Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 06

6

CÔNG VIỆC, ĐÁM CƯỚI VÀ CHÍNH TRỊ

Báo chí tường thuật chuyện chúng tôi trở về, nêu bật thành công của tôi lẫn của Choo trong học tập tại Cambridge. Việc quảng bá này giúp tôi tìm được việc làm. Trong một lần đến Tòa án tối cao, tôi gặp một luật sư sinh ra và lớn lên ở đây, T.W. Ong. Ông ta hỏi tôi có muốn tập sự tại công ty Laycock & Ong của ông không. Tôi đồng ý, và ông ta lập tức thu xếp cho tôi gặp John Laycock, đồng sự đàn anh của ông, vào ngày hôm sau.

Laycock quê ở Yorkshire, tuổi độ sáu mươi và đã chính thức là luật sư tại Anh. Ông ta đã hành nghề ở Singapore từ đầu thập niên 1930 và đã lấy một bà vợ người Hoa. Họ không có con nên đã nhận mấy đứa con nuôi người Hoa. Ông ta có một trí tuệ sắc bén và tâm tính mạnh mẽ, nhưng giọng nói của ông ta lại nhỏ nhẹ so với tấm thân mập mạp và cái đầu to như thế; khuôn mặt ông có thể đỏ lên khi giận dữ và ông sẽ trở nên hầu như nói năng lộn xộn. Người ông tràn đầy năng lực, tửu lượng cao và lúc nào cũng đổ mồ hôi và phải lau luôn tay với một chiếc khăn lớn. Ông đề nghị tôi làm tập sự với ông. Điều này có nghĩa là tôi sẽ ngồi trong văn phòng này của ông với hai cái máy lạnh Philco cỡ lớn cứ kêu rì rầm nhưng chạy rất tốt. Ông ta sẽ trả tôi 500 đôla mỗi tháng cho đến khi tôi được nhận vào Luật sư đoàn Singapore, tức là trong một năm nữa vì tôi đã không thực tập với các luật sư thực thụ hồi ở Anh.

Tôi bắt đầu công việc hầu như ngay lập tức. Tôi may quần áo hợp khí hậu, chọn thứ vải thoáng. Nhưng cũng không ăn thua. Tôi cứ ra mồ hôi dữ dội, không thích nghi được với cái nóng và ẩm, và mỗi lần ra ngoài để lên tòa án, lúc trở về là tôi ướt đẫm. Và thật tai hại khi ướt mồ hôi mà lại ở trong phòng máy lạnh của Laycock, vì tôi bị cảm và ho ngay. Sau này tôi hiểu ra điều đầu tiên phải làm khi trở lại văn phòng là phải rửa mặt bằng nước lạnh, ngồi một lát cho ráo mồ hôi và thay quần áo khô trước khi vào văn phòng.

Sau khi có việc làm, việc kế tiếp của tôi là gặp cha của Choo, ông Kwa Siew Tee. Ông ta cao, mạnh mẽ và là một con người tự lập, tự học nghề kế toán và ngân hàng qua những khóa hàm thụ và đã đạt được vị trí ngày hôm nay trong Oversea–Chinese Banking Corporation bằng chính sức lực của ông, chứ không phải nhờ quen biết hay dùng tiền bạc để được thăng chức. Tôi xin cưới con gái ông và muốn biết khi nào có thể tổ chức lễ cưới. Ông ta lặng cả người. Ông chờ đợi một cuộc viếng thăm theo lễ nghi thông thường của cha mẹ tôi để bàn vụ đó, nhưng đây lại là một tên trai trẻ xấc xược xuất hiện để tự định ngày, lại cho việc chấp thuận là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, ông không bực bội với tôi nhiều như sau đó ông làm với Choo. Chúng tôi đồng ý một lễ đính hôn, rồi sau đó là lễ cưới sẽ tổ chức vào cuối tháng 9. Đọc được lời công bố trên báo, Laycock đề nghị nhận Choo tập sự và cũng trả cho cô 500 đôla một tháng. Tôi báo tin này với Choo và cô lập tức nhận lời. Điều đó thật thuận tiện. Chúng tôi có thể đi làm cùng nhau và được gặp nhau hàng ngày.

Vào ngày 30/9/1950, sau khi cưới nhau một cách bí mật gần ba năm, chúng tôi lại trải qua nghi lễ lần thứ hai tại Văn phòng Hôn nhân nằm trong trụ sở Tòa án Tối cao. Hộ tịch viên, ông Grosse, đến trễ 15 phút. Tôi rất bực bội và cằn nhằn ông ta. Cuộc hẹn đã được xếp đặt trước vậy mà ông ta vẫn bắt chúng tôi chờ. Tối đó cha mẹ chúng tôi tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi họ hàng và bạn bè ở khách sạn Raffles. Tom Silcock, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Singapore đã từng dạy hai chúng tôi tại Đại học Raffles, đề nghị nâng cốc chúc mừng cô dâu. Ông ta không phải là một diễn giả dí dỏm lôi cuốn, nhưng rất trọng vọng Choo. Sau đó Choo dọn về số 38 đường Oxley. Mẹ tôi sắm sửa một số đồ dùng mới cho chúng tôi, và chúng tôi bắt đầu cuộc sống vợ chồng chính thức của mình. Nhưng Choo gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống gia đình nhà họ Lee, gồm không chỉ bà nội tôi, ba mẹ, em gái và ba đứa em trai tôi, mà còn vài người bà con từ Indonesia đang ở trọ nhà chúng tôi, phụ thêm thu nhập cho mẹ tôi.

Tôi tham gia vào câu lạc bộ Singapore Island và tiếp tục chơi gôn mà tôi đã tập chơi hồi còn ở Tintagel và say mê tập luyện đến độ một buổi chiều ẩm ướt tôi vẫn lái xe đưa Choo đến đó bất chấp trời mưa. Đến đường Thomson, chiếc Studebaker của tôi trượt đi, quay ngược lại theo hình chữ U và lăn xuống con dốc đầy cỏ mềm mại. Tôi và Choo lộn nhào. Thật may, cả hai không hề bị thương tích gì cả. Nếu chúng tôi trượt khỏi con đường ở phía trước nữa một chút, chắc hẳn sẽ đâm sầm vào một ống nước to thay vì lăn xuống con dốc đất mềm này, và mọi chuyện đã kết thúc.

Tôi rất bất an. Việc tìm hiểu chính trường Singapore khiến tôi thất vọng, thậm chí còn bực bội nữa. Quyền lực nằm trong tay viên thống đốc, thư ký thuộc địa và viên chưởng lý. Tất cả họ sống trong khuôn viên Tòa nhà Chính phủ. Viên thống đốc sống trong tòa kiến trúc lớn nhất, chính là Tòa nhà chính phủ, viên thư ký thuộc địa sống trong ngôi nhà biệt lập lớn thứ nhì, còn viên chưởng lý trong ngôi nhà lớn thứ ba, và viên phụ tá thư ký và thư ký riêng của thống sứ thì ở trong hai ngôi nhà biệt lập khác. Điện thoại liên lạc phục vụ năm ngôi nhà này hoạt động 24 giờ một ngày.

Đây thực sự là trái tim của chính quyền. Có một Hội đồng Lập pháp, nhưng chỉ có 6 trong 25 thành viên của nó là được bầu ở địa phương. Còn lại là những viên chức Anh và những người Anh được bổ nhiệm, đứng đầu là thư ký thuộc địa. Năm 1951, số thành viên được bầu tăng lên đến 9, nhưng họ không có quyền quyết định chính sách. Và cũng không có uy tín gì với dân chúng – số cử tri đi bầu Hội đồng lập pháp và hội đồng thành phố thì ít ỏi đến tội nghiệp.

Ông chủ của tôi, John Laycock, là linh hồn hoạt động trong chính đảng lớn ở đây, đảng Cấp tiến, nhưng lãnh tụ trên danh nghĩa của nó lại là một luật sư khác, ông C.C. Tan, một người có dáng vẻ và giọng nói yếu ớt. Những lãnh tụ của đảng hầu hết là những sinh viên từng học luật hoặc y tại Anh trong những năm 1930 mới trở về xứ, luôn kính nể những giá trị của Anh. Họ giống như ông nội tôi – xem mọi thứ của Anh đều là đỉnh cao của sự hoàn mỹ. Họ không tin vào chính mình, và càng ít tin vào dân tộc họ.

Patrick O’Donovan, phóng viên Đông Nam Á của báo London ra ngày chủ nhật, tờ Observer (Người quan sát), khi tôi còn là sinh viên ở Anh, đã mô tả thế hệ những sinh viên châu Á du học và trở về trước tôi như những kẻ không đủ khả năng về tâm lý cũng như tình cảm để đấu tranh vì tự do. Điểm khởi đầu là họ không thể tiếp quản ngay lập tức và điều hành một quốc gia độc lập, và cần phải có nhiều năm kinh nghiệm trước khi họ có thể làm việc đó. Tôi thấy họ như không có khả năng lên tiếng cho chính mình, nói chi đến việc đứng lên chống lại người Anh. Tình hình cũng thế đối với người Ấn Độ từ Ấn, những kẻ đã trở thành “những lãnh tụ Singapore” nhờ vào quốc tịch Anh của họ và nhờ khoảng trống quyền lực do cuộc nổi dậy của MCP gây ra. Người bản xứ duy nhất có tầm vóc là Lim Yew Hock, tổng thư ký của Liên đoàn thư ký và nhân viên hành chính Singapore.

Các chính khách này diễn thuyết thật uể oải chẳng bao giờ đụng chạm gì đến quyền lực của người Anh. Họ tự hào quá mức mỗi khi có phê phán gì đó về các viên chức thuộc địa. Ông bạn Kenny Byrne mô tả họ như những kẻ “được nuôi dưỡng trong tinh thần nô lệ”. Kenny về quê trên tàu Willem Ruys cùng tôi, ông ta làm việc trong ban thư ký chính phủ, và chúng tôi có thể bày tỏ tâm trạng thất vọng của mình khi tôi đến thăm ông trong khu cư xá chính phủ sau bữa tối. Ông là một người Á lai Âu cao, ăn nói từ tốn, đi đứng chậm chạp và nhớ dai những lời lăng mạ và khinh bỉ dành cho một số nhân viên người Anh như ông trong ngành dân chính.

Tôi cương quyết làm một cái gì đó trước tình trạng thảm hại này, và ước ao những người bạn khác của tôi từ Anh trở về, đặc biệt là Keng Swee và Chin Chye. Tôi cần sự đánh giá của họ để trao đổi ý kiến và quyết định một phương cách hành động. Tôi cũng muốn tiếp xúc với John Eber và Lim Kean Chye, những nhân vật cánh tả hàng đầu trong Liên minh Dân chủ Malaysia (Malaysian Democratic Union – MDU) trước khi nó bị giải tán khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố vào tháng 6/1948. Một ngày tháng 11/1950, chẳng hề báo trước, John Eber tới gặp tôi tại đường Oxley. Tôi hỏi ông ta chúng tôi có thể làm gì trước tình hình chính trị theo hiến pháp rất mong manh của Singapore. Tại sao không thành lập một đảng phái và làm một cái gì đó thiết thực – chấm dứt trò ăn nói vòng vo kiểu hiện nay và thách thức quyền lực của chính quyền thuộc địa? Ông ta không hứa hẹn gì cả. Ông nói: “Đang có tình trạng khẩn cấp. Chúng ta phải hết sức cẩn thận.” Có lẽ ông đã nghe Lim Hong Bee nói về cuộc họp của chúng tôi ở London và đánh giá tôi như một thành viên mới có triển vọng.

Tháng 1/1951, báo chí tường thuật vụ bắt giữ một nhóm người cộng sản có giáo dục Anh. Trong đó có John Eber, phó chủ tịch MDU, C.V. Devan Nair, thư ký của Liên đoàn giáo chức Singapore, và Abdul Samad bin Ismail, biên tập viên chính của tờ báo bằng tiếng Malaysia, Utusan Melayu. Đây là lần đầu tiên quyền câu lưu dựa trên các quy định về tình trạng khẩn cấp được sử dụng nhằm chống lại một nhóm người có giáo dục Anh. Tôi đã hy vọng làm cho John Eber và bạn bè ông ta quan tâm tới việc thành lập một chính đảng hợp hiến, nhưng thay vào đó ông ta lại đánh giá tôi có thể là một thành viên mới theo đường lối của ông ta. Nếu như ông ta và nhóm của mình không bị bắt giữ trong 6 hay 12 tháng nữa, Sở Đặc vụ có thể đã tóm cả tôi một lượt với họ rồi. Sự chuyển hướng của các sự kiện đã cho tôi một thời gian dài suy ngẫm và tôi nhanh chóng nhận ra tính nghiêm trọng của biến chuyển này.

MCP đang tiến hành chiến tranh du kích chống lại người Anh trong rừng già Malaysia, bắn các chủ đồn điền da trắng và những người bản xứ ủng hộ thực dân. Họ thu phục được nhiều thành viên mới từ số đông những có Hán học ở Singapore, những người bị ấn tượng bởi những thông tin về thành quả của đảng Cộng sản Trung Quốc và bởi những chiến thắng của Quân đội nhân dân giải phóng trong cuộc chiến chống Mỹ ở Triều Tiên. Những thành công này đã nâng cao uy thế của Trung Quốc và vì thế đã khiến rất nhiều người Hán học giác ngộ theo lý tưởng cộng sản.

Nhưng bây giờ rõ ràng rằng MCP cũng đã lôi cuốn được những thành viên mới trong giới trí thức hưởng nền giáo dục Anh. Dù họ nhận được sự ưu đãi đặc biệt, và hầu như độc quyền giành được những công việc trong bộ máy chính phủ và trong các ngành chuyên môn, một số người duy tâm nhất vẫn không cưỡng lại được sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với các dân tộc đang chống chủ nghĩa thực dân. Nếu chúng tôi không làm gì. Nếu chúng tôi thất bại trong việc lôi kéo họ vào một phong trào chính trị hiệu quả, thì MCP sẽ là kẻ chiến thắng sau cùng.

Tôi vẫn tiếp tục việc tập sự của mình và theo Laycock tới tòa án trong các vụ xử của ông ta. Ông ta vẫn tỉnh táo khi phải xuất hiện, nhưng trong những dịp khác thì cứ như một cuộc thử thách. Ông ta sẽ mời tôi đi ăn trưa, ăn tối và uống thả cửa (loại bia nâu) cho trôi những con hàu ở khách sạn phi trường Kallang hoặc những miếng thịt nướng ở Stamfort Cafe hoặc ở Adelphi Grill. Đôi khi ông ta say khướt đến độ không thể làm việc vào buổi chiều, và ban đêm ông ta lại một mình uống whisky. Tôi ăn nhiều hơn sức mình và uống nhiều hơn tôi muốn. Laycock hẳn đã nghĩ tôi là một thành viên mới hữu ích cho đảng Cấp tiến của ông ta, vì vào tháng 2/1961, ông ta đề nghị tôi làm trợ lý cho ông trong kỳ bầu cử Hội đồng Lập pháp. Tôi đồng ý. Nó sẽ cho tôi một ý niệm về tình hình và thực tế ở Singapore.

Ngày chỉ định là ngày 8/3, nhưng không khí chẳng có gì là nhộn nhịp cả. Không có gì ngạc nhiên. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp lần trước vào năm 1948, chỉ có 23.000 trong tổng số cử tri 200.000 đi bầu, và gần phân nửa số họ là người Ấn Độ dù cộng đồng của họ chiếm không quá 6 % dân số. Nên chẳng có gì là bất thường khi có một tỷ lệ thiếu cân xứng về số người Ấn trong những người ứng cử ở kỳ bầu cử năm 1951 – có 15 (có một người Sri Lanka) ứng cử viên Ấn trong số 22 để giành 9 ghế. Một trong số họ, người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hội đồng lập pháp, đã bỏ trốn sang Ấn Độ một năm sau đó cùng với ông chồng luật sư của bà ta và một số tiền lớn của các thân chủ ông ta. Điều đó thật bất lợi cho chỗ đứng của những người Ấn gốc Ấn ở Singapore, những kẻ được xem như loài chim di trú.

Với một cuộc bầu cử sơ sài, Laycock chiếm được một trong sáu chiếc ghế mà đảng Cấp tiến đạt được. Đảng Lao động hai ghế, và một ghế thuộc về một ứng viên độc lập. Cuộc vận động là sự nhái lại những gì tôi đã chứng kiến ở Anh. Laycock tranh cử ở khu vực bầu cử Katong của ông ở bờ biển phía Đông, nơi tập trung đa số những người Hoa vùng eo biển nói tiếng Anh, trung thành với đức vua và đế chế. Với tư cách là trợ lý tranh cử của ông ta, tôi trả công cho những người dân những tấm áp phích in hình ảnh, tên tuổi ông ta với tiêu đề “Hãy bầu cho John Laycock, Đảng Cấp tiến”. Nhưng ông ta cũng chỉ thị thêm cho tôi tổ chức những bữa tiệc tối, với những vũ nữ chuyên nghiệp để nhảy cặp với những người đàn ông mặc y phục Malay, và lo chu cấp thức ăn và rượu dù chuyện này là trái luật. Hơn nữa, tôi phải bảo đảm, rằng người trưởng làng của khu vực bầu cử phải được đền bù xứng đáng cho việc ông ta kêu gọi dân làng mình bầu cho Laycock. Giữa bữa tiệc, John Laycock sẽ trèo lên một cái bục nhỏ, tay cầm mic–ro diễn thuyết bằng tiếng Anh, hứa rằng ông ta sẽ đem lại điện nước cho thính giả của mình. Chỉ vài người hiểu ông ta nói gì. Chúng tôi đã tổ chức hai buổi mít–tinh ở Kampong Amber, một vùng đất của những kẻ tha phương nghèo khổ mà hiện đã trở thành một chung cư cao ngất.

Cũng như cuộc bầu cử năm 1948, chỉ một tỷ lệ nhỏ cử tri đi bầu – 24.693 trong tổng số 250.000. Thế giới mà những hội viên hội đồng lập pháp đại diện chỉ là một phần nhỏ, cách ly hẳn đại đa số quần chúng. Đại đa số dân trên đảo chẳng dính dáng cũng chẳng quan tâm đến cuộc bầu cử vì lý do đơn giản là họ không được quyền bầu cử, và dù sao thì mọi thứ đều được hướng dẫn bằng tiếng Anh, trong khi đa số dân chúng nói tiếng Hoa. Con đường đi lên của họ sau khi qua các trường lớp của người Hoa là không đáng kể, và nguyện vọng chính trị của họ chỉ có thể được thực hiện thông qua MCP. Họ bao gồm những người bán hàng rong, kéo xe, tài xế taxi và những người chạy việc cho những trò xổ số bất hợp pháp. Họ là những người bình thường vẫn xuất hiện bên ngoài văn phòng của Laycock & Ong, mong được giúp đỡ thoát khỏi những rắc rối với cảnh sát, với những người có chức quyền hoặc chính phủ. Họ không nói được tiếng Anh, và những viên thư ký sẽ thông dịch lại lời của họ cho các vị luật sư không hiểu được phương ngữ của họ.

Tôi cảm nhận được rằng thế giới giả dối của thực dân là không thực. Các viên chức chỉ phục vụ cho quyền lợi của chính họ và quyền lợi của những người hưởng nền giáo dục Anh, những kẻ có thể gây sức ép đối với họ thông qua báo chí viết bằng tiếng Anh. Nhưng họ không phải là động lực kinh tế của xã hội Singapore. Tôi có một cảm giác khó chịu dữ dội. Tôi chỉ thảo luận những ý nghĩ này với mình Kenny. Tôi phải thành công trong nghề luật của mình, và phải nhìn ra nghề luật sẽ giúp tôi thế nào trong chính trị.

Ngày 7/8/1951, tôi hoàn tất xong một năm thực tập của mình. Để vào được Luật sư đoàn, Choo và tôi phải khoác bộ áo tối tăm và mặc chiếc áo choàng luật sư với những dải trắng, và trong trường hợp của tôi, thêm một cái cổ cứng nữa. Đây là một dịp quan trọng, vì toàn bộ Luật sư đoàn đã có 140 thành viên, và mỗi năm chỉ nhận thêm mười luật sư mới. René Eber, một luật sư kỳ cựu có uy tín, đã đề xuất đơn xin gia nhập của chúng tôi bằng một bài diễn văn lịch sự ngắn. Con trai của ông, John, là một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, đã bị bắt giữ cách nay bảy tháng. Singapore quả là một thế giới nhỏ bé!

Bởi vì khai sinh của tôi ghi tôi là Harry Lee Kuan Yew, tôi không thể yêu cầu Middle Temples hay trường Đại học Cambridge xóa chữ Harry trong tên tôi. Vì vậy trong cả bằng tốt nghiệp Cambridge lẫn trong chứng nhận Luật sư đoàn, tôi vẫn là Harry Lee Kuan Yew. Năm 1950, tôi quyết định tìm cách để được nhận vào Luật sư đoàn Singapore dưới cái tên người Hoa thôi, và họ được đặt trước tên riêng là: Lee Kuan Yew. Lần này tôi thành công, Lee Kuan Yew trở thành con người trước công chúng của tôi, điều mà tôi đại diện và tự nhận mình như thế – một người dân tộc chủ nghĩa cánh tả – và đó là cách tôi xuất hiện trên các bài báo tường thuật các vụ án của tôi. Nhưng suốt những năm tháng này, vợ và bạn bè riêng của tôi vẫn gọi tôi là Harry. Vào những năm 1950, suốt những năm tháng đầu bước vào chính trường, đôi lúc tôi cảm thấy hơi khó chịu khi bị gọi là Harry Lee. Về mặt chính trị, điều đó là một bất lợi. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1960, sau khi tôi chịu đựng và tồn tại được qua những thử thách, tôi đã vượt qua mọi cảm giác khó chịu. Điều đó không hề làm giảm uy tín và giá trị của tôi. Tôi không tự đặt tên cho mình được. Tôi không bao giờ đặt một cái tên mang hơi hướm Tây phương cho bất kỳ đứa con nào của tôi, mà các con tôi cũng không hề làm vậy đối với con cái chúng.

Ba ngày sau khi vào Luật sư đoàn, một người bạn cũ của tôi là hộ tịch viên trong Tòa án tối cao, Tan Thoon Lip, yêu cầu tôi bào chữa cho bốn người Malay trong một vụ án mà nó sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến quan điểm của tôi về hệ thống bồi thẩm đoàn ở Singapore. Vào tháng 12/1950, một cô gái Hà Lan, kẻ bị mẹ nuôi người Malay cải sang đạo Hồi, được đưa vào tu viện theo lệnh của Tòa án tối cao trong khi quan tòa quyết định mẹ ruột cô có quyền đòi cô lại. Bà mẹ Hà Lan đó đã giao con gái nhỏ của mình cho người đàn bà Malay này trông nom khi quân Nhật tràn qua đất nước. Báo chí đăng hình cô gái trong tu viện, trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Điều này khiến những người theo đạo Hồi, những người đã coi cô như một người Hồi giáo, giận điên lên, đến độ họ đã gây ra cuộc náo loạn suốt mấy ngày liền, đám đông những người Hồi giáo trên đường phố giết vô tội vạ những người đàn ông và phụ nữ da trắng.

Bốn người đàn ông mà hiện tôi phải bào chữa nằm trong số 13 người bị buộc tội giết người, gây ra cái chết của Charles Joseph Ryan, một hạ sỹ quan trong Không lực Hoàng gia. Chín bị cáo còn lại được một luật sư thâm niên hơn, F.B. Oehlers bào chữa.

Phiên tòa kéo dài gần hai tuần, dưới sự điều hành của một thẩm phán và một bồi thẩm đoàn bảy người. Tôi chú tâm vào vụ án còn hơn cả Oehlers, một người đàn ông năm mươi tuổi mà danh tiếng trong Luật sư đoàn đã được khẳng định. Còn danh tiếng của tôi sẽ được quyết định. Tôi đã làm phần lớn việc đối chất, nhằm tạo ra những nghi ngờ về tính chính xác trong sự nhận diện của những người tham gia vào việc bạo loạn dẫn đến cái chết của Ryan. Trời đã tối lúc họ bắt giữ Ryan, lôi anh ra khỏi chuyến xe buýt đưa anh từ Changi vào thành phố, đánh anh bất tỉnh và thảy anh xuống một cái mương sâu đầy nước mưa trong khu Geylang Serai của người Malay. Tôi mời viên thẩm phán, cùng bồi thẩm đoàn và nhân chứng đi đến chỗ xảy ra sự việc vào ban đêm để thấy đèn đường yếu ớt không soi sáng con đường được bao nhiêu. Tôi đặt câu hỏi rằng những ai chứng kiến một đám hỗn loạn chừng 40–50 người Hồi giáo Malay và Ấn Độ trong ánh sáng yếu ớt đó, làm thế nào có thể nhận ra những người ngồi ghế bị cáo kia chính là những kẻ đã tấn công nạn nhân. Tại nơi xảy ra tội ác, họ đứng cách kẻ tấn công bao xa? Họ thấy các thân chủ của tôi trong bao lâu? Những kẻ tấn công đó mặc quần áo gì? Có dấu vết hay vẻ gì đặc biệt gì trên khuôn mặt của các bị cáo?

Sau cuộc đối chất, Oehlers và tôi tổng kết lại. Chúng tôi chỉ ra mọi mâu thuẫn giữa những gì nhân chứng khai tại lần thẩm vấn sơ bộ và tại chính phiên tòa, đặc biệt là về khả năng nhìn rõ. Việc đó giống như đi qua một cánh cửa mở sẵn, khi các vị bồi thẩm người Ấn và Hoa chẳng vui sướng gì trong việc kết tội nếu như điều đó có nghĩa là đưa một người đến chỗ chết. Vì vậy bồi thẩm đoàn thấy thật sự nhẹ nhõm khi có thể tuyên bố tha bổng tất cả những người bị buộc tội sát nhân. Nhưng sự thật lại đè nặng lên lương tâm họ và họ kết luận chín người trong số các bị cáo đã phạm tội cố ý đả thương nghiêm trọng. Ba trong số các thân chủ của tôi được trả tự do. Một người chỉ bị năm năm cấm cố. Có một vẻ phẫn nộ trên gương mặt của quan tòa và công tố viên người Anh.

Tôi cũng thấy ghê tởm trước kết quả này. Nhiệm vụ của tôi khi làm luật sư biện hộ ở Tòa án tối cao đòi hỏi tôi phải làm hết sức mình cho thân chủ mà không phạm luật hoặc đưa ra một điều gì sai sự thật. Tôi đã tạo ra nhiều nghi ngờ về phía công tố và ngăn trở công lý. Tôi không hề nghi ngờ chuyện bốn thân chủ của tôi đã giết Ryan, rằng vào đêm đó họ bị kích động cao độ và hẳn sẽ giết bất kỳ người da trắng hay người lai nào trên đường đi của họ, bất cứ ai liên quan tới Thiên chúa giáo, tức là, theo họ, chống lại đạo Hồi. Tôi không còn tin vào một chế độ mà nó cho phép sự mê tín, ngu dốt, thành kiến, định kiến và sợ hãi của bảy viên bồi thẩm quyết định ai đó là có tội hay vô tội. Theo định nghĩa, họ là những con người bình thường, không có năng lực chuyên môn gì ngoài khả năng hiểu được tiếng Anh và làm đúng các thủ tục quy định. Tôi đã từng gặp các viên bồi thẩm trong các tòa án Anh. Tôi không nghĩ họ xứng đáng với lòng tôn kính mà các luật sư và những nhà làm luật dành cho sự thông thái tập thể của họ.

Một khác biệt giữa các vụ xử ở Anh và ở Singapore là nhu cầu cần có thông ngôn. Nhiều nhân chứng không thể, hoặc không muốn, nói bằng tiếng Anh, có thể chỉ vì muốn có thêm thời gian định hình các câu trả lời của họ. Thông ngôn người Malay, một người Ấn theo Hồi giáo, thật là giỏi. Ông ta có thể mô phỏng âm sắc, điệu bộ và tâm trạng của nhân chứng. Ông ta dịch một câu thật tuyệt khi một nhân chứng nhắc lại câu Allahu Akbar. Ông ta đã dịch thành: “Ông ta nói những người đó làAllahu Akbar. Ồ, câu đó nghĩa là ‘Thượng đế thật vĩ đại’. Đó cũng là tiếng hô xung trận của người Hồi giáo.”

Nhưng những thông ngôn còn có công dụng khác. Khi đứa con đầu tiên của chúng tôi ra đời vào ngày chủ nhật 10/2/1952, tôi đã hỏi ý kiến một trong những thông ngôn đó tại Tòa án Tối cao, ông này từng giúp nhiều luật sư tìm ra những cái tên Trung Quốc thích hợp cho con cái của họ. Ngày sinh tháng đẻ là rất có ý nghĩa trong lịch Trung Quốc, ngày 15 tháng Giêng năm Thìn. Nên chúng tôi quyết định đặt tên cháu là Hsien Loong – Hiển Long. Đó là một thằng bé người roi dài nhưng nặng tới bốn ký, và nó khiến chúng tôi rất sung sướng.

Khi tôi thăm Choo tại bệnh viện phụ sản Kandang Kerbau vài ngày sau đó, tôi đã có thể kể cho cô nghe vận may thứ hai của tôi – vụ bào chữa hợp tác đầu tiên của tôi. Nó sẽ đưa tôi vào sân khấu chính trị và đi tới một cuộc đối đầu với chính quyền.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3