Én Liệng Truông Mây - Hồi 39 - Phần 1

Hồi thứ ba mươi chín

Lửa cháy cốc Hồ Lô, Tống Phước Hiệp kinh tâm táng đởm
Quyết dẹp cướp Truông Mây, Đỗ Thành Nhơn lặn lội cầu hiền.

Sáng hôm sau, khắp hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lan truyền nhanh chóng hai tin tức nóng hổi của cuộc chiến giữa bọn cướp Truông Mây và quân phủ Chúa Nguyễn. Tin thứ nhất là kho lương thực Long Phượng của huyện Mộ Hoa đã bị thiêu rụi chỉ trong một đêm, quan đề lĩnh giữ kho là Lương Bát Vạn, người được cả phủ Quảng Ngãi phong tặng danh hiệu Quảng Ngãi đệ nhất cao thủ Quỷ Kiếm Ma Đao đã bị một thiếu niên mới mười sáu tuổi của nghĩa binh Truông Mây là Tiểu Thâu Nhi Tín Nhi một kiếm giết chết tại đương trường. Tin thứ hai là đại quân bốn ngàn người của danh tướng Nguyễn Phúc Hương chỉ trong một trận đã bị cánh quân ít ỏi của Truông Mây tiêu diệt gần hết.

Quan trấn thủ của hai phủ hết sức lo sợ, trong khi nhân dân lại hết sức vui mừng. Họ ca tụng, họ thêu dệt, thêm thắt đủ điều khiến cho những chiến thắng trở thành huyền thoại. Họ tung hô chàng thiếu niên Tiểu Thâu Nhi bằng những ngôn ngữ “kêu” như pháo nổ và tặng cho cái danh hiệu Nhất kiếm chấn Mộ Hoa Tiểu Thâu Nhi Tín Nhi. Họ đồn nhau rằng đó là một con người tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất đảm lược, nghĩa khí can vân, dù chết cũng không bỏ bạn và chỉ với một chiêu kiếm Nhất điểm hồng đã đâm thủng yết hầu của Quảng Ngãi đệ nhất cao thủ Quỷ Kiếm Ma Đao.

Có tin lại nói rằng nghĩa binh Truông Mây có thần nhân đến giúp bày ra Bát quái trận đồ đã thất truyền từ gần hai ngàn năm trước, khiến đại binh của Nguyễn Phúc Hương như đàn cừu non ngơ ngác chui vào lò mổ để cho nghĩa binh tha hồ chém giết. Nếu trời đất không rộng đức hiếu sinh mang đến một cơn mưa dữ dội cùng sấm sét đánh vào trận thì cả đại quân ắt sẽ không còn một ai sống sót.

Nghe tin, Nguyễn Khắc Tuyên và Lưu Khâm hoảng hốt truyền cho Phan Ngọc Chánh vừa mới xuất quân đi phải trở về phủ Quy Nhơn gấp để bàn định lại kế hoạch.

Chỉ có cánh quân của Cai cơ Tống Phước Hiệp cùng phó tướng Nguyễn Văn Hưng và tiên phong Nguyễn Khoa Kiên đang từ Tây Sơn theo đường thượng đạo kéo quân vào vùng núi rừng Vĩnh Thạnh còn chưa hay biết. Khi qua khỏi núi Hòn Bong, sắp vào địa giới Kim Sơn thì trời đã hoàng hôn, Tống Phước Hiệp lệnh cho ba quân hạ trại nghỉ ngơi. Đêm đó ông họp hai tướng nói:

- Ngày mai chúng ta đưa quân qua đèo Giốc Đót là đã vào vùng Kim Sơn. Theo bản đồ của phủ Quy Nhơn cung cấp thì từ đây chúng ta có hai đường để vào Truông Mây. Đường thứ nhất là tiếp tục men theo thượng đạo lên mé tây của Kim Sơn rồi đổ xuống. Đường thứ hai là xuống phía đông theo đèo Màn Lăng mà vào Thạch Khê ở mặt nam của Truông Mây. Theo hai ông thì chúng ta phải làm thế nào?

Nguyễn Văn Hưng nói:

- Từ thượng đạo, nếu muốn xuống thành Truông Mây núi non trập trùng hiểm trở, rất khó cho đại quân của ta. Đèo Màn Lăng tuy dốc cao nhưng ít hiểm trở hơn, lại không dài lắm, chừng bốn, năm dặm (6 - 7km), có thể đưa đại binh qua được. Qua đến Thạch Khê là vào đến nguồn Trà Đanh, nơi thượng nguồn của dòng Kim Sơn rồi.

Phước Hiệp hỏi:

- Nếu giặc cho quân án ngự đỉnh đèo Màn Lăng thì sao?

Nguyễn Văn Hưng đáp:

- Bọn cướp Truông Mây chẳng có bao nhiêu quân mà phải chia ra bốn mặt trận nên ở đây chắc không còn được bao nhiêu. Chúng lại phải lo phòng thủ thành Truông Mây cho nên dù có quân đóng ở đỉnh đèo cũng sẽ rất ít. Chúng ta cho vài toán quân leo núi bất thần đánh úp hai bên đỉnh đèo là có thể bắt được bọn giặc.

Tống Phước Hiệp khen:

- Tướng quân suy tính như thế rất hay. Vậy tôi cấp cho tướng quân và Khoa Kiên hai ngàn quân đi ngả Màn Lăng vào Trà Đanh. Phần tôi sẽ dẫn ngàn quân qua đèo Giốc Đót để tới Kim Sơn. Tôi tin bọn cướp sẽ không ngờ chúng ta lại theo ngả Giốc Đót đánh vào vì đường đi ở đó rất hiểm trở. Cánh của tướng quân e sẽ gặp sự kháng cự mạnh mẽ đấy, hai vị nên cẩn trọng.

Nguyễn Khoa Kiên nói:

- Đường bên đó hiểm trở, chủ soái phải thật cẩn thận mới được.

Phước Hiệp cười nói:

- Tuy đường hiểm trở nhưng ta đi vào chỗ không người thì còn dễ hơn hai người đi đường thông đạo mà lại gặp phải sự kháng cự của địch. Đó là kỹ thuật áp dụng chính binh và kỳ binh. Người thiện chiến đi vào chỗ không người, đánh vào nơi địch không phòng bị là nhờ áp dụng tinh vi kỳ binh và chính binh, hai người phải nhớ kỹ điều này. Dù sao tất cả cũng nên cẩn thận, đừng khinh địch là tốt hơn hết.

Nguyễn Văn Hưng nói:

- Được theo chiến đấu bên tướng quân chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều.

- Thôi hãy nghỉ ngơi để rạng sáng ngày mai còn lên đường.

Tống Phước Hiệp tuy tính toán rất hay nhưng chiến thuật hành quân của ông ta không qua khỏi tai mắt của toán thám báo Truông Mây đang ẩn nấp khắp nơi tại vùng Vĩnh Thạnh - Kim Sơn. Tin hai cánh quân của Phước Hiệp đưa về Truông Mây, cùng lúc Trần Lâm từ Thạch Tân cũng về đến nơi. Trần Lâm vỗ tay nói với Lía:

- Vậy là Tống Phước Hiệp chọn con đường mà chúng ta đã chọn. Phen này đại ca có dịp ra oai cho danh tướng nhà Nguyễn phải dập đầu bái phục chàng Lía Truông Mây rồi.

Lía hỏi:

- Tống Phước Hiệp đem theo cả ngàn bộ binh và kỵ binh, đệ nghĩ với năm mươi quân thiết kỵ của ta có thể cầm cự được không?

- Thắng thì không nổi nhưng cầm cự một thời gian rồi bỏ chạy thì không khó. Có điều để an toàn hơn, đệ sẽ cho hai trăm cảm tử quân phục sẵn ở đó phòng trường hợp đại ca gặp nguy hiểm hoặc nếu Tống Phước Hiệp không chịu chui vào rọ thì họ sẽ liều chết để đánh ép chúng vào. Ở địa bàn rừng núi như thế, đánh cận chiến có lợi hơn thiết kỵ. Vậy nên toán cảm tử quân này còn mạnh hơn ngàn quân thiện chiến của họ Tống chỉ quen đánh ở nơi đồng bằng miền Nam.

- Lần này ta hứa sẽ thiêu rụi bọn Tống Phước Hiệp, trừ phi trời can thiệp vào thì đành chịu thôi.

Trần Lâm cắt đặt mọi việc cho toán của Lía và cảm tử quân xong cả bọn hớn hở ra đi. Quay sang Hồ Bân, Trần Lâm nói:

- Đèo Màn Lăng dốc cao nên việc phòng thủ chặn không cho địch qua rất dễ. Đệ tin chắc địch sẽ cho quân lén vượt núi để tập kích đồn canh trên đỉnh đèo của chúng ta. Đệ đã cho Thiên Tường đem theo năm trăm bộ binh và ba trăm kỵ mã đến đó mai phục trước rồi, giờ tam ca tức tốc mang theo trăm kỵ mã đến hợp với số anh em trấn thủ đèo. Đêm nay hãy kéo phục binh ra bên ngoài, bỏ trại trống cho họ vào cướp. Chừng đó ta cứ im lìm đổ phục binh ra bắt cho kỳ hết bọn chúng, xong lợi dụng đám lính đó để dụ đại binh của Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Khoa Kiên lên đèo. Khi họ lên đến giữa đèo, trước tiên là cho cung nỏ từ hai bên núi bắn ra, sau đó đổ quân từ trên đỉnh đánh xuống, nếu không tiêu diệt được toàn bộ, đệ tin ít nhất cánh quân này cũng sẽ tan rã.

Hồ Bân vui mừng nói:

- Đã có kế hoạch như vậy mà không phá được giặc thì Hồ Bân này há trở nên một tên vô dụng nhất đời hay sao? Ha ha...

- Tuy kế hoạch có vẻ chu toàn nhưng trong chiến tranh mọi việc bất ngờ đều có thể xảy ra, tam ca phải hết sức cẩn thận, đừng có khinh địch.

- Được, ta nghe lời của đệ.

- Tam ca đi gấp đi. Đệ phải đi giúp đại ca một tay, không thể để có điều sơ suất cho đại ca được.

- Được, ta đi ngay bây giờ.

Bèn hăng hái phóng lên ngựa cùng toán kỵ mã lao vút ra khỏi Truông Mây, phút chốc đã mất dạng. Trần Lâm bước ra cửa định nhảy lên con Ô Truy để đi giúp cho Lía bỗng có tiếng nói trong trẻo vang lên:

- Mọi người đi cả, bỏ trống nơi đây nếu lỡ bọn giặc lẻn vào ta biết làm sao?

Trần Lâm giật mình quay lại, Đại Hồng từ bên trong chậm rãi bước ra. Chàng vội cúi chào:

- Chào đại tẩu, đại tẩu mạnh khỏe chứ?

Đại Hồng nở nụ cười đẹp mê hồn đáp:

- Ta vẫn khỏe, Lâm đệ thì sao? Mới nghe tin đệ đại thắng một trận kinh thiên hôm qua, nay lại phải về đây chiến đấu tiếp. Dù đệ có là con người sắt đá cũng sẽ không chịu đựng nổi đâu.

- Cảm ơn đại tẩu quan tâm. Gặp lúc cần ra sức thì phải hết sức. Đệ còn chịu đựng được, đại tẩu không phải ngại.

- Được rồi. Nhưng các người bỏ đi hết lỡ quân giặc vào đây thì ta phải làm sao?

- Đại tẩu khỏi lo việc ấy. Đệ biết chắc là sẽ không có cánh quân nào của địch có thể lọt vào đây được đâu. Nếu có thì cũng chỉ một vài tên cao thủ lẻ tẻ đến làm thích khách, nhưng những kẻ ấy không có gì đáng ngại.

- Cao thủ thích khách của địch mà không đáng ngại à? Đệ có bày trận thiên la địa võng ở đây sao?

- Gần như vậy.

Đại Hồng tròn xoe mắt có vẻ không tin:

- Gần như thiên la địa võng à? Sao ta thấy vắng vẻ im lìm như thành không nhà trống vậy?

Trần Lâm không trả lời mà đưa tay vỗ ba phát. Lập tức, như từ trên trời rơi xuống, xuất hiện bốn nhóm người, mỗi nhóm gồm bảy kiếm sĩ mặc toàn đồ đen. Họ như những bóng ma từ khắp mọi nơi bay vút đến, đứng xếp hàng trước mặt Trần Lâm và Đại Hồng rồi cúi đầu chào:

- Xin chào thủ lĩnh phu nhân, chào quân sư.

Đại Hồng vô cùng kinh ngạc vì lâu nay nàng chưa hề thấy những người này bao giờ. Nàng cúi đầu chào lại, ngơ ngác nhìn họ rồi quay ra hỏi Trần Lâm:

- Họ là những ai vậy? Sao ta chưa từng gặp mặt bao giờ?

- Họ là những người thân tín nhất của đại ca. Hai mươi tám người này lập thành bốn thất tinh kiếm trận chuyên để bảo vệ và đối phó với những kẻ đột nhập Truông Mây.

Nói xong chàng vỗ tay thêm hai cái nữa. Lập tức lại xuất hiện thêm ba cao thủ mặc toàn đồ trắng. Họ cúi đầu chào:

- Xin chào thủ lĩnh phu nhân, chào quân sư.

Đại Hồng càng ngơ ngác hơn, nàng chào họ rồi hỏi Trần Lâm:

- Lại thêm ba người lạ mặt nữa. Họ lại là những ai đây?

- Họ là ba vệ sĩ đặc biệt của đại ca và đại tẩu đó. Đại ca và đệ đã dày công huấn luyện cho họ. Ba mươi mốt người này khi cần sẽ lập thành đại trận thế nhị thập bát tú để bảo vệ cho đại tẩu. Với trận thế này, địch quân dù có đông đến hàng trăm cao thủ cũng sẽ không thể làm gì được họ.

Trần Lâm ra hiệu cho bọn vệ sĩ. Họ cúi đầu chào hai người rồi bay biến mất dạng.

Đại Hồng nét mặt rạng rỡ hỏi:

- Chỉ để bảo vệ cho ta mà cần có lắm người thế ư?

- Cho đại tẩu mà cũng cho sự an toàn của thành Truông Mây này.

- Là Lâm đệ huấn luyện các trận thế phải không?

- Đệ lập trận còn đại ca thì dạy họ võ nghệ.

Đại Hồng thở dài nói:

- Ta biết đệ từ hồi còn thơ ấu, ta thật có mắt không tròng nên mới không nhìn ra đệ là người tài khuynh thiên hạ. Hà!

- Đại tẩu vào nghỉ ngơi đi, đệ phải đi gấp để giúp cho đại ca một tay, nếu không e lỡ việc.

Nói xong chàng cúi đầu chào rồi nhảy lên lưng con Ô Truy phóng đi như cơn lốc mất dạng ngoài bờ thành. Năm mươi con chiến mã của đội thần mã hộ vệ cho chàng đang chờ bên ngoài cũng rầm rập lao vút theo. Đại Hồng đứng tần ngần nhìn theo bóng ngựa, lòng ngổn ngang bao cảm xúc phức tạp. Bấy lâu nay, tình cảm của nàng đối với Lía đã ngày càng sâu đậm nhưng mối tình đầu vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm. Nàng yêu, nàng hận, nàng tiếc nuối, nàng căm ghét... con người hào hoa, kiêu hùng, tài khuynh thiên hạ nhưng lại quá lạnh nhạt vô tình, xem thường tất cả đàn bà trên thế gian này. Sự lạnh lùng ác nghiệt đó như một sự thách thức, buộc nàng phải thao thức trăn trở vì nó càng lạnh thì tim nàng càng nóng, tình yêu trong đó càng sôi sục lên. Sự đời trớ trêu đưa đẩy nàng phải đối diện với người mình yêu trong gang tấc nhưng lòng lại cách xa ngàn dặm. Nàng chỉ còn muốn phá, muốn chiếm hữu, muốn nắm bóp nó giữa hai lòng bàn tay, ghì chặt trái tim lạnh lùng đó trong lòng, làm cho nó nóng lên cho chảy tan ra. Để làm gì thì nàng không biết, chỉ biết cái cảm giác giận hờn cứ âm ỉ rồi bùng cháy mãnh liệt mỗi khi gặp mặt nhau lại nghe người mình yêu gọi mình bằng hai tiếng đại tẩu thật tôn nghiêm kính trọng. Nàng đứng im lặng thật lâu, răng cắn chặt môi đến rướm máu mà không biết. Cho đến khi một nữ nghĩa binh đến gọi nàng về dùng bữa trưa nàng mới bàng hoàng thức tỉnh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3