Én Liệng Truông Mây - Hồi 39 - Phần 3

Hồ Bân khi đến đèo Màn Lăng, đêm đó theo kế sách của Trần Lâm mà hành sự. Buổi chiều vừa có cơn mưa lớn nên đêm đến bầu trời thật quang đãng, trên trời đầy sao, khắp núi rừng tiếng côn trùng kêu rả rích không ngớt. Khoảng canh ba, quả nhiên có hai toán quân giặc âm thầm leo núi bất thần xông vào cướp trại. Người chỉ huy toán quân đó chính là tiên phong Nguyễn Khoa Kiên. Khi bọn chúng vào đến nơi, thấy trại trống không, Khoa Kiên biết mình đã trúng kế vội hô quân rút lui. Đúng lúc đó, một tiếng pháo nổ vang, chung quanh trại đèn đuốc bỗng sáng lòa. Nghĩa quân từ bốn phía đổ ra bao vây địch. Có tiếng của Hồ Bân nói lớn:

- Bọn giặc Nguyễn chớ chạy, bọn ngươi trúng kế rồi, mau buông khí giới đầu hàng đi.

Khoa Kiên thất kinh vội vàng hô quân tấn công. Thế là trên đỉnh đèo Màn Lăng, dưới ánh đuốc lờ mờ, một trận giao chiến kịch liệt xảy ra. Hồ Bân xông đến trước mặt Khoa Kiên nói:

- Tướng giặc mau xưng tên họ đi rồi chịu chết.

Khoa Kiên vì nóng lòng muốn phá vòng vây nên vừa múa thương đâm Hồ Bân vừa nói:

- Hãy xuống Diêm Vương mà hỏi tên ta.

Hồ Bân múa đao đỡ rồi nói:

- Được, nếu ngươi muốn làm con quỉ vô danh thì ta toại nguyện cho.

Hai người nói xong đánh nhầu với nhau một trận. Trong khi đó, Thiên Tường cùng với anh em nghĩa binh vây chặt bọn lính triều đình và ra sức tiêu diệt chúng, không cho một tên nào trốn thoát. Khoa Kiên đánh nhau với Hồ Bân một lúc lâu, nhìn thấy quân mình bị tiêu diệt gần hết, hắn liệu bề không ổn nên liền giở tuyệt chiêu ra mong thoát thân.

Nguyễn Khoa Kiên vốn là con của cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên, tính ham thích võ nghệ từ bé, may gặp được kỳ nhân truyền cho tuyệt nghệ nên thân thủ rất cao. Tuyệt chiêu Hồi mã thương trước giờ Kiên chưa lần nào phải dùng tới, nay đứng trước tình thế nguy hiểm nên đành phải mang ra sử dụng để kết thúc cuộc chiến. Sau khi tung ra một chiêu quyết liệt, Kiên liền trở mình bỏ chạy. Hồ Bân tưởng hắn tính đào tẩu nên phóng người rượt theo. Tức thì, Kiên bất ngờ quay lại tung một đường thương ra phía sau đâm chéo ngay vào tim của Hồ Bân. Đường thương này tuy không phải đương lúc ngồi trên lưng ngựa nhưng Khoa Kiên sử dụng vẫn rất tài tình. Hồ Bân đang đà phóng người tới không thể nào né kịp. Cũng may Bân từng được Lía dạy cho kỹ thuật phản đà đao nên trong khoảnh khắc mành chỉ treo chuông, Bân liền vung đao từ dưới gạt mạnh lên, uốn người ngã ngửa về phía sau. Mũi thương trượt đi, tuy không đâm trúng vào tim Hồ Bân nhưng vai trái cũng đã bị mũi thương thích phải. Hồ Bân la lên một tiếng và ngã ra sau.

Thiên Tường đang lo giết giặc nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt để ý tới trận đấu giữa Hồ Bân và Khoa Kiên. Lúc thấy Hồ Bân bị trúng thương ngã xuống, chàng vội vã phóng một phi đao vào Khoa Kiên. Khoa Kiên đắc thắng, vừa định quay lại kết liễu tính mạng Hồ Bân thì bỗng nghe tiếng gió rít nên vội múa tít cây thương một vòng để đỡ. Mũi phi đao đập mạnh vào cây thương tóe lửa. Khoa Kiên giật mình kinh hãi, hắn không ham đánh nữa mà vội băng mình đến chỗ một quân kỵ của nghĩa binh gần đó và tung một thương thần tốc vào bụng tên kỵ binh rồi vít hắn văng xuống ngựa. Xong hắn phóng lên lưng ngựa thúc nó đột phá trùng vây, hô quân rút lui. Nhưng chẳng ai còn sống sót cả, hắn đành một mình phóng ngựa phi nhanh xuống chân đèo. Thiên Tường vội tung mình chạy đến đỡ Hồ Bân dậy. Lúc này Bân đã hôn mê, vai trái máu chảy lênh láng nhưng vết đâm không đến độ gây tử thương, hơi thở còn khá mạnh. Thiên Tường cho người rịt thuốc vào vết thương và tìm cách giúp Hồ Bân tỉnh lại. Lát sau Hồ Bân từ từ mở mắt ra, nhìn thấy Thiên Tường, hắn mỉm cười hỏi:

- Ta chưa chết à? Đường thương của tên khốn đó thật hiểm ác. Lần sau nếu gặp lại hắn ta quyết giết không tha.

Thiên Tường nói:

- Vết thương nơi vai của tam ca tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vết đâm khá sâu, cần phải nghỉ ngơi nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả cánh tay. Khoa Kiên đã thoát chạy về được bên đó rồi, kế hoạch của chúng ta phải bãi bỏ thôi. Đệ sẽ giữ chặt đỉnh đèo này chờ Lâm ca đến tính tiếp. Phần tam ca nên về Truông Mây tịnh dưỡng, không thể ở lại nơi này được.

Hồ Bân thở dài nói:

- Ta thật vô dụng. Mọi kế hoạch đã sắp sẵn mà còn không làm nên việc gì.

- Tam ca đừng tự trách mình. Chúng ta cũng đã tiêu diệt gọn đám lính cướp trại rồi còn gì. Nguyễn Khoa Kiên tuy còn trẻ nhưng là người nổi danh khắp Phú Yên, việc hắn thoát đi được là điều hiển nhiên, đâu phải do lỗi của tam ca.

Thiên Tường quay sang gọi ba thiết kỵ lại dặn:

- Mọi người chia nhau cố liên lạc cho được với Lâm ca, báo cáo lại tình hình ở đây và xin chỉ thị nhé.

Ba tên thiết kỵ vâng dạ vừa định ra đi thì bỗng nghe có tiếng vó ngựa từ xa chạy đến. Một lát sau đã thấy Trần Lâm cùng năm mươi người trong toán thần mã.

Thiên Tường chạy lại mừng rỡ nói:

- Lâm ca đến thì hay quá! Đệ đang lo cho tình trạng của tam ca và không biết phải làm gì sắp tới.

Trần Lâm thấy Hồ Bân bị thương liền chạy đến xem xét và hỏi:

- Tam ca thấy trong người có gì lạ không? Để đệ xem lại vết thương thế nào.

Hồ Bân nói:

- Cảm ơn đệ, ta không sao. Chỉ là vì đầu bị bản đao của mình đập mạnh vào nên bất tỉnh, còn vết thương nơi vai không hề gì đâu.

Trần Lâm xem vết thương xong nói:

- Tuy không nguy hiểm nhưng tam ca cần phải được tịnh dưỡng và chăm sóc kỹ nếu không cánh tay trái sẽ bị ảnh hưởng. Đệ cho người đưa tam ca về Truông Mây bây giờ. Mọi việc ở đây hãy để bọn đệ lo.

- Ta là tên vô dụng, chẳng giúp gì được cho đệ cả.

- Tam ca không cần tự trách. Trong chiến tranh, chuyện may rủi khó ai biết được. Tam ca về coi sóc Truông Mây cũng là việc lớn vậy.

Nói xong, chàng liền cho người đưa Hồ Bân trở về Truông Mây rồi hỏi Thiên Tường:

- Ta dẫn toán cảm tử quân từ Tử Cốc đi vòng xuống định sẽ chặn đường bọn tàn binh của Nguyễn Văn Hưng, nhưng thám báo lại cho biết là bọn họ vẫn còn đóng trại dưới chân đèo nên nghĩ chắc bọn đệ đã gặp điều trở ngại, bởi vậy ta mới đi đường núi lên đây. Tình hình ở đây diễn biến thế nào?

Thiên Tường đáp:

- Tất cả đều xảy ra đúng như ta tính toán, chỉ bất ngờ là tam ca bị thương và Nguyễn Khoa Kiên trốn thoát nên kế hoạch cuối cùng mới bị vỡ.

- Đã vậy bây giờ ta và đệ cứ mang toàn bộ anh em ở đây xông xuống tấn công vào trại địch, lực lượng cảm tử quân ta còn cho ẩn núp bên kia sẽ đánh vào mặt sau của họ. Tin bọn Tống Phước Hiệp bị bại chắc đã đến tai bọn Nguyễn Văn Hưng rồi, trong lòng chúng giờ đây hẳn chỉ còn lo đến việc rút lui chứ chẳng có tinh thần chiến đấu gì nữa đâu. Ta tấn công cùng lúc hai mặt chắc sẽ phá được chúng.

Nói rồi liền cho trăm kỵ mã băng núi trở lại giúp toán cảm tử quân, còn đích thân Trần Lâm và Thiên Tường kéo binh từ trên đèo đổ xuống tấn công trực diện vào trại địch.

Nói về Nguyễn Khoa Kiên thoát chết trở về trại gặp Nguyễn Văn Hưng và trình bày:

- Bọn giặc đã có chuẩn bị nên gài bẫy cho chúng tôi vào cướp trại rồi đổ phục binh ra bao vây. Tôi nhờ nhanh chân, hạ được tướng giặc là Hồ Bân nên mới thoát thân được. Còn toàn bộ quân lính của ta đều đã bị chúng giết sạch. Tội tôi thật đáng chết!

Nguyễn Văn Hưng nói:

- Tướng quân không cần phải tự trách mình. Cả cai cơ Tống Phước Hiệp, danh tướng lẫy lừng của Gia Định mà còn bị chúng dồn vào Tử Cốc rồi cho lửa thiêu đốt cả ngàn quân, nếu trời không đổ cơn mưa bất chợt chiều qua thì chắc ông ấy cũng đã bị thiêu chết trong ngọn lửa đó rồi. Cho nên bọn chúng ta có bị thất bại cũng không có gì hổ thẹn.

Nguyễn Khoa Kiên thất kinh hỏi:

- Tống Phước Hiệp bị bại rồi ư? Hiện giờ ông ta ở đâu?

- Ông ta hiện như người mất hồn, đang trên đường trở về phủ Quy Nhơn. Bọn giặc đốt quân ta xong, thấy trời đổ mưa cứu sống mười mấy người của Tống Phước Hiệp nên có lẽ đã động lòng mà để lại cho họ một số ngựa và thả về. Một người trong bọn họ chạy đến đây báo tin cho ta hay rồi lặng lẽ bỏ đi. Hắn nói sẽ trở về nhà sống ẩn dật, không dây vào vòng tranh chấp của thế sự nữa.

- Bây giờ tướng quân tính sao?

- Chúng ta giờ như rắn mất đầu, không thể một mình lẻ loi chiến đấu được. Vì có chiến đấu cũng chỉ hi sinh binh sĩ một cách vô ích mà thôi. Chi bằng ta cứ rút quân về Quy Nhơn rồi mọi việc tính sau.

- Vậy phải đi cho mau, nếu không bọn cướp đuổi theo và chặn hai mặt tấn công chúng ta sẽ nguy hiểm lắm.

- Đúng vậy. Hãy cho toán quân lương đi sau cùng, nếu giặc có đuổi theo cứ vung đồ quân lương quân dụng lại cho bọn chúng cướp lấy. Chúng ta hãy bảo toàn tính mạng của quân sĩ trước.

- Tướng quân thật là cơ trí. Thôi chúng ta rút lui mau.

Hai người bàn định xong liền lệnh cho ba quân cứ để yên trại đó mà rút lui thật nhanh. Khi bọn Trần Lâm kéo quân đến, đại quân của họ đã bỏ chạy khá xa chỉ còn lại những trại không. Toán cảm tử quân vì phải đợi lệnh của Trần Lâm nên khi đội thiết kỵ đến hợp quân mới đuổi theo nhưng cũng chỉ đoạt được những đồ lương thảo, khí giới. Toán quân còn lại của Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Khoa Kiên nhờ thế mà chạy về đến phủ Quy Nhơn an toàn.

Trần Lâm cho quân thu thập chiến lợi phẩm rồi chia đều cho những nghĩa binh có công tham gia trong trận chiến này, còn lương thực thu được cho mang về Truông Mây. Chàng nói với Thiên Tường cùng anh em:

- Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Khoa Kiên đều là những tướng tài. Họ bỏ chạy mà rất chu chỉnh trong phương cách, vì thế mới giúp bảo toàn được lực lượng binh sĩ. Họ đã áp dụng đúng “tẩu kế” của Tôn Tử ngày xưa. Đệ và anh em nên lưu ý điểm này.

Thiên Tường nói:

- Cảm ơn Lâm ca chỉ điểm. Đệ sẽ ghi nhớ.

- Bây giờ chúng ta kéo toàn bộ xuống Phù Ly xem tình hình của tứ ca và các cánh quân thủy ở Đề Gi, An Dũ thế nào. Đệ cho một số anh em đưa các thương binh và lương thảo về Truông Mây, dặn họ mời đại ca xuống Phù Ly luôn thể.

Thiên Tường vâng dạ rồi cho thi hành lệnh. Sau đó, họ theo đường núi từ đèo Màn Lăng kéo xuống huyện thành Phù Ly.

Trần Lâm và đội quân thiết kỵ về đến Phù Ly, chú Nhẫn cho hay quân phủ Quy Nhơn của Phan Ngọc Chánh sau khi nghe tin đại binh của Nguyễn Phúc Hương bị đại bại đã cho dừng binh lại, không tiến đánh Phù Ly nữa mà lo về phòng thủ thành Quy Nhơn. Trần Lâm thầm tiếc rẻ. Như vậy kế hoạch “phản khách vi chủ” dự định bỏ trại Phong An để lẻn vào cướp thành Quy Nhơn của Trương Văn Bảo đã không thực hiện được. Sự chết nhát của Nguyễn Khắc Tuyên và Lưu Khâm vô tình lại bảo vệ được thành Quy Nhơn.

Riêng về cánh quân ở Đề Gi, Võ Tiến và Nguyễn Cửu Thống tuy đã có mấy trận giao tranh nhưng hai bên vẫn chưa bên nào chiếm được ưu thế. Võ Tiến lúc đầu bị thiệt hại mất một số chiến thuyền và hơn năm mươi nghĩa binh nên rút về cố thủ, sau nhờ có toán quân của Đặng Thông từ An Dũ vào trợ giúp nên lực lượng có vẻ cân bằng trở lại. Lại nhờ số nỏ liên châu lợi hại nên Võ Tiến đã giữ chặt được cửa Đề Gi, Cửu Thống đánh mãi không thủng. Hiện giờ, khi nghe tin hai đạo quân kia bị thất bại, Cửu Thống đã cho rút quân vào cửa biển Quy Nhơn để trù tính kế hoạch khác.

Trần Lâm nghe báo cáo tình hình thì lòng hết sức vui mừng. Như thế nghĩa là tất cả các mũi tấn công của quân triều đình đã bị bẻ gãy. Nay họ tập trung lực lượng ở Quy Nhơn như vậy thì việc đối phó sẽ dễ dàng hơn. Chàng bèn cho thám báo đi dò la tin tức các nơi một lần nữa cho thật rõ ràng rồi mới dành cho mình cùng Thiên Tường và toán quân thiết kỵ một ngày để nghỉ ngơi dưỡng sức.

Nhắc lại Nguyễn Phúc Hương dẫn tàn quân chạy về huyện Mộ Hoa, ông cho quân hạ trại bên ngoài rồi cùng với Trương Kế và Đỗ Thành Nhơn vào trong huyện nha gặp Chu Bách. Chu Bách sau khi hay tin kho lương bị cháy đã lo sợ đứng ngồi không yên, nay thêm tin đại binh của Phúc Hương và Trương Bá Thành thua tan tác càng làm hắn như người tử tội sắp bị đem đi xử trảm. Hắn biết chuyến này cái chức quan huyện béo bở của hắn mất là cái chắc, không chừng còn mất luôn cả cái đầu trên cổ cũng nên. Nghe quân vào báo Nguyễn Phúc Hương đã trở về, hắn vội vàng chạy ra tận cổng huyện đường tiếp đón. Thấy bộ dạng ba vị tướng mình đầy những máu, quần áo, đầu tóc xác xơ, hắn liền ra lệnh cho thầy thuốc đến xem xét và điều trị cho họ. Sau đó truyền dọn tiệc để các tướng tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi dưỡng sức. Nguyễn Phúc Hương bấy giờ mới hoàn hồn nói với Đỗ Thành Nhơn:

- Cảm ơn nhà ngươi đã không tiếc mạng sống của mình để bảo vệ cho ta. Ngươi theo ta lâu nay mà ta không nhìn ra ngươi là một tướng tài. Ta quả thật sơ sót! Từ nay ngươi hãy ở bên cạnh ta, ta sẽ tìm cách nâng đỡ ngươi.

Đỗ Thành Nhơn nhún nhường nói:

- Đó là bổn phận của tiểu tướng, tiết chế không cần phải bận tâm.

- Trận này nếu không có nhà ngươi thì cả ta và đại quân đều đã bị tiêu diệt rồi. Chúng ta tuy đại bại hao binh nhưng công của nhà ngươi rất lớn. Bọn cướp Truông Mây quả nhiên lợi hại, suốt cuộc đời làm tướng, ta chưa từng gặp loại trận pháp nào như thế bao giờ. Tình hình này cá nhân ta thú thật cũng đành bó tay, không thể nào chống cự lại được. Đành phải báo cáo về Phú Xuân để Quốc phó trù tính cách khác vậy.

Chu Bách trong bụng vẫn còn lo ngay ngáy, nghe nói đến chuyện báo cáo về Phú Xuân, hắn vừa run vừa nói:

- Kho lương thảo Long Phượng là kho lớn của phủ Quảng Ngãi, nay đã bị cháy rụi, tội này nếu tiết chế không nói giúp cho vài lời thì cái đầu của hạ quan phen này ắt phải rơi khỏi cổ. Mong tiết chế giúp cho, hạ quan quyết chẳng bao giờ quên ơn.

- Bản thân ta cũng chưa biết có giữ nổi cái mạng mình hay không đây. Nhưng dù sao ta cũng sẽ kiếm cách nói giúp cho, ông đừng lo.

Chu Bách mừng rỡ nói:

- Nếu tiết chế chịu đứng ra giúp thì cái mạng già này còn có hi vọng sống sót. Hạ quan xin đội ơn tiết chế trước.

Đỗ Thành Nhơn nói:

- Mối hận này chúng ta không trả thật không thể nào ăn ngon ngủ yên được.

Trương Kế nói:

- Loại trận pháp biến hóa thần thông như thế chúng ta làm sao phá được mà đòi trả thù?

Thành Nhơn đáp:

- Tôi có một người bạn là dật sĩ đang ở tại Vu Lai. Ngày trước, trong khi đàm đạo tôi có nghe bạn tôi đề cập đến Bát quái trận đồ của Gia Cát Võ Hầu. Anh ta là người tinh thông đạo học, kỳ môn độn giáp, dịch lý âm dương, hi vọng có thể biết cách phá trận của Trần Lâm.

Phúc Hương nghe nói mừng rỡ hỏi:

- Bạn của ngươi là ai?

- Là Ngô Thế Lân ở làng Vu Lai, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong.

- À, thì ra là người này, ta đã có nghe danh qua. Nhà ngươi có thể mời ông ta ra giúp được chăng?

- Tôi không chắc lắm vì Ngô Thế Lân tuy tài trí hơn người nhưng không chịu đi thi cũng chẳng chịu ra làm quan mà chỉ muốn sống đời ẩn dật vui thú điền viên, thơ ca ngâm vịnh.

- Dù sao ngươi cũng nên đi thử một chuyến, cố gắng mời ông ta cho bằng được. Hay ít ra thì cũng hỏi cho được cách thức phá trận, nếu không chúng ta đành bó tay thúc thủ hay sao?

Đỗ Thành Nhơn nói:

- Thua trận này lòng tôi vẫn còn ấm ức lắm. Được, tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông ta.

- Tốt lắm! Nghỉ ngơi đêm nay, sớm mai ngươi lên đường lo gấp việc đó. Phần ta sẽ về Phú Xuân xin chỉ thị mới và xin thêm binh để báo thù. Xong việc, ngươi trở về Phú Xuân cho ta hay. Phá được trận Bát quái ngươi sẽ lãnh công đầu.

- Chúng ta hãy lo việc quốc gia trước, chuyện công trạng sau này hẵng nói, tiết chế không phải bận lòng.

Chu Bách xen vào:

- Tôi sẽ cho người chuẩn bị mọi thứ để sáng mai hai vị tướng quân lên đường.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3