Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 04 phần 2

Cùng với sự ra đi của người Nhật, nhiều ngôi nhà bỏ trống, tôi và mẹ tôi tìm một chỗ ở thích hợp để dọn đến, vì chúng tôi phải rời khỏi khu China Building, và hiệu buôn trên đường Victoria là không thích hợp. Trên đường Oxley, khu trung lưu, nơi những người châu Âu bỏ trống nhà họ từ năm 1942 và những viên chức dân sự Nhật đã chiếm ngụ, chúng tôi thấy hai căn nhà giống hệt nhau – số 38 và 40 – do một lái buôn Do Thái xây cất và đặt tên cho chúng là Castor và Pollux. Chúng trống trơn trừ vài món đồ cồng kềnh, và chúng tôi quyết định hỏi thuê căn số 38. Nó là một ngôi nhà lớn, nhiều ngóc ngách với năm phòng ngủ, và ba phòng nữa ở phía sau vốn được dùng làm phòng cho gia nhân. Tôi gặp Goerge Gaw, một người Java gốc Hoa bạn của gia đình, hiện đang phụ trách Văn phòng Quản lý Tài sản kẻ thù, và ông ta vui lòng cho chúng tôi thuê với giá như hồi trước chiến tranh. Tiền thuê hiện nay phải trả theo đôla Straits (đồng tiền thuộc địa dùng ở Singapore trước chiến tranh) – khoảng 80 đôla một tháng, một số tiền thật sự lớn – nhưng chúng tôi quyết định thuê.

Ba tôi trở lại làm việc cho hãng Shell, lần này thì phụ trách kho của họ ở Pasir Panjang tại Singapore. Trong khi đó tôi phải quyết định nên làm gì. Việc buôn bán trên thị trường công khai vẫn còn sinh lợi, nhưng chủng loại hàng hóa đã thay đổi và điều đó khiến công việc có nhiều rủi ro hơn. Tôi không thể đoán trước được món hàng đang khan hiếm nào sẽ bất ngờ trở nên dồi dào nếu như chúng được nhập khẩu vào để phục vụ quân đội. Vì vậy, như một giải pháp khác, tôi đã gặp nhiều sỹ quan Anh phụ trách về công chính để xem họ có công trình nào cần xây dựng hay không. Sau hai, ba lần dò hỏi, tôi đã ký được hợp đồng với một lữ đoàn Ấn Độ đang coi sóc kho quân nhu của Nhật trên đường Alexandra. Tôi nói chuyện với viên thiếu tá, một người Anh gầy cao lêu nghêu, đang cần lao động để chuyển hàng hóa của Nhật ra khỏi kho và thay vào đó bằng quân nhu của Anh. Người bạn Thượng Hải Low You Ling của tôi cung cấp cho ông ta 100 – 150 công nhân với giá 2 đôla một ngày, và em trai Dennis của tôi làm thủ quỹ kiêm người phát lương. Quân đội trả tiền cho chúng tôi sau khi đếm đầu người vào cuối ngày, rồi chúng tôi trả lương cho công nhân. Chúng tôi cũng có làm một số công trình xây dựng và được trả công từng vụ một. Công việc bắt đầu từ tháng 10/1945 và khiến tôi bận rộn mãi đến tháng 5/1946.

Vào tháng 3/1946, Dennis bị một tai nạn nghiêm trọng trong khi đạp xe về nhà vào một tối sau khi gom tiền để trả cho công nhân. Một chiếc xe tải chạy ngang đã đụng phải chú ấy và lôi chú ấy vài mét trên đường bên ngoài Đài Tưởng niệm Victoria. Cánh tay trái chú ấy hầu như bị xé rời khỏi vai, và mặt thì bị thương nặng. Tôi lao ngay tới bệnh viện để gặp chú ấy. Câu đầu tiên chú ấy hỏi tôi là không biết tiền có bị mất không. Tôi thấy nhói trong tim. Đó chỉ là vài trăm đôla, nhưng chú ấy rất quan tâm đến công việc của mình. Tôi hết lòng an ủi chú ấy. Bác sĩ phẫu thuật đã mổ thành công cho chú ấy, nhưng Dennis vẫn đau đớn và không thể làm việc trong nhiều tháng.

Suốt thời gian ấy, tôi cũng bận rộn với những gì tôi sẽ phải làm cho việc học còn dang dở của tôi và về sự gắn bó ngày càng tăng của tôi với Choo. Tôi không hề lạc quan về việc mình có thể hoàn tất khóa tốt nghiệp đúng thời hạn ở đại học Raffles. Ít nhất cũng phải một năm nữa trường mới bắt đầu dạy lại. Rồi tôi sẽ phải mất một hay một năm rưỡi nữa mới tốt nghiệp. Tổng cộng tôi sẽ mất hai hoặc ba năm. Tôi thảo luận chuyện này với mẹ tôi. Chúng tôi quyết định rằng, với số tiền tiết kiệm và nữ trang của mẹ tôi, cộng với tiền tôi kiếm được từ nguồn chợ đen và công việc xây dựng của mình, gia đình có thể nuôi tôi và Dennis học luật tại Anh. Tôi trù tính việc sang Anh càng sớm càng tốt thay vì quay trở lại trường đại học Raffles để giành học bổng Nữ hoàng.

Tháng 10 và 11/1945, tôi giới thiệu Choo với người thủ thư tại thư viện Raffles (giờ là Thư viện quốc gia) và cho cô một công việc tạm thời ở đó. Gia đình cô đã chuyển tới một ngôi nhà gỗ một tầng trên đường Devonshire, cách nhà tôi gần hai cây số, và tôi thường đi bộ đưa cô về nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi vào một nơi yên tĩnh trong sân ngôi giáo đường Do Thái Chesed–El tại Oxley Rise, gần nơi đã từng là một trong những trụ sở của Kempeitai. Nhưng vào tháng 12/1945, tôi đã có đủ khả năng để mua một chiếc xe hơi cũ, một chiếc Morris tiền chiến được tân trang lại với đồ phụ tùng hiện có thể kiếm được từ quân đội Anh. Khi công việc làm ăn của tôi trở nên phát đạt hơn, tôi bán nó có lãi sau vài tháng và mua một chiếc Ford V8 tiền chiến, được sửa chữa lại ngon lành. Nó hẳn đã từng được một viên tướng Nhật sử dụng trong suốt thời kỳ chiếm đóng.

Vào ngày cuối năm, tôi đưa Choo đến dự buổi tiệc dành cho những người trẻ tuổi tại biệt thự Mandalay trên đường Amber, lâu đài cạnh bờ biển của bà Lee Choon Guan, một người Hoa sinh sống lâu đời ở đây và là một quả phụ giàu có. Trước khi buổi tiệc kết thúc tôi dẫn cô ấy ra khu vườn quay ra bờ biển. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không dự định trở lại đại học Raffles nữa mà sẽ sang Anh học luật. Tôi hỏi liệu cô ấy có chờ tôi cho đến ba năm sau khi tôi trở thành luật sư không. Choo hỏi lại tôi có biết là cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi không. Tôi nói tôi biết và đã cân nhắc chuyện này cẩn thận rồi. Tôi đã già trước tuổi và dù sao thì phần lớn bạn bè tôi cũng già hơn tôi. Vả lại, tôi muốn một người ngang hàng với tôi, chứ không phải một người chưa đủ lớn và cần phải được chăm sóc, và tôi không chắc mình sẽ tìm được một người con gái khác ngang hàng và chia sẻ được những quan tâm của tôi. Cô ấy nói sẽ chờ tôi. Chúng tôi không nói chuyện này với cha mẹ. Thật khó làm cho họ đồng ý đối với một lời hứa lâu như vậy. Đây là cách hai chúng tôi cư xử với nhau, khi chúng tôi gặp phải những khó khăn cá nhân, chúng tôi đối mặt với chúng và phân loại chúng ra. Chúng tôi không tìm cách lẩn tránh hay che giấu chúng đi. Việc tìm hiểu nhau đã nở hoa. Tôi bắt đầu cho kế hoạch rời Singapore năm đó, 1946.

Tháng 3, tôi viết một lá thư cho Middle Temple, một trong bốn tổ chức pháp lý ở London, kèm theo kết quả học tập của tôi tại trường Certificate. Trong vòng một tháng họ trả lời rằng họ sẽ nhận tôi nếu như tôi trình diện và làm thủ tục nhập học. Với lá thư này, tôi đến đặt vấn đề với viên thiếu tá Anh mà tôi đang làm việc cho ông ta và hỏi cách để đi trên một trong những chiếc tàu đang bắt đầu đến Tanjong Pagar để chở quân lính giải ngũ về Anh. Viên thiếu tá giới thiệu tôi với viên sỹ quan lo việc vận chuyển binh lính. Tháng 5 tôi gặp một người trong bộ tham mưu của ông ta. Có thể nói tôi đã gây được ấn tượng vì trong những ngày ấy, ít người bản xứ có thể nói tiếng Anh đúng văn phạm và chuẩn như dân Anh mà không nặng giọng. Tôi giải thích tình trạng khó khăn của mình, về việc học của tôi bị gián đoạn bởi chiến tranh ra sao khiến bây giờ tôi bị phí mất cả ba năm rưỡi, ngoài ra tôi còn được Middle Temple thu nhận. Tôi trưng ra lá thư của Middle Temple và nói tôi rất cần một chuyến đi để tới nước Anh. Ông ta đồng tình và hứa sẽ giúp. Vào tháng7, ông ta tặng tôi một vé ưu tiên trên một tàu chở quân mà nó sẽ đưa tôi đến London vào tháng 10.

Trong hai tháng quay cuồng trước khi rời khỏi Singapore, tôi cùng mẹ tôi lùng kiếm khắp nơi để tìm quần áo len cho mùa đông ở Anh. Chúng tôi mua chúng trong khu chợ trời trên đường Sungei, nơi thường buôn bán những đồ ăn cắp trước chiến tranh và đã sinh hoạt lại nhờ vào những món ăn cắp vặt hoặc những thứ mua từ binh lính Anh, phần lớn đồ ở đó được binh lính bán lại sau khi họ được cấp phát để chuẩn bị giải ngũ, hoặc trở về Civvy Street, theo cách họ thường nói. Mẹ tôi mua một cái hòm gỗ thật to, có bịt kim loại ở mỗi góc, và xếp vào đó một cái mền, một cái mền bong, một áo khoác, hai áo khoác thể thao, mấy túi vải và một bộ com–lê may ở tiệm may nổi tiếng nhất ở High Street.

Trước khi tôi xuống tàu, mẹ tôi cũng đã làm hết sức mình để chắc rằng tôi sẽ rời khỏi Singapore sau khi đã thề hứa với một cô gái người Hoa nào đó, và như thế sẽ khó có thể trở về với một cô gái Anh. Nhiều sinh viên đã trở về với những cô vợ người Anh, với kết quả thường không hạnh phúc. Gia đình họ bị xào xáo, các cặp chia tay nhau, nếu không thì phải qua sống ở nước Anh vì họ không thể hòa nhập vào xã hội thuộc địa Anh, nơi mà họ bị đối xử như kẻ kém đẳng cấp nếu không muốn bị tẩy chay công khai. Bà lần lượt giới thiệu cho tôi ba cô gái đàng hoàng có kiến thức phù hợp và địa vị xã hội tốt. Tôi chẳng quan tâm. Họ hợp tuổi, gia đình họ khá giả, họ coi được. Nhưng họ chẳng khiến tôi chú ý. Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi ở bên Choo. Cuối cùng tôi quyết định nói hết với mẹ. Bà là một phụ nữ sắc sảo. Một khi bà nhận ra tôi đã quyết định rồi, bà thôi việc tìm kiếm. Thái độ của bà với Choo đã đổi thành một tình cảm thân thiện nồng ấm của một bà mẹ chồng tương lai.

Trước đây tôi đã nói với bà về Choo, cô gái đã đánh bại tôi trong kỳ thi môn kinh tế và tiếng Anh tại Đại học Raffles. Bà cũng đã gặp Choo trong suốt những ngày chúng tôi làm hồ dán và đã đến thăm gia đình cô. Cha của Choo, Kwa Siew Tee, giám đốc một chi nhánh ngân hàng của Oversea–Chinese Banking Corporation, một người Java gốc Hoa giống như cha và bà nội tôi. Mẹ cô ấy là người Hoa sinh tại Singapore như mẹ tôi vậy. Chúng tôi có cùng gốc gác, nói cùng thứ ngôn ngữ ở nhà và chia sẻ những lề thói xã hội như nhau.

Choo đã từng học tại trường nữ Methodist, và đã đậu đệ nhị cấp Cambridge, khi mới mười sáu tuổi, cô vào lớp đặc biệt tại Học viện Raffles dành cho những học sinh đang tranh đua nhau suất học bổng Nữ hoàng, nhưng cô không đạt được. Sau này cô nói với tôi là cô đang chờ hoàng tử của lòng mình. Tôi đã xuất hiện, không phải trên một con ngựa trắng mà trên một chiếc xe đạp lốp đặc! Năm 1940 cô vào Đại học Raffles, và chúng tôi gặp nhau trong những bữa tiệc và cắm trại, nhưng lúc ấy tôi giữ một thái độ cách biệt vì mới vào học năm đầu tiên và đang cực nhọc trong việc điều chỉnh lối sống. Hơn nữa tôi không hào hứng chuyện tiếp xúc bất kỳ cô gái nào vì tôi chưa sẵn sàng cho một sự ràng buộc nào cả. Vài lần chúng tôi gặp nhau vì xã giao hay trong các giảng đường. Chúng tôi thân thiện nhưng không có chủ ý. Tuy nhiên năm 1943–1944, chúng tôi cùng bước vào một môi trường khác – bản thân tôi đã trưởng thành hơn trong ba năm chiếm đóng của người Nhật và nhìn cô ấy với đôi mắt khác, Choo nhốt mình trong nhà làm việc nội trợ, học tiếng Quan thoại, đọc bất cứ sách gì kiếm được và sẵn sàng tham gia việc làm hồ dán với chúng tôi.

Cô ấy thuộc một đại gia đình có tám người con và có thời thơ ấu êm đềm hạnh phúc trong ngôi nhà thủ cựu. Ba mẹ cô sống khá sung túc và lúc nào cũng có một chiếc xe hơi đưa cô đến trường, đến đại học Raffles hoặc bất cứ nơi nào cô cần tới. Họ cũng có một ý thức sắc bén về lễ nghi. Có lần, sau khi gia đình cô dọn về ở đường Devonshire, việc Choo ngồi trên yên sau chiếc xe gắn máy của tôi từ thư viện về nhà đã khiến mẹ cô ấy sửng sốt. Cô ấy bị mắng thẳng vào mặt vì cách cư xử không thích hợp như thế. Rồi người ta sẽ nghĩ sao đây! Còn ai muốn cưới cô ấy nữa! Ngay sau đó, gia đình cô ấy quay trở lại Pasir Panjang, nơi họ sống trước đây. Thật may là lúc đó tôi đã có xe hơi.

Trong những tháng ngày sôi nổi trước tháng 9/1946, chúng tôi đã dành nhiều giờ bên nhau. Trước khi đi, tôi nhờ cậu em họ Harold Liem, đang trọ tại nhà tôi ở số 38 đường Oxley, chụp cho chúng tôi nguyên một cuộn phim, chỉ trong vòng vài ngày. Chúng tôi còn trẻ và yêu nhau, khát khao ghi lại phút giây này của cuộc đời chúng tôi, hầu có một cái gì đó để nhớ về nhau trong suốt ba năm tôi du học ở Anh. Chúng tôi không biết bao giờ mới gặp lại nhau một khi tôi ra đi. Cả hai chúng tôi đều hy vọng cô ấy sẽ quay lại đại học Raffles, nhận được học bổng Nữ hoàng để học ngành luật, và sum họp với tôi ở bất cứ chỗ nào tôi sống. Cô ấy đã thề hứa trọn vẹn với tôi. Tôi cảm nhận được điều đó. Tôi cũng quyết tâm giữ lời thề hứa với cô ấy.

Khi tôi rời Singapore vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của tôi, ngày 16/9/1946, trên con tàu Britanic, và đứng trên boong vẫy tay chào, cô đã đầm đìa nước mắt. Tôi cũng vậy. Cả gia đình và vài người bạn của tôi, gồm cả Hon Sui Sen, đứng trên cầu tàu chúc tôi may mắn và vẫy chào tạm biệt tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3