Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 03 phần 2

Lần đầu tiên tôi đụng chạm với người Nhật là trong một lần tôi đến thăm bà dì, em gái của mẹ tôi, ở đường Kampong Java, bên kia cầu Red bắc qua con kênh Bukit Timah. Khi đến gần cây cầu, tôi thấy một lính Nhật đi tới đi lui trên cầu. Có bốn năm lính khác đang ngồi gần đó, có lẽ cùng toán gác cầu với anh ta. Tôi đang đội một chiếc mũ mềm rộng vành, thứ của lính Úc, vốn quăng đầy đường trong những ngày trước khi họ đầu hàng. Tôi đã nhặt một cái, nghĩ rằng nó có thể giúp tôi che nắng trong quãng thời gian gian nan sắp tới.

Khi tôi đi ngang qua chỗ đám lính, tôi cố làm ra vẻ hết sức bình thường. Nhưng chúng không chịu để ai đi qua mà không thèm chào hỏi chúng như vậy. Một tên lính quát lên: “Kore, Kore!” rồi ra hiệu cho tôi. Khi tôi tới gần, hắn thọc lưỡi lê vào vành mũ của tôi và hất nó văng đi, hắn tát tôi đến xoay cả người rồi ra hiệu bảo tôi quỳ xuống. Hắn đạp chân vào ngực tôi khiến tôi té thẳng cẳng trên mặt đường. Khi tôi bò dậy, hắn ra hiệu bắt tôi phải quay trở về. Tôi đã thoát nạn một cách nhẹ nhàng. Nhiều người khác không biết cách cư xử mới và không cúi chào các lính Nhật ở các ngã tư hay trên cầu đã bị bắt quỳ gối hàng giờ dưới nắng và giơ cao một cục đá nặng trên đầu cho đến khi rã rời cả hai tay.

Một buổi chiều, ngồi ở hàng hiên căn nhà của chúng tôi trên đường Norfolk, tôi thấy một lính Nhật trả tiền cho một phu kéo xe. Người phu xe phàn nàn, xin thêm gì đó. Tên lính nắm lấy tay ông ta, quăng qua vai phải của hắn và bằng một đòn judo, hắn quật văng ông ta lên không trung. Ông ta rơi sấp mặt xuống đường. Một lát sau, ông ta lồm cồm bò dậy, đứng vào giữa hai càng xe và lảo đảo kéo xe đi. Tôi choáng váng trước cảnh nhẫn tâm đó.

Ngày hôm sau, tôi còn học được một bài học nữa trên cầu Red. Một chiếc xe mới chiếm đoạt được chạy ngang qua, xe có một lá cờ nhỏ màu xanh, cờ hiệu cấp thấp nhất – cờ vàng dành cho tướng lĩnh, cờ đỏ cho cấp tá và cờ xanh cho cấp úy. Tên lính hơi chậm trễ trong việc đứng nghiêm chào. Chiếc xe đã chạy qua nhưng nó thắng lại và quay đầu. Một sỹ quan chui ra, bước tới chỗ tên lính và tát hắn ba cái thật mạnh, cầm tay tên lính đưa qua vai, và cũng bằng một đòn judo như tôi đã thấy hôm trước, gã sỹ quan quẳng tên lính lên trời. Tên lính cũng té sấp mặt xuống như ông phu xe nọ vậy. Lần này tôi ít choáng váng hơn. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng sự tàn bạo là một phần trong hệ thống quân đội Nhật, ăn sâu bén rễ qua nhiều lần đánh đập vì những vi phạm nhỏ.

Cũng trong ngày hôm đó, một hạ sỹ quan Nhật và vài tên lính vào nhà tôi. Chúng xem xét qua loa, thấy rằng chỉ có tôi và Teong Koo ở nhà và quyết định đây là chỗ trú thích hợp cho một trung đội. Thế là mở đầu một cơn ác mộng. Tôi đã từng chữa răng ở một nha sĩ Nhật trên đường Bras Basah, ông ta và các y tá đều cực kỳ sạch sẽ và ngăn nắp. Những nhân viên bán hàng người Nhật trong các cửa hàng 10–xu trên đường Middle cũng vậy. Tôi không hề chuẩn bị đối phó với thứ mùi tởm lợm của quần áo và thân thể không tắm giặt của bọn lính Nhật này. Họ lùng sục khắp ngôi nhà. Họ tìm thức ăn, thấy kho dự trữ của mẹ tôi và ăn sạch những gì chúng thích, nấu nướng ngay ngoài trời. Tôi chẳng biết tiếng Nhật để trao đổi với họ. Họ thì tỏ ý muốn bằng cách ra dấu và tiếng ầm ừ trong họng. Khi tôi chậm chạp không hiểu ra ý của họ, tôi bị chửi rủa và tát tai thường xuyên. Họ là những con người kỳ lạ, không cạo râu chải tóc, nói một thứ ngôn ngữ cộc cằn hung hãn. Họ làm tôi phát sợ và ngủ chập chờn không yên. Sau ba ngày khốn khổ, họ bỏ đi.

Trong khi trung đội này đóng tại nhà tôi, thì lực lượng Anh, Ấn và Úc xếp hàng đi vào trại giam. Cuộc diễu hành của họ bắt đầu vào ngày 17/2/1942, và suốt hai ngày một đêm họ cứ nện gót ngang qua nhà tôi, vượt qua cầu Red đi về hướng Changi. Tôi vẫn ngồi ngoài hàng hiên cả mấy tiếng đồng hồ nhìn họ đi qua, trái tim tôi nặng như chì. Nhiều người trông buồn bã, tuyệt vọng, bối rối vì họ đã bị đánh bại quá dễ dàng và quá dứt khoát. Hình ảnh đoàn quân đầu hàng quả là một cảnh não lòng.

Vẫn có một số người khiến tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Trong số họ có những người Scotland mà tôi dễ dàng nhận ra qua cái mũ của họ. Cho dù bại trận, họ vẫn giữ thẳng người và đi đều bước – “Trái, phải, trái, phải, trái!” Người Gurkha[7]cũng giống người Scotland. Họ bước đi thẳng người, mạnh mẽ và bình thản ngay trong cảnh chiến bại. Tôi thầm lên tiếng chào họ. Họ để lại trong tôi một ấn tượng lâu dài. Sau này chính phủ Singapore có sử dụng một đại đội cảnh sát người Gurkha để chuyên chống bạo động, suốt từ thập niên 1960 đến nay.

[7] Gurkha: một sắc dân ở vùng núi Nepal, thường nổi tiếng về binh nghiệp.

Lính Úc trông nản chí, đi không đều bước. Lính Ấn cũng vậy, trông buồn bã và mất tinh thần. Có lẽ họ nghĩ đây chẳng phải cuộc chiến của họ.

Ngay sau khi bọn lính Nhật rời khỏi nhà tôi, có tin đồn truyền miệng rằng tất cả người Hoa phải tới đăng ký trình diện tại sân vận động Jalan Besar. Tôi thấy gia đình người hàng xóm đi và nghĩ mình cũng nên đi thì hay hơn, vì nếu tôi bị bắt gặp ở tại nhà, Kempeitai, quân cảnh Nhật, sẽ trừng phạt tôi. Nên tôi với Teong Koo cùng đi. Hóa ra, căn buồng của ông ấy trong khu nhà trọ dành cho các phu kéo xe lại nằm trong một khu đã được rào dây kẽm gai. Mười nghìn gia đình người Hoa bị nhồi nhét trong khu vực chật hẹp đó. Mọi lối ra vào đều có lính Kempeitai đứng gác. Có một vài nhân viên dân sự, người bản xứ hoặc dân Đài Loan, cùng làm việc với họ. Sau này tôi được cho hay rằng nhiều người trong bọn họ là chỉ điểm, mặc dù tôi không nhớ có nhận ra ai không.

Sau khi ngủ một đêm trong căn buồng của Teong Koo, tôi quyết định đi ra qua một chốt kiểm soát, nhưng thay vì cho tôi qua, tên lính gác ở đó ra hiệu cho tôi nhập bọn cùng một nhóm thanh niên người Hoa. Tôi linh cảm thấy đây là điềm xấu nên ra dấu xin về buồng thu dọn đồ đạc và tên lính đồng ý. Tôi trở về và trốn kỹ trong buồng của Teong Koo suốt một ngày rưỡi. Rồi tôi thử đi qua chốt kiểm soát đó lần nữa. Lần này, vì lý do gì đó không rõ, tôi được cho đi qua và nhận một dấu đóng trên bả vai trái và trước ngực áo. Con dấu có chữ kanji, hoặc đọc theo tiếng Hoa là jian, nghĩa là “đã kiểm tra” in bằng một thứ mực không phai, sẽ là bằng chứng rằng tôi vô tội. Tôi với Teong Koo đi bộ về nhà, lòng nhẹ nhõm.

Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được làm sao những quyết định ảnh hưởng sinh tử tới con người lại được đưa ra một cách tùy tiện và ngẫu nhiên như vậy. Tôi đã thoát trong đường tơ kẽ tóc khỏi một chiến dịch được gọi là Sook Ching, nghĩa là “quét sạch” bọn nổi loạn, theo lệnh của đại tá Masanobu Tsuji, người hoạch định chiến dịch Malaysia. Kế hoạch của ông ta được lời phê chuẩn của tướng Tomoyuki Yamashita, chỉ huy lực lượng Nhật, đồng ý cho ông ta tiến hành trừng phạt người Hoa ở Singapore vì đã góp quỹ ủng hộ phong trào kháng Nhật của Trung Quốc, và vì trò tẩy chay hàng Nhật của họ.

Ông ta còn chuyện khác phải thanh toán với Dalforce, một bộ phận của lực lượng chí nguyện 1.000 người Hoa do các thủ lĩnh cộng đồng địa phương tại Singapore thành lập để chống lại người Nhật. Được đại tá John Dalley của Lực lượng đặc biệt Malaysia tập hợp lại, bộ phận này đã thu hút người Hoa thuộc mọi thành phần, những người ủng hộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, ủng hộ Đảng Cộng sản Malaysia kể cả một nhóm chừng 500 đảng viên cộng sản đang ở trong tù và được người Anh phóng thích vào giờ chót. Một khi được vũ trang, những quân chí nguyện này được phái tới phòng thủ phía Đông sông Kranji bên cạnh Lữ đoàn 27 của quân Úc. Họ đã chiến đấu điên cuồng, nhiều người đã chết, nhưng cũng làm người Nhật thiệt hại nặng. Họ đã làm tên gọi Dalforce thành một huyền thoại, đồng nghĩa với lòng dũng cảm.

Ngày 18/2, người Nhật đưa ra các thông báo, và cho lính vác loa phóng thanh đi khắp thành phố ra lệnh cho tất cả người Hoa trong độ tuổi từ mười tám đến năm mươi đến trình diện tại năm điểm tập trung để được điều tra. Bọn Kempeitai đi từng nhà thúc lưỡi lê lùa những người Hoa chậm chân tới những điểm tập trung, nhiều người già, trẻ con và phụ nữ cũng bị lùa vào đó.

Sau này tôi khám phá ra rằng những người bị chặn lại tại chốt kiểm soát mà tôi đã qua được, đã bị đưa tới trường Victoria và giam ở đó đến 22/2, rồi có bốn năm chục chiếc xe tải tới chở họ đi. Họ bị trói tay ra sau lưng, chở tới bãi biển Tanah Merah Besar, cách đấy 10 dặm về phía bờ biển phía Đông, gần nhà tù Changi. Tại đây họ bị lùa xuống, trói vào nhau và bị buộc đi xuống biển. Khi họ đi, người Nhật cho nổ súng máy. Sau đó, để chắc chắn rằng họ đã chết, mỗi cái xác còn bị đá, đâm lưỡi lê và làm nhiều trò khác. Chẳng ai buồn chôn xác họ và chúng thối rữa dần khi bị sóng nhồi tới nhồi lui trên bãi. Một vài người, nhờ phép lạ kỳ diệu, đã sống sót và kể lại chuyện này.

Người Nhật công nhận đã giết khoảng 6.000 người Hoa trong chiến dịch Sook Ching từ 18 đến 22/2/1942. Sau chiến tranh, một ủy ban của Phòng thương mại Trung Quốc đã khai quật nhiều hố chôn tập thể tại Siglap, Punggol và Changi. Người ta ước lượng số người bị giết là khoảng từ 50 đến 100 nghìn người.

Trên lý thuyết, quân Nhật có thể biện minh hành động này như một chiến dịch nhằm vãn hồi an ninh trật tự và đàn áp phong trào kháng Nhật. Nhưng đây chỉ là sự trả thù đơn thuần, không xảy ra trong lúc chiến trận mà xảy ra khi Singapore đã đầu hàng. Ngay cả sau Sook Ching, vẫn còn những chiến dịch thanh trừng trong vùng nông thôn, nhất là khu phía Đông Singapore, và thêm hàng trăm người Hoa nữa bị hành hình. Tất cả đều là những người trẻ tuổi và khỏe mạnh, có thể gây rối loạn sau này.

Khi trở lại Norfolk, căn nhà vẫn ở trong tình trạng bừa bộn như lúc bọn lính Nhật bỏ đi, nhưng nó không bị hôi của và nhiều món dự trữ vẫn còn. Vài ngày sau, gia đình tôi từ Telok Kurau trở về. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi hiểu ra tình trạng bất trắc, những cực nhọc hàng ngày và sự khốn khổ của thời Nhật chiếm đóng mà người dân Singapore sẽ phải chịu đựng trong ba năm rưỡi kế đó.

Hai tuần sau khi thất thủ, tôi nghe nói người Nhật cho dựng hàng rào gỗ quanh những căn phố trên đường Cairnhill, trước đây đó là nhà của những người Âu hay thương nhân châu Á nay đã rời Singapore hoặc bị cầm tù. Đó là khu của dân trung lưu lớp trên. Tôi đạp xe qua đó và thấy những lính Nhật xếp hàng dài theo vòng xoay Cairnhill bên ngoài hàng rào. Tôi nghe dân cư gần đó nói rằng bên trong khu ấy là những phụ nữ Nhật hay Hàn Quốc đã theo chân quân đội để phục vụ cho binh lính trước và sau trận đánh. Đó là một cảnh tượng kỳ lạ, một hai trăm thanh niên xếp hàng chờ tới phiên mình. Tôi không nhìn thấy phụ nữ nào vào ngày đó. Nhưng có một bảng thông báo viết bằng chữ Hán, người lân cận cho hay nó nói về một khu “nhà giải trí”. Những nhà giải trí như vậy đã được lập ra ở Trung Quốc. Bây giờ nó đến Singapore. Ít nhất có bốn khu nhà khác như vậy. Tôi nhớ mình có đạp xe qua một khu nhà lớn trên đường Tanjong Katong, với một hàng rào gỗ bao quanh chừng hai ba chục ngôi nhà.

Hồi đó tôi nghĩ rằng quân đội Nhật đã có một giải pháp thực tế và hữu hiệu cho những vấn đề như thế, hoàn toàn khác hẳn cách của quân đội Anh. Tôi nhớ đến những cô gái ăn sương gạ gẫm đám lính Anh đóng tại đồn Canning. Giới chỉ huy Nhật thừa nhận nhu cầu tình dục và cung cấp điều đó cho lính của họ. Kết quả là chuyện hãm hiếp ít xảy ra. Trong hai tuần đầu sau khi đầu hàng, dân Singapore đã sợ rằng quân Nhật sẽ phóng tay cướp phá. Mặc dù cũng có chuyện hãm hiếp nhưng chủ yếu là ở vùng nông thôn, nhưng đã không xảy ra tình trạng như ở Nam Kinh năm 1937, tôi nghĩ những khu nhà giải trí ấy là câu trả lời. Hồi đó tôi không biết rằng chính quyền Nhật đã bắt cóc và cưỡng bách các phụ nữ Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc phải thỏa mãn những nhu cầu của lính Nhật tại mặt trận Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ cũng buộc các phụ nữ Hà Lan giải trí cho các sỹ quan Nhật.

Những người thuộc thế hệ chúng tôi vốn từng thấy những lính Nhật bằng xương bằng thịt chắc không thể nào quên thái độ hầu như không có tính người của họ trước cái chết trong chiến đấu. Họ không sợ chết. Họ là những đối thủ đáng sợ và không cần gì nhiều cũng có thể tiếp tục chiến đấu, những hộp thiếc đeo ở thắt lưng của họ chỉ chứa ít cơm, đậu nành và cá muối. Suốt thời chiếm đóng, hình ảnh thường thấy là những lính Nhật tập sử dụng lưỡi lê ngoài bãi trống. Tiếng quát của họ khi đâm lưỡi lê vào các hình nộm nghe thật kinh người. Nếu người Anh trở lại và tấn công xuống dọc theo bán đảo Malaysia thì hẳn thiệt hại sẽ rất lớn.

Khi trông thấy họ hàng ngày, tôi chắc chắn rằng chỉ cần tinh thần chiến đấu thôi, họ đã là những chiến sĩ thuộc loại giỏi nhất thế giới. Nhưng họ cũng có sự tàn bạo và hà khắc đối với kẻ thù y như quân Hung Nô. Quân Mông cổ của Thành Cát Tư Hãn cũng không thể tàn bạo hơn. Tôi không hề nghi vấn chuyện hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki là có cần thiết hay không. Không có chúng, hàng trăm nghìn thường dân ở Malay và Singapore, và hàng triệu người nữa ở ngay nước Nhật hẳn đã bị tiêu diệt.

Cái gì đã khiến họ thành những chiến binh như thế? Người Nhật gọi đó là võ sĩ đạo, hay Nippon seishin, tinh thần Nhật Bản. Tôi tin rằng đó là sự giáo dục nhồi sọ có hệ thống về lòng tôn sùng Nhật hoàng, về tính ưu việt của chủng tộc mình như một dân tộc đã được lựa chọn để chinh phục mọi dân tộc khác. Tất cả bọn họ đều tin rằng chết trong chiến trận vì phục vụ Nhật hoàng nghĩa là sẽ được lên thượng giới và trở thành thần, trong khi tro thiêu xác họ được giữ trong đền Yasukuni ở ngoại ô Tokyo.

Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra dưới thời Nhật chiếm đóng. Ban đầu mọi người đều thấy hoang mang. Cha tôi không có việc làm, tôi không đi học, ba em trai và đứa em gái tôi cũng không đi học. Có rất ít hoạt động trong xã hội. Chúng tôi cảm thấy nguy hiểm vây quanh. Quen biết ai đó có chức quyền, dù là một người Nhật hay một ông thông ngôn người Đài Loan làm việc cho người Nhật, cũng trở thành chuyện rất quan trọng và có thể cứu mạng mình. Vài dòng chữ của họ kèm chữ ký và dấu đóng cũng đủ để chứng nhận rằng bạn là công dân tử tế và xác nhận tư cách tốt của bạn. Những giấy tờ như thế được coi là rất có giá trị khi bạn bị lính Nhật chặn lại kiểm tra. Nhưng an toàn nhất là ở nhà và tránh tiếp xúc hay xung đột với giới cầm quyền.

Một trong những lần ra ngoài đầu tiên của tôi là vào trung tâm thành phố. Tôi đi bộ hai dặm tới một tiệm sách cũ trên đường Bras Basah chuyên bán sách học. Trên đường đi, tôi thấy một đám đông gần lối vào rạp hát Cathay, nơi trước đây tôi đã xem bộ phim hài cười cợt thứ bom của Nhật. Chen vào đám đông, tôi thấy đầu lâu của một người Hoa, đặt trên một tấm ván nhỏ gắn trên đầu một cây cột, bên cạnh đó có mấy dòng chữ Hán. Tôi không đọc được, nhưng có người gần đó giải thích rằng nó cảnh báo điều gì người dân không nên làm để phải chịu kết cục như thế này. Người bị chặt đầu này bị bắt quả tang đang hôi của, và bất cứ ai không tuân luật lệ cũng sẽ bị xử như thế. Tôi bỏ đi với cảm giác hãi hùng với người Nhật, nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng một bức ảnh chụp cảnh này mà đăng trên tờ Life thì sẽ tuyệt vời thế nào. Tờ tuần báo Mỹ này sẽ trả tiền rất khá cho một bức ảnh đầy tương phản như thế: một cao ốc hiện đại ở Singapore làm nền cho một cảnh trừng phạt của thời trung cổ. Nhưng rồi chắc người chụp ảnh cũng kết thúc số phận như tay hôi của bị chặt đầu kia.

Tôi gặp phải cảnh rợn người ấy trên đường tới Bras Basah vì tôi đã quyết định học chút ít tiếng Hoa để đọc được những thông báo của họ. Tiếng Anh của tôi chẳng có giá trị gì với chế độ mới này. Học tiếng Hoa thì tốt hơn học tiếng Nhật, ít nhất đó cũng là ngôn ngữ của dân tộc tôi chứ không phải thứ tiếng của bọn chinh phục kia. Tôi mua cuốn Mandarin Made Easy (Quan thoại giản lược) của Chiang Ker Chiu, một cuốn sách mỏng chừng 30 trang dạy 700 chữ Hoa cơ bản, cách viết và cách dùng chung với các từ khác.

Tôi thanh toán cuốn này trong một hai tuần và đi mua tiếp tập 2 của bộ sách. Sau này tôi mua luôn một bộ bốn cuốn do Trường Trung Quốc Prinsep xuất bản, dạy ở mức cao hơn. Mỗi ngày mỗi học, tôi thực tập luôn mấy tháng để viết được khoảng 1.200 đến 1.500 chữ và cố gắng nhớ được nghĩa của chúng. Nhưng tôi chẳng biết được chúng phát âm ra sao. Trong tiếng Quan thoại, mỗi từ có một trong bốn âm sắc. Các sách của tôi có chỉ dẫn chuyện đó, nhưng tôi chẳng biết nói ra sao và cũng chẳng có ai để chỉ dạy tôi.

Trước những khó khăn như thế, dần dần tôi bớt thù ghét tiếng Nhật hơn. Tôi khám phá ra rằng ngôn ngữ Nhật không phải chỉ toàn chữ Hoa. Nó là một hệ thống vần và có hai cách viết katakanahiragana. Nếu người Nhật còn là kẻ thống trị ở Singapore trong nhiều năm tới, và không những để tránh gặp rắc rối mà còn để kiếm sống nữa, tôi sẽ phải học ngôn ngữ của họ. Do đó vào tháng 5/1942, tôi đăng ký cùng một nhóm học viên đầu tiên vào trường Nhật ngữ mà giới cầm quyền mở ra trên đường Queen. Đó là một khóa học ba tháng. Học viên thuộc đủ mọi lứa tuổi và trình độ, một số học hết trung học, một số đang học đại học như tôi và số khác là các công nhân trẻ trong độ tuổi hai mươi. Tôi học xong và có bằng chứng nhận. Tôi thấy tiếng Nhật dễ hơn tiếng Quan thoại nhiều vì nó không có âm sắc, nhưng văn phạm và các biến tố của nó thì phức tạp hơn.

Ông nội tôi, Lee Hoon Leong, đã lâm bệnh nặng vào tháng 7, và ba tuần sau khi tôi kết thúc khóa học thì ông mất. Trước đó tôi vẫn đến thăm ông nhiều lần tại căn nhà trên đường Bras Basah, nơi ông sống với cô con gái nuôi. Tôi thấy rất buồn cho ông. Không phải vì ông bị bệnh mà vì ông phải chứng kiến thế giới của ông sụp đổ, người Anh và tất cả những biểu tượng của họ đã bị lăng nhục và đánh bại. Hải quân Anh, những thuyền trưởng Anh, kỷ luật, tài ba và ưu thế tuyệt đối của họ trên mặt biển – tất cả đã bị bọn lính Nhật trông kỳ cục kia hạ gục. Ông không thể hiểu làm sao một dân tộc lôi thôi như thế lại có thể đánh bại các sỹ quan Anh kiêu dũng kia. Làm sao bọn chúng đánh chìm được những con tàu như Prince of WalesRepulse, làm tan tác hạm đội Anh, bắn rơi máy bay của Không quân Hoàng gia và bắt sống 130.000 lính Anh với một lực lượng chỉ có 110.000 quân và bao vây Singapore có hai tuần lễ? Khi nhìn ông ngày càng hôn mê đi, tôi đã nghĩ giá mà ông chết trước khi tất cả những chuyện này xảy ra thì tốt cho ông hơn.

Những quan hệ hữu dụng của ông với Singapore dưới chế độ thuộc địa đã đứt đoạn, nhưng ông có một người bạn Nhật, một ông tên là Shimoda, người mà cha tôi đi tìm gặp vài ngày sau khi ông nội tôi mất. Những khó khăn của thời chiếm đóng đã làm cha tôi điềm tĩnh hơn. Ông trở nên có trách nhiệm hơn trong thời kỳ khó khăn. Ông kiếm được công việc với bộ phận quân đội lo về tiếp tế xăng dầu và cũng tìm được cho tôi công việc đầu tiên trong đời. Do cha tôi yêu cầu và do tình cảm với ông nội tôi, ông Shimoda đã tìm cho tôi công việc trong một thế giới mới với người Nhật đóng vai ông chủ lớn.

Tôi làm thư ký trong công ty của ông ta được một năm, sao chép các hồ sơ để dùng trong công ty và thư từ với các công ty Nhật khác. Khi công ty Shimoda đóng cửa, tôi xin được một chân thư ký đánh máy ở bên kia quảng trường Raffles, trong một kumiai, tổ hợp, kiểm soát những thực phẩm chính –gạo, đường, dầu ăn, muối và cả thuốc điếu cũng như thuốc sợi nữa. Tôi lĩnh lương bằng đồng tiền do quân Nhật phát hành, những đồng tiền có in hình những cây dừa và cây chuối. Tiền này, người ta gọi là “tiền chuối”, không có số sêri và mỗi tháng mỗi mất giá. Công việc này quý ở chỗ là lương còn được trả bằng hiện vật – chừng 10 katis (khoảng 7 ký) gạo, đường, dầu và quý nhất là thuốc lá. Những suất chế độ này quý hơn thứ tiền chuối, vì mỗi tháng chúng lại khan hiếm hơn và trị giá nhiều tiền chuối hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3