Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 04 phần 1
4
SAU GIẢI PHÓNG
Vào ngày thứ Tư, 12/9/1945, khoảng 10 giờ 30 phút sáng, tôi đi bộ đến Tòa thị sảnh, nơi nghi thức đầu hàng sẽ được tiến hành, và đứng chờ ở bên kia đường. Việc chờ đợi này thật đáng giá. Tôi thấy một nhóm bảy sỹ quan cao cấp Nhật Bản từ đường High Street đi tới, có quân cảnh Anh đội mũ đỏ và đeo băng tay, đi hộ tống. Dẫn đầu bọn họ là tướng Itagaki, Tổng tư lệnh quân đội ở Malaysia và Singapore. Không như nhiều sỹ quan Nhật khác, họ không hề lê bước mà đi một cách nghiêm chỉnh. Đám đông la hét, huýt sáo, giễu cợt, nhưng những người Nhật ấy vẫn điềm tĩnh và trang nghiêm, nhìn thẳng phía trước. Họ đến để ký hiệp ước đầu hàng chính thức theo lệnh của Nhật hoàng. Sau đó người ta thấy sỹ quan Nhật ở nhiều địa điểm khác nhau xếp những thanh gươm võ sĩ đạo của họ thành đống. Họ thừa nhận sự bại trận, bị tước vũ khí, và trở thành tù nhân chiến tranh. Nhưng bảy vị tướng hiện đang bước lên các bậc thềm Tòa thị sảnh thì đại diện cho một đội quân chưa bị đánh bại trên chiến trận. Họ có lẽ sẽ chiến đấu cho đến chết, và họ đã khiến cho những người Singapore căm ghét họ phải tin rằng họ thà xuống địa ngục, mang theo tất cả mọi người, còn hơn là phải đầu hàng.
Khoảng mười lăm phút sau, ngài Louis Mountbatten, Tổng tư lệnh Anh, Tư lệnh Đông Nam Á, xuất hiện trong bộ quân phục hải quân màu trắng của mình. Ông ta được các tướng lĩnh, các đô đốc của mình, và khoảng bảy hoặc tám sỹ quan đại diện cho quân đội Đồng minh hộ tống. Tay phải của ông đưa cao chiếc mũ hải quân của mình và hoan hô ba lần với những toán quân đang lập thành hàng rào ngay trước các bậc thềm. Ông yêu thích các bộ quân phục, các cuộc duyệt binh cùng các nghi lễ.
Đây là những phút giây tràn ngập phấn khởi. Cơn ác mộng thời Nhật chiếm đóng đã qua và người dân nghĩ thời kỳ đẹp đẽ sắp trở lại. Có những dấu hiệu hứa hẹn tốt. Những toán lính hào phóng với những điếu thuốc của họ – loại thuốc Players Navy Cut trong bao giấy, thứ không thể kiếm được trong ba năm qua. Bia chất lượng tốt, rượu Johnnie Walker và rượu gin Gordon đã có mặt trong chợ, và chúng tôi tin rằng nay mai sẽ có đầy các thứ gạo, trái cây, rau quả, thịt và đồ hộp. Điều này không phải một sớm một chiều. Nhưng suốt mấy tuần lễ đầu tiên, không khí tưng bừng hớn hở. Người dân thật sự hạnh phúc hân hoan đón mừng người Anh trở lại.
Đầu năm 1946, người dân nhận ra rằng không hề có chuyện trở lại một Singapore tự do thoải mái, ổn định và hòa bình như cũ. Thành phố chật ních những người mặc quân phục. Họ đầy trong các quán cà phê, các quầy rượu và quán bia mới mở. Những công sở thuộc địa trước chiến tranh không thể hoạt động lại ngay được, vì những nhân viên người Anh ở đó đã chết hoặc đang hồi phục sau thời gian tù đày. Tàu cập bến thưa thớt và hàng hóa thì ngay tại nước Anh cũng còn khan hiếm. Có vẻ như phải mất nhiều năm nữa thì nguồn hàng hóa như thời trước chiến tranh mới hồi phục lại. Ngay cả dân bản xứ đã từng làm việc cho chính phủ cũng không thể quay lại chỗ làm cũ của họ, và nhiều người vẫn đang thất nghiệp. Đó là một thế giới hỗn loạn, nơi bọn đầu cơ phát triển ở Singapore cũng như đã phát triển ở Anh (ở đó chúng được gọi là bọn chợ đen). Nhiều việc kinh doanh hàng ngày vẫn được tiến hành trên thị trường đen – giờ gọi là thị trường tự do.
Nhiều xe jeep quân đội và xe mô tô trên đường phố, nhưng không có xe buýt và ô tô mới. Xe điện thì cũ nát, và đường phố đầy ổ gà, điện thoại thì cũ và đường dây nghe không rõ vì không có sẵn thứ để thay thế, nguồn điện lại thiếu thốn. Sẽ phải mất một thời gian để ổn định các thứ. Chúng tôi đã sống với quá nhiều mong đợi về “những ngày tháng tốt đẹp xa xưa” suốt những năm tháng đau khổ đó. Những hy vọng của chúng tôi, dựa trên nỗi luyến tiếc quá khứ, thì quá cao, và chắc chắn chúng tôi sẽ bị thất vọng. Cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, tài sản bị mất đi hoặc bị phá hủy, người dân kẻ chết, kẻ già yếu hoặc bệnh tật. Cuộc sống phải tiếp tục nhưng nó sẽ không còn được như những ngày tháng tốt đẹp xa xưa.
Tuy nhiên, Chính quyền Quân đội Anh, dù có những thiếu sót, vẫn là một xoa dịu lớn lao so với sự đàn áp và khủng bố của người Nhật trước đó. Các sỹ quan và thường dân Anh biết rằng dân bản xứ hân hoan chào đón họ trở lại, và họ đã đáp lại sự nồng nhiệt đó và làm những điều tốt nhất cho chúng tôi. Nhiều binh lính và sỹ quan đã chia sẻ khẩu phần quân đội của họ cũng như thuốc lá và rượu với những người dân mà họ tiếp xúc. Nhiều người Singapore hiểu tiếng Anh, văn hóa Anh và chính thể Anh. Thậm chí những người thất học cũng lờ mờ quen thuộc với những bộ phận của hệ thống thuộc địa Anh mà họ đã được tiếp xúc.
Có lẽ những người Hoa ở vùng eo biển sẽ sung sướng được trở lại với hình thái xã hội mà họ đã đồng hóa từ lâu. Dù vẫn còn giữ nhiều nét văn hóa Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã thôi sử dụng tiếng địa phương của mình, và chỉ nói tiếng Malay. Họ là con cháu của những người nhập cư đầu tiên không mang phụ nữ từ Trung Quốc theo và vì thế họ đã cưới những phụ nữ bản xứ. Phần lớn bọn họ trung thành với nước Anh, và họ gởi con cháu đến các trường tiếng Anh ở địa phương với hy vọng rằng cuối cùng chúng sẽ trở thành những viên chức chính phủ và những chuyên viên trong một thuộc địa được cai trị bằng tiếng Anh. Phần tử trung thành nhất gia nhập Hội Anh Hoa vùng eo biển, và được dân chúng gọi là người Hoa quý tộc. Các thành viên lãnh đạo của họ được phong tước quý tộc.
Nhưng những người Hoa quý tộc này chỉ chiếm một phần mười dân số. Còn lại là những người Hoa nói tiếng Hoa mới đến Singapore gần đây. Họ không nói tiếng Anh mà nói tiếng địa phương của họ – chủ yếu là tiếng Hokkien (tiếng Phúc Kiến),Teochew (Tiều Châu), Cantonese (Quảng Đông), Hakka và Hainanese (Hải Nam). Con cái họ học ở các trường tiếng Hoa, ở đó chúng học tiếng Quan thoại. Sự giao tiếp của họ với chính quyền Anh thì rất ít, họ có một cuộc sống riêng và sau chiến tranh họ cũng không bị đồng hóa gì nhiều hơn thời trước đó.
Lòng trung thành của họ hướng tới Trung Quốc chứ không phải nước Anh. Chính họ đã dấn sâu vào rừng rậm Malaysia để chiến đấu chống Nhật như những du kích quân trong Quân đội Nhân dân Malay kháng Nhật (MPAJA), vốn là lực lượng quân sự của Đảng Cộng sản Malay. Họ hướng tới cái ngày mà họ không chỉ tống cổ bọn Nhật, mà cả bọn Anh nữa. Trong tình hình quyền lực còn lơ lửng khi người Nhật bất ngờ đầu hàng mà người Anh chưa trở lại, họ là lực lượng hoạt động mạnh hơn cả.
Ở Malaysia, họ tiếp quản vài thị trấn nhỏ hơn, lập cổng chào để đón mừng du kích quân như những người hùng thật sự trong cuộc chiến chống Nhật, và hoạt động như chính quyền địa phương trên thực tế. Thật may họ không thử làm điều đó ở Singapore, nhưng họ cũng gây nhiều rối loạn. Họ xuất hiện trên đường phố trong những bộ quân phục kaki đủ kiểu với những chiếc mũ vải bắt chước kiểu mũ của Đệ Bát lộ quân Cộng sản Trung Quốc – mềm, rũ, với ba ngôi sao đỏ ngay bên trên lưỡi trai. Trong men chiến thắng, họ khá mạnh tay. Họ dùng vũ lực trưng dụng tài sản và lập ra tòa án nhân dân để trừng phạt tức thì và đơn giản những người cộng tác với Nhật bất kể chủng tộc. Trong một vụ nọ, 20 mật thám người Hoa bị vây bắt và tống vào cũi nhốt heo chờ xét xử.
Cũng có trò truy bức cung và ngấm ngầm đe dọa các doanhnhân về sự cộng tác trước đó của họ với kẻ thù. Nhiều người tên tuổi bị ép buộc, ở mặt tâm lý hoặc thể chất, phải đóng góp thật nhiều cho MPAJA để chuộc lại những tội ác trong quá khứ của họ. Bọn lưu manh trẻ tuổi đi khắp thành phố công khai sử dụng giấy ủy nhiệm của MPAJA để moi tiền hoặc hàng hóa của những ai đã từng làm ăn với người Nhật. Quân đội Anh không thể tái lập an ninh trật tự trước thế mạnh của MPAJA và trước chủ nghĩa cơ hội của bọn găng–xtơ đang giả vờ như từng góp phần trong cuộc kháng Nhật. May thay, vì họ không có phương tiện để tới Singapore, nên hầu hết thành viên MPAJA vẫn ở tại Malaysia, nơi họ hoạt động hữu hiệu hơn vì đó là vùng đất quen thuộc.
Chính quyền Quân đội Anh đề nghị trả MPAJA 350 đôla cho mỗi du kích quân chịu giao nộp vũ khí. Từ tháng 12/1945 đến tháng 1/1946 có khoảng 6.500 du kích nộp vũ khí như thế, trong đó có vài trăm quân ở Singapore. Vào ngày 6/1, người Anh tổ chức một nghi lễ bên ngoài Tòa thị sảnh, tại buổi lễ có một toán nhỏ quân MPAJA mặc quân phục diễu hành qua trước mặt Huân tước Louis Mountbatten, người đã gắn mề đay cho 16 vị chỉ huy của họ. Chin Peng, được mô tả trên báo chí như một lãnh tụ của du kích quân cộng sản, nhận huy chương Burma Star (1939–1945) và War Star, sau đó ông ta giơ nắm đấm lên chào. Việc thừa nhận chính thức sự đóng góp của MPAJA trong việc đánh bại quân Nhật đã cho họ một cơ hội mà họ sẽ tận dụng để tăng cường thực lực. Trong khi đó, họ vẫn bí mật tích trữ vũ khí để sử dụng trong tương lai.
Cộng sản đã có thể tuyển mộ một số người có giáo dục Anh vào một mặt trận liên kết mà họ lập ra. Một nhóm những người trí thức – luật sư, giáo viên, những sinh viên đại học Raffles và những sinh viên trở về từ đại học Cambridge – lập thành tổ chứcLiên hiệp Dân chủ Malay, mà bộ chỉ huy của nó đặt ở những căn phòng tồi tàn bên trên sàn nhảy của quán rượu Liberty trên đường North Bridge. Họ lôi cuốn được Phillip Hoalim, một luật sư và là bạn của gia đình tôi, ngồi vào chiếc ghế chủ tịch của tổ chức. Họ cần ông ta như một thứ vỏ bọc để điều hành tổ chức, và tôi trở thành một người khách ngẫu nhiên đối với những hoạt động của họ thông qua sự quen biết với ông ta. Người Anh đã tuyên bố thành lập Liên hiệp Malay, bao gồm chín bang Malay và hai thuộc địa Penang và Malacca của Anh, không có Singapore. Điều này có nghĩa là Singapore vẫn là thuộc địa của Anh. Đó là điều không thể chấp nhận được, và Tổ chức Liên hiệp Dân chủ Malay đòi hỏi nền độc lập cho cả Malaysia và Singapore như một thực thể thống nhất.
Phillip Hoalim giúp soạn ra dự thảo hiến pháp, nhưng dù tôi có xem qua bản dự thảo, tôi cũng không hề có dính dáng gì vào đó. Về phía họ, những người cộng sản xem mọi đàm phán về sự thay đổi hiến pháp là không quan hệ. Điều họ muốn là toàn bộ quyền lực. Tổ chức Liên hiệp Dân chủ Malay chỉ là một mặt trận để huy động giới Tây học (hay Anh học) giúp họ đạt được nó. Nhưng khi họ dùng đến đấu tranh vũ trang để chống lại người Anh vào năm 1948 nhằm giành chính quyền, thì tổ chức Liên hiệp Dân chủ Malay bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên trước khi điều đó xảy ra, họ đã hành động khá nhiều. Ngay khi rời khỏi rừng, những người cộng sản bắt đầu phô diễn sức mạnh, sử dụng các nghiệp đoàn. Ngày 21/10/1945, họ huy động 7.000 công nhân trong các xưởng đóng tàu ở Tanjong Pagar và Khu cảng Singapore tham gia bãi công. Vài ngày sau họ tổ chức một cuộc mit–tinh quy mô với 20.000 công nhân tham gia và nhân đó ra mắt Tổng liên đoàn Lao động. Theo mô hình cộng sản tiêu biểu, công đoàn thu nhận công nhân từ mọi ngành nghề trong xã hội cũng như từ các tổ sản xuất. Khi họ kêu gọi một cuộc tổng đình công vào ngày 29/1/1946, trong một cuộc biểu dương sức mạnh sau khi Chính quyền Quân đội Anh giam giữ vài người cộng sản, khoảng 170.000 công nhân từ các bệnh viện, xưởng đóng tàu, căn cứ Hải quân, xưởng cao su, rạp hát, quán rượu và phương tiện vận chuyển công cộng ngưng làm việc, và các cửa hàng đóng cửa. Nó được gọi là một hartal, đóng cửa hiệu, một từ ngữ xuất phát từ phong trào dân sự bất tuân pháp luật ở Ấn Độ.
Cuộc đình công này không chỉ lôi cuốn những người buôn bán lẻ, mà cả những người đánh xe ngựa, xe kéo, tài xế taxi cũng tham gia, vì nhiều lý do. Cuộc sống trong thành phố tạm ngưng. Nhưng những người cộng sản e rằng họ không thể kéo dài cuộc đình công. Sau khi đã chứng tỏ họ có thể điều khiển mọi người hưởng ứng biện pháp đóng cửa hiệu của mình, họ ra lệnh ngưng đình công vào ngày thứ nhì.
Những gì tôi chứng kiến trong thời kỳ ngay sau chiến tranh đã hoàn thiện hiểu biết của tôi về sự bất công và ngu xuẩn của kiếp người. Nếu ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng đã cho tôi tốt nghiệp về (môn học) thực tế cuộc sống, thì năm đầu tiên trên một đất nước Singapore mới giải phóng là khóa học sau đại học của tôi. Thật khác xa với ký ức của tôi về những năm 1930 dưới chế độ thuộc địa. Những công chức Anh sống sót qua tù đày đã được đưa về nhà để chữa bệnh và an dưỡng, và những sỹ quan lâm thời của Chính quyền quân đội Anh điều hành những bộ phận ứng phó.
Sự thật là họ được tăng cường với một số viên chức thuộc thế hệ tiền chiến, những kẻ đã xin nghỉ phép khi người Nhật đến, hoặc đã thoát đi được đúng lúc. Nhưng họ không tiếp cận được với những thay đổi đã xảy ra. Những người hữu trách hiện nay – những thiếu tá, đại tá, thiếu tướng – biết họ sẽ chỉ nắm quyền cho đến khi được giải ngũ, khi đó những ủy ban thời chiến sẽ tan biến như cỗ xe của Cô bé Lọ lem. Tận trong thâm tâm, họ biết rồi đây họ sẽ trở về đời sống dân sự, và nhiều người đã tận dụng quyền lực tạm thời của mình. Những nhu cầu của họ, than ôi, cũng giống y như của những sỹ quan Nhật – những thứ gì nhỏ bé có giá trị và dễ dàng cất giấu trong người để mang về quê hương nước Anh khi họ hết thời hạn. Người ta lại lùng mua những món hàng ấy. Để bù lại, họ cấp giấy phép và hàng hóa thuộc loại khan hiếm cho những người bản xứ, và đó là những cơ hội để kiếm tiền. Nhưng họ không phải là những kẻ áp bức tàn bạo như người Nhật.