Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 16

16

VẠCH RÕ ĐƯỜNG BIÊN

Sau khi PAP thắng trong cuộc bầu cử bổ sung ở TanjongPagar, Chin Chye, Pang Boon và tôi quyết định siết chặt sự kiểm soát hiến định của đảng để cánh tả không khai thác chúng tôi được. Lý do là thay vì chấp nhận trở ngại và hoạt động trong tình hình đã thay đổi cho đến khi các điều kiện trở nên thuận lợi hơn, Lim Chin Joo đã quyết định đấu tranh giành quyền kiểm soát đảng. Một trong những thư ký chi bộ cho Pang Boon hay rằng phái khuynh tả đang lập kế hoạch giành lấy 8 trong số 12 ghế của ban chấp hành trung ương.

Đây là một thái độ phiêu lưu, hay nói theo Lenin là bệnh ấu trĩ tả khuynh. Phái thân cộng muốn chứng tỏ lòng quyết tâm cách mạng của họ mà không nhận ra rằng họ cần uy tín đáng tin cậy của PAP nhiều hơn là chúng tôi cần sự ủng hộ quần chúng từ phía họ. Trong tâm tưởng quần chúng, PAP đã định hình như một đảng nhất quán, cấp tiến và ủng hộ công nhân. Nếu chúng tôi không vụng về, chúng tôi đã có được uy danh và sự ủng hộ như họ nhờ vào những thành quả chúng tôi đã đạt được cho đến nay. Thay vì đánh mất quyền kiểm soát PAP và phải khởi sự tất cả lại từ đầu, chúng tôi đã chuẩn bị chứng kiến phái khuynh tả tách ly khỏi chúng tôi và thành lập một đảng khác với Marshall làm vỏ bọc. Việc Marshall rút lui khỏi chính trường chỉ là tạm thời, ông ta rồi sẽ lập ra một đảng mới, Đảng công nhân. Chúng tôi hiểu với ông ta làm đầu tàu, họ sẽ gặp những vấn đề lớn. Ông ta có tính khí thất thường và thiếu nhất quán, ông takhông có tài chính trị để quân bình giữa các phương pháp hợp hiến và vi hiến, rồi chẳng bao lâu sẽ khiến tổ chức đảng của họ bị cấm chỉ.

Kong Swee, Kenny, Raja, Chin Chye, Pang Boon và tôi đã thảo luận vấn đề này và quyết định tiết lộ cho tờ Straits Timesrằng trong hội nghị kế tiếp vào tháng 8, chúng tôi dự định thông qua một loạt nghị quyết có tác dụng tái tổ chức PAP và khiến nó thực sự đấu tranh cho một nước “Malaysia xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và không cộng sản”. Để thực thi chính sách này, chúng tôi sẽ ra ứng cử thành một liên danh tám người, chỉ để lại bốn ghế cho bầu cử mở rộng. Đây là tối hậu thư của chúng tôi – chúng tôi sẵn sàng chiến đấu với đối phương và để cho họ rời đảng. Tờ Straits Times chạy tin này. Nhưng phái khuynh tả thực sự có ý định nắm quyền kiểm soát đảng vì họ biết Marshall không phải là một giải pháp hữu hiệu. Ông ta có thể có ích trong những đợt tấn công thọc sườn nhất thời vào tổ chức đảng để buộc đảng phải đi theo hướng họ định, nhưng ông ta không đủ ổn định cho kế hoạch dài hạn. Hơn nữa, họ cũng thấy rất dễ dàng tổ chức những đợt công kích vào ban chấp hành trung ương. Chúng tôi vẫn còn ngây thơ trong cuộc chơi, chẳng sánh được với họ.

Các thành viên nghiệp đoàn gia nhập vào PAP có thói quen không đăng ký địa chỉ nhà riêng của họ mà sử dụng địa chỉ nghiệp đoàn, và chúng tôi thì suy nghĩ đơn giản nên đã gửi thẻ vào cửa về các địa chỉ đó cho họ. Kết quả là hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, thẻ như thế đã được tập trung về Middle Road, lúc đó trở thành trụ sở của Tổng liên đoàn người làm thuê Singapore (SGEU) cùng một số nghiệp đoàn và hiệp hội khác, và được sử dụng tùy ý của các lãnh tụ của họ. Do đó, trong hội nghị của đảng vào Chủ nhật 4/8, số ủng hộ viên của họ vượt trội lực lượng của chúng tôi, và kết quả bầu cử là 50–50, phái khuynh tả chiếm sáu ghế và phe phi cộng sản chiếm sáu.

Thế là chúng tôi gặp thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi sẽ lúng túng bất định khi nắm quyền kiểm soát đảng vì chúng tôi không đủ số phiếu để thực thi chính sách của mình. Nếu không thì có nghĩa là mất quyền kiểm soát về tay phái khuynh tả và khiến đảng phát triển theo chiều hướng bất lợi cho chúng tôi. Tôi tính toán rằng Lim Yew Hock sẽ khó mà đồng ý cho những người này nắm quyền lâu, chắc chắn là không lâu tới kỳ tổng tuyển cử tới, nhưng ngay cả điều đó cũng cho phép CUF có thời gian để xây dựng lại lực lượng trong các nghiệp đoàn cũng như trong đảng. Sau nhiều thảo luận, tôi đưa ra lời tuyên bố sau, với chữ ký của sáu người chúng tôi:

“Vì ba trong tám thành viên mãn nhiệm đã không tái đắc cử, nên chúng tôi thấy rằng chúng tôi không có thẩm quyền về đạo đức để đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, thư ký và thủ quỹ cùng vai trò phụ tá cho các chức vụ trên.”

Phái khuynh tả rất ngạc nhiên. Họ đã không dự liệu hết mọi chiến thuật. Họ vẫn nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm đầu tàu cho họ trong ban chấp hành trung ương, nhất là khi họ để chúng tôi nắm quyền trên danh nghĩa bằng cách giữ các chức vụ chủ chốt là chủ tịch, thư ký và thủ quỹ. Nhưng chúng tôi quyết định giao quyền cho họ để khi họ có bất kỳ hành động quá khích nào, họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Lim Yew Hock sẽ không bao giờ để họ trở thành mối đe đọa cho ông ta mà sẽ hành động chống lại họ kể cả khi họ có Marshall làm bình phong. Nên chúng tôi hoan hỉ để họ nắm lấy các địa vị hàng đầu. Họ lại không muốn như thế. Họ kêu gọi chúng tôi cho Chin Chye tiếp tục giữ chức chủ tịch và tôi vẫn làm tổng thư ký, và để trấn an chúng tôi, họ đề nghị cho chúng tôi kết nạp thêm hai thành viên nữa vào ban chấp hành trong họ chỉ kết nạp thêm một, tức là cho phép chúng tôi một đa số có tính chiến thuật. Khi chúng tôi từ chối, họ trở nên bồn chồn và ý thức rất rõ cái thế mong manh của họ khi không có chúng tôi làm đầu tàu. Sau ít nhiều lưỡng lự, họ đưa Tan Chong Kin làm chủ tịch, T.T. Rajah, một luật sư cánh tả, làm tổng thư ký. Tôi dự trù từ sáu tháng tới một năm họ sẽ gặp rắc rối. Nhưng tôi đã lầm.

Lim Chin Joo đã có những kế hoạch quy mô. Jamit Singh và ủy ban hành động của ông ta đã tiến hành thảo luận với Liên hiệp nghiệp đoàn Singapore STUC để đàm phán việc sáp nhập với SGEU và các tổ chức vệ tinh của nó ở Middle Road. Điều này chỉ có thể dẫn tới việc cánh tả thu hút cơ sở quần chúng của chính Lim Yew Hock trong phong trào nghiệp đoàn. Khi thấy nguy cơ sắp xảy ra cho STUC, ông ta quyết định hành động. Vào đêm 22/8, Sở đặc vụ bắt giữ và câu lưu 35 người – Lim Chin Joo và 12 công đoàn viên, 4 nhà báo và 18 đảng viên PAP, bao gồm tất cả tay khuynh tả trong ban chấp hành trung ương, ngoại trừ T.T. Rajah. Họ chỉ mới nắm quyền được 10 ngày. Rajah phát bệnh vì sợ hãi và lo lắng, và ngày 3/9, ông đột ngột từ chức. Nếu lớp lãnh đạo thứ hai của CUF có thiếu phẩm chất gì thì đó cũng không phải là tham vọng. Họ muốn ít nhất là có được một mặt trận thống nhất gồm PAP, Mặt trận Lao động và đảng Công nhân mà Marshall định thành lập, cùng một cuộc sáp nhập sẽ đem lại cho họ quyền kiểm soát trọn vẹn các nghiệp đoàn. Thay vào đó, họ lại nhận được bài học về bệnh phiêu lưu tả khuynh.

Với sự hành động mau lẹ ngay sau khi phái tả nắm quyềnkiểm soát đảng, Lim Yew Hock đã khiến chúng tôi mang tiếngxấu. Chúng tôi có vẻ như đã phản bội cánh tả qua việc công khai tách khỏi những hoạt động của họ và để họ phải đối mặt với chính quyền. Ngày 23/8, chính phủ phát hành một bạch thư (sách trắng) với một phần trình bày về “sự xâm nhập của cộng sản vào PAP”. Để tránh những cáo buộc liên can đến chúng tôi trong những vụ bắt bớ này, tôi đã đưa ra một kiến nghị tại Hội đồng lập pháp ngày 12/9, nêu rõ những điểm không chính xác trong bạch thư. Tôi chỉ ra rằng ông Tổng ủy viên đã che giấu yếu tố quan trọng nhất khiến ông ta ra tay hành động, cụ thể là do tổ chức STUC, cơ sở quần chúng của ông ta, lúc đó đang có nguy cơ bị Lim Chin Joo khống chế. Ông ta không hành động vì ủng hộ PAP mà chỉ để cứu vãn vị trí của mình vào một thời điểm đã được tính toán để gây rắc rối chính trị tối đa cho chúng tôi.

Nếu phái thân cộng học được bài học về sự manh động thì PAP cũng vậy. Nó học được bài học về sự dại dột khi chấp nhận một định chế dân chủ khiến nó có thể bị khống chế qua sự thâm nhập của đối phương vào các chi bộ của nó. Chúng tôi đã thảo luận một số khả năng thay đổi để bảo đảm rằng chuyện này không tái diễn được. Nhưng ngay khi Pang Boon và tôi khởi sự thanh lọc các chi bộ thì chúng tôi lại bận rộn chuẩn bị cho kỳ bầu cử Hội đồng thành phố trong tháng 12 sắp tới. Sau hai đợt thanh trừng chính trị của Lim Yew Hock vào năm 1956 và 1957, kỳ bầu cử này sẽ là lần trắc nghiệm đầu tiên về ý kiến công chúng. Danh sách cử tri đã tăng hơn 10 lần so với năm 1950 và lên đến 500.000 cử tri sau khi Pháp lệnh về quyền công dân được thông qua vào tháng 10/1957, cho phép mọi người đã lưu trú tại Singapore suốt 8 trong vòng 10 năm trước đó được hưởng quyền công dân cho dù họ không ra đời tại đây.

Mối quan tâm lớn của tôi là tránh xung đột với Lim Yew Hock và Mặt trận Lao động của ông ta, vì điều đó sẽ chỉ làm tăng lòng thù ghét của khối người nói tiếng Hoa đối với ông ta, làm suy giảm vị thế chính trị của ông ta và khiến ông ta có hành động để làm suy yếu PAP. Bằng cách lặng lẽ tiếp xúc với lãnh đạo UMNO địa phương là Hamid Jumat, nhân vật thứ hai trong thực tế của chính quyền, tôi đàm phán một sự thỏa thuận tranh cử trong đó PAP, UMNO và Mặt trận Lao động sẽ không đấu lẫn nhau mà sẽ chia nhau 32 ghế trong Hội đồng – 14 cho PAP, 2 cho UMNO và 16 cho Mặt trận Lao động. Chúng tôi không tấn công nhau mà chĩa mũi dùi vào đảng Xã hội Tự do, gán mọi khuyết điểm của Hội đồng thành phố trước đây cho tổ chức tiền thân của nó là đảng Tiến bộ vốn kiểm soát Hội đồng này từ đầu thập niên 50 khi mà những kỳ bầu cử đầu tiên được tổ chức. Đến giai đoạn cuối chiến dịch, chúng tôi chuyển những tố cáo về cách điều hành kém cỏi của Hội đồng thành phố thành một đợt công kích chính trị rộng rãi và trình bày nó như một cuộc đối đầu giữa công nhân (do PAP đại diện) và giới tư sản (Xã hội tự do đại diện).

Ngày bầu cử là 22/12/1957. Đêm đó tôi đến trước tòa thị chính Victoria Memorial Hall, nơi người ta kiểm phiếu. Một đám rất đông các học sinh và công nhân người Hoa đang ngồi trên bãi cỏ, có một hàng rào cảnh sát giới hạn. Khoảng 11 giờ, tôi thấy một dáng người da trắng mặc đồ ngắn len qua đám đông đi vào tòa thị chính. Đó là Bill Goode, viên thống đốc. Ông ta thật can đảm. Thực ra, đám đông chưa tới tâm trạng kích động. Tuy nhiên, ông ta đã là tổng thư ký khi làn sóng bắt bớ đầu tiên nổ ra vào tháng 10/1956, và là thống đốc khi xảy ra đợt thanh trừng thứ nhì. Nhưng ông không lộ vẻ gì sợ hãi. Tôi cảm thấy kính phục ông ta hơn.

Kết quả bầu cử thật thê thảm cho Lim Yew Hock. Trong số 16 ghế họ tranh cử, Mặt trận Lao động chỉ giành được 4, PAPchiếm được 13 so với 14 dự kiến, UMNO chiếm được cả hai ghế mà họ tranh cử (đều ở các khu vực chủ yếu là cư dân Malay), đảng Xã hội Tự do chiếm được 7 so với 32 dự kiến, đảng Công nhân: 4 so với 5; và các ứng viên độc lập chiếm được 2 ghế. Như thế PAP đạt nhiều thắng lợi nhất, gần 30 % tổng số phiếu và số phiếu cho từng ứng viên cũng thuộc loại cao nhất.

Cuộc tranh chấp ý nghĩa nhất là ở đơn vị bầu cử Jalan Besar, nơi đây ứng viên của PAP là Chan Chee Seng, một người Quảng Châu theo Hán học, đai đen nhu đạo, to con, không thông minh lắm nhưng trung thành, nhiệt tình và hoạt động mạnh cho phong trào. Có hai ứng viên khuynh tả tranh cử với ông ta dưới danh nghĩa đảng Công nhân của Marshall (họ đã xâm nhập vào đảng này như tôi dự đoán) để chứng tỏ họ có thể đánh bại chúng tôi nếu họ muốn. Và tuy họ thất cử với số phiếu cách biệt, 1.600 so với 2.400, nhưng đó không phải một thất bại tan nát và sức mạnh tiềm ẩn của họ thật hiển nhiên. Họ không công khai công kích chúng tôi trên diễn đàn vì đã hòa hoãn với Lim Yew Hock hay vì không đấu tranh cho các đảng viên PAP bị bắt bớ nhưng họ đã tuyên truyền rỉ tai điều này. Họ có thể thu được một số phiếu đáng kể thông qua cách vận động đến từng nhà.

Dựa vào thắng lợi của cuộc bầu cử, chúng tôi quyết giành lấy chức thị trưởng trong Hội đồng thành phố bằng cách liên kết với hai thành viên thuộc UMNO. Như vậy chúng tôi kiểm soát được 16 trong số 32 phiếu, và chúng tôi tin rằng số còn lại sẽ không có khả năng liên kết để chống lại chúng tôi. Lim Yew Hock có thể đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ liên kết với ông ta bằng cách thu hút bốn nghị viên thuộc lực lượng của ông ta, nhưng điều đó sẽ trở thành một gánh nặng chính trị quá lớn. Chúng tôi sẽ phải dính tới một bè nhóm hủ hóa, và mối liên minh này còn có thể khiến người ta khẳng định mối nghi ngờ rằng Lim Yew Hock và tôi đã bí mật bắt tay nhau khi ông ta cho bắt bớ những người khuynh tả trong ban chấp hành trung ương của PAP.

Nhưng nguy cơ cho PAP đã tăng lên. Cho tới khi có kết quả bầu cử, Lim Yew Hock đã nuôi hy vọng rằng việc ông ta thanh trừng phe cộng sản đã giúp ông thu được sự ủng hộ của ít nhất là một nửa dân số – gồm người Malay, người Ấn, những người Hoa theo Anh học và các phần tử chống cộng trong cộng đồng nói tiếng Hoa.

Tuy nhiên, đó chẳng phải là ưu tư duy nhất của tôi. Ứng viên của chúng tôi cho chức thị trưởng là Ong Eng Guan, một chuyên viên vận động quần chúng của PAP và đã tạo được chuyển biến quan trọng trong chiến dịch tranh cử vừa rồi. Giống Lim Chin Siong, Ong là người Hokkien và nói trôi chảy phương ngữ này. Thực ra, ông ta không có tác phong thành thật, nồng nhiệt của Lim, ông ta có giọng nói the thé và khuôn mặt đầy đặn ngây thơ của ông ta không biểu lộ sức mạnh nào. Nhưng trong những lần diễn thuyết trong năm tuần lễ tranh cử, ông ta tỏ ra xứng đáng thay thế Lim Chin Siong.

Tôi kinh ngạc khi thấy ông ta bắt đầu lộ ra những dấu hiệu tự phụ công thần. Những tiếng hò reo tung hô những bài diễn văn Hokkien của ông trong những lần mít–tinh vận động bầu cử đã in sâu vào đầu ông. Việc trở thành thị trưởng đã làm tăng ảo tưởng của ông ta về quyền lực. Trên đường tới dự buổi họp khai mạc Hội đồng thành phố vào ngày 23/12, ông ta gặp một đám đông những thanh niên ủng hộ PAP đang đốt pháo bên ngoài Tòa thị chính. Một sỹ quan cảnh sát người Hoa phản đối đám thanh niên lúc Ong vừa có mặt và đã can thiệp. Trong vụ hỗn loạn diễn ra sau đó, ông ta và hai nghị viên Hội đồng thành phố cũng thuộc PAP nữa đã bị bắt giải tới Tổng nha cảnh sát và được thả ra sau khi cảnh sát biết ra lai lịch của họ. Cuộc họp phải hoãn lại đến ngày hôm sau.

Hôm sau, Ong cư xử như một tay dân túy nồng nhiệt. Ông ta cho phép hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bên ngoài Tòa thị chính được tràn vào trong, thậm chí vào tận phòng họp của Hội đồng, kể cả nhiều học sinh và trẻ con, và nhiều đứa trong đó là trẻ đường phố bảy tám tuổi đi chân đất và áo phanh ngực. Rồi đám trẻ này không chỉ đứng cả lên bàn dành cho báo giới và ngồi bệt xuống sàn, chúng còn chen lấn xô đẩy đến sát bên các nghị viên khi họ ngồi xuống bên chiếc bàn họp hình móng ngựa. Chúng tới đây để vỗ tay reo hò, để tham dự vào cảnh náo nhiệt mặc dù chúng chẳng hiểu gì về nghi lễ này. Chủ tịch tiền nhiệm của Hội đồng thành phố, J.T. Rea, một viên chức Anh cùng với người mang kim trượng[20], đã phải mất đến 15 phút để chen lấn qua ngõ cửa sau vào được tới phòng họp nơi ông sẽ chính thức khai mạc phiên họp và bàn giao chức vụ. Các viên chức của hội đồng thực sự choáng váng.

Những nghị viên tân cử bây giờ có thể hành xử ưu quyền mới được trao cho họ là phát biểu bằng tiếng Quan thoại, Malay hoặc Tamil, và khi một nghị viên thuộc đảng Xã hội Tự do phát biểu bằng tiếng Anh, đám đông bèn la ó, cho dù ông ta đang chúc mừng Ong được đắc cử chức thị trưởng. Ong lặn ngụp trong sự tán tụng đó. Ông ta tuyên bố sẽ không mặc lễ phục dành cho thị trưởng, không ở trong dinh thị trưởng. Ông ta không tin vào những hình thức bề ngoài của chức vụ. Ông ta muốn sống và ăn mặc như một công dân bình thường. Ông không tán thành những bữa tiệc đứng, không hút thuốc, uống rượu hoặc đi xem đua ngựa.

[20] Kim trượng (mace): cây gậy với nhiều trang trí dùng làm biểu tượng quyền lực của viên chức nào đó, như thị trưởng chẳng hạn.

Ông ta cho phép mỗi nghị viên được phát biểu trong hai phút rồi đề nghị biểu quyết ngay việc dẹp bỏ cây kim trượng. Kết quả là 26 người thuận, không ai chống và sáu nghị viên của đảng Xã hội Tự do không biểu quyết, và Ong chỉ thị rằng món này “từ nay bị loại bỏ không còn là vật sử dụng cho Hội đồng thành phố Singapore nữa. Nó là tàn dư của chế độ thuộc địa.” Kế đó ông ta chen qua đám đông ra bao lơn, nơi đặt sẵn máy vi âm và loa phóng thanh, và phát biểu với đám đông bên ngoài bằng tiếng Quan thoại trong 10 phút. Ông ta kết thúc bài diễn văn bằng cách hô ba lần “Merdeka”. Đám đông hò reo và hô theo ông. Số báo cho ngày lễ Giáng sinh của tờ Straits Times tường thuật lại sự kiện này dưới tựa đề “Cầu chúa bảo vệ Singapore”, trích theo lời một nữ nghị viên thuộc đảng Xã hội Tự do.

“Vẻ nghiêm trang thường lệ của nghi lễ đã bị hủy hoại,” Goode chua chát báo cáo cho Lennox–Boyd vào ngày 27/12. Các viên chức của Hội đồng thành phố, cả người da trắng lẫn người châu Á, đều thấy nản chí. Những kiều dân Anh thấy lo sợ cho tương lai của họ. Nhưng, như ông ta viết thêm: “Không hề có phê phán về hành động của cảnh sát và PAP cũng không có hành vi kích động gì chống lại cảnh sát. Lee Kuan Yew đã đi nghỉ xa trong kỳ lễ Giáng sinh.” Đúng vậy, tôi đã đi khỏi thành phố. Vào buổi tối kiểm phiếu, cổ họng tôi đã khô rát vì hút thuốc liên tục trong đợt vận động tranh cử đến nỗi khàn tiếng không nói nổi lời cảm ơn đám đông ủng hộ được. Sáng hôm sau, tôi cùng gia đình chất đồ lên chiếc Studebaker và lái lên vùng đồi Fraser hưởng một đợt nghỉ 10 ngày.

Trong 16 tháng kế tiếp, Ong ngự trị Hội đồng thành phố với vai trò thị trưởng, bày ra hết cảnh ngoạn mục này tới ngoạn mục khác. Tác phong ngạo mạn của ông làm nản chí các viên chức và làm kinh hoàng các thư ký và giới chuyên môn có Anh học. Ông ta sử dụng những kẻ ông ưa thích và ra chỉ thị thông qua một bạn thân cùng quê ở Batu Pahat với ông ta, người này được coi như tổng trợ lý của ông ta và phải được tuân lệnh không thắc mắc. May mắn là ông ta đã không tại chức hết nhiệm kỳ ba năm và do đó không bị mời ra chất vấn về những thiệt hại ông ta gây ra cho guồng máy chính quyền. Cuộc tổng tuyển cử sẽ đến vào tháng 5/1959, vào cuối nhiệm kỳ bốn năm của Lim Yew Hock, nên những yếu kém của Ong sẽ không đủ thời gian để lộ ra hết. Hơn nữa, ông ta có thể thực hiện những chươngtrình được lòng quần chúng mà lại không tốn kém lắm tại những khu nghèo khổ của Singapore. Ông cho lắp đèn đường, đặt ống nước, xây cống rãnh và mang điện năng tới các làng mạc, cũng như giảm giá điện từ 20 xuống còn 12 xu cho người nghèo nông thôn. Ông ta thành lập Văn phòng thông tin đô thị để tuyên truyền những thành quả này, mở Văn phòng khiếu nại công cộng và tổ chức những buổi tiếp dân.

Giới Anh học thấy kinh hoảng nhưng những việc lạ kỳ của Ong lại làm hài lòng khối người nói tiếng Hoa. Cả đời họ vẫn có cảm tưởng bị loại trừ ra khỏi quyền lực, bây giờ họ có một đồng hương nói tiếng Hokkien giải tỏa những bất mãn của họ. Nhưng Ong cũng gây ra những vấn đề gây hại trong nhiều năm sau này. Chẳng hạn, ông ta cho phép những người bán rong chiếm những phố chính trong thành phố, nhất là trong Khu phố Tàu, nơi mà trước đây họ không được vào hoặc chỉ được vào sau giờ hành chính. Ông ta như một người bị ám ảnh về quyền lực và sự ca tụng của đám đông, ông ta muốn ngày nào cũng tạo được tin tức chính trên báo chí. Ông ta cứ gợi lên những kỳ vọng với những việc làm đầy kịch tính, cứ như không hề có một ngày ông ta phải trả giá cho những việc ấy. Tôi hiểu rằng ông ta đang gây thiệt hại nặng nề cho PAP cũng như cho đất nước, nhung lại nghĩ rằng tốt nhất là cứ để ông ta đứng mũi chịu sào trong lúc này rồi sẽ điều chỉnh lại mọi chuyện sau kỳ tổng tuyển cử. Ông ta mất đi sự ủng hộ từ phía những người Anh học nhưng lại hái nhiều hơn từ phía khối người nói tiếng Hoa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3