Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 06
Chương sáu
Thời gian QI
Steve Jobs từng nói: “Bạn không thể tổng hợp thông tin bằng cách hướng về tương lai. Bạn chỉ có thể làm vậy khi nhìn lại quá khứ. Vì vậy, bạn phải tin rằng thông tin quá khứ sẽ có điểm nào đó kết nối với tương lai.”
Câu nói này mô tả chính xác về buổi hội thảo kinh doanh nơi tôi gặp César. Vào một buổi tối, khi tôi cảm thấy lạc lõng vì chỉ là một cậu sinh viên tình nguyện trong một căn phòng đầy những lãnh đạo doanh nghiệp, một diễn giả, Stefan Weitz, đã mở lời chào để giúp tôi thoải mái hơn. Anh ấy là một giám đốc ở Microsoft và chúng tôi đã nói chuyện một chút vào buổi tối hôm đó. Vào đầu mùa hè, tôi email cho anh ấy về sứ mệnh, và khi chúng tôi cùng ăn trưa, anh khăng khăng rằng tôi phải cho thêm một người vào danh sách của mình.
“Qi Lu.”
Tên của ông được phát âm là Chee Loo và tôi chưa từng nghe nói đến ông. Dù rất cảm ơn sự giúp đỡ của Stefan, tôi nghĩ mình vẫn chưa giải thích sứ mệnh với anh ấy đúng cách.
“Những người mà em đang cố gắng liên lạc chính là những người mà bạn bè em cũng như nhiều người khác muốn học hỏi, họ đều rất nổi tiếng…”
“Tin anh đi,” Stefan nói và giơ tay. “Qi Lu là người cậu cần gặp.”
Anh ấy giúp tôi sắp xếp cuộc phỏng vấn, và đó là lý do tôi xuất hiện ở Seattle vào tuần cuối cùng của mùa hè, rảo bước trên tầng thượng của tòa cao ốc Microsoft. Hôm đó là thứ Bảy, dãy hành lang không một bóng người. Tất cả các bàn làm việc đều trống trơn. Đèn trong văn phòng hầu như đều đã tắt, duy chỉ có một nơi. Từ cuối hành lang, một cái bóng thấp thoáng đằng sau cửa kính đứng lên và di chuyển ra cửa. Qi Lu mở cửa và cúi người ra hiệu mời tôi vào.
Ông có dáng người mảnh khảnh, tuổi khoảng tầm tứ tuần. Qi mặc một chiếc áo phông, đóng thùng trong một chiếc quần bò mài, đeo tất trắng và đi dép xăng-đan. Ông dùng cả hai tay bắt tay tôi và bảo tôi cứ tự nhiên. Thay vì quay lại ngồi bên bàn làm việc, ông kéo một chiếc ghế và ngồi cạnh tôi. Văn phòng gần như chẳng có mấy đồ đạc. Không một bức tranh hay khung bằng khen nào treo trên tường. Tuyệt vời!
Qi Lu lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc, nơi không có điện hay nước máy. Ngôi làng nghèo đến mức nhiều người bị biến dạng vì thiếu dinh dưỡng. Có hàng trăm trẻ em, nhưng cả khu vực chỉ có duy nhất một giáo viên. Khi 27 tuổi, khoản thu nhập lớn nhất Qi Lu từng kiếm được là 7 đô-la một tháng. Sau 20 năm, ông đã trở thành chủ tịch dịch vụ trực tuyến của Microsoft.
Tôi lắc đầu ngờ vực. Gần như không thể nghĩ ra một câu hỏi mạch lạc, tôi giơ hai tay lên và hỏi: “Ngài đã làm thế nào để thành công?”
Qi mỉm cười khiêm tốn và nói khi còn bé, ông từng mơ ước trở thành thợ đóng tàu. Nhưng vì quá gầy so với cân nặng tiêu chuẩn của kỳ sát hạch, ông phải tập trung vào việc học. Ông trúng tuyển vào Đại học Phúc Đán, một trường đại học hàng đầu ở Thượng Hải, nơi ông theo học chuyên ngành khoa học vi tính – và chính tại đó, ông đã nhận ra điều làm thay đổi cả cuộc đời mình.
Ông bắt đầu nghĩ về thời gian. Cụ thể hơn là khoảng thời gian ông cảm thấy mình lãng phí cho việc ngủ. Ông ngủ khoảng 8 tiếng một ngày, nhưng lúc đó ông nhận ra rằng có một thứ bất biến trong cuộc sống: Dù bạn là nông dân chân lấm tay bùn hay Tổng thống Mỹ quyền lực, bạn cũng chỉ có 24 giờ một ngày.
“Nói cách khác,” Qi nói, “Chúa dường như rất công bằng với tất cả mọi người. Câu hỏi đặt ra là: Liệu bạn có thể tận dụng được món quà của Chúa hay không?”
Ông đọc về cách những người nổi tiếng trong quá khứ điều chỉnh thói quen ngủ của mình và bắt tay phát triển phương pháp của chính ông. Đầu tiên, ông cắt giảm một giờ ngủ, rồi thêm một giờ, rồi một giờ nữa. Có thời điểm, mỗi đêm ông chỉ ngủ có một giờ. Ông buộc mình phải tỉnh táo bằng việc tắm nước cực lạnh, nhưng rồi cũng không thể tiếp tục duy trì việc đó. Dần dà, ông phát hiện số giờ ngủ tối thiểu ông cần để có thể hoạt động tốt nhất là bốn giờ một đêm. Từ đó đến nay, ông không hề ngủ quá con số đó.
Sự kiên định là một phần bí mật của ông.
“Giống như việc lái xe,” Qi nói với tôi. “Nếu cậu duy trì tốc độ 100km/giờ, chiếc xe sẽ không bị hao mòn quá nhiều. Nhưng nếu cậu liên tục tăng tốc và thường xuyên nhấn phanh, động cơ sẽ nhanh chóng bị hỏng hóc.”
Mỗi sáng, Qi thức dậy lúc 4 giờ, chạy bộ 8km và đến văn phòng lúc 6 giờ. Ông chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, hầu hết là rau và hoa quả. Ông làm việc 18 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần. Và Stefan Weitz còn nói với tôi rằng năng suất làm việc của Qi cao gấp đôi mọi người. Họ gọi đó là “Thời gian Qi”.
“Thời gian Qi” nghe có vẻ giống một lối sống cuồng tín, thậm chí là thiếu lành mạnh. Nhưng khi nhìn nó qua lăng kính của ông, tôi nghĩ nó giống một phương tiện để tồn tại hơn là một thí nghiệm lập dị. Thử nghĩ mà xem. Trong vô vàn sinh viên xuất chúng ở Trung Quốc, Qi còn có cách nào khác để có thể vượt lên tất cả? Nếu bạn giảm số giờ ngủ còn một nửa, từ 8 giờ xuống 4 giờ, rồi nhân số giờ tiết kiệm được với 365 ngày, bạn sẽ có thêm 1.460 giờ – hay tương đương thêm hai tháng trong một năm.
Hồi còn ở độ tuổi 20, Qi dành thời gian tiết kiệm được để nghiên cứu tài liệu, viết bài phân tích và đọc sách, phấn đấu cho giấc mơ lớn nhất của mình – du học Mỹ.
“Ở Trung Quốc,” ông nói, “nếu muốn đi Mỹ, cậu phải vượt qua hai bài kiểm tra. Chi phí thi là 60 đô-la. Tôi nghĩ thu nhập hằng tháng của tôi khi đó chỉ khoảng 7 đô-la.”
Bỏ ra tám tháng thu nhập chỉ để thi sát hạch.
Dù vậy, Qi không nản chí và tất cả nỗ lực của ông đã được đền đáp vào một buổi tối Chủ nhật. Thông thường, ông hay dành ngày Chủ nhật để đạp xe về làng thăm gia đình, nhưng hôm đó trời mưa tầm tã cộng với việc tiêu phí hàng giờ đồng hồ di chuyển, nên Qi quyết định lưu lại trong phòng ký túc xá. Tối hôm đó, một người bạn ghé qua nhờ Qi giúp đỡ. Một vị giảng viên khách mời đến từ Đại học Carnegie Mellon chuẩn bị có bài giảng về kiểm thử mô hình, nhưng vì trời mưa to, số lượng sinh viên tham dự vô cùng ít. Qi đồng ý đến buổi học, và trong giờ, ông đã nêu một số câu hỏi giá trị. Sau đó, vị giảng viên khen ngợi những điểm mà Qi đề cập và hỏi liệu ông đã từng nghiên cứu về chủ đề này chưa.
Không chỉ từng nghiên cứu, Qi còn xuất bản năm bài viết về chủ đề ấy. Đó là sức mạnh của Thời gian Qi. Nó giúp ông trở thành người chuẩn bị kỹ càng nhất trong lớp học.
Vị giảng viên bày tỏ mong muốn được xem những bài viết đó. Qi chạy nhanh về phòng ký túc xá để lấy chúng. Sau khi đọc hết những bài viết, ông hỏi Qi có muốn du học ở Mỹ không.
Qi giải thích khó khăn tài chính của mình và vị giảng viên nói ông sẽ miễn bài thi đó cho Qi. Qi nộp hồ sơ dự tuyển, và vài tháng sau, một lá thư được gửi đến tay ông. Carnegie Mellon trao cho Qi một suất học bổng toàn phần.
Mỗi khi tôi đọc về Bill Gates, Warren Buffett hay những biểu tượng thành công rực rỡ khác, tôi đều tự hỏi bao nhiêu phần trong thành công của họ là kết quả của những sự việc dường như ngẫu nhiên đến diệu kỳ. Nếu buổi tối Chủ nhật đó trời không mưa, Qi đã ở nhà với gia đình, đã không gặp vị giảng viên, và mọi chuyện sau đó đã không xảy ra. Song, việc năm bài nghiên cứu được đăng của Qi thì không hề ngẫu nhiên. Tôi hỏi Qi về may mắn, và ông nói rằng ông tin may mắn không hoàn toàn ngẫu nhiên.
“May mắn giống như một chiếc xe buýt,” Qi nói. “Nếu cậu lỡ một chuyến, sẽ luôn có chuyến tiếp theo. Nhưng nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng, cậu sẽ không thể lên xe được.”
HAI NĂM SAU KHI HỌC XONG CHƯƠNG TRÌNH tại Đại học Carnegie Mellon, Qi được một người bạn mời đi ăn trưa. Nhưng trên bàn ăn ngày hôm đó lại có một vị khách lạ. Người đó hỏi Qi đang làm gì và ông đáp mình đang là chuyên viên nghiên cứu thương mại điện tử của IBM.
Người này thì đang làm việc cho Yahoo, một mạng xã hội rất nổi tiếng ở thời điểm đó với hệ thống liên kết đồ sộ. Anh ấy mời Qi ghé thăm văn phòng vào thứ Hai và ông đồng ý. Khi Qi đến trụ sở của Yahoo, một hợp đồng lao động đã được đặt sẵn trên bàn.
Yahoo có kế hoạch bí mật là xây dựng một diễn đàn thương mại điện tử và đang tìm kiếm nguồn nhân lực. Qi quyết định đầu quân cho công ty, tham gia vào dự án đó và dành toàn bộ thời gian cho việc lập trình. Trong vòng ba tháng, ông liên tục cắt giảm thời gian nghỉ ngơi cho đến khi chỉ còn 1-2 giờ ngủ một đêm – ông làm việc hăng say đến mức bị mắc hội chứng ống cổ tay8 và phải đeo nẹp. Nhưng Qi cảm thấy như vậy rất xứng đáng, bởi vì cuối cùng ông đã tạo ra cái mà ngày nay được biết đến là Yahoo Shopping (trang Mua sắm của Yahoo).
Qi được thăng chức và trở thành trưởng nhóm của dự án quan trọng tiếp theo: Yahoo Search (trang Tìm kiếm của Yahoo). Đó lại là một thành tựu xuất sắc khác, nhưng Qi vẫn không hề buông lỏng. Ngoài việc nhận thêm nhiều dự án kỹ thuật khác, Qi dành cuối tuần “đóng đinh” ở thư viện, đọc hàng chồng sách về lãnh đạo và quản lý.
Tôi nhận ra Thời gian Qi không chỉ đơn thuần là ngủ ít hơn. Mấu chốt của nó nằm ở việc hy sinh – hy sinh khoái lạc ngắn hạn cho thành tựu dài hạn. Chỉ trong vòng tám năm ở Yahoo, Qi trở thành phó chủ tịch, quản lý hơn 3.000 kỹ sư.
Sau gần một thập kỷ làm việc cho Yahoo, Qi quyết định 10 năm là thời điểm phù hợp để ông có thể tạm thời nghỉ ngơi. Trong tuần làm việc cuối cùng ở Yahoo, các nhân viên của Qi đã truyền tay nhau và mặc chiếc áo phông in dòng chữ: “Tôi đã làm việc với Qi. Còn bạn?” ở bữa tiệc chia tay.
Khi Qi đang cân nhắc việc quay trở lại Trung Quốc để sum họp với gia đình thì nhận được một cuộc điện thoại từ CEO của Microsoft, Steve Ballmer. Microsoft đang cân nhắc việc xây dựng một công cụ tìm kiếm. Qi gặp Ballmer và quyết định hoãn kế hoạch trở về Trung Quốc để chấp nhận lời đề nghị làm chủ tịch dịch vụ trực tuyến của Ballmer.
Trôi theo câu chuyện về những ngày tháng làm việc thâu đêm để tạo ra công cụ tìm kiếm Bing của Qi, một cảm giác kỳ lạ bỗng gợn lên trong tôi. Đầu óc tôi bắt đầu lãng đãng trôi dạt và chợt một ký ức xa xôi lóe lên.
Lúc đó, tôi mới năm tuổi. Do nửa đêm gặp ác mộng nên tôi trèo xuống giường và đi vào phòng của bố mẹ. Đi dọc theo hành lang, tôi nhìn thấy ánh sáng màu xanh chớp tối chớp sáng len lỏi xuyên qua chân cửa phòng họ. Tôi thò đầu vào và nhìn thấy mẹ đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ của bà, tay không ngừng gõ máy tính. Nhiều ngày trôi qua, hôm nào tôi cũng sẽ bò ra khỏi giường và bí mật quan sát mẹ làm việc khi mọi người trong nhà đều đã ngủ. Không lâu sau, tôi phát hiện việc kinh doanh xe ô tô cũ của bố đã phá sản, nghĩa là giờ mẹ tôi sẽ phải gánh vác cuộc sống của cả gia đình. Có lẽ, dù theo cách của riêng bà, sự hy sinh của mẹ cũng giống như sự hy sinh của Qi Lu.
Chỉ đến lúc này, khi nghe Qi Lu tâm sự, tôi mới hiểu lý do mẹ khóc khi tôi nói sẽ bỏ khoa y. Đối với bà, tôi đang quay lưng với tất cả những nỗ lực xương máu ấy. Cảm giác tội lỗi về hành động vô ơn mình đã làm khiến lòng tôi quặn thắt. Rồi Qi dẫn dắt cuộc hội thoại đến một điểm mà tôi không ngờ tới nhất.
“Tiện thể,” ông nói, “cảm ơn cậu vì đã quyết tâm thực hiện sứ mệnh này. Điều tạo động lực cho cậu theo đuổi sứ mệnh này ít nhiều giống với tôi. Đó là việc từng giây từng phút giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn, làm được nhiều hơn và phát triển hơn. Tôi nghĩ những gì cậu đang làm phần nào là một ví dụ rất tuyệt vời.”
Ông bày tỏ mong muốn giúp đỡ tôi nếu có thể. Tôi rút tấm thẻ danh sách những người mà mình muốn phỏng vấn ra khỏi ví và đưa cho ông. Qi gật gật đầu khi ngón tay từ từ di chuyển xuống dưới danh sách.
“Người duy nhất tôi quen biết ở mức độ cá nhân,” ông nói, “là Bill Gates.”
“Ngài có… ngài có nghĩ rằng ông ấy có hứng thú không?”
“Có, cậu nhất định có cơ hội nói chuyện với ông ấy. Tôi sẽ nói về cuốn sách của cậu với ông ấy.”
“Cháu có thể viết một bức email không?”
Qi mỉm cười. “Tôi rất sẵn lòng chuyển bức email đó đến ông ấy.”