Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 24 phần 2
Tôi ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý hơn là phổ thông đầu phiếu vì kết quả đầu phiếu khó mà ngã ngũ ở một vấn đề đơn lẻ là việc hợp nhất. Nhưng để thu được một đa số ủng hộ việc gia nhập Malaysia, tôi phải làm cho những người Hoa còn lừng khừng hiểu ra rằng chính chúng tôi, chứ không phải những người cộng sản đang là phe thắng thế. Chúng tôi không thể để họ nghĩ rằng chúng tôi có nguy cơ thua cuộc, vì rất nhiều người trong số họ lúc đó sẽ bỏ phiếu chống lại việc hợp nhất hoặc bỏ phiếu trắng với niềm tin rằng những kẻ bỏ phiếu cho việc hợp nhất sau này sẽ bị cộng sản trừng phạt. Ngược lại nếu chúng tôi thuyết phục được họ rằng việc hợp nhất là tất yếu và lực lượng cộng sản không nắm được đa số để ngăn chặn việc đó, dân chúng sẽ lý luận ra rằng những người ủng hộ cộng sản sẽ gặp nguy cơ bị chính quyền liên bang trừng phạt, do đó tôi phải tạo cho quần chúng một cảm giác rằng đây là một cơn sóng quá lớn và mạnh mẽ đến độ chẳng cộng sản hay một lực lượng nào khác có thể ngăn cản nổi. Tôi tin rằng nếu chúng tôi truyền đạt được điều này, các thủ lĩnh người Hoa trong các phòng thương mại, các hiệp hội văn hóa và trường học sẽ không theo Lim Chin Siong nữa. Ở mức tệ nhất thì họ cũng giữ thái độ trung lập, còn mức tốt nhất là họ thầm lặng ủng hộ hợp nhất.
Cách chắc ăn nhất để tạo nên cảm giác về sự tất yếu phải gia nhập Liên bang Malaysia là làm cho dân chúng thấy rằng chính Lim Chin Siong, Fong và các thủ lĩnh đối lập khác đã nhận thấy rằng họ đang tiến hành một trận đánh vô vọng, nên tốt nhất là đừng đi theo họ. Để nuôi dưỡng ấn tượng này, tôi cho rằng cần phải cho mọi người một cái nhìn toàn cảnh, cái nhìn lịch sử về việc PAP và cộng sản đã thành lập một mặt trận thống nhất như thế nào, tại sao Lim Chin Siong và Fong đã không giữ cam kết chiến đấu cho một nền độc lập thông qua việc hợp nhất với Malaysia, và tại sao họ sẽ phải thất bại.
Để nghĩ cho rốt ráo những vấn đề này, tôi cần yên tĩnh vốn là điều không thể có được ở Singapore. Ngày 11/8, tôi bắt chuyến tàu lửa đêm đi Kuala Lumpur, rồi đáp xe đi Chiny Lodge, khu nhà nghỉ của chính phủ Singapore trên cao nguyên Cameron cách mặt biển chừng 2.700 mét, mang theo Choo và ba đứa con. Nhưng tôi cũng đem theo trợ lý riêng là Teo Yik Kwee, vì tôi định đọc cho anh ta chép và phác thảo một loạt những diễn văn khoảng 20 tới 30 phút mà tôi sẽ đọc trên đài phát thanh Singapore, trình bày toàn bộ câu chuyện với dân chúng.
Cao nguyên này mát, yên tĩnh và xa vắng, thật trái với bầu không khí chính trị nóng bức ở Singapore. Nơi đó không có máy fax, cũng không có điện thoại nối trực tiếp, và vì đường dây điện thoại thường không rõ nên tôi để lại chỉ thị rằng đừng quấy rầy tôi trừ khi có chuyện cực kỳ khẩn cấp. Nên tôi được ở yên tĩnh gần nửa tháng, chơi rất nhiều ván gôn trên sân gôn 9 lỗ ở đây. Lúc tôi rời khỏi đó thì tôi đã viết được tám bài diễn văn, nhưng tôi còu phải viết bốn bài nữa trong khi ghi âm những bài kia. Trong quãng thời gian một tháng, từ 18/9 đến ngày 9/10, tôi đã phát thanh ba lần mỗi tuần, mỗi lần bằng ba thứ tiếng. Khi nói bằng tiếng Malay và Quan thoại, tôi chỉ dùng được mức độ ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Đó là một công việc mệt nhọc. Có lần, nhân viên Đài phát thanh hoảng hồn khi họ nhìn qua khung cửa kính phòng thu và không thấy tôi trước máy ghi âm. Rồi một nhân viên nữ phát hiện tôi nằm ngửa trên sàn trong tình trạng mà cô ta nghĩ là kiệt sức. Thực ra, tôi đã chủ ý nằm xuống vì cho rằng đó là cách tốt nhất để phục hồi sức lực và nạp lại năng lượng trong giờ nghỉ giữa những lần thu âm bài diễn văn bằng ba thứ tiếng khác nhau.
Trong 12 bài nói chuyện ấy, tôi tóm tắt quá trình hình thành mặt trận thống nhất với cộng sản từ năm 1954 khi PAP được thành lập, những chuyện xảy ra sau đó, và tại sao xảy ra việc tách ly giữa hai phái, dẫn đến cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề hợp nhất. Tôi muốn loại bỏ mọi hồ nghi cho rằng đây là một chiến dịch bôi nhọ nhắm vào phái cộng sản và những người đã bỏ đảng PAP. Tôi đánh giá cao những người cộng sản ở sức mạnh và lòng xác tín của họ. Trong một buổi phát thanh, tôi đã nói:
"Chúng tôi đã rút ngắn được khoảng cách với khối dân nói tiếng Hoa – một thế giới đầy sức sống, năng động và tiến hóa, một thế giới mà người cộng sản đã nỗ lực giành lấy trong suốt 30 năm qua với sự thành công đáng kể… Chúng tôi, những người cách mạng theo Anh học, là những kẻ đến sau đang cố gắng khai thác cùng một nguồn mỏ. Người cộng sản xem chúng tôi là xâm lấn vào lãnh địa riêng của họ. Trong thế giới ấy chúng tôi đã biết được Lim Chin Siong và Fong Swee Suan. Họ liên kết với chúng tôi trong PAP. Năm 1955 chúng tôi ra tranh cử. Thế là bắt đầu những bước đi của chúng tôi vào những cấu trúc rối rắm và hệ quả phức tạp trong tổ chức ngầm của cộng sản nằm trong các nghiệp đoàn và hiệp hội văn hóa.
Hoạt động trong thế giới này quả là một công việc kỳ lạ. Khi bạn gặp một lãnh tụ nghiệp đoàn, bạn sẽ phải mau chóng xác định xem ông ta ở phe nào, có phải người cộng sản hay không. Bạn có thể tìm ra câu trả lời qua ngôn ngữ ông ta sử dụng và cách cư xử cho dù ông ta có nằm trong hàng ngũ cán bộ có quyền ra quyết định hay không… Tôi dần biết được độ chục người trong bọn họ. Họ không phải những tay cơ hội hay bất lương. Nhiều người trong số họ sẵn sàng trả giá bằng sinh mạng và tự do cá nhân của mình cho lý tưởng cộng sản. Họ biết mình có thể bị tống giam nếu bị phát giác và bắt giữ. Sau này nhiều người trong số họ phải vào tù trong những đợt thanh trừng năm 1956 và 1957. Tôi thường gặp họ ở đó, thảo luận về những kháng cáo của họ. Nhiều người bị trục xuất về Trung Quốc. Một số lại là bạn bè của tôi. Họ tin rằng tôi phải đi theo họ. Họ tin rằng sau cùng tôi cũng phải thừa nhận rằng cái mà họ gọi là “nền dân chủ tư sản” không thể tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng, và tôi sẽ phải thừa nhận rằng họ đúng.
Mặt khác, tôi thường dành nhiều giờ tranh luận với một số người trong bọn họ, cố gắng chứng minh cho họ thấy rằng cho dù có gì xảy ra ở Nga hay Trung Quốc, chúng ta vẫn đang sống ở Malaysia và, bất kể là chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội dân chủ, nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn tại Malaysia, chúng ta sẽ phải đưa ra một số quyết định căn bản, như việc sẽ làm người Malaysia, liên kết người Hoa và người Ấn và các sắc dân khác với người Malay, xây dựng khối thống nhất quốc gia và lòng trung thành với tổ quốc, và tập hợp mọi chủng tộc lại với nhau thông qua một ngôn ngữ quốc gia.”
Tôi lý giải tại sao Malaysia và Singapore là không thể chia tách:
“Mọi người đều biết những lý do tại sao Liên bang lại quan trọng đối với Singapore đến vậy. Đó là vùng nội địa sản xuất thiếc và cao su giúp nền kinh tế thương nghiệp của chúng ta hoạt động tốt. Nó là cơ sở khiến Singapore trở thành một thành phố thủ đô. Không có cơ sở kinh tế này, Singapore sẽ không tồn tại nổi. Không có hợp nhất, không có thống nhất hai chính phủ và hòa nhập hai nền kinh tế, vị trí kinh tế của chúng ta sẽ từ từ tàn lụi. Cuộc sống của các bạn sẽ tồi tệ đi. Thay vì sẽ có một sự phát triển kinh tế chung cho cả Malaysia thì sẽ có hai hướng phát triển. Liên bang, thay vì hợp tác với Singapore, lại cạnh tranh với Singapore để giành lấy sự bành trướng và tư bản công nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh này, cả hai đều bị thiệt.”
Trong buổi phát thanh cuối cùng, tôi nhấn mạnh lại vấn đề: "Nếu không có hạn hán ở Johor khiến Singapore thiếu nước dùng trong ba tháng qua, hẳn phe cộng sản đã thay đổi đường lối của họ… nhắm tới nền độc lập cho riêng Singapore. Nhưng thiên nhiên nhắc cho họ nhớ ra sự vô cùng ngớ ngẩn của một chủ trương như thế.” Năm đó là một thời kỳ rất khô hạn, chỉ có rất ít mưa và trời khô hạn luôn từ tháng 6. Cuối tháng 8, áp lực nước giảm đột ngột khiến nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa và các khách sạn lớn chịu ảnh hưởng nặng nề. Ba hồ trữ nước chính của chúng tôi hầu như khô cạn – một trong những hồ đó ở Seletar đã có cỏ mọc kín đáy hồ. Nước được phân theo chế độ trong sáu tiếng mỗi ngày. Chẳng cần phải nhắc cho dân chúng nhớ rằng Singapore đã phải đầu hàng vào năm 1942 vì Nhật đã chiếm những hồ dự trữ ở Johor. Chế độ nước phân phối năm 1961 kéo dài đến tận tháng 1 năm sau. Các biến cố đã phối hợp với nhau để góp phần thuyết phục dân chúng rằng hợp nhất là một giải pháp hữu lý cho các vấn đề của Singapore.
Hồi đó vẫn chưa có truyền hình, nên những buổi phát thanh đã đến được với đông đảo thính giả. Kết thúc loạt bài nói chuyện này, tôi đã khiến hầu hết mọi người tin rằng tôi đã nói sự thật về chuyện quá khứ – chuyện đấu tranh nội bộ, những phản bội, ông Đặc mệnh – và tôi đã rất thực tế về tương lai. Tôi đã bảo vệ quyền lợi của họ. Tôi đã kể một câu chuyện trong đó có phần chính họ đã trải qua gần đây – những cuộc bạo loạn, bãi công, tẩy chay, tất cả gợi lại những điều đáng nhớ trong óc họ – và tôi đã giải thích cho họ về những bí mật từng khiến họ rối trí. Tất cả trông giống như tôi bước lên sàn diễn nơi một nhà ảo thuật đang biểu diễn và lột trần mọi dụng cụ và thủ thuật của ông ta bằng cách soi sáng những vùng tối mà khán giả trước đây không chú ý. Những bài nói chuyện đã có tác động mạnh, nhất là trong giới Anh học, họ xem đây là một sự tiết lộ những bí mật. Một trong những thanh niên đã lắng nghe những buổi nói chuyện này là Cheong Yip Seng, người sau này trở thành tổng biên tập của tờ Straits Times. Ông ta nhớ lại:
"Những buổi phát thanh đã là một sự mở mắt thực sự cho một cậu học sinh Trung học đệ nhị cấp Cambridge, đang lo lắng về công ăn việc làm sau khi thi tốt nghiệp để an lòng cha mẹ. Những buổi nói chuyện trên đài ấy đã bày ra một tương lai với những điểm sống thực và trần trụi. Tôi chấn động vì sự thành thực của chúng, vì sức mạnh của thứ ngôn ngữ đơn giản, sống động, phần lớn qua những câu chuyện của người trong cuộc về cuộc đấu tranh trong nội bộ mặt trận thống nhất chống thực dân.”
Những buổi phát thanh đó là một kinh nghiệm chưa từng gặp qua. Nó không phải kiểu những bài nói chính trị thường gặp. Chúng bao gồm những kinh nghiệm đời thực. Những điều đó đang xảy ra ngay trong lúc chúng được kể ra trên đài. Ông Đặc mệnh là có thực. Mỗi buổi phát thanh lại khiến thính giả căng thẳng và nóng ruột chờ đợi buổi kế tiếp, theo cái kiểu người ta nóng lòng chờ đón chương trình phát thanh võ thuật của Lei Tai Sor bằng tiếng Quảng Đông. Một bậc thầy kể chuyện đang trình diễn. Nhưng đây không phải chuyện hư cấu. Đó là chuyện sống và chết của những người Singapore.”
Ngay sau buổi nói chuyện cuối cùng của tôi vào ngày 10/10, John Duclos, giám đốc Đài phát thanh, đã mời Lim Chin Siong tham gia 12 buổi diễn đàn truyền thanh để ứng với 12 buổi phát thanh của tôi. Tất cả những người được đề cập trong các buổi nói chuyện ấy, có cả Fong Swee Suan, Sidney Woodhull, James Puthucheary. Tiến sĩ Lee Siew Choh và Tiến sĩ Sheng Nam Chin cũng được mời tham gia. Duclos viết: “Bất kỳ tuyên bố nào của Thủ tướng trên đài phát thanh, nếu sai sự thật và phương hại đến uy tín cá nhân bất kỳ ai, đều có thể được đem ra đối chất.” Ngày hôm sau, Lim và Woodhull đưa ra một tuyên bố với báo chí rằng họ muốn có được thời lượng phát thanh tương đương cho 12 buổi nói chuyện của họ. Họ không muốn có bất kỳ một chạm trán mặt đối mặt nào. Tôi đã đưa được họ vào thế phòng ngự.
Những tổ chức của người Hoa theo đuổi lý tưởng cộng sản đã bày tỏ sự giận dữ và căm thù thực sự của họ đối với tôi mỗi khi tôi đi qua trụ sở của họ. Ngay cả những phóng viên người Hoa ủng hộ các tổ chức ấy cũng bộc lộ cau có khi họ đến tường thuật các buổi họp báo của tôi. Họ xem việc tôi phơi bày lai lịch, các phương pháp và các dự định của họ như một hành vi phản bội. Còn tôi thì xem phản ứng đó như bằng chứng về hiệu quả của những tiết lộ mà tôi trình bày.
Phần thưởng cao nhất mà tôi nhận được là từ James Puthucheary. Ông ta đến gặp tôi tại văn phòng ở Tòa thị chính sau khi các bài nói chuyện ấy được in thành sách. Ông ta nói những bài ấy rất xuất sắc và xin tôi một chữ ký vào một bản sách, và tôi đã ký. Tôi hỏi ông ta có chuẩn bị tham gia diễn đàn với tôi không. Ông ta nhìn tôi, mỉm cười, lắc đầu và nói: “Sau khi ông phơi bày mọi thủ thuật của sàn diễn thì tôi chẳng còn cơ hội nào nữa.” Quan trọng hơn, ông ta đã ngầm thừa nhận rằng những điều tôi tiết lộ về ông Đặc mệnh và những người cộng sản đã đánh trúng đích. Tôi hài lòng là mình đã giúp cho công chúng hiểu ra và thấy tin tưởng hơn vào các phương án đấu tranh trong tương lai, có lẽ sau khi hợp nhất là thích hợp hơn cả.
Trong nỗ lực hợp nhất, mọi chuyện cũng không đứng yên. Một hội nghị Liên nghị viện khối Thịnh vượng chung được tổ chức ở Singapore, với đại biểu của Sarawak, Brunei, Bắc Borneo và Malaysia, đã kết thúc với một thông cáo vào ngày 24/7, trong đó mọi người tham dự cùng nhấn mạnh đến “sự cần thiết và tất yếu của một liên bang Malaysia” và vì hình thức và tổ chức của liên bang cần được thảo luận kỹ hơn, tất cả đã đồng ý thành lập một Ủy ban tư vấn đoàn kết Malaysia để bảo đảm duy trì đà tiến tới việc hợp nhất. Mười ngày sau, chính phủ Singapore và Malaysia thông báo, sau một cuộc họp tại Kuala Lumpur có Keng Swee tham dự với tư cách Bộ trưởng Tài chính, rằng chúng tôi sẽ nhờ Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để nghiên cứu cách thức thành lập một thị trường chung.
Tháng 8, Keng Swee và tôi có một buổi họp ba giờ đồng hồ với Tunku và Razak để thỏa thuận các điều kiện hợp nhất. Ghazali bin Shafie, thư ký thường vụ của Bộ Ngoại giao, cũng có mặt. Ông là viên chức chủ chốt phụ trách các chi tiết của việc hợp nhất.
Tháng kế tiếp, tôi lưu ở Kuala Lumpur ba ngày với Tunku, thảo luận những chi tiết kỹ hơn. Khi trở về Singapore vào giữa tháng 9, tôi nói với báo chí rằng: “Việc hợp nhất đã rời bệ phóng và những diễn biến mới nhất đã khiến nó đi vào quỹ đạo, và tháng 6/1963 được coi là thời điểm mục tiêu cho việc hạ cánh." Tôi đã dùng thứ ngôn ngữ của thời đó vì mọi người đang xôn xao vì chuyến bay vũ trụ ly kỳ của Liên Xô vào năm 1961 với phi hành gia Yuri Gagarin, và vì những nỗ lực của Mỹ để đưa một phi thuyền có người lái vào quỹ đạo trái đất. Về mặt tài chính, tôi lý giải rằng theo hiến pháp liên bang, mỗi bang giao quyền về thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế lợi tức cho chính quyền trung ương, nhưng vì Singapore sẽ kiểm soát giáo dục, lao động y tế và xã hội, chúng tôi sẽ nhận được một tỷ lệ đáng kể từ nguồn thu này để tiến hành những trách vụ trên. Do đó số đại biểu của chúng tôi trong nghị viện liên bang phải được điều chỉnh lại, “nếu không chúng tôi sẽ đại diện cho chính mình đến hai lần.”
Chin Chye đã viết thư cho lãnh tụ các đảng đối lập trong Quốc hội để yêu cầu họ trình bày quan điểm về hai vấn đề chính nằm trong bản thỏa thuận trên nguyên tắc, cụ thể là việc quốc phòng, ngoại giao và an ninh sẽ nằm trong tay chính phủ liên bang ở Kuala Lumpur, trong khi các chính sách giáo dục và lao động vẫn thuộc về chính phủ Singapore. Ngày 29/8, các lá thư ấy được báo chí đăng tải, Tiến sĩ Lee Siew Choh tuyên bố trong một thông báo có chữ ký rằng 13 dân biểu thuộc Barisan sẽ chấp nhận:
“(1) Sự hợp nhất trọn vẹn và đầy đủ với Singapore với tư cách là tiểu bang thứ 12 của Liên bang; hoặc (2) Như một giai đoạn đi tới hợp nhất sau cùng, Singapore sẽ là một đơn vị tự trị trong một khối liên hiệp. Trong trường hợp hợp nhất, đảng đòi hỏi Singapore được gia nhập ngay vào Liên bang như một tiểu bang thành viên, mọi công dân Singapore tự động trở thành công dân Malaysia, Singapore được đại diện theo tỷ lệ dân số trong nghị viện, có tổng tuyển cử ở Singapore trước hợp nhất và tổng tuyển cử toàn Malaysia sau hợp nhất. Nếu như nằm trong một khối liên hiệp, đảng đòi hỏi tự trị trọn vẹn cho Singapore trong các vấn đề đối nội, kể cả an ninh, trong khi đối ngoại và quốc phòng vẫn trong tay chính phủ liên bang.”
Barisan đã chấp nhận đề nghị của Puthucheary rằng họ nên đòi hợp nhất trọn vẹn với niềm tin rằng Tunku sẽ không đồng ý điều đó. Keng Swee, Raja, Chin Chye, Pang Boon và tôi rất hài lòng. Họ đã không bác bỏ chủ trương này, mà họ còn kêu gọi hợp nhất chặt chẽ hơn mức chúng tôi trông đợi. Đó là một vấn đề lý tưởng để dựa vào đó hình thành những câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý: Dân chúng muốn có kiểu hợp nhất nào?