Én Liệng Truông Mây - Hồi 39 - Phần 4
Sáng hôm sau, Nguyễn Phúc Hương cùng Đỗ Thành Nhơn mỗi người một ngựa cùng vài tùy tùng vượt đèo Hải Vân. Phúc Hương trở về Phú Xuân, Thành Nhơn tìm đến nơi ẩn cư của Ngô Thế Lân ở làng Vu Lai, huyện Quảng Điền (nay thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên). Đó một ngôi làng nhỏ gần phá Tam Giang đã được Ngô Thế Lân mô tả trong bài thơ “Vu Lai ổ” của mình. Bài thơ năm trước có lần ghé thăm, Thành Nhơn đã được đọc qua:
Thác lạc nhân gia lục thụ gian
Duyên khê phân ổ các hồi hoàn
Đông Nam nhất đái hồ liên hải
Tây Bắc tam phần dã tiếp san
Thâm giản hà phì ngư phủ túy
Bình nguyên thảo trưởng mục đồng nhàn
Bạch sa, thúy trúc, hồng trần tĩnh
Nhất nhậm u nhân tự vãng hoàn.
Dịch nghĩa:
Nhà cửa xây cất giữa khoảng cây xanh
Xóm nhỏ ven khe suối xanh, nước chảy quanh
Một dải Đông Nam, hồ liền với biển
Ba phần Tây Bắc, đồng hoang giáp với núi
Nước sâu, cá quyết béo, ngư ông say rượu
Đồng bằng cỏ tốt, mục đồng nhàn rỗi
Cát trắng, trúc xanh, bụi bặm chẳng có
Người chốn u tịch muốn đi về lúc nào cũng được.
Bài thơ miêu tả phong cảnh u tịch của ngôi nhà tranh nhỏ, bốn vách đều được làm bằng trúc dựng ngay cạnh con suối, chung quanh bao bọc bởi giậu chè thấp được cắt tỉa ngay ngắn cùng hàng trúc xanh thon thả vươn cao, trông rất thanh nhã. Lúc Thành Nhơn sắp tới nhà của Ngô Thế Lân trời đã ngã bóng chiều. Ông ta xuống ngựa dẫn bộ vào cổng. Chợt từ phía sau nhà, nơi con suối nhỏ có tiếng đàn kìm (đàn nguyệt) và tiếng ngâm thơ vọng ra. Đỗ Thành Nhơn vội đứng lại lắng tai nghe.
Vu Lai kết ốc nhất niên dư
Cái thế khâm hoài nhật ích sơ
Cựu sự như xuyên trường thệ hải
Tân hoài tự nguyệt dục lăng hư
Vị năng giáng khuyết toàn gia cử
Thả bạng không môn viễn tục cư
Thiên ý nhược phi liên tích ngã
Khẳng giao dung dị ngọa mao lư.
Dịch nghĩa:
Dựng nhà ở Vu Lai đã hơn một năm rồi
Việc đời ngày càng dửng dưng
Chuyện cũ như sông dài, phó mặc cho biển cả
Hoài bão mới như trăng cứ muốn vượt lên
Cả nhà chưa một lần bước tới cửa khuyết
Cửa hư không chốn phàm tục xa xôi
Giả thử ý trời không còn thương ta nữa
Vẫn vui ngơi nghỉ chốn nhà tranh.
Đỗ Thành Nhơn nghe xong bài thơ thì giật mình thầm khen cho tài tiên tri của Thế Lân. Thành Nhơn nghĩ: “Có lẽ ông ta biết mình đến đây cầu ông ta ra giúp nước nên đã ngâm bài thơ này để thể hiện chí nguyện cũng như để thay cho lời từ chối một cách hết sức khéo léo”. Thành Nhơn cột ngựa vào bụi trúc gần đó rồi thong thả đi vào nói lớn:
- Bằng hữu lâu ngày đến thăm, nếu không dọn sẵn mâm rượu làng Chuồn thì chí ít cũng phải bày cuộc trà ướp sen tiếp đón, có đâu lại ngâm khéo một bài thơ đuổi khách. Chẳng lẽ đây là cách tiếp đón người quen của Ái Trúc Trai hay sao?
Tiếng đàn ngưng bặt. Ngô Thế Lân từ phía sau nhà bước lên. Đó là một người tuổi khoảng bốn mươi, tuy ăn mặc rất đơn giản nhưng dáng dấp lại thật phong nhã, thanh thoát, khoáng đạt. Ông vui vẻ nói:
- Ngọn gió lành nào đã đưa rồng đến nhà tôm vậy?
- Nay ông lại đem cả thói châm chích xã hội ra chọc bạn bè nữa hay sao? Tôi đi đầu quân đã hơn mười năm mà chỉ giữ được chức hữu đội trưởng nhỏ bé thì biết chừng nào mới được hóa thành rồng đây?
- Ông là con rồng nhưng lại tự đưa mình vào vũng nước ao tù nhỏ hẹp. Phương Nam trời nước mênh mông một cõi, là nơi cho rồng thiêng vùng vẫy, sao không vào đó mà chờ hội rồng mây?
- Ông định ví mình như Trạng Trình mà cho tôi lời khuyên “Nam phương nhất đái, đoạt hội long vân” đó chăng?
- Có lẽ bây giờ ông không tin tôi. Khi nào ông cảm thấy chán cái cảnh ao tù hiện nay thì hãy nghe lời tôi cũng chưa muộn. Giờ vào trong uống chung rượu làng Chuồn đã.
- Như thế mới phải lẽ tiếp khách chứ.
Phía sau nhà có một gian lều trúc cất cạnh con suối, gió chiều từ phá Tam Giang thổi lên, luồn qua kẽ trúc tạo thành một khúc nhạc đồng quê nghe thật êm dịu. Ngô Thế Lân rót một chung rượu làng Chuồn mời Đỗ Thành Nhơn rồi hỏi:
- Nghe nói đang có chiến tranh ở Quy Nhơn, sao ông lại được rảnh rỗi mà ghé thăm tôi vậy?
Đỗ Thành Nhơn biết tính bạn nên sau khi uống cạn chung rượu xong liền nói ngay vào vấn đề:
- Đại quân của quan tiết chế Phúc Hương vừa thua một trận tan tác ở Quy Nhơn nên tôi mới phải về đây để cầu ông ra sức giúp đỡ cho.
Ngô Thế Lân cũng uống cạn chung rượu của mình rồi nói:
- Chí hướng của tôi từ lâu ông đã biết, sao còn đến đây nhắc những chuyện ấy làm gì?
- Chúng tôi sở dĩ bị thua là vì bọn cướp Truông Mây có người biết bày trận Bát quái của Gia Cát Võ Hầu đã thất truyền năm xưa. Nếu không nhờ cơn mưa dữ dội và sấm sét đánh vào trận thì bốn ngàn tướng sĩ, kể cả tôi trong đó cũng đã bị tiêu diệt sạch rồi. Theo tôi biết, chỉ có ông và Nguyễn Quang Tiền là khả dĩ biết cách phá giải cái thế trận quái ác đó mà thôi. Nguyễn Quang Tiền từ khi bị Chúa Võ bãi chức đã ngán ngẩm sự đời, vả lại tôi không quen ông ta nên chỉ còn biết nhờ đến ông. Ông nỡ để cho bao nhiêu người lại tiếp tục chết thảm nữa hay sao?
Ngô Thế Lân nghe nói thất kinh hỏi:
- Bát quái trận à? Người lập trận là ai vậy?
Thành Nhơn trong bụng mừng thầm đáp:
- Là quân sư của Truông Mây, tên Trần Lâm.
- Ông ta năm nay bao nhiêu tuổi?
- Khoảng hai ba, hai bốn gì đó thôi.
Ngô Thế Lân ngạc nhiên hỏi:
- Còn trẻ thế thôi à? Vậy chắc hẳn anh ta phải có bậc minh sư chỉ dạy. Ông có biết thầy của anh ta là ai không?
- Không. Hình như chưa ai biết sư môn của hắn.
Ngô Thế Lân suy nghĩ mông lung một lúc rồi nói:
- Như vậy là lời tiên đoán đã trở thành sự thật rồi.
- Lời tiên đoán gì? Ai tiên đoán?
- Trạng Trình.
- Ngài ấy tiên đoán điều gì?
- Thật ra đấy không phải là trận Bát quái của Gia Cát Võ Hầu năm xưa mà là trận pháp cải biên của Bát quái trận do Trạng Trình nghiên cứu lập nên, phòng khi chống giặc ngoại xâm. Khi hoàn thành trận pháp, Trạng Trình biết uy lực của nó rất lớn, có thể giết hại nhiều người, nếu chẳng may lọt vào tay phường gian ác thì sẽ gây hại cho đất nước nên ngài đã nghiên cứu cách phá trận và chép ra thành hai cuốn: cách lập trận chép ở phần thượng, cách phá trận chép ở phần hạ, phòng sau này còn có người biết mà hóa giải trận pháp này.
- Vậy là ông đang giữ cuốn hạ phải không?
- Không. Nhưng tôi có may mắn được một dị nhân chỉ cho cách phá trận.
Đỗ Thành Nhơn sửa lại thế ngồi ngay ngắn rồi thành khẩn nói:
- Vì tính mạng của hàng ngàn tướng sĩ, vì sự nghiệp bao đời của Chúa Nguyễn, mong ông hãy ra sức, xuống núi giúp cho thiên hạ một phen.
Ngô Thế Lân thở dài nói:
- Tôi đã chán ngán sự đời từ lâu và tự hứa sẽ chẳng màng đến thế sự nữa. Ông đừng làm khó tôi.
- Tôi biết chí của ông cao vút tận mây xanh, chỉ vì thế sự ngày nay làm ông chán ngán thôi. Nay ông nói “sẽ”, hẳn ý ông còn chờ đợi một cơ duyên nào đó mới xuất xử chăng?
- Tương lai nước nhà còn mờ mịt thì tương lai của một cá nhân làm sao mà biết được? “Sẽ” có khi cũng là “không bao giờ”.
- Ý ông đã quyết, tôi không dám nài. Có điều ngày xưa Trạng Trình đã chia trận pháp ra làm hai phần là có ý muốn như Hoàng Thừa Ngạn vì đức hiếu sinh mà cứu thoát Lục Tổn cùng đám binh sĩ Đông Ngô. Nay ông là người nắm giữ sinh mệnh của hàng vạn người trong tay, lẽ nào ông lại làm ngơ ý nguyện của tiền nhân, mặc cho đao thương đâm chém hay sao?
Ngô Thế Lân rót đầy hai chung rượu, tự uống cạn ly mình rồi nói:
- Thôi được. Tuy tôi không đi nhưng tôi sẽ giúp cho các ông khỏi phải bị thương vong vì trận pháp đó.
Thành Nhơn ngạc nhiên hỏi:
- Thế thì làm sao? Ông định chỉ cho tôi cách phá giải à?
Thế Lân lắc đầu:
- Không. Muốn phá giải trận này không phải chỉ ra là có thể hiểu được ngay đâu. Giờ tôi sẽ viết một phong thư, ông cứ cho người mang đến trao tận tay Trần Lâm là được. Nhớ là không được xé thư ra xem.
- Như thế nghĩa là sao?
- Nghĩa là sau khi mở phong thư, Trần Lâm sẽ dẹp bỏ việc lập trận Bát quái. Ông cứ tin tôi đi.
Nói xong Thế Lân đứng dậy đi vào nhà trong. Một lúc sau quay ra, tay cầm một phong thư niêm kín trao cho Đỗ Thành Nhơn nói:
- Việc ông nhờ tôi đã làm xong. Giờ chúng ta dẹp chuyện ấy sang một bên để uống rượu cho thỏa. Còn nếu ông gấp việc phải đi thì cứ tùy tiện, đừng ngại.
Đỗ Thành Nhơn đứng dậy, cất kỹ phong thư vào trong người rồi trịnh trọng vái Ngô Thế Lân một lạy nói:
- Tôi xin thay mặt hàng vạn binh sĩ triều đình mà lạy tạ ông đã ra tay cứu mạng. Việc này cần kíp, tôi xin cáo từ, khi nào có dịp tôi sẽ trở lại thăm ông.
Ngô Thế Lân vái đáp trả rồi nói:
- Nếu có trở lại, xin hãy đến như một người bạn.
Đỗ Thành Nhơn đỏ mặt nói:
- Tôi thật có lỗi đã quấy rầy sự thanh nhàn của ông. Xin cáo từ.
Ngô Thế Lân tiễn bạn ra cửa, nhìn theo bóng con tuấn mã chở Đỗ Thành Nhơn khuất dạng trong bóng hoàng hôn mà buông tiếng thở dài lẩm bẩm:
- Nếu Truông Mây có bậc chơn chúa thì ta sẽ không giúp ông đâu. Đáng tiếc! Thật đáng tiếc!
Nguyễn Cửu Thống sau khi đem đội thủy quân vào đóng ở đầm Hải Hạc đã thân hành đến thành Quy Nhơn gặp bọn Nguyễn Khắc Tuyên và các tướng lãnh để họp bàn. Trong buổi họp, Cửu Thống nói:
- Trước mặt Quốc phó ta có hứa trong vòng một tháng sẽ tiêu diệt bọn cướp Truông Mây, không ngờ bọn này lại có lắm kẻ tài giúp đỡ nên mọi sự đã vượt ngoài sự tiên liệu của ta. Nay hai trong bốn cánh quân đã thất bại, chỉ còn lại chúng ta ở đây, các ông có ý kiến gì hay không?
Tống Phước Hiệp tuy đã nghỉ ngơi mấy ngày nhưng bộ dạng hãy còn tiều tụy, nghe Nguyễn Cửu Thống hỏi liền đáp:
- Thưa Nguyên soái, tất cả chúng ta quả thật đã bị hai chữ “cướp cạn” đánh lừa mà xem thường địch thủ nên mới chuốc lấy thảm bại. Cá nhân tôi đã rút ra một bài học xương máu cho mình và cũng xin khuyên tất cả hãy cẩn trọng. Bọn Truông Mây quả thật là một đội binh mạnh có đủ mưu trí, dũng cảm và sự đoàn kết cùng tấm lòng quyết tử. Để đối phó với một đội quân như thế, chúng ta cần phải có một kế hoạch hành quân nghiêm chỉnh, thống nhất cùng một lực lượng tướng tá, mưu sĩ tài giỏi và hùng mạnh.
- Theo ý ông thì ta nên làm thế nào?
- Tôi xét thấy trên cả hai mặt trận thủy và bộ, địch đều giỏi, đặc biệt là trên bộ. Nơi đồng bằng thì địch có trận Bát quái, một loại trận thế mà nếu không biết cách phá chúng ta sẽ cầm chắc sự thất bại, như đại quân của Nguyễn Phúc Hương vừa rồi. Nơi rừng núi thì địch lại thiện dụng mưu kế thâm mật, lợi dụng địa hình quen thuộc của chúng để tiêu diệt quân ta. Địch có một đội quân thám báo đông đảo và tài giỏi, mọi động tịnh của ta chúng đều biết rất rõ. Nói chung, địch tỏ tường ta mà ta thì chẳng biết gì về chúng, do đó chưa ra quân chúng ta đã kém thế hơn địch.
Phan Ngọc Chánh lên tiếng:
- Ngài cai cơ đã nhận định rất chính xác về tình hình địch quân. Theo ngài thì chúng ta cần phải làm gì để chiến thắng chúng?
- Cảm ơn tổng binh đã đồng tình với tôi. Theo tôi, chúng ta cần thực hiện những điều sau đây: thứ nhất, để đối phó với trận Bát quái, chúng ta phải tìm cho được người biết cách phá trận. Như thế cuộc chiến nơi đồng bằng chỉ còn tùy thuộc vào lực lượng tướng sĩ và chúng ta sẽ có lợi thế hơn vì chúng ta có cả một nước, còn địch thì chỉ có hai huyện nhỏ; thứ hai, để phá vỡ sự đoàn kết của địch, chúng ta phải sử dụng gián điệp và phản gián điệp. Dùng gián điệp để biết rõ tình hình địch cùng cơ mưu của chúng. Dùng phản gián điệp để đánh lừa chúng bằng những thông tin không thật, làm cho mọi trù tính của chúng sai lệch. Phản gián còn có một tác dụng rất lợi hại khác là làm cho nội bộ của địch chia rẽ, mất đoàn kết hoặc mua chuộc người của chúng bằng lợi lộc để chúng quay đầu phản bội nhau. Đó gọi là ly gián; thứ ba, địch có quân sư tài ba, nhiều tướng lãnh võ nghệ rất giỏi, chúng ta cũng cần phải tăng viện thêm nhân tài trong triều đình và trong dân chúng về phe ta để chống lại. Qua mấy trận đại bại, chúng ta không thể xem thường bọn Truông Mây được nữa; thứ tư, chúng ta không nên xé lẻ quân thành nhiều đạo như trước, vì như thế lực lượng của ta sẽ yếu bớt đi. Sắp tới, chúng ta chỉ nên đánh vào hai mặt bắc và nam theo thế gọng kìm. Đánh mạnh trên hai mặt trận lớn với lực lượng áp đảo sẽ dễ chiến thắng hơn. Theo tôi đó bốn điều cần thiết mà chúng ta phải làm trong cuộc chiến sắp tới.
Nguyễn Cửu Thống nghe Tống Phước Hiệp trình bày bốn điểm chiến lược thì gật gù đồng ý. Ông nói:
- Những điều tướng quân vạch ra rất hợp ý tôi. Về việc phá trận Bát quái, tôi biết một người có hi vọng phá được trận này. Đó là quan Học sĩ Nguyễn Quang Tiền, ông ta rất tinh thông dịch học lý số, đáng tiếc là ông ta đã bị bãi chức và về quê ở ẩn rồi. Còn một người nữa là Ngô Thế Lân, nhưng tên này có ý chống lại phủ chúa và Quốc phó nên chẳng chịu ra làm quan, chỉ sống đời dật sĩ. Việc này tôi sẽ thông báo về phủ chúa để nhờ ngoài đó trù liệu. Còn về vấn đề gián điệp và phản gián điệp, ông Tuyên và ông Khâm là người địa phương chắc phải rành hơn chúng tôi. Hai ông có phương án gì không?
Tán lý Lưu Khâm nghe hỏi liền đáp:
- Thưa nguyên soái, việc này xin nguyên soái cho chúng tôi dăm ba hôm để nghiên cứu rồi báo cáo sau được không ạ?
- Được, ông nghiên cứu kỹ rồi cho tôi hay. Càng sớm càng tốt nhé.
Lúc ấy, có một thanh niên đứng phía sau Lưu Khâm bỗng rụt rè lên tiếng:
- Thưa nguyên soái cùng các tướng quân, quan tuần phủ và tán lý, tôi có một chút manh mối trong vấn đề phản gián chia rẽ nội bộ của địch, không biết có thể đưa ra để các ngài áp dụng được không?
Mọi người quay nhìn người thanh niên vừa mới phát biểu ý kiến. Lưu Khâm vội lên tiếng:
- Người này là thuộc hạ của tôi. Hắn là cháu của Cao Đường, một đại phú gia ở đầm Hải Hạc, tên Lý Vân Long.
Nhắc lại Lý Vân Long, sau khi bị Trần Lâm vạch mặt và hủy đi cây quạt chứa độc bửu bối, hắn đã ôm hận trở về Nước Mặn gặp sư phụ mình là Thiết Phiến Tử để nhờ sư phụ giúp báo thù. Thiết Phiến Tử đã đưa hắn sang Trung Hoa để cùng nghiên cứu thêm về độc dược. Sau gần hai năm khổ cực, hắn đã trở thành một tay thiện dụng độc trong thiên hạ. Thấy tài dùng độc của mình đã cao siêu, hắn bèn trở về nước. Biết tin Đại Hồng đã lấy chồng, hắn vô cùng đau khổ vì trước nay hắn vẫn thầm yêu cô em họ của mình. Hắn bèn tìm đến phủ Quy Nhơn nhờ Đại Hồng xin với Hoàng Công Đức cho hắn về làm việc trong phủ để sớm hôm được gần gũi với nàng. Từ ngày lấy tên chồng già, Đại Hồng buồn chán lắm, nay có Lý Vân Long bên cạnh cũng vui nên nàng nói Hoàng Công Đức nhận hắn về dưới trướng. Sau họ Hoàng bị bọn Truông Mây cắt đầu, tán lý Lưu Khâm thay chỗ, hắn tiếp tục theo Lưu Khâm làm việc. Lý Vân Long rất hận Trần Lâm và bọn Truông Mây vì đã bắt Đại Hồng đi. Tên thủ lĩnh Lía còn ép nàng làm vợ khiến cho bao hi vọng của hắn tan thành mây khói. Nay thấy có dịp trả thù trước mắt, hắn không ngần ngại xin được bày mưu.
Nguyễn Cửu Thống nhìn Lý Vân Long hỏi:
- Manh mối gì ngươi nói ra xem thử?
Lý Vân Long cúi đầu chào Cửu Thống rồi nói:
- Thưa nguyên soái, tôi có người em họ là con gái của dượng Cao Đường tên Cao Đại Hồng, hiện đang là vợ của tên Lía, thủ lĩnh đảng cướp Truông Mây. Cao Đại Hồng nguyên là vợ của trấn thủ Hoàng Công Đức, năm trước bọn cướp lẻn vào giết quan trấn thủ rồi bắt cóc cả em tôi về và bị tên Lía ép làm vợ. Nếu chúng ta có thể liên lạc được với Đại Hồng sẽ có hi vọng tìm ra phương cách phản gián tốt mà phá hoại bọn chúng.
- Hay lắm! Vậy bây giờ ngươi định làm cách nào?
Lý Vân Long biết Cửu Thống đã chấp thuận ý kiến của hắn mới nêu ra nên lòng mừng khấp khởi. Hắn khúm núm đáp:
- Dạ bẩm nguyên soái, dượng Cao của tôi đang lâm bệnh cũng khá trầm trọng. Chúng ta có thể vin vào cớ này cử người lên Truông Mây thông báo cho Đại Hồng biết. Chừng đó chúng ta sẽ tùy cơ mà dò xét xem tình hình của địch thế nào.
Lưu Khâm bỗng sực nhớ ra điều gì liền nói:
- Lúc trước tôi có nghe tên đầu lĩnh Hồ Bân giữ Truông Mây ở Phong An, Núi Bà vốn là một tên ham chơi, lại thích uống rượu. Cũng do hắn để bọn thủ hạ ra ngoài phá phách dân chúng nên quan tuần phủ đây mới cho tảo thanh đốt sạch cái Truông Mây ở đó. Một con người như thế, nếu tìm cách đem lợi lộc ra dụ hắn thì sẽ có nhiều hi vọng làm cho hắn phản bội anh em lắm.
Nguyễn Cửu Thống vui vẻ nói:
- Ông Tuyên hãy giúp cho anh bạn trẻ này mọi chuyện để anh ta có thể thực hiện kế hoạch phản gián này nhé. Riêng về tên Hồ Bân thì mang cho hắn một số vàng bạc và hứa phong cho hắn một chức quan gì đó béo bở, như chức quan huyện chẳng hạn, để dụ hắn cho bằng được.
Nguyễn Khắc Tuyên nói:
- Nguyên soái an tâm, việc này tôi sẽ lo.
- Còn về nhân tài? Sau những trận chiến vừa rồi chắc các ông ít nhiều cũng đã biết được khả năng của địch. Ai có ý gì về việc đề nghị hoặc tiến cử nhân tài không?
Nguyễn Văn Hưng lên tiếng:
- Tôi có người bạn ở làng Vân Hòa huyện Đồng Xuân - Phú Yên tên là Châu Văn Tiếp, vốn có mối thù giết cha với tên Lía. Tiếp là người võ nghệ tuyệt luân, đường đao của Tiếp có thể sánh với tay đao nổi danh vô địch của Lía. Tiếp có một người anh tên Châu Doãn Chữ, vốn mưu trí hơn người. Hai em trai Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc và em gái Châu Thị Đậu, còn gọi là Chu Muội Nương, tất cả đều võ nghệ cao cường. Nếu chúng ta mời được anh em nhà này đến giúp ắt có thể áp đảo được các tay thủ lĩnh của Truông Mây.
Tống Phước Hiệp hỏi:
- Có phải Châu Văn Tiếp lúc trước ở Phù Ly này không?
- Dạ đúng. Nghe nói cha Tiếp đã chết vì tay tên Lía. Mấy anh em Châu Văn Tiếp sợ Lía và bọn Truông Mây nên bỏ Phù Ly vào Đồng Xuân. Từ đó, họ càng ra sức luyện tập võ nghệ chờ ngày trả thù.
Nguyễn Cửu Thống hỏi:
- Giao tình của ông với họ thế nào, có đủ để mời họ ra giúp sức không?
- Thưa nguyên soái, tôi với Châu Văn Tiếp tuy mới quen nhưng cũng khá thân. Nếu nguyên soái cho phép tôi sẽ thử.
- Việc này nhờ ông vậy.
- Dạ nguyên soái.
Cửu Thống thở một hơi dài nhẹ nhõm rồi nói với mọi người:
- Như thế thì trong bốn điều ông Hiệp vừa nêu ra chúng ta đã có ba giải pháp rồi. Còn điều thứ tư tôi sẽ viết thư về Phú Xuân để tìm người phá trận Bát quái và tiến cử Nguyễn Cửu Dật cùng Nguyễn Phúc Hương đem năm ngàn binh tinh nhuệ của Phú Xuân vào đánh mặt bắc. Mặt nam này hiện chúng ta còn tám ngàn quân thủy bộ, lực lượng ấy đủ sức để giết bọn cướp rồi. Trong khi chờ triều đình trả lời, chúng ta tạm thời chia binh ra. Ông Phan Ngọc Chánh ở thành Quy Nhơn, ông Hiệp ở Kỳ Sơn và tôi sẽ giữ đầm Hải Hạc để tiếp ứng nhau. Các ông hãy thao luyện thêm binh mã, chúng ta chuẩn bị kỹ càng rồi đánh một trận lớn quyết định. Các ông có ý kiến gì nữa không?
Mọi người đều tán thành kế hoạch đó. Nguyễn Khắc Tuyên bây giờ mới lên tiếng:
- Mọi việc như thế là hoàn hảo quá rồi. Phen này chúng ta quyết lấy lại những gì đã mất cũng như trả thù cho những người đã chết. Bây giờ cho bản phủ mời một bữa cơm nhạt đãi khách cho trọn tình chủ nhà.
Nói xong Khắc Tuyên mời mọi người sang gian phòng kế bên. Cách bài trí ở đây thật xa hoa, tất cả mọi thứ đều thuộc loại quí hiếm. Bàn tiệc lớn bằng cẩm lai cẩn xà cừ đặt giữa phòng đã bày biện rất nhiều thức ăn đặc sản của Quy Nhơn như thịt rừng và hải sản. Nhìn cách bài trí, Nguyễn Cửu Thống nói với Nguyễn Khắc Tuyên:
- Ông ở đây chẳng khác gì ông vua con. Nhưng cũng phải coi chừng cái đầu của ông đấy. Quan Quốc phó có lần nổi giận đã nói với tôi là có ngày ổng sẽ mượn tạm đó.
Nguyễn Khắc Tuyên nở nụ cười cầu tài nói:
- Thì cũng nhờ có nguyên soái anh ở đó giúp đỡ nói tốt một tiếng nên Tuyên này mới ngồi yên được nơi đây. Việc ấy có bao giờ em quên ơn.
Rồi ông quay sang mời mọi người nhập tiệc. Các vị bại tướng này cứ thế mà chén chú chén anh, tạm quên đi mấy trận đánh kinh hồn bạt vía, suýt bỏ luôn cái mạng vừa mới xảy ra hôm qua.
Nhắc lại Nguyễn Phúc Hương, khi về tới Phú Xuân vào gặp Trương Phúc Loan thì tin tức của Nguyễn Cửu Thống ở Quy Nhơn cũng đã báo về tới nơi. Định vương cùng quần thần nghe tin bại trận lần nữa, quân binh bị thiệt mạng đến sáu bảy ngàn tất cả đều rụng rời kinh hãi. Phúc Loan giận dữ vò đấu bứt tóc, lớn tiếng mắng Phúc Hương:
- Các ông làm tướng bao nhiêu năm, hưởng lộc triều đình không biết bao nhiêu là ức vạn rồi mà chỉ có một đám giặc cướp nhỏ thôi cũng không dẹp nổi, lại còn để tổn tướng hao binh, lương thảo bị đốt sạch. Tội này, ông còn gì để nói nữa không?
Bèn hét tả hữu đem Phúc Hương ra chém. Quan Hộ bộ Thái Sinh vội bước ra can:
- Xin Vương thượng và Quốc phó bớt giận. Đang lúc chiến tranh, Nguyễn tướng quân là tướng giỏi của triều đình, chúng ta không nên giết mà nên cho lập công chuộc tội. Vả lại tôi có nghe bên Truông Mây có thần nhân giúp đỡ bày ra trận Bát quái rất kỳ bí nên quân ta mới bị thảm bại như thế. Mong Quốc phó suy xét lại.
Phúc Loan vẫn còn giận, hỏi Phúc Hương:
- Ông nói cho ta nghe thử kế hoạch đoái công chuộc tội của ông như thế nào?
Phúc Hương mừng rỡ vội vàng lạy tạ Định vương và Quốc phó rồi nói:
- Tạ ơn Vương thượng và Quốc phó tha mạng. Về trận Bát quái, thần đã cho người đi mời cao nhân ra trợ giúp rồi. Chỉ cần phá được cái trận quái ác đó thì việc đánh dẹp bọn cướp Truông Mây sẽ không còn gì đáng ngại nữa. Chúng ta không nên sơ suất đánh giá thấp bọn Truông Mây như lần trước, vì vậy trong lần tái ra quân sắp tới, hạ thần xin được tiến cử đại tướng Nguyễn Cửu Dật cùng năm nghìn binh tinh nhuệ của Phú Xuân.
- Ngươi cho mời ai ra giúp phá trận? Ngươi có chắc là người đó sẽ phá được trận không, hay lại đem mấy ngàn binh tinh nhuệ của triều đình vào chỗ chết lần nữa?
- Người của hạ chức đã đi cầu cứu Ngô Thế Lân, người này tinh thông dịch lý huyền vi, hi vọng sớm mai sẽ biết được tin.
- Tên Ngô Thế Lân này từ lâu đã tỏ ý bất mãn với triều đình, bây giờ đã chắc gì hắn chịu ra giúp?
- Dạ, xin ngài Quốc phó an tâm. Người của hạ chức vốn là chỗ quen thân với Ngô Thế Lân, hắn nói có thể thuyết phục được. Xin cho hạ chức đến sáng mai.
Phúc Hương cố tình không nhắc đến tên Đỗ Thành Nhơn trước mặt thượng cấp cũng như tuyệt nhiên không nhắc tới công trạng của tên hữu đội trưởng đã liều mạng cứu sống mình. Phúc Loan nói:
- Được rồi! Nguyễn Cửu Thống cũng đã báo cáo việc quân của Tống Phước Hiệp bị đốt chết mất cả ngàn binh và xin đề cử Nguyễn Cửu Dật cùng ra quân đánh mặt bắc để phối hợp với cánh quân mặt nam trong đợt tái ra quân sắp đến. Khi nào ông sẵn sàng thì cho ta hay. Lần này mà các ông còn để thua trận nữa thì đừng trở về gặp ta.
Phúc Hương lạy tạ nói:
- Nếu có người phá được trận Bát quái, hạ chức thề sẽ đạp bằng Truông Mây, nếu không sẽ tự vận nơi chiến trường chứ nhất định không trở về.
Phúc Loan quay sang Thúc Sinh nói:
- Ông truyền lệnh xuống, ai cắt được thủ cấp của thằng Lía và Trần Lâm đem nộp thì sẽ được thưởng mười ngàn lạng vàng. Cấm tuyệt dân chúng cả nước không được hát bài vè ca tụng thằng Lía và đám cướp Truông Mây nữa. Ai vi phạm, đem chém đầu không tha.
Quan Hình bộ vâng dạ rồi lập tức cho thi hành ngay. Từ đó trong dân gian, trừ dân chúng hai huyện Hoài Nhơn và Phù Ly, không còn ai dám công khai hát bài vè “Chàng Lía” nữa mà chỉ âm thầm hát nhỏ với nhau nghe.