Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 35
Chương ba mươi lăm
Nhập cuộc
BA THÁNG SAU, AUSTIN, TEXAS
Chúng tôi tiến về phía câu lạc bộ đêm, hàng người xếp hàng đứng trước cửa lộn xộn đến mức trông nó chẳng khác nào một đám ô hợp. Matt Michelsen, người sáng lập mạng xã hội của Lady Gaga, kéo tôi lại gần và dẫn tôi chen qua đám đông. Vỏ chai bia vỡ vứt bừa bãi trên sàn, ánh trăng nhảy múa trên những mảnh thủy tinh. Nhóm bảo an đứng gác ở cửa.
“Bữa tiệc đã kín chỗ,” một người bước lên phía trước và nói.
“Chúng tôi đi cùng Gaga,” Matt trả lời.
“Cô ấy đã ở bên trong rồi. Không ai khác được vào.”
Yên lặng trong chốc lát, Matt cũng tiến lên một bước. Anh ấy thì thầm điều gì đó vào tai của người bảo vệ. Anh ta chần chừ – sau đó bước sang một bên.
Ngay khi cửa vừa mở ra, tiếng nhạc điện tử xập xình khiến toàn thân tôi run lên. Matt và tôi chen lấn qua đám đông trên sàn nhảy. Hàng trăm người đang trân trân nhìn về cùng một hướng, tay giơ điện thoại và chụp ảnh. Đứng trên một bục VIP, dưới ánh đèn trắng lung linh, là một trong những ngôi sao nhạc pop nổi tiếng nhất thế giới. Mái tóc bạch kim của Lady Gaga đung đưa quá eo. Cô ấy lênh khênh trên đôi giày cao ít nhất 25cm.
Bục VIP đã chật cứng người, một bảo an đứng chắn trước cầu thang ngăn không cho ai vào. Lần này, Matt không thèm nói chuyện. Anh ấy đi thẳng tới trước bục, ngay phía dưới chỗ Gaga đang đứng.
“Này, L.G.!” Matt gào lên.
Cô ấy nhìn xuống, sau đó cả khuôn mặt sáng bừng lên. “Lên đây đi!”
“Đã kín chỗ rồi,” Matt trả lời. “Họ sẽ không…”
“Lên đây ngay lập tức đi!”
Vài giây sau, hai vệ sĩ nắm tay chúng tôi và dẫn lên bục. Matt đi thẳng về phía Gaga. Tôi lùi lại phía sau, cho họ không gian riêng.
Vài phút sau, Matt chỉ tay về phía tôi. Một vệ sĩ nắm vai, kéo tôi đi qua đám đông, rồi đặt tôi ngay cạnh Matt và Lady Gaga. Matt vòng tay qua hai chúng tôi và kéo cả ba xích lại gần nhau.
“Này, L.G.,” anh ấy hét lên, át tiếng nhạc. “Cô có nhớ thứ gọi là Cánh cửa thứ ba mà tôi từng kể không?”
Gaga mỉm cười và gật đầu.
“Vậy cô còn nhớ câu chuyện về chàng trai đã thắng Hãy chọn giá đúng không? Cái anh chàng đã cùng mấy người bạn đến đại hội cổ đông của Buffett ấy?”
Cô ấy cười to hơn và thậm chí gật đầu nhiều hơn.
“Ồ,” Matt nói, chỉ vào tôi, “cậu ấy đây này.”
Mắt Gaga trợn to – cô ấy quay sang nhìn tôi, giơ tay lên trời và ôm tôi một cái thật chặt.
KỂ TỪ KHI ELLIOTT GIỚI THIỆU TÔI với Matt tại buổi hòa nhạc ở thành phố New York, Matt đã trở thành một người thầy của tôi. Có lần tôi còn ở nhờ nhà khách của anh ấy suốt hàng tuần trời, tôi đi cùng anh ấy đến New York, San Francisco, và khi tôi gặp khó khăn với Zuckerberg, anh ấy vẫn luôn hết lòng giúp tôi. Thậm chí cả việc sắp xếp một cuộc phỏng vấn với Lady Gaga, tôi cũng không cần phải hỏi. Matt tự đề cập và giúp tôi biến nó thành sự thật. Anh ấy là người như vậy.
Buổi chiều sau hôm gặp Gaga ở câu lạc bộ đêm, tôi ngồi trên chiếc trường kỷ trong phòng khách sạn thì thấy anh ấy đi vào, điện thoại áp lên tai. Matt rảo bước quanh phòng. Khi anh ấy gác máy, tôi hỏi anh ấy vừa nói chuyện với ai. Anh ấy nói đó là Gaga – và cô ấy đang khóc.
Matt ngồi xuống và giải thích. Hai album đầu tiên của Gaga đều là bom tấn và đưa cô ấy lên đỉnh cao của ngành âm nhạc, nhưng sau đó, chỉ trong năm vừa qua, cô ấy đã phải phẫu thuật do gãy xương hông, phải ngồi trên xe lăn và phải hủy 25 buổi lưu diễn. Sau đó, cô cãi nhau với quản lý lâu năm của mình về định hướng sự nghiệp, và tin tức Gaga sa thải anh ta trở thành tít chính trên nhiều mặt báo. Quản lý của Gaga, người trước kia từng từ chối lời mời phỏng vấn của tôi, đã kể mọi chuyện theo quan điểm của mình với báo chí, nhưng cô chỉ giữ im lặng, điều đó chỉ càng làm dấy lên nhiều hoài nghi. Vài tuần sau đó, Gaga tung ra album thứ ba của mình, ARTPOP và bị các nhà phê bình chỉ trích thậm tệ. Rolling Stone gọi nó là “kỳ quái”. Variety gán cho một số bài hát trong album cái mác “ru ngủ”. Album trước đó của Gaga đã bán được hơn 1 triệu bản trong tuần đầu tiên. ARTPOP còn không bán được đến một phần tư số đó.
Đó là những gì xảy ra bốn tháng trước. Và giờ đây, Gaga đang chuẩn bị quay lại với ánh hào quang sân khấu. Hai hôm nữa, cô sẽ tham gia chương trìnhJimmy Kimmel Live vào buổi chiều; còn buổi tối thì biểu diễn tại một buổi hòa nhạc và có bài diễn thuyết chính tại South by Southwest26 vào buổi sáng tiếp theo.
Bài diễn thuyết chính là điều khiến cô lo lắng nhất. Nó không phải là một bài phát biểu ngắn trước mặt người hâm mộ mà là cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ với những chuyên gia âm nhạc đầu ngành cùng các phóng viên, và rất nhiều người trong số họ là bạn bè với người quản lý cũ. Gaga lo rằng một số người hy vọng cô sẽ gặp chuyện xấu hổ. Không khó để tưởng tượng những câu hỏi mà họ sẽ nêu ngày mai: Cô có nghĩ ARTPOP là một thất bại không? Việc sa thải vị quản lý đã gắn bó nhiều năm có phải là một sai lầm không? Liệu những bộ trang phục điên rồ có phản tác dụng không khi doanh số album mới liên tục sụt giảm?
Đó là lý do tại sao Gaga khóc, gọi điện cho Matt và nhờ anh giúp đỡ. Cô ấy cảm thấy mình đang bị hiểu lầm. Cô ấy đã thể hiện chính bản ngã khi tạo ra ARTPOP, nhưng cô không thể tìm được cách giải thích ý nghĩa phù hợp. Mấy hôm nữa là cơ hội để Gaga bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp của mình và cô ấy không muốn gánh nặng vừa qua kéo sự nghiệp sụp đổ.
Sau khi Matt giải thích chuyện này với tôi, anh ấy gọi điện cho một nhân viên của mình, một giờ sau, họ ngồi cạnh tôi trong phòng khách sạn, xây dựng một câu chuyện mà Gaga có thể sử dụng. Nhân viên của Matt khoảng gần 30 tuổi. Tôi biết anh ta theo học kinh doanh ở đại học, nhưng tất cả những gì tôi nghe được từ miệng anh ta là đống từ ngữ đao to búa lớn đầy sáo rỗng: “ARTPOP viết về sự hợp tác!” ,“Sự dung hòa!” ,“Sự gắn kết!”
Tôi muốn hét lên: “Đó không phải là cách miêu tả tâm hồn của một nghệ sĩ.” Nhưng tôi cảm giác đây không phải là nơi tôi có thể lên tiếng, đặc biệt khi Matt đối xử với tôi rất hào phóng. Anh ấy sắp xếp để tôi có cơ hội phỏng vấn Gaga vào cuối tuần này, và thêm nữa, anh ấy còn để tôi ở cùng mình. Vì vậy, tôi đã giữ im lặng.
Nhưng những ý tưởng cứ sôi sục trong tôi. Tôi đã đọc tiểu sử của Gaga, vùi đầu trong những bài báo về cô ấy, và không ngừng phân tích lời ca của những bài hát trong ARTPOP. Khi nghe Matt và nhân viên của mình nói chuyện, tôi cảm giác mình giống như một cầu thủ bóng rổ ngồi trên ghế dự bị, đầy bồn chồn và vô cùng tha thiết muốn vào sân.
Một tiếng đồng hồ sau, Matt chán nản nhìn tôi: “Cậu có gì góp ý không?”
“Dạ…” tôi nói, cố gắng kiềm chế bản thân, nhưng thay vào đó, những bài học tôi học được trên hành trình của mình cháy rực cùng tất cả những gì tôi đã đọc về Gaga bắt đầu tuôn trào mạnh mẽ. “Nghệ thuật là kiến trúc của cảm xúc, và nếu chúng ta nhìn Gaga qua lăng kính đó, có thể thấy những chiếc xà gỗ dựng lên tác phẩm kiến trúc ấy đều xuất phát từ tuổi thơ. Khi còn nhỏ, Gaga theo học trường dòng và cảm thấy ngột ngạt. Khi các bà xơ đo váy, họ bắt cô phải tuân theo các quy tắc. Giờ đây, khi Gaga mặc những chiếc váy làm từ thịt, dường như cô ấy vẫn đang muốn nổi loạn trước họ!”
“Tất cả những gì Gaga đại diện chính là sự nổi loạn sáng tạo!” Matt nói.
“Chính xác! Người sáng lập của TED từng nói với em: ‘Thiên tài là đối nghịch của kỳ vọng’, và nó thực sự phù hợp trong trường hợp này! Dù cho đó là âm nhạc hay trang phục của cô ấy, Gaga luôn luôn đi ngược lại với kỳ vọng.” Tôi bật người khỏi trường kỷ, cảm giác phấn khích hơn bao giờ hết.
“Người hùng của Gaga là Andy Warhol,” tôi tiếp tục, “sử dụng một hộp súp Campell làm chủ đề cũng là đối nghịch của kỳ vọng! Các nhà phê bình đả kíchARTPOP vì nó quá phá cách và không đồng điệu với công chúng như album trước, nhưng nếu đây chính là dụng ý của cô ấy thì sao? Album của Gaga phảiđược tạo ra như thế! Nghệ thuật của cô ấy là đối nghịch của kỳ vọng. Mọi chuyện trở nên hợp lý nếu như cô ấy đang đứng đầu Top 40, và giờ cô ấy làm ngược lại. ARTPOP không khiến Gaga mất đi cá tính của mình. ARTPOP là Gaga khi hoàn toàn được là chính mình!”
Tôi cứ tiếp tục và tiếp tục cho đến khi phải ngã gục xuống trường kỷ để lấy hơi. Tôi nhìn lên Matt.
“Chúc mừng,” anh ấy nói. “Cậu có 24 tiếng để viết những điều đó.”
Trời đã quá nửa đêm. Matt ra ngoài dự sự kiện còn tôi thì ở một mình trong phòng, dán mắt vào máy tính. Dòng suối từ ngữ tuôn trào lúc trước giờ đã cạn khô. Trước sáng hôm sau tôi phải đưa cho Matt văn bản dài một trang với những ý diễn thuyết chính và một bài thuyết trình trên PowerPoint để anh ấy đưa cho Gaga.
Lúc trước khi ngồi trên trường kỷ quan sát Matt và nhân viên của anh ấy, tôi đã hình dung ra tất cả những gì mình có thể làm nếu tôi vào cuộc. Nhưng giờ khi nhập cuộc, tôi cảm giác như dù có cố gắng nhảy đến mức nào, chân của tôi vẫn dính chặt trên mặt đất.
Hàng phút kéo thành hàng giờ. Tôi lên giường ngủ, hy vọng mình có thể tìm thấy cảm hứng vào buổi sáng. Tuy nhiên, khi nằm trong chăn, tôi lại chẳng thế nào chợp mắt. Đầu óc tôi rối bời, và không biết tại sao, tôi cứ nghĩ mãi về đoạn phim của Steve Jobs mà tôi từng xem trên YouTube vài năm trước. Trong đó, ông ấy giới thiệu chiến dịch marketing “Nghĩ khác biệt” và nói về tầm quan trọng của việc định nghĩa giá trị bản thân. Đó là một trong những bài phát biểu xuất sắc nhất mà tôi từng xem. Tôi tung chăn, với lấy máy tính. Tôi mở ra xem lại bài phát biểu và một lần nữa, tôi vẫn thấy vô cùng ấn tượng. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là: Tôi cần phải cho Gaga xem đoạn video này. Nó ẩn chứa phép màu mà tôi đang thiếu.
Nhưng tôi sẽ không ở cùng cô ấy vào hôm sau. Và thậm chí nếu tôi ở cùng, tôi cũng không thể ép Lady Gaga xem một đoạn phim trên YouTube. Thế là tôi email cho Matt:
Đây chính là nó… hãy tin tưởng em và xem hết cả bảy phút.
https://www.youtube.com/watch?v=keCwRdbwNQY
Không lâu sau, Matt đi vào phòng.
“Anh đã xem đoạn video chưa?” tôi hỏi.
“Chưa. Giờ tôi sẽ xem nó.”
Cuối cùng, tôi cũng cảm thấy mọi thứ đang đi vào quỹ đạo. Matt mất hút trong phòng và tôi có thể nghe thấy tiếng nói vọng qua cánh cửa mở. Rồi Matt xuất hiện với một cái bàn chải đánh răng trong miệng và điện thoại trên tay, gần như chẳng nhìn vào đoạn phim đang chiếu. Ngay cả khi bài phát biểu kết thúc, Matt cũng không nhận ra. Anh ấy quay trở về phòng mình mà không nói gì.
Tôi kéo chăn phủ lên người. Không những kế hoạch của tôi không hiệu quả, mà giờ đã là phút thứ 90, tôi thì đã cạn kiệt ý tưởng.
Tôi thức dậy trước bình minh và ra đại sảnh ngồi viết tiếp. Nhưng dù có cố gắng đến mấy, những từ ngữ tôi viết ra vẫn không đạt được tầm ảnh hưởng như tôi nghĩ. Matt đột nhiên gọi điện cho tôi.
“Về phòng đi,” anh ấy nói. “Cuộc họp của tôi với Gaga sẽ diễn ra sớm hơn. Giờ thì chúng ta chỉ còn có hai tiếng.”
Tôi vội vã quay lại phòng, ngay khi vừa mở cửa ra, tôi nhìn thấy Matt đứng bên quầy bếp, máy tính xách tay đặt trước mặt và đeo tai nghe – anh đang xem video của Steve Jobs ở chế độ toàn màn hình. Mắt anh ấy dán chặt vào màn hình. Khi video kết thúc, Matt từ từ quay đầu.
“Tôi có một ý tưởng,” anh ấy nói.
Tôi im lặng.
“Tôi sẽ bảo Gaga… xem video này.”
“TUYỆTTT!” tôi reo lên.
Niềm hoan hỉ ấy bùng cháy trong tôi, tôi nhanh chóng lôi máy tính và viết lại toàn bộ những ý chính cần nói trong vòng một phút, chuyển tải hoàn hảo tất cả những gì tôi đã nói vào hôm trước. Matt hiểu rất rõ về Gaga, nhờ sự chỉnh sửa của anh ấy, kịch bản đã được nâng lên tầm cao mới. Giờ thì tất cả những gì chúng tôi cần là phần trình chiếu PowerPoint.
Matt phải có mặt ở nhà của Gaga trong vòng một tiếng nữa, vì thế tôi ở lại để hoàn thành nó. Cảm giác làm việc dưới áp lực thật phấn khích, như thể đồng hồ trận đấu đang đếm ngược 10… 9… 8… Khi Matt gọi điện thông báo anh ấy đang đi vào – chuông cửa vừa vang lên, cũng là lúc tôi nhấn nút gửi.
Một giờ sau, điện thoại tôi rung lên. Tin nhắn mới từ Matt.
Home run27. Mọi người ở đây đều đang khóc.
HAI NGÀY tiếp theo giống như một trận cuồng phong. Tối muộn hôm đó, tôi đến buổi hòa nhạc của Snoop Dogg để gặp Matt và Lady Gaga. Sau khi gọi một lon Red Bull, tôi nhìn thấy họ trên chiếc sô-pha ở khu vực VIP. Matt ra hiệu cho tôi ngồi cạnh Gaga. Tôi ngồi xuống và cô ấy vòng tay quanh người tôi, cánh tay còn lại thì với lấy lon Red Bull, uống một ngụm và trả nó lại.
“Alex,” cô ấy nói, “đôi khi… đôi khi bên trong chúng ta có thứ gì rất sâu sắc, nhưng ta lại không thể tự mình diễn đạt nó. Cảm ơn cậu đã giúp tôi diễn đạt nó bằng lời.”
“Và những lời về Andy Warhol,” cô ấy nói tiếp, mỉm cười và vung tay lên không trung. “Rất ấn tượng.”
Sau khi Gaga và tôi nói chuyện xong, Kendrik Lamar đến và ngồi cạnh tôi. Snoop Dogg tiếp tục biểu diễn trên sân khấu, hát những bài hát yêu thích của tôi. Tôi đứng dậy và nhảy, cảm thấy tự do hơn bao giờ hết.
Buổi tối hôm sau, khi tôi và Matt đang trên đường đến buổi biểu diễn của Gaga, tôi lướt Twitter và thấy cô ấy đã thay tên tài khoản của mình thành “NỔI LOẠN SÁNG TẠO”. Cô đã tweet:
ARTPOP là sự nổi loạn sáng tạo. Tôi không chơi theo luật của các bà xơ. Tôi tự tạo ra luật chơi của mình. #MonsterStyle #ARTPOP
Khoảng một giây sau, tôi nghe thấy những tiếng hò reo như sấm rền của hàng nghìn người hâm mộ khi Gaga nhảy trên sân khấu. Trong lúc cô ấy hát, một người phụ nữ đứng bên cạnh đập những chai dung dịch màu xanh lá cây. Gaga đứng yên dưới ánh đèn và người phụ nữ tự bịt miệng, rồi nôn vào ngôi sao nhạc pop. Gaga gọi đó là “nghệ thuật nôn”.
Nhìn thấy chất lỏng màu xanh phun ra từ miệng người phụ nữ và bắn lên khắp người Gaga, tôi co rúm lại. Matt phá lên cười. “Đối nghịch của kỳ vọng, phải không?”
Sau đó, vào buổi tối hôm ấy, cuộc phỏng vấn của Gaga trong Jimmy Kimmel Live lên sóng. Kimmel mở màn với một câu chọc ngoáy về những bộ trang phục của Gaga, rồi anh lại tiếp tục chọc ngoáy ARTPOP. Nhưng Gaga không hề nao núng. Cô ấy phản pháo lại với câu “đối nghịch của kỳ vọng” và khán giả rú lên tán thưởng.
Chỉ sau nháy mắt, tôi ngồi ở hàng ghế đầu để nghe bài diễn thuyết vào sáng hôm sau, giữa Matt và bố của Gaga. Ánh đèn tối dần. Gaga bước lên sân khấu trong một chiếc váy khổng lồ làm bằng vải nhựa. Một trong những câu hỏi đầu tiên là về “nghệ thuật nôn”.
Cô ấy giải thích về việc hình thành ý tưởng và nói: “Các bạn biết không, Andy Warhol đã nghĩ rằng ông ấy có thể biến một lon súp thành nghệ thuật. Đôi khi những thứ rất kỳ lạ, và rất sai, có thể thực sự thay đổi thế giới… Đó chính là việc giải phóng bản thân bạn khỏi những kỳ vọng của ngành âm nhạc hay những kỳ vọng của hiện trạng. Tôi chưa từng thích việc để người khác đo váy của mình hồi đi học hay khuyên nhủ mình phải làm gì và phải tuân theo luật lệ nào.”
Những tràng pháo tay vang dội khắp căn phòng. Bài diễn thuyết kết thúc và khán giả đứng dậy tán dương.
Matt đi thẳng ra sân bay và tôi quay lại khách sạn để đóng đồ. Trong lúc tôi đang thu dọn, Matt gửi cho tôi một ảnh chụp màn hình tin nhắn anh vừa nhận được từ Gaga:
Tôi không biết phải nói gì. Thực sự rất biết ơn về mọi việc mà mọi người đã làm. Nhờ sự ủng hộ của mọi người, tôi mới có thể tung cánh bay cao. Hy vọng rằng tôi đã khiến anh và Alex tự hào.
Vừa đọc xong tin nhắn của Gaga thì một tin nhắn khác lại đến. Một người bạn từ USC mời tôi đến dự bữa tiệc ở trường. Bạn bè đại học của tôi đang học kỳ cuối của năm cuối, và họ chuẩn bị tổ chức ăn mừng tốt nghiệp. Tôi cảm giác như tôi cũng đang ăn mừng, theo cách của riêng mình.
NHÌN RA NGOÀI cửa sổ máy bay, những đám mây lững lờ trôi phía dưới, tôi không thể ngừng nghĩ về trải nghiệm gặp gỡ với Gaga. Nó có vẻ là kết quả của một loạt quyết định nhỏ. Nhiều năm về trước, tôi đã lựa chọn email ngẫu nhiên Elliott Bisnow. Rồi tôi lựa chọn đi châu Âu với anh ấy. Tôi lựa chọn đến buổi hòa nhạc đó ở thành phố New York, nơi Elliott giới thiệu tôi với Matt. Rồi tôi lựa chọn dành thời gian đến thăm nhà Matt và xây dựng quan hệ với anh ấy.
Một câu nói đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi, câu nói ấy xuất phát từ Harry Potter. Ở một thời khắc cực kỳ quan trọng trong truyện, giáo sư Dumbledore đã nói: “Chính những lựa chọn của chúng ta nói lên chúng ta thực sự là ai, chứ không phải là năng lực.”
Chính những lựa chọn của chúng ta… chứ không phải năng lực…
Tôi nghĩ lại về cuộc nói chuyện của mình với Qi Lu và Sugar Ray Leonard. Lời nhắn nhủ trong câu nói đó chính là bài học tôi nhận được trong những cuộc phỏng vấn này. Dù cả Qi Lu và Sugar Ray đều được sinh ra với năng lực nổi bật, nhưng điều thực sự khiến họ nổi bật trong mắt tôi chính là lựa chọn của họ. Thời gian Qi là một lựa chọn. Đuổi theo xe buýt là một lựa chọn.
Những hình ảnh khác nhau bắt đầu hiện ra trong đầu, lướt qua trước mắt tôi giống như một bài thuyết trình. Khi Bill Gates ngồi trong phòng ký túc xá, vượt qua nỗi sợ của mình và nhấc điện thoại thực hiện cuộc chào hàng lần đầu tiên, đó là một lựa chọn. Khi Steven Spielberg nhảy xuống chiếc xe buýt du lịch của Universal Studios, đó là một lựa chọn. Khi Jane Goodall làm nhiều công việc khác nhau để tiết kiệm tiền đi châu Phi, đó là một lựa chọn.
Mọi người đều có năng lực đưa ra những lựa chọn nhỏ có thể thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Hoặc bạn có thể lựa chọn đầu hàng và tiếp tục xếp hàng để đi Cánh cửa thứ nhất, hoặc bạn có thể lựa chọn rời khỏi hàng, chạy vào ngõ hẻm và đi Cánh cửa thứ ba. Tất cả chúng ta đều có lựa chọn.
Bài học lớn nhất tôi học được từ hành trình của mình chính là những lựa chọn này hoàn toàn có thể. Chính tư duy “có thể” này đã thay đổi cuộc đời tôi. Bởi vì khi bạn thay đổi thứ mình tin là có thể, bạn đã thay đổi những điều có thể trở thành.
Bánh xe máy bay chạm xuống đường băng Los Angeles. Tôi cầm chiếc túi du lịch và đi qua cửa tàu bay, cảm nhận một sự bình lặng êm ái mà tôi chưa từng biết đến.
Tôi rời băng chuyền hành lý. Khi bố tôi đỗ xe bên vỉa hè, tôi bước tới và ôm ông thật lâu. Tôi ném chiếc túi du lịch vào cốp và trèo lên xe.
“Vậy, cuộc phỏng vấn diễn ra thế nào?” ông hỏi.
“Nó chưa từng xảy ra,” tôi nói.
Tôi kể những câu chuyện của mình cho bố nghe, ông phá lên cười thật to. Chúng tôi thẳng tiến về nhà.