Hoa nở dưới vực sâu - Chương 01

Chương 1: Bình yên dưới vực sâu.

Tôi cũng không rõ mình đã sống ở thung lũng này bao lâu rồi, bởi mỗi ngày đều có hai tư giờ đồng hồ, mỗi tháng đều có ba mươi, ba mốt ngày, mỗi năm đều có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cuốc sống cứ bình dị, êm đềm trôi qua như thế ở một thị trấn nhỏ bé, xa lắc xa lơ.

Thị trấn Sa Pa[1] vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm trở lại đây. Bởi lẽ, khí hậu nơi đây ôn hòa, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thi thoảng lại có tuyết rơi trắng xóa. Thiên nhiên cũng ưu ái ban tặng cho mảnh đất này không ít những thắng cảnh đẹp. Lại còn có đỉnh núi Fansipan[2] cao ngất ngưởng, thu hút không biết bao nhiêu du khách hiếu kỳ tìm đến để khám phá nóc nhà Đông Dương.

Nếu hỏi tôi tại sao lại lưu lạc đến thung lũng xa xôi này? Tôi nhất định sẽ tìm cho mình rất nhiều lí do để thuyết phục bản thân, thuyết phục gia đình và bạn bè. Mà lí do lớn nhất có lẽ là cái duyên với mảnh đất này, cái duyên với Pao.

Nhớ lại năm đó, trên các trang báo rầm rộ tin tức về một bé gái người Mông bị suy dinh dưỡng, cô bé 14 tháng tuổi nhưng lại chỉ vỏn vẹn 3,5 kg. Những hình ảnh “da bọc xương” đầy xót xa của bé Pao ở thôn Cát Cát[3] được một nhóm tình nguyện viên phát hiện ra và chia sẻ trên mạng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận xã hội và cộng đồng mạng.

Tôi năm đó cũng vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá chưa lâu, cuộc sống dường như vẫn đang đi vào một quy luật nhất định, rồi thì guồng quay của công việc, đời sống thường nhật cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Chẳng có gì mới lạ. Chỉ là đôi lúc lang thang trên vài trang mạng xã hội, lắng nghe vài bản nhạc, rồi lẳng lặng ngồi trước màn hình nhìn ra phố phường tấp nập mà cứ như mình bị tụt hẳn lại phía sau so với mọi người.

Khi tôi trông thấy hình ảnh của Pao trên trang Facebook, nhìn hình hài nhỏ bé, dáng vẻ ngơ ngác, gầy còm của bé gái 14 tháng tuổi, tôi ngẩn người… Đóng cửa, ngồi trước màn hình máy tính tìm hết tất cả các bài báo về Pao. Như một mối nhân duyên kì lạ, tôi bỗng quyết định bỏ lại mọi thứ, bất chấp mọi khó khăn và ngăn cản từ nhiều người, một mình khăn gói tìm đến thị trấn nơi Pao sinh sống, liên hệ với tổ chức thiện nguyện rồi nhanh chóng làm thủ tục nhận chăm sóc Pao với tư cách là một tình nguyện viên. Và cũng từ đó, tôi ở lại với mảnh đất này cho đến bây giờ.

Pao của tôi năm nay đã là một cô bé 6 tuổi xinh xắn, đáng yêu. Hiện tại, tôi và Pao đang sống trong một căn nhà nhỏ xinh dưới thung lũng Mường Hoa[4], cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 8km. Hai năm trước, tôi chính thức nhận nuôi Pao sau khi bố của Pao đi thêm bước nữa. Còn tôi thì vẫn luôn cố gắng làm việc để có đủ tài chính kinh tế đảm bảo cho Pao một cuộc sống tốt nhất.

Cuộc sống của tôi vẫn diễn ra đều đều mỗi ngày không khác trước kia là bao! Chỉ là có thêm bé Pao, có thêm những màu sắc mà cuộc sống tẻ nhạt trước đó của tôi chưa từng có. Mỗi ngày, tôi được làm công việc mà bản thân yêu thích, lại có một mục đích để sống, luôn có một tương lai để bước đến, và mãi mãi có một người để chờ đợi. Đó cũng chính là cuộc sống mà tôi đã lựa chọn…

Dù trải qua bằng ấy năm, nhưng thi thoảng vẫn có vài phóng viên, nhà báo tìm đến hỏi thăm và đưa tin về Pao. Chẳng trách được, tất cả mọi người đều muốn biết cô bé suy dinh dưỡng năm nào mà họ quan tâm giờ sống ra sao? Thay đổi thế nào?

Anh Chư là cán bộ xã Hầu Thào[5] vừa đến nhà chúng tôi thông báo về cuộc gọi xin phỏng vấn bé Pao từ một cơ quan báo chí nào đó trên thành phố.

Tôi vui vẻ đón tiếp anh Chư, người đã giúp đỡ tôi và Pao rất nhiều, bằng một chén trà Ô Long [6] thơm ngát do chính tay tôi tự pha.

Anh Chư nhận lấy chén trà, có chút ngại ngùng nói với tôi bằng chất giọng lơ lớ đặc trưng của nhiều người vùng cao khi nói tiếng phổ thông:

“Cô giáo Quyên này, bên báo gì ở trên thành phố lại gọi điện về xã San Sả Hồ muốn xin đến tận nơi ở của cháu Pao để viết báo đó. Mà cháu Pao lại đang sống với cô giáo Quyên nên bên đó gọi điện sang xin ý kiến của cô giáo Quyên.”

Tôi nhìn Pao đang chơi vui vẻ với bé Páo ở sân nhà, lại mỉm cười với anh Chư:

“Được chứ ạ. Vậy họ có hẹn hôm nào chưa để em dẫn Pao qua bên đó?”

“Cô giáo Quyên sao không cho báo chí về tận đây viết? Dù gì thì cháu Pao cũng sống bên này lâu rồi, có còn sống ở đó nữa đâu.”

Tôi hiểu ý của anh Chư, nhưng tôi luôn có cách nghĩ của riêng mình và nghĩ cho cả Pao. Dư luận xã hội như một con dao hai lưỡi. Có những chuyện nếu không phải là người trong cuộc thì không thể hiểu rõ được bản chất thật của nó. Khi nhận nuôi Pao, tôi đơn giản chỉ nghĩ đến tình cảnh của Pao, thương Pao và muốn chăm sóc Pao. Vậy nên, mỗi lần báo chí đến đưa tin tức về Pao tôi đều dẫn em trở về nhà cũ bên bản Cát Cát, còn bản thân thì luôn ẩn mình, tuyệt đối không hề muốn dư luận biết đến. Tôi thích một cuộc sống bình lặng như từ xưa vốn thế!

Thời thiết ở đây mát mẻ quanh năm, chỉ có mùa đông là cảm nhận được cái lạnh thấu xương đặc trưng của vùng trời phương Bắc. Từ sáng sớm, tôi đã hái rất nhiều rau, củ, hoa, quả trong vườn để chuẩn bị lên trấn họp phiên chợ cuối tuần. Hôm nay cũng là ngày hẹn với bên báo gì đó trên tỉnh. Tôi lái chiếc xe ba bánh chở đầy rau, để Pao ngồi phía sau xe bám chặt lấy vạt áo tôi. Chúng tôi cùng xuất phát sớm để kịp đến phiên chợ…

Thị trấn Sa Pa nhỏ bé ấy vậy mà ngày nào cũng có khách du lịch ghé thăm. Điều đó khiến việc buôn bán của dân địa phương rất thuận lợi, kiếm được không ít lời lãi. Ngoài rau, củ, quả tươi tự trồng ra, tôi còn bán thêm trà Ô Long được chế biến từ trà xanh và các loại hoa như hoa Hồng, Đỗ Quyên, Tràng Pháo, Lan rừng,[7] …

“Cô giáo Quyên hôm nay ra chợ sớm thế? Lại còn có nhiều cây hoa Đỗ Quyên đẹp nữa chứ. Chắc hôm nay sẽ buôn may bán đắt lắm đây.”

Cô Hương bán thịt lợn vừa trông thấy tôi đến liền vui vẻ chào hỏi. Bởi sạp hàng của tôi gần ngay sát hàng thịt của cô nên quan hệ khá thân thiết với nhau. Thỉnh thoảng cô vẫn hay mua hoa của tôi về cắm.

Tôi vừa xuống xe liền niềm nở chào mời vị khách quen đầu tiên của mình:

“Hôm nay cháu có cây Đỗ Quyên màu trắng rất đẹp đó, cô Hương mà thích thì cháu để giá ưu đãi cho ạ.”

“Đâu, đâu? Lấy ra cô xem nào. Cô mà thích thì triển luôn đấy.” Cô Hương đang xẻ thịt lợn, nghe tôi nói liền bỏ ngang công việc chạy nhanh đến bên chiếc xe ba bánh của tôi ngắm nghía.

Tôi phì cười, không ai có thể tưởng tưởng được rằng, một “bà bán thịt heo” ngoài chợ như cô Hương lại có hứng thú với hoa và cây cảnh. Hơn nữa còn rất dễ bị người khác dụ dỗ!

Pao đang phụ giúp tôi bê mấy bó rau từ trên thùng xe xuống bày lên sạp hàng như mọi lần, thấy bà Hương của nó đến gần liền phụng má bĩu môi, coi vẻ rất không hài lòng châm biếm một câu:

“Bà Hương mà cứ mua hoa nhà cháu thì ông Phừ phá sản mất thôi!”

Chả là thế này, cứ mỗi lần cô Hương mua hoa hay cây cảnh của tôi về thì hai vợ chồng cô lại cãi nhau một trận. Chỉ vì ông Phừ, chồng cô không thích hoa hiếc, cũng không có thú vui chơi cây cảnh. Có lần ông ra chợ, đúng lúc trông thấy vợ đang mua giỏ Lan trắng của tôi liền tiến lại quát mắng: “Bà mà cứ mua hoa thế này thì tôi phá sản mất thôi!” Khiến tất cả chúng tôi được một trận cười sảng khoái.

“Bà Hương thích thì bà Hương mua chứ bà không sợ ông Phừ đâu.”

Cô Hương đã quả quyết như vậy rồi, nên chúng tôi đành phải bán cho cô ấy với giá ưu đãi. Thế là mở hàng thuận lợi. Tôi xoa đầu Pao, trêu đùa:

“Pao à, việc buôn bán thì mình cứ buôn bán. Còn chuyện của gia đình người ta thì người ta tự quản. Con nhớ chưa?”

“Dạ, Pao nhớ rồi ạ!”

Cô Hương đang mê mẩn ngắm ngía chậu hoa Đỗ Quyên trắng tinh khôi, nghe tôi nói vậy liền lườm hai mẹ con tôi một cái mang hàm ý cảnh cáo:

“Cô nói thế này nhé, là vì cô thương hai mẹ con nên cô mua ủng hộ thôi. Chứ cây hoa Đỗ Quyên này cũng không đẹp mấy. Lần sau không được dụ dỗ cô nữa, biết chưa?”

Tôi và Pao ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng lòng lại nghĩ, lần sau thì để lần sau tính đi.

“Bà Hương yên tâm, mẹ Quyên bảo phá hoại hạnh phúc gia đình người khác là có tội. Mà Pao với mẹ Quyên tuyệt đối là người tốt, nhất định lần sau sẽ không làm chuyện này nữa.”

Tôi và cô Hương sau khi ngơ ngẩn một lúc, cuối cùng cũng “tiêu hóa” được lời nói của Pao, liền không nhịn được cười.

“Con bé này, học ai cái kiểu lẻo mép thế không biết.” Tôi búng nhẹ lên trán Pao.

“Học cô giáo Quyên ạ.”

“…”

Sau khi bày hàng xong, phiên chợ cũng bắt đầu đông đúc, rộn ràng tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng trả giá của khách vang cả một góc thung lũng.

Gần đến giữa trưa, mặt trời bắt đầu ló rạng sau những đám mây. Cái nắng nhẹ đầu hè khiến cả thị trấn nhỏ bé thêm phần ấm áp. Bao phủ thung lũng là màu vàng nhạt hiền hòa của nắng.

Tôi dẫn Pao men theo con đường nhỏ xuống bản Cát Cát. Chỉ cách trung tâm thị trấn Sa Pa có 3km, Cát Cát nằm bình yên dưới chân núi Hoàng Liên Sơn[8]. Với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kiến trúc nhà cửa độc đáo của người Mông, phong tục tập quán và ẩm thực đặc sắc đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Đường xuống bản cũng đẹp làm sao! Tôi dắt Pao tiến vào con đường làng, cảm nhận được bàn tay nhỏ bé ấy đang run lên nhè nhẹ. Nhịp chân Pao dường như càng lúc càng chậm lại vẻ như không muốn tiếp tục bước đi.

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh của Pao ướt đẫm mồ hôi, tôi đau lòng lắm. Còn nhớ năm đó, trước khi Pao về sống với tôi đã có những tháng ngày sống cùng với bố và mẹ mới. Câu chuyện “mẹ ghẻ con chồng” dường như đã không còn lạ lẫm với bất cứ ai. Năm tháng đi qua, những hồi ức đau thương không thể nói quên là quên được. Dù Pao chỉ là một đứa trẻ, nhưng đôi khi những tổn thương đến từ cuộc sống lại khiến con người ta sớm trưởng thành hơn so với những người bạn cùng trang lứa khác. Pao của tôi chính là một cô bé từ sớm đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát! Điều mà tôi có thể mang đến cho Pao là một cuộc sống mới, cơm no áo ấm. Tôi thương Pao, nhưng không thể nào bằng tình thương của một người mẹ ruột.

“Cô bé, chú vừa mua một cái y hệt như vậy rồi.”

Chắn trước mặt chúng tôi là một chàng trai vai đeo ba lô du lịch đang nói chuyện với cô bé bán đồ lưu niệm. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi giọng nói của người đó, hình như có chút quen thuộc.

“Chú ơi mua cho cháu đi, mua cho cháu đi.”

Đúng lúc giọng nói của cô bé bán đồ lưu niệm kia vang lên liền hướng sự chú ý của tôi về phía đó. Là A Dở. Tôi nhớ rất rõ cô nhóc này. Em vẫn thường hay đi loanh quanh trong trấn để bán đồ cho khách du lịch. Điều đặc biệt chính là cách thức bán hàng của em không giống với những bé gái khác ở trong trấn. Tôi từng chứng kiến em đeo bám mãi khách du lịch không buông, đôi khi còn giở những chiêu trò như giả vờ khóc lóc khiến nhiều du khách bối rối. Mỗi lần trông thấy cảnh tượng ấy, tôi không nỡ trách mà chỉ thương em. Thương cho cái nghèo trên mảnh đất này.

Đến với thung lũng Sa Pa, điều làm tôi hay bất cứ ai không khỏi chạnh lòng chính là những đứa trẻ khuôn mặt lấm lem, chân trần chạy trên đất, những ánh mắt trong veo, những giọng nói ngọng nghịu dễ thương rao bán hàng trong màn sương lạnh. Nhưng chúng không hồn nhiên hay cuộc sống không cho phép chúng được hồn nhiên?

Cô bé A Dở bỗng bắt đầu mếu máo vẻ như muốn khóc. Một vài du khách qua đường tò mò vội dừng lại xem tình hình.

Tôi không nhìn rõ biểu hiện trên khuôn mặt chàng trai kia mà chỉ trông thấy bóng lưng cao lớn cùng với chiếc ba lô to đùng vắt qua vai. Dù vậy nhưng tôi vẫn có thể mường tượng được bộ dạng lúng túng của cậu bạn tội nghiệp đó.

Mãi một lúc sau, du khách kia mới lên tiếng:

“Được, được rồi. Để chú cho…”

“A Dở, qua đây chị bảo nè.” Chưa đợi người kia nói hết câu, tôi đã chen vào.

A Dở nghe thấy tiếng gọi của tôi liền ngừng khóc. Cô nhóc hướng tầm mắt về phía tôi trong chốc lát rồi lại phớt lờ đi, vờ như không nghe thấy. Đó là một đôi mắt trong veo chẳng vương chút giọt lệ nào.

Bất đắc dĩ, tôi từ phía sau tiến lại nắm tay A Dở kéo sang một bên, rồi lấy từ trong túi quần ra một tờ mười nghìn đồng đưa cho em như mọi lần. Tính tôi hồi nào vốn vậy, đã không nhìn thấy thì thôi, chứ nhìn thấy rồi liền không thể nào đứng im bỏ mặc em được.

Tôi mỉm cười, xoa đầu em, nhưng chưa kịp mở miệng đã bị một loạt những câu mắng chửi gay gắt bằng tiếng dân tộc Mông của em làm cho im bặt, không thốt nên lời.

Ờ thì, tôi “quen” rồi.

Sau khi nói xong, em cầm tiền tôi đưa rồi bỏ đi hòa vào dòng người tấp nập trên đường làng. Tiếng rao của em lại ngọng nghịu cất lên lanh lảnh lẫn trong những tiếng rao khác rộn vang một góc trời.

Đám đông đã tan từ bao giờ, chỉ còn lại một mình chàng du khách đứng lặng lẽ dưới nắng mai đang hướng mắt về phía tôi. Mà người đó lại chính là Phong Lâm…

Ai đã một lần phiêu du núi Hoàng Liên, đến ngang lưng trời hãy thức trọn một đêm.
Để nghe, tiếng chim Quyên khắc khoải, và một nhành hoa nức nở trong đêm.
Ai đã đến một lần nơi đất trời gặp gỡ, giữa đại ngàn hoang vu, để nghe rừng Sa Mu thao thức về chuyện tình bi ai.
Để nghe suối rì rào kể lại, huyền thoại hoa Đỗ Quyên.
Ôi đóa hoa xinh tươi, tuyết rơi hoa rụng nhiều, cuốn đi theo dòng trôi. 
Ôi cánh hoa mỏng manh, xanh xao trong rừng chiều, em vẫn đợi người yêu. 
Đợi cho rừng thôi trút lá, đợi cho suối cạn đá mòn, để những chiều hoàng hôn 
được nghe một tiếng chim Quyên buồn, cô đơn. 
Ai đã đến một lần, hãy lên núi tìm hoa, nhìn cánh hoa ướt lệ, thương một nhành Đỗ Quyên.

Giai điệu ca khúc “Chuyện tình hoa Đỗ Quyên” bỗng vang lên giữa thung lũng bạt ngàn như nói hộ nỗi lòng của tôi lúc này.

Bảy năm nay, thật ra tôi vẫn luôn ở trấn nhỏ này là để chờ đợi một người. Như tình yêu của loài hoa Đỗ Quyên, tình cảm mà tôi dành cho người ấy cũng chỉ có hi vọng, kiên trì và chờ đợi. Sẽ có một ngày, cánh chim kia mỏi mệt và trở về. Bởi vì…

Mùa hoa năm ấy, là mùa hoa nở đẹp nhất,

Người thương năm ấy, là người tôi muốn giữ cho riêng mình…

Chú thích:

[1] Là một địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Lào Cai, với khí hậu mát lạnh quanh năm và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

[2] Là đỉnh núi cao nhất Đông Dương.

[3][4][5] Là các xã thuộc Sa Pa.

[6] Là một loài trà được chế biến từ lá trà xanh theo công thức riêng.

[7] Các loài hoa phổ biến ở thị trấn Sa Pa.

[8] Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam, nằm giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái.