Én Liệng Truông Mây - Hồi 34 - Phần 2

Trần Lâm đọc thư xong thở dài:

- Đáng tiếc, thật đáng tiếc! Phan huynh có nhắn gì thêm nữa không?

Tín Nhi nói:

- Không, chỉ nói là rất mong được gặp Lâm ca. Mà trông Phan huynh buồn và tiều tụy lắm, như kẻ thất tình vậy đó.

Trần Lâm ngạc nhiên:

- Vậy sao? Thế cũng lạ, huynh ấy là người vui vẻ yêu đời lắm kia mà.

Tín Nhi cười ra vẻ bí mật. Trần Lâm hỏi:

- Đệ có gì bí mật chưa nói ra phải không? Nói cho ta nghe đi. Chuyện gì vui vậy?

- Phan huynh thất tình thật đó. Ốm tương tư.

- Thật à? Làm sao đệ biết được?

- Lâm ca quên mất biệt danh của Tín Nhi rồi à? Có việc gì Tín Nhi này muốn biết mà không được. Hi hi...

- Ta tin đệ rồi. Chuyện thế nào?

Tín Nhi nói:

- Nghe nói rằm tháng giêng hai năm trước Phan huynh lên chùa Linh Phong để viết câu đối liễn thì có một nàng tiên Giáng Hương giáng phàm ghé xem. Nàng tiên nhìn thấy chữ viết của Phan huynh như rồng bay phượng múa nên đã khen rằng: “Diệu thủ! Chữ viết này dù Vương Hy Chi đời Tống và thiếp Lan Đình cũng không thể sánh kịp”. Chỉ vậy thôi mà từ đó Phan huynh như người mất hồn, ngày nào cũng thơ thẩn trở lại chùa Linh Phong, đến nơi kỳ ngộ mong tìm lại nàng tiên ấy. Nhưng tiên đâu chẳng thấy, chỉ thấy Phan huynh buồn bã thổi sáo suốt đêm trường, ròng rã hai năm nay rồi đó. Hi hi...

Trần Lâm đã biết chuyện nhưng vẫn thích thú hỏi:

- Đệ làm cách nào mà biết rõ như vậy?

Tín Nhi cười khúc khích nói:

- Lâm ca còn nhớ cái quán rượu Chiêu Anh không? Đệ tìm ra mọi thứ ở đó đó. Phan huynh giờ là khách thường xuyên của quán. Mà cô chủ quán cũng thật là xinh, Lâm ca nói có đúng không?

- Ta không để ý. Mà đệ đã khen thì nhất định phải đẹp rồi. Cảm ơn đệ đã lo tròn những việc ta nhờ.

Đêm đó Trần Lâm mời Lê Trung về phòng mình, hai chú cháu uống trà nói chuyện suốt đêm. Trần Lâm hỏi:

- Mấy năm nay công việc ở Cao gia thế nào? Cao trang chủ và Hồng muội vẫn bình an chứ? Anh em thủy thủ vẫn khỏe cả chứ? Cháu thật nhớ họ.

Lê Trung nói:

- Anh em thủy thủ vẫn khỏe, họ nhắc đến cháu luôn. Công việc kinh doanh của Cao gia ngày càng khó khăn hơn vì luật thuế mới của tên Quốc phó đưa ra quá nặng nề. Các thương nghiệp vừa phải gánh nặng việc đóng thuế vừa phải đối đầu với sự sách nhiễu của bọn thu thuế. Ai có thân thế lớn còn chịu đựng được, những kẻ kinh doanh nhỏ đang dần dần đi đến phá sản, dẹp nghề. Họ kêu trời không thấu. Bởi vậy, vụ Hoàng Công Đức bị cắt đầu là một vố rất nặng cho Cao Đường, nhất là chuyện phát triển cảng thị Quy Nhơn. Nay ta lại ra đi, không biết dượng nó sẽ xoay xở thế nào. À, Đại Hồng giờ ra sao?

- Hồng tỉ vừa mới thành hôn với đại ca mấy hôm trước. Chú lên đây sớm mấy bữa là có thể dự tiệc vui ấy rồi.

Lê Trung ngạc nhiên:

- Vậy sao? Nhưng mà như thế cũng hay. Lía là tay hào kiệt đời nay, Đại Hồng có duyên may như thế thật là người có phúc phận. Còn hơn phải sống với tên bị thịt Hoàng Công Đức. Cháu có biết nó chịu về làm thiếp cho tên họ Hoàng ấy một phần cũng là vì cháu không?

Trần Lâm buồn bã trả lời:

- Cháu có linh cảm như thế.

- Đó là sự thật, nhưng dù sao chuyện cũng đã qua rồi. Chỉ tội nghiệp cho Tiểu Hồng.

- Tiểu Hồng thế nào?

- Từ sau ngày tiễn cháu đi, nó buồn lắm, định đi tu nhưng vì thương cha nên ở lại gia trang, suốt ngày vui với câu kinh tiếng kệ. Nhớ lời hứa với Lía và cháu, nó ra tay cứu trợ người nghèo không tiếc của. Cao Đường xót ruột lắm nhưng vì thương con gái nên đành im lặng. Tội nghiệp, đời nó cũng đáng thương như mẹ nó vậy.

- Chắc Tiểu Hồng oán trách cháu nhiều lắm. Cháu thật không biết phải nói thế nào. Người như Hồng muội rất hiếm thấy trên thế gian này. Nhưng mỗi người có một phần số, một định mệnh. Lòng cháu bây giờ chỉ có mỗi một ý nghĩ là làm sao giải thoát cho được sự đau khổ của ức vạn dân đen ngoài kia. Tuy là chuyện vô tình nhưng không biết mai sau cháu có phải trả giá vì những món nợ ân tình mà mình đã gieo rắc hôm nay không?

- Làm trai như thế mới đáng là trai. Chuyện mai sau biết thế nào được. Đời người nguyên sơ như một quả bóng, nay phồng lên nơi này thì phải chịu lõm vào ở một nơi khác. Cho nên khi đối diện với nơi lõm thì cũng đừng cho là tai họa. Đó chỉ là sự tất yếu của luật bù trừ trong cuộc sống mà thôi.

- Cháu hiểu như vậy nhưng dù sao cũng vẫn thấy rất băn khoăn.

Lê Trung chợt thở dài:

- À, lại còn chuyện của Hồng Liên nữa. Con bé này nhất định không chịu lấy ai, chỉ một mực chờ đợi cháu đó. Chuyến này Trần huynh nói gì cũng không cản được nên đành phải để nó theo chú ra ngoài này gặp cháu.

- Hồng Liên với Dương Quán Nhật là một cặp trời sinh, cháu chỉ xem nàng như bạn, như em gái và đã có ý dàn xếp giúp họ. Nhưng cô gái này được nuông chiều từ nhỏ nên tính khí bồng bột lắm, chỉ hi vọng rồi họ sẽ thành đôi.

Lê Trung uống cạn chung trà xong cất tiếng than:

- Số mạng quả là số mạng! Con người dẫu tài giỏi đến đâu cuối cùng rồi cũng bó tay trước số mạng. Hà!

Rồi ông chuyển đề tài hỏi:

- Về việc Truông Mây, kế sách lâu dài cháu tính thế nào?

Trần Lâm rót thêm trà vào chung cho hai người rồi nói:

- Đây là vấn đề cháu lo lắng nhất. Đại ca là người chính danh hiệp sĩ, kiến nghĩa dũng vi, thấy việc bất bình ra tay tương trợ. Đối với triều đình mục nát của Chúa Nguyễn, đại ca cương quyết muốn tiêu diệt đi để cứu lấy đám dân lành. Tất cả thủ lĩnh cũng như nghĩa sĩ ở Truông Mây đều nghĩ vậy. Tuy nhiên, làm như thế chỉ được lòng dân mà không thể thu phục được lòng của hầu hết những kẻ sĩ đương thời, những người có tư tưởng “ăn cơm chúa phải múa tối ngày”. Bởi những người này lúc nào cũng bo bo giữ cái đạo quân thần, ơn vua lộc nước, sống chết với hai chữ ngu trung.

- Thế còn cháu nghĩ sao?

Trần Lâm thong thả trả lời:

- Truông Mây là nơi tụ hội những người hiệp sĩ vì bất mãn hay bị bạc đãi bởi chế độ đương thời, họ hầu hết là những người nặng về võ nghiệp. Trong mắt mọi người ở đây, triều đình Chúa Nguyễn Đàng Trong và Lê - Trịnh Đàng Ngoài chỉ toàn là những phường bóc lột dân đen, ngồi trên hưởng phước. Nghĩa sĩ Truông Mây không để ý đến cái đạo quân thần hay trung quân gì gì cả. Họ chỉ muốn dẹp tan cái chế độ thối nát này để lập lên một chế độ mới sao cho tầng lớp dân đen cùng khốn có được cơm no áo ấm. Vì thế, khi bàn đến danh nghĩa của cuộc nổi dậy, tất cả đều ủng hộ chính sách lật đổ chế độ đương thời một cách không khoan nhượng. Điều này gây khó khăn cho cháu trong việc mời gọi một số kẻ sĩ mà đa số họ chỉ muốn tiêu diệt tên Quốc phó Trương Phúc Loan để giúp Chúa Nguyễn xây dựng lại kỷ cương như thời thịnh trị xưa kia.

Lê Trung hỏi chặn:

- Cháu đã tiếp xúc với những ai rồi?

- Cháu định chuyến về Phú Xuân vừa rồi sẽ mời bang chủ bang Hành Khất Trần Đại Bằng về hợp tác với Truông Mây vì tai mắt của họ rộng khắp, lại có thể nhờ đó mà kêu gọi những dân nghèo ủng hộ. Nhưng khi gặp Tiểu Phi cháu mới biết Trần Đại Bằng quyết chí tôn phù Chúa Nguyễn, ông ta chỉ muốn tiêu diệt Trương Phúc Loan thôi. Thế là cháu bỏ ý định gặp ông ta. Cả người sư đệ của ông ta là giáo Hiến hiện ở An Thái cũng thế, lúc ban chiều nhìn mặt Đinh thúc buồn xo, cháu đoán chắc là đã hỏng sự, không mời được ông ta. Để mai cháu hỏi lại rõ ràng xem thế nào. Mới đây ở Bồng Sơn có danh sĩ Đặng Đức Siêu, tuổi trẻ tài cao vừa đỗ hương cống kỳ này, cháu nghe danh tìm đến thử ướm lời nhưng họ Đặng cũng quyết ý giữ lấy chữ trung quân. Nghe đâu anh ta được Chúa Nguyễn bổ nhiệm về làm trong viện hàn lâm. Vậy đó, cái khó khăn của Truông Mây bây giờ là tuy đã có đủ những người dũng sĩ xông pha ngoài chiến trận nhưng lại thiếu những kẻ vận trù bên trong. Chú có cao kiến gì không?

- Dung hòa cả hai. Trước hết hãy lấy việc tiêu diệt Phúc Loan để cởi cái ách cho nhân dân làm mục đích. Sau đó, tùy cơ mà ứng phó với tình hình mới. Làm như thế thì vừa thỏa mãn được sự quyết liệt của những người cùng khổ vừa an lòng được kẻ sĩ trong thiên hạ.

- Diệt xong Phúc Loan rồi chúng ta sẽ làm gì?

Lê Trung hớp một hớp trà rồi nói:

- Việc binh là việc biến trá. Nếu chúng ta hết lòng vì quốc gia, dân tộc thì thời cơ đến đâu ta xoay chuyển đến đó. Bậc đại anh hùng là người biết đạp lên trên những thành kiến cũ để tiến lên và xây dựng cái mới lớn hơn, tốt đẹp hơn.

- Cảm ơn lời chỉ dạy của chú. Ngày mai chúng ta sẽ họp tất cả đầu lĩnh lại để bàn về việc này.

Sáng hôm sau, mọi người đều đã tề tựu về đông đủ tại đại sảnh. Trần Lâm sai người đưa Cung Bản Vũ Tùng cùng Hồng Y Nữ đi thăm quan những nơi có cảnh trí đẹp của Truông Mây, số đầu lĩnh còn lại họp bàn việc đối phó với cuộc chiến sắp tới. Lía nói:

- Hôm nay có mặt đầy đủ anh em ở đây, chúng ta sẽ bàn thảo kế hoạch trước mắt để đối phó với cuộc tấn công của quan binh sắp tới. Sau đó là kế sách lâu dài của Truông Mây. Mọi vấn đề sẽ do Lâm đệ chủ trì và chúng ta cùng nhau thảo luận.

Trần Lâm lên tiếng:

- Việc đối phó với cuộc tấn công sắp tới tôi đã có dự tính rồi, nhưng còn phải chờ xem địch tấn công thế nào rồi chúng ta sẽ có kế sách ứng chiến sau. Trương Độ là tướng tài của phủ Quy Nhơn, nếu chúng ta có thể thuyết phục được hắn theo về với Truông Mây thì cả dải đất từ Thạch Tân đến sông Phù Ly coi như đã thuộc về tay chúng ta. Việc đó ta sẽ tùy cơ ứng biến. Việc quan trọng bây giờ là sau khi phá tan được đội quân Lại Khánh, chúng ta sẽ thừa cơ dựng cờ khởi nghĩa để đập tan ách thống trị thối nát của triều đình Chúa Nguyễn cứu dân lành. Nhưng khi dựng lá cờ lên, chúng ta phải có chiêu bài cho lá cờ đó. Muốn khởi nghĩa thì phải có mục tiêu chính đáng và lâu dài. Xin mọi người đưa ra ý kiến để chúng ta thống nhất tiêu chí hành động. Chưa thống nhất được tiêu chí thì việc khởi nghĩa chưa thể thực hiện.

Lía nói:

- Chúng ta sẽ là những người đại diện cho đám dân cùng khổ để cùng với họ đứng lên đạp đổ cái triều đình thối nát này, lập nên nền cai trị mới sao cho mọi người có đủ cơm no áo ấm. Đó là tiêu chí của Truông Mây.

Bọn cha Hồ, chú Nhẫn, Lưu Đằng, Hồ Bân và Văn Bảo đều lên tiếng tán thành ý kiến của Lía. Trần Lâm lại nói:

- Đồng ý đó là mục đích cuối cùng mà chúng ta phải làm. Nhưng trước mắt, nếu ta đưa ra cương lĩnh như thế sẽ chỉ có đám dân đen cùng khổ ủng hộ còn lớp kẻ sĩ trong thiên hạ lại chống đối. Họ là những người chỉ biết trung thành và muốn bảo vệ nhà chúa vì họ cho rằng mảnh đất này là của dòng họ Chúa Nguyễn. Không có họ, cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Lía hỏi:

- Làm thế nào để có được họ?

- Để họ theo về với chúng ta thì chưa chắc, nhưng ít nhất cũng phải tìm cách tránh được sự đối kháng của họ.

Cha Hồ lên tiếng:

- Vậy chúng ta phải làm sao?

Trần Lâm theo cách lý luận đã trao đổi với Lê Trung đêm qua chậm rãi giải thích:

- Để giành được sự ủng hộ của cả hai tầng lớp dân nghèo và kẻ sĩ chúng ta cần phải hô hào tiêu diệt tên Quốc phó Trương Phúc Loan vì phần lớn cơ sự đều do hắn mà ra. Hay nói đúng hơn, tên này là mối căm thù chung của tất cả mọi người, lấy hắn làm mục tiêu thì chúng ta sẽ không còn gặp sự chống đối nào cả.

Đinh Hồng Liệt chen vào:

- Như thế ngọn cờ khởi nghĩa sẽ mang chiêu bài tiêu diệt Trương Phúc Loan, ủng hộ Chúa Nguyễn?

- Chỉ nên là tiêu diệt Trương Phúc Loan thôi, chúng ta không cần phải nói đến việc ủng hộ nhà chúa.

Hồng Liệt gật gù tán thưởng:

- Hay lắm! Như thế thì sẽ có đường tới mà cũng có đường lui.

Trần Lâm lại hỏi:

- Các anh em có ý kiến gì khác không? Phương Tích huynh, ý huynh thế nào?

Lưu Phương Tích phe phẩy cây quạt nói:

- Như thế là hợp với tình thế hiện nay nhất rồi. Việc sau này cứ thuận theo dòng nước, để cho nó cuốn phăng tất cả rồi ta sẽ xây dựng lại cái mới. Những kẻ chống đối không còn chỗ dựa ắt sẽ phải qui về theo ta mà thôi.

Lía quyết định:

- Thống nhất như vậy đi!

Trần Lâm nói:

- Như thế thì sau khi phá tan đạo quân của Trương Độ, chúng ta sẽ cho truyền hịch để bố cáo cùng thiên hạ mục tiêu khởi nghĩa của Truông Mây. Rồi tiến chiếm các lỵ sở từ đèo Thạch Tân qua núi Bích Khê xuống đến cửa An Dũ. Đây sẽ là cơ sở căn bản để chúng ta tiến chiếm phủ Quy Nhơn. Chiếm được phủ Quy Nhơn, ta sẽ có đủ lực lượng để đánh lấy Quảng Ngãi và Quảng Nam cùng Diên Khánh.

Nghe Trần Lâm nói kế sách lâu dài, ai nấy đều phấn khởi vô cùng. Mọi người bỗng thấy hào khí bốc lên nên cùng vỗ tay tán thưởng và đồng thanh nói:

- Nhất định chúng ta sẽ làm được như thế! Nhất định!

Trần Lâm lại nói tiếp:

- Muốn làm được như thế chúng ta phải có một tổ chức thống nhất, có thứ bậc trên dưới đàng hoàng, kỷ luật nghiêm minh. Tôi xin nêu ra cách phân bố các vị trí tổ chức như sau để mọi người tham khảo. Đệ nhất trại chủ có đại ca Lía và Hồ Bân phụ tá; đệ nhị trại gồm cha Hồ và chú Nhẫn; đệ tam trại gồm Trương Bàng Châu và Trương Văn Bảo; đệ tứ trại có chú Đinh Hồng Liệt và Lưu Đằng. Mỗi trại có bốn trăm nghĩa binh và hai mươi kỵ binh cùng một số ít quân trong lực lượng đặc biệt. Thiên Tường thống lãnh đội quân thiết kỵ hai trăm người ngựa. Tôi và Lam Tiểu Muội xin đảm trách toán quân thám báo, lo kế sách chung cho toàn trại. Chú Lê Trung lo lương thực cho nghĩa binh và điều hành quân trường luyện tập cho tân binh. Lưu Phương Tích lo việc văn thư sổ sách. Anh chuẩn bị tờ hịch bố cáo thiên hạ trước đi. Ngày dùng đến nó không còn xa nữa đâu.

Trần Lâm lại hỏi mọi người:

- Về lá cờ nghĩa quân, chúng ta dự định hình thức như thế nào?

Lía hỏi:

- Đệ đã có chủ ý gì chưa, nếu có thử đưa ra xem?

- Đệ dự kiến lá cờ sẽ có hình chữ nhật, nền cờ màu vàng đại diện cho màu da vàng của chúng ta, chính giữa là một mặt trời màu đỏ tượng trưng cho chính nghĩa của Truông Mây. Mọi người thấy thế nào?

Cha Hồ lên tiếng tán đồng:

- Ý rất hay! Vừa đẹp vừa ý nghĩa. Tôi tán thành.

Mọi người cũng đồng thanh:

- Thống nhất như vậy đi!

Trần Lâm nói:

- Như vậy là thống nhất về lá cờ. Phương Tích huynh lo luôn vụ này cho kịp nhé. Còn việc phân bố trại và trách nhiệm, mọi người có ý kiến gì không?

Tất thảy đều lên tiếng đồng ý. Lía thấy không có ai phản đối bèn nói:

- Như vậy từ nay cứ theo sự phân phối đó mà thi hành. Mọi hành động sai phạm sẽ chiếu theo quân luật để xử trị nghiêm minh, không phân biệt thân sơ. Hôm nay chúng ta đã cùng chung chí hướng thì hãy cùng nhau cắt huyết ăn thề, đồng sinh đồng tử vì sự nghiệp chung. Mọi người đồng ý không?

Tất cả mọi người đều lên tiếng:

- Đồng ý!

Lía sai người đem một thau rượu đến rồi tự mình cắt tay nhỏ máu vào đó trước, sau đó lần lượt từng người cắt máu mình nhỏ vào thau. Lía dùng ly nhỏ múc đầy một ly rượu máu nói lớn:

- Hôm nay, chúng tôi tại Truông Mây cùng nhau uống máu ăn thề, nguyện cùng nhau đồng sinh đồng tử khởi nghĩa tiêu diệt bọn cường quyền mang lại ấm no hạnh phúc cho muôn dân. Nếu ai phản bội anh em sẽ bị trời tru đất diệt.

Lía uống cạn ly rượu. Mọi người đều nhất loạt tuyên thệ. Cuộc hội thề Truông Mây đánh dấu ngày khởi nghĩa của những hiệp sĩ mang trong lòng bầu nhiệt huyết muốn cứu đám dân nghèo đang rên xiết dưới ách thống trị tàn khốc của cả hai phủ Chúa ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đó là một ngày giữa mùa xuân năm Mậu Tý 1768, năm Cảnh Hưng thứ 29, Vua Lê Hiển Tông, Đàng Trong nhằm năm thứ 3 thời Chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần.