Hoa nở dưới vực sâu - Chương 05

Chương 5: Kí ức dưới vực sâu (2)

Tôi không thích hồi tưởng lại, là bởi vì tôi muốn quên đi những hồi ức đau thương. Nhưng trong tất thảy những thời khắc xưa cũ ấy, tôi lại không có cách nào để quên đi được một số người, một số việc.

Mùa Đỗ Quyên, năm 2008…

Trên chuyến tàu đêm về Lào Cai, Phong Lâm lặng lẽ thu mình trong một góc trời riêng biệt. Ánh đèn ngoài đường hắt qua song cửa sắt chiếu lên gương mặt cậu thiếu niên trẻ những vệt sáng tối, chẳng rõ phiền muộn hay đang suy nghĩ điều gì? Dường như, cậu có rất nhiều điều phải lo lắng, lo cho chuyến leo núi Fansipan vào ngày mai, lo cho người ông vẫn đang ốm nặng trong viện, lo sợ sinh ly tử biệt…

Mặc cho gia đình vẫn đang gặp nhiều chuyện rối ren, mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa Phong Lâm với bố của cậu. Hai người đàn ông trong cùng một gia đình từ lâu đã chẳng thể hòa hợp được với nhau. Một người thì gia trưởng, cố chấp, luôn lấy quyền của bậc sinh thành để bắt người khác phải theo ý mình. Còn người kia thì tuổi trẻ ngông cuồng, tựa như cánh chim ưa phiêu bạt không thích bị người khác sắp đặt sẵn cuộc đời của mình. Mà hai người đó lại chính là cha con!

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi bố Phong Lâm kiên quyết buộc cậu phải dừng lại hai năm đại học để sang nước ngoài du học theo ngành của ông. Vậy mà trước đó, cậu còn tưởng rằng bố cậu đã thay đổi ý định, chấp nhận để cậu được yên bình học trong nhạc viện như đúng mơ ước từ nhỏ của cậu.

Hóa ra chỉ vì sức ép của ông nội năm đó, bố cậu mới chịu nhường nhịn cậu một chút, để cậu được thoải mái chọn trường yêu thích. Giờ ông nội bị ốm rất nặng, ông chỉ nằm yên một chỗ, đến ăn uống, nói chuyện cũng khó khăn nên cậu dường như cũng không còn chỗ dựa nữa, không còn ai để bảo vệ ước mơ của cậu nữa rồi.

Nhớ đến người ông vẫn đang nằm trong viện, Phong Lâm lại bắt đầu cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Trong nhà, cậu là thương ông nội nhất. Vì bà nội mất sớm nên ông nội cũng dành tình thương cho cậu nhiều nhất nhà. Cậu bướng bỉnh vẫn thường hay cãi lời bố, nhưng với ông thì chưa bao giờ.

Lẽ ra hiện tại, cậu phải đang thường trực bên giường bệnh để chăm sóc ông. Nhưng đột nhiên vào một ngày trời hửng nắng sau trận mưa hạ mải miết, ông gọi cậu lại gần, dùng chút hơi tàn thì thào bên tai cậu:

“Fan…si…pan… Ông… luôn… muốn… trở… lại… đó… một… lần… nữa… cháu… thay… ông… tìm… một… thứ… được… chôn… dưới… lòng… đất… nó… là… thứ… quan… trọng… của… ông… và… bà… nội…”

Dứt lời, ông thở dốc, lại ho một tràng dài. Phong Lâm vừa lo lắng cho ông vừa gật gật đầu, gấp gáp nói:

“Cháu biết rồi, ông yên tâm ạ. Rồi cháu sẽ lên đó tìm cho ông thứ mà ông cần.”

“Không… phải… đi… ngay… ông… sợ… không… kịp…” Rồi ông lấy từ dưới gối ra một tấm hình cũ, bên trong là ảnh ông với bà lúc còn trẻ. Màu ảnh nhợt nhạt nhưng vẫn rõ từng nét, có lẽ ông đã cất giữ nó rất cẩn thận.

Phong Lâm chẳng có chút kí ức nào với bà nội, tất cả những gì mà cậu biết về bà đều là qua lời kể của ông và những tấm ảnh cũ mà khi còn khỏe mạnh ông vẫn thường đem ra ngắm nhìn. Đủ để thấy tình cảm mà ông dành cho bà sâu nặng như thế nào. Là thứ tình cảm mà muôn đời vạn kiếp cũng không thay đổi, vẫn luôn thủy chung như một.

Chẳng thế mà trước khi rời khỏi trần thế, ông vẫn còn lưu luyến chưa nguôi. Vẫn còn tâm nguyện cuối cùng là đào lại kỉ vật định tình của hai người năm xưa cùng chôn trên đỉnh núi Fansipan, khi đó họ đã hẹn với nhau rằng sau này nhất định sẽ cùng trở về đây để lấy lại. Nhưng hẹn ước chưa thành, mà người xưa đã sớm đi trước một bước. Thế là lỡ hẹn, lỡ cả một đời người…

Ông nội dặn Phong Lâm rằng sau khi ông mất, hãy đem chúng và ông cùng chôn bên cạnh bà, để kiếp sau, kiếp sau nữa họ vẫn mãi được làm vợ chồng.

Khi ông đưa tấm hình cho Phong Lâm, tay cậu run run đón lấy, đầu cậu gục hẳn xuống, nước mắt của người cháu trai đã không thể kìm nén được nữa cứ thế lăn dài, rơi trên mu bàn tay nhăn nheo già cỗi của ông.

Ngồi tựa vào thành tàu, Phong Lâm lôi bức hình ra ngắm kĩ một lần nữa. Người đàn ông có vóc dáng hơi gầy, gương mặt tuấn tú, vận bộ quân phục lính trong bức ảnh chính là ông nội của cậu khi còn trẻ. Còn người phụ nữ mặc trang phục dân tộc Mông, đầu đội mũ có trang trí những đồng xu bằng bạc, râu dê và túi thuốc là người bà mà cậu chưa một lần gặp mặt. Họ cùng nhìn về hướng máy ảnh mỉm cười hạnh phúc, bên dưới là hai cánh tay đan chặt vào nhau. Nổi bật là hai chiếc vòng bằng bạc trắng nơi cổ tay của mỗi người. Đó chính là kỉ vật mà ông muốn cậu đi để tìm lại. Chính là nó…

Vì gấp rút nên Phong Lâm quyết định mạo hiểm leo núi Fansipan một mình. Cậu muốn đi sớm về sớm, bởi cậu sợ rằng về muộn sẽ không còn được gặp lại ông lần nào nữa.

Đến Trạm tôn, nỗi lo lắng của cậu dường như tan biến khi trông thấy nhiều đoàn leo núi khác cũng đang tập trung ở đó. Cậu có thể bám sát theo họ, như vậy sẽ không sợ bị lạc đường.

Nhưng cuộc đời này vốn có sẵn những chuyện, không phải ta nghĩ như thế sẽ là như thế. Cậu đã nghĩ rằng mọi thứ sẽ đều thuận lợi, cho đến khi gặp người con gái đó…

“Tạch… tạch…” Phong Lâm cũng không hiểu nổi hành động của chính bản thân mình. Cậu vừa giơ chiếc máy ảnh lên và lén chụp một cô gái xinh đẹp ngồi trên mỏm đá. Nhưng khi đối phương vì nghe thấy tiếng bấm máy mà ngó sang thì cậu lại lảng tránh nhìn về hướng khác, lẫn trong đoàn người để ngụy trang cho hành động lén lút của mình.

Giữa những ồn ào từ các đoàn leo núi trong buổi tụ họp ăn uống nghỉ ngơi ở trạm 2200m, cô gái nhỏ ấy vẫn lặng lẽ ngồi gặm nhấm bữa trưa của mình. Cả khoảng trời yên bình bao bọc lấy cô, tựa như chẳng thể bị những thứ xung quanh làm ảnh hưởng đến.

Điều đặc biệt gì ở nơi cô gái đó mà cứ hút lấy tầm mặt cậu, khiến cậu dù đã bám chân các đoàn khác đi xa cả đoạn đường vẫn phải thỉnh thoảng quay lại để dõi theo hình bóng nhỏ bé mà kiên cường phía sau.

Cô ấy cứ như vậy, một mình chật vật qua những đoạn đường khó đi. Chẳng thể tin được, một cô gái thoạt nhìn yếu ớt như cô ấy lại dám mạo hiểm leo núi Fansipan một mình. Thật đúng là… không còn gì để nói.

Khi rẽ qua khúc quanh, Phong Lâm lo lắng quay lại nhìn lần nữa, nhưng đã không thấy bóng dáng kia đâu rồi. Cậu đột nhiên dừng bước, tay nắm chặt dây đeo ba lô, lưỡng lự đứng ở đó một lúc.

 “Chết tiệt!” Cậu bực dọc mắng thầm, rồi xoay hẳn người, quyết định đi ngược lại.

Cậu biết ngay cô gái đó bị kẹt ở đoạn dốc trơn trượt này, vừa rồi cậu cũng phải nhờ thành viên đoàn khác kéo tay mới lên được.

Chính là lúc này, cậu dùng một tay bám vào cành trúc, một tay xòe ra trước mặt cô gái toàn thân dính đầy bùn đất.

“Ôi, khó quá!”

Nghe thấy cô gái ấy tự lẩm bẩm một mình. Phong Lâm rất muốn bật cười cái dáng vẻ tỏ ra cứng đầu của cô. Cậu cũng lên tiếng đáp trả:

“Khó thì đưa tay đây anh kéo.”

Cũng từ đó, cậu đã kéo tay cô gái ấy đi qua từng đoạn đá gồ ghề, qua từng con dốc trơn trượt…

Họ cứ thế đi mãi, đi mãi nhưng không bao giờ đuổi kịp được các đoàn khác. Con đường phía trước bằng phẳng mà vắng lặng đến đáng sợ, không một tiếng người vọng lại, chỉ có núi rừng hồi đáp bằng thanh âm của tiếng nước chảy róc rách qua các khe đá, tiếng xào xạc ghê rợn của cây cỏ hay tiếng nô đùa của muông thú ẩn náu trong một bụi rậm nào đó.

Người đi trước chợt hoang mang, bàn tay đang đang nắm chặt tay người phía sau buông lơi. Nỗi sợ hãi không thể giấu nổi qua lời nói:

“Chúng ta… đi lạc rồi!”

Không gian im lặng, gió ngưng thổi, cây cối ngưng xào xạc, nước ngưng chảy, chim rừng ngưng đùa giỡn. Đỗ Quyên nở rộ trên cây, con đường hẹp dài phía trước rải đầy những cánh hoa tựa như một thảm nhung đỏ thẫm, nhưng lại không phải là con đường dẫn lên đỉnh núi Fansipan.

Hai người đứng lặng ở đó, chẳng ai nói với ai lời nào. Hình như họ đã đi lạc thật rồi…

Trời nhá nhem tối, sương đêm nơi thung lũng rơi nhẹ trên vai những người đi đường. Từ đồi chè về, tôi ngồi yên phía sau xe để Phong Lâm chở, vẫn là tấm lưng rộng lớn  của anh giúp che chắn những cơn gió lạnh thổi đến.

 “Cô… cô gái chiều nay anh quen à?” Nghĩ đến cô gái ban chiều, tôi hắng giọng vài lần, cuối cùng vẫn ấp úng hỏi, giọng lí nhí như muỗi kêu.

“Gì cơ?” Đúng thật là anh ấy không nghe thấy.

“Cô gái chiều nay ấy?” Tôi điều chỉnh lại tông giọng, cố nói to để át đi tiếng ồn ào của động cơ xe máy.

“Ai? À, ý em hỏi A Đóa á?”

“Ừ.”

“Cô ấy là ân nhân của anh đó.”

“Ân nhân ạ?”

“Ừm, hôm mới lên đây anh bị say nắng rồi ngất ngay giữa đường. Cũng may nhờ có cô ấy vác về, còn cho anh uống thuốc bổ gia truyền và ăn trực một bữa cơm nữa. À, cô ấy còn cho anh quá giang từ thị trấn về Hầu Thào.”

Phong Lâm hăng say kể về cô gái A Đóa, còn tôi thì cố vểnh tai lên để nghe không sót một chữ.

Thì ra, họ có tình huống gặp nhau đặc biệt như vậy, rồi hôm nay lại vô tình gặp nhau giữa đồi chè. Hai người họ chẳng phải rất có duyên với nhau hay sao?

Trong lòng tôi bỗng có một dự cảm mơ hồ, hay một chút gì đó ghen tị ẩn sâu dưới lớp vỏ bọc hờ hững. Tôi gặp anh vào năm mười tám tuổi, nhưng mãi đến năm hai mươi tám tuổi tôi mới gặp lại anh một lần nữa. Duyên tình giữa tôi và anh lẽ nào lại cách nhau một khoảng dài đến như vậy?

Tôi của hiện tại vẫn là tôi của mười năm trước, nhưng anh của hiện tại liệu có còn giống như chàng thiếu niên năm đó đã từng đi chung với tôi một đoạn đường ngắn hay không? Tôi vừa muốn tìm hiểu anh vừa cảm thấy sợ hãi, vừa muốn lại gần anh một chút lại vừa không có đủ can đảm. Tôi sợ bản thân thất vọng, rồi lại hụt hẫng và rồi chết mòn trong chính nỗi cô độc của mình chỉ vì chờ đợi một ai đó.

“Nhưng anh nói này, anh vẫn thích ăn món mà em nấu hơn. Tối nay mình sẽ ăn món gì vậy cô chủ nhà tốt bụng?”

“Ăn, ăn, ăn, chỉ biết ăn thôi! Ai nói sẽ nấu cho anh ăn chứ!” Tôi ngoài miệng nói cứng, nhưng trong lòng thì đã mềm nhũn như cọng bún.

“Ơ, chiều nay anh đã giúp em bao nhiêu là chè rồi. Em không trả công anh hả?”

“Đấy là anh tự đòi bám theo tôi đấy chứ ai bắt.”

“Công của anh chỉ cần một bữa cơm thôi mà, có gì khó đâu nào. Hái chè cả chiều, anh đói lắm rồi!”

“Mặc xác anh. Tự nguyện thì tự chịu. Nếu ăn cơm thì tôi sẽ tính thêm vào phí dịch vụ.”

“Này, anh đang là người thất nghiệp đó.”

“Điều đó có liên quan đến tôi ư?”

“Chẳng phải em là người tốt à?”

“Lòng tốt của con người có hạn.”

“…”

Cứ thế, cả đoạn đường về nhà chẳng im ắng như tôi vẫn nghĩ. Anh nói một câu, tôi đáp lại một câu chẳng mấy chốc mà đã về đến nhà.

Nghe thấy tiếng xe máy vang lên ngoài cổng, biết mẹ về, Pao bỏ dở nồi cơm xuống bên cạnh bể nước chạy ra gọi to:

“A, Mẹ Quyên và chú Lâm về rồi.”

Nếu như mọi lần, Pao sẽ chạy đến ôm chầm lấy chân tôi và tôi sẽ bế xốc em lên. Nhưng hôm nay có người đã thay tôi làm việc đó.

Phong Lâm đã soải bước đi dài tiến về trước, đón lấy vòng tay của Pao rồi bế xốc lên. Pao cũng không ngần ngại ôm chầm lấy anh, trông hai người họ sao lại có thể thân thiết nhanh đến như vậy?

“Xem nào, Pao đang làm gì đó? Sao người ngợm lại ướt như vậy?”

“Pao đang chuẩn bị nấu cơm ạ.”

“Vậy có phần của chú Lâm không?”

“Tất nhiên là có rồi ạ!”

“…”

Tôi đứng chết lặng ở cổng, đôi tay dang rộng cảm thấy thừa thãi vội khép lại. Dõi mắt nhìn cảnh tượng phía trước, một lớn một bé thì thầm to nhỏ đi vào nhà.

Tôi chưa từng thấy Pao của tôi thân thiết với du khách nào như vậy?

Tôi đang định cất chiếc gùi đựng chè vào bếp thì có ai đó gọi:

“Cô giáo Quyên ơi, cô có nhà không?”

Thì ra là cán bộ Chư. Lần này theo sau anh lại là một đoàn khách du lịch khác. Vì đường đến homestay của chúng tôi khó tìm, nên tôi thường bảo khách tìm đến UBND xã Hầu Thào rồi sau đó nhờ anh Chư dẫn khách sang.

Tôi đặt tạm chiếc gùi ngoài bậc thềm, ấn công tắc bật đèn ngoài sân cho sáng rồi đi ra tiếp đón cán bộ Chư:

“Em chào anh Chư.”

“Đây, anh lại dẫn đoàn khách mới đến cho em. Họ đi lạc nên bị đến muộn, Ủy ban đóng cửa rồi. Cũng may nhà anh ngay gần đấy nên chạy sang thì thấy mấy cô cậu này lởn vởn ngoài đó, biết là khách của em nên dẫn sang đây luôn.”

“Dạ vâng, cảm ơn anh Chư!”

Rồi cán bộ Chư ngó ra cổng gọi to: “Này, mấy đứa vào đây đi!”

Một đoàn khoảng 5, 6 người lầm lũi đi vào. Có cả nam cả nữ. Nghe cán bộ Chư giới thiệu về tôi xong, họ cùng nhau lên tiếng chào hỏi. Một vài người thì mải ngắm nghía xung quanh, một số khác thì tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi là chủ homestay này.

Kì thực, nếu tôi không nói ra thì không ai biết năm nay tôi đã hai mươi tám tuổi rồi. Hầu hết các khách du lịch đến đây đều nghĩ tôi mới chỉ qua hai mươi tuổi một chút, lại có một đứa con. Và rồi họ tin những lời đồn đại mà nhiều người dân ở đây vẫn thêu dệt lên rằng tôi là một cô gái dân tộc ở bản khác bỏ đến đây sống, rằng tôi là nạn nhân của tình trạng tảo hôn[1], sau đó bị chồng bỏ và phải nuôi đứa con một mình…

Tôi biết đó mà cũng quen rồi! Cuộc sống của mình tự mình biết. Đèn nhà ai, nhà ấy rạng. Nếu tôi để ý những lời rèm pha của thiên hạ thì năm đó tôi đã không nhận nuôi Pao. Đến bây giờ, không tính những người trong cuộc thì cũng chỉ có cán bộ Chư là biết chuyện đó.

Sau khi tôi làm hợp đồng và sắp xếp chỗ ở cho đoàn khách du lịch xong thì trời cũng đã dần về muộn. Bữa tối cũng đã qua từ lâu rồi.

Trở về căn nhà của mình, nhìn thấy mâm cơm lạnh ngắt đặt trên bàn, còn có hai người nào đó vừa ngồi trên ghế mây xem ti vi vừa cười khúc khích. Trông thấy cảnh tượng ấy, bao nhiêu mệt mỏi trong ngày dường như mất sạch, lòng tràn ngập ấm áp.

Lúc này, bụng cũng đã réo lên ing ỏi đòi ăn đòi uống, tôi mới đi vào.

“Sao còn chưa ăn tối nữa?”

Cả hai bị tôi làm cho gián đoạn trận cười, cùng quay sang nhìn tôi.

“Pao và chú Lâm đang đợi mẹ Quyên xong việc rồi cùng ăn cơm.” Pao nhanh nhảu đi đến kéo tay tôi ngồi xuống bàn ăn.

Phong Lâm cũng tiện tay tắt ti vi rồi đi đến ngồi một chỗ cạnh Pao. Quan sát mâm cơm nguội, có cá kho, có trứng cuộn, và có rau đay nấu canh mướp, tôi đăm chiêu nhìn một lớn một nhỏ ở phía đối diện.

Chưa kịp mở miệng hỏi thì Pao tài lanh đã tranh khoe trước:

“Đây đều là các món chú Lâm nấu, Pao giúp chú rửa rau.”

Tôi khẽ “À” lên một tiếng. Khẽ nhìn sang thì thấy anh cũng đang chăm chú dõi theo nét mặt của tôi.

Vừa chạm mắt, tôi chợt lung túng nói:

“Hình, hình… như nguội hết rồi. Hay để tôi đi hâm nóng lại nhé.”

“Thôi, không cần. Đói lắm rồi ý, cả nhà mình ăn cơm nhé!”

“Cả, cả… nhà…” Khóe môi tôi chợt giật giật.

“Mời mẹ Quyên ăn cơm, mời chú Lâm ăn cơm.”

Cuối cùng, ”cả nhà” chúng tôi cũng có một bữa tối muộn. Dù cơm canh lạnh ngắt, nhưng đó là bữa ăn ngon và ấm ấp, mà rất lâu rồi tôi chưa cảm nhận được.