Imagine (Tưởng tượng)

Một ngày đầu xuân năm 2013, cầm theo quyết định tuyển dụng công chức, Kiên háo hức bước đến trụ sở Tòa án nhân dân huyện Linh Sơn[1] nhận công tác, năm ấy Kiên 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học cậu đi làm cho một công ty luật trên Hà Nội được mấy năm, gần đây mẹ cậu hay đau ốm nên cậu về quê tìm việc gần nhà để tiện đi lại chăm sóc mẹ.

Chị thư ký cơ quan vui vẻ tiếp đón Kiên, sau khi đọc tờ quyết định, chị dẫn cậu lên tầng hai để ra mắt thủ trưởng. Trong lúc lên cầu thang chị giới thiệu ngắn gọn về anh cho Kiên biết: “Chánh án mình tên là Vũ Văn Nam, anh thuộc thế hệ 6x đời cuối, tính anh gần gũi và trẻ trung lắm em ạ!”

Lúc hai người họ bước vào phòng thì thấy anh Nam đang ngồi uống trà đọc báo một mình, ấn tượng đầu tiên của Kiên về vị thủ trưởng mới của mình đó là người anh này có phong thái của một người quân tử, sự điềm tĩnh, ung dung và bình thản toát ra trong mỗi lời nói và cử chỉ của anh.

Sau màn hỏi thăm xã giao, anh Nam giới thiệu qua về môi trường mới cho Kiên biết, cơ quan có tổng cộng là 7 người, huyện nhỏ nên ít người ít việc, lượng án ở đây chỉ khoảng 100 vụ một năm.

“Hôm qua trên tổ chức cũng gọi điện xuống, anh khá bất ngờ khi họ nói em đăng ký nguyện vọng về huyện nhỏ này làm việc!?”

“Dạ, không giấu gì anh, mẹ em hay đau ốm, em trai em đi du học rồi muốn định cư bên ấy, nhà chỉ còn mình em, thế nên em muốn về đây tiện đi lại chăm sóc mẹ anh ạ!”

“Vậy à!? Đúng là đứa con có hiếu.” Anh Nam mỉm cười hiền hòa. “Cố gắng nhé, ở đây tuy công việc ít, cơ hội rèn luyện chuyên môn không bằng được các thành phố lớn. Nhưng anh khẳng định là vườn ươm của anh đáp ứng được những điều kiện cơ bản nhất để cho em phát triển.”

“Vâng ạ.” Chưa hiểu hết ý thủ trưởng nên Kiên gật đầu như một cái máy.

Anh Nam mỉm cười thông cảm với chàng trai trẻ, rồi anh bắt đầu nói cụ thể hơn: “Kiên có biết những người trí thức như em cần nhất điều gì để phát triển không?”

“Dạ… em chưa biết rõ ạ.” Kiên gãi đầu gãi tai.

“Đó là một môi trường tập trung dân chủ!” Anh Nam nói và vỗ vai Kiên. “Tòa án Linh Sơn là nơi thực hiện rất tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.”

Lúc ấy mới đi làm nên Kiên không hiểu hết được câu nói ấy, nhiều năm sau, khi đã trải nghiệm qua nhiều môi trường, đã va vấp cuộc sống nhiều hơn, Kiên mới thấm thía được hết lời chỉ bảo ấy. Người trí thức có thể ví như những hạt giống tốt trong xã hội, nhưng để cho hạt giống ấy có thể nảy mầm phát triển được, để cho họ có thể cống hiến hết mình cho xã hội thì người ta phải nuôi dưỡng họ trong một điều kiện lý tưởng, trong một vườn ươm tên là tập trung dân chủ. Quản lý độc đoán và dân chủ quá trớn tuy là hai thái cực trái ngược nhau, nhưng chúng lại cùng dẫn đến một hậu quả, đó là theo thời gian, chúng sẽ làm xói mòn hết đi năng lực và bản lĩnh của người trí thức.

 

Sau một thời gian quan sát, anh Nam quyết định giao cho Kiên phụ trách tiếp công dân để cậu có thể va chạm và học hỏi nhiều hơn, đúng như dự tính của anh, ngay tháng đầu tiên Kiên đã có một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của mình.

Hôm đấy là ngày đầu tuần, người dân đến tòa nộp đơn ly hôn rất đông, cuối giờ chiều, khi Kiên chuẩn bị đóng cửa phòng tiếp dân thì có một đôi vợ chồng trẻ ở thị trấn đến nộp hồ sơ, Kiên mời họ vào và hỏi thăm sơ qua tình hình, nói chung trường hợp này khá đơn giản, hai người họ thuận tình ly hôn, không tranh chấp gì, hồ sơ cũng đủ giấy chứng nhận kết hôn, chứng minh thư, hộ khẩu, giấy khai sinh con, nhưng không hiểu sao, khi bọn họ ra về Kiên cảm thấy có điều gì đó gờn gợn trong lòng.

Cả tối hôm ấy Kiên cứ thơ thẩn như người mất hồn, đến khi lên giường đi ngủ, vừa nằm được mười phút thì Kiên giật mình bật dậy vì phát hiện ra điều gì khiến cậu thấy lấn cấn như vậy, đó là tuổi tác của cô vợ, tầm đấy mà có con hơn ba tuổi là quá sớm.

Sáng hôm sau đến cơ quan, việc đầu tiên Kiên làm là rút hồ sơ Tuyên và Hà ra để kiểm tra, kết quả đúng là có vấn đề thật, tính ra thì ở thời điểm mang thai cô vợ chưa đủ 16 tuổi, vậy là cậu Tuyên này phạm tội giao cấu với trẻ em rồi.

Hay là mình tính nhầm, Kiên lẩm bẩm rồi lấy bút giấy ra tính đi tính lại.

Sau nửa tiếng loay hoay, thấy kết quả vẫn y như vậy, Kiên bèn cầm hồ sơ lên báo cáo lãnh đạo.

Hồ sơ sau đó được chuyển sang cơ quan điều tra để xác minh làm rõ.

Sáng thứ sáu, Kiên đang ngồi trong phòng tiếp dân thì thấy Tuyên dẫn đứa con trai hơn ba tuổi đến, cậu ta vừa làm việc ở công an huyện ra, ngồi nói chuyện được mấy phút thì cậu ta bắt đầu khóc.

“Năm ấy em mới 19...” Tuyên nói, nước mắt lã chã rơi. “Còn trẻ dại nên không kiểm soát được hết bản thân mình, nhưng anh ơi… là vợ em tự nguyện quan hệ chứ em không ép buộc gì, đến lúc nó bảo có chửa em cũng nhận trách nhiệm chứ không chối bỏ, em còn chờ lúc nó đủ tuổi thì đăng ký kết hôn, anh xem hồ sơ cũng thấy rồi.”

“Em có biết giao cấu với người từ 13 đến dưới 16 tuổi, dù họ đồng ý, thì vẫn là phạm tội hình sự không, mà không chỉ vậy, em làm người ta có thai thì khung hình phạt còn nặng hơn.”

“Em biết tội rồi, nhưng hoàn cảnh nhà em rất khổ.” Tuyên nói. “Vợ em là đứa không ra gì, từ lúc đẻ con ra nó đã bỏ mặc cháu, mấy hôm nữa ly hôn xong nó chạy đi nước ngoài, bố mẹ em già, em mà đi tù thì ai nuôi cháu, xin các anh thương cho hoàn cảnh của em.”

Lúc nộp đơn Kiên cũng đã gặp cô vợ Tuyên, còn trẻ mà ăn nói hỗn hào, đem tiền của trong nhà đốt vào bài bạc, đi tù vì một người vợ như thế, thật sự là vừa đáng trách vừa đáng thương.

“Em… em xin các anh, thương lấy con em, nó còn quá bé…” Càng nói Tuyên càng khóc nhiều hơn.

Thấy bố khóc, đứa con đang ngồi trong lòng Tuyên quay lại ôm chặt lấy bố, dù được bố vỗ về, nó vẫn len lén nhìn Kiên với ánh mắt hoang mang sợ hãi.

 “Hồ sơ bây giờ do công an xử lý rồi, họ sẽ xác minh, xét nghiệm ADN nữa mới khẳng định được.” Kiên bối rối. “Mà con em đang sợ đấy… Thôi, em cho cháu về đi.”

Cả buổi trưa hôm ấy Kiên ngồi vò đầu bứt tóc trong phòng làm việc, ánh mắt của đứa bé ấy không ngừng ám ảnh cậu, bố Kiên mất sớm, khi cậu mới học lớp ba, hơn ai hết, cậu hiểu cảm giác tủi hổ của một đứa trẻ khi lớn lên mà không có bố bên cạnh như thế nào.

Không ngờ học luật trong nhà trường đã khó mà ra làm nghề lại còn khó hơn nhiều lần thế này.

“Có vấn đề gì vậy Kiên?”

Kiên giật mình vì tiếng anh Nam gọi, đi họp về nghe bảo vệ nói cậu không ăn trưa anh liền qua phòng xem ngay.

“Ơ… Anh…” Kiên ấp úng. “Anh mới về ạ?”

“Ừ. Hôm nay anh họp hơi muộn. Sao nhìn em mệt mỏi thế?”

“Là… Cái vụ giao cấu trẻ em hôm trước ấy anh.” Kiên ủ rũ nói. “Sáng nay cậu ấy đến khóc lóc với em…”

“Em nói tiếp đi…” Nam nhìn Kiên thông cảm.

“Em biết là Tuyên phạm pháp…” Kiên bối rối. “Nhưng nghe hoàn cảnh của nó cũng đáng thương, rồi đứa con nó nữa… lúc ấy đứa bé nhìn em rất sợ hãi… ánh mắt của nó làm em thấy rất xót xa, lúc ấy… lúc ấy một suy nghĩ chợt lóe lên trong em… có khi em coi như không biết gì sẽ tốt hơn, có thể sẽ có người khác phát hiện ra, họ cứng rắn hơn em, có thể em không phù hợp, con người em quá nhạy cảm.”

“Nếu em không thay đổi cách suy nghĩ ấy.” Anh Nam nghiêm mặt nói. “Thì em không thể làm công chức tòa án được.”

“Sao ạ??” Kiên ngạc nhiên.

“Em biết nghĩ cho đứa bé ấy là tốt.” Nam nói tiếp. “Nhưng em có nghĩ đến những hệ lụy xã hội của sự việc ấy không?”

“Dạ.”

“Mấy năm gần đây.” Nam nói tiếp. “Những vụ án xâm hại tình dục trẻ em gia tăng với diễn biến phức tạp, tỉnh mình không địa phương nào là không có, trước kia tội phạm chỉ diễn ra ở những nơi xa xôi dân trí thấp, nhưng bây giờ nó xảy ra ở ngay giữa những thành phố lớn, có nhiều vụ diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, thậm chí có những vụ mà các em gái còn bị sát hại dã man để bịt đầu mối.”

“Vâng ạ.”

“Anh biết trường hợp này vợ chồng họ quan hệ đồng thuận, vợ Tuyên cũng không truy cứu gì, nhưng nếu hành vi của Tuyên là phạm pháp, cậu ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phiên tòa ấy sẽ có tác dụng phòng ngừa rất lớn đối với xã hội, em hiểu không?” Nam nói. “Còn trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử sẽ xem xét đến hoàn cảnh phạm tội và sự thành khẩn của Tuyên. Em phải có lòng tin là chúng ta sẽ ra một phán quyết hợp tình hợp lý, được dư luận đồng tình ủng hộ.”

“Vâng, em hiểu rồi.”

“Ừ. Cố gắng lên!” Nam nói. “Sự thật… Dù đáng tiếc hay đau lòng đến mấy, nó vẫn là sự thật, nếu em là công chức tòa án mà còn không đủ dũng cảm nhìn vào sự thật thì ai có thể làm việc ấy đây?!”

“Em hiểu rồi.” Kiên đứng bật dậy khỏi ghế. “Anh giúp em thông suốt ra rất nhiều điều! Em xin phép bắt tay cám ơn anh một cái được không ạ!?”

“Ha ha.” Anh Nam bật cười sảng khoái. “Thôi cậu ạ, còn vẽ vời nữa. Thông suốt rồi thì xuống ăn cơm với tôi đi, tôi đói lắm rồi đây.”

Kiên luôn xem bài học về trái tim nóng, cái đầu lạnh mà anh Nam nói ngày hôm ấy là bài học vỡ lòng trong sự nghiệp công chức tòa án của cậu, và không chỉ dừng ở đó, nhiều suy nghĩ tư tưởng của anh Nam đã trở thành những nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống sự nghiệp của cậu sau này.

Sau sự việc ấy anh Nam cũng quý mến và thân thiết với Kiên hơn, một lần, có người trong cơ quan hỏi anh Nam là anh đánh giá về Kiên thế nào, Nam trả lời anh đánh giá cao Kiên ở hai điểm, một là chuyên môn cậu ta tốt, hai là cậu ta sống có tình người.

 * * *

Kiên bước vào ngành tòa án đúng vào giai đoạn mà ngành này đang có nhiều đổi mới, chỉ trong mấy năm mà cậu đã được chứng kiến rất nhiều thay đổi, những bản án đầu tiên được công khai trên mạng, những án lệ đầu tiên được công bố, cậu đã được thấy lãnh đạo ngành mình vinh dự là một trong bốn chức danh được đặt tay lên hiến pháp để tuyên thệ trước quốc hội, và chưa bao giờ hoạt động xét xử của ngành cậu được người dân thảo luận sôi nổi như vậy, thông tin về những phiên tòa lớn được người dân cập nhật từng ngày một trên mạng xã hội.

Cơ hội và thách thức cũng bắt đầu đến với mỗi người công chức của tòa án huyện Linh Sơn, đầu tiên là thủ trưởng của Kiên, đầu năm 2018, anh Nam nhận quyết định về làm trưởng phòng tổ chức trên tòa tỉnh.

Buổi liên hoan chia tay diễn ra rất bùi ngùi, con người anh Nam sống gần gũi nên ai cũng quý, đến hơn 9 giờ, khi mọi người trong cơ quan đã về hết, hai anh em họ vẫn ngồi lại tâm sự riêng tư với nhau ở bếp ăn tập thể, không biết từ bao giờ mà hai anh em đã xem nhau như những người bạn tri kỷ.

Bếp ăn tập thể của tòa án Linh Sơn lúc ấy chỉ rộng khoảng 5m2, nó vốn là cái nhà để xe máy được tận dụng một phần làm bếp ăn, vách ngăn với nhà để xe và cửa tạm cũng làm bằng tấm tôn giống như trên mái.

Sau ly rượu đầu tiên, anh Nam chợt trầm ngâm nhìn xung quanh bếp rồi nói: “Tiếc là trụ sở mới mấy tháng nữa mới hoàn thiện xong. Anh rất buồn vì trước khi đi chưa được thấy anh em có chỗ sinh hoạt đàng hoàng.”

“Có sao đâu anh. Thỉnh thoảng cũng phải xếp những nhọc nhằn cuộc sống sang một bên để tận hưởng cuộc sống chứ?!” Kiên ngó đầu nhìn ra ngoài, sắp đến rằm nên bầu trời nhìn rất trong và mặt trăng thì sáng vằng vặc. Khi quay lại cậu bèn với tay tắt điện bếp.

“Anh thấy không, tắt điện rồi là mình đâu còn thấy những vết rêu loang lổ trên tường, những vết rỉ sắt của bếp ga hay những viên gạch vỡ nát dưới nền nữa.” Kiên nói. “Chỉ còn lại ánh trăng thôi. Các thi sĩ phương Đông vẫn bảo, uống rượu chỉ cần có ánh trăng thì ở đâu cũng là bồng lai tiên cảnh mà.”

“Kiên nhiều ý tưởng độc đáo thật đấy!” Anh Nam bật cười. “Nhưng cũng đúng… Chỉ cần chút ánh trăng để anh em mình thấy rõ lòng nhau là đủ đúng không?!”

“Vâng ạ.” Kiên nói và nở một nụ cười thật tươi.

Nói thì nói vậy thôi, những trăn trở về nghề nghiệp trong lòng anh Nam giây phút này là quá lớn, không thể bảo quên là quên ngay được, ngồi hàn huyên được một lúc rồi hai người họ lại quay về chủ đề ấy.

“Hôm vừa rồi, anh bạn cùng khóa thẩm phán với anh ở Sài Gòn gọi điện ra hỏi thăm…” Anh Nam nói, giọng nghe nặng trĩu. “Cậu ấy kể là trong ấy đang có nhiều thẩm phán thư ký nộp đơn xin ra khỏi ngành.”

“Em cũng có nghe qua thông tin trên mạng.”

“Ở đây mình còn ít án, chứ ở trong ấy lượng án rất lớn, trung bình hai ngày họ phải giải quyết xong một vụ án, trong khi, em biết đấy, đến tòa toàn là những vụ án rất phức tạp, nhiều vụ xử xong thẩm phán không dám rời cơ quan, chờ đến tối bịt khẩu trang, áo khoác trùm kín ra về. Ở nước ngoài, thẩm phán là một nghề danh giá, được hưởng nhiều đãi ngộ tương xứng với trách nhiệm rất cao của họ. Ở mình thẩm phán còn rất nhiều khó khăn, lương thẩm phán sơ cấp là khoảng sáu triệu một tháng, trong khi một người chỉ cần học hết phổ thông, xin vào làm công nhân trong khu công nghiệp cũng nhận mức lương như vậy, mà công việc thì nhẹ đầu hơn rất nhiều, không phải gánh áp lực lớn đến vậy.”

“Em nghĩ nhà nước ta sẽ sớm có giải pháp để giữ chân cán bộ?!”

“Vấn đề ở đây không chỉ là câu chuyện giữ chân cán bộ đâu.” Nam nói. “Mà vấn đề còn ở chỗ… sự ổn định và phát triển của tòa án có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của đất nước.”

“Em chưa hiểu ý anh ạ!?”

“Kiên học lịch sử có biết nhân vật Trần Thủ Độ không?”

“Em biết, gần đây có phim về ông ấy mà, đó là người đã sáng lập ra triều Trần, ông có công chấm dứt nội loạn và chấn hưng Đại Việt, trên cơ sở đó mà nước ta đủ sức lực và tinh thần chiến đấu với đội quân xâm lược hùng mạnh từ Mông Cổ.”

“Ừ. Sách sử kể rằng, có một lần, vợ của Thủ Độ ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, bà bèn về dinh khóc lóc với chồng, Thủ Độ tức giận sai người đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ lần này chết chắc rồi. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Nghe xong Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa. Rồi ông lấy vàng lụa thưởng cho người ấy trước khi thả về.” Nam nói. “Sử chép rằng Thủ Độ là một người có quyền át cả vua, nhưng làm việc gì ông ta cũng nghĩ đến đất nước, ông ta đã làm một việc không phải ai cũng làm được, đó là tự đặt mình dưới pháp luật, tinh thần ấy ngày nay chúng ta gọi là thượng tôn pháp luật đấy. Theo quan điểm của anh, tinh thần thượng tôn pháp luật ấy của Thủ Độ có vai trò rất quan trọng trong việc quy tụ lòng dân xung quanh nhà Trần, từ đó trên dưới cả nước đồng lòng làm nên kỳ tích chiến thắng quân Mông Cổ.”

“Câu chuyện ấy đến nay vẫn còn tính thời sự….” Anh Nam nói hăng say, đôi mắt như đang phát sáng trong bóng tối. “Trong bối cảnh ngày nay, anh tin rằng để Việt Nam có thể tiếp tục làm nên những kỳ tích, thì trước hết đất nước mình phải có thượng tôn pháp luật đã. Tòa án chúng ta sẽ có một vai trò rất quan trọng trong đó, vì chúng ta là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, chúng ta là trung tâm của cải cách tư pháp…”

“Anh có những ước mơ thật lớn về ngành, nhưng liệu điều ấy có dễ thực hiện không ạ?” Kiên băn khoăn. “Đồng nghiệp chúng ta trong Sài Gòn xin nghỉ ngày một nhiều, trong khi đãi ngộ thì không thể thay đổi ngay được. Rồi câu chuyện thượng tôn pháp luật nữa, em cũng có nghe mấy anh chị trong cơ quan nói chuyện, em thấy là trong vụ án hành chính, thẩm phán huyện chúng ta rất e ngại xử chủ tịch huyện, giả dụ mà xử chủ tịch huyện thua thì chẳng ai khen thẩm phán ấy ở chức thấp mà giữ được luật pháp như Thủ Độ cả, mà người ta chỉ lo cho vị thẩm phán ấy sau này sẽ gặp khó khăn khi làm việc tại địa phương thôi.”

“Anh biết. Cũng vì nỗi lo ấy mà Luật tố tụng hành chính vừa sửa đổi đã chuyển thẩm quyền giải quyết những vụ án ấy lên cho Tòa án tỉnh.”

“Vậy bao nhiêu năm nay, trước khi luật sửa đổi thì thẩm phán chúng ta đã phải sống với hiện thực ấy thế nào ạ?” Kiên nói. “Và hiện nay… thẩm phán còn đang phải đối mặt với những gì mà họ chưa thể nói hết ra được anh?”

“Em nói không sai. Thực tế người thẩm phán còn phải chịu nhiều áp lực và trói buộc hơn những gì em thấy rất nhiều.” Nam gật đầu và mỉm cười nhìn Kiên. “Nhưng em đã nghe câu hát này bao giờ chưa: You may say I’m a dreamer, but I’m not the only one.”

“Bạn có thể nói tôi là một kẻ mộng mơ, nhưng tôi không phải là người duy nhất…” Kiên nói. “Đấy là câu hát trong bài hát Imagine của huyền thoại John Lennon phải không ạ?!”

“Đúng vậy. Không phải ước mơ nào cũng trở thành kỳ tích, nhưng kỳ tích chắc chắn phải bắt đầu từ một ước mơ. Để có thể làm nên những thay đổi lớn lao, thì trước hết mỗi người chúng ta phải dám mơ ước đã.” Anh Nam nói. “Câu tiếp theo trong bài hát Imagine là gì em biết không?”

“Em không nhớ rõ ạ…”

 “I hope some day you'll join us.” Anh Nam nói. “Hi vọng ngày nào đó, em sẽ cùng chia sẻ những ước mơ lớn về ngành tòa án với anh…”

 * * *

Một thời gian sau, đến lượt Kiên nhận quyết định điều chuyển, cậu được điều động về nhận công tác ở một thành phố trung tâm của tỉnh, nơi có lượng án nhiều gấp gần 15 lần số án ở Linh Sơn quê cậu.

Phải mất gần một năm Kiên mới quen hết công việc ở đây. Ở thành phố dân trí cao, có những người dân rành về pháp luật không kém gì công chức tòa án như cậu, lại cũng có những người, tuy họ không am hiểu pháp luật nhưng rất từng trải và sắc sảo, làm việc mà giải thích không chuẩn xác là sẽ bị họ bắt bẻ ngược lại ngay.

Hôm nay Kiên có dịp tiếp xúc với một đương sự như vậy, chị này đến tòa nộp đơn ly hôn đơn phương, anh chồng không phải người ở thành phố này nên tòa án ở đây không có thẩm quyền giải quyết. Kiên đã giải thích mấy lần nhưng chị ta vẫn tỏ ra rất băn khoăn.

“Chị tưởng bọn chị đăng ký kết hôn ở thành phố mình thì cũng ly hôn ở đây được chứ?!” Chị ta vừa nói vừa gõ gõ tay lên mặt bàn.

“Vâng, như em vừa giải thích đấy ạ. Theo quy định pháp luật, trong trường hợp ly hôn đơn phương thì chỉ tòa án nơi bị đơn cư trú mới có thẩm quyền giải quyết. Trừ trường hợp bị đơn đồng ý bằng văn bản thì tòa án ở đây mới giải quyết được chị ạ!”

“Sao tòa không giống phường nhỉ? Hồi bọn chị đăng ký kết hôn thấy đăng ký ở đây cũng được mà ở chỗ chồng chị cũng được mà?!”

“À, vâng. Nếu trường hợp anh chị thuận tình ly hôn thì thẩm quyền của tòa cũng giống như ủy ban, tòa ở đây hay ở chỗ chồng chị đều giải quyết được. Nhưng như em vừa nói đấy, đây là chị ly hôn đơn phương, theo quy định chỉ có tòa chỗ chồng chị cư trú mới có thẩm quyền giải quyết thôi.”

“À... Ra vậy!”

“Vâng, có nhiều người họ ở tận miền Nam vẫn phải ra đây nộp đơn ly hôn vì vợ hoặc chồng họ ở đây chị ạ! Nếu chị vẫn lăn tăn thì em có thể cho chị xem vài trường hợp trong sổ tiếp dân của em.”

“Thôi… được rồi… Không cần đâu.” Chị ta nheo nheo mắt nhìn Kiên. “Chị biết nhìn người đấy. Nãy giờ nói chuyện chị thấy con người của em không phải là người khó dễ với dân đâu. Em giải thích vậy là chị hiểu rồi, chị sẽ về liên hệ với tòa án bên kia để làm thủ tục.”

“Cám ơn chị.” Kiên mỉm cười, mỗi người dân đến tòa lại mang đến cho cậu một trải nghiệm khác nhau. “Thời tiết u ám thế này mà được dân khen em thấy có động lực làm việc hơn hẳn đấy.”

Cả buổi chiều hôm ấy Kiên cứ ngồi tủm tỉm suốt, dạo này cậu được đón nhận rất nhiều tin vui, vợ cậu mới sinh một em bé kháu khỉnh, và trên tỉnh cũng vừa thông báo là cậu được chọn đi tham dự kỳ thi tuyển thẩm phán sơ cấp vào tháng 12 tới, nếu đỗ, cậu sẽ là một trong hai thẩm phán trẻ nhất ở tỉnh.

Đến năm giờ hơn, Kiên đang ngồi nhâm nhi ly trà với đồng nghiệp thì thấy số máy của anh Nam gọi đến cho cậu, thật đúng lúc quá, Kiên cũng đang tính tối về sẽ gọi điện cho anh để chia sẻ những tin vui của mình.

Nhưng Kiên đã không kịp làm điều đó, tin xấu mà người nhà anh Nam thông báo qua điện thoại làm cho Kiên choáng váng đầu óc và tê liệt toàn thân, hôm nay anh Nam vào viện khám, người ta kết luận là anh bị ung thư đại tràng giai đoạn ba, hiện đã di căn lên phổi.

“Sao?? Sao lại vậy được?!” Kiên luống cuống đánh rơi cả chiếc điện thoại xuống đất, cách đây một tháng hai anh em họ gặp nhau, thấy anh húng hắng ho Kiên còn chạy đi mua tặng anh một lọ thuốc ho, không ai ngờ rằng đó là biểu hiện của việc căn bệnh ung thư đã di căn lên đến phổi.

Vẫn biết là ai rồi cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, nhưng anh Nam chỉ mới vừa đến năm mươi tuổi, Kiên gục đầu xuống bàn và khóc, thật đau xót, người anh của cậu vẫn còn nhiều ý tưởng muốn đóng góp cho ngành tòa án, còn rất nhiều ước mơ mà anh muốn được cùng thực hiện với anh em…

Tài sản lớn nhất của ngành tòa án này chính là con người, mỗi một người tài đức mất đi đều là một thiệt hại không hề nhỏ cho hệ thống.

 

Tháng 6 năm sau Kiên được bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp, việc đầu tiên cậu làm là cầm quyết định về báo cáo với người thủ trưởng cũ của mình, nói đúng hơn là, về báo cáo trước bàn thờ của anh. Căn bệnh hiểm nghèo được phát hiện quá muộn nên nửa năm xạ trị đã không đem lại hiệu quả, sau khi bệnh viện cho về được khoảng nửa tháng thì người anh đáng kính của Kiên qua đời.

Nhận nén hương vừa thắp lên từ tay con trai anh Nam, Kiên bùi ngùi nhớ lại lần cuối cùng mình đến thăm anh, đó là một ngày mùa đông rét mướt ảm đạm, ngay trước khi cậu lên Hà Nội dự thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp.

“Chúc mừng em!” Anh nắm tay Kiên và nói trong hơi thở mệt nhọc. “Cố gắng thi tốt, anh tin em sẽ làm được.”

“Trên đường đến đây, em chợt nhớ lại câu chuyện lần trước anh nói về thượng tôn pháp luật.” Kiên xúc động nói. “Lúc ấy em mới vào ngành, còn trẻ nên thấy ước mơ của anh lớn quá, nó ngoài tầm suy nghĩ của em.”

“Nhưng bây giờ…” Kiên nói tiếp, nước mắt chảy xuống mặn chát khóe miệng. “Khi sắp gánh vác trách nhiệm của người thẩm phán trên vai, em mới hiểu hết ước mơ ấy của anh. Anh không phải người duy nhất đâu, em sẽ chia sẻ ước mơ lớn ấy với anh, em sẽ cùng mơ ước với anh…”

-- Hết --

[1] Linh Sơn: địa danh hư cấu.