Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 05 phần 1

5

NHỮNG NGÀY Ở CAMBRIDGE

Britanic là chiếc tàu tải trọng 65.000 tấn của hãng Cunard Liner, hồi trước chiến tranh nó chạy tuyến Liverpool – New York vượt Đại Tây Dương. Không có chiếc tàu nào lớn và chạy nhanh như nó chạy tuyến Southampton đi Singapore. Nó chật ních những đoàn quân giải ngũ đang trên đường về Anh. Có khoảng 40 người châu Á trên tàu, đa số là người Hoa, mỗi phòng chứa gấp hai lần số hành khách thường lệ. Tôi vui mừng được là một trong số họ.

Vì không đem theo sách giáo khoa về luật để tự chuẩn bị cho việc học của mình nên tôi chơi bài poker suốt với các sinh viên Hồng Kông. Đó là một trò tiêu khiển tương đối vô hại. Tôi bị sốc khi chứng kiến sự chung chạ tự nhiên của khoảng 40 – 50 nữ quân nhân, đeo lon hạ sỹ quan và những cấp bậc khác đang tán tỉnh các sỹ quan. Đêm nọ, một sinh viên Hồng Kông, trợn tròn mắt nói với tôi họ đang làm tình công khai trên những xuồng cứu sinh. Tôi tò mò lên xem thử. Quả là một cảnh tượng ghê tởm! Trên boong là một đám lúc nhúc với những cặp mùi mẫn ôm cứng nhau khắp mọi nơi. Vài cặp ít sống sượng hơn. Họ mở những tấm vải bạt phủ trên các xuồng cứu sinh rồi vào trong đó cho kín đáo. Nhưng chứng kiến cả đám đàn ông và đàn bà làm tình công khai trái ngược hẳn với ký ức sâu xa của tôi về những binh lính Nhật xếp hàng nối đuôi nhau bên ngoài “ngôi nhà giải trí” trên đường Cairnhill. “Văn hóa Pháp”, hiện được gọi là bao cao su, quăng bừa bãi trên boong.

Tôi lại bị thêm một cú sốc nữa khi tàu đi ngang qua kênh Suez. Nó chạy chậm để sóng không cuốn trôi cát ở hai bên bờ. Khi chúng tôi đi ngang, một nhóm công nhân Ả Rập trên bờ bắt đầu hò hét những câu tục tĩu và kéo những chiếc áo gallabiya của họ lên – một loại áo dài giống như áo ngủ – để khoe bộ phận sinh dục của họ với các nữ quân nhân Anh trên boong đang ngắm nhìn cảnh vật trôi qua trong cái nóng thiêu đốt. Các cô thét lên đầy kinh ngạc và phẫn nộ khiến bọn Ả Rập khoái chí, cầm của họ lên và lắc qua lắc lại. Tôi đã từng thấy bọn khi trong thảo cầm viên Singapore làm trò này với khách tham quan nào không cho chúng chuối. Sau này tôi hiểu ra rằng họ căm thù người Anh. Còn tại sao thì tôi không biết. Đó là lần đầu tôi rời Singapore đi nước ngoài. Tôi bị lọt vào một thế giới mới gồm cả yêu thương và căm thù, những thành kiến và định kiến của các dân tộc khác nhau.

Không ai ở Anh biết tôi đang đến, vì vậy không hề có sự chuẩn bị đón tiếp tôi khi tàu đến Liverpool vào ngày 3/10, sau khi rời Singapore 17 ngày. Tuy nhiên khi tôi biết các sinh viên Hồng Kông được chính phủ họ đỡ đầu sẽ được các nhân viên thuộc Văn phòng Thuộc địa đón tiếp, tôi quyết định đi cùng họ. Xe lửa của chúng tôi tới London lúc khuya đó và tôi đi taxi theo họ đến ký túc xá Victoria League ở Earl’s Court. Ở đó tôi được nhận một chiếc giường hai tầng giống như chiếc trên tàu Britanic, trong một căn phòng giống như cái hang ở một tầng hầm không cửa sổ. Tôi nhận ra mình đang ở chung với khoảng 20 sinh viên Phi châu và Caribê. Đó là một cú sốc nữa. Tôi chưa từng gặp một người Phi châu ngoài đời, mà chỉ thấy trong hình ảnh. Tôi không hề chuẩn bị cho mùi kỳ lạ của thân thể họ, hoàn toàn không giống mùi của những chủng tộc khác ở Singapore. Đêm đó tôi ngủ không yên.

Tôi phải đi tìm một chỗ khác để ở, và sau 12 ngày sống tạm ở YMCA[9], tôi tìm được cho mình một căn phòng ở số 8 đại lộ Fitzjohn. Đó là một con đường tuyệt đẹp, yên tĩnh với những hàng cây thẳng hàng chỉ cách nhà ga xe điện ngầm Swiss Cottage và bến cho chiếc xe buýt số 13 sẽ đưa tôi thẳng đến Strand gần trường Kinh tế London (London School of Economics – LSE) một khoảng ngắn.

[9] YMCA (Young Men's Christian Association): Hội thanh niên Thiên chúa giáo.

Tôi vẫn phải kiếm một chỗ ở LSE, điều đó không dễ dàng chút nào. Học kỳ bắt đầu cách nay hai tuần, và các trường đại học đầy những quân nhân giải ngũ. Nhưng tôi cố xoay xở để gặp vị trưởng khoa luật, giáo sư Hughes Parry. Tôi giải thích với ông ta là tôi đã mất hết ba năm rưỡi, và rằng tôi đã đi trên một chuyến tàu chở binh lính sớm nhất mà tôi có thể kiếm được vé, mà không biết là mình có thể gởi đơn xin học qua bưu điện. Tôi trưng ra kết quả ở năm đệ nhị cấp Cambridge 1939 mà tôi đậu đầu trên toàn lãnh thổ Singapore và Malaysia để thuyết phục ông ta rằng tôi sẽ không gặp khó khăn gì trong việc theo kịp chương trình, dù tôi nhập học trễ. Ông ta đồng tình và nhận tôi vào.

Đó là một cuộc sống lạ lẫm. LSE giống như một khách sạn bận rộn, hoàn toàn không giống với nhịp sinh hoạt nhàn rỗi, dễ thở ở đại học Raffles, nơi các sinh viên trong những khu ký túc đi chậm rãi đến các phòng học, ngồi loanh quanh trong các phòng dành cho sinh viên năm thứ nhất và dự những giờ phụ giảng gồm hai, ba hoặc bốn sinh viên là tối đa. LSE là một tòa nhà nhiều tầng và các sinh viên cứ chạy lên chạy xuống bằng thang máy, mọi người đều vội vã làm một cái gì đó, ở đâu đó. Các buổi học là một sự tranh giành. Sau một buổi học ở LSE, tôi sẽ lao qua Strand tới đại học King dự một buổi học khác, rồi phải đón xe điện ngầm hoặc xe buýt đến Euston dự buổi học thứ ba tại đại học London – nơi đẹp nhất trong ba nơi vì nó xa hẳn sự náo nhiệt của trung tâm London, và cùng với những khu bệnh viện, nó có một cái gì đó mang không khí của một trường đại học.

Có một việc tình cờ đầy thú vị xảy ra vào đầu năm học ở lối vào LSE. Trong khoảng một tuần, các sinh viên đại diện cho các câu lạc bộ khác nhau – Câu lạc bộ Lao động, Câu lạc bộ Tự do, Câu lạc bộ Bảo thủ, Câu lạc bộ Xã hội – đứng cạnh những căn lều nhỏ, chìa ra những cuốn sách mỏng và chiêu mộ những thành viên mới. Tích cực nhất trong việc vận động các sinh viên thuộc địa là những người cộng sản. Họ mang tên Câu lạc bộ Xã hội, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra sắc thái Mác–xít và phương pháp của họ trong việc nhờ các nữ sinh viên người Anh để vận động các sinh viên từ châu Phi, Caribê và một vài người châu Á. Tôi tránh xa tất cả bọn họ.

Tôi bị cú sốc văn hóa trước khi làm quen được mọi sự. Khí hậu, quần áo, thức ăn, con người, thói quen, cung cách, đường phố, địa lý, việc sắp xếp giờ đi lại – mọi thứ đều khác biệt. Tôi không hề được chuẩn bị gì cả ngoài tiếng Anh, một sự hiểu biết lơ mơ về văn chương Anh và những tiếp xúc với những tay thực dân Anh trước đây.

Để có một căn phòng vừa để ngủ vừa tiếp khách được, tôi phải trả giá cắt cổ 6 bảng mỗi tuần, một số tiền lớn đối với người đã thôi kiếm ra tiền. Thật may là nó bao gồm cả bữa điểm tâm. Trong phòng có một lò sưởi bằng ga và một bếp ga, và tôi phải nhét một xu vào đồng hồ đo để sưởi và nấu ăn. Tôi khổ sở ghê gớm về vụ thức ăn. Nó được phân theo suất, và nhà hàng mà tôi có thể ăn mà không cần tem phiếu thì đắt tiền. Tôi không biết cách sử dụng suất khẩu phần đã mua, và chúng không bao giờ đủ dùng. Tôi lại không có tủ lạnh. Quyển sách Dạy nấu ăn trong Phòng khách kiêm phòng ngủ thì chưa được viết. Tôi đã có những kinh nghiệm tai hại về việc đun sữa, mà nó trào tùm lum, cùng với việc chiên thịt lợn muối và thịt bò, nó cứ teo lại và bốc mùi khắp phòng. Mùi đó không bay đi hết trong vài giờ cho dù tôi đã mở tung các cửa sổ và cửa chính cho gió thông mặc cho trời lạnh. Chúng bám vào vải trải giường và màn cửa. Thật là kinh khủng. Những bữa trưa tại căng tin cả ba trường đại học đều tồi tệ và khó tiêu.

Đêm thì lạnh và cô đơn. Khi tôi trở về Swiss Cottage mỗi tối với những công chức Anh, tôi cảm thấy hài lòng vì không phải quay về khu ở dành cho những sinh viên thuộc địa. Nhưng tôi luôn cô đơn, mọi người đều rút vào phòng riêng và đóng cửa lại, vì không có phòng khách và phòng ăn chung, và mỗi sáng có người mang bữa điểm tâm lên tận phòng hoặc mỗi người tự nấu lấy. Khi gặp những khó khăn trong việc nội trợ, tôi hỏi ý kiến các cô gái Anh, có sáu cô thư ký văn phòng trẻ tuổi ở chung một căn phòng trên gác thượng. Họ khuyên tôi nên mua thịt ở đâu và chỉ tôi cách giữ thịt và bơ tươi mà không cần tủ lạnh (để chúng trên ngưỡng cửa sổ ngoài trời lạnh, nếu mang vào nhà chúng sẽ bị chua). Từ những bạn sinh viên, tôi học cách tiết kiệm 6 xu tiền trả cho máy giặt nếu như tôi giặt khăn tay và hong khô chúng trên chiếc gương ngay trên bồn rửa mặt. Nhưng tôi không thể làm vậy với áo sơ mi và áo lót. Và các tay áo và cổ áo sơ mi chưa đầy một ngày đã dính đầy bụi London. Tôi rất đau đầu với những việc nhỏ nhặt mà hồi ở Singapore tôi vẫn cho là tự nhiên phải có. Hồi đó gia đình cung cấp mọi thứ tôi cần. Giày tôi được đánh bóng, quần áo được giặt ủi cẩn thận, thức ăn sẵn sàng. Tất cả những gì tôi phải làm là bày tỏ ý muốn ra thôi. Giờ thì tôi phải tự lo liệu mọi chuyện. Đó là một cuộc sống mệt mỏi về thể xác, hơn nữa, với phần lớn thời gian dành cho việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tôi đã quá mệt mỏi do đi bộ, và việc đi lại bằng xe buýt và xe điện đã khiến tôi không còn sức lực cho học tập và suy ngẫm nữa.

Một ngày, sau buổi học thêm về luật hiến pháp, tôi tìm đến giáo sư Glanville L. Williams. Tôi đã xem trong danh sách của trường LSE, biết rằng ông ta xuất thân từ đại học St John, Cambridge, nơi ông ta đã lấy bằng PhD (tiến sĩ). Tôi hỏi ông ta về Cambridge và đời sống ở đó. Ông ta nói đó là một thành phố nhỏ, mà mọi sinh hoạt của nó tập trung vào trường đại học, khác hẳn London. Nhịp sống ở đó thật thong thả. Sinh viên và các giảng viên di chuyển bằng xe đạp. Nghe có vẻ hấp dẫn, tôi quyết định đến thăm nơi đó.

Tôi đến đó vào cuối tháng 11/1946, và gặp một sinh viên Đại học Raffles, Cecil Wong, người hiện đang ở tại Fitzwilliam House, một tổ chức không liên quan đến đại học chuyên phục vụ các sinh viên nghèo với mức chi phí thấp hơn nhiều. Cecil dẫn tôi đến gặp viên giám thị của Fitzwilliam, ông W.S Thatcher người tương đương giám đốc trường đại học. Billy Thatcher là một người rất có ấn tượng, ông từng được thưởng huy chương Thập tự Quân đội trong Thế chiến thứ I vì công trạng tại xứ Flanders, nơi ông đã bị thương nặng. Mặt ông đầy sẹo, và vì vòm miệng ông bị tổn thương, giọng nói ông bị ngọng. Ông theo sát những nguyên tắc Cơ đốc giáo và có một tình thương bao la dành cho những kẻ bị thua thiệt. Thatcher rất được các giảng viên cũng như sinh viên kính trọng. Tôi kể lại tường tận mọi vấn đề của tôi với ông. Ông bắt đầu mến tôi và chịu nhận tôi vào ngay trong năm học đó khi học kỳ Lent bắt đầu vào đầu tháng 1/1947, miễn là anh bạn Cecil đồng ý cho tôi ở chung phòng. Cecil đồng ý ngay tức khắc. Tôi vui mừng khôn xiết và vô cùng biết ơn. Tôi quay lại London giải quyết công việc và gói ghém đồ đạc. Đầu tháng 1, tôi đáp xe lửa từ nhà ga King’s Cross, đến Cambridge sau hai tiếng, và đón taxi về chỗ ở của Cecil tại số 38 đường Belvoir.

Hai tuần sau, tôi viết thư cho giáo sư Hughes Parry báo tin là tôi quyết định rời LSE và đến Cambridge. Tôi nhận được lá thư trả lời đầy giận dữ: “Tôi cần nhắc cho anh nhớ rằng tôi đã phá lệ của mình để thuyết phục những người có thẩm quyền trong trường này nhận anh trong khi chúng tôi đã từ chối những người khác,” ông viết. “Cách cư xử của anh cho thấy rằng tôi đã sai khi đánh giá về anh, và rằng lẽ ra tôi không nên sẵn sàng giúp đỡ như vậy.” Nhận được lá thư, tôi quyết định đến gặp ông ngay, đối mặt ông để nhận những trách cứ. Tôi tới văn phòng của ông và giải thích đời sống khó khăn cho tôi như thế nào trong học kỳ đầu tiên, rằng tôi đến từ một thành phố nhỏ và cảm thấy lạc hướng hoàn toàn trong một thành phố mấy triệu người, hoàn toàn không quen biết một ai, với mọi người hối hả chung quanh trong một tốc độ chóng mặt. Hơn nữa tôi không thể lo được mọi nhu cầu cho mình.

Ông lắng nghe những nỗi khổ của tôi. Hẳn tôi trông đầy vẻ chân thành, và ông đã dịu lại và nói lẽ ra tôi phải nói những chuyện đó ngay với ông. Ông có thể chuẩn bị chỗ ở cho tôi trong một ký túc xá mà chỗ đó có thể cung cấp những thứ tôi cần. Giờ đây nhìn lại những năm tháng đó, tôi mừng vì mình đã không ở lại London. Tôi chắc là mình tất sẽ có một thời kỳ khốn khổ. Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hối hận vì đã phụ tấm lòng quý mến đặc biệt mà ông dành cho tôi. Khi ông trở thành phó hiệu trưởng trường London University vào cuối những năm 70, và tôi trở thành thủ tướng Singapore, tôi định viết thư cho ông nhưng nghĩ lại tốt hơn là để nó qua đi. Có lẽ tôi chỉ nên nói với ông là tôi không bao giờ quên lòng tốt của ông.

London có những đền bù của nó – và những bài học của nó dành cho một luật sư tương lai. Một người đã gây ảnh hưởng nhiều đến tôi trong học kỳ đầu tiên tại LSE là Harold Lasky, một giáo sư môn chính trị. Giống như những sinh viên khác không học môn chính trị, tôi cũng dự vài giờ giảng của ông. Ông là một diễn giả có sức hấp dẫn mạnh, một vóc dáng nhỏ bé không gây chút ấn tượng nào, nhưng lại có một trí tuệ sâu sắc. Phần trình bày lý thuyết chủ nghĩa xã hội Mác–xít của ông đã tác động mạnh mẽ lên nhiều sinh viên thuộc địa, nhiều người trong số họ sau này sẽ nắm quyền và lèo lái nền kinh tế lạc hậu của xứ họ một cách tồi tệ bằng cách thực hiện những chính sách không thích hợp dựa trên những gì họ nghĩ là Lasky đã dạy. Thật may là trước khi tôi ở vào địa vị có thể làm bất cứ điều gì có hại, tôi đã có kinh nghiệm về những chính sách kinh tế thất bại đó để cảnh báo tôi về mối nguy hiểm này.

Hai hay ba bài giảng của Lasky mà tôi từng tham dự là bài học vỡ lòng của tôi về lý thuyết chung của chủ nghĩa xã hội, và ngay lập tức tôi bị nó hấp dẫn. Nó thức tỉnh tôi một cách rõ ràng rằng mọi người trên thế giới đều phải có cơ hội đồng đều trong cuộc sống, rằng trong một xã hội công bằng và trật tự thì không được có sự chênh lệch lớn lao về của cải giữa con người vì địa vị hay thân phận của họ, hay của cha mẹ họ. Tôi không phân biệt các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Chúng tôi là bộ phận của Đế quốc Anh, và tôi tin là người Anh sống sung túc là nhờ vào tiền của từ tất cả các thuộc địa của họ. Những tư tưởng mà Lasky trình bày vào thời điểm đó, vì thế lôi cuốn những sinh viên thuộc địa. Chúng tôi đều muốn nền độc lập cho xứ mình để có thể giữ gìn sự sung túc cho chính chúng tôi.

Rồi tôi nghĩ rằng sự sung túc chủ yếu dựa vào sự sở hữu tài nguyên thiên nhiên và đất đai, hoặc đất đai màu mỡ với mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp và lâm nghiệp, hoặc các khoáng sản quý giá, hoặc dầu hỏa và khí đốt. Chỉ vài năm sau khi nắm quyền, tôi mới nhận ra rằng hiệu năng lao động của các chủng tộc khác nhau ở Singapore, cũng như của các tầng lớp trong cùng một chủng tộc, là rất chênh lệch. Sau khi thử nghiệm nhiều cách để giảm bớt sự bất bình đẳng và bị thất bại, dần dần tôi phải thừa nhận rằng nhân tố quyết định là con người, với những năng lực tự nhiên, học vấn và rèn luyện của họ. Kiến thức và sự sở hữu về công nghệ là rất quan trọng trong việc tạo ra của cải.

Nhưng ý tưởng về một xã hội tốt đẹp, công bằng và bình đẳng đã hấp dẫn tất cả các sinh viên thuộc địa, và nhóm Fabian[10] ở Anh đã hô hào phương thức tiến từng bước đến lý tưởng mà không cần phải trừ khử và tước đoạt tài sản của bọn giàu. Bằng cách từng bước một, và không cần phá vỡ cơ cấu kinh tế hoặc gây một biến động xã hội, bọn giàu có thể bị tước đoạt tài sản thông qua việc đánh thuế suốt đời họ, và thông qua thuế di sản nặng nề sau khi họ chết. Rồi con cái của họ phải khởi sự lại từ đầu trên cùng nền tảng như những kẻ có cha mẹ nghèo hơn. Tôi không thấy có gì sai về điều đó. Tôi còn quá trẻ nên chưa hiểu những luật sư Anh khéo léo ra sao trong việc lập những chứng thư ủy thác để chính phủ khó mà thu được nhiều thuế bất động sản.

[10] Hội Fabian (Fabian Society): một tổ chức theo chủ nghĩa xã hội ở Anh, thành lập năm 1884, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những cải cách từng bước hơn là dùng những hành động cách mạng.

Tôi bị phương pháp tiếp cận Fabian hấp dẫn đến độ vài năm sau khi rời khỏi Anh, tôi vẫn đặt mua dài hạn các tạp chí và bản tin của họ. Nhưng đầu những năm 1970, tôi bị thất vọng vì tính không tưởng của họ. Một số báo đặc biệt của họ đã khiến tôi không nuốt nổi. Nó bàn về vấn đề giáo dục. Hai vị hiệu trưởng đã viết một bài báo nghiêm túc chứng minh rằng các trường phổ thông hỗn hợp đang bị thất bại, không phải vì chúng sai, mà vì những thầy giáo giỏi nhất vẫn đang dạy cho những học sinh giỏi nhất. Những thầy giáo giỏi nhất phải dạy cho những học sinh yếu nhất, để chúng được nâng lên. Những học sinh giỏi thì dù thế nào chúng cũng học giỏi. Phương pháp tiếp cận Procrustean[11] này đã quá mức đối với tôi. Tôi ngưng mua báo dài hạn.

[11] Procrustean: xu hướng cào bằng lấy từ tên gọi Procustes, một gã khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, chuyên bắt người để cột vào một cái giường, sau đó kéo dãn ra hoặc chặt bớt đi cho vừa kích thước của giường.

Cambridge thật nhẹ nhõm so với London. Mấy năm trước chiến tranh nó là một thị trấn êm đềm hạnh phúc. Mật độ giao thông ít – nhiều xe đạp, chỉ có vài chiếc ở tô tư nhân, một số xe buýt và xe tải. Hầu hết các hiệu trưởng, sinh viên, trợ giảng, giảng viên và các giáo sư, thậm chí viên giám thị của Fitzwilliam đều đi xe đạp. Tôi mua cho mình một chiếc xe đạp cũ với giá 8 bảng và đạp đi khắp nơi, cả trong mưa. Đây là chiếc xe đạp được sang tay trong giới sinh viên đã 20 năm hoặc hơn.

Tôi nhanh chóng quen với công việc thường ngày mới. Và tôi ít gặp rắc rối với các bữa ăn. Thức ăn trong ký túc xá bổ dưỡng, với đủ chất tạo năng lượng và chất đạm, dù rất Anh, và rất lạt. Cá tuyết ngoài khơi và cá bơn thì dai nhách và không ngon như cá ven bờ mà tôi từng ăn ở Singapore. Không hề được bày biện hoa lá như trên tàu Britannic, mọi thứ phải được nêm với muối và tiêu. Mặc dù thường đạp xe trong không khí trong lành nhưng ẩm ướt và những bữa ăn đầy đủ, khi tôi trở về Singapore, một lần chụp phim phổi đã cho thấy tôi bị nhiễm lao hồi sống ở Anh. Thật may mắn là nó đã khỏi và chỉ hiện ra một đốm trắng trong phim. Tôi sung sướng vì đã có một chỗ ở Cambridge. Tôi tin mọi chuyện hẳn sẽ tồi tệ hơn nếu tôi lưu lại London.

Để tập luyện, tôi gia nhập Câu lạc bộ Thuyền buồm. Trước tiên, tôi phải tập luyện, không phải bằng việc bơi ngay bằng thuyền, mà bằng việc “tập chèo xuồng" bên bờ sông, ngồi trong chiếc xuồng tập đứng yên một chỗ, và được chỉ cho cách cầm chèo, cách chồm người tới và ngã lui, chỗ đặt chân. Sau khi tập luyện mỗi tuần hai lần trong ba tuần, tôi được cho lên một chiếc xuồng thực sự. Vào buổi chiều cho buổi chèo thuyền thực tế lần thứ hai đã được ấn định sẵn của tôi, một cơn bão tuyết nổi lên và tôi cho rằng buổi tập bị hủy bỏ. Tôi bị trách mắng nghiêm khắc. Bảy người nữa và anh trưởng toán đã có mặt nhưng không thể ra khơi vì thiếu tay chèo thứ tám là tôi. Tôi cho rằng người Anh hơi điên và rời khỏi Câu lạc bộ Thuyền buồm. Sau này, việc đạp xe quanh Cambridge đi từ chỗ trọ đến nơi học và từ nơi học về Fitzwilliam House để ăn uống đã giúp tôi có cơ hội tập luyện thân thể.

Lớp luật Qualifying One năm đầu tiên thì không đông, chỉ khoảng 30 sinh viên thay vì 200 như ở London. Phần lớn sinh viên lên tới đại học là những cựu chiến binh, họ được chiếu cố đặc biệt để tốt nghiệp trong vòng hai thay vì ba năm, vì thế họ vào thẳng năm thứ hai. Không như họ, tôi phải học năm thứ nhất Qualifying One, và phải học ba năm. Các sinh viên người Anh đang học với tôi đều trẻ, chỉ khoảng mười tám, mười chín tuổi lên thẳng từ trung học. Tôi đã hai mươi ba. Có vài người từ Malaysia, trong đó có Yong Pung How, khoảng hai mươi tuổi và đến từ Kuala Lumpur. (Năm 1990 ông ta trở thành chính án Tòa án tối cao Singapore.) Vì tôi vào trễ học kỳ đầu tiên, nên Pung How đã sẵn lòng cho tôi mượn bài vở ghi chép của anh. Chúng thật sạch sẽ, dễ hiểu và là một bảng tóm tắt thật đầy đủ về vấn đề căn bản mà tôi đã bị thiếu. Chúng thật hữu ích vì giáo trình của Cambridge có những môn khác hẳn so với giáo trình năm đầu của tôi ở London. Suốt kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, tôi học gạo những gì mình bị sót và đuổi kịp chương trình. Tháng 5, khi kỳ thi Qualifying One được tổ chức, tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ. Ba tuần sau, tháng 6, khi kết quả kỳ thi được thông báo ở Senate House, tên tôi nằm trong số ít người được xếp loại I. Tôi đánh điện về nhà báo tin vui này.

Tôi rất vui vì đã không phụ lòng viên giám thị, người đã nhận tôi vào trễ một học kỳ mà chỉ dựa vào học bạ của tôi. Billy Thatcher, theo như cách gọi đầy yêu thương của đám sinh viên, gặp tôi bên ngoài Fitzwilliam khi tôi dựng xe đạp vào ăn trưa trong nhà ăn. Ông dừng lại để chúc mừng tôi. Tôi có thể thấy được là ông rất hài lòng. Ông đã nói với tôi khi tôi gặp ông vào tháng 12/1946: “Lee, khi anh vào Cambridge, là anh đã gia nhập vào một cái gì đó đặc biệt, giống như gia nhập vào Đội kỵ binh Hoàng gia và không chỉ đơn thuần là tham gia vào quân đội. Anh phải đứng cao hơn thế nữa kìa.” Khi tôi trả lời rằng tôi sẽ cố để đạt được Loại I, ông nghiêm nghị nhìn vào tôi và nói: “Lee, đừng thất vọng nếu không làm được. Ở Oxford và Cambridge, anh cần có chất lửa khác thường đó, một điều gì đó đặc biệt trước khi anh đạt Loại I.” Tôi hài lòng khi các giám khảo Cambridge đã xác định tôi đã có cái điều gì đó đặc biệt rồi.

Lòng tràn đầy phấn khởi, tôi mua cho mình một chiếc mô tô cũ, một chiếc Matchless cũ của quân đội, nó không còn đẹp, nhưng máy vẫn tốt, giá khoảng 60 bảng. Bất chợt tôi trở nên cơ động hơn. Tôi lang thang khắp miền đồng quê Cambridge và thăm thú được những nơi mà xe buýt và xe lửa không thể tới được. Tôi có thể dừng lại mua sơ ri và dâu tây ở những chỗ nông dân trương những tấm bảng lên mời khách đến ăn hoặc mua chúng.

Cuối tháng 6, Choo viết thư báo cho tôi là cô đã nhận một chứng chỉ hạng nhất. Giờ cô có cơ hội tốt để giành học bổng Nữ hoàng du học ở Anh. Tôi rất lạc quan. Cuối tháng 7 tôi nhận được tin vui nhất, Choo đánh điện báo tin cô đã được hưởng học bổng Nữ hoàng. Nhưng Văn phòng Thuộc địa không tìm được chỗ cho cô trong bất kỳ đại học nào trong năm học bắt đầu vào tháng 10/1947. Cô phải đợi đến năm 1948. Rơi vào thế phải hành động, tôi đã nát óc tìm cách đưa cô vào Cambridge.

Tôi tìm ông Barret, chánh văn phòng tại Fitzwilliam. Ông là một người béo phệ, có năng lực và từng trải ở độ tuổi ngoài bốn mươi của ông. Ông đã từng chứng kiến hàng trăm sinh viên đến rồi đi. Ông biết viên giám thị mến tôi. Tôi nói với ông về cô bạn ở Singapore của mình, rất thông minh, đã được nhận học bổng cao nhất để du học ở Anh. Cô ấy muốn học luật. Làm cách nào cô ấy có thể vào Cambridge đúng vào học kỳ lễ Thánh Michael? Với ánh lấp lánh trong đôi mắt, ông nói:

– Anh biết là ngài giám thị quen rất thân với cô Butler, dạy ở Girton. Giờ nếu như anh nhờ được ông ấy nói với cô ấy, sự thể có thể khác đi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3