Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 17 phần 1
17
GẶP GỠ VỚI “ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN”
Tôi nhớ 1958 là một năm tình hình lắng dịu. Mọi chuyện tương đối yên tĩnh và không có những náo động gây ra do lãn công, đình công, biểu tình, bạo loạn hay mít–tinh. Tôi có thì giờ để suy xét, ngẫm nghĩ và hoạch định những bước đi quan trọng kế tiếp trước khi đến kỳ tổng tuyển cử vào tháng 5/1959. Câu hỏi thứ nhất tôi phải trả lời là giữa việc nắm và thành lập chính phủ mới, và việc đứng ở phía đối lập nhưng giữ được nhiều ghế hơn trong Hội đồng lập pháp và dùng nhiệm kỳ kế tiếp để củng cố uy tín đối với quần chúng, cái nào sẽ có lợi hơn cho chúng tôi.
Tuy nhiên, sau cuộc trắc nghiệm tại Tanjong Pagar và Jalan Besar, tôi đã tin tưởng rằng, cho dù phái thân cộng đối đầu với chúng tôi trong kỳ bầu cử, họ cũng không thể đánh bại chúng tôi trừ phi họ có thể xây dựng tổ chức của mình mạnh như hồi 1956. Để làm được điều này, họ phải lập những đảng phái mới, những mặt trận mới, rồi xác lập mức tín nhiệm của quần chúng đối với họ. Tất cả những việc ấy cần có thời gian. Hàng ngũ cán bộ và những ủng hộ viên trực tiếp – khoảng vài nghìn – thì có thể theo kịp từng biến chuyển trong chủ trương hành động của CUF, nhưng khối đông quần chúng thì không.
Cho dù chúng tôi có lập chính phủ trong nhiệm kỳ kế hay không, chúng tôi vẫn phải kiểm soát chặt chẽ được PAP và giữ cho nó không bị đối phương thâm nhập và không chế. Làm thế nào chúng tôi tận dụng giai đoạn lắng dịu này để đạt được điều đó? Phái thân cộng có thể nắm lại các đảng bộ, nhưng chúng tôi không được để họ nắm quyền kiểm soát toàn đảng, qua đó sử dụng được biểu tượng của đảng để in trên phiếu bầu bên cạnh tên ứng cử viên. Trong một xứ sở đa ngôn ngữ và nửa số dân là mù chữ, biểu tượng của ứng cử viên là vấn đề rất quan trọng. Nó như mẫu logo của một sản phẩm đặc chế, và biểu tượng vòng tròn màu xanh kèm tia chớp đỏ bắt chéo của PAP đã trở thành thứ nhãn hiệu đã được thừa nhận. Đó là vấn đề trước mắt. Nhưng nếu chúng tôi nắm quyền, vấn đề sẽ trở nên bức xúc hơn, bởi vì khi đó chúng tôi sẽ phải phóng thích Lim Chin Siong, Fong và các phụ tá của họ. Làm sao lúc đó chúng tôi có thể ngăn họ – với uy tín tăng lên nhờ việc bị cấm cố – đừng trở lại gây ảnh hưởng và đe dọa chính phủ của PAP? Tôi tin tưởng rằng chúng tôi không thể sống sót trừ phi chiếm trước được thế thượng phong để không thể bị tấn công và hạ gục như Mặt trận Lao động. Câu trả lời đã rõ ràng. Bằng cách nào đó tôi phải công khai ràng buộc Lim Chin Siong và Fong vào lập trường của chúng tôi trước khi chúng tôi nắm quyền hành.
Tôi còn một số ưu tư khác nữa. Lim Yew Hock bây giờ đã biết rằng uy tín của ông ta với cử tri đã bị thiệt hại nghiêm trọng, rằng ông ta và Chew Swee Kee khó mà sống sót qua được cuộc tấn công của phái cộng sản vì những đợt thanh trừng họ đã gây ra. Nhưng họ cứ tiếp tục phạm những sai lầm khác cứ như định mệnh đã an bài như thế. Tôi cố gắng xóa đi nỗi lo sợ của Lim Yew Hock về một cái chết chính trị đột ngột và bảo đảm với ông ta rằng tôi sẽ không ép ông ta tiến hành bầu cử sớm như ông ta đã khinh xuất hứa hẹn trước đây, và điều đó kéo dài thêm thời gian để vận mệnh chính trị của ông ta có thể thay đổi. Tôi tìm ra những lý do để ông ta trì hoãn cuộc bầu cử: lập danh sách những công dân mới, phân chia lại những khu vực bầu cử để tăng chúng từ 25 lên 51, tu chính lại luật bầu cử để khiến việc đi bầu trở thành bắt buộc, và cấm chỉ việc sử dụng xe hơi để chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu. Tôi thuyết phục ông ta rằng thật là thiếu khôn ngoan khi cứ để việc bầu cử là chuyện tự nguyện, vì phe khuynh tả được tổ chức tốt hơn và có khả năng hơn trong việc huy động quần chúng ủng hộ họ, và các đảng phái giàu có sẽ nhận ra rằng xe hơi do họ cung cấp sẽ chỉ trở thành phương tiện chuyên chở những người ủng hộ cánh tả. Cần có thời gian để vạch ra các chi tiết, soạn thảo và thông qua các điều luật. Ông ta đã vui mừng tiếp nhận những ý kiến này vì chúng góp phần kéo dài nhiệm kỳ cho chính phủ của ông ta.
Tôi không cho ông ta hay rằng tôi cũng cần thời gian để tổ chức lại PAP, thanh lọc nó và tuyển chọn những cán bộ Hán học có thể đưa ra làm ứng cử viên nhưng không đi theo con đường khuynh tả. Chúng tôi muốn có một lực lượng cân đối về mặt chủng tộc. Trong khi chúng tôi có thể tìm được những người Ấn, Hoa và Malay theo Anh học và họ hoàn toàn đáng tin cậy và không khuynh tả, nhưng chúng tôi lại thấy khó mà tìm được những ứng cử viên Hán học có thể giữ được lòng trung thành khi phái cộng sản tấn công chúng tôi, khi mà họ có thể thu hút sự ủng hộ của giới Hán học như thế.
Tôi mở ra những lớp huấn luyện cán bộ để tìm kiếm những người Hán học có lý tưởng và có những niềm tin chính trị không khuynh tả, nhưng như thế là chúng tôi khai thác cùng một nguồn nhân lực với cánh tả trong khi họ có thể tận dụng cả tinh thần dân tộc của người Hoa và các tư tưởng của Mác và Mao Trạch Đông về bình đẳng xã hội. Những người Hoa năng nổ và nhiệt tình nhất thường đã thấm nhuần những tư tưởng này. Tôi phải chuyển họ đi theo hướng một chủ nghĩa xã hội dân chủ, truyền đạt những quan niệm chính trị của chúng tôi với họ bằng thứ tiếng Quan thoại kém cỏi của tôi – rồi đọc những bài viết của họ bằng chữ Hán thảo vốn rất khó đọc hơn chữ Hán in báo.
Tôi tin rằng kinh nghiệm dạy cho tôi nhiều điều hơn là cho họ. Phạm vi quan tâm của họ là ngạn ngữ, ngụ ngôn và lịch sử Trung Quốc, cùng những thành công huyền thoại của cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc đối chiếu với cuộc sống đầy bất mãn của họ tại Singapore. Tất cả những điều này không hề giúp họ hiểu được những điều tôi đang trình bày với họ – một xã hội dân chủ đại nghị, xã hội chủ nghĩa và phi cộng sản tại một Singapore và Malaysia đa chủng tộc được xây dựng bằng conđường hòa bình, không bạo lực và dựa trên hiến pháp. Toàn bộ kiến thức có sẵn của họ đã khiến họ tin rằng có thể đạt tới được một xã hội cộng sản cả bằng cách thuyết phục công khai và cách bí mật lật đổ và bạo lực cách mạng. Sau này tôi hiểu ra trongnỗi thất vọng rằng ngay cả trong nhóm do tôi tuyển chọn cũng có rất nhiều người cộng sản kiên định. Không có cách gì lọc họ ra được. Họ cứ như một thứ bụi phóng xạ.
Một ngày nọ vào tháng 3/1958, một thanh niên người Hoa khoảng ngoài hai mươi đến Lee & Lee, văn phòng tư vấn pháp luật của tôi trên đường Malacca và nói với Choo rằng anh ta muốn nói chuyện riêng với tôi. Lúc đó vào khoảng 11 giờ trưa, một thời điểm bận rộn có rất nhiều thanh niên ra vào, nhưng sau khi hỏi ý tôi, Choo cho anh ta vào. Anh ta nói anh có một đề nghị quan trọng là liệu tôi có thể gặp một người đại diện cho tổ chức của anh ta không – nghĩa là một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật. Tôi nói, được. Anh ta nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ phải giữ bí mật. Tôi đề nghị nơi gặp trên con phố quãng giữa khu văn phòng chính phủ Empress Place và Nhà hát Victoria. Chỗ đó là an toàn nhất cho tôi. Tôi có thể đưa ông ta tới phòng của ủy viên trong Trụ sở Hội đồng lập pháp chỉ cách đó vài thước. Nơi đó yên tĩnh và kín đáo. Tôi biết sẽ chẳng ai dùng đến phòng đó vào ngày hẹn, và có lẽ cũng chẳng có dân biểu nào có mặt ở đó vì sáng hôm ấy không có phiên họp nào.
Đến ngày hẹn, tôi đi bộ từ văn phòng của tôi tới nơi hẹn rồi nhìn quanh, theo lời chỉ dẫn, để tìm một người gầy với màu da sáng, có cặp kính cận trong túi áo ngực và cầm một tờ báo tiếng Hoa. Ông ta đã ở đó, thấp và gầy hơn tôi. Chúng tôi trao đổi mật khẩu và đi bộ về phía trụ sở Hội đồng lập pháp như đã thỏa thuận. Ở ông ta có một vẻ lén lút và lẩn tránh, một vẻ bồn chồn và lo lắng, như một người đang trốn chạy, sắc nhợt nhạt trên mặt, cánh tay và bàn tay là sắc ta thấy ở một người trong nhiều tháng không hề ra ngoài ánh sáng mặt trời. Tôi có cảm giác mình đang tiếp xúc với một người thực sự thuộc về “thế giới ngầm”. Ông ta có vầng trán cao, đường chân tóc lui lên cao, một khuôn mặt dài và được cạo sạch sẽ, sống mũi dài nhọn, mái tóc đen thẳng chải lật ra sau theo kiểu các học sinh trung học trường Hoa. Ông ta rất đẹp và tôi đoán ông không thể là người Hokkien, mà có thể là Hakka hay Tiều Châu. Ông ta trẻ hơn tôi khoảng ba đến năm tuổi. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, như không muốn cho người ngoài nghe thấy, nhưng với một giọng chắc nịch, ông ta tạo cho tôi ấn tượng về một con người quyết đoán và nhạy bén. Ông bắt đầu câu chuyện bằng tiếng Quan thoại, nên tôi cũng trả lời bằng thứ tiếng ấy, nhưng tôi lặp lại những phần quan trọng cần trình bày bằng thứ tiếng Anh đơn giản để bảo đảm rằng ông ta hiểu ý tôi. Qua vẻ mặt, tôi biết ông ta hiểu được.
Ông ta nói ông đại diện cho MCP ở Singapore và muốn gặp riêng tôi để thiết lập sự hợp tác giữa những người cộng sản và phi cộng sản trong PAP. Ông ta rất tiếc rằng phái khuynh tả đã mưu nắm quyền kiểm soát đảng vào năm 1957. Ông ta thuyết phục tôi tin tưởng rằng đó không phải chủ trương của đảng Cộng sản. Họ là lớp trẻ quá nhiệt tình, có thiện ý và muốn góp phần thực hiện một cuộc cách mạng tại Malaysia. Ông ta yêu cầu tôi tin vào sự thành thật của ông ta, và đề nghị hợp tác trong một mặt trận thống nhất chống thực dân là thành thật.
Những điều ông ta đề nghị có nghĩa rằng Lim Chin Siong và Fong phải được tự do làm những điều họ đang làm trước khi bị bắt vào năm 1956 – huy động công nhân, học sinh, giáo viên, các nhóm văn hóa, tiểu tư sản và những người có tinh thần quốc gia, và thành lập một mặt trận thống nhất hùng mạnh sẽ do MCP lãnh đạo và kiểm soát thông qua những cán bộ nằm trong các tổ chức thành viên. Tôi suy nghĩ thật nhanh và nói rằng tôi không biết ông ta là ai và cũng không cách nào biết được những điều ông ta nói là thật hay không. Ông ta nói tôi sẽ phải tin ông ta. Tôi nhẹ nhàng yêu cầu ông ta cho thấy bằng chứng nào đó, không phải về lai lịch của ông ta, mà về quyền hạn của ông ta với tư cách đại diện thực sự của MCP, đối với các đảng viên cộng sản hoặc cán bộ thân cộng tại Singapore. Ông ta mỉm cười với vẻ tự tin, nhìn sâu vào mắt tôi và lặp lại là tôi phải tin lời ông ta.
Tôi nhắc tới tên Chang Yuen Tong, nghị viên Hội đồng thành phố cho khu vực Kallang. Chang là phó chủ tịch đảng Công nhân của Marshall và là chủ tịch của Nghiệp đoàn công nhân điện và vô tuyến. Qua hình thức bên ngoài, cách cư xử và những bài diễn văn tại Hội đồng thành phố, tôi khá chắc chắn ông ta là người khuynh tả. Lần này tôi nhìn vào mắt ông ta và nói rằng tôi tin chắc đảng cộng sản đang sử dụng Marshall và đảng Công nhân của ông ấy để chống lại PAP. Họ không những đã đưa Chang ra ứng cử ở Kallang, mà còn tranh cử với ứng viên của PAP tại khu vực Jalan Besar trong kỳ bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 12 (tôi không nhắc chuyện ứng viên của đảng Công nhân đã thất cử.) Tôi bảo ông ta có thể chứng tỏ mình là đại diện thật của đảng Cộng sản tại Singapore, đồng thời chứng tỏ sự thành thật của ông ta khi nói rằng MCP không muốn tấn công PAP, bằng cách chỉ thị cho Chang rút lui khỏi đảng Công nhân và từ nhiệm ở Hội đồng thành phố.
Không chút ngần ngại, ông ta đáp: “Được thôi, cho tôi một thời gian. Tôi sẽ thu xếp chuyện đó. Nếu ông ấy là thành viên của tổ chức, chuyện đó sẽ được thôi.” Chúng tôi nói chuyện độ một tiếng. Ông ta đánh giá tính cách và lập trường chính trị của tôi, tôi cũng đáp lại lời khen. Ông ta đã chấp nhận nguy cơ khi tìm gặp tôi. Nhưng tôi cũng vậy. Bởi vì nếu ông ta quả thực là một lãnh đạo cộng sản và tôi bị bắt gặp đang ngồi với ông, thì tất tôi phải giải thích nọ kia. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị cho chuyện đó, tôi sẽ nói rằng ông ta muốn gặp tôi về một vấn đề của khu vực bầu cử, và tôi đã gặp ông gần trụ sở Hội đồng lập pháp nên đã đưa ông ta tới đó để nghe ông ta trình bày. Nên tôi cẩn thận chia tay ông ngay trong phòng họp, bước đi trước ông ta khi xuống thang và ra thẳng cửa chính mà không ngoảnh đầu lại nhìn xem ông ta đi về phía nào. Tôi không nghĩ mình sẽ gặp lại ông ta lần nữa. Tôi không biết ông ta là ai và cũng không muốn biết. Tôi phải bảo vệ vị trí lãnh tụ phe đối lập của tôi.
Tôi kể cho Keng Swee về cuộc gặp gỡ và cũng như tôi, ông ta cũng hào hứng muốn biết kết quả rồi sẽ ra sao. Chúng tôi gọi ông ta là “ông đặc mệnh”, tức là đặc mệnh toàn quyền. Chúng tôi biết ông ta phải là nhân vật quan trọng trong MCP, nhưng quan trọng cỡ nào? Và ý đồ thực cùng tiềm năng của họ là gì?