Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 24 phần 1
24
CÔNG KHAI LỰC LƯỢNG
Áp lực trong những tuần lễ sau khi tách ly với cánh tả thật căng thẳng. Mỗi ngày, chúng tôi trao đổi những tuyên bố trên báo. Ngày 30/6/1961, 13 dân biểu PAP thoát ly thông báo thành lập một Barisan Sosialis với những mục tiêu y hệt như của PAP: “Một Malaysia, bao gồm Liên bang Malaysia hiện nay và Singapore, dân chủ, độc lập, xã hội chủ nghĩa và không cộng sản”. Hầu như ngay lập tức, những đường phân ranh tương tự cũng hình thành trong số các nghiệp đoàn. Ngày 3/8, Sở đăng bạ hiệp hội cho giải tán Tổng liên đoàn lao động sau khi Bộ trưởng lao động được khuyến cáo rằng các nghiệp đoàn thân cộng và không thân cộng không thể cùng tồn tại trong một tổ chức được nữa, do đó Lim Chin Siong đã tập hợp lãnh tụ các nghiệp đoàn trung thành với ông ta – bấy giờ đã tới 82 – để thảo luận việc thành lập một Liên hiệp các nghiệp đoàn Singapore(SATU).
Tôi muốn hiểu tâm tư của quần chúng, để biết chúng tôi có rơi vào một tình trạng tuyệt vọng như Lim Yew Hock khi ông ta tảo thanh lực lượng cộng sản trong những đợt bạo loạn hồi tháng 10/1956 không. Nên Pang Boon, Ahmad Ibrahim và tôi tạm gác những công việc chính phủ để đi thăm lại các cơ sở quần chúng của mình nhằm trắc nghiệm phản ứng của dân chúng trước những biến chuyển bất ngờ trong tình hình hiện nay.
Tôi đi một vòng đơn vị bầu cử Tanjong Pagar của mình, gặp những người thường lui tới trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nói chuyện với những người trong ban điều hành trung tâm cũng như các thủ lĩnh quần chúng, dạo qua các con phố, thăm các cửa hiệu, chuyện trò với người dân, và đến tối thì viếng nhà họ hoặc tán gẫu với họ trong quán cà phê. Tôi cũng đến thăm những trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở các đơn vị bầu cử khác, và một số nghiệp đoàn không thân cộng mà tôi đã hợp tác từ trước. Tôi thấy rằng các thủ lĩnh và các thành viên không có vẻ thù địch. Những người trước đây từng hợp tác với tôi nay vẫn còn thân thiện và ủng hộ. Phần lớn thì hoang mang, một số thì sợ hãi. Không có ai tránh né tôi hay nghĩ tôi là kẻ phản bội. Tôi không bị rơi vào tình thế tồi tệ như Lim Yew Hock trước đây.
Trong vòng vài ngày, Pang Boon và Ahmad cũng báo cáo những chuyện tương tự. Quần chúng đã không quay lại chống chúng tôi, những tay hoạt động trước đây vẫn là những ủng hộ viên của chúng tôi, nhưng nhiều thường dân đã lo ngại trước những biến chuyển gần đây và bồn chồn về tương lai. Tôi không đến viếng những nghiệp đoàn thân cộng. Họ hẳn sẽ cực kỳ thù nghịch, hay còn gây căm hờn nữa.
Thoát khỏi những sự vụ hành chính, tôi đã có được thời gian để thăm dò tư tưởng quần chúng, để suy ngẫm và vạch ra kế hoạch hành động cho giai đoạn kế tiếp. Tôi đã hiểu ra rằng khi phải đối đầu với những đợt tấn công hung bạo, tốt nhất là đỡ gạt những đòn tấn công, giữ bình tĩnh và suy nghĩ lại về những điềucăn bản. Quyết định đã đưa ra không thể thu hồi khi chúng tôi tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 21/7. Việc tách ly với cánh tả đã thành công khai, cuộc chiến đấu còn tiếp tục.
Chúng tôi không được phép quên điều đó. Lim Chin Siong đang hoạt động đến hết công suất. Một khi cuộc bỏ phiếu đã tiến hành và họ thấy không thể giành được chính quyền, phái khuynh tả đã nỗ lực phá vỡ các chi bộ PAP và quyết định hủy hoại những chi bộ ấy. Hai mươi trong số 25 bí thư chi bộ cùng ủy ban chi bộ của họ đã bước sang hàng ngũ bên kia, mang theo các tài sản của chi bộ, kể cả bàn máy chữ, bàn ghế đồ đạc và các máy may dùng cho các lớp dạy may. Nhưng bây giờ chúng tôi có lực lượng cán bộ riêng và họ không thể khống chế được đảng. Cùng với Pang Boon, tôi đi thăm một vòng các chi bộ để giữ vững tinh thần cho các cơ sở và cho thấy rằng, không như Mặt trận Lao động, chúng tôi không chịu bị thất bại. Chúng tôi xoay xở thu hồi được một số tài sản cho các chi bộ. Chan Chee Seng, tay dân biểu đai đen nhu đạo của chúng tôi, làm công việc thừa phát lại. Ông ta không nao núng trước trò đe dọa, lòng trung thành và can đảm của ông khiến cả hai chúng tôi quý mến.
Trong giới nghiệp đoàn, Lim Chin Siong và các đồng sự đã làm hết sức để kích động, tạo nên tình trạng hoang mang và bất mãn, những tiền đề cho các cuộc đấu tranh quần chúng. Họ không thể thuyết phục các viên chức chính quyền đi theo họ được, vì những viên chức ấy đều hưởng nền giáo dục Anh hoặc Malay, nhưng họ có thể thu nạp được những người trong Liên hiệp nhân dân (PA) hay Lữ đoàn công chính do chính phủ thành lập, sử dụng những tay hoạt động có Hán học mà trong đó họ đã cài sẵn những phần tử thân cộng. Tôi biết họ sẽ làm như thế, nhưng tôi cũng đành phải cho lập những tổ chức ấy nhằm tạo chỗ đứng trong khối dân Hán học. Thanh lọc toàn bộ những phần tử này ra ngoài là việc không thể làm được, một số vẫn có thể lọt qua. Điều mà tôi không dự liệu trước được là họ, với một nhóm nhỏ, đã có thể xoay chuyển cả khối đông một cách dễ dàng làm sao.
Chúng tôi đã xây dựng hai tổ chức ấy bằng nguồn lực của chính phủ để mong thu hút được quần chúng. PAP hiện đã có những liên hệ với các bang hội, các nhóm văn hóa và dân sự, và khoảng 100 trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tôi đã giao cho Chan Sun Wing, thư ký trong quốc hội của tôi, phụ trách điều hành tổ chức này. Nhưng Chan lại là một đảng viên MCP mà Jek Yeun Thong lầm tưởng rằng có thể kiểm soát được. Thay vì thế, Chan đã tiến hành tuyển mộ những người từ phong trào nghiệp đoàn và chi bộ PAP để tiếp tay điều hành (và thâm nhập vào) các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và trung ương PAP. Ở Lữ đoàn công chính, một lực lượng có đồng phục tập hợp khoảng 2.000 thanh niên thất nghiệp, mọi chuyện cũng xảy ra tương tự. Theo kế hoạch, chúng tôi xây dựng trại cho họ cư trú, huấn luyện họ thành một lực lượng khá kỷ luật, và giao cho họ việc xây dựng đường sá ở nông thôn, đào kênh mương, hoặc làm những công việc lao động chân tay khác. Nhưng Kenny, Bộ trưởng lao động, đã giao cho thư ký chính trị của ông ta phụ trách Lữ đoàn này. Viên thư ký đó chính là Fong Swee Suan, người đã quay về với phía bên kia. Wong Soon Fong, dân biểu khu vực Toa Payoh của chúng tôi, được yêu cầu hỗ trợ cho Kenny, hóa ra cũng là một cán bộ trung kiên của họ và đã giúp Fong cài những người thân cộng vào những vị trí chủ chốt của Lữ đoàn. Kết quả là những người cộng sản đã có thể bẻ gãy cả hai tổ chức này.
Họ đã phá sạch những trung tâm cộng đồng như đã làm với các văn phòng chi bộ PAP, đập gãy hàng rào và lấy đi các quạt máy, dụng cụ nấu ăn và trang bị chơi thể thao. Họ cho người ngăn cản người của Bộ lao động đến các trụ sở mới chuyển tới của PAP. Trước khi cuộc đình công tàn đi vào tháng 11, họ đã dùng đến bạo lực, tấn công những công nhân không tham gia đình công, làm bị thương một người Malay và một công nhân người Hoa và xung đột với cảnh sát.
Kenny mất vía trước cuộc biểu dương sức mạnh của Fong, mất vía đến nỗi cho dù tôi đã bãi chức thư ký chính trị của Fong, Kenny vẫn không dám có hành động chống lại ông ta, các nghiệp đoàn và Lữ đoàn công chính. Đối đầu với người Anh, Kenny không sợ gì cả; đối đầu với lực lượng cộng sản thì ông ta kinh hoàng. Tôi thảo luận vấn đề này với Chin Chye, Keng Swee, Raja và Pang Boon, và kết luận rằng chúng tôi cần một Bộ trưởng dũng mãnh hơn. Thế là tôi đổi chỗ của Kenny và Ahmad Ibrahim, Kenny về Bộ Y tế nơi mọi chuyện yên bình hơn, còn Ahmad, vốn là nhân viên cứu hỏa, chuyển từ Bộ Y tế sang Bộ Lao động, ở cương vị này, sau đó, ông chứng tỏ mình không hề sợ khủng bố. Ông ta cho giải thể Tổng liên đoàn lao động và có biện pháp chống lại một số tay điều hành khuynh tả chủ chốt trong Lữ đoàn công chính.
Việc này khơi dậy một cuộc nổi loạn. Tháng 11, những tay hiếu chiến trong Lữ đoàn công chính kích động việc thành lập một nghiệp đoàn, và 160 người vây quanh văn phòng ban chỉ huy trại. Họ đưa ra một loạt yêu sách, trong đó có cả việc đòi thuyên chuyển viên chỉ huy, và đến ngày 24/11, họ đốt xe đạp của ông này và của hai người khác bị coi như ủng hộ viên của PAP. Chúng tôi kết án bảy người trong bọn họ về tội phá rối. Họ thành lập một ủy ban hành động, tổ chức mít–tinh phản đối, cho người phong tỏa các văn phòng điều hành của Lữ đoàn công chính. Và tháng 12, sau khi ba trong số các thủ lĩnh của họ bị sa thải, 180 người đã dựng hàng rào chướng ngại cố thủ trại Paya Lebar.
Họ là một tổ chức bán quân sự có đồng phục với ít nhiều kỷ luật đoàn kết và sẽ trở nên tai hại nếu họ đổ ra cướp bóc phá phách, nên chúng tôi quyết định dùng đến quân đội Singapore, lúc đó chỉ có hai tiểu đoàn, để chiếm lại khu trại và tái lập an ninh trật tự. Tôi muốn quân đội phải tránh nổ súng hay bất cứ hành vi bạo lực nào gây thương vong mà người cộng sản có thể khai thác để lôi cuốn quần chúng ủng hộ. Nên tôi chỉ thị cho viên chỉ huy người Anh phải phô diễn lực lượng thật hùng hậu để bọn gây rối không dám kháng cự. Tôi nói nếu chúng ta có những đội quân người Gurkha thì tôi chắc chắn không ai dám thách thức và Lữ đoàn công chính sẽ tan rã, nhưng tôi không dám chắc những người chống đối kia có e dè những binh lính Singapore không. Viên sỹ quan nói rằng sẽ chẳng có vấn đề gì đâu và ra lệnh cho binh sĩ bao vây khu trại với súng có gắn sẵn lưỡi lê. Đối mặt với cuộc phô diễn lực lượng này, 400 đoàn viên của Lữ đoàn công chính đã tan rã không chút kháng cự nào. Sau đó chúng tôi giải tán Lữ đoàn này.
Một lần nữa, họ thành lập ủy ban hành động và yêu cầu một ủy ban điều tra. Nhưng đó chỉ là những nỗ lực gây đình trệ rất yếu ớt so với cuộc xách động trong năm 1955 và 1956. Hai yếu tố đã ngăn chặn họ là: thứ nhất, công luận có thể không đồng tình nếu họ cố tình gây bạo động khi dân chúng chưa thấy phẫn nộ vì một chuyện bất mãn nào đó, như chuyện đe dọa đối với nền giáo dục bằng tiếng Hoa chẳng hạn; và thứ nhì, bạo động có thể khiến chính phủ có biện pháp an ninh mạnh tay hơn đối với họ.
Trên mặt trận công nghiệp, tôi e Lim Chin Siong sẽ tổ chức gây bất ổn với quy mô lớn nên đã cảnh giác trong một cuộc họp báo rằng chúng ta có thể sẽ đối mặt với một tình trạng lặp lại của năm 1955–56. Trong năm 1961, có 116 cuộc đình công, 84 cuộc trong số đó đã xảy ra sau khi PAP tách bạch thành hai phái (ngày 21/7), và trong 15 tháng, từ tháng 7/1961 đến tháng 9/1962, đã có tới 153 cuộc bãi công, một kỷ lục ở Singapore thời kỳ sau Thế chiến.
Đến lúc đó tôi đang đi đi về về Kuala Lumpur để thảo luận với Tunku về việc hợp nhất, và trong những dịp tôi trở về bằng máy bay rồi ngồi xe từ phi trường Paya Lebar về Dinh chính phủ hoặc nhà riêng, tôi có thể gặp từ sáu tới mười nhóm những người đình công và những cán bộ của họ, những công nhân lãn công đứng ngoài các phân xưởng hay nhà máy với biểu ngữ và các nồi niêu xoong chảo. Họ giam lỏng các chủ hãng, gây tai hại cho nền kinh tế, làm nản lòng những nhà đầu tư và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Nhưng phản công một cách thiếu suy nghĩ thì chẳng ích gì. Tôi nghĩ cứ để yên mọi chuyện thì tốt hơn và cứ lướt qua giai đoạn khó khăn này cho đến khi chúng tôi thắng được phe cộng sản trong vấn đề hợp nhất. Tôi cảm thấy yên tâm trở lại sau vài ngày đầu gặp gỡ những thường dân trong đơn vị bầu cử của tôi, trong các trung tâm cộng đồng và nghiệp đoàn. Chúng tôi giờ đã tách bạch khỏi phe tả và có thể hành động dứt khoát để củng cố sức mạnh mà không phải e dè là sẽ gây rạn nứt. Lim Chin Siong và các đồng sự của ông ta giờ đã đứng riêng một bên rõ rệt. Tiến sĩ Lee Siew Choh trong vai trò chủ tịch Barisan Sosialis cũng chẳng hơn gì tấm bình phong. Tổ chức của họ có khả năng gây thiệt hại lớn cho chúng tôi nhờ các nghiệp đoàn và lực lượng sinh viên học sinh người Hoa, nhưng nếu họ vượt quá một giới hạn nào đó, những đại biểu Anh và Malay trong Hội đồng an ninh nội chính sẽ buộc chúng tôi phá vỡ các tổ chức mặt trận của họ và cho tống giam họ.
Tôi không quyết chí làm việc này lắm trước khi hợp nhất. Tôi muốn Tunku nhận lấy trách nhiệm này sau khi chúng tôi gia nhập Liên bang. Nhưng Sở đặc vụ thì muốn hành động ngay. Khi Hội đồng an ninh nội chính họp ở Cao nguyên Cameron vào tháng 8, Selkirk đã mở ra cuộc thảo luận khi hỏi ý kiến tôi về “Ý chí đề kháng của người Hoa”, một tập tài liệu do các chuyên viên của Sở đặc vụ soạn thảo trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải khống chế các thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức cộng sản. Quan điểm của tôi thì khác. Tôi muốn phía cộng sản giải thích rõ cam kết của họ về việc hợp nhất, và đánh bại họ trong tranh luận công khai, điều mà tôi tin tưởng có thể làm được. Tôi tin rằng các biện pháp chính trị, hơn là các biện pháp an ninh, sẽ quyết định bên nào thắng.
Và bên thắng sẽ có tất cả. Người Hoa ở Singapore, cũng như người Hoa ở mọi nơi khác tại Đông Nam Á, thường thích “ngọa sơn quan hổ đấu” (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) cho đến khi thấy rõ gió thổi chiều nào. Hiện tại họ không tin tưởng vào cơ may chiến thắng của một PAP không cộng sản. Nên thậm chí họ sẽ ủng hộ một chính phủ mà họ biết rõ là do cộng sản điều hành, nếu phe cộng sản có vẻ sẽ thắng trong một viễn tượng lâu dài. Trong con mắt của họ, những người cộng sản đã thắng thế. Vì lực lượng này được xem như những cán bộ của một Trung Quốc đang lớn mạnh mà ảnh hưởng của nó, họ tin rằng, chỉ trong vòng mười năm sẽ vươn tới tận Singapore.
Tôi trích dẫn trường hợp bốn viên chức giáo dục được chọn để biệt phái sang Sở đặc vụ. Bây giờ họ cảm thấy rằng tương lai đã trở nên bấp bênh, rằng biến chuyển bất ngờ của tình hình đã tăng rủi ro cho nghề nghiệp và sẽ đưa họ vào phe thất thế. Họ đã từ chối lệnh điều động. Tôi nhấn mạnh rằng chính người Anh đã góp phần tạo nên tình hình này, vì khi Selkirk và các thuộc cấp càng quan hệ với phe cộng sản và những ủng hộ viên triệu phú người Hoa của đảng này như Tan Lark Sye, thì khối người Hoa lại càng tin rằng cộng sản sẽ được phép nắm chính quyền.
Tan Lark Sye có tham vọng làm người kế tục Tan Kah Kee, vốn là lãnh tụ xuất sắc của tổ chức Hoa tộc hải ngoại. Khi Tan Kah Kee chết cách đây ít lâu tại Trung Quốc, đích thân Chu Ân Lai đã làm trưởng ban tang lễ. Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy họ đánh giá cao nhân vật này, và qua việc hội đàm với người muốn kế tục sự nghiệp của Tan, ủy viên Anh đã củng cố quan điểm rằng con đường đi tới quyền lực đã mở rộng cho phái thân cộng. Đã có một sự thay đổi quan điểm rõ rệt trong hai tờ báo tiếng Hoa tại Singapore. Cái chết và đám tang của Tan Kah Kee được tường thuật kín hai trang trên tờ Nanyang Siang Pau. Nếu Ủy ban Anh tính toán sai, một chính phủ thân cộng sẽ có thể nắm quyền trong vòng sáu tháng nữa là nhiều nhất. Người Anh sau đó có thể dùng vũ lực để thay đổi tình hình, nhưng lúc đó ý chí đề kháng của người Hoa đối với cộng sản không còn nữa. Nên khối quần chúng người Hoa này cần có ngay một tổ chức lãnh đạo của Malaysia.
Selkirk bác lại rằng theo hiến pháp, bổn phận của chính phủ Singapore là cai trị, nhưng chính phủ đã tìm cách chuyển trách nhiệm về an ninh nội địa cho Hội đồng an ninh nội chính. Tôi phản bác bằng cách nói rằng hiến pháp đã dự liệu rất khôn ngoan rằng chính người Anh sẽ chịu trách nhiệm tối hậu về việc sử dụng bạo lực. Chính phủ Singapore có sức mạnh rất hạn chế, so ra thì cũng chẳng hơn gì một khẩu súng hơi, và cũng không thể sử dụng được nó.
Những tranh luận này đưa tới một cảnh tiến thoái lưỡng nan cho cả ba chính phủ. Mỗi bên đều muốn hai phía kia phải gánh chịu búa rìu dư luận. Các đại biểu của cả Anh lẫn Malaysia muốn chính phủ Singapore có hành động chống lại cộng sản, nhưng chính phủ Singapore xác định rằng mình không thể làm việc này mà không phương hại đến sự ủng hộ của khối người Hoa dành cho chính phủ. Điều quan trọng hiện nay là phải chứng tỏ rằng cộng sản không thể là người nắm quyền trong tương lai ở Singapore. Bởi vì chỉ đến lúc đó chúng ta mới có thể tiến hành đầu phiếu cho việc hợp nhất. Và tôi đã kết luận rằng điều này là tuyệt đối thiết yếu, vì hợp nhất Singapore vào Malaysia không thông qua đầu phiếu là vô cùng tai hại. Điều đó sẽ là bằng chứng cho thấy chúng tôi đã bán mình cho chính phủ Malay ở Kuala Lumpur.