Én Liệng Truông Mây - Kết
Kết
Lía cõng Trần Lâm băng mình trong đêm khuya, lòng hoảng loạn tơi bời. Mới ngày nào, thành Truông Mây còn sừng sững, rực rỡ tinh kỳ, anh em đông đủ, hào khí ngất trời mà nay chỉ sau một đêm đã tan nát, vùi chôn dưới đống tro tàn. Hơn bốn ngàn nghĩa sĩ giờ chỉ còn lại một mình chàng và Trần Lâm đang im lìm trên lưng chưa biết sống chết ra sao. Bao nhiêu hình ảnh tang thương, chết chóc, cứ quay cuồng trong đầu, những cái chết thê thảm của anh em nghĩa binh, xác của người vợ mà chàng yêu thương hết mực bị giẫm nát, cả khuôn mặt của tên phản bội chú Nhẫn... cứ xoáy tròn, xoáy tròn như những mũi tên bắn vào tim, vào óc. Thân là thủ lĩnh, nay để Truông Mây tan tác, toàn bộ anh em hi sinh oan uổng, tội nghiệt ấy làm sao trả hết, tủi nhục ấy làm sao còn có thể nhìn mặt mọi người? Bây giờ chàng mới thấm thía câu “anh hùng mạt lộ vô phương thoái” và thấy đồng cảm với sự đau đớn, tuyệt vọng đến phải tự cắt đầu mình của Hạng Võ, người hùng trong tuồng hát bội mà chàng đã xem thời ấu thơ. Chàng đứng lại giữa đêm khuya, ngửa mặt lên định hú dài một tiếng cho vơi bớt niềm uất hận, tủi hổ nhưng vì nghe thấy tiếng quân địch vẫn đang ráo riết đuổi theo sau nên chàng đành nuốt trở lại vào lòng.
Sự đè nén tột cùng dâng trào trong cổ họng, máu tươi lại phún ra từng vòi. Lía những muốn một đao cắt đầu mình để chết cùng anh em cho trọn nghĩa, nhưng nghĩ đến Trần Lâm đang nằm trên lưng hãy còn có hi vọng sống sót nên chàng cố nén lòng, tiếp tục băng mình chạy đi. Chàng chạy mải miết, khi trời hừng đông thì đã đến chân núi Bà gần cửa Cách Thử. Sực nhớ sư phụ của Trần Lâm là Ông Núi ở Linh Phong tự, để tránh có người nhìn thấy, chàng bèn băng rừng tìm lối đến đó.
Đang lúc sức cùng lực sắp kiệt, Lía bỗng gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, lưng đeo giỏ thuốc đang hái thuốc trên sườn núi. Ông lão thấy chàng mình đầy máu me, lưng lại cõng một người đang mê man liền hỏi:
- Hiệp sĩ là ai? Vì sao lại ra nông nỗi này? Người bạn trên lưng của hiệp sĩ dường như đã chết?
Lía nhìn ông lão và giỏ thuốc thì đoán chừng đây là một vị thầy thuốc. Chàng mừng rỡ đáp trong hơi thở mệt nhọc:
- Lía, tôi là Lía Truông Mây. Chúng tôi bị vây đánh, người này là nghĩa đệ Trần Lâm của tôi. Cụ có lẽ là lương y, xin ra tay cứu giúp, Lía tôi suốt đời đội ơn.
Ông lão vội nói:
- Là Lía Truông Mây à? Mau mang người bạn của hiệp sĩ theo tôi, nhà tôi gần đây.
Lía vội đi theo ông cụ. Về đến khu vườn sau nhà, chàng nghe có tiếng đàn từ gian nhà trúc phía trước vẳng lại. Ông lão lớn tiếng gọi:
- Đoan Trang à, mau vào chuẩn bị mọi thứ để ngoại cứu người.
Rồi nói với Lía:
- Mau mang người bạn này vào đây. Chậm trễ e không còn kịp nữa.
Ông dẫn Lía vào một căn phòng bên góc trái. Lía cởi nùi tóc, đặt Trần Lâm nằm xuống chiếc giường nhỏ trong phòng. Ông lão vội xem xét kỹ những vết thương trên người Trần Lâm. Vừa lúc đó, cô cháu ngoại của ông mang một chiếc hộp đựng đầy đủ dụng cụ cứu thương vào. Cô gái thấy Lía khẽ cúi đầu chào. Lía chào đáp lễ. Tuy đang lúc ruột rối như tơ vò nhưng chàng cũng không khỏi giật mình trước vẻ đẹp của người thiếu nữ.
Ông lão thực hiện những thủ thuật cứu chữa rất mau và rất điêu luyện, chứng tỏ ông là một vị thầy thuốc giỏi. Cô gái lặng lẽ giúp ông lão, từ lúc bắt đầu cho đến khi việc cấp cứu hoàn tất, Lía không nghe cô ta nói một tiếng nào. Đoạn, ông lão thở phào, đứng lên nói với Lía:
- Bây giờ nguy hiểm coi như đã tạm qua. Tuy nhiên não hậu bị một vết thương khá nặng nên tình trạng mê man này sẽ còn kéo dài, tôi đã dùng thuật châm cứu để giúp anh ta chóng hồi tỉnh. Hình như anh ta đã được uống thuốc rồi phải không? Thương thế như vậy mà vẫn còn sống đến bây giờ thì quả thật là một phép lạ.
Lía nghe nói Trần Lâm đã qua cơn nguy hiểm thì thở phào mừng rỡ nói:
- Dạ vâng, đó là loại tục mệnh đan mà Lâm đệ vẫn mang theo bên mình. Thật đội ơn lão trượng. Vậy khả năng bình phục hoàn toàn được bao nhiêu, thưa lão trượng?
- Bốn mũi tên cắm vào chân và vai cùng vết đâm ngang hông tuy rất nặng nhưng không đáng kể, chỉ e vết thương trên đầu sẽ làm thiệt hại đến não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ của anh ta sau này. Cần tịnh dưỡng một thời gian dài mới có thể phục hồi lại được. Nơi đây yên tĩnh, cách biệt với bên ngoài, hai người cứ an lòng ở lại tịnh dưỡng thương thế.
- Đa tạ lão trượng. Bộ óc của Lâm đệ thuộc loại có một không hai trên thế gian này. Đây là một con người hoàn thiện từ tri thức đến tâm hồn, mong lão trượng và tiểu thư tận tình cứu hắn, ơn phước ấy sẽ to lớn vô cùng. Xin hỏi quí danh của lão trượng cùng tiểu thư đây để Lía còn tạc dạ?
- Lão tên Vũ Đức, đứa cháu ngoại này là Vũ Đoan Trang. Hiệp sĩ không cần nhắc đến chuyện ơn nghĩa gì đâu. Danh tiếng nghĩa hiệp của Bạch Long, Hắc Hổ ở Truông Mây mấy năm gần đây lẫy lừng khắp cõi, mọi người đều biết, bản thân lão cũng rất hâm mộ.
Lía thở dài buồn bã:
- Thật hổ thẹn khi nghe Vũ lão công nói câu hâm mộ. Thân làm thủ lĩnh, lại để người phản bội khiến Truông Mây tan tác, gần bốn ngàn anh em hy sinh oan uổng, bản thân nay không còn mảnh đất dung thân. Nay tôi còn mặt mũi nào để sống tiếp?
- Đừng vội nản lòng, còn rừng xanh thì sợ gì thiếu củi đốt. Hai người là long là hổ trên đời này, cứ bền chí sẽ còn nhiều cơ hội.
Lía chán nản nói:
- Đa tạ lời khuyên của Vũ lão công, nhưng đã muộn rồi. Con người dù có bền chí và cố gắng đến đâu, một khi lòng trời không tựa thì cũng chỉ hoài công mà thôi. Nghĩ lại suốt thời gian qua, bao nhiêu lần cơ thắng lợi đang ở trong tầm tay thì trời cao lại đem tai họa tới. Chỉ tội cho Lâm đệ tổn hao bao tâm huyết và cơ trí, anh em một lòng dũng cảm hy sinh, cuối cùng tất cả cũng đành ôm hận ra đi. Lía này tự biết mình không lớn mạng, nếu nghe lời lão công cưỡng cầu xây dựng lại từ đầu e rằng cũng chỉ làm hại chết thêm nghĩa sĩ trong thiên hạ một cách oan uổng mà thôi. Xin nhận một lạy và xin gởi lại chiếc đầu này thay lời tạ ơn cứu mạng và chăm sóc cho nghĩa đệ.
Dứt lời, chàng phủ phục lạy Vũ Đức và Đoan Trang mỗi người một lạy. Hai người giật mình vội né người sang bên. Vũ Đức vừa định đưa tay ra đỡ Lía đứng lên thì chàng đã đứng vụt dậy, tay phải rút nhanh đoản kiếm bên hông, tay trái đưa lên nắm lấy tóc mình rồi vung thanh kiếm tự cắt đầu. Chiếc đầu rời khỏi cổ, máu chảy ròng ròng như suối. Lía chết nhưng cả thân người vẫn đứng sừng sững như pho tượng hộ pháp không đầu giữa căn phòng nhỏ. Ngoài kia, trời bỗng nổi cơn dông, vũ trụ chợt tối sầm lại. Hàng loạt những tiếng sấm nổ vang động cả đất trời. Những tiếng sấm mùa xuân vô tình đến thật sớm như để tiễn đưa một linh hồn. Cũng có thể, những tiếng sấm ấy là do uất khí của một vị anh hùng đã làm rúng động cả càn khôn, nhật nguyệt. Mà cũng có thể đó là những tiếng thét phẫn nộ của hàng triệu triệu người dân cùng khổ đang kêu gào, thương tiếc cho người anh hùng kính yêu của họ.
Hai ông cháu Vũ Đức chứng kiến cảnh tượng này thì hãi hùng đến mức há hốc mồm không thốt nên lời. Mãi một lúc sau, Đoan Trang ôm mặt khóc òa, ngã quị xuống đất. Vũ Đức cũng đứng không vững, thả mình ngồi phịch xuống giường bệnh. Khi bình tĩnh trở lại, ông nói với Đoan Trang:
- Ông ta chết mà vẫn đứng yên như thế tức là linh hồn chưa thoát đi được vì còn vướng bận điều gì đó chưa mãn ý. Có lẽ ông ta muốn nhắc chúng ta về việc cứu chữa và chăm sóc cho nghĩa đệ của mình. Con người này lúc sống yêu thương bá tính, khi chết lại trọn nghĩa với anh em. Đáng quí thay! Chúng ta hãy cùng lạy ông ta một lạy để thay cho lời hứa, giúp linh hồn ông ta được nhẹ nhàng siêu thoát.
Nói xong bèn cùng Đoan Trang vái lạy trước xác Lía. Lạ thay, cả thân người của Lía liền ngã ập xuống sàn. Hai ông cháu sau khi lấy vải phủ lên người Lía, dùng chiếu bó lại, thắp vội nén hương cầu siêu rồi đem xác chàng cùng thanh Đoạn Hồn đao chôn sâu trong núi. Họ làm việc âm thầm, kín đáo vì lo cho sự an toàn của Trần Lâm. Nhìn nấm mồ đất đơn sơ của chàng hiệp sĩ, Vũ Đức không khỏi ngậm ngùi cất tiếng than:
- Cuộc đời của một cái thế anh hùng lại kết thúc một cách âm thầm, lạnh lẽo như thế này đây. Đáng thương thay!
Đứng ngơ ngẩn xuất thần trước mộ, sự đồng cảm dâng trào, Đoan Trang bỗng chạnh nhớ tới hai câu thơ:
Mỹ nhân danh tướng xưa nay
Thế gian chẳng hứa mấy khi bạc đầu.
Nàng quay mặt, lòng không khỏi ngậm ngùi, rơi lệ.
- HẾT -
Khởi viết ngày lễ Mẹ - Mothers Day 15-4-2012
Viết xong ngày 15-12-2013.
Hoàn chỉnh ngày giỗ mẹ tôi.
Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ.
Nhằm ngày 14-1-2014
Tại FLORIDA - HOA KỲ.
Vũ Thanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Địa lý, địa danh, nhân vật, phong tục, tập quán... trong truyện được tham khảo từ:
- Vân Đài loại ngữ và Phủ biên tạp lục - Lê Quý Đôn. Bản dịch Nguyễn Khắc Thuần (Nhà xuất bản Giáo Dục)
- Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn (Nhà xuất bản Thuận Hóa)
- Hoàng Việt hưng long chí - Ngô Giáp Đậu (Nhà xuất bản Văn Học)
- Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức (Nhà xuất bản Giáo Dục)
- Nước non Bình Định - Quách Tấn (Nhà xuất bản Thanh Niên)
- Nhà Tây Sơn - Quách Tấn, Quách Giao (Nhà xuất bản An Tiêm)
- Trên đất Nghĩa Bình - Nhóm Phan Lê Huy... (Sở thông tin - văn hóa Quy Nhơn)
- Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim (Nhà xuất bản Thanh Hóa)
- Bài sử khác cho Việt Nam - Tạ Chí Đại Trường (Nhà xuất bản Văn Mới)
- Hải Thượng y tông tâm lĩnh - Lê Hữu Trác (Nhà xuất bản Y Học)
- La Sơn Phu Tử - Hoàng Xuân Hãn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội)
- Bách Việt tiên hiền chí - Thuận Đức, Âu Đại Nhậm, Trịnh Bá soạn. Trần Lam Giang dịch (Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam)
- Võ cổ truyền Bình Định (Ban thể dục thể thao tỉnh Bình Định)
- Lịch sử võ học Việt Nam - Phạm Phong (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin)
- Vè chàng Lía - Trần Xuân Toàn, Đặng Thị Bích Ngọc (Nhà xuất bản Thanh Niên)
- Văn hóa vùng thành hoàng đế - Nguyễn Thanh Mừng (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội)
- Châm cứu học - Thượng toạ Thích Tâm Ấn (Nhà xuất bản Đại Nam)
- Binh pháp tinh lược - Tôn Tử, Lục thao, Tam lược (Vũ Thanh soạn)
- Binh thư yếu lược - Trần Hưng Đạo (Nhà xuất bản Quê Mẹ - Paris)
- Tam thập lục kế - Hầu Gia (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội)
- Mạng lưới điện toán toàn cầu - Google - Internet