào ra mắt đại tẩu đi đã chứ?

Chú Nhẫn đáp:

- Đại Hồng. Cao Đại Hồng, tiểu thư họ Cao ở Quy Nhơn. Thuộc loại phú gia địch quốc đấy.

Trầm Lâm nghe nói chấn động tâm thần. Chàng cố tỏ ra bình thản nói:

- Cao Đại Hồng à? Thì ra là Đại Hồng tỉ. Chúng tôi có biết nhau lúc trước. Đệ xin chúc mừng đại ca. Cô ấy là đệ nhất mỹ nhân đó.

Hồ Bân vỗ tay nói lớn:

- Đại ca thấy không, cả Lâm đệ chỉ vừa nghe qua đã bằng lòng ngay. Đại ca còn phải đợi mọi người năn nỉ mãi mới chịu. Ha ha...

Lía cười chữa thẹn:

- Đã vậy thì tôi còn biết nói thế nào nữa.

Cha Hồ cũng cười lớn:

- Ha ha... Còn nói thế nào nữa, chú hãy lo chuẩn bị đi. Lam Tiểu Muội, cháu cùng vài chị em lo sửa soạn cho cô dâu nhé. Chú Lâm tắm rửa rồi nghỉ ngơi một chút đi, chúng ta dù có trễ cũng phải làm lễ vì hôm nay là ngày đại hỉ, đừng để lỡ. Trương Tam điều động anh em chuẩn bị mọi thứ dưới bếp đi. Tối nay làm lễ, ngày mai toàn trại sẽ liên hoan mừng hôn lễ. Không chừng ngày mốt là phải đánh nhau với quân Nguyễn rồi đó. Ha ha...

Lía có vẻ ngượng ngùng nói:

- Chúng ta còn chưa hỏi thăm việc của Lâm đệ mà.

Trần Lâm nói:

- Đại ca khỏi lo. Xong chuyện vui này, từ từ đệ sẽ kể lại sau.

Mọi người vui vẻ bắt tay ai lo việc nấy. Cha Hồ và chú Nhẫn vì đã có chuẩn bị từ trước nên chỉ trong phút chốc, đại sảnh đã trở thành nơi cử hành hôn lễ hoành tráng. Đàng trai sẽ do cha Hồ, Trần Lâm và những anh em khác đứng ra, còn đàng gái thì do chú Nhẫn, Hồ Bân và Lam Tiểu Muội đại diện.

Cha Hồ đã cho dọn một căn phòng đặc biệt để làm phòng hợp cẩn.

Lam Tiểu Muội và mấy cô gái chuẩn bị quần áo và trang điểm cô dâu vừa xong thì họ trai đã đến chào để chuẩn bị đón đàng gái.

Trần Lâm dù biết trước, nhưng khi gặp lại Đại Hồng chàng cũng không tránh khỏi có chút ngỡ ngàng. Phần Đại Hồng, nàng hết sức ngạc nhiên khi gặp lại Trần Lâm ở đây. Bao năm theo chồng là bấy năm nàng thầm lặng ôm bóng hình của chàng trai kiêu dũng thuở đầu đời, nay bỗng nhiên gặp lại người xưa ngay trước giờ bước chân theo chồng lần thứ hai, nàng như cảm thấy bị nghẹn nơi cổ họng. Hai mắt nàng mở lớn nhìn chăm chăm vào Trần Lâm, cắn nhẹ môi không thốt nên lời. Sự đời sao lại đẩy đưa chi những cảnh trớ trêu dở khóc dở cười thế này?

Qua một phút bối rối, Trần Lâm vui vẻ chào hỏi:

- Chào Hồng tỉ, lâu lắm mới gặp lại. Tỉ vẫn như xưa, đệ xin có lời chúc mừng.

Đại Hồng giọng run run:

- Lâm đệ! Đệ cũng ở đây ư? Cảm ơn. À... Đúng là lâu lắm rồi. Cũng đã bốn năm, à không, bốn năm sáu tháng rồi phải không? Đệ thế nào?

- Cảm ơn tỉ. Đệ vẫn bình thường.

Chàng trả lời xong quay sang cha Hồ:

- Chúng ta bắt đầu được rồi.

Cha Hồ và chú Nhẫn thực hiện sơ qua những nghi thức cưới hỏi rồi cùng nhau rước dâu về đại sảnh.

Đại Hồng hôm nay trang điểm theo kiểu cô dâu, bộ đồ cưới tuy không phải là hàng sang trọng lắm nhưng trông nàng vẫn lộng lẫy tuyệt trần. Dưới ánh đèn lung linh, với nét mặt thoáng buồn nàng lại càng kiều diễm bội phần khiến cho mọi người không khỏi tấm tắc khen thầm. Chú rể Lía cũng không kém vẻ hào hoa lịch sự. Quả thật là khách anh hùng sánh gái thuyền quyên. Các nghi thức hôn lễ đã xong, cha Hồ rót hai ly rượu, trao cho Lía một ly rồi lớn tiếng nói:

- Thay mặt toàn thể anh em Truông Mây, tôi xin chúc cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, đầu bạc răng long.

Xong ông ta cạn ly. Lía cũng uống cạn ly của mình. Mọi người tự rót đầy ly rồi đồng thanh nói lớn:

- Chúc đại ca và đại tẩu trăm năm hạnh phúc, răng long đầu bạc.

Lía lúng túng:

- Lía tôi xin cảm ơn tất cả.

Mọi người nhìn vẻ bối rối của vị thủ lĩnh đều cười ồ. Không khí thật náo nhiệt vui vẻ.

Lam Tiểu Muội rót hai ly rượu mời vợ chồng Lía:

- Muội xin chúc mừng đại ca và đại tẩu.

Lía đón ly rượu uống cạn rồi nói:

- Cảm ơn muội. Chừng nào đại ca mới được uống ly rượu mừng của muội đây?

- Muội không lấy chồng đâu.

Chú Nhẫn cười nói:

- Thôi, hãy vui bây giờ đã, chuyện của con nha đầu này tính sau đi.

Mọi người ăn uống vui vẻ đến quá nửa khuya mới đưa chú rể và cô dâu về tân phòng hợp cẩn giao bôi.

Hôm sau, toàn trại làm tiệc ăn mừng ngày chủ tướng thành hôn. Anh em nghĩa binh thấy phu nhân của chủ tướng xinh đẹp tuyệt trần, ai cũng hết lời ca tụng. Chẳng riêng gì Đại Hồng, cả Lía cũng thấy rất vui vì những lời xưng tụng đó. Cha Hồ tuyên bố dành cho cặp uyên ương mới một tuần trăng mật để họ hưởng trọn vẹn niềm vui.

Chàng hiệp sĩ, người anh hùng của Truông Mây hiện đang đắm mình trong một niềm hạnh phúc mới, hoàn toàn mới đối với một người suốt đời chỉ biết có cung kiếm, gươm đao. Phần Đại Hồng, từ khi nụ tầm xuân vừa hé đã phải về sống bên một lão chồng già xấu xí, tuy phú quí vinh hoa và được sủng ái hết mực nhưng việc ái ân coi như lỡ dở. Giờ trong vòng tay rắn chắc của chàng dũng sĩ, nàng say sưa hưởng hạnh phúc ái ân bấy lâu bị dồn nén. Ba ngày đầu tiên của tuần trăng mật đã mang lại cho cả hai một niềm lạc thú vô biên. Họ như quên hết cả thế giới bên ngoài, chỉ còn biết có yêu đương và khoái lạc.

Trong khi đó, Trần Lâm cùng các thủ lãnh khác đang ráo riết tập luyện cho binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Lâm gọi riêng Văn Bảo hỏi thăm về tình hình ở Núi Bà và nguyên nhân vì sao quan binh lại bất thần đánh úp. Văn Bảo nói:

- Sau trận đấu giữa đại ca và Lâm đệ năm trước, đại ca giao Truông Mây ở Núi Bà cho tam ca cai quản, dặn anh ấy ráng giữ bí mật đừng để quan binh biết vì nơi đó nằm sát bên phủ thành Quy Nhơn. Có lẽ tam ca đã để lộ hình tích, hoặc là đã có hành động thái quá nên quan binh buộc phải ra quân đánh dẹp. Vì mới vào thay thế nên điều này ta không rõ lắm.

- Chuyện anh em Truông Mây thỉnh thoảng ra ngoài hành hung dân chúng ở vùng quanh Núi Bà đệ có biết, vì đã có lần chứng kiến. Việc đã qua rồi, coi như đó là một bài học. Vả lại sẽ có ngày chúng ta sử dụng lại căn cứ đó. Theo tứ ca thì địa thế ở đó so với ở đây thế nào?

Văn Bảo trầm ngâm:

- Ở đó không hội đủ những yếu tố phòng thủ chiến lược như ở đây. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập thêm một cơ sở nữa ở hang Thần Xà để làm thế ỷ dốc tiếp ứng nhau thì cũng rất tiện cho việc dụng binh. Nhưng quan trọng hơn cả là gần đó có kho lương ở núi Càn Dương, bên kia là kho Đạm Thủy, đây là hai kho lương thực lớn của phủ Quy Nhơn. Nếu chúng ta có thể làm chủ được toàn bộ khu vực này thì phủ thành Quy Nhơn coi như đã nằm trong tay.

- Tứ ca thật có cặp mắt của một nhà quân sự. Đệ cũng đã nghĩ đến điều này. Rồi cũng sẽ có ngày chúng ta đạt được nó. Việc trước mắt là phải thao luyện anh em cho thật vững vàng để có thể trở thành một đội quân thiện chiến.

Văn Bảo tỏ vẻ ái ngại:

- Nghĩa binh chỉ vỏn vẹn có hơn hai ngàn người, huynh lo là chúng ta khó mà đạt được thắng lợi như ý muốn.

- Tứ ca lo cũng phải, nhưng quân quí tinh không quí đa. Đệ tin rằng sau gần hai năm thao luyện, hai ngàn anh em của chúng ta có thể đánh tan một vạn quân triều đình không khó gì. Điều mà đệ lo ngại nhất chính là lương thực. Lâu nay chúng ta vừa tập luyện vừa canh tác nên dù khó khăn cũng tạm đủ lương ăn. Nhưng một khi xảy ra chiến tranh, anh em phải lo tác chiến thì việc lương thảo sẽ là vấn đề lớn.

- Thì chúng ta cướp lương thảo của địch mà dùng. Chiếm được đất tất sẽ có lương thực ngay, lo gì.

- Đúng là như vậy, nhưng phải có người có khả năng trông coi việc này mới được. Đệ nhìn quanh trong chúng ta, vẫn chưa tìm ra ai có thể đảm trách được nhiệm vụ này cả. Lương thảo là phần tối cần yếu của một đạo quân.

- Theo đệ thì nên thế nào?

- Đệ có viết thư mời thúc phụ Lê Trung, nếu người chịu tham gia với chúng ta thì việc coi như đã giải quyết xong.

Rồi Trần Lâm rút trong túi ra một cuốn sách trao cho Văn Bảo nói:

- Đây là cuốn “Binh thư yếu lược” của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đệ được một ông lão tặng cho. Nay tặng lại tứ ca để nghiên cứu thêm về phép dụng binh. Chiến cuộc còn dài, hi vọng nó sẽ giúp được tứ ca nhiều việc.

Văn Bảo nhận cuốn sách, săm soi một lúc rồi nói:

- Ta cũng có nghe qua về cuốn sách này, nay có nó trong tay thật là duyên may hiếm thấy. Cảm ơn đệ, tứ ca hi vọng có thể giúp san sẻ được phần nào để đệ bớt lao nhọc.

- Tứ ca nghiên cứu kỹ rồi trao lại cho Tường đệ, hắn rất có khả năng sẽ trở thành một tướng tài trong tương lai đấy.

Hai người vừa nói chuyện vừa trở lại thao trường để coi anh em luyện tập. Sáng ngày thứ tư, Lía ra đại sảnh để gặp mặt mọi người. Cha Hồ nói:

- Cho chú hưởng một tuần trăng mật mà. Sao mới có ba ngày đã ra đây?

Lía cười nói:

- Chuyện vợ chồng còn đến trăm năm nữa, anh em đang chuẩn bị chiến tranh, Lía đâu thể làm ngơ lo vui thú riêng của mình.

Mọi người đang vui vẻ nói cười thì nghĩa binh vào báo có Thần Thâu và một số người khác lên núi. Các đầu lĩnh vui mừng vội ra đón. Trần Lâm nhìn thấy đoàn người gồm có Đinh Hồng Liệt, Tín Nhi, Lưu Phương Tích, Trương Bàng Châu, Lê Trung, lại còn có cả Hồng Y Nữ Trần Hồng Liên và kiếm sĩ Phù Tang Cung Bản Vũ Tùng. Sự có mặt của hai người này làm chàng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Lưu Phương Tích giới thiệu những người mới lên với các đầu lãnh Truông Mây. Chào hỏi xong, Lía tươi cười lên tiếng:

- Truông Mây thật hân hạnh được đón tiếp các vị. Đường xa mệt nhọc, xin mời tất cả vào trong uống trà đàm đạo.

Rồi tất cả cùng vào đại sảnh. Những người mới đến đều quen biết với Trần Lâm nên chàng chào hỏi từng người một. Gặp lại Lê Trung, lòng chàng mừng vô hạn, hai chú cháu ôm chầm lấy nhau im lặng một lúc lâu Trần Lâm nói:

- Gặp lại chú cháu mừng quá đỗi. Lát nữa chú cháu mình sẽ nói chuyện thêm.

Xong chàng quay sang Trương Bàng Châu tay bắt mặt mừng:

- Gần hai năm cách biệt, Trương huynh vẫn khỏe chứ?

Bàng Châu vui vẻ đáp:

- Khỏe, vẫn khỏe. Anh thật là tài ba! Ha ha...

Trần Lâm tiếp tục quay sang Cung Bản Vũ Tùng, cúi đầu trịnh trọng chào:

- Ba năm không gặp, Vũ Tùng huynh phong độ đã hơn xưa. Ngọn gió lành nào đưa huynh từ hải đảo Phù Tang xa xôi sang đến tận nơi núi rừng hẻo lánh này vậy?

Cung Bản Vũ Tùng cúi chào đáp lễ:

- Cảm ơn lời khen tặng. Lâm huynh cũng vậy, phong độ hơn hẳn thuở nào. Tôi cũng vừa sang quí quốc, tiện thể theo thuyền của chú Lê Trung về đây thăm Lâm huynh và giữ đúng lời hẹn giữa chúng ta ba năm trước.

Trần Lâm vỡ lẽ:

- À! Huynh không nhắc thì tôi đã quên mất.

- Nhưng trên đường đến đây tôi nghe nói Lâm huynh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn, tôi nghĩ chúng ta nên bỏ qua lời hẹn cũ. Không biết ý huynh thế nào?

- Được giao thủ với huynh thật là một vui thú lớn nhất của những kẻ cầm kiếm, nhưng huynh đã có ý tốt như thế, tôi thành thật cảm ơn. Khi nào mọi việc yên ổn tôi sẽ thù tiếp huynh vậy.

Rồi chàng quay sang Hồng Y Nữ:

- Hồng Liên muội, muội từ trong ấy ra đây thăm huynh à? Ôi, huynh thật là vui biết mấy.

Hồng Liên chẩu môi:

- Ai ra đây thăm huynh? Người ta chỉ là theo thuyền của Lê thúc phụ đi xem cuộc tỉ kiếm giữa huynh và Vũ Tùng, nhân đó chu du cho biết đất nước và con người miền Trung này thôi. Phải không Lê thúc thúc?

Lê Trung cười ha hả nói:

- Ừ, ừ, tiểu a đầu này chỉ là đi thăm phủ Quy Nhơn thôi chứ không phải thăm người ở Quy Nhơn đâu. Ha ha...

Hồng Y Nữ nghe giọng cười của Lê Trung, thẹn quá nên vùng vằng:

- Cháu nói thật mà, thúc thúc cười mỉa cháu hoài.

Trần Lâm vội nói:

- Thôi được rồi, Liên muội không phải ra thăm huynh cũng được, miễn gặp lại muội là huynh thấy vui lắm rồi. Trần môn chủ dạo này ra sao? Cả Dương huynh nữa, thế nào?

- Gia phụ vẫn khỏe, người nhắc đến Lâm huynh luôn. Dương huynh cũng vậy, mọi người ai cũng nhớ Lâm huynh vậy mà huynh thì cứ ở miết ngoài này không chịu vào thăm lấy một lần.

Nói đến đây nàng giả bộ giận hờn, trông lại càng duyên dáng đáng yêu hơn. Khi mọi người đã yên vị trong đại sảnh, Lía lên tiếng:

- Quan binh phủ Quy Nhơn đang chuẩn bị tấn công Truông Mây, nay được các vị lên đây trợ giúp thật là một điều may mắn. Lía tôi biết nói lời cảm ơn là không cần thiết, chỉ mong tất cả chúng ta đồng tâm hiệp lực cùng nhau tiêu diệt bọn tham quan và triều đình mục nát này để cho dân chúng sớm thoát khỏi cảnh lầm than. Hôm nay mọi người đường xa đã mệt, chúng ta hãy uống vài ly rượu mừng gặp mặt, ngày mai bàn đến công việc sau.

Nói xong, chàng sai người dọn thức ăn và rượu lên. Tiệc tan, Lam Tiểu Muội đưa Hồng Y Nữ về trại của mình. Cha Hồ sai người thu xếp chỗ ở cho những người mới lên trại. Trần Lâm gọi Tín Nhi lại hỏi thăm về Phan Sinh. Tín Nhi lấy một phong thư ra trao cho Trần Lâm và nói:

- Phan huynh bảo Tín Nhi trao phong thư này cho Lâm ca, mọi việc được trả lời đầy đủ trong ấy.

Trần Lâm vội mở phong thư ra xem. Nội dung bức thư như sau:

“Tiểu đệ Phan Sinh phúc đáp thư cho Lâm huynh rõ.

Nhận được thư mời của Lâm huynh, lòng đệ như sôi lên bầu nhiệt huyết, những muốn chắp cánh bay nhanh để có thể đến đó cùng huynh góp một tay đội đá vá trời. Tuy nhiên, cha mẹ đệ nay tuổi hạc đã cao, đệ lại là đứa con duy nhất trong nhà nên khó bề sắp xếp. Cha đệ lại thuộc dòng thư hương, bao đời theo đòi nghiên bút nên chí hướng của đệ đưa ra không hợp với suy nghĩ của người. Hoàn cảnh của đệ không được tự do như các huynh đệ ở đó nên dù lòng nóng như lửa nung cũng đành phải khoanh tay.

Vài lời đáp tạ, mong Lâm huynh hiểu và tha thứ. Đệ lúc nào cũng nghĩ đến huynh. Mong ngày tái ngộ. Chúc Lâm huynh đại công sớm cáo thành.

Phan Sinh kính bút!”